Sử học tốt, Sử học táo tợn và Sử học tồi (p2)

Đinh Từ Bích Thúy

hvTrong tương lai sẽ không ai tranh cãi chuyện những vua Hùng là một truyền thống được phát minh trong thời đại trung cổ, và đã được dùng như dụng cụ mị dân bởi các nhà cầm quyền của những thế kỷ sau này. Những bài mà Tạ Chí Đại Trường và tôi xuất bản về đề tài này là những tài liệu sử học vững mạnh nhất từ trước tới nay.

Giáo sư Liam Kelley xâm minh để “thoát tầu” (2014). Nguồn: SEAsian's History Blog.
Giáo sư Liam Kelley xâm mình để “thoát tầu” (2014). Nguồn: SEAsian’s History Blog.

(Xin bấm vào đây nếu muốn tham khảo nguyên bản tiếng Anh của bài phỏng vấn)

(Tiếp theo phần 1)

(10) Nếu, như ông đã viết trên blog, “Cả hai Kim Định và Lévi-Strauss đều cố phát hiện những ý nghĩa bí ấn đằng sau những văn bản và mặt tiền xã hội loài người bằng cách đưa ra những khuynh hướng táo tợn và mới mẻ để diễn giải các xã hội loài người và quá khứ [của họ], thì điều đó thật sự có ghê gớm lắm không? Tôi nghĩ một vài nhà văn, nhà phê bình hay độc giả sắc bén của Việt Nam cũng có thể làm được việc này? Trong lĩnh vực văn chương – vì luôn luôn có sự bất bình đẳng giữa quyền thế chính trị và nghệ thuật ở Việt Nam – đã có những nhà văn hiện đại cũng như từ nhiều thế kỷ trước tránh né sự kiểm duyệt của nhà nước bằng cách viết những tác phẩm có chiều hướng “phản động” nhưng giả dạng như truyện tình cảm hay là hỗn hợp của nhiều thể loại văn chương và ảnh hưởng văn hóa. Thí dụ, tôi nghĩ Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều hay Kim Vân Kiểu của Nguyễn Du có thể được diễn giải như những văn bản đối lập, để bày tỏ tâm trạng của nhà nho, trong vai vợ, người tình hay vợ lẽ, đã bị ngược đãi hoặc bị ép buộc, “hãm hiếp” hay thỏa hiệp trong quan điểm chính trị. Nói rõ hơn, Kim Định có thực sự “độc đáo” không nếu tính chất úp mở của một văn bản đã được chấp nhận từ lâu như hình thể và phương thức của khuynh hướng đối lập?

Tôi nhìn nhận quan điểm của bà nhưng tôi nghĩ Kim Định độc đáo vì tuy ông ta vượt qua những giới hạn của tiêu chuẩn học thuật, ông ta dù sao vẫn sáng chế những tư tưởng trong khuôn khổ hàn lâm của thế kỷ 20, và trong thời điểm hóa giải chủ nghĩa thực dân. Tôi sẽ phải cắt nghĩa hơi dài dòng, nên mong bà thông cảm.

Không ai ở Đông Á sẽ diễn giải một bài thơ cổ trong Kinh Thi ra ngoài khuôn khổ mà nó đã được diễn giải từ bao nhiêu thế kỷ trước nếu Marcel Granet đã không đưa ra lý luận xã hội học tiềm ẩn trong nội dung của bài thơ. Thí dụ, người ta đã đọc những bài thơ trong Kinh Thi từ khuynh hướng đạo lý trong nhiều thế kỷ, nhưng Granet nói ta cũng có thể thấy những bài thơ này chính ra là những bài hát tỏ tình trong khung cảnh nông thôn hay lễ hội mùa màng. Chưa ai trước Granet đã đọc những bài thơ này từ quan điểm đó, nhưng những học giả Trung Hoa đã bắt đầu thẩm định chúng [trong khuôn khổ xã hội học] sau khi đọc những phân tích của Granet.

“Chinese Civilization” của Marcel GRANET,  một trong những học giả đầu tiên áp dụng khuynh hướng xã hội vào chuyên khoa Trung Hoa học, Giám đốc nghiên cứu tại Ecole des Hautes Etudes, Giáo sư tại Trường Ngôn Ngữ Đông Phương, Thống đốc của Viện Nghiên cứu cao học Trung Quốc ở Paris.London, KEGAN PAUL, TRENCH, TRUBNER &, Co. Ltd., New York, Alfred A. KNOPF (1930)
“Chinese Civilization” của Marcel GRANET, một trong những học giả đầu tiên áp dụng khuynh hướng xã hội vào chuyên khoa Trung Hoa học, Giám đốc nghiên cứu tại Ecole des Hautes Etudes, Giáo sư tại Trường Ngôn Ngữ Đông Phương, Thống đốc của Viện Nghiên cứu Cao đẳng Trung Quốc ở Paris. London, KEGAN PAUL, TRENCH, TRUBNER &, Co. Ltd., New York, Alfred A. KNOPF (1930)

Lévi-Strauss đi một bước xa hơn bằng cách lập luận rằng chúng ta có thể khảo sát nhiều dữ kiện tương tự từ những xã hội “man dã” trên khắp hoàn cầu và đưa ra những đặc điểm căn bản chung cho những xã hội này, như khái niệm ghét tởm chuyện loạn luân. Cho nên chỉ nói là Kim Định hay Levi-Strauss khảo sát những “ý nghĩa tiềm ẩn” chưa thể hiện đầy đủ cách mà họ đã cống hiến cho học thuật, nó chỉ là “tín hiệu” mà tôi đã dùng để khai triển những vấn đề phức tạp hơn.

Riêng về Kim Định, mặc dù ông ta đã chịu ảnh hưởng từ phương pháp quan sát những xã hội loài người của Granet và Lévi-Strauss, ông ta cũng rất quan tâm về những vấn đề thời đại lúc đó. Ông theo môn triết và Trung Hoa học vào thập niên 1950 khi xứ sở ông đang chuyển mình, qua những biến cố hỗn độn và ác liệt, để trở thành một lãnh thổ bị chia đôi vì chính trị sau thời đại thực dân.

Từ quan điểm một chuyên gia triết, dĩ nhiên Kim Định tin rằng triết học giữ vị trí cốt yếu trong xã hội loài người. Triết học Tây Phương (từ cái nhìn của người phương Tây là nền triết học “đáng kể” độc nhất vào lúc đó) tuy nhiên đang trong thời kỳ khủng hoảng. Tư tưởng Khai Sáng đã gây ra bao nhiêu chết chóc và hủy diệt trong hai thế chiến. Sự kỹ nghệ hóa của xã hội hiện đại đã chia cắt con người ra khỏi nền tảng văn hóa nhân bản. Những phân khoa trong các ngành học thuật, với phương pháp và ngôn ngữ riêng trong mỗi phân khoa, cũng chia cắt hiện thực thành vô số những mảnh nhỏ để rồi không ai có thể giải thích toàn diện một vấn đề. Cho nên học thuật lúc đó đã bị cơn khủng hoảng, và triết học Tây Phương dĩ nhiên đã không còn là cứu cánh.

Kim Định tuy nhiên nghĩ rằng đã có một lối thoát để tiến lên, và đường tiến lên chính là hành trình về phương Đông. (Sau Đệ Nhị Thế Chiến, với nhiều quốc gia thuộc địa tranh đấu cho độc lập, đã có một nỗ lực xây dựng cuộc trao đổi triết lý Đông -Tây, với chứng cớ đầu tiên là cuộc hội đàm của các Triết Gia Đông-Tây tại Đại học Hawaii vào năm 1939, nơi các triết gia Tây Phương và Á Đông [Wing-tsit Chan, Charles A. Moore and Gregg Sinclair] nhìn nhận họ cần phải nghiên cứu nghiêm trọng những truyển thống triết học của Đông Phương).

Trong thời điểm mà người Tây Phương đang khám phá triết học Đông Phương, Kim Định cũng khám phá một giải pháp cho sự bế tắc mà triết học Tây Phương đã đối đầu lúc đó, đồng thời vạch ra một lối đi cho Việt Nam thời hậu thuộc địa.

Tôi nghĩ chúng ta có thể phác họa tiến trình lô gích trong tư tưởng Kim Định như sau:

1. Việt Nam cần một triết lý hướng dẫn, nhưng lúc đó “triết lý” chỉ giới hạn trong truyền thống Tây Phương.

2. Triết lý Tây Phương đang trong thời khủng hoảng.

3. Triết lý Đông Phương, lúc đó đang bắt đầu được các học giả Tây Phương chú ý, có thể giúp triết lý Tây Phương.

4. Nền tảng của triết lý mới [kết hợp Đông và Tây] có thể trở thành triết lý hướng dẫn cho Việt Nam (và trên nguyên tắc có thể thành một triết lý cho mọi dân tộc trên thế giới).

5. Để dân tộc Việt Nam có thể chấp nhận triết lý Đông Phương như nền tảng xã hội, ta phải vượt qua những thành kiến dân tộc bằng cách chứng minh rằng Kinh Dịch và những tư tưởng Khổng giáo không phải là của “Trung Hoa.”

6. Kim Định đọc sách khảo cứu của những nhà chuyên gia Trung Hoa học ở phương Tây như Herrlee Creel và Wolfram Eberhard trong đó họ nói rằng văn minh Trung Hoa thời cổ thật ra có tầm mức nhỏ hơn nhiều (chỉ giới hạn chung quanh sông Hoàng Hà) so với những gì mọi người đã tưởng trước đó. Từ đó Kim Định đưa ra lập luận, nhưng không hề dựa trên những bằng chứng chắc chắn, rằng có những dân tộc [thuộc dòng giống Việt] trong khu vực sông Hoàng Hà đã sáng tạo những tư tưởng mà về sau trở thành nền tảng cho Kinh Dịch và Khổng giáo.

Tóm lại, tôi nghĩ Kim Định chú trọng gần như hầu hết vào những lĩnh vực hàn lâm chuyên môn trong thời đại ông để không còn thì giờ để ý hay so sánh phương pháp của ông với cách sáng tác hay diễn giải của các nhà văn, nhà phê bình văn học về những tài liệu văn chương. Sứ mệnh của ông là phải thuyết phục đồng bào ông rằng Kinh Dịch và truyền thống văn hóa Đông Phương có một vị trí cốt yếu trong xã hội Việt Nam — điều mà những người trẻ theo phong trào cải cách xã hội thời bấy giờ không quan tâm mấy.

Những tác phẩm của Kim Định xuất bản tại Sài Gòn trước 1975. Nguồn ảnh: cand.com.vn
Những tác phẩm của Kim Định xuất bản tại Sài Gòn trước 1975. Nguồn ảnh: cand.com.vn

(11) Ông đã phát biểu trên blog rằng “Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã áp dụng những tư tưởng của Kim Định cho những ý đồ rất khác với việc ‘đẩy mạnh bước tiến của học thuật’ vì Trần Ngọc Thêm xuyên tạc những tư tưởng đề cập trong sách của Kim Định, như trường hợp về Will Durant.” Nhưng qua những bài tôi đã được đọc của Trần Ngọc Thêm, ông ta có vẻ ôn hòa và cũng khá sáng tạo, như trong bài học thuật phân tích văn hóa ngồi và văn hóa đi. Các đồng nghiệp của Trần Ngọc Thêm, trái lại, có vẻ kém giáo dục và hung hăng hơn nhiều, khi họ thảo luận về quan điểm sử học của ông [Liam Kelley] hoặc của Tạ Chí Đại Trường.

Tôi đồng ý với bà là có những người “kém giáo dục và hung hăng” hơn Giáo sư Trần Ngọc Thêm, nhưng tôi nghĩ quyển sách giáo khoa [Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam] của Trần Ngọc Thêm có những khiếm khuyết trầm trọng trong cách sách này coi giống nòi Việt Nam là một giống nòi đặc biệt, hơn hẳn những chủng tộc khác. Tôi đã viết hàng loạt những bài viết về đề tài [kỳ thị chủng tộc] này, bắt đầu với bài sau đây:

https://leminhkhai.wordpress.com/2016/03/02/racism-in-vietnamese-scholarship-part-1/.

Nói cho cùng, mọi cuốn sách giáo khoa ở một khía cạnh nào đó là thể hiện của nền học thuật đã được chính trị hóa. Câu hỏi cần được đặt ra là mục đích của một cuốn sách giáo khoa có hiệu lực cho thời đại mà chúng ta hiện sinh sống hay không.

Cách đây 50 năm, lớp căn bản mà các sinh viên sử ở Hoa kỳ học là “Văn Minh Tây Phương.” Hiện nay lớp sử được dạy thường xuyên ở các đại học là “Lịch sử Thế Giới.” Yếu tố nào đã tác động sự thay đổi này? Nghĩ cho cùng thì đó là một quyết định chính trị. Mọi người đã đồng tâm là Mỹ và thế giới sẽ trở thành tốt đẹp hơn nếu những công dân Mỹ được mở rộng kiến thức về thế giới, thay vì nghĩ rằng họ là phần tử của một tiến trình lịch sử đặc biệt và siêu cường đã tạo nên “Văn Minh Tây Phương.”

Lý lẽ chính trị nào đằng sau sách giáo khoa [Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam] của Trần Ngọc Thêm? Tôi sẽ để người khác bàn luận về chuyện này, nhưng chắc chắn là có một mục tiêu chính trị.

(12) Ít nhất Trần Ngọc Thêm cũng nhìn nhận những khuyết điểm trong dòng tư tưởng của Kim Định, http://www.vanhoahoc.edu.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-co-trung-dai-o-viet-nam/2253-tran-ngoc-them-kim-dinh-voi-viec-nghien-cuu-van-hoa-viet-nam.html

Tôi nghĩ sẽ thú vị hơn nếu bà đọc cách Trần Ngọc Thêm “tôn vinh” Kim Định. Ông ta phàn nàn chuyện nhân dân Bắc Việt trong quá khứ đã bị khối cộng sản quốc tế bắt buộc không được biểu lộ văn hóa dân tộc. Rồi ông ta ca ngợi Kim Định là người yêu nước, yêu dân tộc, đồng thời thành quả của Kim Định trong công cuộc quảng bá giá trị tinh thần đặc thù của dân tộc. Như ai cũng thấy, đây cũng là những tuyên truyền của chính quyền Việt Nam từ thập niên 1990.

Ở khía cạnh này, Việt Nam rập khuôn Trung Hoa trong cách là cả hai quốc gia, bắt đầu từ các thập niên 1980-1990, đã ngoảnh mặt với chủ nghĩa xã hội để tôn vinh dân tộc chủ nghĩa và truyền thống văn hóa. Một số học giả đã gọi hiện tượng này là “thời kỳ cuối của Xã hội Chủ Nghĩa.”

Tôi đề cập đến điểm này để chứng minh rằng ta không thể tin những gì Trần Ngọc Thêm viết về Kim Định, vì mọi lập luận của ông ta có nội dung chính trị hay bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng chính trị của thời điểm ông soạn sách. Ông ta không thể thảo luận về Kim Định trong một bối cảnh hàn lâm chuyên môn nào. Ông ta bảo ưu điểm của Kim Định là chuyện Kim Định có bằng tốt nghiệp chuyên ngành triết Tây, nhưng Trần Ngọc Thêm chưa hề thảo luận về truyền thống tư tưởng Tây Phương mà Kim Định đã được ảnh hưởng, như cách Kim Định khai triển những khám phá của Marcel Granet và Claude Lévi-Strauss. Trần Ngọc Thêm không có một ý kiến nào hết (hay ít nhất chưa bao giờ bày tỏ trong những bài viết của ông ta), trong khi những tư tưởng của [Granet và Lévi-Strauss] có tầm mức vô cùng quan trọng đối với Kim Định và những tác phẩm của Kim Định.

Tóm lại, tôi chưa bao giờ đọc bất cứ một bài viết nào của Trần Ngọc Thêm, kể cả bài bà vừa dẫn ở trên, mà trong đó ông chứng tỏ là ông đã thực sự hiểu những tư tưởng của Kim Định.

(13) Ở trên ông nói rằng, “Chưa một sử gia nào của Việt Nam đã có một trình độ kiến thức tinh vi về những tư tưởng và lý thuyết hàn lâm trong bối cảnh học thuật quốc tế như Kim Định, và xứ sở Việt Nam cũng chưa bao giờ có một văn hóa hàn lâm thực sự quan tâm đến việc tăng cường kiến thức về lịch sử Việt Nam.” Ông không nói tới Giáo sư Nguyễn Thế Anh, thầy cố vấn của Tạ Chí Đại Trường, người đã dạy sử Việt ở đại học Sorbonne và cũng là thầy của rất nhiều các sử gia danh tiếng trên thế giới. Và ông cũng quên không nhắc đến cố học giả Hoàng Xuân Hãn, một nhà trí thức kỳ cựu của Việt Nam.

Nguyễn Thế Anh là một sử gia kỳ cựu, và cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng là một sử gia kỳ cựu, nhưng cả hai đều thuộc về một “týp” sử gia. Họ không tham gia vào những tranh luận về lý thuyết, và cả hai cũng không khái niệm hóa về quá khứ với phong thái linh động như Kim Định. Kim Định linh động vì ông đã có cái nhìn “đa khoa” và nhu nhuyễn về lý thuyết từ nhiều năm trước khi khuynh hướng này trở nên thịnh hành. Còn theo tôi thì Nguyễn Thế Anh và Hoàng Xuân Hãn ít khi nào thảo luận những tư tưởng của những nhà nhân chủng học, ngôn ngữ học, hay triết học khác ….

(14) Trở về di bút của Tạ Chí Đại Trường, trong đó sử gia bàn về Bình Nam đồ và bài viết năm 2004 của Huỳnh thị Anh Vân trong tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử. Bài viết của Huỳnh thị Anh Vân lại đề cập tới những diễn giải của học giả Li Tana và David Bulbeck về Bình Nam đồ. Tại sao Tạ Chí Đại Trường lại đề cập tới bài viết của Huỳnh thị Anh Vân, trong khi bài viết ấy đã xuất bản 11 năm trước khi Tạ Chí Đại Trường viết di bút?

Tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta thấy Tạ Chí Đại Trường bắt đầu với bài luận án tiến sĩ đệ trình tại đại học Michigan [của Brian Zottoli]: Reconceptualizing Southern Vietnamese History from the14th to 18th Centuries: Competition along the Coasts from Guangdong to Cambodia. Một người bạn chuyển cho Tạ Chí Đại Trường bài luận án này, làm tác động dòng tư tưởng của sử gia … và những ý nghĩ của ông nhảy từ điểm này qua điểm khác, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể thấy vấn đề chính trong những tư tưởng mà ông phát biểu – là lĩnh vực lịch sử Việt nam thời tiền hiện đại, đã, và cũng sẽ tiếp tục là một lĩnh vực rất yếu kém trong nước cũng như ngoài nước.

Tại sao lại có chuyện này? Thứ nhất, sẽ không ai hiểu được lịch sử Việt Nam thời tiền hiện đại nếu không đọc được chữ Hán. Và cũng không ai hiểu được chữ Nôm nếu không biết chữ Hán. Trong những lĩnh vực khác đó là điều hiển nhiên. Không một sử gia nào của văn minh cổ La Mã hay văn minh cổ Hy Lạp có thể kiếm được việc làm hay có cơ hội xuất bản nếu họ không biết đọc chữ La-tinh hay chữ Hy Lạp cổ. Nhưng không hiểu sao chuyện [không đọc được chữ Hán hay chữ Nôm] đã được dung túng ở hậu bán thế kỷ 20, trong và ngoài Việt Nam, và vì thế lĩnh vực lịch sử Việt Nam thời tiền hiện đại đã bị sa sút từ đó.

Tôi không biết rõ về kinh nghiệm sử học thời sinh viên của Tạ Chí Đại Trường. Nhưng trong quãng đời sau này ông ít khi nào có cơ hội được trực tiếp truy cập những tư liệu trong nguyên văn Hán cổ, cho nên ông đã phải dựa vào những bản dịch hiện đại của những văn bản cổ. Dù sao thì trong một lúc nào đó ông đã đạt được một căn bản Hán tự vững chắc để giúp ông đọc những bản dịch với tầm hiểu biết chính xác hơn những học giả đã bài bác ông.

Tạ Chí Đại Trường lớn lên trong thời điểm mà những vị quan cũ của triều đại nhà Nguyễn hấp thụ văn hóa Nho giáo vẫn còn tồn tại. Nhưng khi những vị quan này dần dần qua đời trong thập niên 1960, kiến thức ngôn ngữ và văn hóa của họ cũng bị phôi pha. Bị rẻ rúng trong nước sau đó như biểu hiện của “văn hóa lạc hậu phong kiến” và bị coi là không nguyên chất “Đông Nam Á” tại nhiều đại học ở Mỹ, chữ Hán cổ và truyền thống Nho giáo ở Việt Nam đã không còn được coi như những yếu tố cốt yếu để tìm hiểu về quá khứ dân tộc Việt, không như kiến thức La-tinh cho văn minh cổ La Mã hay văn minh thời Trung Cổ ở Âu Châu. Những sinh viên lịch sử trong nước hiện nay chỉ học Hán tự trong một thời gian rất ngắn, chỉ khoảng một, hai học kỳ. Sự nới lỏng về điều kiện kiến thức ngôn ngữ cho những nguồn tư liệu chính đã suy giảm phẩm chất môn sử học về thời tiền hiện đại, cả trong và ngoài nước.

Cộng vào đó là những yếu tố chính trị, bất kể về tình hình Việt Nam, trong môi trường hàn lâm hay ở phương diện cá nhân đã ảnh hưởng tới lĩnh vực sử học của Việt Nam, và ta có thể tưởng tượng được nỗi buồn thấm thía của Tạ Chí Đại Trường về hiện trạng học thuật thời tiền hiện đại, nhất là ông lại là một trong số rất ít các sử gia vào ngành trong hậu bán thế kỷ 20 vẫn còn trung thực với nghề nghiệp và sứ mệnh sử gia của mình. Đây là cách mà tôi đã thấy sự liên kết giữa Bình Nam đồ và những vấn đề khác trong di bút. Tất cả những điều này đã làm Tạ Chí Đại Trường suy niệm về sự yếu kém mãn tính trong lĩnh vực sử học tiền hiện đại, cũng như chuyện ông đã bị đẩy vào vị trí bên lề, trong khi ông là một sử gia ngoại hạng.

(15) Xin ông vui lòng cho một lời kết về “mối tương giao tri âm tri kỷ” với Tạ Chí Đại Trường.

Khi tôi mới nhận được tin ông qua đời, tôi rất ân hận đã không cố gắng hơn để gặp mặt ông lúc ông còn sống. Nhưng đồng thời tôi cũng rất hân hạnh đã có “mối tương giao tri âm tri kỷ” với ông. Chuyện tình bạn này được dựa hoàn toàn trên tư tưởng thay vì những thứ khác đã chứng minh sức mạnh của khối tư tưởng mà chúng tôi đã chia sẻ.

Trong tương lai sẽ không ai tranh cãi chuyện những vua Hùng là một truyền thống được phát minh trong thời đại trung cổ, và đã được dùng như dụng cụ mị dân bởi các nhà cầm quyền của những thế kỷ sau này. Những bài mà Tạ Chí Đại Trường và tôi xuất bản về đề tài này là những tài liệu sử học vững mạnh nhất từ trước tới nay. Chuyện một sử gia của miền Nam Việt Nam và một sử gia đã lớn lên ở một chỗ rất xa Việt Nam – một vùng quê của tiểu bang Vermont – lại là hai cá nhân trên thế gian đồng ý về một hiện tượng lịch sử và cũng chứng minh được nó đã làm tôi hứng khởi về tương lai sử học tiền hiện đại, và nó cũng cho tôi thấy rằng nền học thuật tốt luôn cần những sử gia nắm vững kinh nghiệm nghề nghiệp và trung thực với những nguồn tài liệu của mình. Tôi vô cùng hân hạnh được sử gia Tạ Chí Đại Trường coi tôi là một đồng nghiệp như vậy, và tôi hết mình tôn trọng ông cũng ở tư cách đó.

Sử gia Tạ Chí Đại Trường. Nguồn: damau.org
Sử gia Tạ Chí Đại Trường. Nguồn: damau.org

Chân thành cám ơn Giáo sư Liam Kelley đã dành cho Da Màu nhiều thời gian quý báu để trả lời bài phỏng vấn.

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Sử học tốt, Sử học táo tợn và Sử học tồi: Đối thoại với giáo sư Liam Kelley (phần 2). Đinh Từ Bích Thúy. Da Màu. 12.05.2016

“Da Màu chủ trương một diễn đàn văn chương không biên giới, một diễn đàn mở rộng cho mọi khuynh hướng sáng tác, mọi tác giả, mọi khai phá đúng nghĩa.
Da Màu thúc đẩy sự cảm thông và chấp nhận những dị biệt bắt nguồn từ văn hóa, ngôn ngữ, phái tính, màu da, lịch sử, địa lý, chính kiến… qua các hình thái văn học nghệ thuật.”

1 Comment on “Sử học tốt, Sử học táo tợn và Sử học tồi (p2)

  1. TÍNH CÁCH CỦA NHÀ SỬ HỌC

    Nhà sử học cũng là người làm khoa học nên trước hết phải có tinh thần cùng trách nhiệm khoa học. Tinh thần khoa học là sự chính xác, khách quan, tôn trọng sự thật. Và trách nhiệm khoa học là mọi thành quả nào mình thành tựu và truyền bá đến cho người khác đều có ảnh hưởng chung nhiều mặt đến xã hội nhất định do vậy không được hời hợt mà phải thận trọng.

    Nhưng nếu khoa học tự nhiên chỉ nghiên cứu về cái hiện tại, về cái gì đang có mặt trong thế giới tự nhiên, khoa sử học hay nghiên cứu lịch sử lại nhằm đi tìm cái quá khứ, cái không còn hiện hữu trong thực tế nữa. Khoa sử học như vậy bao quát cả nhiều lãnh vưc, cả về thế giới tự nhiên cũng thế. Song chính yếu nhất và được nhiều người quan tâm tới nhất, đó là lịch sử về thế giới nhân văn, về thế giới nhân loại và thế giới của những quốc gia đã diễn ra trong quá khứ nói chung. Bởi vậy chủ đích của sự học chính là ghi lại hiện tại một cách xác thực, đồng thời khai quật, khám phá quá khứ một cách đầy đủ, có hệ thống, chặt chẽ và chính xác để mang lại những ý nghĩa xác đáng, những hiểu biết cần thiết nào đó cho thế giới hiện tại.

    Ôn cố nhi tri tân, đó không những là kinh nghiệm sống nơi mỗi cá nhân, mà còn là ý nghĩa của khoa sử học trong xã hội hay đối với mọi người nói chung. Tinh cách quan trọng của môn sử học là như thế, tính cách quan trọng của người viết sử hay nhà sử học cũng chính như thế. Cho nên mọi quan điểm dựng hình lịch sử, bóp méo, xuyên tạc lịch sử vì bất kỳ những lý do hay mục đích thiển cận, nhất thời nào đó đều cũng là tội ác đối với lịch sử và cả đối với khoa sử học nói riêng. Tính cách chính trị hóa lịch sử cũng như sử học, tính cách ý thức hệ hóa sử học cũng như lịch sử, đều chỉ là những việc làm vô văn hóa và phi văn hóa đối với mọi yêu cầu khách quan khoa học mà ai cũng biết.

    Như vậy không phải ai cũng có thể trở thành nhà viết sử hay nhà sử học được. Nhưng nó đòi hỏi trước hết là tính liêm khiết trí thức, sự hiểu biết rộng rãi, cũng như quyết tâm cao cùng mục đích cao của việc phục vụ ý nghĩa sự thật và chân lý. Nhà sử học do vậy không những là người ghi chép hiện tại một cách trung thực, mà còn là người khai quật quá khứ và lý giải quá khứ về những mặt nào đó còn bị che mờ, khuất lấp, hay đã bị mai một. Bởi tính cách nhận thức hay tri thức của con người luôn luôn là tính cách hệ thống, tính cách diễn ra của mọi sự kiện thực tế cũng như vậy, cho nên sử học chân chính luôn là yêu cầu tiếp cận với con đường khách quan hay ý nghĩa khách quan là như thế. Nhưng đối với những sự việc quá khứ, mọi khía cạnh sự vật không phải liền lạc, hệ thống như trong hiện tại, trái lại chúng có khi hoàn toàn rời rạc, hay khó tìm ra được các mối dây hay ý nghĩa liên kết, bởi vậy nhà sử học cần phải có phương cách hay phương pháp luận khoa học phù hợp để vượt lên, xâu chuỗi lại, cũng như hệ thống hóa và lý giải tường tận được tất cả mọi điều ấy.

    Có nghĩa tinh thần tìm tòi, ý thức khai quật, khám phá, năng lực tinh chọn, sở trường hệ thống hóa, và cuối cùng khả năng lý giải, giải thích được về mọi sự kiện, đó chính là chỗ hơn thua nhau của từng người nghiên cứu hay người làm sử học. Điều đó cũng nói lên được, mục đích của nhà sử học là tìm về quá khứ, tìm lại quá khứ là chủ yếu, nhưng tiêu chí hay tiêu hướng của họ lại là nhằm phục vụ cho hiện tại và cho tương lai của xã hội, đó mới là điều đáng nói nhất. Nói khác, nếu nhà sử học mà không vì hiện tại, không vì tương lai của xã hội, đó cũng chỉ là nhà sử học tầm thường hay không đúng nghĩa. Những người như Trần Trọng Kim, Lương Kim Định, chính là những nhà sử học xứng danh và đúng nghĩa trong nhiệm vụ của họ là như thế.

    Trong tất cả ý nghĩa đó, sử học không thể là sự ru ngủ, sự tự mị, sự nhập nhằng, sự ngụy tín, mà phải là niềm tin hay sự hiểu biết chân xác nhất. Có nghĩa con đường sử học là con đường không có điểm dừng mà là con đường bất tận như trong mọi khoa học. Vì khám phá chân lý, nhất là chân lý trong quá khứ phần lớ hay luôn luôn chỉ là sự tiệm cận. Người này nối tiếp người khác, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, đó là con đường không bao giờ dừng, không bao giờ dứt của khoa nghiên cứu lịch sử. Cho nên không ai có thể tự hào hoặc mặc nhiên thừa nhận minh là người sau cùng hay duy nhất đã đạt tới được những chân lý sau cùng nào đó. Đặc biệt lịch sử thời cổ đại, có khi lại rất mù mờ vì đã bị nhiều huyền thoại hóa vì các lý do nào đó, khiến nhà sử học như đứng trước những định hướng, những chân trời khó thể nào rõ ràng hoặc đơn giản. Nhưng nói như thế không có nghĩa sử học càng đi lùi về trước thì càng bế tắt, ngược lại có ý nghĩa cần sự nổ lực hơn, sự sáng suốt hơn, sự trong sáng hơn, và cả sự quyết đoán hơn. Bởi trong cái biển hay cái hồ huyền thoại bao phủ chung quanh như thế, người ta cũng phải biết bơi vào bờ bằng cách nào đó, nếu không chỉ có nghĩa chết đuối hay có nghĩa cũng chỉ muôn đời lênh đênh như thế

    Nói cụ thể hơn, trong lịch sử dân tộc đất nước ta, truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, truyền thuyết Sơn tinh, Thủy tinh, truyền thuyết bà mẹ Âu cơ, truyền thuyết Hồng Bàng, Hùng Vương v.v… không phải không có những điều mơ hồ, khó tin, mà cũng không phải không có những căn cơ cụ thể, khả tín, khách quan nào đó của nó. Đấy ý nghĩa của nhà sử học là luôn không có điểm dừng, là luôn phải cần khoa học hơn là như vậy. Có nghĩa phải biết tìm ra cái gì là khoa học trong huyền thoại, và phải biết loại bỏ đi cái gì huyền thoại trong thực tế và trong khoa học đều là như thế. Vì bản chất con người từ xưa nay và bất kể từ nơi đâu trên thế giới này, vì rất nhiều các lý do khác nhau, xấu cũng như tốt, hay cũng như dở, chính đáng cũng như không chính đáng, cần thiết cũng như không cần thiết, đều có khuynh hướng về huyền thoại, trong tôn giáo, trong chính trị cũng thế, huống gì là trong lịch sử. Đó chính là điều khác nhau giữa lịch sử và sử học. Bởi vì lịch sử trước hết mới chỉ là sự thô nhám, mới là cái phôi vừa được phay ra trong thực tế. Nhưng sử học lại là sự tự ý thức, sử phản tỉnh, sự tinh lọc trong nhận thức và ý thức, đó mới chính là ý nghĩa và công năng, công dụng muôn đời của sử học. Từ đó cũng thấy được rằng nhà viết sử cũng là kiểu của nhà sáng tạo. Sáng tạo không phải từ cái không làm thành cái có, mà sáng tạo là làm sao cho cái có trở thành cái có đúng nghĩa nhất và có giá trị nhất. Nên huyền thoại hóa về lịch sử không thể bằng khoa học hóa về lịch sử, ngu dân hóa bằng sử học không thể bằng khai hóa dân trí cao hơn bằng con đường khoa học hóa sử học. Đó không phải chỉ là con đường của nhà chính trị chân chính mà cũng còn là con đường của nhà sử học chân chính. Nên trong cõi đời này cái sai thì vô hạn mà cái đúng thì chỉ có một là như thế. Con đường lịch sử mới chỉ là con đường bụi đất,nhưng con đường sử học mới chính là con đường của tinh hoa, của trí thức, của nhận thức và của ý thức là như thế. Cái trước chỉ mới là cái vật chất, cái chưa được hình thành hẳn, nhưng cái sau mới là cái định hình, cái tinh thần, cái tinh hoa và cái nhân văn nơi thế giới đúng nghĩa con người cũng là như thế.

    THƯỢNG NGÀN
    (05/6/16)