‘Còn ai giữa mênh mông đời mình’ của Phạm Minh Tâm
Nguyễn Văn Lục
Tôi gấp sách lại vì đã đọc đến chữ cuối… và tôi nhớ lại tôi trong cái đêm cuối thăm thẳm, thinh lặng, tôi lên sân thượng nhà tôi và bật khóc một mình. Giã biệt Sài Gòn thân yêu của tôi và của hàng triệu con dân miền Nam!
Đọc tác phẩm “Còn ai giữa mênh mông đời mình”của Phạm Minh Tâm tôi nhìn thấy tôi trong đó
Sở dĩ tôi đặt tựa đề như trên, bởi vì đọc xong cuốn sách, tôi nhận thấy tâm tư của tác giả, những ưu tư ray rứt, những hoàn cảnh cá biệt của gia đình, dòng họ, của xứ đạo và những sinh hoạt đời thường ở đó — tiếng chuông nhà thờ, kinh bổn, rước sách cho đến những món ăn đủ loại từ con rươi, con nhộng đến những món quà phiên chợ định kỳ như bánh đúc mắm tôm, bánh rán — đầy hương vị và đậm tình quê.
Truyện còn có hình ảnh những sinh hoạt đồng quê của người nông dân vất vả lao đao, nạn đói năm Ất dậu, chiến tranh Nhật Mỹ với hai quả bom nguyên tử, Việt minh cướp chính quyền với chiến tranh Việt Pháp, vùng tề, vùng trái độn, “Khu Tự Trị” thời Giám Mục Lê Hữu Từ…, nhất nhất, tác giả viết lại bằng một ngòi bút tinh xảo, nhạy bén và kèm theo rất nhiều chi tiết dù nhỏ nhất. Cuối cùng là cuộc di cư năm 1954-1955 và 20 năm miền Nam.
Tác giả đã khéo léo vực dậy từng giai đoạn, làm sống lại một quá khứ vàng son lẫn tủi nhục, mà cách này, cách nọ về mặt con người, về mặt lịch sử, tôi đều đồng cảm, chia xẻ và nhận ra chính mình trong đó.
Trước khi nhận được sách tác giả gửi tặng, tôi đinh ninh trong bụng là hẳn sẽ đọc được những đề tài liên quan đến lịch sử, chính trị thời trước 1954 và nhất là từ 1955-1975. Khi nhận được sách, tôi hơi ngỡ ngàng khi thấy tựa đề là: Còn ai giữa mênh mông đời mình. Ghi chú là Trường-thiên tùy bút.
Tác giả tự biện minh cho mình: “Tôi không có khả năng viết sử, lại cũng không là gì để viết hồi ký hay bất cứ thể loại nào khác để đặt tên. Nhớ đến đâu gọi đến đó. Như kể lại các mẩu chuyện đời mình và đời người với đủ các vui buồn.…”
Không viết sử, không viết hồi ký mà thật sự vẫn là hồi ký sử một cách gián tiếp pha lẫn tâm trạng băn khoăn, ray rứt của tác giả. Cho nên, viết dạng gì cũng được, miễn làm sao lịch sử, đất nước con người trở nên chân thực hơn.
Tôi buộc mình vào một nguyên tắc: Hay thì khen, dở thì không che dấu. Điều ấy trước hết là sự tự trọng chính mình, thứ đến tôn trọng tác giả và nhất là người đọc. Và tôi mong đợi đọc tác giả với sự chân thật đời người với nỗi vui buồn. Và điều ấy trở thành hiện thực. Có thể còn vượt lòng mong đợi của tôi.
Tác giả là người xác tín, chọn lựa con đường “dấn thân” tham gia trong nhiều tbiến động chính trị, xã hội, tôn giáo trên đất nước mình như người trong cuộc theo nghĩa triết học là Người-của-hoàn-cảnh. Tác giả quả là người của hoàn cảnh, không phải chỉ là chứng nhân, mà là người nhập cuộc, “xuống thuyền”.
Điều nữa cũng không thể thiếu. Khi đọc một tác phẩm, theo thói quen, tôi thường xem phần thư mục cuối sách, phần sách tham khảo để đánh giá tác phẩm. Tôi đếm rối cũng được ngót nghét 70 cuốn sách, phần lớn là tiếng Việt, với hầu hết các tác giả khá danh tiếng mà nhiều người biết như Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Ngọc Phan, Doãn Quốc Sỹ, Phạm Văn Sơn, Cao Văn Luận, Đoàn Thêm, Huỳnh Văn Lang, Lê Xuân Khoa, Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Thọ, Nguyễn Tiến Hưng, Nguyễn Văn Minh, Minh Võ, Phan Nhật Nam, Hoàng Ngọc Thành và Thân Thị Nhân Đức; Hòa thượng Thích Tâm Châu với cuốn Bạch Thư. Bảo Đại với cuốn Le Dragon d’Annam, Tạ Chí Đại Trường với nhiều tác phẩm. Hoặc những khác như Bạch Diện Thư Sinh với cuốn Mặt trận Đại học, Nguyễn Chí Thiện với Hỏa Lò, Liên Thành: Thích Trí Quang, thần tượng hay tội đồ dân tộc? Hay: Biến Động miền Trung. Nguyễn Văn Lục : Một thời để nhớ. Ngay cả những tác giả phía bên kia cũng được trích dẫn, như Vũ Thư Hiên với Đêm giữa Ban Ngày. Đèn Cù của Trần Đĩnh hay Tô Hải: Hồi ký của một thằng hèn. Huy Đức: Bên thắng cuộc. Ngoài ra còn Câu chuỵện của dòng sông của Hermann Hess, bản dịch của chị em Phùng Khánh và Phùng Thăng. Phải chăng tác giả đã cảm bằng tâm, nghiệm bằng thức về triết lý Á Đông?
Về sách ngoại quốc với những tác giả cũng khá quen thuộc đối với một người viết biên khảo như Neil Sheehan (1988), Ellen Joy Hammer (1998), Michel Tauriac ( 2201), Mark Moyar (2004).
Rồi Miền Nam sau 1954 còn có một thứ chiến tranh gián điệp gián tiếp và trực tiếp can dự vào từ nhiều phía. Trong đó từ sự hình thành, phát triển hay sụp đổ của miền Nam đều do bàn tay người Mỹ cộng với cộng sản Bắc Việt và Nga Tàu…
Nếu là tôi, sẽ còn tham lam hơn với nhiều đầu sách đa dạng khác, có thể trái chiều, vì cũng muốn kể ra một lần ở đây như để chia xẻ với tác giả niềm hy vọng cũng như nỗi thất vọng của một người đồng hành với tác giả trong tiến trình hình thành và xụp đổ miền Nam và còn là sự phụ họa, khai triển thêm, gián tiếp nói lên quan điểm lập trường chính trị, lịch sử của tác giả.. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của tác giả.
Tôi cũng lọc ra được hai tác giả được coi là hiếm vì một lẽ giản dị là họ viết không nhiều mà thuộc loại “tác giả có vấn đề”.
Người thứ nhất là linh mục Trần Tam Tỉnh, vốn tôi cũng quen biết khi ông còn dạy ở đại học Quebec. Ông thường che dấu tông tích, lập trường chính trị và thân phận của mình với cuốn: Dieu et Cesar- les catholiques dans l’histoire du VietNam. Sudestasie (1978). Khi biết được và đọc cuốn sách, tôi thẳng thắn phê bình và chấm dứt giao tình vì lập trường thiên cộng sản của ông. Sách này, Vương Đinh Bích dịch sang tiếng Việt đã đổi tựa đề thành: Thập Giá và Lưỡi gươm. Đây là một ác ý, bôi nhọ lịch sử. Vương Đình Bích coi việc truyền đạo Thiên chúa giáo đi kèm với bạo lực, đàn áp. Trong lời mở đầu, ông còn úp mở và toa rập với Trần Tam Tỉnh như sau trong phần dẫn nhập: “Sau ngày 30-04-1975: Chuông của một số chùa trang trọng ngân vang, hòa tiếng với những lời reo vui của một bộ phận dân chúng. Nhưng chuông các nhà thờ thì im lặng.”
Cuốn thứ hai của Mai Thạch Lê Nguyên Phu (2005): Trong bóng tối lịch sử. Ông nguyên là đại tá thẩm phán thời Đệ I Cộng Hoà. Được ông Diệm quý mến và ông tuyệt đối trung thành với tổng thống Diệm. Ông viết với giọng gay gắt, hằn học, đả kích tất cả những ai đi ngược quan điểm của mình như thể ông thiếu kiểm soát. Tôi đã có hai bài viết về các cuốn sách này đăng trên DCVOnline. net.
Tôi thật không ngờ, tác giả Phạm Minh Tâm cũng dẫn chứng cả hai sách một cách chính xác và trung thực.
Phải nói, tác giả đã bỏ công trau chuốt cuốn sách như “gìn vàng giữ ngọc”, không ngại tốn kém. Bìa cứng, màu nâu sậm rất đơn giản, trang trọng — theo cách nhà in bên Đài Loan thường làm — lại thêm một lớp bìa mỏng bên trong với hình một cô gái mặc áo dài mầu tím đang hướng về phía nhà thờ. Bìa trước, bìa sau do Nguyễn Thị Thêu trình bày, với đôi lời của tác giả: “Để như nén tâm hương thành kính tưởng niệm anh linh tất cả những người chiến sĩ đã hiến trọn đời mình cho lý tưởng Quốc gia. Và giờ đây trong cõi siêu sinh vô-oán, vô-hối. Xin hãy tha lỗi và xót thương cho chúng tôi còn đang long đong trong kiếp tha hương như những kẻ bị lưu đầy biệt xứ…”
Chỉ chừng vài câu ấy thôi cũng một lần nữa nói lên lập trường của tác giả. Tác giả thẳng thắn và không ngại chọn bên. Tôi coi đây là một chủ đích trụ cột của tác giả và tác tác phẩm. Cuốn sách do báo Thời Luận, Hoa Kỳ xuất bản, 2023.
Nếu tính hết mọi phần cần có cho một cuốn sách, gồm cả lời giới thiệu và lời bạt, tài liệu đính kèm cùng ba bài đọc thêm thì sách dầy 700 trang. Song nội dung “tuỳ bút” là 610 trang, thâu tóm toàn bộ cuộc đời tác giả từ nhỏ tới lớn, với bà nội, người cô, các bác và nhất là người bố — có lúc gọi là “ba” theo lối người Nam, vì tác giả sinh đẻ trong Nam. Lý do, bác và ba của bà đi vào miền Nam vì muốn vừa đi làm, vừa tham gia hoạt động chính trị chống Pháp mà trong đó ít bị đàn áp… Do đó, bà mở mắt chào đời tại một nhà bảo sanh ở Tân Định, hơn một tháng trước ngày đảo chánh Nhật ngày 9-3-1945.
Tất cả những bối cảnh thuận lợi ấy từ gia đình, nhất là từ người bố, ngay từ thời tiểu học, rồi trung học như đã ảnh hưởng sâu đậm đến tác giả như kẻ soi đường về những suy tư, về những chọn lựa, về những bối cảnh sinh hoạt chính trị, lịch sử đất nước. Với nhiều tác giả và những nhân vật nổi tiếng đủ loại được gói gọn trong 610 trang quả thật không dễ dàng gì. Nó là một thách thức chẳng những đối với tác giả và còn hơn cả, đối với người đọc. Thiển nghĩ, tôi phải cần vài ngàn trang tư liệu vị tất đã viết đủ như tác giả? Tôi nhận xét trung thực như vậy như một người cũng cầm bút. Nó như một lời trân trọng vì thật sự những trang sách ấy giúp tôi nhận thấy mình trong đó…trong từng sự kiện lịch sửn trước 1954 thời Trần Trọng Kim, thời vua Bảo Đại và với những chuyện kể rất chi tiết về Phát Diệm, về thành phố Hải Phòng, thành phố Hà Nội. Và quan trọng hơn cả: hành trình từ Bắc vào Nam, với vai trò quyết định của ông Ngô Đình Diệm cũng như những năm tháng sau này dồn dập những biến động: từ vai trò nhận trách nhiệm do Bảo Đại giao làm thủ tướng đến việc thành lập nền Đệ I Cộng Hòa rất mong manh, rồi dẹp loạn Bình Xuyên, cái chết của tướng Trịnh Minh Thế vẫn còn nhiều uẩn khúc. Và sự có mặt của đại tá Dương Văn Minh trong việc dẹp loạn Bình Xuyên và đám tướng lãnh được đào tạo từ phía thực dân Pháp cùng với phong trào Phật Giáo xuất phát từ miền Trung đã là nguyên cớ cho sự xụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm.
Một giai đoạn đầy tiềm năng và hy vọng và cũng đầy cay đắng, thất vọng của hàng triệu người đã không còn nữa do những nguyên nhân chủ quan cũng có mà khách quan cũng không thiếu của một thứ “thù trong giặc ngoài”của nhiều thế lực tôn giáo cũng như cộng sản và ngoại bang.
Người ta thường nói “văn là người”. Người làm sao văn làm vậy. Tác giả có một lối viết chuẩn mực, chọn lời, chọn chữ, không tuềnh toàng, nhếch nhác, phóng bút buông thả, không một chi tiết nào, dù là nhỏ, mà không được ghi rõ ngày tháng. Tôi, dù muốn, cũng không thể nào bắt chước được. Nó là thế giới riêng của tác giả. Nó vừa văn chương vần điệu đối xứng, vừa bóng bảy biện chứng, vừa quyết xác và khẳng định, biên giới chính – tà, nhưng cũng vừa lôi cuốn và mời gọi, để lại những dư âm bởi vì nó xuất phát từ tâm hồn, từ những cảm nhận tế vi, đụng vào sự nhạy cảm và nhờ đó có sự đồng thuận của người khác.
Nó khơi dậy, chia sẻ đôi khi bằng một thứ ngôn ngữ ẩn dụ, bàng bạc và khai mở. Từ đó, nó dẫn đến những phê phán cách nào đó gián tiếp và thông tuệ về cái mà tác giả gọi là “chủ nghĩa cộng sản hạn hẹp, gò bó và thiếu tình người” mà không cần đến thứ ngôn ngữ đao to búa lớn.
Khi học văn khoa, do tò mò, tác giả có ghé học Nguyễn Văn Trung đôi giờ triết luận về Karl Marx, Engels, Georg Wilhelm Friedrich Hegel và làm quen với mấy nhan vật này. Bà viết:
“Đối với tôi, chẳng khác gì thời gian “huấn nhục” của quân trường để tập biết được cách bơi trong biển học mênh mông. Và rồi, phần nội tâm cũng bớt “lùng bùng” khi đã bắt đầu chuẩn bị cho mình chút hành trang trước khi thực sự bước vào đời. (…) và tại sao lại không chọn một con đường thoải mái mà theo. Miễn sao con đường hướng dẫn tới chỗ tâm linh mình phong phú tình người hơn lên. Cớ gì lại tìm những khuôn khổ o ép đời mình kẹt cứng trong hận thù giai cấp, trong sát phạt con người đến tận cùng nỗi chết, đến héo úa mọi niềm tin và lụi tàn trọn vẹn những ước mơ đẹp của đời người. Đến cả những suy tư của mình cũng bị truy gạn để tẩy não thì làm gì còn sáng tạo.
Hai chữ cộng sản bắt đầu “khủng bố” tôi từ đây.”
Tác giả đã gói được tâm tư và nhận thức được thực chất cộng sản là gì trong một thứ ngôn ngữ cao sang ít ai bì được. Thật không dễ để biện luận được như vậy.
Ông bà nội tác giả có bảy con trai và sáu con gái. Ông nội còn làm Chánh tổng. “Bà nội” như một phụ nữ đảm đang. Người cô và người bố với những hoạt động, hành tung bí mật mà chính người mẹ cũng không thể biết. Những người bác của tác giả lúc nào cũng có mặt chung quanh trụ cột là bà nội vì ông nội đã chết lúc mới trên 40 tuổi. Nó tiêu biểu cho một đại gia đình thuộc giới trung lưu miền Bắc. Bà hãnh diện về quê hương, xứ sở của mình vì đã lớn lên từ đó.
Về mặt lịch sử, tác giả cũng không thể không nhắc đến quá khứ của tiền nhân mà hai huyện Kim-Sơn và Tiền Hải được lập ra. Năm 1828-1829 dưới triều Minh Mạng có công trình khai thác đất hoang (đất bồi còn mặn) của ông dinh-điền-sứ Nguyễn Công Trứ. Từ đấy con cháu hàng mấy ngàn người kéo nhau về khẩn hoang và lập nghiệp. Cả một bài học về khẩn hoang và dựng nước của tổ tiên để lại.
Khi cộng sản thôn tính miền Nam năm 1975, tác giả coi đây là cột mốc phân chia quá khứ và hiện tại. Bất cứ điều gì cũng đem ra so sánh bằng mẫu số chung “trước 1975” . Từ đó, với một trời tâm sự, tác giả bộc lộ đã “lạc lõng trên chính quê hương của mình” một cách chua chát,
“Cả một đời chắt chiu, vốn liếng chỉ có hai đứa con, làm sao tôi có thể bỏ ra đặt cược vào một canh bạc bịp ‘yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội’.Tuổi thơ của con tôi đâu có thể làm lem luốc vì những cái ‘vĩ đại’ giả trá và điêu ngoa được.”
Chính vì thế bà tự đặt ra cho mình: có thể quên được không? Những ai không học lịch sử thì tái diễn nó. Vì thế có thể quên được không? Có cần quên hay không? Và tại sao lại phải quên?
Vào năm 1992, bà mới đến được nước Úc bắt đầu một hành trình mới hội nhập với những chọn lựa trong nếp sống mới. Bà kể lại việc tham dự vào những sinh hoạt cộng đồng người Việt với những sự nhận xét cho riêng bà. Ở đo, có nhiều khi bà cảm thấy mình “bơi ngược dòng” với nhiều người quên tiếng Việt, ăn mặc theo thời, bỏ quên chiếc áo dài để “hở trên ngắn dưới” và bà kết luận: “Tôi mạnh dạn cầm bút bằng giới hạn của mình, viết theo những điều đã thủ đắc từ gia đình, từ nhà trường, từ xã hội, từ thực trạng Đất nước…Để như một chân tình tạ lỗi với Quê hương.”
Những các tài liệu dẫn chứng chính xác với ngày tháng, địa danh xuất xứ với sự cầu toàn vẽ lên toàn cảnh một bức tranh hiện thực nói lên việc tham khảo tài liệu kỹ lưỡng và một trí nhớ tốt. Một sinh hoạt đời thường bà cũng chi tiết cho rõ như lính khố xanh. Bà lý giải rành mạch: “đi lính cho triều đình là lính thú, đi lính cho Pháp là lính tập. Lính tập lại chia làm hai cách khác nhau căn cứ theo mầu vải của đai lưng (ceinture). Lính khố xanh có nhiệm vụ giữ an ninh ở các tỉnh. Lính khố đỏ là lực lượng quân sự của chính quyền Pháp.” Cứ như thế mà từng việc được dựng lại như nhắc nhở một quá khứ đang trên đà tàn phai. Tác giả đã khẳng định ngay từ đầu là nhớ đến đâu, viết đến đó nên xá chi đến cột mốc thời gian. Do vậy, sách có đến 17 chương mà sự sắp xếp không ghi rõ chủ đề nên có thể khó cho người đọc nắm bắt được.
Một tỉ dụ, câu chuyện cha bố — linh mục Trần Học Hiệu — được nhắc tới ngay từ đầu, nhưng mãi đến trang 570, tác giả mới cho biết rõ. Ông được Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình cho đi du học Pháp, đỗ bằng tiến sĩ đệ tam cấp của đại học Sorbonne với luận án nhan đề: La philosophie de Gabriel Marcel selon la conscience psychologique d’un Vietnamien…Chẳng may người cha tinh thần này đã chọn lựa vào rừng lập chiến khu sau 1975. Ông bị cộng sản cầm tù và xử bắn. Ông đã “gục ngã sau một loạt đạn trên bãi xử bắn vào ngày 05-11-1979 tại ấp Bà thức, vùng suối máu, tỉnh Biên Hòa.. Ông nhận bản án tử hình của nhà cầm quyền cộng sản vì tội “phản động”.
Cảm tưởng mà tôi nhận thấy là tác giả như viết biên niên sử, việc từng ngày, từng năm tháng được kể lại. Có những chuyện là ký ức riêng, nhưng có những chuyện, những đề tài khác “lấn sân” sang công việc của người một người viết sử chuyên nghiệp. Nó như thể đưa người ta vào một khu rừng với nhiều hoa thơm đủ loại, rậm rạp có thể cản lối đi và mất hướng. Và làm thế nào để lọc lựa, nắm được hướng đi chính. Vì thế, tôi kiên trì lần mò và chỉ xin lọc lựa những chi tiết nổi cộm mà theo thiển ý ít có người đọc nào có thể theo dõi đi suốt hành trình trong suốt hơn 600 trang giấy.
Tác giả viết về nạn đói năm Ất Dậu… “tại miền Bắc nạn đói hoành hành từ cuối năm 1944 đến hết năm 1945. Nguyên nhân là người Nhật bắt nông dân thay vì trồng lúa phải trồng cây đay bán cho họ. Trong khi đó người Pháp thu mua lúa gạo của nông dân sau đó buộc bán lại cho Nhật.”
Sự vận chuyển đi lại giữa hai miền Nam-Bắc khó khăn vì bom đạn Mỹ. Chính phủ Trần Trọng Kim đã phải dùng xe đạp thồ ra Bắc cũng không đáp ứng đủ nhu cầu lúa gạo.
“Trong khi miền Bắc đói, thóc gạo miền Nam lại dư thừa, người ta dùng lúa đốt thay than đá để nấu nồi “ súp de”(chaudière) cho các nhà máy phát điện và các đầu máy xe lửa.”
Kết quả là hàng triệu người miền Bắc chết đói… Sau nạn đói, gia đình tác giả về lại quê cũ. Theo lời của bà mẹ…
“Về đến làng giống như về một nơi nào khác. Không một tiếng chó sủa, không gặp ai đi trên đường và cũng không thấy trẻ con tắm sông hay mục đồng thả trâu ăn cỏ bên đường…Nhất là vừa bước qua cổng nhìn cảnh nhà hoang vắng gần như vườn không nhà trống thật thảm não, thật thê lương. Có bốn người lên tiếng gọi.. khi gần đếm thềm vẫn không thấy ai cả. Một con chó gầy ốm trơ xương từ sau vườn chạy ra, tiếng sủa yếu ớt…”. Và cảnh đoàn viên…bà nội người gầy xọm với mớ tóc bạc khô rơm. Áo quần xốc xếch, dúm-dó, thấy các con đứng trước mặt mà chỉ đứng ngây ra nhìn, toàn thân sụp đổ xuống…chắc cũng có bữa đói, bữa no, từng ngày trong nỗi đơn độc, nỗi buồn thương về từng đứa con luân lạc, tôi đã hiểu thế nào là sự nhẫn nại cần có trong cuộc đời con người.”
Sau giai đoạn này, ba của bà bị Việt Minh bắt đi thủ tiêu vì là Quốc Dân đảng, nhưng lại thoát khỏi như một phép lạ. Chuyện người cô của tác giả đã phải đi buôn “hàng xách” với một tay nải qua tỉnh Thái Bình, nơi được coi như vùng “vùng trái độn” mà dân hàng xách tìm mua các hàng cần thiết mà vùng Việt Minh khan hiếm như: kim khâu, đá lửa, thuốc ký ninh, mực tím dạng viên, bút chì, ngòi bút, mắt kính lão.
“… Sau này, khi nhớ lại chuyện quá khứ và được nghe thêm những điều người khác kể lại, tôi mới thấy cái “vùng Việt Minh” hồi đó, thiếu hụt và kham khổ ra sao.”
Những chi tiết này rất thú vị vì ít ai còn nhớ được. Và với tôi nó rất gần gũi như những kỷ niệm thời tuổi trẻ. Xin có một lời tri ân với tác giả.
Cuối cùng, tác giả viết, “Chuyện nước non mình càng nghĩ càng nát óc. Càng viết càng ray rứt hoài đến trọn kiếp vẫn không nguôi.” Và bằng một cách khéo léo, bà đã chuyển đề tài từ những chiếc bình vôi bình thường, bị vứt đi lăn lóc ở các gốc đa làng để mở đường cho một một biến cố văn học tại Miền Bắc vào giữa năm 1956 và kết thúc vào tháng 6-1958. Đó là Phong trào Nhân văn giai phẩm, với câu chuyện mở đầu về “Ông bình vôi”. Tác giả đề cập đến Phan Khôi, một nhà văn xuất sắc trong giới Nho học, như là đầu tầu; song thật ra, bộ óc cổ súy cho anh em văn nghệ sĩ là ông Nguyễn Hữu Đang — người được Hồ Chi Minh giao phó dựng lễ đài trong ngày lễ Tuyên ngôn Độc lập. Vì thế, ông bị án tù lưu đầy nặng nhất.
Về cuộc di cư, tác giả viết kể lại rất nhiều chi tiết lý thú nhắc nhở hành trình và cuộc sống mới ở miền Nam, sau khi “Gia đình tôi lên đường di cư ít ngày trước khi Việt Minh về tiếp thu Hà Nội.”
Ngày 16-8-1955, chuyến tàu cuối cùng chở người di cư cập bến Sài gon. Hành lang tự do cũng không còn. Hai bờ Bắc-Nam được ngăn cách bằng cây cầu lịch sử Hiền Lương. Chính phủ Ngô Đình Diệm phải đương đầu với nhiều thử thách mới. Các phe nhóm chính trị kết tụ, dẫn đến biến cố 1963. Tình trạng uy quyền Quốc gia sụp đổ đã mở đầu cho những rối loạn chính trị, tôn giáo mà Lý Chánh Trung đặt cho nó một tên gọi: “Ba năm xáo trộn”, với hai bản án tử hình của ông Ngô Đình Cẩn ở Sài Gòn, ông Phan Quang Đông ở ngoài Huế. Trước ngày xử án, bà Nguyễn Thúy Toan, vợ Phan Quang Đông đang mang thai, đến lạy van Chuẩn tướng Nguyễn Chánh Thi xin giúp đỡ. Tướng Thi đã cho bà biết, “Vụ án này, chuyện sống chết của chồng bà hoàn toàn nằm trong tay của Thượn toạ Trí Quang, chứ tôi vô thẩm quyền. Bà nên xin gặp Thượng tọa Trí Quang, nếu Thượng toạ. bằng lòng tha chồng bà thì tôi sẽ ra lệnh thả chồng bà ngay.”
Giai đoạn này, tác giả đã là người trưởng thành và như người trong cuộc có lựa chọn và dấn thân.
Sự tranh giành của các tướng lãnh và một số tăng sĩ Phật Giáo trong hoàn cảnh của “những quyền lực mới” và câu nói “Nhất sư nhì tướng” trong dư luận; đến việc thống nhất hay “nhất thống” trong nội tình Giáo hội Phật giáo, tác giả đã dẫn chứng theo cuốn ‘”Bạch Thư” về vấn đề chia rẽ Ấn Quang và Quốc Tự của Hòa Thượng Thích Tâm Châu,
“Tôi là một vị Tăng miền Bắc, cùng sống trong Viện Hóa Đạo gồm có 12 vị. Tôi không khác một con ếch bỏ trong giỏ cua. Tôi tận lực làm việc không mong một chút danh lợi nào, nhưng tôi bị chèn ép đủ mọi mặt đến nỗi nhiệm kỳ 2 năm mà tôi phải xin nghỉ 7 lần, cuối cùng Hòa thượng Tăng thống khuyên tôi lại phải vâng lời.”
Bạch thư về vấn đề chia rẽ của Ấn Quang với Việt Nam Quốc Tự. trang 20-22.
Bàn tay nối dài của Thượng toạ Trí Quang qua tướng Đỗ Mậu trong vụ muốn kết thêm bản án tử hình cho Thiếu tá Đặng Sỹ đã thất bại. Tác giả đã trích từ tác giả Piero: “Ông bị bắt và bằng mọi cách bắt ông phải thú nhận rằng chính chính Tổng Giám mục Huế, anh trai của Tổng thống Diệm đã ra lệnh cho cảnh sát bắn vào các Phật tử.”(Catholiques et Bouddhistes au Viêt Nam, Piero Page 245).
Rồi ngày 14-5-1964, một bức thư viết bằng tiếng Pháp do Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình với 327 chữ ký của các linh mục gửi chính phủ, mạnh mẽ bày tỏ thái độ cương quyết phản đối vụ án Đặng Sỹ. Kết quả Đặng Sỹ thoát án tử hình, chịu án chung thân và không lâu sau, bản án lại được Ủy Ban Lãnh đạo Quốc gia hủy bỏ. Tác giả cũng là người trực tiếp tham gia vào một cuộc biểu tình của khối Công giáo vào ngày 7-6-1964 trước trụ sở Quốc Hội.Theo ước lượng của báo chí, có khoảng 100.000 người tham dự với các biểu ngữ, mang nội dung:
– Lột mặt nạ bọn lợi dụng cách mạng để đàn áp công giáo
– Mị dân là phản bội Dân chủ
– Kick-out Cabot Lodg
DCVOnline lược dịch
Nguồn: “Catholics Rally in Saigon, Charging Bias by Regime”, The New York Times Archives, June 8, 1964, Page 1.
“SAIGON, Nam Việt Nam, ngày 7 tháng 6— Người theo đạo Thiên chúa đã tập trung tại một công trường ở trung tâm Sài Gòn hôm nay để bày tỏ sự bất bình và đoàn kết trước những gì họ cho là thiên vị Phật giáo của Chính phủ Nguyễn Khánh.
Đám đông có trật tự, ước tính khoảng hơn 35.000 người, đã hô to tán thành tuyên bố yêu cầu một “chính sách quốc gia công bằng và hiệu quả hơn” chống lại Việt Cộng, hay phiến quân Cộng sản.
Một nhóm nhỏ người biểu tình, bị những người tổ chức cuộc biểu tình không chấp nhận, đã trương biểu ngữ tố cáo Đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge đã can thiệp vào nội bộ của Nam Việt Nam.
Khi một biểu ngữ ghi “Go Home, Cab. Lodge” xuất hiện ở rìa đám đông, chủ tọa cuộc tập họp yêu cầu gỡ bỏ biểu ngữ đó. Một cuộc ẩu đả nhỏ đã xẩy ra và một trong những người trương biểu ngữa đó đã bị đánh trước khi ông ta giao biểu ngữ chống Lodge cho ban tổ chức.” (1)
Chuyện về hai sinh viên Lê Hữu Bôi và Nguyễn Trọng Nho, một thời chủ động những sinh hoạt mà tác giả Bạch Diện Thư Sinh gọi là “sinh viên Quốc gia chống Chính quyền quốc gia”, nhất là cuộc biểu tình trước Phủ Thủ tướng yêu cầu tướng Khánh từ chức, hủy bỏ Hiến Chương Vũng Tàu. Sau vụ này báo chí phản ảnh là cần phải phục hồi uy quyền Quốc Gia.
Nhiều chi tiết liên hệ đến thời gian diễn ra cuộc tranh đấu của nhóm Phật giáo quá khích miền Trung do sự điều động của Trí Quang, mà một tác giả Mỹ, Mark Moyard, gán cho cái tên đẹp là “Sư chính trị”, khủng khiếp nhất là vụ tấn công hai trại Thanh Bồ và Đức Lợi ở Đà Nẵng, với cách hành xử đầy bạo lực và sắt máu. Hồ sơ vụ thảm sát Thanh Bồ – Đức Lợi được dẫn chứng đầy đủ bằng hai bài viết Nhớ lại cuộc thảm sát Thanh Bồ- Đức Lợi của Hàn Giang Trần Lệ Tuyền và Hồ sơ vụ thảm sát Thanh Bồ- Đức Lợi mà tôi được chứng kiến của Lê Tây Sơn.
Rồi giai đoạn Huế rơi vào tình trạng vô chính phủ, bàn thờ Phật xuống đường khắp nơi. Bên cạnh đó, đoàn sinh viên quyết tử của Trí Quang đi xách động dân chúng mang bàn thờ Phật bày ra đường gây bạo loạn.
Chính phủ cử Trung tướng Tôn Thất Đính, rồi tướng Huỳnh Văn Cao ra Huế song vẫn không ổn định được tình thế… Phải đến khi Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, Tư lệnh phó không quân, Tổng giám đốc Cảnh sát, kiêm Cục trưởng Cục An ninh quân đội được phái ra, chiếm lại đài Phát thanh và công việc giải tỏa bàn thờ bắt đầu mới ổn định được tình thế.
DCVOnline: Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1965 ông Nguyễn Ngọc Loan được chuyển về Bộ Tổng Tham mưu giữ chức vụ Giám đốc Nha An ninh Quân đội thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị. Ngày 1 tháng 11 cùng năm, ông được thăng cấp Đại tá tại chức. Ngày 29 tháng 4 năm 1966, ông được biệt phái sang Bộ nội vụ bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia. Cũng trong năm 1966, ông được Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương cử ra miền Trung bình định vụ Biến động Phật giáo trong cuộc bạo động ly khai,
Cộng sản cũng tích cực phá hoại bằng sự xâm nhập vào các tổ chức trong giới sinh viên. Những năm thời Đệ Nhất Cộng Hòa, sự xâm nhập này bị nhiều giới hạn vì lực-lượng cảnh-sát nỗ lực duy trì trật tự; nhưng sau biến cố tháng 1-11-1963, do các vụ thanh trừng theo phe nhóm lãnh đạo trong nội bộ chính-quyền mới và quân-đội đã làm thui chột tiềm-năng của ngành Cảnh-sát Quốc-gia, cộng sản có nhiều cơ hội lũng đoạn các tổ chức sinh viên. Đã có những sinh viên như Ngô Vương Toại bị bắn trọng thương; Bùi Hồng Sĩ, Nguyễn Văn Tấn ở Văn Khoa, Trần Lam Giang ở luật khoa cũng bị đe dọa ám sát.
Cũng tại Văn khoa, Nhóm Sử Địa cùng nhóm Hạ Đình Nguyên, Nguyễn Thị Yến, Vương Văn Nam, Võ Ba lập Ủy ban vận động chống đối việc cải tổ trường Đại Học Văn Khoa do giáo sư Nguyễn Văn Trung chủ trương. Vào lúc đó tác giả đang sinh hoạt tại đại học Văn Khoa, trong Phân-đoàn Văn-khoa của Phong trào Thanhniên Cônggiáo, đã lên tiếng với nhóm Sử địa. Bản lên tiếng này 48 năm sau còn được mở lại vào năm 2017, nhân viết bài: Bạch hóa một vài tài liệu liên quan đến người Chủ bút tập san Tạp chí nghiên cứu Sử địa đăng trên DCVOnline.net, tôi có gửi cho tác giả bản “Tuyên ngôn của Phong trào Thanh niên Công giáo” có cả ngày tháng và ấn ký của tác giả, với nội dung Yêu cầu Hội Đồng Khoa áp dụng biện pháp cương quyết đối với các sinh viên vô kỷ luật.
Ôi! Một thời tuổi trẻ dấn thân và nhập cuộc trong đó có Phạm Minh Tâm.
Phải đến điểm hẹn cuối cùng, như một kết thúc cuốn sách của tác giả, để nhờ đó tôi cảm nhận được nhan đề tác phẩm: Còn ai giữa mênh mông đời mình.
Miền Nam giống như những viên ngói trên mái nhà ngày một suy sụp. Có những viên ngói long ra, rơi xuống đất vỡ tan ra từng mảnh. May mắn có những viên rơi xuống còn nguyên vẹn, nhưng để làm gì hay trơ trọi giữa đời. Từng mảnh từng mảnh rơi xuống đến tường hoang, nhà trống. Có những viên ngói rơi xuống bị vỡ tan như sinh viên luật khoa Lê Khắc Sinh Nhật bị bắn chết tại Đại học Luật khoa Sài gòn. Có sinh viên như Trần Quốc Chương, con trai Thẩm phán Trần Thúc Linh, đi theo cộng sản, nhưng khi quay trở về học tiếp y Khoa bị thanh toán bằng cách xô ngã rơi từ trên lầu ba của trường Y Khoa vào một buổi chiều. Thẩm Phán Trần Thúc Linh không dám có một lời tố giác trước pháp luật vì sợ bị trả thù.
DCVOnline trích:
“Ông Hội Thẩm Trần Thúc Linh và Luật sư Trần Ngọc Liễng, không bị đi cải tạo thì chúng ta rõ tại sao rồi. Khi còn ở trong tù CS tôi có nghe ông Hội Thẩm Trần Thúc Linh còn tham dự Hội Nghị Hiệp Thương Thống Nhất Toàn Quốc do Cộng Sản VN tổ chức để thống nhất hai miền Nam Bắc và xoá bỏ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời GPMN . Sau đó tôi cũng nghe ông Hội Thẩm Trần Thúc Linh được chính quyềnn CS cho sang Canada chữa bệnh. Rồi ông mất ở Canada. BS tác giả câu chuyện lầm lẫn cũng không có gì lạ . Nhưng chúng ta cũng phải lên tiếng cho sự việc được rõ ràng.”
Nguồn: TP Lê Thế Hiển,“Đính chính về sự nhầm lẫn có phương hại đến tư cách và uy tín của Thẩm phán Trần Văn Linh, một công dân Việt Nam Cộng hòa khả kính”. URL https://aihuuluatkhoa.com/yahoo_site_admin/assets/docs/DINH_CHINH.96103812.pdf
Tôi đã phân loại. Sinh viên quá khích: xuống đường với biểu tình với lựu đạn cay, Sinh viên có lý tưởng phục vụ: lên đường như các anh em sinh viên trong chương trình Phát triển quận 8 hay các đoàn thanh niên thiện chí, phụng sự xã hội.
Nhóm sinh viên theo cộng sản như Hồ Hữu Nhật, Nguyễn Đăng Trừng, Nguyễn Văn Quỳ, Huỳnh Tấn Mẫm từng nắm Tổng hội sinh viên một thời thường quấy phá miền Nam trong nhiều năm trời.
Kể từ 1973, H. Kissinger trong vai trò cố vấn, đi đêm với cộng sản Tàu và cộng sản miền Nam đã bán đứng miền Nam trong vai trò ngoại giao con thoi. Việt Nam bị dồn vào thế chân tường không lối thoát.
Và cứ thế, nhiều viên ngói rớt còn nguyên vẹn, hy vọng còn nước còn tát.
Những viên ngói tiếp tục rơi xuống trên ngôi nhà Việt Nam. Ngày 18-01-1974, Trung Cộng thừa thế biết rằng Hoa Kỳ sẽ bán đứng Miền Nam nên quyết định đánh chiếm Hoàng Sa. Phía Việt Nam Cộng Hòa, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 bị bắn chìm. Trung tá Hạm trưởng Ngụy Văn Thà, Thiếu tá Hạm phó Nguyễn Thành Trí, 24 chiến sĩ hy sinh theo và 26 chiến sĩ mất tích. Các Khu trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4, Tuần Dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5, Tuần dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 bị hư hại cùng với số nhỏ chiến sĩ thương vong. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cầm cự và nếu cần được quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ.”(Nguyễn Tiến Hưng: khi đồng minh tháo chạy trang 587).
Viên ngói cuối cùng rơi rụng. Ngày 08-09-1974, linh mục Trần Hữu Thanh, thuộc dòng Chúa Cứu Thế, do Hoa Kỳ xúi dục và cung cấp tài liệu, tố giác Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tham nhũng. Ông tổ chức họp báo tại nhà thờ Tân Sa Châu, chính thức công bố bản cáo trạng.Vợ chồng tác giả cũng có mặt thấy: “nhiều người đi xem hơn là hưởng ứng… Nghe được chừng 5 phút, chúng tôi đi ra..Nhiều báo chí ngoại quốc thắc mắc Việt Nam Cộng Hòa đang nguy kịch mà ông linh mục này lại đi chống tham nhũng?”
Tôi xin được trả lời thay tác giả một cách mỉa mai: ông linh mục này đang làm công việc của kẻ vẽ đường cho hươu chạy. Năm 2005, tôi về Việt Nam có đến thăm linh mục Thanh lúc đang bị giam lỏng tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Đồng. Tôi chẳng hỏi được gì và bản thân ông cũng chẳng nói được gì. Vì thật sự, ông là kẻ hết thời như mọi người khác.
Tiếp vào việc ông Trần Hữu Thanh làm là nhiều ký giả, linh mục tổ chức ngày: Ký già đi ăn mày. Những ký giả kỳ cựu của các tờ báo, các linh mục như Thanh Lãng, Nguyễn Quang Lãm đội nón, vác gậy đi diễu ngoài đường phố như những tên hề, cà cuống chết đến đít mà không biết. Tại sao lại có nhóm chữ “ký già đi ăn mày”? Theo Uyên Thao, chủ bút tờ Sóng Thần cho tôi biết, anh em đang ngồi họp bàn thì ký giả Lê Thiệp đi qua bàn tếu: Thì gọi mẹ nó là ngày Ký giả đi ăn mày. Đúng là trò diễu dở.. Giới báo chí đã tự hào về ngày ký giả đi ăn mày.
Ngày 07-01-1975, tỉnh Phước Long bị quân đội cộng sản Bắc Việt chiếm đóng mở đầu cho một chuỗi các tỉnh khác rơi vào tay cộng sản. Miền Nam bị bức tử, theo cách nhìn của Đại tướng Cao Văn Viên, “The Final Collapse”.
Ngày 22-4-1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay. Thế rồi cái ngày mà người ta không chờ cũng đến. Ngói rơi rụng, ngôi nhà Việt Nam tan hoang vứt bỏ lại nào quân trang, súng ống như một bãi rác chiến trường. Và ai là người đủ can đảm cúi mình xuống dọn những bãi rác ấy?
Tác giả Phạm Minh Tâm ghi lại một ý nghĩa khó quên. Tác giả chạy xe Honda từ trong ngõ ra, bọc hành trang văng xuống đất. Một người lính đã lại giúp và nhẹ nhàng bảo..
“Cứ bình tĩnh đi.. chúng tôi vẫn còn đây mà…Tôi sượng sùng lí nhí cám ơn anh mà rưng rưng muốn khóc. Sượng sùng vì thật sự trong lòng tôi đầy bối rối vì sợ sệt và muốn khóc, vì bùi ngùi một chút tự ti. Trong những giờ phút nghiêm trọng của đất nước như thế này, bình thường chúng tôi vẫn nói hay như trạng, lại vênh vang là trí thức với bằng nọ cấp kia, giờ hấp tấp đi tìm nơi trú ẩn an toàn, còn anh lính “vô danh tiểu tốt” này đứng lại đây, bình tĩnh trong tinh thần chiến đấu, đặt định mệnh đời mình theo vận mệnh của đất nước dù chưa biết thế nào.”
Và cái phải đến đã đến: The Fall of Saigon. Chữ viết hoa như một vòng khăn tang cho Việt Nam Cộng Hoà. Sàigòn ơi, Vĩnh biệt.
Tác giả Phạm Minh Tâm đã đặt câu hỏi hắc búa:
“Sau ngày 30-4-1975, có một người “đi ăn mày nào” được sống thong dong, tự tại giữa lòng chế độ cộng sản không hay trong đó nhiều người là nạn nhân của chiến dịch ‘Đốt sách chôn nho?’”
Tôi gấp sách lại vì đã đọc đến chữ cuối… và tôi nhớ lại tôi trong cái đêm cuối thăm thẳm, thinh lặng, tôi lên sân thượng nhà tôi và bật khóc một mình. Giã biệt Sài Gòn thân yêu của tôi và của hàng triệu con dân miền Nam!
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài của tác giả, DCVOnline minh hoạ, hiệu đính và phụ chú
(1) “…Nhiều người Thiên chúa giáo đã cáo buộc Đại sứ Lodge thiên vị Phật tử trong cuộc đảo chánh năm ngoái chống lại chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Truyền đơn phát tán hôm nay cho biết thái độ này (của Lodge) vẫn còn, sau khi ông Diệm bị lật đổ và qua đời vào tháng 11 năm ngoái. Cố Tổng thống VNCH là người theo đạo Thiên chúa.
Những cuộc biểu tình đinh tổ chức vào những Chủ nhật liên tiếp vào tháng trước nhưng đã bị hoãn lại theo lệnh của TGM Nguyễn Văn Bình, người được cho là đã sợ xẩy ra bạo động với giới Phật tử, đang mừng Phật đản.
BCuộc biểu tình hôm nay diễn ra suôn sẻ trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn sau cuộc diễn hành qua các đường phố. Những người nói chuyện là giáo dân và một số linh mục.
Trong những tuần gần đây, giới hữu trách Phật giáo đã bị cáo buộc đàn áp người Thiên chúa giáo; đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung ngày càng gia tăng. Tuyên bố không tố cáo cụ thể giới lãnh đạo Phật giáo nhưng cho biết “một nhóm thiểu số cực đoan đã gây ra sự đàn áp người Thiên chúa giáo chúng tôi một cách bất công và tàn nhẫn.”
Tuyên bố nói rằng một số người Thiên chúa giáo đã trở thành nạn nhân khi tham gia cuộc chiến chống Cộng sản và Chính phủ Khánh đã không can thiệp.
Những cáo buộc tương tuej như cáo buộc của giới Phật tử vào năm ngoái nói rằng họ đã bị giới chức Thiên chúa giáo của chế độ Diệm đàn áp tàn bạo.
Những người Thiên chúa giáo biểu tình cũng cáo buộc Chính phủ đã không theo đuổi cuộc chiến chống lại Việt Cộng đủ mạnh. Người Thiên chúa giáo đã nhiều lần nhấn mạnh yêu sách của họ đòi giữ những vị trí quan trọng trong Chính phủ vì họ chống Cộng mạnh mẽ, một quan điểm mà họ tin rằng giới lãnh đạo Phật giáo thiếu.
Mặc dù Thủ tướng Khánh là một Phật tử, nhưng ông đã gây ấn tượng cho giới quan sát là ông không liên kết quá chặt chẽ với bất kỳ nhóm tôn giáo nào.
Không thể xác định được nguồn gốc của những nhóm chống-Lodge hôm nay. Truyền đơn cáo buộc Lodge đã đưa Việt Nam vào một “tình thế tuyệt vọng, bối rối.”
Tố cáo Đại sứ Mỹ hoặc đã can thiệp vô cớ vào nội bộ của đất nước, truyền đơn kêu gọi cử tri Mỹ không ủng hộ ông Lodge tranh cử Tổng thống Mỹ.”
Nguồn: “Catholics Rally in Saigon, Charging Bias by Regime”, The New York Times Archives, June 8, 1964, Page 1.