Người phụ nữ trong đích ngắm

David Grann | Trà Mi

Tại sao một gia đình người da đỏ Osage lại trở thành mục tiêu chính của một trong những tội ác tàn bạo nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Vào đầu thế kỷ 20, những thành viên của Bộ lạc Osage đã trở thành những người giàu nhất, tính theo đầu người, trên thế giới, sau khi mỏ dầu được phát giác trong khu đất dành riêng cho họ ở Oklahoma. Sau đó, họ bắt đầu bị sát hại một cách bí ẩn. Năm 1923, sau khi số người chết lên tới hơn hai chục người, vụ án được Cục Điều tra, lúc đó là một chi nhánh ít người biết đến của Bộ Tư pháp, sau này được đổi tên thành Cục Điều tra Liên bang (F.B.I.), tiếp nhận. Vụ án này nằm trong số những cuộc điều tra giết người lớn đầu tiên của F.B.I. Sau khi J. Edgar Hoover được bổ nhiệm làm giám đốc, vào năm 1924, ông đã cử một nhóm mật vụ, trong đó có một mật vụ người bản địa, đến khu bảo tồn Osage.

David Grann, một nhân viên của tạp chí The New Yorker, đã dành gần 5 năm để nghiên cứu về lịch sử bị nhận chìm  và nham hiểm này. Trong cuốn sách mới, “Killers of the Flower Moon: The Osage Murders and the Birth of the F.B.I.” do Doubleday xuất bản vào tháng 4, ông ấy cho thấy rằng tầm mức của những vụ giết người lớn hơn nhiều so với những gì Cục Điều tra Liên bang từng tiết lộ. Đoạn trích độc quyền này, chương đầu tiên của cuốn sách, giới thiệu người phụ nữ Osage và gia đình bà, những người đã trở thành mục tiêu chính của âm mưu.

David Grannvà tác phẩm. Nguồn: https://westvanlibrary.ca/

Vào tháng 4, hàng triệu bông hoa nhỏ bé trải dài trên những ngọn đồi Blackjack và thảo nguyên rộng lớn ở lãnh thổ Osage của Oklahoma. Có loài hoa tím tam sắc, những hoa đẹp mùa xuân và những hoa bluet họ thiến thảo. Nhà văn John Joseph Mathews của Osage đã quan sát thấy rằng dải thiên hà của những cánh hoa khiến nó trông như thể “những thiên thần đã để lại hoa giấy”.

Vào tháng 5, khi những con sói đồng cất tiếng tru dưới ánh trăng lớn, những cây cỏ cao hơn, chẳng hạn như cây rau trai và hoa cúc nhuỵ đen, bắt đầu mọc qua đầu những bông hoa nhỏ hơn, lấy đi ánh sáng và nước của chúng. Nhánh của những bông hoa nhỏ hơn gẫy và cánh hoa bay đi và chẳng bao lâu sau những loài hoa nhỏ đó bị chôn vùi dưới lòng đất. Đây là lý do vì sao người da đỏ Osage gọi tháng 5 là mùa trăng tàn hoa.

Vào ngày 24 tháng 5 năm 1921, Mollie Burkhart, cư dân của thị trấn định cư Osage ở Grey Horse, Oklahoma, bắt đầu lo sợ rằng có điều gì đó đã xẩy ra cho một trong ba chị gái của cô, Anna Brown. Ba mươi bốn tuổi và hơn Mollie chưa đầy một tuổi, Anna đã biến mất ba ngày trước đó. Cô thường xuyên đi “lu bù”, cách mà gia đình cô gọi một cách táp nham: khiêu vũ và uống rượu với bạn bè cho đến tận bình minh. Nhưng lần này một đêm đã trôi qua, rồi một đêm nữa, Anna đã không xuất hiện trước thềm nhà Mollie như thường lệ, với mái tóc đen dài hơi sờn và đôi mắt đen sáng như thủy tinh. Khi Anna bước vào nhà, cô thích cởi giày ra, và Mollie nhớ âm thanh dễ chịu khi Anna thong thả đi lại trong nhà. Thay vào đó là sự tĩnh lặng như đồng bằng.

Mollie đã mất người em gái Minnie gần ba năm trước. Cái chết của Minnie đến với tốc độ chóng mặt, và mặc dù  bác sĩ cho rằng đó là do một “căn bệnh suy nhược kỳ lạ”, Mollie vẫn nuôi dưỡng nghi ngờ: Minnie mới hai mươi bẩy tuổi và luôn mạnh khỏe.

Giống như cha mẹ của họ, Mollie và những chị em của cô có tên được ghi trên Osage Roll, điều đó có nghĩa là họ nằm trong số những thành viên đã ghi danh của bộ tộc. Điều đó cũng có nghĩa là họ có một gia tài. Vào đầu những năm 1870, người Osage đã bị đuổi khỏi vùng đất của họ ở Kansas đến một khu bảo tồn đầy đá, có lẽ là vô giá trị ở phía đông bắc Oklahoma, chỉ để phát giác ra, nhiều chục năm sau, vùng đất này nằm trên một số mỏ dầu lớn nhất ở Hoa Kỳ. Để được khai thác những mỏ dầu đó, những người thăm dò phải trả cho Osage dưới hình thức trả tiền thuê và tiền bản quyền. Vào đầu thế kỷ XX, mỗi người trong danh sách của bộ lạc bắt đầu nhận được ngân phiếu hàng quý. Số tiền ban đầu chỉ có vài đô la, nhưng theo thời gian, khi lượng dầu được khai thác nhiều hơn, cổ tức tăng lên hàng trăm, rồi hàng ngàn đô la. Và hầu như mỗi năm những khoản thanh toán đều tăng lên, giống như những con lạch trên thảo nguyên hợp lại để tạo thành Cimarron rộng lớn, lầy lội, cho đến khi những thành viên bộ lạc tích lũy được hàng triệu triệu đô la. (Chỉ riêng năm 1923, bộ tộc này đã thu về hơn ba mươi triệu đô la, tương đương với hơn bốn trăm triệu đô la ngày nay.) Người Osage được coi là những người giàu nhất trên thế giới, tính theo đầu người. “Nhìn kìa!” tuần báo New York Outlook đã thốt lên. “Người da đỏ, thay vì chết đói. . . có thu nhập ổn định khiến những chủ ngân hàng cũng phải tái mặt ghen tị.

Công chúng đã sững sờ trước sự thịnh vượng của bộ lạc Osage, họ tin rằng những hình ảnh về người Mỹ da đỏ có thể bắt nguồn từ lần tiếp xúc tàn bạo đầu tiên với người da trắng — ội lỗi nguyên thủy mà đất nước này đã ra đời từ đó. Phóng viên đã nhử độc giả bằng những câu chuyện về  “những tài phiệt Osage” và “những triệu phú da đỏ”, với những dinh thự bằng gạch đất nung và đèn chùm, cũng như những chiếc nhẫn kim cương, áo khoác lông và xe có tài xế riêng của họ. Một nhà văn đã ngạc nhiên trước những cô gái Osage theo học tại những trường nội trú tốt nhất và mặc trang phục sang trọng của Pháp, như thể “une très jolie demoiselle của đại lộ Paris đã vô tình đi lạc vào thị trấn dành riêng nhỏ bé này.”

Đồng thời, ký giả cũng viết về bất kỳ dấu hiệu nào của lối sống Osage truyền thống, dường như đã khuấy động trong tâm trí công chúng những hình ảnh về người da đỏ “man rợ”. Một bài báo viết “một vòng tròn những chiếc xe hơi đắt tiền vây quanh một đống lửa trại, nơi những ông chủ da màu đồng và phủ chăn mầu sáng  đang nấu thịt theo phong cách ban sơ”. Một tài liệu khác ghi lại cảnh một nhóm dân Osage đến dự buổi khiêu vũ của họ bằng một chiếc máy bay riêng — một cảnh “vượt xa khả năng khắc họa của nhà hư cấu”. Tóm tắt thái độ của công chúng đối với Osage, tờ Washington Star cho biết, “Lời than thở đó, ‘Hỡi người da đỏ nghèo khổ’, có thể được sửa lại một cách thích hợp thành, ‘Họ, người da đỏ giàu có.’”

Grey Horse là một trong những khu định cư lâu đời hơn của khu đất dành riêng cho thổ dân. Những tiền đồn này – kể cả Fairfax, một thị trấn lân cận lớn hơn với gần 1.500 người, và Pawhuska, thủ đô của Osage, với dân số hơn 6.000 người – dường như là những ảo ảnh gây sốt. Đường phố ồn ào với những chàng cao bồi, những người tìm vận may, những kẻ buôn lậu, những ông thầy bói, những người làm nghề y, những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, những cảnh sát trưởng Mỹ, những chuyên viên tài chính ở New York và những ông trùm dầu mỏ. Xe hơi phóng nhanh trên những con đường trải nhựa, mùi xăng át mùi thảo nguyên. Trên dây điện thoại đàn quạ nhìn xuống. Có những nhà hàng, được quảng cáo là quán cà phê, cũng như những nhà hát opera và sân chơi polo.

Mặc dù Mollie không chi tiêu xa hoa như một số hàng xóm nhưng cô đã xây một ngôi nhà gỗ đẹp đẽ, nhiều ngóc ngách ở Grey Horse gần ngôi nhà cũ của gia đình với những cột buộc vào nhau, chiếu và vỏ cây. Cô có nhiều xe hơi và có một toán người hầu — những người liếm nồi cho người da đỏ, như nhiều người đến lập nghiệp chế nhạo những công nhân di cư này. Những người hầu thường là người da đen hoặc người Mexico, và vào đầu những năm 1920, một vị khách đến khu bảo tồn tỏ ra khinh thường khi thấy “ngay cả những người da trắng” làm “tất cả những công việc tầm thường trong ngôi nhà mà không người Osage nào phải khom lưng.”

Mollie là một trong những người sau cùng thấy Anna trước khi cô biến mất. Ngày hôm đó, ngày 21 tháng 5, Mollie thức dậy lúc gần bình minh, một thói quen đã ăn sâu từ khi cha cô thường cầu nguyện mặt trời mỗi buổi sáng. Cô đã quen với dàn đồng ca của chim chiền chiện, chim sáo và gà đồng, giờ đây bị tiếng ồn của máy khoan đập xuống đất lấn át. Không giống như nhiều người bạn của cô, những người không mặc quần áo Osage, Mollie quấn một chiếc chăn của người da đỏ quanh vai. Cô cũng không làm tóc flapper bob mà để mái tóc đen dài xõa ra sau lưng, để lộ gương mặt nổi bật với gò má cao và đôi mắt nâu to tròn.

Mollie Burkhart. Hình: Doubleday

Chồng cô, Ernest Burkhart, thức dậy cùng lúc. Một người đàn ông da trắng hai mươi tám tuổi, anh ta có nét đẹp trai đặc trưng của một diễn viên phương Tây: tóc nâu ngắn, mắt xanh lam, cằm vuông. Chỉ có cái mũi của anh ta làm xáo trộn bức chân dung; có vẻ như nó đã nhận một hoặc hai cú đấm trong quán bar. Lớn lên ở Texas, con trai của một nông dân trồng gòn nghèo, anh đã bị những câu chuyện về Osage Hills mê hoặc — di tích của biên giới nước Mỹ, nơi người ta cho rằng những chàng cao bồi và người da đỏ vẫn còn rong ruổi. Năm 1912, 19, tuổi anh ấy đã xách ba lô lên đường, giống như Huck Finn lên đường đi giang hồ và đến sống với ông chú của mình, một người chăn bò độc đoán tên William K. Hale, ở Fairfax. Ernest từng nói về Hale, người đã trở thành như cha của anh: “Ông ấy không phải là loại người yêu cầu bạn làm điều gì đó – ông ấy nói bạn làm đi.” Mặc dù Ernest phần lớn chỉ chạy việc vặt cho Hale, nhưng đôi khi anh lại làm tài xế mặc đồng phục, đó là khi anh ấy gặp Mollie, chở cô ấy đi khắp thị trấn.

Ernest ưa uống rượu lậu và đánh phé kiểu Da đỏ với những người đàn ông nhiều tai tiếng, nhưng dưới nét thô bạo đó dường như có sự dịu dàng và có chút bất an, và Mollie đã phải lòng anh ấy. Sinh ra là người nói tiếng Osage, Mollie đã học được một ít tiếng Anh ở trường; Tuy nhiên, Ernest đã nghiên cứu ngôn ngữ mẹ đẻ của cô cho đến khi anh có thể nói chuyện với cô bằng ngôn ngữ đó. Cô mắc bệnh tiểu đường, và anh đã chăm sóc cô khi khớp xương của cô đau nhức và dạ dày cô bỏng rát vì đói. Sau khi biết có người đàn ông khác có tình cảm với cô, anh lẩm bẩm rằng anh không thể sống thiếu cô.

Thật không dễ để họ lấy nhau. Những người bạn thô lỗ của Ernest đã chế nhạo anh là một “người da trắng lấy vợ da đỏ”. Và mặc dù ba chị em của Mollie đã kết hôn với đàn ông da trắng, nhưng cô cảm thấy có trách nhiệm phải có một cuộc hôn nhân Osage được sắp đặt, giống như cách cha mẹ cô đã lấy nhau. Tuy nhiên, gia đình Mollie, theo đạo kết hợp giữa tín ngưỡng Osage và Thiên chúa giáo, không thể hiểu tại sao Chúa lại để cô tìm thấy tình yêu, rồi lại lấy đi nó đi. Vì vậy, vào năm 1917, cô và Ernest đã trao nhẫn, và thề sẽ yêu nhau mãi mãi.

Ernest Burkhart. Ảnh: Doubleday

Đến năm 1921, họ có một cô con gái, Elizabeth, hai tuổi và một cậu con trai, James, tám tháng và có biệt danh là Cowboy. Mollie cũng nuôi mẹ già, Lizzie, người đã chuyển đến sống ở đây sau khi cha của Mollie qua đời. Vì căn bệnh tiểu đường của Mollie, Lizzie từng sợ Mollie sẽ chết trẻ nên đã cầu xin những đứa con khác chăm sóc bà. Sự thật thì Mollie là người đã chăm sóc tất cả mọi người

21 tháng 5 lẽ ra là một ngày thú vị đối với Mollie. Cô ấy thích đãi khách và đang tổ chức một bữa tiệc trưa nhỏ. Sau khi thay quần áo xong, cô cho trẻ ăn. Cowboy thường xuyên bị đau tai khủng khiếp và cô thổi vào tai cho đến khi cậu bé con ngừng khóc. Mollie giữ nhà cửa ngăn nắp một cách tỉ mỉ, và cô ra chỉ thị cho người hầu khi ngôi nhà sinh động, mọi người đều náo nhiệt — ngoại trừ Lizzie, đang ốm và nằm trên giường. Mollie nhờ Ernest gọi điện cho Anna và xem liệu cô ấy có đến giúp Lizzie một hôm không. Anna, là con cả trong gia đình, có địa vị đặc biệt trong mắt mẹ, và mặc dù Mollie chăm sóc Lizzie nhưng Anna, dù tính tình nóng nảy nhưng lại là người được mẹ cô chiều chuộng.

Khi Ernest nói với Anna rằng mẹ cô cần cô, cô hứa sẽ bắt taxi thẳng tới đó, và ngay sau đó cô đến nơi, đi đôi giày màu đỏ tươi, mặc váy và khoác một chiếc chăn choàng Da đỏ phù hợp; trên tay cô là một chiếc ví cá sấu. Trước khi bước vào, cô đã vội vàng chải lại mái tóc bị gió thổi bay và đánh phấn lên mặt. Tuy nhiên, Mollie nhận thấy dáng đi của cô không vững, lời nói của cô lắp bắp. Anna say rượu.

Mollie (phải) cùng hai chị em Anna (giữa) và Minnie (trái). Ảnh: Doubleday

Mollie không giấu được sự bất mãn. Một số khách đã đến rồi. Trong số đó có hai anh của Ernest, Bryan và Horace Burkhart, những người bị vàng đen quyến rũ, đã chuyển đến Quận Osage, thường xuyên hỗ trợ Hale trong nông trại của ông ta. Một trong những người dì của Ernest, người đã luôn miện nói lời lỳ thị chủng tộc về người da đỏ, cũng đến thăm, và điều cuối cùng Mollie cần là Anna khuấy động con dê già.

Anna cởi giày ra và bắt đầu làm cảnh. Cô lấy một chiếc bình trong túi và mở nút, mùi hăng của rượu whisky lậu tỏa ra . Nhấn mạnh rằng cô ấy phải uống hết rượu trong bình trước khi chính quyền bắt cô ấy —  khi đó đã là một năm sau Lệnh cấm rượu lậu trên toàn quốc — cô ấy mời khách một ngụm thứ mà cô ấy gọi là rượu lậu ngon nhất.

Mollie biết dạo gần đây Anna đang gặp khó khăn. Gần đây cô đã ly dị, một người định cư tên là Oda Brown, có một cơ sở kinh doanh chế phục. Kể từ đó, cô ngày càng dành nhiều thời gian hơn ở những thị trấn hỗn loạn của khu bảo tồn, mọc nhà và nơi giải trí cho những công nhân dầu mỏ — những thị trấn như Whizbang, nơi mà người ta nói rằng mọi người náo nhiệt cả ngày và náo nhiệt suốt đêm. Một viên chức chính phủ báo cáo “Tất cả những thế lực tiêu tán và tà ác đều được tìm thấy ở đây. Cờ bạc, uống rượu, ngoại tình, nói dối, trộm cắp, giết người.” Anna đã bước vào những nơi ở cuối phố tối tăm: những cơ sở trông bề ngoài có vẻ đàng hoàng nhưng lại chứa những căn phòng ẩn chứa đầy những chai rượu lậu lấp lánh. Một trong những người hầu của Anna sau đó đã khai với chính quyền rằng Anna là người uống nhiều rượu whisky và có “thiếu đạo đức đối với đàn ông da trắng.”

Tại nhà Mollie, Anna bắt đầu tán tỉnh em của Ernest, Bryan, người mà cô thỉnh thoảng hẹn hò. Anh ta có vẻ trầm ngâm hơn Ernest và có đôi mắt lốm đốm màu vàng khó hiểu và mái tóc mỏng vuốt ngược ra sau. Một luật sư biết Bryan mô tả anh ta là một chú nhỏ làm tạp công. Khi Bryan hỏi một trong những người hầu trong bữa trưa rằng liệu cô ấy có đi khiêu vũ với anh ta tối hôm đó không, Anna nói rằng nếu anh ta tán tỉnh một phụ nữ khác, cô ấy sẽ giết anh ta.

Trong khi đó, dì của Ernest đang lẩm bẩm, đủ lớn để tất cả mọi người có thể nghe thấy, về việc bà đã xấu hổ đến mức nào khi cháu trai mình cưới một người da đỏ làm vợ. Mollie dễ dàng phản công một cách tinh vi vì một trong những người hầu phục vụ bà dì là người da trắng — một lời nhắc nhở thẳng thừng về trật tự xã hội của thị trấn.

Anna tiếp tục nuôi dạy Cain. Cô cãi nhau với khách, cãi nhau với mẹ, cãi nhau với Mollie. Một người hầu sau đó đã khai với chính quyền, “Cô ấy đã uống rượu và cãi vã. Tôi không hiểu được ngôn ngữ của cô ấy, nhưng họ đang cãi nhau.”

Người hầu nói thêm, “Họ đã rất khổ với Anna, và tôi rất sợ.”

Tối hôm đó, Mollie định lo cho mẹ, trong khi Ernest đưa khách đến Fairfax, cách đó năm dặm về phía tây bắc, để gặp Hale và xem nhạc kịch lưu diễn “Bringing Up Father”, kể về một người Ái Nhĩ Lan di cư nghèo trúng số một triệu đô la. và phấn đấu để hòa nhập vào xã hội thượng lưu. Bryan, đội một chiếc mũ cao bồi, đôi mắt như mèo ló ra từ dưới vành mũ, đề nghị đưa Anna về nhà cô ấy.

Trước khi họ đi, Mollie đã giặt quần áo cho Anna, cho cô ấy ăn một ít đồ ăn và bảo đảm rằng cô ấy đủ tỉnh táo lại để Mollie có thể nhìn thấy em mình như thường lệ, tươi sáng và quyến rũ. Họ nán lại bên nhau, chia sẻ khoảnh khắc bình yên và hòa giải. Rồi Anna nói lời tạm biệt, nụ cười lấp lánh ánh răng vàng.

Mỗi đêm trôi qua, Mollie càng lo hơn. Bryan khẳng định rằng anh ta đã đưa Anna về thẳng nhà và thả cô ấy trước khi đến xem nhạc kịch. Sau đêm thứ ba, Mollie, lặng lẽ nhưng mạnh mẽ, đã ép mọi người hành động. Cô cử Ernest đi coi lại nhà Anna. Ernest vặn tay nắm cửa trước – nó đã khóa. Nhìn qua cửa sổ, những căn phòng bên trong có vẻ tối tăm và vắng vẻ.

Ernest đứng đó một mình trong cái nóng. Trước đó vài ngày, một cơn mưa rào mát rượi đã phủi bụi mặt đất, nhưng sau đó những tia nắng lại chiếu rọi không thương tiếc xuyên qua những hàng cây blackjack. Vào giai đoạn này trong năm, cái nóng làm thảo nguyên mờ đi và khiến đám cỏ cao kêu cót két dưới chân. Ở phía xa, qua ánh sáng lung linh, người ta có thể nhìn thấy khung sườn của giàn khoan.

Người hầu trưởng của Anna, người ở cạnh bên nhà Anna, bước ra và Ernest hỏi cô ấy, “Cô có biết Anna ở đâu không?”

Người hầu nói, trước khi tắm, cô ấy đã ghé qua nhà Anna để đóng mọi cửa sổ đang mở. Cô giải thích, “Tôi nghĩ mưa sẽ thổi vào.” Nhưng cửa đã khóa và không thấy bóng dáng Anna. Cô ấy đã đi rồi.

Tin tức về sự vắng mặt của Anna truyền khắp những boomtown, lan từ hiên này sang hiên khác, từ cửa hàng này sang cửa hàng khác. Càng làm tăng thêm sự bất an khi có thông tin cho rằng một người Osage khác, Charles Whitehorn, đã biến mất một tuần trước khi Anna biến mất. Vui tính và hóm hỉnh, Whitehorn ba mươi tuổi đã kết hôn với một người phụ nữ nửa da trắng, nửa Cheyenne. Một tờ báo địa phương viết rằng anh ta “nổi tiếng với cả người da trắng và những thành viên trong bộ lạc của anh ta.” Vào ngày 14 tháng 5, Charles rời nhà ở phía tây nam khu dành riêng để đến Pawhuska. Anh ta chưa bao giờ trở lại nhà.

Tuy nhiên, vẫn có lý do để Mollie không hoảng sợ. Có thể hình dung rằng Anna đã lẻn ra sau khi Bryan đưa cô ấy về nhà và đi đến Thành phố Oklahoma hoặc băng qua biên giới đến Thành phố Kansas sôi động. Có lẽ cô ấy đang khiêu vũ ở một trong những câu lạc bộ nhạc jazz mà cô ấy thích lai vãng, không biết gì về sự hỗn loạn mà cô ấy đã để lại sau lưng mình. Và ngay cả khi Anna gặp rắc rối, cô vẫn biết cách tự bảo vệ mình: cô thường mang theo một khẩu súng lục nhỏ trong ví da cá sấu của mình. Ernest trấn an Mollie, cô ấy sẽ sớm trở về nhà  thôi.

Một tuần sau khi Anna biến mất, một công nhân dầu mỏ đang ở trên một ngọn đồi cách trung tâm thành phố Pawhuska một dặm về phía bắc thì anh ấy nhận thấy có thứ gì đó thò ra từ bụi cây gần chân giàn khoan. Người công nhân tiến lại gần. Đó là một cái xác đang thối rữa; giữa hai mắt có hai lỗ đạn. Nạn nhân đã bị bắn theo kiểu bị hành quyết.

Trời nóng, ẩm ướt và ồn ào trên sườn đồi. Những mũi khoan làm rung chuyển mặt đất khi chúng xuyên qua lớp đá vôi ngầm; cần trục của giếng dầu vung những cánh tay móng vuốt to lớn qua lại. Những người khác tập trung xung quanh thi thể đã phân hủy nặng đến mức không thể nhận dạng. Có một bức thư trong một trong những túi. Ai đó đã lôi nó ra, vuốt thẳng tờ giấy và đọc. Bức thư được gửi cho Whitehorn, và đó là lúc họ biết nạn nhân đó là anh ta.

Cùng lúc đó, một người đàn ông đang đi săn sóc ở Three Mile Creek, gần Fairfax, cùng với cậu con trai tuổi teen và một người bạn. Khi hai người đàn ông đang uống nước từ một con lạch, cậu bé thấy một con sóc và bóp cò. Có một luồng nhiệt và ánh sáng bùng lên, cậu bé nhìn con sóc bị trúng đạn và bắt đầu ngã nhào xuống mép khe núi một cách vô hồn. Cậu bé đuổi theo nó, đi xuống một con dốc dốc nhiều cây cối và vào một cái khe nơi không khí dày đặc hơn và nơi cậu ta có thể nghe thấy tiếng róc rách của con lạch. Tôi tìm thấy con sóc và nhặt nó lên. Rồi cậu ấy hét lên: “Ôi, bố ơi!” Khi cha cậu đến chỗ cậu thì cậu bé đã bò lên một tảng đá. Anh ta chỉ về phía bờ suối đầy rêu và nói: “Một người chết.”

Ở đó có thi thể của một phụ nữ người Mỹ da đỏ trương phồng và đang phân hủy: cô ấy nằm ngửa, tóc xoắn trong bùn và đôi mắt trống rỗng hướng lên trời. Giòi đang ăn xác chết.

Hai người đàn ông và cậu bé vội vã ra khỏi khe núi và phóng xe ngựa qua thảo nguyên, bụi bay mù mịt xung quanh họ. Khi đến con phố chính của Fairfax, họ không tìm thấy bất kỳ nhân viên công lực nào, vì vậy họ dừng lại ở Công ty Thương mại Big Hill, một cửa hàng tổng hợp lớn cũng có một cơ sở kinh doanh. Họ kể cho người chủ, Scott Mathis, chuyện đã xẩy ra, và ông ta đã báo cho nhân viên nhà quàn, họ đã đi cùng một số đàn ông đến con lạch. Tại đó, họ lăn thi thể lên một chiếc ghế xe ngựa và dùng dây thừng kéo xác người chết lên đỉnh khe núi, sau đó đặt thi thể vào trong một chiếc hộp gỗ, dưới bóng cây blackjack. Khi nhân viên nhà quàn phủ muối và đá lên cái xác trương phồng, nó bắt đầu co lại như thể đang ép sự sống cuối cùng rỉ ra ngoài. Nhân viên nhà quàn  cố gắng xác định xem người phụ nữ đó có phải là Anna Brown, người mà ông ta quen biết hay không. Sau này, ông nhớ lại-và nói : “Thi thể đã bị phân hủy, sưng tấy gần như nổ tung và rất hôi. Nó đen như một người da đen.” Ông ta và những người đàn ông khác không thể xác định được danh tính người chết. Nhưng Mathis, người quản lý tài chính cho Anna, đã liên lạc với Mollie, và cô ấy dẫn đầu một đám rước nghiệt ngã gồm Ernest, Bryan, Rita, chị của Mollie và chồng của Rita, Bill Smith đi về phía con lạch . Nhiều người quen với Anna đã đi theo họ, cùng với những kẻ tò mò bệnh hoạn. Kelsie Morrison, một trong những kẻ buôn lậu và bán ma túy khét tiếng nhất quận, đã đến cùng với người vợ Osage của mình.

Mollie và Rita đến gần và bước lại gần thi thể. Mùi hôi thối tràn ngập. Kên kên lượn vòng một cách tục tĩu trên bầu trời. Mollie và Rita khó có thể nhận ra khuôn mặt đó có phải của Anna hay không – hầu như chẳng còn lại gì — nhưng họ nhận ra chiếc chăn Da đỏ của cô và bộ quần áo mà Mollie đã giặt cho Anna. Sau đó, chồng của Rita, Bill, lấy một cây gậy và cạy miệng cô ra, họ có thể nhìn thấy miếng trám vàng của Anna. Bill nói, “Chắc chắn là Anna rồi.”

Rita bắt đầu khóc và chồng cô dẫn cô đi. Cuối cùng, Mollie cũng thốt lên từ “vâng” — đó là Anna. Mollie là người trong gia đình luôn giữ bình tĩnh, và rồi cô cũng rời khỏi khỏi con lạch với Ernest, để lại dấu vết đầu tiên của bóng tối đe dọa hủy diệt không chỉ gia đình mà cả bộ lạc của cô. ♦

Killers of the Flower Moon (2023). Phim do Martin Scorsese đạo diễn, Diễn viên gồm: Leonardo DiCaprioRobert De NiroJesse PlemonsBrendan FraserJohn LithgowLily GladstoneTantoo CardinalScott ShepherdJillian DionCara Jade MyersLouis CancelmiJaNae CollinsWilliam BelleauTatanka MeansPat HealyJason IsbellSturgill SimpsonGary BasarabaMichael Abbott Jr.Stephen Radley III

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:   The Marked Woman | David Grann | The New Yorker |Mar 1, 2017.