Beverley McLachlin đang theo dõi bi kịch luật pháp thế giới
Katie Underwood | Trà Mi
Cựu Thẩm phán Chủ tịch Tối cao Pháp viện (TCPV) Canada đã hết mình với sự nghiệp tiếp theo—như một tác giả viết sách về tội phạm bán chạy nhất. Bà vẫn đang để mắt đến tòa án.
Trong suốt 28 năm làm nên lịch sử của Beverley McLachlin tại TCPV Canada, bà đã đưa ra những án lệnh về những luật lệ tạo ra bước tiến vượt bậc về mặt nhân quyền tại Canada—đối với người bản địa, đối với người hành nghề mại dâm, đối với các cặp đồng giới và đối với những công dân muốn trợ tử, trước thời có chính sách y học trợ tử (MAID). Sau khi nghỉ hưu vào năm 2018, bà đã chuyển hướng ngòi bút hùng mạch sang thể loại bi kịch pháp luật hư cấu: tác phẩm kinh dị mới nhất của bà, Proof, sẽ lên kệ sách vào ngày 17 tháng 9.
McLachlin dành thời gian còn lại cho công việc trọng tài. Bà cũng đã phục vụ hai nhiệm kỳ như một thẩm phán ở nước ngoài tại Tòa Chung thẩm của Hong Kong, một nhiệm kỳ mới kết thúc đã bị giới hoạt động dân chủ chỉ trích; những người đó cho rằng việc Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thông qua Luật an ninh quốc gia của Hong Kong năm 2020 đã gây nguy hiểm cho những quyền tự do dân sự trong khu vực. Ngay cả khi nền độc lập tư pháp dường như đang lung lay trên toàn thế giới — và, trong trường hợp của những người hàng xóm Hoa Kỳ của chúng ta, rất gần nhà — McLachlin, hiện đã 80 tuổi, vẫn tin vào khả năng thực thi công lý của Canada.
Mọi người nghĩ rằng viết truyện ly kỳ là sự nghiệp thứ hai của bà, nhưng bà đã viết tiểu thuyết trước khi ngồi vào ghế thẩm phán, đúng không?
Tôi đã thử viết khi tôi dậy luật tại UBC, trước khi tôi mơ trở thành thẩm phán. Tôi đã có lần gửi bản thảo cho McClelland & Stewart. Họ quan tâm, nhưng họ nói với tôi rằng bản thảo đó sẽ cần rất nhiều chỉnh sửa. Tôi là một cây bút nghiệp dư. Bây giờ, một cách nào đó, tôi vẫn vậy.
Bà đã nói rằng bà là một người ham đọc khi từ thời niên thiếu, mượn nhiều sách dành cho người lớn ở những kệ sách của thư viện. Ở đây, chúng ta không nói đến tiểu thuyết lãng mạn và dành cho phụ nữ của Harlequin, phải không?
tiểu thuyết
Không, không. Tiểu thuyết thực sự, rất nhiều tác phẩm của những tiểu thuyết gia người Anh. Tôi chưa bao giờ đọc đến Lady Chatterley’s Lover. Khi chúng tôi không bận làm việc tại nông trại của gia đình ở Pincher Creek, Alberta, anh tôi và tôi sẽ đọc tối đa hai cuốn sách mỗi tuần, sau đó trao đổi. Đó là một thị trấn nhỏ. Không có nhiều cửa hàng.
Bà có đem khiếu viết lách vào những bài viết về luật pháp không?
Tôi cho rằng những bài viết của tôi về pháp luật khá nhàm chán, nhưng một số người nói với tôi rằng họ thích nó vì nó đi thẳng vào vấn đề. Đó là nhiệm vụ. Là thẩm phán, tôi không được bịa ra chuyện. Ánh lệnh không phải là nơi dành cho thơ ca hay những câu nói triết lý. Tôi nhớ một thẩm phán từ những năm 50 đôi khi thêm vào những chi tiết nhỏ tô điểm cho nhân vật và sự hài hước. Thật buồn cười, nhưng tôi nghĩ, nếu tôi đi đòi công lý và bị chế giễu thì sao?
Trong thời gian làm thẩm phán TCPV, bà đã phán quyết về nhiều vấn đề nhân quyền mang tính quyết định của Canada—Đạo luật Hôn nhân Dân sự, quyền của người hành nghề mại dâm, trợ tử trước khi nó được gọi là MAID. Bà có một chút tiếng tăm trong giới bảo thủ vì là một “thẩm phán hoạt động xã hội”.
Công việc của tôi là áp dụng luật để khắc phục những bất bình đẳng không thể biện minh được theo Hiến chương Nhân quyền.
Vâng, “thẩm phán hoạt động xã hội” không có vẻ là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với tôi.
Hoàn toàn không phải vậy. Nhưng quay trở lại những năm 90, những chủ đề như quyền của người đồng tính vốn nằm ngoài phạm vi của tòa án thì đột nhiên lại nằm trong phạm vi của tòa án. Một số người nghĩ rằng, Ồ, tòa án sẽ làm lại mọi thứ. Họ có một nghị trình. Chúng ta cần tiến hành từng bước, nhưng tòa án phải theo kịp xã hội. Giống như John Sankey, Đại Chưởng ấn hay còn gọi là Đại Pháp quan hoặc Ngài Đổng lý Văn phòng (tương đương với thủ tướng) Anh, đã nói trong án lệnh của ông trong Vụ án Persons năm 1929, vụ án trao cho phụ nữ quyền giữ chức vụ công: hiến pháp là một cái cây sống.
Trong cây luật pháp hiện tại của Canada, theo bà, đâu là những trường hợp có thể có ảnh hưởng chuyển đổi nhất?
Cuộc cách mạng internet rất lớn—chúng ta vẫn chưa tìm ra biện pháp khắc phục những tác hại của nó. Tội phạm mạng, như gian lận. Phim khiêu dâm trả thù. Những thứ kinh khủng. Nhưng bất cứ khi nào quản lý ngôn luận, bạn phải thận trọng.
Mùa hè năm nay, ngay trước vụ ám sát hụt Donald Trump, giới chức tình báo Canada đã công bố những tài liệu cho thấy sự gia tăng những mối đe dọa trực tuyến bạo lực đối với giới công chức.
Việc đe dọa và dùng ngôn từ thù địch là vi phạm pháp luật. Thật khó để thực thi trong thế giới internet, nếu không muốn nói là không thể.
Vào tháng 7, chúng ta đã chứng kiến những đảng cánh tả giành chiến thắng liên tiếp ở Anh và Pháp. Trong khi đó, các nơi khác trên thế giới dường như đang trượt vào chủ nghĩa toàn trị. Tôi lo lắng. Bà có e ngại không?
Tôi nghĩ về điều này rất nhiều! Chúng ta đang sống trong thời kỳ làm cho ra manh mối. Lịch sử chuyển động theo chu kỳ, và tôi lạc quan rằng chúng ta sẽ quay lại một chút, nhưng tôi có thể sai. Tôi lo ngại về những biện pháp tước đi quyền can thiệp của thẩm phán với những chính khách. Chúng ta cần phải rất, rất cảnh giác —ví dụ như với một số lời lẽ cường điệu đang diễn ra ở phía nam biên giới.
Không chỉ là lời lẽ khoa trương. Vụ Trump kiện Hoa Kỳ đã trao cho Trump quyền bất khả xâm phạm tuyệt đối trong những hành động chính thức của một tổng thống trong phạm vi thẩm quyền theo hiến pháp của ông. Một số người nói rằng điều này về căn bản khiến ông trở thành một vị vua đứng trên luật pháp. Thẩm phán Sonia Sotomayor không đồng tình, “vì lo sợ cho nền dân chủ của chúng ta.” Bà nghĩ gì về điều đó?
Tôi đã nói điều này rất nhiều lần: không ai được đứng trên luật pháp. Tôi chỉ nói thế thôi. Ở Hoa Kỳ, chúng ta đang chứng kiến một tòa án chính trị hóa hơn, một tòa án sẵn sàng đảo ngược hướng đi—như trong trường hợp Roe vs. Wade—tùy thuộc vào người tham gia. Tôi chưa từng thấy sự xói mòn như vậy ở đây. Ở Canada, cần phải có sự biện minh, một sự thay đổi trong những điều kiện xã hội căn bản, để đảo ngược một tiền lệ lâu đời.
Tôi không thể tưởng tượng được việc trở thành một cựu thẩm phán TCPV và xem tin tức ngay bây giờ.
Tôi nhớ nghề thẩm phán vô cùng. Thật khó để điều chỉnh, kiểu như, được rồi, thế là hết. Tôi giải quyết một chút tranh chấp, trọng tài quốc tế—không nhiều, nhưng cũng có. Điều đó đã cho tôi nếm trải, nhưng không giống như việc cân nhắc những vấn đề đang khiến công chúng bận tâm. Bây giờ, tôi chỉ cần kiềm chế bản thân.
Vào tháng 7, bà đã kết thúc nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối với tư cách là thẩm phán nước ngoài không thường trực tại Tòa Chung thẩm của Hong Kong. Một số nhà phê bình cho rằng tòa án này mang lại uy tín cho một chế độ chính trị liên tục đàn áp những quyền tự do của công dân, chẳng hạn như bất đồng chính kiến. Làm thế nào để bà dung hòa hồ sơ nhân quyền và niềm tin vào sự độc lập của tư pháp với vai trò trước đây của bà tại tòa án đó?
Sự độc lập của Tòa Chung thẩm của Hong Kong đã được một hiệp ước năm 1997 xác nhận. Như tôi đã nói trong tuyên bố mà tôi đưa ra vào tháng 6 năm ngoái, tôi vẫn tiếp tục có sự tin tưởng lớn nhất vào những thành viên của tòa án, sự độc lập của họ và quyết tâm duy trì nền pháp trị của họ.
Những điểm yếu về mặt pháp lý của Canada là gì?
Đến với công lý. Hệ thống tòa án hoạt động rất tốt đối với những người có điều kiện. Đối với những người kiện tụng thông thường, những vụ kiện có thể mất nhiều thời gian. Có thể cảm thấy bất khả thi khi phải bồi thường cho những vấn đề nhỏ. Những tòa án nhân quyền chuyên biệt và hội đồng chủ nhà-người thuê nhà có thể giải quyết vấn đề nhanh chóng. Phải như vậy, nếu bạn sắp bị đuổi khỏi phòng thuê của mình! Nhưng tình trạng tồn đọng vẫn tiếp diễn. Một học giả người Anh tên là Richard Susskind đã thảo luận về cách giải quyết một số tranh chấp trực tuyến. Sẽ thật tuyệt nếu Canada có một ủy ban để duyệt xét những vấn đề này.
Kỹ thuật đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bà? Bà có phải là người bí mật dùng ChatGPT không?
Mạng xã hội—Tôi không tham gia trên mạng xã hội. Tôi có email, một vài nhóm để trò chuyện gia đình. Đôi khi, tôi sẽ dành tám giờ hoặc một ngày không xem truyền thông điện tử. Tôi chỉ đi dạo trong rừng.
Vậy ý bà là: bà là người trong nhóm trò chuyện gia đình không bao giờ trả lời.
Tôi có thể chậm trả lời.
Bà cũng là người đam mê truyện về tội phạm có thật không? Hay nói vậy là quá đáng?
Tôi không bị nó lôi cuốn. Tôi đã thấy rất nhiều tội phạm có thật trong sự nghiệp của mình. Đó không phải là chủ đề hấp dẫn đối với tôi.
Vì vậy, chúng tôi không nên chờ podcast của bà.
Tôi đã tham gia một vài chương trình, nói về những vấn đề pháp lý—đại loại thế. Tôi cũng đã đọc sách nói về hồi ký của mình. Tôi có thể đọc sách hư cấu của mình, nhưng tại sao không để các diễn viên kiếm được một vài đô la?
© 2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: Beverley McLachlin is watching the world’s legal drama | Katie Underwood | MACLEAN’S | July 30, 2024