Lý do Ai Cập và những nước Ả Rập khác không sẵn lòng tiếp nhận người tỵ nạn Palestine từ Gaza

JACK JEFFERY và SAMY MAGDY | Hồn Việt

CAIRO (Associated Press) — Khi những người Palestine tuyệt vọng ở dải Gaza bị phong tỏa cố gắng tìm nơi ẩn náu dưới sự bắn phá không ngừng của Israel (trả đũa cuộc tấn công tàn bạo của Hamas ngày 7/10) nhiều người thắc mắc tại sao 2 nước láng giềng Ai Cập và Jordan không tiếp nhận họ.

Người Palestine chờ qua biên giới Ai Cập tại cửa biên giới Rafah ở Dải Gaza hôm Thứ Hai 16/10/2023 (Ảnh AP / Fatima Shbair)

Hai quốc gia nằm cạnh Israel ở hai phía đối diện và có chung biên giới với dải Gaza và Bờ Tây bị Do Thái chiếm đóng, đã phản ứng cương quyết từ chối. Jordan thì đã có một số lớn người Palestine định cư.

Hôm Thứ Tư (18/10) Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi đã đưa ra những nhận xét cứng rắn nhất, nói rằng cuộc chiến hiện tại không chỉ nhằm mục đích chống lại Hamas, lực lượng cai trị Dải Gaza, “mà còn là một nỗ lực nhằm đẩy thường dân (Palestine) di cư sang Ai Cập.” Ông El-Sissi cảnh cáo rằng hành động này có thể phá vỡ nền hòa bình trong khu vực.

Quốc vương Abdullah II của Jordan cũng đưa ra một thông điệp tương tự một ngày trước đó, rằng: “Không (thể) có người tỵ nạn ở Jordan, không (thể) có người tỵ nạn ở Ai Cập.”

Việc hai quốc gia này từ chối không nhận người tị nạn bắt nguồn từ nỗi lo sợ rằng Israel muốn trục xuất vĩnh viễn người Palestine sang đất nước họ và vô hiệu hóa những yêu cầu của người Palestine muốn trở thành một quốc gia. Tổng Thống El-Sissi còn nói thêm rằng một cuộc di cư ồ ạt sẽ có nguy cơ đưa chiến binh vào Bán đảo Sinai của Ai Cập, từ đó họ có thể mở các cuộc tấn công vào Israel, gây nguy hiểm cho hiệp ước hòa bình đã 40 năm giữa hai nước.

Dưới đây là cái nhìn về động lực đưa đến lập trường của Ai Cập và Jordan.

LỊCH SỬ TẢN LẠC

Trong lịch sử của người Palestine thì chuyện bị buộc phải “rời khỏi nơi chôn rau cắt rốn là chuyện thường tình. Trong cuộc chiến năm 1948 quanh việc thành lập Israel, ước tính có khoảng 700.000 người Palestine đã bị trục xuất hoặc chạy trốn khỏi khu vực ngày nay là quốc gia Israel. Người Palestine gọi sự kiện này là Nakba, tiếng Ả Rập có nghĩa là “thảm họa”.

Trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967, khi Israel chiếm Bờ Tây và Dải Gaza, có thêm 300.000 người Palestine nữa chạy trốn, hầu hết là chạy sang Jordan.

Số người tỵ nạn và con cháu họ hiện đã lên tới gần 6 triệu người, hầu hết sống trong những trại tỵ nạn và cộng đồng Palestine ở Bờ Tây, dải Gaza, Lebanon, Syria và Jordan. Cộng đồng người Palestine lưu vong lan rộng hơn nữa, nhiều người tỵ nạn đang xây dựng cuộc sống ở các nước Ả Rập vùng Vịnh hoặc ở Tây phương.

Sau khi giao tranh chấm dứt trong cuộc chiến năm 1948, Israel không cho phép người tỵ nạn Palestine trở về nhà cũ của họ. Kể từ đó, Israel luôn thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của người Palestine về việc hồi hương người tỵ nạn như một phần của thỏa thuận hòa bình. Theo Israel, điều đó đe dọa cộng đồng người Do Thái chiếm đa số ở nước này.

Ai Cập lo ngại lịch sử lập lại và một số lớn người tỵ nạn Palestine từ dải Gaza sẽ ở lại vĩnh viễn trên nước mình.

KHÔNG BẢO ĐẢM NGƯỜI PALESTINE SẼ ĐƯỢC TRỞ VỀ

Chuyện này một phần là vì không ai có thể biết rõ cuộc chiến này rồi sẽ kết thúc thế nào.

Israel tuyên bố ý định tiêu diệt Hamas vì đã mở cuộc tàn sát đẫm máu ở các thị trấn phía Nam của mình nhưng không đưa ra dấu hiệu gì về chuyện au đó sẽ ra sao và ai sẽ cai trị Gaza. Điều này gây nên mối lo ngại rằng Israel sẽ tái chiếm đóng vùng lãnh thổ này một thời gian nữa, tạo thêm xung đột.

Quân đội Israel cho biết những người Palestine tuân lệnh của họ để di tản khỏi vùng Bắc Gaza về khu vực phía Nam sẽ được phép trở về nhà của họ sau khi chiến tranh kết thúc.

Nhưng Ai Cập không yên tâm.

Tổng Thống El-Sissi nói giao tranh có thể kéo dài nhiều năm nếu Israel cho rằng họ chưa thực sự tiêu diệt được hết phiến quân. Ông đề nghị Israel đưa người Palestine tạm cư tại sa mạc Negev, nơi giáp ranh với Dải Gaza, cho đến khi họ kết thúc những hoạt động quân sự.

Riccardo Fabiani, Giám đốc Dự án Bắc Phi của Crisis Group International nhận định: “Sự thiếu rõ ràng của Israel về ý định của họ ở Gaza và việc di tản thường dân Palestine tự nó đã là vấn đề. Sự hoang mang này làm dấy lên nỗi sợ hãi trong khu vực.”

Ai Cập đã thúc đẩy Israel cho phép hàng viện trợ nhân đạo được vào Gaza và Israel hôm Thứ Tư (18/10) nói “họ sẽ chấp thuận, “dù không nói rõ khi nào. Theo Liên Hiệp Quốc thì Ai Cập, quốc gia đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng leo thang, đã tiếp nhận khoảng 9 triệu người tỵ nạn và di dân, trong đó có khoảng 300.000 người Sudan đã đến Ai Cập trong năm nay sau khi chạy trốn cuộc chiến trên đất nước họ.

Nhưng các nước Ả Rập và nhiều người Palestine còn nghi ngờ Israel có thể sử dụng cơ hội này để áp đặt sự thay đổi vĩnh viễn cấu trúc dân số phá hoại các đòi hỏi của người Palestine về việc thành lập một quốc gia cho họ gồm Dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem (nơi cũng đã bị Israel chiếm năm 1967).

Hôm Thứ Tư Tổng Thống El-Sissi lập lại lời cảnh cáo rằng một cuộc lưu vong khỏi Dải Gaza là nhằm mục đích “loại bỏ chính nghĩa của người Palestine… nguyên nhân quan trọng nhất trong khu vực”. Ông lập luận rằng nếu như một quốc gia Palestine phi quân sự đã được thành lập từ lâu trong các cuộc đàm phán thì giờ đây không có chiến tranh.

H.A. Hellyer, cộng tác viên cao cấp tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie nói “Tất cả tiền lệ lịch sử đều cho thấy rằng mỗi khi người Palestine bị buộc phải rời khỏi lãnh thổ Palestine thì họ không được phép quay trở lại. Ai Cập không muốn đồng lõa trong việc thanh lọc sắc tộc ở Gaza.”

Nỗi lo sợ của các nước Ả Rập lại càng tăng thêm khi dưới thời Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu, các đảng cực hữu đang nổi lên với những quan điểm cực đoan về việc loại bỏ người Palestine. Kể từ cuộc tấn công của Hamas, lời lẽ hung hăng ít còn được kiềm chế, với một số chính trị gia cánh hữu và nhà bình luận truyền thông kêu gọi quân đội san bằng dải Gaza và xua đuổi hết cư dân ở đó. Một nhà lập pháp tuyên bố Israel nên thực hiện một “Nakba mới” (*) ở Gaza.

NỖI LO VỀ HAMAS

Đồng thời, Ai Cập tuyên bố, một cuộc di dân ồ ạt khỏi Gaza sẽ đưa Hamas hoặc những chiến binh Palestine khác vào lãnh thổ của họ. Điều đó có thể gây ra bất ổn ở bán đảo Sinai, nơi quân đội Ai Cập đã chiến đấu trong nhiều năm chống lại phiến quân Hồi giáo và đã có lúc cáo buộc Hamas ủng hộ cho nhóm phiến quân này.

Ai Cập đã ủng hộ việc Israel phong tỏa Gaza từ khi Hamas nắm quyền tại vùng lãnh thổ này năm 2007, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảng vật liệu cũng như việc qua lại biên giới của thường dân. Nhà cầm quyền Ai Cập cũng phá hủy mạng lưới đường hầm xuyên biên giới mà Hamas và những người Palestine khác dùng để buôn lậu hàng hóa vào Gaza.

Riccardo Fabiani, Giám đốc Dự án Bắc Phi của Crisis Group International nói “Với việc cuộc nổi dậy ở Sinai phần lớn đã bị dập tắt, Cairo không muốn gặp phải một vấn đề mới về an ninh ở khu vực đầy rắc rối này.

Tổng Thống El-Sissi còn cảnh cáo về một nguy cơ thậm chí còn bất ổn hơn, đó là sự sụp đổ thoả ước hoà bình năm 1979 giữa Ai Cập và Israel. Ông nói rằng, với sự hiện diện của các chiến binh Palestine, Sinai “sẽ trở thành căn cứ cho các cuộc tấn công vào Israel. Israel sẽ có quyền tự vệ… và sẽ tấn công lãnh thổ Ai Cập.”

Ông nói: “Nền hòa bình mà chúng ta đạt được sẽ “tiêu tan, tất cả chỉ vì ý định loại bỏ nguyên nhân chính đáng của người Palestine.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Why Egypt and other Arab countries are unwilling to take in Palestinian refugees from Gaza. Jack Jeffery & Samy Magdy | AP | October 18, 2023

(*) Nakba, tiếng Ả Rập có nghĩa “thảm họa”, chỉ cuộc trục xuất và tịch thu tài sản ồ ạt của người Palestine trong cuộc chiến Ả Rập-Israel năm 1948.