Bằng cách nào Biden có thể kéo được Việt Nam — và giúp những người tù chính trị
Ban biên tập The Washington Post | DCVOnline
Như các tổng thống khác đã làm, ông Biden chắc chắn sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị khác biệt của Việt Nam. Nhưng ông cũng nên nói sự thật với giới lãnh đạo Việt Nam: Không một người hay hệ thống cai trị nào trở nên mạnh mẽ hơn khi nó hủy hoại những quyền căn bản và phẩm giá của chính người dân mình.
Hoa Kỳ và Việt Nam đang trên đà nâng cao mối quan hệ của họ môt cách đáng kể; cao đến đâu sẽ được biết định khi Tổng thống Biden đến thăm Hà Nội vào ngày 10 tháng 9. Kế hoạch của chính quyền Mỹ nhằm cổ xuý việc thiết lập một “quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam vì muốn chống lại Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng trước khi ông Biden nâng ly chúc mừng giới lãnh đạo Việt Nam, ông nên nói rõ về những vi phạm nhân quyền của Việt Nam đang ngày càng tệ hơn và thúc đẩy sự thay đổi. Tổng thống Mỹ có nhiều ưu thế cụ để khuyến khích Viêt Nam đổi mới hơn những gì người ta thấy.
Việt Nam là một quốc gia do Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền cai trị. Kể từ năm 2016, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư có đường lối cứng rắn Nguyễn Phú Trọng, chính phủ Cộng sản Việt Nam đã tiến hành đàn áp khắp nơi những hoạt động, bất đồng chính kiến, xã hội dân sự và tự do tôn giáo.
Toàn bộ ban lãnh đạo phong trào biến đổi khí hậu của Việt Nam hiện đang bị giam giữ và những vụ bỏ tù đã phá vỡ nhữngc nỗ lực tổ chức và liên minh vận động của phong trào này. Vào ngày 1 tháng 6, chính quyền cộng sản Việt Nam chính thức buộc tội người vận động về biến đổi khí hậu hàng đầu của Việt Nam, Hoàng Thị Minh Hồng, về tội trốn thuế, khiến bà trở thành người hoạt động môi trường thứ năm phải bị cáo buộc như vậy trong hai năm qua. Một cuộc điều tra nhân quyền do Dự án 88 công bố vào tháng 4 cho thấy chính quyền cs Việt Nam đã vũ khí hóa luật trốn thuế để bịt miệng giới bảo vệ môi trường như thế nào.
Việc Việt Nam đàn áp những người hoạt động này đi ngược lại thỏa thuận của Việt Nam với Liên minh Châu Âu và Nhóm Bẩy cường quốc, cũng như Đan Mạch và Na Uy, được gọi là Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, nhằm giúp Việt Nam huy động ít nhất 15,5 tỷ USD từ giới đầu tư công và tư nhân để đáp ứng cam kết của mình đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050. Thỏa thuận quy định rằng “để tiến trình chuyển đổi diễn ra công bằng và hợp lý, cần phải tham vấn thường xuyên, bao gồm cả với giới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác để đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.”
Có 193 người hoạt động xã hội đang bị cầm tù ở Việt Nam. Con số này chưa kể đến những người bị buộc phải lưu vong hoặc bị buộc phải im lặng. Nhiều người trong tù bị buộc tội với những điều khoản mơ hồ trong bộ luật hình sự, chẳng hạn như Điều 117 hình sự hóa việc “làm, tàng trữ, phổ biến hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, sản phẩm nhằm chống Nhà nước” hoặc Điều 331, trong đó cấm “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước.” Ví dụ, tác giả và nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang, người năm ngoái đã nhận được Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đang thụ án 9 năm tù vì bị cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Khi ở Hà Nội, ông Biden phải nói với cai ngục: Hãy trả tự do cho cô ấy cùng với tất cả các tù nhân chính trị khác.
Cuộc đàn áp cũng đã dẫn đến việc giải thể những nhóm môi trường, nhà xuất bản độc lập, hội những nhà báo độc lập trong nước và một tổ chức chống tham nhũng phi chính phủ. Những người không có lịch sử hoạt động có tổ chức nhưng đang dùng mạng xã hội để lên tiếng bất bình về tham nhũng, kiểm soát đại dịch và lạm dụng tài nguyên công cũng đang phải đối phó với việc bị truy tố. Những biện pháp kiểm soát xã hội dân sự đã trở nên nghiêm ngặt hơn, kể cả những hạn chế đối với học thuật và hội nghị quốc tế, tăng cường giám sát những tổ chức trong nước dựa vào nguồn tài trợ nước ngoài và kiểm duyệt truyền thông xã hội. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã phát giác “những hành động vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, đang diễn ra và có hệ thống” ở Việt Nam và đã thúc giục chính phủ Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào danh sách “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998.
Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ song phương vào năm 1995, và Tổng thống Barack Obama vào năm 2013 đã phát động “quan hệ đối tác toàn diện” với Hà Nội. Việc chính quyền Biden theo đuổi việc nâng cấp lên “quan hệ đối tác chiến lược” là có cơ sở về thương mại và địa chính trị. Nó sẽ cho phép Việt Nam có những điều kiện thương mại ưu đãi và hợp tác quân sự sâu rộng hơn. Nhưng ông Biden không thể bỏ qua tình hình nhân quyền ngày càng leo thang ở Việt Nam.
Ví dụ về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, hiệp định thương mại thất bại của ông Obama, có tính hướng dẫn. Việt Nam nhìn thấy cơ hội tiếp cận nhiều hơn với một trong những thị trường xuất cảng lớn nhất của mình là Hoa Kỳ. Việt Nam đồng ý cho phép những nghiệp đoàn độc lập hoạt động, cấm dùng nhân công trẻ em ngoài vòng pháp luật và mang lại cho các công ty tư nhân cơ hội lớn hơn để cạnh tranh với khu vực quốc doanh nhà nước do Cộng sản điều hành. Người dân được hứa hẹn về một “mạng Internet mở và miễn phí”. Thật không may, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi TPP và những lợi ích đã hứa đã bị mất đi. Ông Biden nên thúc đẩy sự thay đổi một lần nữa — và sẵn sàng hơn nữa để đạt được những thỏa thuận thương mại quan trọng nhằm tạo ra sự giàu có và cải thiện điều kiện ở những nơi như Việt Nam.
Như các tổng thống khác đã làm, ông Biden chắc chắn sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị khác biệt của Việt Nam. Nhưng ông cũng nên nói sự thật với giới lãnh đạo Việt Nam: Không một người hay hệ thống cai trị nào trở nên mạnh mẽ hơn khi nó hủy hoại những quyền căn bản và phẩm giá của chính người dân mình.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: How Biden can court Vietnam — and help those stuck behind bars | the Editorial Board | The Washington Post| AUGUST 30, 2023.