Xung đột Hamas-Israel có thể lan rộng

Quốc Việt

Tạp chí Time, trong số ngày 19/10/2023 đã nêu mối lo ngại về nguy cơ cuộc xung đột giữa Hamas và Israel hiện nay có thể lôi kéo những nước Ả Rập lân bang vào vòng chiến, như đã từng xảy ra trong quá khứ, đe doạ gây bất ổn nghiêm trọng cho cả khu vực Cận Đông và ảnh hưởng đến tình hình thế giới.

Không có nơi nào an toàn ở Gaza. Nguồn: Islamic Relief

Trong bài báo tựa đề “Cuộc chiến Israel nhằm tiêu diệt Hamas có thể lôi kéo những quốc gia Ả Rập lân bang như thế nàoký giả Armani Syed của tờ Time lần lượt nhìn vào mối liên hệ của 4 nước Lebanon, Jordan, Ai Cập và Syria giáp ranh với Israel và Palestine.

Lebanon

Trong số những nước Ả Rập thì Lebanon, chung biên giới phía nam với Israel, có lịch sử căng thẳng nhất với Israel trong thời gian gần đây. Tuy nhiên tình hình đã tương đối yên bình kể từ năm 2006, khi tổ chức Hồi giáo vũ trang Hezbollah từ Lebanon tấn công đột kích xuyên biên giới vào Israel, giết chết 3 binh sĩ và bắt cóc 2 người khác. Theo New York Times, ít nhất đã có 1.000 người Lebanon và 165 người Israel thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài 34 ngày trước khi hai bên đạt được thoả thuận ngưng bắn do Liên Hiệp Quốc làm trung gian.

Do đó, nỗi lo sợ lớn nhất về nguy cơ xung đột leo thang tuỳ vào việc liệu lực lượng Hezbollah dày kinh nghiệm chiến đấu và được trang bị vũ khí hùng hậu có tham gia cuộc xung đột hiện nay hay không. Vùng biên giới Israel-Lebanon là nơi thường diễn ra những cuộc giao tranh chết người giữa lực lượng Israel và dân quân Hezbollah được Iran hậu thuẫn. Ngày 15/10/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Israel nói rằng Israel không muốn có chiến tranh ở mặt trận phía bắc của mình với điều kiện Hezbollah cũng tự kiềm chế. Tuy nhiên, những cuộc đụng độ đã nổ ra dọc biên giới Lebanon và Israel hôm Thứ Ba 17/10 khiến 5 chiến binh Hezbollah thiệt mạng, trong bối cảnh đã nổ ra một loạt những cuộc giao tranh ở mức thấp kể từ khi cuộc chiến Israel-Hamas bắt đầu.

Lebanon, quốc gia đa dạng về tôn giáo nhất trong thế giới Ả Rập, hiện có một chính phủ lâm thời với quyền lực giới hạn, lên cầm quyền kể từ tháng 11/2022 khi giới lập pháp Lebanon liên tiếp thất bại 11 lần không bầu ra được một Tân Tổng Thống. Hezbollah, vừa là lực lượng dân quân vũ trang và vừa là đảng chính trị, hiện là tổ chức có uy lực thống trị ở Lebanon. Hezbollah bắt đầu nổi lên năm 1982, trong cuộc nội chiến ở Lebanon, như một phản ứng đối kháng trước cuộc xâm lược của Israel vào miền nam Lebanon. Nếu Hezbollah tham gia vào cuộc chiến Hamas-Israel thì mối chia rẽ tôn giáo ở Lebanon có thể trầm trọng thêm.

Pháo kích ở Dahaira, một ngôi làng biên giới Lebanon, hôm thứ Hai. Ảnh: Hussein Malla/Associated Press

Imad K. Harb, giám đốc nghiên cứu và phân tích tại Trung tâm Ả Rập Sự Vụ tại Hoa Thịnh Đốn nhận định rằng

“vì thế , chính phủ Lebanon hết sức mong muốn giữ được sự yên bình biên giới với Israel.

Trong những năm gần đây Lebanon đã trải qua vô số cuộc khủng hoảng, gồm vụ nổ tại hải cảng Beirut vào tháng 8/2020 và cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, mà theo Ngân hàng Thế giới, có thể nằm trong số ba cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trên toàn cầu kể từ thế kỷ 19 tới nay.

Ông Harb nói thêm, chính quyền Lebanon muốn vậy nhưng tiếng nói quyết định tối hậu là ở Hezbollah.

Hezbollah liên kết với Hamas qua mạng lưới dân quân đồng minh trong khu vực của Iran. Bà Lina Khatib, giám đốc Viện Nghiên Cứu Trung Đông S.O.A.S cho biết:

“Khi Hamas phát động chiến dịch quy mô cỡ này để chống lại Israel thì đó không thể là chuyện mà Hezbollah chỉ đứng nhìn mà chẳng làm gì cả”. Theo bà Khatib thì “Từ khi những hoả tiễn đầu tiên Hezbollah bắn đi, chúng tôi thấy phạm vi địa lý hoả tiễn có thể vươn tới Israel đã mở rộng… căn cứ vào những tính toán của Hezbollah dựa trên phí tổn và mức độ phân cực về ảnh hưởng của một sự can thiệp như vậy đối với nội tình Lebanon, thì hiện nay nguy cơ nổ ra một cuộc chiến toàn diện giữa Hezbollah và Israel vẫn còn thấp.” Lina Khatib

Ai Cập

Ai Cập là quốc gia Ả Rập duy nhất ngoài Israel có chung đường biên giới với Gaza và từ lâu nước này đã giữ vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và người Palestine.

Một khách hàng trả bằng tiền bảng Ai Cập để mua hàng ở Giza, Ai Cập. Ảnh: Islam Safwat/Bloomberg

Khaled Elgindy, một chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Trung Đông S.O.A.S cho biết: “Ai Cập là một trong số ít quốc gia có thể đàm phán với tất cả mọi phe.Nhưng hiện nay Ai Cập đang chịu áp lực dồn dập của Tây phương, đặc biệt là từ Anh và Hoa Kỳ, về chuyện tiếp nhận những người Palestine từ Gaza muốn thoát khỏi cuộc xung đột chết chóc lúc này.

Thế nhưng Ai Cập hết sức lo ngại chuyện đó có thể dẫn đến sự hiện diện lâu dài, nếu không muốn nói là vĩnh viễn, của những người Palestine từ Gaza, những người cuối cùng không phải là người di tản vì chiến cuộc mà là những người bị ép phải lưu vong.

Là nơi có cửa ngõ biên giới Rafah, điểm ra vào Gaza duy nhất không do Israel kiểm soát, những tổ chức nhân quyền cho rằng Ai Cập có trách nhiệm phải đóng vai trò làm hành lang cho công cuộc viện trợ nhân đạo cần thiết. Thế nhưng Ai Cập đang trong tình thế phải đối phó với những vấn đề nghiêm trọng trong nội bộ, kể cả nền kinh tế đang suy thoái khi đồng tiền Ai Cập mất gần một nửa giá trị so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng 3 năm 2022.

Theo Khaled Elgindy thì,

với Ai Cập đó thực sự là một tình huống không thể giải quyết được và thay vì yêu cầu Ai Cập phải làm chiếc van xả áp lực, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cần đòi hỏi Israel phải ngưng gây áp lực lên thường dân Palestine.” 

Khaled Elgindy

Mustapha Kamel al-Sayyid, một chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Cairo, nói với tờ New York Times rằng “từ nhiều năm nay, Ai Cập vẫn khẳng định rằng việc cho phép một cuộc di cư khỏi Gaza sẽ làm sống lại ý tưởng chọn bán đảo Sinai là lãnh thổ thay thế cho người Palestine lập quốc.”

Jordan

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền –Human Rights Watch– Jordan có mối ủng hộ lịch sử cho chính nghĩa của người Palestine và hơn một nửa dân số Jordan khai tổ tiên là người Palestine. Từ lâu Jordan đã đóng vai trò giám hộ trong cuộc tranh chấp giữa Israel và những vùng lãnh thổ của Palestine, đặc biệt là khu vực quanh Bờ Tây, nơi Jordan từng được giao quyền quản trị, nơi có những địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo và Cơ đốc giáo, hầu hết đều nằm ở khu Đông Jerusalem.

Israel kêu gọi di tản người dân ở phía bắc Gaza | Theo Liên Hiệp Quốc, quân đội Israel đã yêu cầu 1,1 triệu người rời khỏi miền bắc Gaza, kể cả thành phố Gaza và dời về phía nam dải đất, đồng thời cho biết lệnh này sẽ gây ra “hậu quả tàn khốc cho con người”. Nguồn: Phòng Điều hợp những vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Lực lượng Phòng vệ Israel. Hoạ đồ: Henrik Pettersson và Renée Rigdon, CNN

Vài giờ sau khi cuộc tấn công của Hamas nổ ra, chính phủ Jordan loan báo rằng Ngoại trưởng Ayman Safadi đã có cuộc thảo luận khẩn về tình hình với Uỷ viên chính sách đối ngoại của Liên minh Âu châu. Ngoại trưởng Jordan đã nhấn mạnh đến

sự cần thiết phải bảo vệ cho khu vực tránh được hậu quả của một chu kỳ bạo động mới, tạo ra một chân trời chính trị thực sự để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và ngăn chặn mọi hành động gây ra căng thẳng và làm suy giảm cơ hội đạt được giải pháp hai quốc gia.” 

Ayman Safadi

Theo Imad K. Harb, giám đốc nghiên cứu và phân tích tại Trung tâm Ả Rập Sự Vụ tại Hoa Thịnh Đốn thì trong lúc này,

“vai trò duy nhất Jordan có thể đóng là vai trò vận động cổ vũ chứ khó có thể giữ một vai trò lớn trong cuộc khủng hoảng hiện nay vì ở xa dải Gaza.

Imad K. Harb

Elgindy thuộc Viện Nghiên Cứu Trung Đông S.O.A.S cho rằng mối quan tâm chính của Jordan là bảo đảm được sự ổn định ở khu vực Bờ Tây giáp biên giới Jordan. Theo Bộ Y tế Palestine, từ khi cuộc xung đột bùng nổ, ít nhất đã có 61 người Palestine thiệt mạng ở Bờ Tây, và hơn 1.000 người khác bị thương trong một tuần có số chết chóc cao nhất kể từ năm 2005 tới nay. Vẫn theo Elgindy thì “nếu tình trạng xung đột bạo lực leo thang, Jordan có thể đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc trung gian hòa giải, nhưng hiện tại, thì Jordan không có vai trò gì ở Gaza.

Syria

Vai trò của Syria trong cuộc xung đột hiện nay có thể sẽ rất nhỏ. Đất nước này vẫn đang cố gắng phục hồi sau khi kinh tế bị suy sụp nặng nề vì ảnh hưởng của trận động đất khủng khiếp hồi tháng 2/2023 khiến ít nhất 5.500 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương; bên cạnh đó thì Syria vẫn còn đang tiếp tục gánh chịu ảnh hưởng tác động lâu dài của cuộc nội chiến do cuộc nổi dậy năm 2011 gây ra.

Dân chúng ngồi trên đống đổ nát và xe dọn dẹpnhững tòa nhà bị động đất phá hủy ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, vào thứ Hai. Ảnh: Sergey Ponomarev cho The New York Times, Feb. 14, 2023

Rim Turkmani, giám đốc Chương trình Nghiên cứu về cuộc Xung đột Syria tại Viện Kinh Tế London, nói với tạp chí TIME rằng Syria hiện không có nhiều lợi thế trong cuộc xung đột Hamas và Israel.

Bà Turkmani nhận định rằng Hamas không phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ của chế độ Syria. Bà nói, “sự hỗ trợ mà chế độ Syria dành cho Hezbollah và Iran quan trọng hơn nhiều.

Syria, cùng với Ai Cập và Jordan, đã chiến đấu chống lại Israel trong cả Cuộc Chiến Sáu ngày năm 1967 và Cuộc Chiến Yom Kippur năm 1973. Thế nhưng từ đó tới nay, nếu nói về chuyện đối đầu quân sự thì giữa Syria và Israel tương đối yên tĩnh. Bà Turkmani ghi nhận rằng điều này một phần là do sự hiện diện của Lực lượng Quan sát Ngăn ngừa Va Chạm của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì lệnh ngừng bắn năm 1973, và Syria chú tâm đến những vấn đề về Cao nguyên Golan mà Israel sáp nhập vẫn được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Syria.

Tuy nhiên dù sao đi nữa thì Syria đã tiếp nhận hơn nửa triệu người tỵ nạn Palestine đã đến định cư theo từng đợt kể từ năm 1948, và công chúng Syria, giống như hầu hết tại những quốc gia Ả Rập, phần lớn vẫn ủng hộ người Palestine.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: How the Israel Hamas War Could Pull in Arab Nations – by Armani Syed – TIME – Oct 19, 2023