Chiến tranh Ukraine: Lệnh trừng phạt đối với Nga cho thấy sức mạnh của đồng đô la Mỹ
Andrew Sheng | DCVOnline
Trong khi Nga đưa quân xâm lăng vào chiến trường Ukraine, Hoa Kỳ và các đồng minh đang tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm bằng những lệnh trừng phạt đồng thời viện trợ cho Ukraine
Tiền là tiên là phật, là gốc rễ của mọi thành công trong chiến tranh — người ta chiến đấu vì tiền, và người ta cần tiền để chiến đấu.
Cuộc chiến ở Ukraine rõ ràng là một yếu tố thay đổi ván cờ. Nó đã đảo ngược nhiều giả định về việc ai mạnh về quân sự và ai yếu trong cuộc chiến truyền thông. Chiến tranh lần này sẽ được ghi nhớ là sự kết thúc của kỷ nguyên cổ tức hòa bình, khi thế giới được hưởng nhiều chục năm hòa bình và ổn định toàn cầu, không có những cuộc chiến tranh lớn.
Trung Hoa không thể trỗi dậy nếu không có cổ tức hòa bình. Nga và Ukraine hiện đang đương đầu với một cuộc chiến sẽ ăn sâu vào cơ cấu kinh tế và xã hội của họ. Không ai thắng cho đến khi cả hai bên ngồi xuống thương lượng về một lối ra dẫn đến hòa bình.
Chiến lược gia địa chính trị George Friedman cho rằng bài học lớn nhất rút được từ cuộc chiến hiện nay không liên quan gì đến Nga hay Ukraine; đúng hơn là “Hoa Kỳ đã chứng minh rằng có lẽ vũ khí mạnh nhất trên thế giới là đồng đô la được vũ khí hóa”.
Cuộc chiến thực sự ở chiến trường đang được Nga và Ukraine tiến hành trong khi Mỹ và NATO tham gia vào cuộc chiến ủy nhiệm, sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính và viện trợ vũ khí để giúp Ukraine chiến đấu đến cùng. Vì đồng đô la Mỹ chiếm khoảng 40% hóa đơn thương mại toàn cầu và khoảng 60% dự trữ chính thức, không còn nghi ngờ gì nữa, nó có ảnh hưởng nhiều hơn so với đồng euro, đồng yen hoặc nhân dân tệ.
Việc Liên minh châu Âu và Nhật Bản tham gia áp dụng những lệnh trừng phạt khiến Nga khó có thể trốn tránh những lệnh trừng phạt hoặc thoát khỏi tình trạng khủng hoảng thanh tiêu, không chỉ về ngoại hối mà còn ở trong nước. Như Friedman đã nhận xét,
“Sự kết hợp giữa việc cấm nhập cảng năng lượng của Nga vào Mỹ và quản lý đồng đô la như một vũ khí — phối hợp với một liên minh lớn — đặt ra một cuộc khủng hoảng quân sự không lường trước cho Nga.”
George Friedman
Tại sao đồng đô la Mỹ lại có những lợi thế như vậy? Lập luận tiêu chuẩn là nó là một đơn vị tính toán dùng trong hệ thống tín dụng toàn cầu và lập hóa đơn, một phương tiện thanh toán và lưu trữ giá trị, mang lại những đặc quyền của nhà phát hành bằng cách có thể phát hành tiền tệ theo ý muốn.
Điều này đã đúng trong nhiều năm qua. Khi đồng đô la Mỹ giảm giá theo thời gian so với các loại tiền tệ khác, thế giới bùng nổ với tính thanh toán cao hơn, dễ dàng thanh tiêu và lợi nhuận cao hơn khi nắm giữ trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản của Mỹ.
Tuy nhiên, bất cứ khi nào đồng tiền này tăng giá, khi lãi suất của Mỹ tăng, thanh tiêu toàn cầu thắt chặt và những người không đi vay ở Mỹ đang nắm giữ các khoản nợ bằng đô la Mỹ sẽ phải trả nhiều hơn, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ và xì bong bóng tài sản.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98 có thể được hiểu là sự tăng giá của đô la Mỹ mà không có người cho vay đô la Mỹ như biện pháp cuối cùng. Chỉ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất và mở rộng thanh tiêu bằng đồng đô la thì những nền kinh tế châu Á mới phục hồi.
Do đó, phần còn lại của thế giới cảm thấy bị buộc phải giữ đồng tiền của Mỹ. Như cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ John Connally đã nói, “Đồng đô la là tiền tệ của chúng tôi, nhưng đó là vấn đề của quý vị.” Vấn đề càng nhân lên nhiều lần sau “cuộc chiến chống khủng bố” toàn cầu, khi Mỹ bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại các quốc gia như Iran.
Theo thời gian, những biện pháp trừng phạt mở rộng về phạm vi và cường độ. Tuy nhiên, có một vấn đề đối với các lệnh trừng phạt là mặc dù gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, một số quốc gia dường như không bao giờ vội vàng đến bàn đàm phán.
Một số học giả đã mang lại những hiểu biết mới về lý do tại sao đồng đô la không chỉ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ mà còn cả những người dùng đồng đô la này, họ tạo ra một hệ sinh thái có được tính ưu việt của nó. Yakov Feygin và Dominik Leusder của Harvard đã xem xét tính chính trị giai cấp của hệ thống đô la Mỹ và kết luận rằng hệ thống này có một hệ sinh thái được giới tinh hoa tư nhân và chính trị toàn cầu hỗ trợ. Họ viết rằng
“Ở nhiều quốc gia, hệ thống đồng đô la cho phép giới tinh hoa tham nhũng vận chuyển an toàn thu nhập bất chính của họ đến các trung tâm ngân hàng toàn cầu nằm trong các khu vực pháp lý có luật sở hữu không rõ ràng.”
Yakov Feygin và Dominik Leusder
Người giàu ở các thị trường phát triển và đang phát triển thích giao dịch và nắm giữ tài sản bằng đô la Mỹ. Các tập đoàn toàn cầu, quỹ hưu trí và giới quản lý tài sản nắm giữ tài sản bằng đô la Mỹ vì họ có thể có một kho giá trị và tính thanh toán nhanh chóng từ các giao dịch hoán đổi.
Chuyên gia khoa học chính trị Herman Mark Schwartz coi đô la Mỹ là tiền tệ nhà nước của một hệ thống toàn cầu tựa như là đế quốc, trong đó các khu vực kinh tế khác nhau liên kết với nhau bằng một loại tiền dự trữ chung. Dự trữ các loại tiền tệ không có ảnh hưởng quân sự cũng như độ sâu của thị trường chứng khoán mang lại lợi nhuận vượt trội — chẳng hạn như đồng euro, đồng yen hoặc đồng bảng Anh — không thể tìm cách trở thành một loại tiền tệ thống trị.
Có lựa chọn khác thay thế cho hệ thống đô la Mỹ không? Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trong đánh giá mới nhất về cuộc chiến ở Ukraine, đã cảnh cáo rằng những nỗ lực phát triển các giải pháp thay thế có thể “có khả năng làm giảm vai trò thống trị của đồng đô la trên thị trường tài chính.” Quan điểm của tôi là đồng nhân dân tệ vẫn còn lâu mới đưa ra một giải pháp thay thế. Nhưng Trung tâm Đổi mới của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế gần đây đã công bố kết quả sơ bộ của Dự án Dunbar, một dự án hợp tác giữa các ngân hàng trung ương của Úc, Malaysia, Singapore và Nam Phi, để xem cách một nền tảng chung cho nhiều loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể giúp làm rẻ hơn, thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn và an toàn hơn.
Dự án khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng vẫn còn nhiều rào cản về quy định và chính sách. Một vấn đề có thể xảy ra là các vấn đề an ninh quốc gia diễn ra như thế nào trên các nền tảng như vậy.
Như Đế chế La Mã đã hiểu, tTiền là tiên là phật, là gốc rễ của mọi thành công trong chiến tranh — người ta chiến đấu vì tiền, và người ta cần tiền để chiến đấu. Nhưng đế chế La Mã đã sụp đổ sau khi đồng tiền của nó liên tục bị hạ giá. Denarius mạnh miễn là Rome không thua trong các cuộc chiến. Phút thử thách, người ta quay lại với vàng. Mọi thứ càng thay đổi, thì chúng lại càng không thay đổi.
Tác giả | Andrew Sheng là cựu giám đốc ngân hàng trung ương và nhà quản lý tài chính, hiện là viện sĩ tại Viện Toàn cầu Châu Á, Đại học Hong Kong. Ông viết về các vấn đề toàn cầu, với các chuyên mục trên tạp chí Project Syndicate, Asia News Network và Caijing/Caixin. Cuốn sách mới nhất của ông là “Cho vay Chợ đen ở Trung Hoa” (“Shadow Banking in China”), đồng tác giả với Ng Chow Soon, do Wiley phát hành.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Ukraine war: sanctions on Russia show the power of a weaponised US dollar | Andrew Sheng | SCMP | March 26, 2022