Gia đình trong các xã hội nông nghiệp (p1)

Bùi Quang Dũng

patriarchy-134102395xChế độ gia trưởng theo nghĩa vừa trình bày phát triển nổi bật trong các xã hội nông nghiệp châu Âu trung đại hay ở Trung Quốc ngày xưa. Nó hình thành trên cơ sở các quan hệ thừa kế tài sản và chế độ sở hữu ruộng đất.

Tầm quan trọng của gia đình

Cảnh mùa gặt ở Ai Cập thời cổ đại. Nguồn:  paxtonvic.wordpress.com
Cảnh mùa gặt ở Ai Cập thời cổ đại. Nguồn: paxtonvic.wordpress.com

Gia đình là “một nhóm xã hội đặc trưng bởi ở nhà chung, hợp tác kinh tế và tái sinh sản” (Murdock, 1949) Nhưng những người sống chung với nhau và hợp tác về kinh tế rất có thể không phải là thành viên của gia đình (như trường hợp có người giúp việc sống trong nhà chẳng hạn); trong khi đó một số thành viên của gia đình lại có thể sống riêng rẽ như việc con cái đi học xa hoặc một vài thành viên nào đó của gia đình đi làm và sống xa nơi ở của gia đình.

Thuật ngữ chuyên môn hộ gia đình (Household) dùng để chỉ những nhóm cư trú theo nhiệm vụ và gia đình cho những nhóm xác định bằng hôn nhân và dòng dõi. Phân biệt gia đình và hộ gia đình là hữu ích để đi vào nghiên cứu một số hệ thống gia đình, tuy nhiên cần nhớ rằng trong những xã hội khác nhau thì cái đơn vị được xác định bằng hai thuật ngữ đó lại có những tính quy định riêng về văn hóa. Trong khi nhiều vai trò của gia đình có thể biến mất trong xã hội công nghiệp thì nó vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội nông nghiệp. Gia đình là đơn vị kinh tế chủ yếu, hiểu theo nghĩa chặt chẽ của từ này, cũng được xác định trước hết là với gia đình ở nông thôn và các xã hội nông nghiệp. Gia đình là đơn vị sản xuất và trong nền kinh tế nhằm mục đích mưu sinh thì phương tiện để đảm bảo sự sinh tồn của nhóm gia đình là đất đai.

Con cái là nguồn bảo đảm kinh tế gia đình và là nơi nương tựa của bố mẹ lúc họ già yếu. Trách nhiệm giữa các thế hệ trong xã hội nông thôn vô cùng quan trọng chừng nào mà còn chưa có gì để thay thế cho những quan hệ gia đình với tư cách là một yếu tố của hệ thống bảo hiểm và phúc lợi xã hội bên cạnh làng. Sinh con là mục đích chủ yếu của hôn nhân, và thực chất của hôn nhân là một thứ liên minh tái sinh sản. Việc có con được coi như một đầu tư cho tương lại. Thậm chí, trong các xã hội mà kinh tế gia đình là quan hệ phụ thuộc (như trong nền kinh tế phong kiến), thì bảo hiểm xã hội vẫn là một chức năng quan trọng của gia đình nông dân, mặc dù người ta có thể nói tới vai trò của giới chủ đất trong những vẫn đề tương tự. Minh hoạ cho nhận xét này là những cứ liệu từ chế độ thừa kế trong hệ thống gia đình Thái lan: bố mẹ cố gắng kéo dài thời gian chia thừa kế tài sản gia đình vì họ mong đợi con cái có trách nhiệm lâu hơn đối với họ (Popkin, 1979).

Vai trò giáo dục của gia đình đã bộc lộ rất sớm mặc dù ở phần lớn các xã hội nông nghiệp sơ khai, sự phân chia cộng đồng thành những nhóm lứa tuổi quan trọng hơn. Sự phân chia đó đối lập thế hệ trẻ với thế hệ già và lớp trẻ thường xem họ là con của lớp già. Sự kiện này liên quan trực tiếp tới lễ thụ phong, tới những nghi thức khai tâm chuyển toàn thể số con trai (và con gái) vị thành niên sang quy chế của người thành niên. Durkheim đã nói tới vai trò của những nghi lễ đó trong việc xã hội hóa số vị thành niên. Đây là sự khác biệt chủ yếu giữa xã hội nguyên thủy với các xã hội đa phức nơi không tồn tại những nghi lễ đó. Chính vì thế tầng lớp thanh niên thường phải trải qua một thời kỳ rất mơ hồ về vị thế .

Trong những xã hội đã hiện đại hóa, chức năng tái sản xuất vẫn tồn tại trong khi một số chức năng sẽ được gia đình chuyển cho các thể chế xã hội khác. Sự biến mất của chức năng kinh tế của gia đình có thể nói là biểu hiện rõ nét nhất của sự biến đổi này. Vậy quá trình này đã diễn ra như thế nào?

Một buổi họp hai họ để thương lượng lễ cưới ở Nam châu Phi. Nguồn:  http://randburg.locanto.co.za/
Một buổi họp hai họ để thương lượng lễ cưới ở Nam châu Phi. Nguồn: http://randburg.locanto.co.za/

Rõ rệt nhất mà ta có thể quan sát được là những biến đối gắn liền với sự tìm kiếm công ăn việc làm ngoài làng. Khi những người nông dân rời khỏi nhà để làm việc ở thành thị, xí nghiệp hay hầm mỏ, thì những hoạt động mưu sinh của họ tách rời hẳn hệ thống quyền hành và bổn phận của đoàn thể. Lúc anh ta kiếm được những đồng tiền đầu tiên và thu nhận được những kinh nghiệm nghề nghiệp, thì về phương diện kinh tế anh ta không phụ thuộc vào gia đình nhỏ hay đại gia đình cũ nữa. Quyền hạn và sự đoàn kết gia đình bị lung lay và sự thống nhất của các thành viên trong gia đình bị lay động mạnh mẽ. Trong xã hội người Bantu ở miền Nam và Đông Phi châu, kinh tế gia đình bị đảo lộn đến nỗi cách thức cung cấp trâu bò làm của cưới hỏi (Lobola) là bổn phận của người cha cùng với món tiền tặng hay cho mượn của những người bà con khác dần dần bị mất đi. Bắt đầu cho quá trình này là việc nhiều thanh niên trong làng kiếm được việc làm không những để trả thuế mà còn để mua trâu bò làm tròn bổn phận cưới hỏi. Đây là một sự thay đổi có tính chất cấp tiến và tiến bộ. Cứ như thế dẫn tới thủ tiêu hình thức vật tặng bằng trâu bò và thay vào đó một món tiền tương đương. Nghĩa là loại bỏ dần, một mặt là những cách xắp xếp có ý nghĩa trong nền kinh tế làng mạc, mặt khác là những tập tục và nghi lễ hôn nhân tượng trưng cho tình đoàn kết trong gia đình.

Gia đình hạt nhân và gia đình mở rộng

Khi nói gia đình hạt nhân là nói tới sự chung sống của một người đàn ông với người vợ của mình và con cái của họ. Trong một số trường hơp, còn kể thêm một vài người (ông bà) cùng chung sống với họ. Kiểu gia đình này có một vai trò nổi bật ở các xã hội công nghiệp tiên tiến.

 A family poses in front of their house near Springview, Nebraska (1900).
Ảnh một gia đình nông dân gần Springview, Nebraska (1900). Nguồn: realtruth.org

Gia đình hạt nhân do Murdock miêu tả, là hình thức gia đình thường thấy nhất ở châu á. Murdock giải thích tính chất phổ biến của loại hình gia đình này bằng lâp luận rằng chỉ có gia đình có bố mẹ và con cái cùng chung sống là đáp ứng tốt nhất bốn chức năng sau đây: điều tiết các quan hệ giới tính; duy trì một ngân quỹ chung; sinh con; xã hội hóa con cái. Mặt khác, ông ta cũng thừa nhận rằng tại nhiều xã hội nông nghiêp, có một số thể chế phi gia đình thực hiện tốt các chức năng trên (Murdock, 1949 ). Chẳng hạn, ở Tây Tạng, đời sống tính dục không giới hạn ở đôi vợ chồng và việc xã hội hóa diễn ra trong khung cảnh láng giềng bao gồm nhiều gia đình sống hơp tác hơn là bên trong một gia đình độc nhất. Trong gia đình tại một số nước Đông và Nam á, thành viên các gia đình cùng chia xẻ một ngân quỹ chung có thể không sống cùng nhau.

Trái với quan niệm cũ cho rằng gia đình hạt nhân chỉ giữ vai trò hết sức hạn chế ở những xã hội cổ sơ vì nó bị các nhóm lớn hơn lấn át, hiện nay giới nghiên cứu cho rằng ở hầu khắp mọi nơi, kể cả những nơi mà các nhóm rộng lớn hơn có vai trò xã hội và pháp lý quan trọng, vẫn tồn tại gia đình hạt nhân. Có thể đó là do những nguyên do kinh tế, là vì gia đình hạt nhân (gồm người chồng và người vợ) có lẽ là phương thức hợp tác phổ biến nhất, cũng như nó có thể là hình thức sớm nhất của sự phân công lao động theo giới tính. Sự đồng nhất đó giữa quan hệ tính giao (hôn nhân) và quan hệ kinh tế là một hiện tượng văn hóa phổ biến.

Xã hội hiện đại luôn sản sinh ra vô số văn hóa và các nhóm nhỏ, điều đó, theo các nhà nghiên cứu, giải thích sự khác biệt cơ bản về vị trí giữa gia đình hạt nhân của xã hội nguyên thủy với gia đình hạt nhân của xã hội hiện đại. Trong xã hội nguyên thuỷ, gia đình hạt nhân kết nhập với xã hội toàn thể tới mức chúng sẽ bị phá huỷ hoàn toàn nếu tách ra khỏi xã hội toàn thể. Trong kiểu loại xã hội đó, kinh tế kết hợp không tách rời với gia đình, còn ở xã hội hiện nay thì không như vậy, ngoài trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi như trong những bộ phận tụt hậu (nông nghiệp, thủ công nghiệp), v.v.

Gia đình mở rộng được xác định là những hộ gia đình bao gồm cha mẹ ông bà cháu, con dâu hoăc con rể của chủ hộ gia đình. Nhìn chung gia đình mở rộng là những gia đình có ba thế hệ hoặc hai cặp vợ chồng. Hộ gia đình có những người họ hàng chưa kết hôn (chú bác) không được tính là hộ gia đình mở rộng. Gia đình mở rộng bao gồm hai hoặc nhiều gia đình hạt nhân thành lập do sự phát triển của những quan hệ bố mẹ – con cái chứ không phải do những quan hệ chồng vợ.

Kiểu gia đình này có hai hình thức cơ bản:

a. Một hoặc nhiều con trai đã thành niên, lấy vợ có con vẫn sống chung với bố và người bố cho tới khi chết vẫn giữ quyền giám hộ con cái. Đó là gia đình đa thế hệ và ví dụ rõ nhất là gia đình gia trưởng của luật pháp La Mã;

b. Sau khi người bố mất, những đứa con trai đã thành gia thất vẫn tiếp tục sống chung với nhau, thì đó là đại gia đình. Ví dụ rõ nhất của loại gia đình này là đại gia đình Trung Hoa. Các gia đình đó có thể sống chung trong cùng một ngôi nhà, hoặc thông thường, họ ở trong những ngôi nhà cất cạnh nhau, trong đó có một ngôi khác với các ngôi nhà kia, đó là nhà của người gia trưởng.

Một gia đình  mở rộng người Trung Hoa.  Nguồn: Chinathree
Một gia đình mở rộng người Trung Hoa. Nguồn: Chinathree

Những gia đình mở rộng ở nông thôn thường có sự phân công lao động khá rạch ròi và nền kinh tế chung của gia đình vẫn được duy trì ngay cả khi tất cả các thành viên không cùng sống chung một nơi nữa. Những đứa con trai cùng nhau làm việc trên cánh đồng dưới sự điều khiển của ông bố. Các con dâu luân phiên nhau làm việc bếp núc cho toàn thể gia đình dưới sự chỉ dẫn của mẹ chồng. Chính vì thế mà những người con dâu khác có thể rảnh tay để làm nông nghiệp. Trong những gia đình mở rộng như thế thì về mặt lý thuyết các anh em trai phải ở với nhau cho đến khi ông bố qua đời, lúc đó gia đình và bất động sản phải đựoc chia thành những phần bằng nhau cho mỗi con trai. Tuy nhiên, do những căng thẳng phổ biến vốn có trong các gia đình mở rộng thì việc phân chia sớm là khá phổ biến. Trong hệ thống này từng thành viên đều có quyền sở hữu tài sản gia đình ngay từ khi họ sinh ra. Cô dâu mới về nhập vào gia đình mở rộng và bị đặt dưới quyền lực của mẹ chồng, cô ta thường được mô tả như là một nạn nhân không có quyền thế .

Những nghiên cứu về tình hình nông thôn Trung Quốc đều cho thấy thông thường gia đình mở rộng thường không nhiều hơn 20% tổng số gia đình. Có thể tìm thấy vô số gia đình kiểu này trong đám trung nông, những nông dân khá giả. Do nguyên tắc thừa kế tồn tại ở Trung Quốc trước 1947, đất đai đuợc chia đều cho các con trai sau khi người bố qua đời. Nguyên tắc thừa kế nay do Nhà nước ấn định nhằm tăng thêm tối đa số lượng những người đóng thuế. Quyền lợi của gia đình nông dân được đáp ứng tốt nhất bằng cách giữ lại đất đai vừa nhiều lại vừa lâu dài. Gia đình mở rộng có thể xem như một phương tiện để tránh những hậu quả của việc phân chia tài sản ruộng đất.

Các nghiên cứu nhân học và xã hội học nông thôn cho thấy có thể có nhiều nhân tố quy định sự tồn tại của các loại gia đình hạt nhân và gia đình mở rộng. Cách người ta tìm kiếm các nguồn thức ăn là nhân tố tác động nhiều nhất. Hiển nhiên là ở đâu mà thức ăn khan hiếm như ở nhiều dân nguyên thuỷ, thì những đơn vị lớn hơn gia đình hạt nhân sẽ gặp khó khăn khi luôn chung sống cùng nhau, và chỉ có thể tập hợp trong những thời kỳ dư thừa tạm thời hay là do những lý do đặc biệt, chẳng hạn như săn chung các con thú lớn. Gia đình mở rộng và những nhóm gia đình lớn hơn gia đình hạt nhân xuất hiện nhiều hơn ở những dân trồng trọt nơi mà các nhiệm vụ trồng cấy và theo đuổi các công viêc bán thời gian vừa cho phép lại vừa yêu cầu lực lượng lao động lớn hơn. Thống kê đã xác định đuợc mối liên hệ giữa gia đình mở rộng với khả năng cung cấp thức ăn lớn hơn và việc tăng lên cac công việc khác nhau (Wolf, 1966).

Bối cảnh văn hóa cũng có liên quan và theo hai cách. Thứ nhất, các kỹ thuật sản xuất bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi, phải có lợi đối với tình hình lao động bổ sung thường trực. Thứ hai, mọi cái phải thuận lợi cho việc tăng thêm lực lượng lao động thường xuyên trong một đơn vị gia đình. Điểm nhấn mạnh trong hai câu này là từ thường xuyên. Nhiều kiểu trồng trọt có lợi nhờ thêm lao động – chẳng hạn, cần thu hoạch mùa vụ trong một thời gian ngắn. Nhưng vụ thu hoạch đôi khi cũng có thể dùng lao động thuê mùa vụ hưởng lương theo tuần và di động hay bằng cách hợp tác lao động giữa hàng xóm giúp lẫn nhau vào những dịp nhất định nhưng không phải tham gia vào đơn vị gia đình.

Trong cả hai trường hợp, lao động bổ sung không phải là thành viên thường trực của nhóm gia đình. Người ta phải nuôi các thành viên thường xuyên, ngoài ra lại phải cung cấp nhà cửa, quần áo và vô số thứ khác trong thời gian dài. Trong một tình huống khác, gia đình mở rộng không kiểm soát hết về mặt kỹ thuật các nguồn lực và phương tiện mà cần tiền để có được những thứ đó. Tất nhiên, nhóm vẫn còn kiểm soát đất đai nhà cửa, và đất cùng với nhà và tiền hình thành một chiến lược cho các hoạt động của nó. Các nhóm như thế có thể góp chung đất và tiền theo cách có lợi nhất mà những đơn vị gia đình hạt nhân không làm được. Do đấy ta thấy có một số gia đình mở rộng ở ngay nơi mà gia đình hạt nhân và sự xắp xếp theo dòng mẹ chiếm ưu thế nhưng lại không thấy có trong số tá điền và nông dân nghèo. Trong những điều kiện như thế, nhiều lao động thường trực trong gia đình là điều kiện tiên quyết và cũng là kết quả của tình hình số lượng nhân khẩu và số lượng các thành viên của gia đình (1).

Hôn nhân

Hôn nhân được hiểu là mối quan hệ được thừa nhận hợp pháp, giữa người đàn ông và đàn bà trưởng thành, đem lại những quyền hạn và nghĩa vụ nhất định (Oxford Dictionary of Sociology, 1998). Sự phân biệt phổ biến liên quan tới khuôn mẫu hôn nhân là hôn nhân giữa những người cùng nhóm hay cùng loại hạng xã hội và hôn nhân giữa những người không cùng nhóm (lọai hạng xa hội). Các nhóm và loại hạng xã hội này có thể gồm chủng tộc, tôn giáo, giai cấp xã hội hay chỉ là các nhóm nghề nghiêp và không gian cư trú. Tại những xã hội với những nền văn hóa khác nhau, người ta nhận thấy ưu thế của khuôn mẫu này hoặc khuôn mẫu kia liên quan tới những yêu cầu về thừa kế hoặc kiểm soát tài sản ruộng đất, v.v…

Đối với nhiều xã hội nông nghiệp, các cuộc hôn nhân nội bộ làng là một khuôn mẫu được khuyến khích và điều này thường được gắn với tác động hạn chế của quá trình hiện đại hóa. Một cuộc nghiên cứu về gia đình gần đây nhất tại vùng châu thổ sông Hồng cho biết tại khu vực thành thị, tỷ lệ các cuộc hôn nhân cùng nơi cu trú của cặp vợ chồng là 13,3% trong khi ở nông thôn tỷ lệ này chiếm tới 77, 3% (Vũ Tuấn Huy và cộng sự, 2004: 66). Trong khi đó, đối với người Mông tại các vùng thượng du thì khuôn mẫu hôn nhân ngoại hôn giữa các làng bản lại được ưa chuộng và điều đó chẳng hề liên quan gì tới hiện đại hóa cả.

Cô đau "bị bắt" về nhà chồng sống thử ba ngày trước hôn lễ. Nguồn sapa-tourism.com
Cô dâu người H’Mong “bị bắt” về nhà chồng sống thử ba ngày trước hôn lễ. Nguồn sapa-tourism.com

Thật thế, thành viên của các gia đình người Mông khai phá những cánh rừng nhỏ hoặc làm rẫy trên vùng núi thượng du phía Bắc Việt Nam. Trồng trọt vài năm, rẫy trở thành không sinh lợi nên các gia đình này lại tiến hành đốt các nương rẫy mới để cho các nương rẫy cũ mọc lại thành rừng và đất đai có thể phục hồi được. Các thành viên của gia đình có quyền đối với mọi thứ họ sản xuất ra trên đất đai, song các thị tộc mà những dòng họ này cấu thành mới là kẻ điều phối các khoảnh đất mà từng gia đình được phép khai hoang. Sau một thời gian thì đất đai có thể khai thác không còn đủ nữa nên một số hoặc nhiều gia đình buộc phải di cư tìm kiếm đất mới cho canh tác nương rẫy. Nếu đất mới là do một dòng họ trong cùng thị tộc kiểm soát thì các thành viên trong dòng họ mới sẽ được phân đất để canh tác. Nói một cách khác, mối quan hệ ràng buộc giữa dòng họ này với cái thị tộc đang kiểm soát đất đai là điểm cốt yếu để nó có thể sinh sống tại nơi mới. Một cách tốt nhất để xác lập mối liên hệ này là hôn nhân. ở người Mông, các cuộc hôn nhân ngoại hôn giữa các làng bản được đánh giá cao vì những cuộc hôn nhân đó tăng cường các mối quan hệ xã hội cho cô dâu, chú rể và họ hàng của họ. Những mối quan hệ mới không chỉ tạo ra những cơ hội viếng thăm lẫn nhau mà nó còn hứa hẹn những thời cơ cho sản xuất và tái sản xuất. Trong khi đó những cộng đồng theo chế độ nội hôn thì khởi đầu thường là những cộng đồng nghèo hơn và chế độ nội hôn có xu hướng kéo dài sự nghèo khổ tương đối của nhóm người này.

Mặc dầu chế độ hôn nhân một vợ một chồng, kết quả của một sự phát triển lâu dài trong lịch sử cho tới nay là phổ biến, vẫn còn những bằng chứng cho thấy chế độ đa thê vẫn tồn tại, dưới những hình thái khác nhau, đặc biệt là trong các xã hội nông nghiệp. Đặc điểm của chế độ này là việc kết hôn giữa một người đàn ông với hai người phụ nữ trở lên. Vấn đề đặt ra đối với chế độ đa thê là nó giả định tình trạng kinh tế khá giả của người chồng và đấy chính là lý do khiến cho loại hình kết hôn này thường tìm thấy ở các giới bên trên của các xã hội. Insun khi nghiên cứu xã hội Việt Nam truyền thống nhận thấy rằng chế độ này chủ yếu xảy ra trong các gia đình nhà quan và gia đình giàu có với lý do chính là nhằm duy trì sự tồn tại lâu dài của dòng giống gia đình.

Thật vậy, trong xã hội Việt Nam ngày xưa, các tầng lớp trên vốn chịu ảnh hưởng nhiều văn hóa Nho giáo, các cuộc hôn nhân hầu hết được dàn xếp và kết quả là thanh niên nam nữ phải tách biệt nhau và thường ở trong nhà, ít có giao tiếp với bên ngoài. Tuy nhiên tập quán lâu đời cho thấy nền văn hóa Nho giáo không ảnh hưởng mạnh trong giới bình dân Việt nam. Phong tục Việt Nam không quá ư nghiêm khắc đối với những giao tiếp của con trai và con gái, và mặc dù điều này là trái với những nguyên tắc của nền đạo đức chính thống, trai gái vẫn giao tiếp thân mật với nhau trong các dịp lễ hội và trò vui ở trong các làng mạc. Abbe Richard nhấn mạnh tới sự tự do của những thiếu nữ thôn quê Việt Nam trong việc lựa chọn bạn đời: “bọn họ luôn luôn lựa chọn người chồng theo ý thích của mình, điều mà người Trung Quốc không dám làm” (Dẫn lại Insun, 1994: 102).

Bà vợ cả của Cả Rinh (con nuôi Đề Thám) và vợ thứ tư của Đề Thám (em của Cả Rinh). Nguồn: http://www.hanoilavie.com/
Bà vợ cả của Cả Rinh (con nuôi Đề Thám) và vợ thứ tư của Đề Thám (em của Cả Rinh). Nguồn: http://www.hanoilavie.com/

Một quan sát khác đối với xã hội nông thôn miền Bắc Việt Nam trước năm 1954 cho thấy sự kiện này tồn tại cả trong giới bình dân. Nếu người vợ không đẻ cho chồng một đứa con trai để kế nghiệp thì anh ta sẽ lấy vợ hai và chỉ có hoàn cảnh quá nghèo túng mới ngăn được người nông dân làm việc đó. Còn có nhiều lý do khác khiến cho tình trạng hôn nhân này có sức sống khá dai dẳng trong các xã hội nông nghiệp: nhu cầu nhân lực hay nhục cảm, thậm chí kể cả việc người đàn ông muốn khoe khoang sự giàu có và địa vị của mình, v.v. Có nhiều gia đình khá giả và đông đủ con cái, người chồng vẫn lấy vợ lẽ. Vào những năm bốn mươi của thế kỷ trước, trong một làng Việt Nam tại Bắc Bộ với 500 dân thì có bốn người phụ nữ là vợ hai (Gourou, 2003) (2).

Trong kiểu hôn nhân cư trú theo nhà chồng, cô dâu rời nhà bố mẹ đẻ đến sống tại nhà chồng sau khi kết hôn còn trong kiểu thứ hai thì ngược lại, người chồng tới sống tại nhà vợ. Hôn nhân cư trú theo nhà chồng phổ biến hơn nhiều so với loại hôn nhân cư trú theo đằng vợ. Điển hình cho lối hôn nhân cư trú về đằng vợ chủ yếu được minh họa trong các tài liệu nhân học liên quan tới các xã hội nhóm nhỏ. Tuy nhiên, cũng có những xã hội như Nhật Bản thì cả hai loại hình hôn nhân này đều tồn tại khá phổ biến. Hiện tượng “gửi rể” trong những xã hội mà loại hình hôn nhân theo nhà chồng thống trị, rất có thể là tàn dư của loại hình hôn nhân cư trú theo về đằng nhà vợ. Trong xã hội Việt Nam truyền thống, sự kiện chàng rể về ở nhà vợ là khá phổ biến và hôn nhân ở rể liên quan chặt chẽ tới tình hình kinh tế nhà vợ. Người chồng về sống tại nhà vợ và phụ thuộc vào kinh tế của vợ. Borri đã nhìn tục ở rể trong xã hội Việt Nam từ quan điểm đó: “những người chồng mang theo phần của cải của mình đến ở nhà vợ, người vợ điều hành mọi công việc của nhà và cai quản gia đình” (Borri, dẫn lại Insun, 1994: 109).

Tài liệu nhân học còn cung cấp loại hình cư trú sau hôn nhân theo cả hai nơi. Đó là kiểu cư trú của người Minangkabau, một tộc người sinh sống tại tỉnh Sumatra (Indonesia) và ở bang Negri Sembilan trên bán đảo Mã Lai. Đối với tộc người này, chồng và vợ đều thuộc về gia đình gốc của mình và không khi nào tạo nên một gia đình riêng rẽ. Quyền về tài sản giải thích khuôn mẫu cư trú sau hôn nhân này. Tài sản có hai loại: tài sản tổ tiên thuộc về dòng họ và tài sản cá nhân. Loại tài sản thứ nhất không được chuyển nhượng và chỉ chuyển cho thế hệ sau theo dòng mẹ. Ruộng đất, thứ tài sản lớn nhất của xã hội trồng trọt, chỉ có được do từ dòng mẹ. Các gia đình có quyền canh tác trên đất đai chung và cái quyền này chỉ truyền lại trong nội bộ dòng họ mẹ. Vậy là tư cách thành viên gia đình cấp cho người ta quyền sử dụng nhà cửa và đất đai chung và quyền này không liên quan tới khuôn mẫu cư trú riêng rẽ của cặp vợ chồng. Tài sản mà người chồng đem về cho gia đình vợ khi kết hôn sẽ quay lại gia đình gốc và bổn phận của anh ta liên quan tới các vấn đề kinh tế hay phúc lợi gia đình, v.v… chủ yếu là đối với chị em gái và con cái của họ. Các nhiệm vụ nông nghiệp và công việc gia đình do phụ nữ quản lý (Sorensen trong Grant Evans, 2001).

Chế độ gia trưởng

Các mẫu hôn nhân phổ biến trong các xã hội nông nghiêp như tục đa thê, sự làm dâu và dòng dõi phụ hệ hàm ý rằng hầu hết các xã hội với những mức độ khác nhau đều mang tính chất gia trưởng. Đàn ông và đàn bà nằm trong những mối quan hệ lệ thuộc thống trị. Người vợ và người mẹ có vai trò đáng kể trong nhiều loại xã hội nhưng không có những bằng chứng chắc chắn về sự tồn tại của các xã hội mẫu quyền thực sự. Mặc dù có nhiều tranh luận về ý nghĩa chính xác của nó, thuật ngữ chế độ gia trưởng (patriarchy) về cơ bản bao hàm một ngạch bậc các mối quan hệ xã hội và các thể chế thống trị đàn bà. (Tony Bilton và cộng sự, 1993). Thuật ngữ này thoạt đầu dùng để chỉ hệ thống xã hội xây dựng trên quyền lực của người đàn ông chủ hộ gia đình, về sau này trong lý thuyết nữ quyền, nó mang ý nghĩa rộng hơn, thành sự thống trị của nam giới nói chung.

Chế độ gia trưởng: bất bình đẳng. Nguồn:  Patriarchal Society (Feminism Glossary Definition) womenshistory.about.com
Chế độ gia trưởng: bất bình đẳng. Nguồn:
womenshistory.about.com

Chế độ gia trưởng theo nghĩa vừa trình bày phát triển nổi bật trong các xã hội nông nghiệp châu Âu trung đại hay ở Trung Quốc ngày xưa. Nó hình thành trên cơ sở các quan hệ thừa kế tài sản và chế độ sở hữu ruộng đất. Trong gia đình, chế độ gia trưởng thể hiện ở vai trò độc đoán của người cha, người chồng. Gia đình là một đơn vị thống nhất và người lãnh đạo gia đình thường được hình dung là có một quyền uy đối với tất cả các thành viên gia đình. Các nhiệm vụ gia đình gắn liền với vai trò của người gia trưởng: phân công các nhiệm vụ sản xuất, chia khẩu phần thu hoạch, tổ chức các cuộc hôn nhân, chăm sóc người già và nuôi dưỡng trẻ em. Hôn nhân trong kiểu xã hội này thực tế biến người vợ thành tài sản của người chồng: “người vợ trong vai trò thể chất… là của cải sinh lý” (Leonardo broom,1962 ). Từ “của cải” sử dụng trong loại xã hội này để chỉ người vợ, chị ta là một trong những thứ tài sản của chồng. Số phận người đàn bà nằm trong tay người đàn ông không có quan hệ thân tộc với chị ta và anh ta sinh ra là để giữ vai trò gia trưởng. Sự lệ thuộc trong chế độ kinh tế gia trưởng là chỗ dựa cho kiểu quan hệ gia đình như thế. Mỗi khi người phụ nữ lập gia đình, họ trở thành kẻ lệ thuộc vào người chồng và không biết tới chuyện cuộc hôn nhân với người đàn ông đó sẽ như thế nào. Ly dị không phải là chuyện nên có là vì cha mẹ những người phụ nữ này không thể tiếp tục nuôi nấng đứa con gái đã gả chồng (và con cái của cô ta) hay chịu những sự tốn kém cho một cuộc hôn nhân thứ hai.

(Còn phẩn Kết)

© Viện Xã hội học www.ios.org
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Tạp chí Xã hội học số 3 -2007, trang 103-112. DCVOnline minh họa và hiệu đính
Tài liệu tham khảo