Tư bản mạng nhện là gì? Hệ thống phức tạp này cho phép giới tỉ phú giấu tiền của họ
Jennifer Alsever | Trà Mi
Trong cuốn sách mới, tác giả Kimberly Kay Hoang đã nghiên cứu một mạng lưới phức tạp gồm những công ty con kết nối với nhau mà hầu như không ai thể xác định và theo dõi được.
Khoảng cách giàu nghèo không chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ. Có những người giàu và sau đó là những đại phú gia, những người mặc dù có sự giàu có ở tận mây xanh, nhưng phần lớn là vô hình đối với thế giới. Trong cuốn sách mới của bà, Spiderweb Capitalism: How Global Elites Exploit Frontier Markets, Kimberly Kay Hoang phân tích mạng lưới quốc tế mờ ám của giới tinh hoa chính trị và kinh tế cũng như những hoạt động bí mật và tham nhũng mà họ dùng để kiếm tiền và bảo vệ tiền của họ.
Fast Company đã nói chuyện với Hoang, một giáo sư khoa Xã hội tạiĐại học Chicago, về mạng lưới kinh tế ẩn này:
Fast Company: Hãy giải thích cho chúng tôi biết về khái niệm “tư bản mạng nhện” này.
Kimberly Kay Hoang: Tư bản mạng nhện là một mạng lưới phức tạp gồm những công ty con kết nối với nhau xuyên qua nhiều quốc gia có chủ quyền và hầu như không ai có thể xác định được. Những trung tâm tài chính nước ngoài đã tạo điều kiện cho cả hai giới tinh hoa kinh tế và chính trị — những người ở những nước có nền kinh tế kém phát triển hơn thường giốnglà một — năm được những cơ hội độc quyền và gần như hợp pháp để tích lũy tài sản khổng lồ.
Mạng lưới tư bản này rất phức tạp, gồm có rất nhiều lớp và tác nhân, nên việc theo dõi trở nên khó khăn. Mọi sợi tơ đều nối với nhau do mạng lưới những chuyên gia tài chính, pháp lý, hành pháp và quan hệ công chúng, tất cả đều được giấu kín, không ai biết ai. Họ cố tình làm xáo trộn mối quan hệ của họ với các phần tử khác của mạng lưới đó.
Tôi gọi những cá nhân có tài sản thật lớn kiểm soát mạng tư bản đó là những con nhện lớn. Nhưng những con nhện đó dùng “tác nhân” hoặc “tay sai” để che đậy những đầu mối sát với những giao dịch được coi là “bẩn” hoặc tham những.
Fast Company: Điều này dẫn đến câu hỏi tiếp theo. Bà nói về cách những đại phú gia thường “chơi trong màn xám”. Việc đó chính xác có nghĩa là gì?
Kimberly Kay Hoang: Chơi trong màn xám là ngôn ngữ mà nhiều người tôi phỏng vấn dùng để mô tả cách họ tìm hiểu ranh giới giữa hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp, thường là qua cách điều hành thị trường và luật pháp. Nhiều người đã nói — và đây là ngôn ngữ của họ — “Vâng, điều này hoàn toàn hợp pháp, nhưng đáng khiển trách về mặt đạo đức. Đáng lẽ tôi không thể thoát khỏi chuyện mờ ám này. Nhưng, bạn biết đấy, đây chỉ là cách mà thị trường tài chính vận hành.”
Chơi trong màn xám cũng là một cảm xúc. Ở những thị trường cận biên và mới nổi, mọi người không đầu tư dựa trên các thuật toán tính toán rủi ro rất phức tạp. Thay vào đó, họ dựa trên “trực giác” thu được qua một mạng lưới những người đang cung cấp cho giới đầu tư kiến thức nội bộ hoặc quyền truy cập vào các giao dịch không công khai.
Fast Company: Những ví dụ về “những hành động đáng bị khiển trách về mặt đạo đức là gì?”
Kimberly Kay Hoang: Tôi đến các hội nghị, nơi giới chức chính phủ hỏi họ cần làm gì để khuyến khích đầu tư nước ngoài. Và câu trả lời là cho phép chuyên gia tài chính soạn thảo các luật và chính sách về thuế, chuyển giá và các hoạt động khác cho phép các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động đóng thuế ít hoặc không phải nộp thuế.
Những người giàu xụ thường dùng pháp nhân nước ngoài và những công ty có vỏ bọc để lựa chọn khu vực pháp lý hợp pháp của họ và tránh nộp thuế một cách hiệu quả ở cả những quốc gia họ đầu tư vốn và ở nước họ cư trú. Những phương tiện nước ngoài này cũng cho phép họ lập những bức tường lửa hợp pháp để cách ly tài sản của họ khỏi tất cả các loại rủi ro hình sự và dân sự, đồng thời bảo vệ khối tài sản tích lũy khỏi các quốc gia muốn buộc tội giới đầu tư tham nhũng hoặc kiện tụng với những đối tác kinh doanh khác nhau. Họ cũng cho phép giới giàu xụ che giấu danh tính của họ bằng cách thuê các chuyên gia tài chính khác đại diện tại nhiều thương vụ loại này.
Một người mà tôi đã phỏng vấn đã nói rằng tôi là giáo sư bậc W2 và tôi phải trả nhiều thuế hơn họ. Họ có thể chỉ phải trả 5% thuế ở nước ngoài ở Hong Kong hoặc Singapore, và 0% thuế ở Virgin Islands thuộc Anh hoặc Cayman và Seychelles. Về mặt pháp lý, về cơ bản, họ khai các khoản nợ phải trả hoặc các khoản lỗ trên đất liền nơi họ có hoạt động tại Việt Nam hoặc Myanmar, và sau đó họ đòi lợi nhuận ở nước ngoài dựa trên các phương tiện thuộc loại công ty mẹ của các công ty trong nước.
Một loại hành động hợp pháp khác những đáng bị chê trách về mặt đạo đức là “giao dịch chạy luật pháp” hoặc thực hiện những chiến lược có lợi nhuận cao trước khi quy định thành hình ở những nền kinh tế phát triển và [dùng] chúng ở những thị trường biên, nơi chúng đang đi trước khi có quy định pháp lý chính thức.
Một ví dụ là thói chuyển giá kinh doanh, trong đó những công ty đều là một phần của cùng một tổ chức sẽ tự tính phí dịch vụ, dịch vụ tư vấn hoặc sở hữu trí tuệ. Họ đã đem hoạt dộng chuyển giá kinh doanh sang Trung Hoa. Và sau đó khi đã ở Trung Hoa, họ lại đưa những hoạt động đó sang Việt Nam và Myanmar. Họ tuyên bố rằng họ đang bắt chước những gì các nền kinh tế phát triển hơn một chút đang làm và họ tiếp tục chuyển nó sang ngày càng nhiều thị trường mới nổi hơn.
Fast Company: Vụ bê bối của 1Malaysia Development Berhad gần đây ảnh hưởng đến cuốn sách của bà — và việc Goldman Sachs thừa nhận đã toa rập âm mưu trong một kế hoạch đưa hối lộ hơn 1 tỷ đô cho những viên chức chính phủ ở Malaysia và Abu Dhabi để có được những giao dịch kinh doanh béo bở. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chăng?
Kimberly Kay Hoang: Đúng vậy, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đây là phần mà tôi nghĩ là hấp dẫn nhất. Thế giới này quá rộng lớn và trần tục đến mức tôi không thể nghĩ đến những công ty hay cá nhân nào có thể thành thật tuyên bố rằng họ đang ở trên những mạng lưới này hay bên ngoài những trang mạng nhện tư bản này.
Như một trong những người được phỏng vấn đã nói với tôi, “Jho Low [doanh nhân đang đào tẩu người Malaysia, đang bị truy lùng liên quan đến vụ bê bối của 1Malaysia Development Berhad (1MBD)] là một kẻ tự ái tham lam. Bạn có thể tưởng tượng nếu ông ta chỉ nằm trốn? . . . Ông ta sẽ thoát được bởi vì [chính phủ của] Malaysia và Singapore sẽ xóa nợ. . . để tránh một vụ bê bối rất công khai có thể làm hoen ố danh tiếng của họ.”
Hầu hết những người tôi phỏng vấn đều không ồn ào, và họ hoạt động với chiến lược ẩn núp sau những mạng nhện tư bản này.
Fast Company: Như vậy, những người giàu nứt đố đổ vách đang ẩn núp sau lưng những người khác. Cuốn sách của bà trích dẫn một nguồn nói rằng, “Đằng sau mỗi CEO là một chủ tịch, người giàu đến mức họ không ở đâu cả và ở khắp mọi nơi và không phải chịu trách nhiệm với bất kỳ ai.” Hãy cho chúng tôi biết thêm về điều này.
Kimberly Kay Hoang: Đây là nơi tôi tìm ra sự khác biệt giữa những cá nhân có tài sản rất lớn và những chuyên gia tài chính giàu có quản lý tiền của họ. Nhiều giám đốc điều hành của những Giám đốc tôi đã phỏng vấn nói với tôi rằng mặc dù họ thường là gương mặt đại diện cho các thương vụ trên báo chí và truyền thông, nhưng họ chỉ quản lý tiền của những người khác, những người thường vô hình trong mạng nhện tư bản này.
Những cá nhân có tài sản rất lớn này tổng hợp tất cả các rủi ro về pháp lý và tội phạm liên quan đến việc lèo lái những thị trường rất tham nhũng cho các giám đốc điều hành của nhưng giám độc đại diện họ.
Lấy ví dụ, Timothy Leissner — cựu giám đốc điều hành tại Goldman Sachs và chủ tịch bộ phận Đông Nam Á của ngân hàng này — trong thương vụ liên quan đến Goldman Sachs cho vụ 1MDB. Những người mà tôi phỏng vấn liên quan đến ông ta rất nhiều bởi vì họ đã xem ông ta — và vì vị trí của bản thân họ — như một con dê tế thần, khi bị buộc tội tham nhũng. Và ngay cả trong trường hợp một người như Leissner trả những khoản tiền phạt khổng lồ, những người đứng sau ông ta hiếm khi phải chi trả bằng lợi nhuận của họ. Đó là một trường hợp cực đoan bởi vì, trong số những nhóm người mà tôi đã nghiên cứu, hiếm khi chủ tọa xuất hiện ở bất cứ đâu. Họ ở khắp mọi nơi vì tiền của họ ở khắp mọi nơi, nhưng về mặt pháp lý thì họ cũng không ở đâu và rất khó nhìn thấy.
Fast Company: Vậy ai hay cái gì là thủ phạm lớn nhất trong cái mạng tư bản phi đạo đức này?
Kimberly Kay Hoang: Người ta không thể xác định một cá nhân hoặc một thủ phạm. Nó mang tính hệ thống. Mọi người coi mình chỉ là một răng cưa trong hệ thống.
Nhưng một yếu tố góp phần là các chuyên gia tài chính đang lựa chọn các khu vực pháp lý hợp pháp và hoạt động ở những nước có nền kinh tế kém phát triển hơn. Tôi thậm chí còn cho rằng trong những năm gần đây dưới thời chính quyền Trump, giới tinh hoa chính trị cũng là giới tinh hoa tài chính, hai nhóm chỉ là một.
Ở các thị trường mới nổi và cận biên, giới tinh hoa tài chính có mối quan hệ rất chặt chẽ với giới tinh hoa chính trị, những người đang lựa chọn hoặc không tạo ra luật hoặc chính sách để quản lý hoặc điều chỉnh các hoạt động tài chính của họ hoặc chọn không thực thi các đạo luật đó.
Ví dụ, tôi đã đi cùng giới quản lý quỹ huy động tiền cho các dự án đầu tư khác nhau ở Việt Nam và Myanmar, và một trong những cách họ tự quảng cáo là nói “chúng tôi có quyền hoạt động trong những giao dịch này”, có nghĩa là họ có quan hệ với giới năm quyền chính trị để cấp phép cho phép hoặc hoạt động ở những doanh nghiệp nhà nước đang tư nhân hóa tất cả các loại giao dịch không có sẵn trên thị trường công cộng.
Chúng ta bắt đầu thấy một số tia sáng về điều này dưới thời chính quyền Trump, khi Jared Kushner đến Trung Hoa và Trung Đông, về cơ bản là bán các mối quan hệ chính trị của mình với Hoa Kỳ Điều mà tôi nghĩ là duy nhất ở các thị trường cận biên mới nổi này thực sự là những hoạt động có thể luôn luôn đang diễn ra ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển.
Fast Company: Bà bắt đầu nghiên cứu với một ý tưởng về sự chênh lệch giàu nghèo và kết thúc nó với một thực tế khác. Xin giải thích.
Kimberly Kay Hoang: Khi tôi mới bắt đầu nghiên cứu này, tôi thường nghĩ về phong trào Chiếm Phố Wall và một câu chuyện phân cực Hoa Kỳ giữa 1% và 99%. Phong trào đó bắt đầu mở ra cho chúng ta thấy tầng lớp trung lưu ngày càng thu hẹp và hố chia giàu nghèo rất lớn ở Mỹ. Dự án này đã cho tôi thấy rằng có rất nhiều sự đa dạng trong 10% hàng đầu và thậm chí còn hơn thế nữa ở khôi 1% những người giàu nhất.
Điều tôi không lường trước được là việc gia tăng bất bình đẳng toàn cầu. Những gì tôi biết được là những người giàu có ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Yangon ở Myanmar có mối quan hệ tài chính với giới thượng lưu ở Newport Beach, California; New York, Toronto, v.v. Khi những đại phú đó có quyền hoạt động ở khắp nơi trên thế giới, điều đó có nghĩa là họ có quyền lựa chọn các khu vực pháp lý điều chỉnh các hoạt động tài chính của họ. Những thị trường tài chính này được kết nối với nhau theo cách mà nó không chỉ là sự phân chia giữa thế giới thứ nhất và thế giới thứ ba.
Fast Company: Bà hy vọng được gì với cuốn sách này?
Kimberly Kay Hoang: Tôi hy vọng nó sẽ báo cho công chúng biết rộng rãi hơn về cách những hệ thống và con người này hoạt động, đồng thời hy vọng truyền cảm hứng cho những tài năng khác giúp chúng ta đưa ra các chính sách và thực tiễn tốt hơn để điều hành các hoạt động này và phối hợp giữa những chính phủ trên thế giới. Khi thế giới ngày càng trở nên bất bình đẳng và không ai quản lý hoạt động tài chính của các tỷ phú thì nó sẽ tạo ra nhiều vấn đề xã hội hơn. Tôi hy vọng nó sẽ mở ra cuộc tranh luận và là nguồn cảm hứng cho những cách suy nghĩ mới về các thị trường toàn cầu có kết nối chặt chẽ của chúng ta. Cuối cùng, tôi tin rằng những người trong chúng ta, những người bị khóa ở ngoài mạng nhện tư bản này chỉ là những con mồi bị mắc kẹt trong đó.
Người phỏng vấn: Jennifer Alsever là một nhà báo tự do với 20 năm kinh nghiệm. Là cộng tác viên của Tạp chí Inc. từ năm 2011, tác phẩm của bà cũng đã xuất hiện trên các tạp chí khác, kể cả Tạp chí Fortune, Tạp chí Phố Wall, CNNMoney.com, New York Times, Wired and Fast Company. Trước khi trở thành nhà báo tự do vào năm 2004, bà đã làm việc với tư cách là phóng viên kinh doanh kỹ thuật cho Denver Post và Crain’s Cleveland Business, và đã giành được một số giải thưởng báo chí cấp tiểu bang và khu vực. Tốt nghiệp Đại học Colorado ở Boulder, bà hiện đang sống với chồng và hai cậu con trai gần Vail, Colorado.
Người trả lời phỏng vấn: Kimberly Kay Hoang là Phó Giáo sư Khoa Xã hội và Cao đẳng và là Giám đốc Nghiên cứu Toàn cầu tại Đại học Chicago.
Bà là một học giả, tác giả và nhà giáo từng đoạt giải thưởng. Bà đã được Giải thưởng Lewis A Coser năm 2020 của Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ về Lý thuyết Xã hội — một giải thưởng giữa sự nghiệp cho Thiết lập Chương trình Nghị sự Lý thuyết. Sách và bài đăng báo của bà đã được hơn 18 giải thưởng của một số hội chuyên gia khác nhau. Ngoài nghiên cứu bà còn là người được giải trong Cuộc thi Llewellyn John and Harriet Manchester Quantrell Teaching năm 2018 tại Đại học Chicago.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: What is spiderweb capitalism? Inside the intricate system that lets the super-rich hide their cash | Jennifer Alsever |Fast Company| August 22, 2022.
Đọc thêm bài viết về luận văn nghiên cứu “She’s Not a Dirty Low Class Girl: Sex Work in Ho Chi Minh City” (Em không phải là hạng gái nhơ nhớp thấp hèn) của Kimberley Kay Hoang đã đăng trên DCVOnline