Điểm mù của Đức
Tina Hildebrandt, Jörg Lau, Anna Sauerbrey, Michael Thumann và Heinrich Wefing | Trà Mi
Ngoại giao giữa Đức và Ukraine đang căng thẳng. Những lý do rõ ràng đã có từ trước khi Nga bắt đầu cuộc xâm lăng Ukraine.
Kể từ ngày 24 tháng 2, khi Nga bắt đầu xâm lăng Ukraine, phương châm trong chính trị ở Berlin là: Chúng tôi chỉ nói những điều tốt đẹp về Ukraine trước công chúng. Ukraine đã bị xâm lăng, đang đấu tranh cho sự sống còn của họ và cần sự hỗ trợ của phương Tây. Mọi hình thức chỉ trích đều là điều không thể, ngay cả khi Kyiv thỉnh thoảng cộc cằn. Khi Tổng thống Liên bang Đức bị tẩy chay, khi đại sứ Ukraine ở Berlin khiến nhiều người khó chịu với phong cách của ông, thì người ta nói nhỏ với nhau rằng đại diện của một quốc gia đang bị tấn công đương nhiên có quyền để cư xử một cách thiếu ngoại giao.
Nhưng bên dưới sự nghiến răng đoàn kết này, thái độ lịch sự bắt buộc này, lại ẩn chứa một điều gì đó khác, kém thân thiện hơn. Một thứ gì đó khó thấy được, một bức màn định kiến, một đống kinh nghiệm xấu xa mà Kyiv và Berlin đã cùng trải qua, khiến người ta vẫn căm thù. Bối cảnh đó định hình quan điểm của hiện tại. Và chúng có thể giải thích, ít nhất một phần, tại sao quan hệ giữa Ukraine và Đức lại căng thẳng như vậy.
Dưới áp lực hiện sinh của cuộc chiến, Ukraine mạnh miệng chỉ trích chính trị Đức. André Haertel thuộc Stiftung Wissenschaft und Politik (SWP, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh của Đức) ở Berlin, một trong những chuyên gia giỏi nhất về chính trị Ukraine, nói nhiều người Ukraine tin rằng, Đức thực sự đang hợp tác với Moscow vì
“lệ thuộc vào năng lượng của Nga: Chúng ta không có thể tách ra khỏi khí đốt, chúng ta không giao vũ khí hạng nặng một cách có hệ thống như những nước khác, và chúng ta dựa vào sự kiềm chế về mặt giao tiếp và tính biểu tượng.”
André Haertel
Theo Haertel, mối nghi ngờ phổ biến ở Kyiv rằng nhiều người trong giới chính trị và kinh doanh Đức muốn “càng chóng trở lại kinh doanh như bình thường với Nga” càng tốt. Đó là một giả định mà nhiều người ở Đức mắc phải.
Đánh giá này dựa trên gần 30 năm kinh nghiệm với chính sách của Đức luôn tìm cách bình đẳng với Moscow và gần như luôn coi thường Ukraine.
Nhà báo Marina Weisband sinh ra ở Kyiv và đến Wuppertal ở cùng bố mẹ khi bà lên bảy. Weisband cho biết, bà chưa bao giờ gặp phải những định kiến chống lại Ukraine ở Đức: đơn giản là Ukraine không quan trọng với người Đức và không được biết đến, không phải là một chủ thể độc lập, chỉ hiện hữu khi nó tách khỏi Nga.
Kinh nghiệm cá nhân của Weisband trùng khớp với kinh nghiệm chính trị của bà. Sau khi Ukraine độc lập vào năm 1991, hai năm trước khi Thủ tướng Helmut Kohl có chuyến công du đầu tiên tới Kyiv. Gerhard Schröder đã đến Ukraine hai lần trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, và sau đó không bao giờ trở lại — nhưng ông luôn dành nhiều thời gian cho Nga.
Angela Merkel là người đầu tiên đến thăm Ukraine thường xuyên, gần đây nhất vào tháng 8 năm 2021 trong đại dịch. Tuy nhiên, trong thời gian cầm quyền, những quyết định của bà đưa ra vẫn làm gây ra sự khó hiểu và giận dữ ở Ukraine ngày nay. Năm 2008, Merkel và Pháp đã ngăn chặn mọi kế hoạch để Ukraine gia nhập NATO. Vào năm 2014 ngay cả sau khi Nga xâm lăng và sáp nhập Crimea, Merkel tiếp tục những cuộc đàm phán với Putin, làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn mong manh ở Donbas ở Minsk vào năm 2015 cùng với Tổng thống Liên bang hiện tại Steinmeier, người mà Ukraine coi là kẻ độc tài, và cuối cùng đã cho phép đường ống Nord Stream 2 qua Biển Baltic, chống lại những cuộc phản đối dữ dội không chỉ của người Ukraine, mà còn của người Ba Lan, Balts và người Mỹ.
Theo quan điểm của Ukraine, việc những người quen cũ trong nhóm của Steinmeier vẫn giữ những vị trí chủ chốt trong phủ Thủ tướng và Bộ Ngoại giao cũng không làm mọi thứ tốt đẹp hơn được. Và Scholz cũng từ lâu đã viện lý do rằng đường ống Nord Stream 2 là một dự án hoàn toàn thuộc khu vực tư nhân. Alyona Getmanchuk, giám đốc Trung tâm Châu Âu Mới ở Kyiv, nói khi nhìn lại rằng “chúng tôi phải ăn một cái bánh nhiều lớp thất vọng với Berlin.”
Những kênh đối thoại giữa Kyiv và Berlin “gần như bị đóng băng”
Việc Ukraine gia nhập NATO là điều hoàn toàn không thể tưởng tượng được vào năm 2008, theo lời Christoph Heusgen, cố vấn an ninh lúc bấy giờ của bà Merkel và chủ tịch Hội nghị An ninh Munich hiện tại. Các cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Ukraine giữa lãnh đạo phe đối lập Yulia Tymoshenko và Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ là Yushchenko là một trở ngại lớn đối với bất kỳ kế hoạch hội nhập nào của Ukraine. Nhưng có một điều kẹt cứng không gải quyết được với người Ukraine: sự không thuận của Merkel.
Những khác biệt đó đã ăn sâu vào văn hóa chính trị. Trong một thời gian dài, hàng triệu nạn nhân của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai chỉ được quy cho Nga ở Đức. Thực tế là Ukraine, cùng với Belarus, là chiến trường chính của cuộc chiến Đức tiêu diệt Liên Xô từ năm 1941 đến năm 1945, hầu như không có một vai trò nào trong văn hóa tưởng nhớ chính thức. Các nghi thức hòa giải luôn chỉ biết về một hướng: Moskva.
Sử gia Hoa Kỳ Timothy Snyder trong cuộc phỏng vấn gần đây với Die ZEIT cho biết số phận của Ukraine trong Chiến tranh thế giới thứ hai, là “điểm mù lớn nhất” trong chính trường của Cộng hòa Liên bang Đức trong quá khứ.
“Ukraine là mục tiêu chính trong cuộc chiến tranh thuộc địa của Hitler, ông ta muốn nó như một vựa lúa và khu định cư. Đối phó với quá khứ và theo đuổi Ostpolitik [chính sách bình thường hoá quan hệ của phương Tây với Đông Âu và Liên Xô (vào những năm 1970] mà không có Ukraine, do đó không bao giờ có ý nghĩa, đặc biệt là không có sau năm 1991. Tuy nhiên, người Đức đã mắc phải đúng sai lầm này trong nhiều chục năm qua.”
Timothy Snyder
Ngược lại, người dân ở Berlin đã nhìn những nước hàng xóm của họ ở phía đông với sự khó hiểu và bực bội, và không chỉ kể từ cuộc xâm lăng của Nga. Hiện tại giữa chiến tranh, thái độ này không còn được hình thành rõ ràng như vậy, chắc chắn không phải quan điểm chính thức, nhưng nó tiếp tục phát huy ảnh hưởng, tế nhị hơn trước, nhưng vẫn có.
Nếu nói chuyện với đại diện chính phủ của liên minh đèn giao thông [Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) màu đỏ, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) màu vàng và Liên minh 90 / Đảng Xanh, màu xanh lá cây], trong các nhóm không được phép trích dẫn, nhưng trong đó cuộc nói chuyện cởi mở hơn, bạn đọc có thể nghe thấy rất nhiều sự ngờ vực. Gần như thường xuyên, người ta thường nhắc đến vấn đề tham nhũng ở Ukraine, đến việc thiếu dân chủ hoặc tốt nhất là cấu trúc dân chủ mong manh, và nhiều lời phàn nàn về sự khó chịu với chính phủ Zelenskyy.
Một số giới chức chính phủ bày tỏ lo ngại rằng một chính phủ ở Kyiv “trong đường hầm” hoặc dưới áp lực của công luận trong sự quá khích của quốc gia có thể cho phép họ thực hiện những hành động phi lý — chẳng hạn như việc sử dụng vũ khí của Đức để tấn công trên lãnh thổ Nga. Những người khác mô tả ấn tượng rằng Berlin phải bảo vệ lợi ích của Đức trước sự thống trị của nghị luận và sự cảm thông mà Tổng thống Vladimir Zelenskyy đã khéo léo sử dụng cho các mục tiêu của ông. Và không phải tất cả chúng là vô hại.
Sự dè dặt quá nặng nề khiến các kênh liên lạc giữa Kyiv và Berlin hiện “gần như bị đóng băng”, ít nhất là theo tòa Đại sứ Ukraine. Theo Đại sứ Andriy Melnyk, mối quan hệ giữa chính phủ Ukraine và Thủ tướng Đức có thể và cần phải sâu sắc và tin nhau hơn nhiều. Cứ hai hoặc ba tuần một lần, Melnyk báo cáo và chính phủ liên bang xác nhận, tổ chức một cuộc điện thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Scholz và Tổng thống Zelenskyy. Ngoài ra còn có các cuộc hội đàm giữa cố vấn chính sách đối ngoại của Scholz, Jens Plötner và tham mưu trưởng của Zelenskyy, Andriy Yermak. Người đồng cấp của Yermak trong phủ Thủ tướng sẽ thực sự là người đứng đầu phủ Thủ tướng, Wolfgang Schmidt. Nhưng vì Plötner và Yermak đã biết nhau từ nhiều năm qua, nên các cuộc nói chuyện sẽ vẫn ở mức này, nếu họ có nói chuyện với nhau.
Tổng thống Zelenskyy đã nhiều lần khiến các chính khách Đức khó chịu.
Ví dụ, theo hiểu biết của Andriy Melnyk, Ukraine đã không được thông báo trước về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Scholz với Vladimir Putin vào thứ Bảy tuần trước. Vẫn chưa có một cuộc trò chuyện nào sau đó với Tổng thống Zelenskyy. Phủ Thủ tướng không thể xác nhận hoặc phủ nhận điều này hôm thứ Hai. Tòa Đại sứ Ukraine tại Berlin thường được Phủ Thủ tướng thông báo sau những cuộc nói chuyện như vậy với Putin; Tuy nhiên, theo Melnyk, hiếm khi người ta biết nhiều hơn những gì có thể đọc được trên báo chí.
Liên hệ với Bộ Ngoại giao rõ ràng là tốt hơn. Với một ngoại lệ. Quan hệ của Andriy Melnyk với Quốc vụ khanh Andreas Michaelis của Bộ Ngoại giao Đức — một người thân tín của Frank-Walter Steinmeier, người được coi là sợi dây liên kết giữa Bộ Ngoại giao và Thủ tướng — không suôn sẻ.
Michaelis, như Melnyk thỉnh thoảng nhớ lại trong một cuộc trò chuyện, đã rất khó chịu với những cuộc phỏng vấn quan trọng của đại sứ vào năm 2016 nên đã mời ông tham gia một cuộc phỏng vấn — vào thời điểm đó vẫn còn là Giám đốc Chính trị dưới thời Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier. Theo trí nhớ của Melnyk, những cuộc phỏng vấn của đại sứ được ghi lại trong một tập tài liệu và có những đoạn riêng lẻ được tô màu. Bộ Ngoại giao Đức không muốn từ chối hoặc xác nhận tiến trình này.
Tổng thống Zelenskyy đã nhiều lần khiến các chính trị gia Đức cáu gắt và khó chịu. Một thành viên của phái đoàn Đức vào thời điểm đó, người chỉ muốn giấu tên, nhớ lại cuộc họp cao cấp của một số người đứng đầu chính phủ, mà người Đức coi là một thành công lớn. Zelenskyy đến dưới áp lực chính trị trong nước rất lớn, và các đối thủ chính trị của ông ở Ukraine coi cuộc gặp mặt đó là phản quốc. Nhưng ngay trong tuyên bố mở đầu, Tổng thống Ukraine đã dẹp bỏ mọi chi tiết mà những nhóm công tác ngoại giao của các nước tham gia đã thống nhất trong các cuộc đàm phán sơ bộ đầy khó khăn. Không ai ngờ, kịch bản đã chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đã bị phá hủy; Putin ngay lập tức dùng chuyện này để miêu tả Ukraine là nước không đáng tin cậy. Một đánh giá, cũng được khá nhiều người ở Berlin chia sẻ. Theo quan điểm của một số chuyên gia ngoại giao Đức, chính phủ Zelenskyy luôn là một nhóm vớ vẩn đã phá vỡ giao thức ngoại giao vì tính không tuân thủ của họ.
Bây giờ, trong khi giao tranh đang diễn ra ở Donbass, trong khi Ukraine đang ở thế tự vệ, mối quan tâm chính ở Berlin là Tổng thống Zelenskyy có thể dùng chiến tranh để mở rộng quyền lực của mình — và trở thành một tổng thống chuyên quyền. Theo những người hiểu biêt về Ukraine, hiến pháp cho ông một vị trí vững chắc trong thời bình, tương tự như của nguyên thủ quốc gia Pháp, và ông đang tận dụng nó. Trên thực tế, Zelenskyy có khuynh hướng nâng cấp các cơ quan phụ thuộc vào ông, chẳng hạn như văn phòng tổng thống và Hội đồng Bảo an, và do đó để tòa án và quốc hội ra rìa, Andre Hartel của SWP cho biết.
“Tuy nhiên, tôi không thấy rằng sự thật đang được chế tạo ra ở đây có thể biến Ukraine thành một hệ thống khác. Nghị viện họp thường xuyên, thảo luận.”
Andre Hartel
Tuy nhiên, trên hết, Zelenskyy cần sự hỗ trợ của toàn xã hội trong suốt cuộc chiến. Ông ta phải huy động toàn bộ tài nguyên xã hội, chỉ như vậy ông ấy mới có thể thành công. Theo Haertel, sau chiến tranh, điều này
“cũng có thể mở ra một cơ hội cho xã hội dân sự. Để bù lại cho những gì người dân đã đạt được và gánh chịu trong chiến tranh, người ta có thể yêu cầu cải cách, chẳng hạn như trong cuộc chiến chống tham nhũng.”
Andre Hartel
Tất cả những người hiểu về Ukraine đều nói rằng có tham nhũng ở Ukraine, và ảnh hưởng của giới nhà tài phiệt vẫn còn đáng kể. Marieluise Beck, một cựu chuyên gia Đảng Xanh về Đông Âu, cho biết, sự thất vọng của chính phủ liên bang Đức về việc thiếu sự đổi mới ở Ukraine, hoặc những cải cách quá chậm chạp, “giống như sự thất vọng của thầy cô về những học sinh không chăm ngoan, đó là một cách ứng xử gia trưởng. Đối với Ukraine.”
Và tình trạng tham nhũng kinh hoàng ở Nga chưa bao giờ ngăn cản chính phủ liên bang Đức duy trì liên hệ chặt chẽ với Moscow.
Không dễ để nói vào lúc này là Đức và Ukraine có thể tìm ra ngõ thoát khỏi sự ngoan cố của cả hai bên. Đức có đang sa lầy vào lối suy nghĩ cũ hay không? Đức có nên tìm hiểu hơn về Đông Âu, ít thách thức hơn, ít chú ý vào những kinh nghiệm trong quá khứ hơn không? Những dấu ấn xã hội — dân chủ cũ có cản trở một cách nhìn mới? Nhưng có lẽ nó rất đơn giản. Có thể thay vì nói về Ukraine với Putin và Macron, sẽ là một sánh kiến hay nếu Đức nói nhiều hơn với Ukraine. Với điều kiện là Berlin thực sự muốn ảnh hưởng đến những diễn biến ở đó — và không chỉ tìm cớ để không làm gì cả.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Der blinde Fleck | Tina Hildebrandt , Jörg Lau , Anna Sauerbrey , Michael Thumann and Heinrich Wefing | ZEIT ONLINE | June 1, 2022