Một giả thuyết đáng ngạc nhiên tại sao Philippines có rất ít những vụ xả súng giết người hàng loạt — dù dân có thể có nhiều súng rất dễ dàng
CHAD DE GUZMAN | DCVOnline
Không có nhiều những vụ xả súng giết người hàng loạt ở Philippines vì “không để gia đình, làng xóm phải xấu hổ vì mình” là một giá trị cốt lõi của người dân và xã hội Phillipines.
MANILA | Các vụ xả súng giết người hàng loạt là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, nhưng trọng tâm của vấn đề là súng — thứ mà Philippines có rất nhiều. Súng được bày bán công khai trong các trung tâm thương mại và hầu như ai cũng có thể mang súng, kể cả linh mục và kế toán viên.
Theo báo cáo, dân chúng có thể thuê người khác để lo các thủ tục liên quan đến việc được phép mang súng, chẳng hạn như qua những cuộc xét nghiệm ma túy và tâm lý, và ước tính có khoảng bốn triệu khẩu súng ở Philippines với dân số 110 triệu. Hàng trăm ngàn người có và dùng vũ khí bất hợp pháp. Đói nghèo, tham nhũng, tội phạm và cuộc chiến chống ma túy tàn bạo của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte đã để lại những vết sẹo hằn sâu trong xã hội.
Không có sự đồng thuận nào ở Philippines về nguyên nhân xẩy ra một vụ xả súng giết người hàng loạt ngoài những vụ thiệt mạng khác người do súng gây ra, nhưng những vụ giết người bừa bãi không thường xẩy ra. Một tay súng say rượu xả súng điên cuồng ở tỉnh Cavite, miền Nam Phillipines khiến 8 người chết và 11 người bị thương vào năm 2013 là thảm kịch gây chú ý vì độ hiếm khi xảy ra của nó.
Rõ ràng, các vụ giết người liên quan đến súng là một thực tế của cuộc sống ở Philippines. Có thể thuê những kẻ sát nhân với giá ít nhất là 300 đô la. Trên thực tế, Philippines là một trong những nơi chết chóc nhiều nhất ở châu Á nếu nói đến các vụ giết người bằng súng. Quốc gia này đã có hơn 1.200 vụ cố sát bằng súng trong năm 2019. Điều này có nghĩa là cứ 100.000 người ở quốc gia Đông Nam Á này thì có một vụ giết người bằng súng — một trong những tỷ lệ cao nhất ở châu Á. (Vào năm 2020, con số tương đương của Hoa Kỳ là 4.)
Những cuộc bầu cử có thể là những thời điểm đặc biệt đẫm máu, với những cuộc tấn công giết người nhằm vào giới chức phụ trách bầu cử và các đối thủ chính trị. Một trong những vụ giết người tồi tệ nhất tại Phillipines, vụ thảm sát 58 người ở tỉnh bang Maguindanao năm 2009, diễn ra trong một cuộc bầu cử thống đốc. Nhưng đó là một cuộc bạo động giết người vì chính trị. Các vụ xả súng không liên quan đến chính trị hoặc tội phạm không phổ biến — và không có gì quá khích như đã thấy ở Columbine, Sandy Hook, hoặc Uvalde. Gerry Caño, trưởng khoa Tội phạm học và Tư pháp Hình sự tại Đại học Cagayan de Oro, nói,
“Tôi nghĩ đó chỉ là vấn đề thời gian. Tôi nghĩ rằng giới hữu trách của chúng tôi và những nhân viên trách nhiệm về an toàn công cộng chỉ đang đợi thời điểm đó xảy ra, vì Philippines bị ảnh hưởng rất nhiều do văn hóa phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.”
Gerry J. Caño
Tuy nhiên, hiện tại, các yếu tố xã hội mạnh vẫn tiếp tục có tảnh hưởng hạn chế bạo lực bừa bãi. Học giả người Philippines Raymund Narag, phó giáo sư tội phạm học tại Đại học Nam Illinois và là một cựu tù nhân, cho biết các vụ xả súng giết người hàng loạt ở quê hương của ông một phần bị ngăn cản vì hiyâ, một từ trong tiếng Tagalog có nghĩa là sự nhục nhã hoặc xấu hổ. Tránh hiyâ và không để gia đình và làng xóm phải xấu hổ, thường được mô tả như một giá trị cốt lõi của Philippines. Narag nói
“Nó phản ảnh về bạn và phản ảnh về gia đình bạn. Khi tôi bị bỏ tù, toàn bộ gia tộc của chúng tôi cảm thấy bị sỉ nhục.”
Raymund Narag
Văn hóa súng ở Philippines
Mặc dù hiến pháp của Phillipine không ghi quyền mang vũ khí như ở Hoa Kỳ, nhưng không thể phủ nhận tình yêu súng của người Philippines.
Khi Hoa Kỳ đô hộ Philippines vào đầu thế kỷ 20, công dân được phép có súng rất mạnh dùng cho những “mục đích hợp pháp” và săn bắn. Sau khi Ferdinand Marcos tuyên bố thiết quân luật năm 1972, dân chỉ còn được quyền có một khẩu súng trường yếu và một khẩu súng lục — và cả hai đều phải có giấy phép. Nhưng vào năm 2000, Tổng thống Joseph Estrada đã dỡ bỏ những giới hạn này và cho phép dân chúng muốn có bao nhiêu súng tùy thích, ở bất kỳ loại và cỡ nào cũng được.
Một đạo luật năm 2013 quy định các tiêu chuẩn để có súng và mang súng ở nơi công cộng. Người có súng có giấy phép phải đủ 21 tuổi và tham dự một cuộc hội thảo về cách sử dụng súng an toàn, là vài trong những điều kiện để được phép có và dùng súng. Tùy vào giấy phép, hầu hết người dân có có tối đa 15 súng ngắn, súng trường và súng săn (người sưu tầm súng được phép có nhiều hơn 15 súng). Giấy phép hợp lệ có hạn đến 10 năm.
Trước khi làm tổng thống, Estrada là một diễn viên thủ vai anh hùng bắn súng trong các cuộn phim hành động — một loại phim được người Philippines yêu thích vì ca ngơi sự tự tôn của nam nhi và mô tả các cuộc đấu súng là hình thức tự vệ hợp pháp ở một đất nước đầy rẫy tội phạm. Cơn sốt phim hành động chắc chắn đã giúp người dân Philippines tiếp nhận văn hóa súng đạn.
Ở một số vùng dân cư nghèo nhất nước, súng đã trở thành hình ảnh phổ biến của những băng đảng tham chiến, những người mua súng giá rẻ từ những người bán súng bất hợp pháp. Những câu lạc bộ bắn súng mở của hoạt động dành cho những người có nhiều tiền hơn và quan tâm đến môn thể thao bắn súng. Nhiều người Philippines giàu có đã vào cuộc sưu tầm súng, trong khi những người giàu có nhất bắt đầu nhiệt tình vũ trang cho vệ sĩ của họ.
Nhưng bất kể việc ca ngợi súng ống, khi bạo lực súng đạn diễn ra, nạn nhân hiếm khi là những người ngoài cuộc ngẫu nhiên có mặt trong rạp chiếu phim hoặc ở trung tâm mua sắm. Caño cho biết, gần một phần tư dân số Philippines sống dưới mức nghèo và “tiền hoặc phần thưởng dường như là động cơ thúc đẩy tốt nhất” trong nhiều vụ án mạng liên quan đến súng.
Vào tháng Giêng, một sát thủ thú nhận đã hành động phạm tội để đổi lấy 500 đô la hầu giúp con của ông ta đang bị viêm màng não. Vào tháng 4, một tay súng khác thú nhận đã giết một người thợ máy với giá 400 USD.
Hiyâ ảnh hưởng như thế nào trong việc kiểm soát xã hội
Narag nói mối quan hệ họ hàng bền chặt ở Philippines có nghĩa là những cá nhân gặp rắc rối có nhiều cơ hội được nhận biết trước khi họ trở thành những kẻ xả súng giết người hàng loạt. Ông ấy so sánh yếu tố đó với tình hình ở Hoa Kỳ, nơi Naragy hiện đang sống và giảng dạy. Ông nói với TIME,
“Ở đây, nếu gặp vấn đề, bạn phải đến gặp chuyên gia y tế. Bạn sẽ tiết lộ mọi thứ ở đó. Bạn không nói chuyện với hàng xóm của mình — đôi khi bạn không nói chuyện với ngay cha mẹ của chính mình — bởi vì [ở Mỹ không có] một nền văn gia đình làng xóm mà vấn đề của một người là vấn đề của mọi người.”
Raymund Nnarag
Jose Antonio Clemente, giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Philippines, nói rằng cộng đồng là tất cả. Ông nói:
“Ngay từ khi còn nhỏ, chúng tôi được dạy dỗ để coi trọng gia đình và các mối quan hệ của mình. Có thể ở một thời điểm nào đó, chúng tôi cũng được dạy phải quý trọng cộng đồng của mình, vì có rất nhiều cộng đồng rất gắn bó với nhau do mật độ dân số cao.”
Jose Antonio Clemente
Cảnh sát quốc gia đã có những quy trình để giải quyết những vụ nổ súng hàng loạt. Nhà chức trách cũng đề nghị tăng cường sự hiện diện của cảnh sát trong khuôn viên đại học để ngăn chặn các nhóm nổi dậy tuyển mộ sinh viên. Nhưng có vẻ như những giá trị đã ăn sâu ở Philippines đang hạn chế người dân sử dụng súng một cách bừa bãi.
Cho dù đó đã đủ chưa vẫn còn là vấn đề có thể tranh luận. Narag nói, tuy nhiên, hiện tại, hiyâ có nghĩa là bạn không thể “đem súng đi bắn người, vì nếu điều đó xảy ra, bạn biết rằng gia đìng làng xóm sẽ không che đỡ cho bạn.”
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: One Surprising Theory Why the Philippines Has Very Few Mass Shootings—Despite Easy Access to Lots of Guns | Chad De Guzman / Manila | TIME | June 15, 2022.