Tạ Chí Đại Trường góp ý về bài Tale of Hồng Bàng Clan (Hồng Bàng thị truyện)
Lê Minh Khai | Trà Mi dịch
Tạ Chí Đại Trường, mong ông yên nghỉ và cảm ơn ông rất nhiều vì đã chia sẻ một phần thời gian và kiến thức của ông với tôi.
Tôi đau buồn khi mới biết hôm qua sử gia miền Nam Việt Nam Tạ Chí Đại Trường đã qua đời. Tôi chưa bao giờ có may mắn được gặp Tạ Chí Đại Trường, nhưng trong những năm gần đây chúng tôi đã có một loại “gặp nhau qua tư tưởng,” và tôi mãi mãi mãi biết ơn ông đã cho tôi có được kinh nghiệm ấy.
Một vài năm trước, tôi đã viết một luận văn cho rằng các vua Hùng là một “truyền thống được kiến tạo từ thời trung đại.” Tôi biết rằng một bài viết như vậy sẽ gây tranh cãi với một số người, và khi tôi nhận được ý kiến từ các độc giả vô danh, tôi mở ra đọc với nhiều lo âu .
Ý kiến đầu tiên ngắn. Đó là một góp là tích cực, nhưng cũng cho số lời khuyên tốt về cách cải thiện bài viết. Sau đó, tôi mở ý kiến thứ hai và thấy rằng đó là 15 trang đánh máy hàng đơn bằng tiếng Việt.
Tôi đã bị sốc. Tôi đã làm một người quá tức giận đến nỗi ông ấy đổ xuống 15 trang đánh máy lên án của những ý tưởng của tôi chăng?
Tôi chạy chuột đến cuối phần ý kiến để đọc kết luận trước:
“Như đã phát biểu từ đầu, chúng tôi dễ dàng tán thành lập luận của ông X nên chỉ có thể lặp lại bằng cách khác thôi.”
TCDT
Tôi thấy nhẹ nhõm khi đọc đến đây, nhưng khi đã đọc hết phần góp ý, tôi nhận thấy ngay rằng có một sự khiêm nhường tuyệt vời trong lời tuyên bố nêu trên, bởi vì thay vì “lặp lại” lập luận của tôi, Tạ Chí Đại Trường đã khai triển nó rất rộng như ông đã xét đến cách câu chuyện các vua Hùng đã được sử dụng cho mục đích chính trị trong các thế kỷ sau khi xuất hiện đầu tiên trên văn bản ở thế kỷ thứ mười lăm.
Các biên tập viên tại thời điểm đó của Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, nơi mà tôi đã gửi đăng luận văn, tương tự, cũng đã rất thích ý kiến của Tạ Chí Đại Trường và quyết định dịch sang tiếng Anh và xuất bản với bài viết của tôi vào năm 2012.
Bản ý kiến viết bằng tiếng Việt của Tạ Chí Đại Trường, đã nằm trong ổ cứng ở máy tính của tôi suốt mấy năm qua. Đã có lúc tôi đã đi tìm hiểu (qua một người quen biết cả hai) để xem Tạ Chí Đại Trường có chấp nhận cho tôi công bố những ý kiến của ông trên mạng hay không. Tôi được cho hay là Tạ Chí Đại Trường đã chấp thuận.
Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ làm được việc đó vì bài góp ý của TCĐT đã được viết bằng một phông chữ Việt Nam loại cũ cần phải chuyển đổi và sau đó làm văn bản rõ ràng.
Ngoài ra, các ý kiến nguyên thủy của Tạ Chí Đại Trường bắt đầu bằng một cuộc thảo luận dài về niên điểm của văn bản mà câu chuyện của các vị vua Hùng đầu tiên xuất hiện, vì tôi đã bất cẩn làm lỗi trong bản thảo của tôi và đã viết sai niên điểm. Vì tôi đã sửa lại sai lầm đó trong bản thảo, và phần Tạ Chí Đại Trường góp ý [về sai lầm niên điểm] đã được bỏ đi trong bản dịch sang tiếng Anh. Vì vậy để làm cho nguyên bản tiếng Việt phù hợp với bản dịch sang tiếng Anh cần có sự hiệu đính thêm.
Vì sự cần phải chuyển đổi phông chữ và chỉnh sửa văn bản đã khiến tôi trì hoãn, nhưng nay Tạ Chí Đại Trường đã qua đời, tôi nghĩ rằng tốt nhất hãy chia sẻ những gì ông đã viết, chưa được hiệu đính.
Do đó, tôi đã đưa lên mạng bản góp ý nguyên văn tiếng Việt cùng với bản dịch sang tiếng Anh đã hiệu đính / xuất bản tại trang Academia.edu này (dưới mục “papers”).
Tạ Chí Đại Trường, mong ông yên nghỉ và cảm ơn ông rất nhiều vì đã chia sẻ một phần thời gian và kiến thức của ông với tôi.
Trà Mi | Sau đây là nguyên văn chưa hiệu đính bài góp ý của Tạ Chí Đại trường với Liam C. Kelley về luận văn “Tale of Hồng Bàng Clan” (Hồng Bàng thị truyện) bằng phông chữ unicode tiếng Việt đã chuyển đổi từ phiên bản PDF (phông chữ VNI-Windows) do Lê Minh Khai cung cấp ở trang Academia.edu này (dưới mục “luận văn”).
GÓP Ý VỀ BÀI The Biography of the Hồng Bàng Clan as the Medieval Vietnamese Invented Tradition của tác giả X.
Vấn đề gốc gác, sự khả tín của truyện Hồng Bàng từng đã được các nho sĩ xưa chấp nhận nó như lối giải thích cội nguồn dân tộc nhưng họ vẫn dành cho mình một chút chừng mực hoài nghi. Sự cẩn trọng này là dấu vết bình thường của trí thức mà người thấm đượm tinh thần khoa học ngày nay dễ dàng thông cảm nhưng lại không tìm thấy sự tán đồng nơi những người cầm quyền, hay có ước vọng đi tìm quyền lực, cứ muốn tô điểm truyền thuyết để thu hút quần chúng, củng cố quyền lực như tất cả ai khác trên đời này có tham vọng chính trị. Nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay tuy không đủ khả năng làm việc đảo lộn trên trường chính trị quốc tế nhưng sự chiều chuộng, tung hô trong cuộc chiến vừa qua cũng tạo cho họ cái tham vọng đẩy truyền thuyết Hùng Vương ngập ngừng, hạn hẹp từ xưa ra đến bao quát toàn dân chúng trong lãnh thổ họ cai trị khiến cho sự bàn xét về truyền thuyết đó phải mang một ý nghĩa tranh luận nặng nề vốn thật ra không cần thiết lắm. Cho nên xét về mặt “nghề nghiệp”, có vẻ như tôi phải đồng ý với ông X về vấn đề bàn thảo nêu ra, trừ một số chi tiết mà thôi.
Bài góp ý nằm trong giới hạn về khả năng và điều kiện làm việc của người viết, chắc sẽ không có đủ tiêu chuẩn đòi hỏi theo tính cách hàn lâm nhưng tôi tin rằng ông X sẽ có thể bù đắp những thiếu sót trong chứng dẫn của tôi. Xin bàn theo các đề mục của tác giả.
Về quyển Lĩnh Nam chích quái truyện (LNCQ) chứa đựng bài “Hồng Bàng truyện / thị truyện” – Vấn đề tác giả và thời đại
Trước hết phải nói về niên điểm 1482 C.E. ghi nhiều lần là không có căn cứ vào đâu cả. Không biết là do lỗi in ấn hay sơ ý từ một con số có bằng cớ chắc chắn trong bài tựa (được cho là) của Vũ Quỳnh (1453-1516), chuyển từ lịch triều đại Lê “Nhâm tuất, Hồng Đức nhị thập tam niên”: 1492.
Ông X có nhắc tới Lê Quý Đôn để biết tên Trần Thế Pháp, và biết một người viết tựa khác là Kiều Phú 1493, đủ tên tất cả những người liên quan đến quyển LNCQ được biết cho tới nay. Có vẻ ông chú ý nhiều đến nhân vật Vũ Quỳnh qua bài tựa được cho là của ông này, có lời xác nhận của Phan Huy Chú (1782-1840): “tựa của Vũ Quỳnh” cùng sự công nhận của hầu hết giới học thuật hiện nay về vấn đề này. Không nên lấy làm lạ vì học giả Việt Nam rất thông thái, cần cù làm việc nhưng vẫn không vượt thoát – và chứng tỏ có cố gắng vượt thoát khỏi những thành kiến tích luỹ từ trong quá khứ và những ràng buộc nặng nề trong hiện tại. Hình như ông X không có quyển: Vũ Quỳnh, Tân đính Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993 do Bùi Văn Nguyên dịch, chú, dẫn nhập. Bản thân tôi chỉ có quyển LNCQ truyện của Lê Hữu Mục, Giáo sư Đại học Huế, Nxb. Khai Trí 1961, quyển “Tân đính…” mua ở chợ trời Sài Gòn, và qua quyển này được biết có một bản dịch ở Hà Nội năm 1960 của Nguyễn Ngọc San. Tuy nhiên trong tình hình của riêng tôi và nếu không đi sâu vào chi tiết thì bấy nhiêu đó cũng là đủ để giải quyết vấn đề gạt Vũ Quỳnh ra ngoài vị trí người làm tựa cho quyển LNCQ gần với nguyên gốc.
Bản của Bùi Văn Nguyên đưa ra, ngoài bài tựa của Vũ Quỳnh về quyển sách riêng của mình, còn có bài tựa của Kiều Phú và bài tựa 1492 của Trần Thế Pháp nội dung giống như của bài tựa lâu nay vẫn cho là của Vũ Quỳnh. Không nên chú ý đến tính chất sai lạc ngày tháng ở phần cuối cả ba bài tựa, bởi vì nó không làm sai lạc nội dung bên trên. Bài tựa riêng cho quyển sách “Tân đính….” của Vũ Quỳnh có nói rõ: “chép rộng thêm những điều nghe được từ trước, chia thứ tự thành từng chương…” theo kiểu tiểu thuyết “chương hồi” của Trung Quốc. Nghĩa là ông đã viết một quyển sách phóng tác, với các truyện nhỏ bên trong được thay bằng những câu văn đối mà riêng ở “Hồng Bàng truyện” là (dịch):
Nhận đất hoang, Hồng Bàng đầu tiên mở nước,
Gặp vận lành Lạc Long tiếp nối dựng đời.
Có thể lập luận rằng Vũ Quỳnh có thể vừa làm bài tựa cho quyển sách mình tìm được theo cách “xin xét từ đầu đến cuối, trình bày hết ra…” (ngu thỉnh cứu kì thuỷ mạt, toại nhất trần chi… Chép từ bản của Lê Hữu Mục, xin lỗi không đủ khả năng lôi chữ Hán vào đây) vừa viết quyển mới nhưng xét về khả năng người xưa (xin lỗi!) và sự thuận chiều của tâm trí, không thể xảy ra trường hợp ấy được. Vũ Quỳnh đã làm bài tựa cho quyển sách mới viết của mình thì không thể làm bài tựa cho quyển sách chỉ “hiệu đính”.
Ở đây tôi muốn dùng một chi tiết phản bác khác lấy từ quan niệm sử của Vũ Quỳnh: Ông cho là sự “nhất thống” phải bắt đầu từ Đinh Tiên Hoàng, và điều này được các sử gia ngày sau tán thành trong bộ sử chính thống của nhà nước Lê Trung hưng “bản Chính Hoà” 1697. (Đại Việt sử kí toàn thư / ĐVSKTT, bản dịch Hà Nội 1993, tập I, tr. 103: “Nay theo Bản kỉ toàn thư của Vũ Quỳnh, bắt đầu từ Đinh Tiên Hoàng, là để nêu rõ đại nhất thống”). Thế mà trong bài tựa được gán cho ông, lại kể “người Việt dựng nước bắt đầu từ Hùng Vương… dần dần như nước tràn chén từ các thời Triệu, Ngô, Đinh, Lí, Trần…” (Ngã Việt lập quốc thuỷ ư Hùng Vương… tắc lạm thương ư Triệu, Ngô, Đinh, Lí, Trần…”) Vậy (nếu chưa tìm được ai khác thì) quyển sách hiệu đính đó là của Trần Thế Pháp, bài tựa kia đúng là của Trần Thế Pháp chứ không phải của Vũ Quỳnh. Và vì năm 1492 ở cuối bài tựa nên cũng không thể chấp nhận giả thuyết của ông Lê Hữu Mục cho rằng Trần Thế Pháp là tác giả LNCQ. Kết luận:
LNCQ được viết vào cuối đời Trần: truyện Hà Ô Lôi, dính dáng tới Trần Dụ Tông, có niên điểm 1346, tạm cho là căn cứ năm tháng của một loại kí sự đương thời được tác giả nào đó kể lại. Ngô Sĩ Liên lấy LNCQ từ đây đưa vào quyển sử của nhà nước (1479). Đến nay thì có hai bản được lưu lại qua tay Kiều Phú và Trần Thế Pháp. Theo Nguyễn Huệ Chi (1974) thì bản Trần Thế Pháp ít sửa chữa hơn của Kiều Phú. Về phần Vũ Quỳnh thì ông đã phóng tác ra một bản mới (1505).
Vấn đề xác định thời gian xuất hiện của quyển LNCQ và các nhân vật có liên hệ về sau, cùng thời điểm liên hệ có tác dụng quan trọng trong việc thuyết phục độc giả của ông X. Tuy có nói đến “a draft… composed by preeminent scholars during the Ly and Tran…” nhưng các năm 1482 và tên Vũ Quỳnh nhắc theo thường xuyên khiến người ta dễ tưởng là sách của thế kỉ XV. Đặt quyển sách trở lại thời Trần, hơn một thế kỉ trước, người ta sẽ cùng xét nó với các quyển sách khác cũng bàn tới thời dựng nước, với (các) ông vua Hùng… trong các quyển Việt điện u linh tập (1329), Đại Việt sử lược (khoảng sau 1377), Việt Nam thế chí, Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc (xuất hiện 1372). Như thế cái “invented tradition” về thời lập quốc của dân Việt có thể kể là của các trí thức đương thời, các nho sĩ ở nửa sau thế kỉ XIV. Nhưng đó còn là của dã sử (non-official history), của “dân gian”, khi được Ngô Sĩ Liên đưa vào sách của triều đình chuẩn nhận, nó mới thành chính sử, mới có thẩm quyền lôi cuốn người ta tin theo. Điều này quan trọng hơn người ta tưởng, nhất là ở Á Đông, ở Việt Nam, bởi vì chính do uy tín, quyền lực nhà nước đó mà thuyết lập quốc với Hồng Bàng, Hùng Vương mới lan tràn như ngày nay đang thấy trong nước, không phải chỉ giới hạn đến các năm 1960-1970 mà thôi.
Tất nhiên mỗi người có thể trình bày vấn đề theo cách của mình nhưng tôi cho rằng cố bám sát vào các tài liệu theo thứ tự xuất hiện của nó, đặt mỗi chứng dẫn trong mối liên hệ với nhau trong một bức tranh tổng thể, có tính phần địa phương, thì sẽ có nhiều khám phá hơn, lập luận sẽ chặt chẽ mang tính thuyết phục cao hơn. Phải theo dõi thêm – hơn ông X đã làm, về tình trạng chuyển biến truyện tích khi qua tay những người Việt tiếp nối chứ không phải chỉ ở lúc khởi đầu từ cổ thư (bản văn) Trung Quốc. Điều khá nan giải vì đến nay chúng ta cũng chỉ có những tài liệu đang sử dụng đến cạn mòn mà không thể có thêm gì để biết về, ví dụ tình trạng thu thập kiến thức của các nho sĩ Việt từng thời đại, điều kiện tạo nên vai trò trung gian văn hoá Việt Trung của họ, loại “thông ngôn” xưa đó… Chứng cớ ít thì luận cứ mong manh, dễ cho thấy sơ hở tuy nhiên vẫn phải cố gắng. Ví dụ ở đây nếu dõi theo các tài liệu thì thấy trong truyện Hồng Bàng có thể đã có sự lắp ghép hai “truyện”: Hồng Bàng với các ông Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, và “truyện” Hùng Vương.
Về truyện Hồng Bàng, ông X đã tìm gốc gác ở Hoa Dương quốc chí, Liễu Nghị truyện… nhưng Ngô Thì Sĩ (Đại Việt sử kí tiền biên, 1800, bản dịch Hà Nội 1997) cũng từng nhắc đến Liễu Nghị truyện, còn kể thêm Nam Hoa kinh, Hồng liệt huấn của sách cổ Trung Hoa. Trong các sách cùng thời đại với LNCQ đã kể thì xưa nhất: Việt điện u linh tập chỉ nói đến Hùng Vương, quyển Đại Việt sử lược được coi như xuất phát từ chính sử Đại Việt sử kí cũng chỉ nói tới Hùng Vương. Đây là hai quyển sách có dạng chính thống: VĐULT là của triều đình Trần, ĐVSL như đã nói có gốc của triều đình. Có cả hai: Hồng Bàng và Hùng Vương là trong LNCQ và Việt nam thế chí, sách “dã sử”, bên ngoài triều đình. Sự tách biệt đó cho phép ta nghĩ rằng nhóm Hùng Vương được nhắc tới trước nhờ các nhà nho đọc Nam Việt chí, Thái bình hoàn vũ kí, các nơi ít ra cũng có tên một ông Hùng. Vẽ vời thêm quanh chuyện Hùng Vương thì dẫn đến Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân tuy được gợi ý hay lấy chuyện từ sách Trung Quốc nhưng là bịa thêm với các tên mới. Tên Hồng Bàng mang ý nghĩa chim thiêng, chim thần kì khiến các nhà nho Hồ Tông Thốc, Ngô Sĩ Liên, Trần Thế Pháp, Ngô Thì Sĩ, Lê Quý Đôn phải lo biện minh tới tấp để giữ ông vua Hùng lại trong sách sử của mình. Minh Mạng thích chuyện trăm con chỉ vì thấy có thể đem tình trạng của mình ra so sánh một cách hãnh diện tuy cũng nhờ học vấn kinh sử sâu mà ông biết đó là chuyện của thời Tam Hoàng Ngũ Đế. Nhưng tổ tiên dân Việt và gốc nước Việt từng nằm ở quanh hồ Động Đình là chuyện khó ai chấp nhận trong lúc anh em Hùng Vương cai trị đất quanh Phong Châu (Việt Trì ngày nay) thì có thể nghe được. Hai nhóm Hồng Bàng (Kinh Dương, Lạc Long) và Hùng Vương do đó có tách biệt rõ ràng từ cơ sở lập luận đến thực tế địa lí lịch sử nên vào thế kỉ XIX, khi một triều đại khác-Lê viết sử Việt (nhà Nguyễn) người ta còn phân vân, hỏi ý ông vua thì được Tự Đức bảo hạ ông Kinh Dương Vương xuống! (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Vấn đề Lạc và Hùng
Chứng tích về các tộc/nước Lạc và Hùng với chi tiết về công cuộc khai thác đất đai, tổ chức xã hội thì đã được các sử gia khoa học dùng, không thể thêm gì hơn nhưng đó là các tài liệu muộn, của thời đại Bắc thuộc ít ra là sáu, bảy thế kỉ sau truyện tích được nói đến. Riêng tên Lạc may mắn hơn, là được nhắc liên hệ với nhân vật Triệu Đà (256-136? B.C.E.) trong sách của Tư Mã Thiên để sử gia Việt níu kéo với nhân vật bán-sử An Dương Vương mà lôi ông Hùng Vương vào sách, thêm với chứng cứ của Ngô Sĩ Liên. Vấn đề giải thích chữ “lạc” đi theo với tộc đoàn, địa điểm dừng chân tuy còn nhiều tranh cãi nhưng do nằm trong Sử kí mà Lạc có ưu thế “xưa” hơn tộc đoàn Hùng. Và chắc cũng vì thế mà có giải thích Lạc chuyển qua Hùng. Nhưng khi H. Maspéro giải thích bằng sự thay đổi hình thức chữ Hán biểu hiện thì có lẽ ông không biết ông không phải là người đầu tiên. Ít ra chúng ta cũng biết rằng Ngô Sĩ Liên đã viết: “Lạc tướng hậu ngoa vi Hùng tướng” (Bản dịch 1993, tập I, trang 133). Do đó ông X cũng không nên viết “there was a colonial arrogance to Maspero’s claim that…” Không hiểu vì sao Ngô Sĩ Liên chỉ nói có sự lầm lạc ở cấp bực Tướng mà không thấy ở cấp bực Vương. Giả thuyết nào muốn có sự quan tâm thì cũng còn tuỳ thuộc vào người nối tiếp cần nó để bàn luận, chấp nhận hay không. Maspéro cũng giải thích chữ “Văn” Lang là từ chữ “Dạ” Lang mà ra, mà nước Dạ Lang thì ở vùng Ngũ Lĩnh chứ không phải ở Bắc Bộ Việt Nam. Thế mà “phát hiện” này thì không được nhắc nhở như chuyện Lạc và Hùng.
Về việc tại sao có các cấp bực trong tổ chức phong kiến Trung Hoa lại ở các vùng “man dã” này thì cũng có hai lối giải đáp. Người quan sát Hán đã đem tổ chức của xứ mình gọi tên cho các cấp bực ở xứ khác mà ông ta thấy, hoặc nghe nói. Hay chính các tộc đoàn này bắt chước các tổ chức Hán đưa vào xứ sở mình mà không cần cho mang đúng ý nghĩa nơi nguyên gốc. Triệu Đà từng nói “có kẻ ở trần cũng xưng vương” và điều vay mượn này cũng gặp trong chính sử Đại Việt mà người ta né tránh hay huênh hoang chấp nhận: Các tổ chức 10 Đạo, 12/24 Lộ của Đinh Lê Lí Trần chỉ là có tên chứ không thực sự hiện hữu, hay chỉ gồm có một vài địa điểm mà thôi. Cho nên tướng Thập Đạo Lê Hoàn không phải cai quản một triệu quân như sử gia Việt ngày nay viết sách do Bộ Giáo dục in dạy học trò, mà thực ra chỉ có ba ngàn Thiên tử binh theo sứ Tống nghe thuật lại. Lại cũng không phải moi móc, nhưng cứ xem các danh xưng tổ chức của CHXHCN Việt Nam có giống gì về nội dung với các tổ chức mà họ mượn tên mang về hay không.
Về bản văn lấy từ Thuỷ kinh chú, Giao Châu ngoại vực kí, ông X dùng chữ floodwaters để dịch “triều” và có nói sự chọn lựa của mình trong lời chú số 49. Ý tưởng về nước ngọt / nước sông trong việc làm ruộng Lạc cũng gần giống với cách giải thích của ông Nguyễn Duy Hinh (Văn minh Lạc Việt, Nxb.? Hà Nội năm?) rằng ruộng Lạc là loại ruộng chiêm, ruộng mùa, loại ngập nước và cạn nước. Tuy nhiên những người hiểu chữ “triều thuỷ” theo nghĩa “thuỷ triều” / tide của nước biển là căn cứ vào ý nghĩa của cả đoạn câu: “tòng triều thuỷ thượng hạ”, theo nước triều cao thấp (lên xuống) – diễn biến ngầm ý thời gian ngắn ngủi (trong ngày / hàng ngày) xảy ra, có kì hạn (một nghĩa khác của “triều”), điều không thấy có nếu ta chuyển qua cách hiểu nước sông, nước lụt. Không thấy từ điển Từ hải giải thích triều là floodwater. Về cách làm ruộng theo thuỷ triều như ông X có nêu ra, tôi đã quan sát trên cánh đồng ở Tân An (tây nam Sài Gòn vài mươi cây số) nhưng là chuyện mới quá, chắc không có sức thuyết phục. Tuy nhiên đây là sự biện minh, giải thích về cách làm ruộng theo một lối hiểu câu văn cổ kia, để củng cố thêm cho lập luận mà thôi. Cách hiểu về một từ riêng biệt có lúc lại phải tuỳ thuộc vào cách hiểu của bộ phận lớn hơn, có khi của toàn thể văn bản. Ví dụ khi cho rằng ở vùng Lạc người ta bắt chước cách tổ chức của Trung Quốc thì với chữ “thiết” trong đoạn văn, có thể dịch là “(tự động) tổ chức”, “bài trí” (sắp xếp) các chức vụ chứ không cần phải ai chỉ định sắp xếp cho họ.
[Nhân tiện cũng thêm điều thắc mắc của ông X trong chú 68, rằng chữ “cồ” trong tên Đại Cồ Việt là “không rõ”. Thật ra, đối với người Việt ngày nay chữ “cồ” vẫn còn có nghĩa là “lớn” như trong: gà cồ (gà trống), “đại cồ tổ nội” (lớn lắm). Tôi không có sách xưa hơn nhưng thấy tên Đại Cồ Việt trong ĐVSKTT và thấy Y. Tsuboi cho biết có ở Tống sử, như vậy là chữ cổ nối tiếp đến bây giờ. Đó là ghép tiếng nôm với tiếng hán cho rõ nghĩa như lời xưng tụng Bố Cái (lớn) Đại Vương mà ông K. Taylor sửa lại là: Vua Cái Đại Vương. Cách ghép này lại cũng thấy trong sách vỡ lòng học chữ Hán xưa, xếp theo vần điệu: thiên/trời, địa/đất, cử/cất, tồn/còn, tử /con, tôn/cháu…]
Ở đây, ông X (không biết ý Ngô Sĩ Liên) đã mở rộng cách giải thích về lạc và hùng vốn cho là riêng của Maspéro, để kéo ra đến việc phủ nhận sự riêng biệt của các đoạn văn ở Cựu Đường thư và Thái bình quảng kí, dẫn từ Nam Việt chí. Ông cho rằng các đoạn văn về Hùng chỉ là sự sửa đổi từ các đoạn văn về Lạc thôi. Ông không chú ý đến các chứng dẫn về sự hiện hữu một truyền thống chữ “hùng” riêng biệt với chữ “lạc”. Ngay từ đầu, nếu nhìn vào nội dung hai đoạn văn về lạc và hùng thì thấy có sự diễn tả về hai lối làm ruộng khác nhau, một ở vùng cận sơn, thung lũng (“hùng”, đất bốc hơi mạnh) và một, nếu có lợi dụng nước biển lên xuống hay sử dụng nước sông, nước lụt thì diễn biến sự việc là ở vùng đồng bằng rộng rãi (“lạc”). Cùng một chữ “hùng” có nghĩa như lâu nay vẫn nói, Việt điện u linh tập trong truyện độc nhất có dẫn vua Hùng trong sách, cho là truyện được ghi nhận từ Giao Chỉ kí của Tăng Công, hẳn là Tăng Cổn, người theo Cao Biền đánh Nam Chiếu (866) rồi kế nghiệp coi phủ Đô hộ (880). Vậy là Hùng Vương cũng được nhận ra ngay trên miền Bắc VN vào thế kỉ IX, bởi một ông quan cai trị chứ không phải của trí thức địa phương. Chưa kể An Nam chí / Ngan Nan tche yuan của người Minh phần năm 1419 vừa nhận ra “cung Lạc Vương” trên đất Phong Châu, vừa nhắc tới “Mị Nương, con Hùng Vương, xoã tóc dài” trên Tản Viên, thần sơn của Đại Việt. Các nhà nho cùng thời với tác giả LNCQ ở phần nửa sau của thế kỉ XIV tất biết về cái đền người Minh nói đó. Đại Việt sử lược (khoảng sau 1377) đưa ra một thời điểm chắc chắn về sự xuất hiện vua Hùng đầu tiên trên đất có đền thờ ngày nay: thời Trang Vương nhà Chu (696-682 B.C.). Tính chất người cầm đầu một thể chế vừa mang tính thần quyền và thế quyền như ông vua Hùng kể ở đây, dễ được người nghiên cứu khoa học chấp nhận hơn là các ông vua Hùng cai trị mỗi ông đến khoảng 130 năm của nhóm Hồng Bàng. Tuy thời điểm bắt đầu không biết lấy từ chứng cớ nào nhưng tên kể Chu Trang Vương và Việt Vương Câu Tiễn tiếp theo trong sách khiến người đọc (có ông X) nhận ra thời Xuân Thu Chiến Quốc trong sử Trung Hoa và liên tưởng đến nước Sở trong cuộc tranh hùng đó, nước Sở có 17 ông vua (dễ liên tưởng đến số 18 ông!) bắt đầu bằng chữ “hùng” viết lối khác mà cũng có ý nghĩa mạnh mẽ như nhau. Ông Nguyễn Phương, Giáo sư Đại học Huế, đã đưa giả thuyết này vào các bài giảng của ông đầu những năm 1960 và cho xuất bản trong Việt Nam: thời khai sinh với một giả thuyết khác về nguồn gốc dân Việt Nam hiện nay.
Các ông vua Hùng cùng con cháu ông nằm quanh vùng đền Hùng ngày nay có một người mang tên Đại Đạo Song Nga như có dáng Tày Thái gì đấy (Hoàng Xuân Chinh, Báo cáo khai quật di chỉ Lũng Hoà, H. 1968, 133). Ở đây có thể bàn ngay về lập luận “truyền thống dân gian” được viện dẫn mà ông X bài bác. Tất nhiên cái truyền thống đó mà cho là căn cứ để nói chuyện bốn năm ngàn năm trước, hay để biện minh cho chuyện lấy của người rồi bịa đặt, vẽ vời thêm thì khó chấp nhận. Nhưng lập luận cho rằng vì có chữ “khẩu” trong lời tựa Trần Thế Pháp: “nhân gian khẩu truyền”, “trứ vu nhân tâm, bi vu nhân khẩu (bia miệng)” mà cho rằng sự truyền đạt chỉ có thể độc nhất qua luồng ngôn ngữ, nghĩa là giả định có một thứ tiếng Việt qua bốn ngàn năm (chẳng hạn) như các sử gia VN DCCH hay CHXHCN VN khẳng định, và ông X dùng để bác bỏ cả nhà nho xưa lẫn sử gia nay về vấn đề này, thì luận cứ trên phải được xét lại một cách tinh tế hơn. Ít ra là ở đây, trên vùng Á Đông xưa, trong phần lớn thời gian, tuy không có một ngôn ngữ chung nhưng đã có một thứ văn tự chung: chữ Hán, do đó sự chuyển tiếp sự kiện, biến động, sử kiện có thể trải qua một tiến trình phức tạp lẫn lộn của các giai đoạn: lời truyền được văn tự ghi nhận rồi lưu giữ trong kí ức “các bậc già lão” từng nghe chuyện, để họ lại kể cho bậc nho gia tài giỏi ghi chép… và cứ thế mà tiếp nối. Nghĩa là phải tính đến giai đoạn / khu vực nhùng nhằng giữa khẩu truyền và văn tự. Điều này giải thích tại sao trong truyện Hồng Bàng vừa có Hùng vừa có Lạc: tác giả chỉ là người kết thúc bằng văn tự tiến trình chuyển tiếp phức tạp về trước mà thôi.
Ông X cũng thấy phải bào chữa trong trường hợp các nhà khảo cổ học VN đưa ra chuyện trống đồng, văn minh Đông Sơn để khỏi mâu thuẫn với các sự kiện khoa học mới xuất hiện. Và như thế là vô tình có một bước lùi trong lập trường của mình và biện minh chút ít cho họ về sự khẳng định “trống đồng là của Thời đại Hùng Vương”. Không nói chuyện vua Hùng làm chủ các trống đồng chưa chứng minh được, ở đây chỉ nêu ra rằng các nhà nho Đại Việt của thế kỉ XIV biết đền “Hùng” ở Phú Thọ tất đã có nghe lời truyền về một tổ chức chính trị, xã hội bản xứ xa xưa, đâu đó trên vùng này rồi lắp ghép, vẽ vời thêm truyện tích. Cái khác trong cách hiểu về tính cách khẩu truyền / truyền miệng, là các học giả VN DCCH trong khi mượn lối nghiên cứu mới về folklore, văn hoá dân gian, đã thêm vào đó ý niệm quần chúng / mass của thời đấu tranh giai cấp không có ở nhà nho xưa. Không phải chỉ có một chủ nghĩa dân tộc lãng mạn /romantic nationalism mà thôi.
Vây có thể nói hình như có hai truyền thống Lạc và Hùng khác biệt xuất xứ, khó có thể lẫn vào nhau được nhưng tên “Hùng” được lưu giữ vì sử gia nhà nước Ngô Sĩ Liên đã đem dấu ấn công quyền vào chữ mình chọn lựa – cũng như ngày nay sự chọn lựa Hùng Vương dứt khoát hơn vì có lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu theo hiểu biết của mình khi ghé đền Hùng tháng 10-1954. Và vì thế trong
4 tập Hùng Vương dựng nước, các bài bàn về Lạc và Hùng của các ông Đào DuyAnh, Hoa Bằng thật là lạc lõng, giống như một hơi tàn của thời H. Maspéro.
Hùng, Việt và Việt Nam (thêm) Đông Sơn
Nhìn bản văn Hồng Bàng thị với những bằng chứng ảnh hưởng từ văn chương, lịch sử Trung Quốc, ông X thấy “we need to completely rethink our understanding of Vietnamese history…” với tiếp theo những thắc mắc về những điều vô lí cứ được diễn giảng về lịch sử Việt Nam cho tới nay, nhất là của các sử gia dân tộc. Thật ra thì với một chút kiến thức khoa học của thời mới người ta cũng có thể nhận ra những điều vô lí đã được truyền bá cho dù chưa được đọc các bài viết, ví dụ của Ch. Holcomb mà ông X nhắc tới. Ông Trần Quốc Vượng, một sử gia nhiều ồn ào, được coi là một trong tứ trụ sử học của Việt Nam bây giờ, lúc chết đi mới có người tiết lộ là đã nói riêng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng (đại khái): “Dù dân Việt có tiếng nói riêng từ thời Hùng Vương thì qua hơn ngàn năm Bắc thuộc làm sao còn giữ được?” Hay như khi ông xướng lên về gốc chủng tộc Mường của Lê Lợi thì bị người Thanh Hoá đòi đánh, còn nhà dân tộc học Từ Chi cũng gặp khó khăn khi nói hoa văn trên trống đồng thấy trên gấu váy phụ nữ Mường! Có cả một sự dồn ép tổng hợp từ phía chính quyền, đoàn thể, cá nhân ngăn chận những suy nghĩ rất hữu lí bình thường để người ta cứ nói theo thành kiến có sẵn cho yên thân, và điều này lại có tác động đến những nhà chuyên môn cũng theo đà đó mà phát triển luận thuyết của mình.
Chữ “việt” dùng cho (các) tập đoàn, tổ chức chính trị cấp bực nước ở phía đông nam Trung Quốc được nhắc tới trong sách Tư Mã Thiên, lúc nào cũng chỉ có hai lối viết như ngày nay. Có sự liên tục từ đó dẫn đến tên nước Việt Nam ngày nay là điều không cần bàn cãi nữa tuy vẫn có người ngại ngùng né tránh, sợ xấu hổ! Có điều phải đặt tên nước Nam Việt của Triệu Đà ở tầm mức bắt đầu quan trọng nhất bởi vì các chứng cớ liên tục có ngay trong sử chính thức cả Trung Hoa lẫn Việt Nam, ở phía này lại có thêm sự ưu ái riêng biệt của sử quan trong một thời gian rất lâu. Âm vang tên Nam Việt trong vùng trước thời độc lập được ông X nhắc với các tướng nổi loạn trong ngoài Giao Chỉ nhưng chắc ông quên tên Đại Việt vốn là của chúa Nam Hán (vùng Quảng Đông) Lưu Cung/Nghiễm trong các năm 915-918 (M. Tchang, Chronologie complète et concordance avec l’ère chrétienne…, Chang Hai 1905, 314). Thời đó, phủ Đô hộ An Nam còn dưới quyền một ông Tiết độ sứ (chức quyền Trung Quốc) “tự lập”: Khúc Thừa Dụ. Ngô chưa có nước riêng nhưng đã xưng vương nên thấy có dấu vết gọi là nước Đô Hộ (suy từ truyện truyền kì Trương Hống, Trương Hát ở VĐULT, đến cách Đinh phong cho Lê Lương ở Thanh Hoá: “Đô [Hộ] Quốc Dịch sứ”). Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh xưng đế phải có tên nước mới nên lấy tên Đại Cồ Việt, ghép thêm một tiếng bản xứ vào với tên nhà Nam Hán buông bỏ kia. Nền độc lập không làm mất sự cách biệt với cựu chủ mà chính còn tăng tiến sự thâm nhập văn minh Hán nên còn tên Đại Việt tự xưng (1054) cho nước mà vua Trung Quốc vẫn gọi là An Nam. Chữ “việt” còn đó khi Gia Long đòi tên mới cho nước mình, tuy có giằng co từ Nam Việt qua Việt Nam nhưng chính từ 1804 tập thể dân tộc phía nam Trung Hoa này mới có tên nước riêng biệt có phần tham dự của chính mình.
Như đã nói, mỗi người có thể trình bày vấn đề nêu ra theo cách thức riêng của mình. Ở đây, ông X muốn đặt vấn đề sự tạo dựng nguồn gốc dân tộc Việt (Nam) thấy trong bản văn Hồng Bàng Thị vào trong ý thức địa phương trỗi dậy của các trí thức thâm nhập văn hoá Hán trên các vùng ngoại biên Trung Hoa, trong đó có tập đoàn người ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên khi nêu lên hiện tượng gọi là “localist turn” thì cũng nên tính đến sự khác biệt địa phương phối hợp với chênh mực thời gian của sự kiện dẫn chứng. Đế quốc Đường tan rã có tạo nên sự trỗi dậy ở các địa phương nhưng kết quả đến với từng vùng đã có sự khác nhau. Vì thế các dẫn chứng về Quảng Đông với các tác phẩm thế kỉ XVI, XVII ghép với con số 1482/92 và hình dáng Vũ Quỳnh (sống sang đến thế kỉ XVI) tuy tạm gọi là có tương đồng về thời đại nhưng dễ làm cho người ta quên mất tính chất khác biệt đến lúc này của hai địa phương đã mang hai chữ “Việt” (Hán) phân biệt. Hai vùng Quảng Đông và châu thổ sông Hồng đã có thực trạng chính trị khác nhau cho nên có liên hệ vấn đề với nhau cũng phải để ý đến sự khác biệt đó. Quảng Đông tuy còn giữ tính riêng biệt địa phương cho đến nay (vấn đề tranh chấp giữa tiếng Quảng Đông và quan thoại là một) nhưng vẫn nằm trong đế quốc Trung Hoa, ý thức địa phương thì có nhưng ý thức dân tộc thì chưa thành hình. Còn châu thổ sông Hồng không những đã độc lập từ thế kỉ X mà còn tạo dựng được sức mạnh riêng biệt đáng kể, chứng cớ là các cuộc chống Nguyên, Minh làm người ta hãnh diện không phải là không hữu lí. Nho sĩ Quảng Đông biện minh cho một địa phương còn nho sĩ Đại Việt biện minh cho một Nước. Chữ “ngã Việt” mà ông X bàn luận, nằm trong bài tựa 1492 cũng là minh chứng cho tính cách trên. Cho nên xét ý thức địa phương dẫn đến ý thức dân tộc ở Đại Việt phải được đặt vào một tiến trình tinh tế hơn.
Không có tài liệu để biết người Đại Cồ Việt (ít ra là tầng lớp trên) nghĩ gì về xứ sở mình, tập đoàn mình đối với phương Bắc nhưng xét tờ trình của sứ giả Tống Cảo thì thấy Lê Hoàn rất kiêu ngạo về xứ sở của mình, rất có ý thức về sức mạnh của mình. Mãi đến thế kỉ XIII mới thấy lời của sử quan Lê Văn Hưu nói rõ về xứ sở riêng biệt của mình với những biểu lộ tâm tình yêu mến thiết tha, đau đớn vì quá khứ khổ nhục thời thuộc trị, hãnh diện về sự cường thịnh hiện tại với các chiến thắng trên đất Chiêm Thành phía nam. Ý thức đó là kết quả của nền độc lập qua sự vững vàng dưới đời Lí, hẳn đã được khích động thêm vì những sách nhiễu hống hách của người Nguyên / Mông Cổ. Tuy nhiên cũng nên thấy rằng quyển sử chính thức của triều đình Trần do Lê Văn Hưu chấp bút (1274) thì cho nước bắt đầu bằng Nam Việt của Triệu Đà! Không phải Văn Lang của Hùng Vương. Lê Tắc, người đồng thời, viết An Nam chí lược tuy ở Trung Quốc nhưng kiến thức về nước nhà chắc vẫn giữ từ hồi hàng Nguyên (1285) lại cũng không nhắc tới Hùng Vương. Và như đã nói, Hùng Vương bắt đầu lẻ loi, khuất lấp trong quyển Việt điện u linh tập 1329, đi vào Đại Việt sử lược 1377, có lẫn lộn với Hồng Bàng trong LNCQ khoảng sau 1370, trong Việt nam thế chí cùng thời. Vậy thì, nhắc lại, có thể nói cái invented tradition ông X nói không là riêng của tác giả Hồng Bàng thị trong LNCQ mà là của các trí thức / nhà nho Đại Việt vào nửa sau thế kỉ XIV đi tìm lí do, cơ sở hiện hữu cho đất nước của họ sau nhiều thế kỉ có quyền lực riêng biệt. Ở đây lí thuyết là để biện minh cho một thực tế tập đoàn. Nhưng điều này thì, như đã nói, vẫn còn “trong vòng dư luận” của giới trí thức, chưa được coi là “chính thức” bởi vì trong tuyên cáo về một sự kiện quan trọng ngàn năm một thuở như trong Cáo Bình Ngô (1428) Nguyễn Trãi vẫn nêu Quốc thống là: “Từ Triệu (Đà), Đinh, Lê, Lí, Trần… một phương.”
Nhắc lại sự quan trọng của việc Ngô Sĩ Liên đưa Hùng Vương vào quyển sử chính thức của nhà nước vì ở đây có sự can thiệp của một tình thế mới, một tập đoàn lãnh đạo mới: họ Lê có gốc Mường Thái mà người nay cứ chối bỏ. Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng còn sống sót, khi dịch phần Ngoại kỉ của sách Ngô Sĩ Liên (bản in Nxb. Tân Việt 1949?) đã đưa ý kiến là sở dĩ Ngô Sĩ Liên cho vua Hùng vào sử vì thấy sinh hoạt ghi ở Hồng Bàng thị giống với của tập đoàn Lê, chủ ông. Quốc thống là truyền thống của vua, của dòng dõi người lãnh đạo đương thời trước khi là của dân, nước như cách hiểu ngày nay. Vì thế Trần mới bắt dân gọi vua là “quốc gia”, phân biệt với trong nhà vẫn gọi là “quan gia”. Nhận xét của Nhượng Tống không phải vô lí vì chỉ ở Hồng Bàng thị (không có ở các tài liệu khác) mới có những đường nét chi tiết về sinh hoạt một tập thể có dân chúng, có phong tục sống động (phần cuối truyện) đáng cho một sử gia / sử quan ghi vào sách. Sự kiện Ngô Sĩ Liên đưa vào chính sử mới thật đúng với ý nghĩa về cái truyền thống được tạo dựng nhắm vào những mục đích hoàn toàn mới. Thời mới để phục vụ ở đây là triều đại Lê có công đánh đuổi xâm lược, không phải chỉ như một tập đoàn rừng núi xuống trung châu mà còn có gốc rễ được cho là xa tít vào trong thời gian, ngang tầm với đất nước phương Bắc.
Các tác giả thời Trần (không riêng người viết Hồng Bàng thị) chỉ “vẽ” ra một phả hệ quốc gia, một truyền thống nhưng Ngô Sĩ Liên đem lại cho nó một dấu ấn công quyền để truyền thống đó có sức nặng hiện hữu mang tính quyết định hơn. Có nghĩa là sự mở đầu của Hồng Bàng thị có dẫn đến một quan niệm về lịch sử Việt Nam lùi xa trong quá khứ và to lớn như đang thấy hiện nay, như ông X cũng đã chứng minh, nhưng thật ra cũng nên kể đến phần tạo dựng về sau. Cũng như mọi lí thuyết khác, những sự bồi đắp về sau vẫn có phần quan trọng đáng kể, có khi vượt khỏi những mong ước mơ hồ ban đầu. Không phải các nhà nho xưa không thấy sự yếu kém trong bằng cớ của mình. Họ cũng đã nói tới tính chất “quái” của chuyện mình kể, ghi chép nên phải tìm lí lẽ để tin – và để thuyết phục người khác tin, bằng cách dựa vào các bậc già lão lưu truyền, có bằng cớ như ở ông thầy phương Bắc (chuyện Nữ Oa, Phục Hi…) Ngô Sĩ Liên phải chép toàn truyện Hồng Bàng vào phần Ngoại kỉ để “dĩ nghi truyền nghi” nhưng rõ ràng có khác là ở đó phần Hồng Bàng (Kinh Dương, Lạc Long) không thể nhiều chi tiết đáng tin hơn phần Hùng Vương đã nổi trội lên, đã nhiều vây cánh hơn với các nhân vật Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh dẫn đến An Dương Vương mà vào sử thật sự. Ông Hùng Vương dù không có thật, hay dù chỉ là được nghe ngóng sai lạc mà có nhưng đến lúc này đã trở thành hiện tượng lịch sử tiềm ẩn một ảnh hưởng lớn. Không có những bồi đắp của Ngô Sĩ Liên thì không có các ông Hùng Vương hoành tráng đi theo thế giới kĩ thuật ngày nay. Cho nên có lẽ phải nói đến một “lịch sử về quan niệm Hùng Vương” nữa.
Ngô Sĩ Liên thêm các ông Kinh Dương, Hùng Vương vào mà vẫn không bỏ mất Triệu Đà với nước Nam Việt nhưng các Hùng Vương của ông chỉ mới có các thứ bậc 3, 6, 18 (3×6?) mà thôi. Qua triều đại khác (Mạc), trên đất Nghệ An thờ cá voi, thờ thần Po Riyak của Chàm lẫn lộn các hồn ma vua quan Nam Tống mới thấy thêm được ông Hùng Vương XIII, một con số thật lạc lõng. Thế rồi với tập đoàn Lê nằm ở Thanh Hoá muốn vươn danh nghĩa đến phần đất trung châu chưa chiếm được, Nguyễn Bính (1572) liền bịa ra hai tên / “thuỵ hiệu”: Hùng Hiền Vương, Hùng Duệ Vương để lập các thần tích trên đất Bắc, cho bám vào dòng dõi khai sáng Thanh Hoá này: Hùng mà cũng là Lê. Nhưng cả khi Lê chiếm lại được trung châu, đến dấu vết thế kỉ XVIII (1737) cũng vẫn không có thêm tên ông Hùng nào, còn uy danh ông Quốc tổ vẫn không ra khỏi nơi thờ cúng của ông, vì theo lời Lê Quý Đôn (1777) bè gỗ mang về dựng đền ông vẫn bị một ông thần khác âm mưu đánh cướp! Cái quốc thống Rồng Tiên bị thụt lùi một chút với một triều đại đến từ phương Nam (Nguyễn) chiếm trọn đất của Lê. Nguyễn từng tự xưng “Nhà ta gốc tự Ô Châu (Thuận Quảng)” mà sử quan lại đầy những người gốc Lê, từng đọc cuốn sử kí theo họ là “có cả hơn ba trăm năm tuổi, thực hiện dưới đời một ông vua văn học giỏi giang (Lê Thánh Tông)” nên cố sức đẩy toàn bộ hệ thống cũ vào sách sử triều đình mới. Tự Đức phải làm chuyện chia hai có cấp bực: đưa các ông vua Hùng lên địa vị chính thống và cho xếp các ông Kinh Dương, Lạc Long vào vai phụ.
Chuyện tức cười là tên các ông Hùng có gần đầy đủ hơn là nhờ người Pháp! Với tính chất khôn ngoan của nhà cai trị, họ cố ghép các tin tưởng truyền thống vào nền cai trị mới. Loại tin tưởng này với tình trạng mất nước đã khiến cho tầng lớp trí thức nho sĩ chống đối cố biến thành sức mạnh tinh thần thay thế cho khả năng vật chất mà họ không có. Hãy nghe Phan Bội Châu kêu gào, than khóc thì rõ! Người Pháp biết thế nên cũng đem hình ảnh Rồng Tiên xưa vào chuyện thời sự của mình. Muốn cổ động mua trái phiếu trong Thế chiến I (còn gọi là “Âu chiến”) họ tung khẩu hiệu và hình ảnh “Rồng Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc.” Họ cho “Quan Ba tàu bay Đỗ Hữu Vị” lái con rồng phun lửa tiêu diệt bọn man di. Họ mời vua Khải Định tuần du Bắc Kì, nơi ông không có quyền thực tế nào và cũng không được phép đi tới nếu họ không cho. Họ để ông kí Dụ lấy thời điểm 10 tháng 3 âm lịch làm ngày Giỗ Tổ, ngày này đương nhiên thành ngày Quốc lễ khi Quốc hội CHXHCN Việt Nam công nhận Quốc tổ ngày 26-4-2007. Cả đền Hùng hiện diện ngày nay cũng là được xây dựng, tu sửa trong thời kì có lính “tùng chinh Âu chiến” ấy. Cứ cái đà đó mà đền Hùng, hình ảnh Con Rồng cháu Tiên được nổi bật trong văn thơ, ca nhạc mới càng lúc càng đậm nét tâm tình ái quốc, từ trên tầng lớp trí thức triều đình ngày xưa nay xuống đến các tầng lớp dân chúng xóm làng, phổ biến khắp các địa phương, có khi cũng lan theo ngõ ngách thần điện cũ là qua tín ngưỡng Điện Phủ. Cho nên có thể nói 18 ông vua Hùng có tên rành rẽ là trong thời gian này, có điều phải lấn cấn với hai ông Kinh Dương và Lạc Long nên chữ “hùng” riêng biệt hay lẫn lộn với thuỵ hiệu chỉ xuất hiện nơi 17 ông mà thôi. Phải đợi biến động 1945 (1954? 1975?) mới có đủ cho 18 ông, không những có thuỵ hiệu mà còn có cả “niên hiệu” (?) nữa, rồi tiếp tục qua thế kỉ XXI, Bộ Giáo dục xuất bản sách (2004?) có thêm tên 99 ông từ trứng của bà Âu Cơ, bù đắp cho sự thiệt thòi không mang tên Hùng.
Với thời thế có dân có nước trong một thế giới văn minh, nhà cầm quyền Việt Nam DCCH từ 1956 dựa vào khảo cổ học, dùng lại một danh hiệu văn hoá khảo cổ của Trường Viễn Đông Bác Cổ thời Pháp thuộc: văn hoá Đông Sơn, khai triển ra với những cuộc đào bới mới, rồi cho là đã tìm ra bằng cớ vật chất cho “thời đại Hùng Vương” rực rỡ 4000 năm từ các đồ đồng phát hiện mà nổi bật là các trống đồng. Sự tận lực làm việc của những học giả dân tộc thế hệ mới, cùng với tài tuyên truyền của một tập đoàn nhà nước vốn đã cho thấy khả năng tuyệt vời về phương diện chính trị khiến cho các thành tích nghiên cứu mang lại hiệu quả đáng kể, tuy trong cấp thời chưa cho thấy những sơ hở không ít. Không có ông Lạc Vương nữa vì vị Chủ tịch chỉ biết đến ông Hùng Vương mà thôi (hang Pắc Bó 1941, đền Hùng 1954). Các công trình đào bới, nghiên cứu cổ thư, dấu tích dân tộc học, folklore / văn hoá dân gian… được gồm vào trong 4 tập sách dày mang tên có ý nghĩa quyết định khoa học: Hùng Vương dựng nước. Các trống đồng tìm được càng lúc càng nhiều để các tập Khảo cổ học hay các tổng kết hàng năm: Những phát hiện khảo cổ học năm… không lúc nào thiếu bằng chứng bàn tới. Sự “bịa đặt” trong khởi đầu “invented tradition” dù sao vẫn còn nằm trong phạm vi ý nghĩa “không có thật” nhưng qua lặp đi lặp lại, phần “không có thật” ấy sẽ tạo sự in trí, dẫn đến hành động, nghĩa là cũng tạo ra lịch sử. Và lịch sử càng tiến triển dồn dập hơn khi cái truyền thống kia được sử dụng theo một mục đích đăït sẵn, phối hợp với kĩ thuật vận động tâm ý trên số đông, có tên là “tuyên truyền”, đã lên đến mức độ nghệ thuật như ngày nay.
Ngoài tác động đáng kể đối với dân chúng trong thời gian chiến tranh, dẫn đến chiến thắng với các khẩu hiệu: Bốn ngàn năm đánh giặc, Bốn ngàn năm giữ nước… các thành tích và lời lẽ khoa trương đưa ra cũng tác động đến các học giả ngoại quốc. Thành Cổ Loa vẫn phải là của thời tiền-Việtnam, chứng cớ về một giai đoạn “tương đối phát triển” của dân bản xứ trước thời Bắc thuộc (S. O’Harrow). Ch. Higham (The Bronze Age of South East Asia, Cambridge 1996) đã theo các nhà khảo cổ Việt Nam mà cho rằng các “qua” đồng tìm được ở Đông Nam Bộ là thuộc vào thời đại Đông Sơn của Việt Nam, không nệ rằng “qua” (Ko/halberd) là vũ khí riêng biệt sâu vào trong thời Cổ Trung Hoa, còn các hoa văn rằn rện trên các tấm qua này thật không thể nào được ghép đồng thời với các cục đồng làm búa trơn lu của địa điểm Dốc Chùa, được coi là dấu vết thời đồ đồng ở Nam Bộ.
“Qua” đồng sau thời kì được cho là của văn minh Đông Sơn, bây giờ, theo phong trào địa phương chủ nghĩa trong sử học quốc nội, lại được cho là của một tập đoàn dân bản xứ trên đất Đông Nam Bộ, của một chiefdom mà một ông chief có thể là đang nằm dưới mộ đá dolmen Xuân Lộc. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Mạnh đã nói điều đó trong một bản văn nghiên cứu đầy tính chất tụng ca (hagiographique, 2009) đối với dân Đông Nam Bộ xưa, có tìm sự ủng hộ của một giáo sư Nhật Bản và lời của F. Engels. Tuy nhiên kĩ thuật mang tính chuyên biệt văn hoá thì không dễ gì hấp thụ nếu không có người truyền đạt, việc dân bản xứ dùng qua làm vũ khí tất phải kèm theo sự hiện diện của một toán “cố vấn” ở thời đại tương đương, xuất phát từ Trung Quốc (thời Chiến Quốc: gần ngang với Đông Sơn, “khoảng giữa thiên niên kỉ I B.C.”, theo ông Mạnh). Còn nói dân bản xứ ấy có tính thích ứng tuyệt vời thì phải nghĩ thêm rằng với thời đại đó, trên miền Đông Nam Bộ mà có vài ngàn chiến binh của ông Bigman nào đó sử dụng qua đồng thì chắc chắn Phù Nam không thể nào ngóc đầu lên được. Không biết chừng không có cả Chiêm Thành, Angkor! Các học giả dân tôïc / địa phương chủ nghĩa không thấy
rằng gần cả 1000 chiếc qua đồng tổng cộng phát hiện trong hơn phần tư thế kỉ, mỗi cái nặng 2kg riêng lưỡi đó – không tính cán gỗ, chỉ có thể là của toán binh lính Minh dưới quyền Trần Thượng Xuyên đến Cù Lao Phố năm 1679 mà thôi. Nhìn kĩ, bài “nghiên cứu” đưa ra, ngoài việc phỉnh nịnh địa phương, lại không giấu được chút ngầm ý cạnh tranh rụt rè, tội nghiệp với “địa phương” Hà Nội đang rộn ràng cử hành Kỉ niệm Ngàn năm Thăng Long!
K.W. Taylor trong luận án nổi tiếng, tuy không phải chịu áp lực của chuyện thời đại Hùng Vương rực rỡ, chuyện 4000 năm… nhưng thấp thoáng trong sách ông vẫn có dáng dấp của tinh thần chống xâm lăng, về sự trường tồn trong lịch sử dân Việt… (Ông X thấy ra rồi.) Còn bản sách Histoire du Viet Nam des origines à 1858 của Lê Thành Khôi, nếu dịch ra tiếng Việt thì cũng thấy có chữ “nhân dân”, “quần chúng”, “kháng chiến”… trong đó. Không nên lấy làm lạ ở điều này khi nhớ lại các cuộc biểu tình phản chiến trên đất Mĩ, sự thiên lệch quá quắt thật đương nhiên của phong trào tả phái thế giới trong cuộc chiến 1956-1975. Hậu quả về khía cạnh nghiên cứu là, ví dụ, sau 1975 các học giả Nhật đánh nhau khi chia phe bênh hoặc chống Việt Nam (tiết lộ trên tạp chí Xưa và Nay, số?, năm?). Điều đáng nói khác là các học giả ngoại quốc nghiên cứu về Việt Nam hầu như không biết đến, không nhắc tới một số công trình xuất hiện ở VNCH. Thời gian tồn tại của nó ngắn ngủi, lại ngập mình trong chiến tranh nên không có nhiều công trình để người ta phải chú ý tới nhưng lí lẽ chính, là vì nó đã thất bại. Điều rõ rệt, ví dụ K. Taylor viết The Birth of Viet Nam mà không biết đến một “The Birth…” bằng tiếng Việt khác của Nguyễn Phương, Giáo sư Đại học Huế, trình bày trong Việt Nam thời khai sinh, Huế 1964? (Cũng như thấy tác giả ở Mĩ bàn về Tây Sơn mà không biết đến quyển sách chịu khổ nạn của chúng tôi sau 1975, đến 2007 được tái bản trong nước với tựa sách đổi chút ít để rửa mặt cho người cầm quyền mà một blogger Hà Nội năm 2009, nói rằng sau đó sách lại bị cấm!?) Nguyễn Phương đã đưa ra giả thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt là từ di dân Hán đến vùng thuộc địa phương nam này (giống như người Anh đến đất Mĩ), và do đó không có chuyện Bốn ngàn năm, rồng tiên gì ráo! Theo ông, đám dân Đông Sơn đã chết với Hai Bà Trưng, còn “Lí Bí là người Việt Nam đầu tiên”. Giả thuyết của ông cũng được trình bày trong một hội nghị quốc tế, ở Hongkong 1974 (?). Lí thuyết có thể bị bài bác nhưng dù sao cũng đã hiện diện, vậy mà không được nhắc tới chỉ vì nó phải đi theo số phận của một thành phần thất bại, bị khinh miệt.
Trống đồng được coi là đỉnh cao vật chất của Thời đại Hùng Vương. Học giả Việt Nam sau cuộc chiến 1979 đã lên tiếng tranh chấp quyết liệt với học giả Trung Quốc xem trống Đông Sơn (Việt Nam) với trống Điền Vân Nam cái nào xưa hơn. Họ không thấy trống Điền của tập đoàn Điền Việt mang tính tập trung, được có bằng cớ là của vương triều Điền còn lưu cái ấn của Hán Đế phong, còn trống Việt Nam chỉ là những sản phẩm tuy đặc sắc nhưng là riêng lẻ, rải rác, chứng tỏ thuộc về những thủ lãnh địa phương như dấu vết ở Làng Cả, gần đền Hùng nên được coi là địa điểm của cộng đồng tiêu biểu thời Hùng Vương. Ở đó, giữa hàng trăm mồ mả, ngôi mộ nhiều vật tuỳ táng nhất có vẻ là của một ông thợ đúc đồng. Chiến thắng 1975 khiến danh vọng trống đồng còn được học giả Việt Nam nêu cao hơn. Theo các ông Phạm Huy Thông, Chử Văn Tần, cựu và đương kim Viện trưởng Khảo cổ học lúc ấy, trong bản tham luận đọc tại hội nghị quốc tế Berlin 1978, họ cho rằng trống đồng là vật phẩm được các vua Hùng xưa ban cấp cho các nước Đông Nam Á, nơi có dấu vết trống xuất hiện ngày nay! Chính vì thế mà trong lễ hội Ngàn năm Thăng Long đang diễn tiến, người ta đúc cả hàng trăm trống đồng, đem ra biểu diễn tuy không biết phải đánh trống ra làm sao.
Học giả VN DCCH từ các đào bới, cho là đã xếp được một chuỗi văn hoá khảo cổ của “thời đại Hùng Vương”, có tên là: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Tuy nhiên dù không phải là chuyên viên, người bình thường vẫn thấy ra các sơ hở của các nhà khảo cổ VN vì sự nhiệt thành lẫn lộn xu phụ của họ trong khi làm việc. Tưởng là có thể tìm thêm dấu vết vật chất thời Âu Lạc, ngưòi ta cắt mặt thành Cổ Loa, thấy ra toàn đất đời Hán, liền quên ngay phát hiện này để có thể giữ tên ông An Dương Vương là chủ thành, có “thần” Kim Quy giúp đỡ lan về sau với ông Lê Lợi được trả kiếm! Thành tích C14 trở thành bùa chú khoa học vụng về như khi có các con số đo xác nhận thế kỉ V, VI gì đó ở vùng Hoa Lư, người ta liền cho là của “Văn minh Đinh Lê”, không cần biết các ông Đinh, Lê nọ phải đến thế kỉ X, XI mới xuất hiện trên chính trường!
Chuyện mới nhất là vào đầu năm 2010 này, người ta đào thành Dền thấy các hột lúa được cho là của 3000 năm trước lại còn tốt, liền nảy ý đem gieo, và nó mọc mầm, ra lá tốt tươi. Phát hiện độc đáo của nhà khoa học Việt Nam, ở một nước xuất cảng lúa gạo đứng hàng thứ nhì thế giới, có cơ quan nghiên cứu IR từ lâu thế mà không ai thấy ra tại sao hột lúa 3000 năm tuổi lại mọc sởn sơ, toả nhánh sum sê như lúa mới gặt của mùa vừa qua? Ông Võ Tòng Xuân cựu-ngụy của Đại học Cần Thơ bản-xứ nói “sai!” người ta không tin, vẫn cứ bảo gởi mẫu sang xứ Nhật văn minh để giám định! Con số 3000 năm đó, tuy không được đưa ra trên báo chí nhưng rõ ràng là lấy từ kết quả gọi là giám định C14 ở địa điểm khảo cổ Đồng Đậu, nơi cũng có dấu vết thóc cổ dày đến nửa thước, được cho là có từ 3000 năm trước. Chuyện của năm 2010 lôi ra sự hoài nghi về các công trình nghiên cứu Hùng Vương những năm 1960 nhắm vào mục đích “chống Mĩ cứu nước”. Chút hiểu biết của tôi về cổ tiền học (numismatique) cho phép tôi khẳng định ngôi mộ ở Gò Mun, cho là thuộc Văn hoá Gò Mun muộn, trước Đông Sơn, ngôi mộ đó phải có sau thế kỉ XV. Cũng trên căn cứ đó mà địa điểm Xuân La không phải là của Đông Sơn (ông Ch. Higham cũng dính vào đây), của các thế kỉ quanh đầu Công nguyên, mà là sau thế kỉ XV (một thời điểm làm căn cứ là năm 1467).
Ông X cũng thấy các học giả Việt Nam dùng các dữ kiện dân tộc học, văn hoá dân gian để biện minh, và cả chứng minh, cho sự hiện hữu của thời Hùng Vương. Cố gắng đó đã thấy nơi các nhà nho xưa nhưng khi họ viện dẫn, ví dụ lí lẽ “các bậc cố lão tương truyền…” thì hành động đó chỉ mang ý nghĩa của một thói quen tuân phục quá khứ mà vẫn còn chừa cho sự hoài nghi, trong khi lập luận của các học giả VN DCCH lại mang tính chất quyết định chính trị thấy trong các từ thời đấu tranh giai cấp, giải phóng dân tộc: quần chúng nhân dân, đất nước, dân tộc anh hùng… Sự kiện Phù Đổng Thiên vương đã được đặt ra bằng một lập luận giới hạn: “Anh hùng bộ lạc hay anh hùng dân tộc?” như không thể có cách giải thích nào khác. Do đó “người anh hùng làng Dóng” tuy mang dấu hiệu cổ sơ là con sinh từ vết chân thần người mẹ giẫm lên, lại cỡi ngựa sắt mang chút chứng cớ thời đại khoa học, nên thuộc thời đại Hùng Vương, đi chống ngoại xâm là điều không được phép bàn cãi. Họ không thấy rằng các chứng cớ dân tộc học, truyền thuyết… có thể dùng với các tập đoàn người chưa có chữ viết, còn đối với các tập đoàn đã có văn tự thì mọi giải thích phải phụ thuộc vào các bản văn có chỉ dẫn thời điểm, dù là tương đối. Ví dụ không thể nói chuyện Ông Dóng thời vua Hùng (III/VI) chống ngoại xâm khi bản văn 1329 nói ông chỉ là ông thổ địa, một thần được dân địa phương cúng vái, rồi tiếp theo là bằng cớ cho thấy rằng các nhà nho về sau đã vẽ thêm tiểu sử của ông. Không thể nói chuyện vua Hùng rực rỡ khi Nguyễn Trãi (1428) chỉ nói đến Triệu (Đà) là xưa nhất trong quốc thống của mình. Nhưng những điều đó không thể thuyết phục những người cầm quyền hiện nay. Họ không cần bịa ra nhưng chỉ làm mới một truyền thống bịa đặt lúc xưa bằng quyền lực hiện tại của mình cũng thấy là đủ. Nhân Quốc hội công nhận Quốc tổ, tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ giỗ 2007 đã chia bánh chưng cúng cho khắp các tỉnh trong nước, nói rõ đó là Lộc của Tổ ban cho con dân ngày nay. Năm 2009 đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân ở Phú Thọ. Và có lệnh mỗi tỉnh phải lập một đền Hùng. Cả đến tư nhân tổ chức khu giải trí như khu Đại Nam Văn Hiến ở Bình Dương cũng xây đền to lớn thờ vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, và có cả tượng Lạc Long Quân, Âu Cơ phơi nắng thật hoành tráng.
Như đã phát biểu từ đầu, chúng tôi dễ dàng tán thành lập luận của ông X nên chỉ có thể lặp lại bằng cách khác thôi:
Chuyện Hùng Vương, Quốc tổ là để phục vụ cho hiện tại. Vấn đề Hồng Bàng trở thành chuyện “nhạy cảm” chính trị, cho nên đặt vấn đề Hồng Bàng trong viễn tượng khảo cứu khoa học là chạm đến một tabou của sử học Việt Nam bây giờ. Không phải không có người bàn tới mà là không được phép bàn tới. Như từ năm 1985 ông Phạm Huy Thông, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, đã cảnh cáo rằng các luận điểm sử học như về thời đại Hùng Vương là “nhờ những công trình khoa học mà đã trở thành di sản thiêng liêng của dân tộc… (nên) không cho phép ai lấy danh nghĩa khoa học mà phát ngôn tuỳ tiện”.
4-10-2010
Nói thêm:
Xin lỗi, bản văn được gởi tới, in ra lúc đầu không thấy có footnotes, đành cứ theo đó mà làm. Lúc gần xong, thấy bản in lem luốc vì nhiều vết ghi chú chằng chịt của mình, tôi liền in bản mới cho sáng sủa hơn thì lại thấy có đầy đủ footnotes nênphải bắt đầu lại. Mắt mờ, chữ nghĩa không biết có hiểu đúng không nhưng không muốn mất lòng kì vọng nên ráng làm, có gì sai sót xin bỏ qua cho.
Trân trọng.
TCĐT.
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn:
1. Tạ Chí Đại Trường on the Tale of the Hồng Bàng Clan (Hồng Bàng thị truyện). Le Minh Khai’s SEAsian History Blog, 25mar16.
2. Tạ Chí Đại Trường on Liam Kelley’s Hồng Bàng/Medieval Invented Tradition article (tiếng Việt), Le Minh Khai, University of Hawaii at Manoa, History, Faculty Member | Southeast Asian history a.k.a. Liam C. Kelley
3. Tạ Chí Đại Trường on Liam Kelley’s Hồng Bàng/Medieval Invented Tradition article (English), Le Minh Khai, University of Hawaii at Manoa, History, Faculty Member | Southeast Asian history a.k.a. Liam C. Kelley