Cuộc bầu cử năm 2024 tại Hoa Kỳ
Edward Lempinen, Jason Pohl, Lila Thulin | Trà Mi
Giá sinh hoạt, phân biệt giới tính và thuyết âm mưu, đã giúp Trump tái đắc cử
Cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử một cách dứt khoát đã gây chấn động toàn cầu. Mặc dù những cuộc thăm dò trước ngày bầu cử dự đoán một cuộc tranh đua khít khao, chiến thắng rõ ràng của ông đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Giới phân tích tin rằng sẽ mất nhiều thời gian mới có thể hiểu được những yếu tố khiến cử tri đưa ông trở lại cầm quyền. Học giả của UC Berkeley nêu bật một số động lực: sự hấp dẫn của Trump đối với cử tri da trắng, sự hoài nghi đối với những nữ ứng cử viên tổng thống và sự bất mãn toàn cầu đối với giới lãnh đạo chính trị, yếu tố này có thể dẫn đến sự gia tăng bất ổn.
Kết quả bầu cử cho thấy bốn năm sau cuộc nổi loạn ngày 6 tháng 1, cựu Tổng thống Trump sẽ trở lại Toà Bạch Ốc, được một toán nhân viên tận tụy và một số người khác đủ khả năng, có nhiều ảnh hưởng phục vụ để đạt được kết quả như ý. Với hậu thuẫn của một Thượng viện Cộng hòa, tổng thống sẽ không gặp trở ngại khi bổ nhiệm người vào nội những và có thể thực hiện những thay đổi lớn về mặt lập pháp, đặc biệt là về thuế, nhưng ông cũng có thể quyết định hành động đơn phương về những vấn đề khác, đẩy biên độ quyền lực của tổng thống đến mức tối đa. Hậu thuẫn của Tối cao Pháp viện bảo thủ hiện tại sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chính sách và quản trị của tổng thống Cộng hoà.
Donald Trump tái đắc cử tổng thống phần lớn do sự lo ngại của cử tri về những bất ổn kinh tế, đặc biệt là nam cử tri da trắng đã ủng hộ ông. Thất bại của Kamala Harris cho thấy sức mạnh bền bỉ của niềm tin chính trị của nhóm cử tri này. Kết quả họ không chỉ bỏ phiểu thể hiện sự bất bình về kinh tế, mà còn là sự phân biệt chủng tộc và kỳ thị phụ nữ nhất là đối với phụ nữ da đen và Nam Á; nỗi sợ hãi và lời tuyên truyền lếu láo đã thúc đẩy lòng tự ái dân tộc và nam tính của một số nhóm cử tri; mặt khác, một số người di cư cũ sẵn sàng đóng cửa, chặt cầu sau lưng họ và hình ảnh “chuyển giới” đại diện cho những thay đổi lịch sử. Sự thành công của một đảng chính trị phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của đảng đối với những cử tri của họ, không chỉ là một khối phiếu bầu mà còn đối với những phong trào xã hội và chính trị mà họ đang sống trong đó.
Trước cuộc bầu cử, một cuộc thăm dò của Berkeley IGS cho thấy sự ủng hộ dành cho Kamala Harris ít hơn nhiều so với sự ủng hộ dành cho Joe Biden năm 2020 trong giới cử tri người Mỹ gốc Á và Latin, đặc biệt là nam giới trong những cộng đồng đó. Một cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy nam giới Latin chuyển sang ủng hộ Trump.
Đã có nhiều câu hỏi về lý do tại sao rất nhiều người quay lưng lại với Harris hoặc bị Trump thu hút. Đã có nhiều cuộc thảo luận về sự ủng hộ ngày càng tăng đối với Trump trong số những cử tri không phải da trắng, nhưng ít để ý đến sự ủng hộ bền bỉ dành cho Trump trong khối cử tri da trắng, đặc biệt là phụ nữ da trắng. Trong khi một số chuyên gia cho rằng phụ nữ da trắng sẽ bỏ phiếu cho Harris vì lo ngại về nữ quyền về mặt sinh sản, thì điều quan trọng cần nhớ là phụ nữ da trắng – thường nghiêng về phía Cộng hoà – chỉ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ một lần trong 50 năm qua, vào năm 1996 cho Bill Clinton. Những lý do khiến Trump thu hút được cử tri gồm cả những tuyên bố phân biệt chủng tộc và kỳ thị phụ nữ, mà nhiều cử tri coi là bằng chứng cho thấy ông sẵn sàng nói ra “sự thật”; một số khác ủng hộ ông vì những khẳng định của ông, cảm thấy ông là người có quyền lực, đổ lỗi cho đảng Dân chủ vì những vấn đề và hoàn cảnh của họ cùng tin vào khả năng giải quyết của ông.
Cuộc thăm dò của cử tri Latin do Equis Research thực hiện hồi tháng 10 cho thấy trung bình 55% người Mỹ gốc Latin ủng hộ Harris ở những tiểu bang dao động, đặc biệt là sự ủng hộ của phụ nữ gốc Latin, 66% so với 50% của nam giới.
Đảng Dân chủ đã đề cử phụ nữ làm ứng cử viên tổng thống hai lần trong tám năm qua – Clinton 2016 và Harris 2024 – nhưng đều thất bại. Giới tính là động lực quyết định trong những cuộc bầu cử tổng thống, với việc cử tri lựa chọn giữa ứng cử viên nam và nữ cho cả vị trí tổng thống và phó tổng thống. Cuộc bầu cử gần đây nhất đã trở nên gay gắt hơn do những cuộc tranh luận ồn ào về quyền sinh sản và việc một ứng cử viên đề cao tính nam tính thái quá. Hai câu hỏi căn bản là liệu cử tri chọn phong cách lãnh đạo nào, thống trị hay có uy tín, và liệu nước Mỹ đã sẵn sàng tiến tới nam nữa bình quyền hơn bằng cách bầu một người phụ nữ vào vị trí quyền lực nhất thế giới hay không. Những mô hình bỏ phiếu phản ảnh động lực xã hội sâu sắc hơn xung quanh hai yếu tố giới tính và quyền lực, cho thấy rằng xã hội Mỹ cho đến nay vẫn thoải mái thấy phụ nữ trong những vai phụ thay vì là người cầm cân nẩy mực.
Phe tự do gần như hoàn toàn im lặng khi đảng Cộng hòa đã tận dụng sự căm ghét và sợ hãi của một số cử tri đối với người chuyển giới trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm nay, gây hoang mang khiến khối cử tri đó sốt sắng đi bỏ phiếu nhiều hơn. Lòng căm ghét này thành công vì nó có thể khiến công chúng bị ám ảnh, sợ hãi về những người chuyển giới. Giới bình luận bảo thủ nói nhiều hơn là nghiên cứu về về giới tính và bình luận của họ được cử tri coi là sự thật. Tuy nhiên, sự đối đầu chống lại người chuyển giới là vấn đề lưỡng đảng, với những người Cộng hòa nhất định xóa bỏ người chuyển giới, trong khi những người Dân chủ hầu như im lặng. Có thể là vì sợ bị chỉ trích hoặc do thỏa thuận thụ động, cuối cùng đã dẫn họ đến thất bại trong cuộc bầu cử năm nay.
Hoa Kỳ có lịch sử lâu dài về những thuyết âm mưu, với nỗi sợ về âm mưu định hình nền chính trị Hoa Kỳ kể từ thời kỳ thực dân Illuminati cho đến chủ nghĩa bài Do Thái của Henry Ford. Sau ngày 11/9, những nhóm cực đoan này đã chinh phục xã hội tự do, sự trỗi dậy của Trump do thuyết âm mưu “birther” (cho rằng Barack Obama không phải là người sinh ra ở Mỹ), lệnh cấm người Hồi giáo và bức tường biên giới. Nội các mới của Trump sẽ do những người theo thuyết âm mưu như Stephen Miller và RFK Jr., và những người hứa sẽ trả thù cho Trump điều hành. Trong gọng kìm của chứng hoang tưởng, mọi lời buộc tội đều là sự phóng chiếu và thú tội, và những người tưởng tượng họ là nạn nhân của âm mưu có khuynh hướng âm mưu chống lại người khác. Tuy nhiên hiện nay, sự độc đoán của Trump, dù công khai phát xít, thuyết âm mưu sẽ được sức mạnh của Đế chế Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Việc Donald Trump đắc cử ăn khớp với mô hình nổi loạn dân túy-dân tộc đã làm đảo lộn nền dân chủ kể từ thời Brexit. Những cuộc nổi loạn này phản ảnh sự thiếu kiên nhẫn với những người đương nhiệm và chính sách của họ, nhưng không phải là phản ứng với chính nền dân chủ. Làn sóng dân túy-dân tộc là phản ứng của đa số chống lại sự tổng hợp dân chủ-tự do đã đạt được ảnh hưởng toàn cầu vào cuối thế kỷ 20. Trong khi những người theo chủ nghĩa tự do than van về hiện tượng này, điều quan trọng là phải hy vọng rằng chủ nghĩa dân túy-dân tộc sẽ mang lại một số lợi ích, đặc biệt là đối với những người phải gánh chịu hậu quả tiêu cực của việc toàn cầu hóa. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy-dân tộc có nguy cơ làm leo thang xung đột quốc tế, vì những chính sách và cam kết tự do đó đã duy trì được hòa bình và thịnh vượng toàn cầu trong nửa thế kỷ qua.
Không hẳn là một yếu tố chính yếu trong cuộc bầu cử 2004 ở Mỹ, nhưng trong những cuộc bầu cử gần đây, những chính quyền đương nhiệm đã phải gánh chịu sự tức giận của cử tri, điều này có thể phản ảnh sự thiếu kiên nhẫn với nền dân chủ. Khuynh hướng toàn cầu này không chỉ xẩy ra ở Hoa Kỳ, mà có thể là do những yếu tố như chủ nghĩa dân túy, sự thất vọng với lạm phát, chủ nghĩa dân tộc và sự thao túng nỗi sợ hãi của cử tri. Cử tri Anh quốc vừa truất quyền quản trị của chính phủ Bảo thủ sau 9 năm và chọn đảng Lao động. Chưa rõ đây có phải là khuynh hướng toàn cầu hay không, nhưng có ý kiến cho rằng những cấu trúc hỗ trợ thể chế cho những tiến trình dân chủ, chẳng hạn như truyền thông độc lập và chính đảng, đang suy yếu, khiến cả những chính khách theo chủ nghĩa dân túy và ủng hộ chính sách bảo vệ lợi ích của người bản xứ hơn lợi ích của dân di cư dễ dàng phát triển và trỗi dậy.
Kết quả bầu cử 2024 sẽ đưa đến một dự án quan trọng và cấp thời cho đảng Dân chủ. Họ phải phân tích để thấu triệt nguyên nhân đưa đến thất bại năm nay và bắt tay ngay vào việc tìm ra phương cách đáp ứng thật đúng đắn với cử tri mà không phản bội lại cương lĩnh, lập trường chính trị của đảng, lập chính sách thích hợp với lòng dân về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường, năng lượng, thương mại, v.v.
Thất bại là một cơ hội để tiến bộ, nhưng dỡ bỏ được những rào cản Trump dựng lên sau 8 năm cầm quyền cần nhiều thời gian, có khi cả thế hệ.
© 2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: UC Berkeley scholars say the economy, sexism and conspiracies fueled Trump’s reelection | Edward Lempinen, Jason Pohl, Lila Thulin | UC Berkley News |November 6, 2024. DCVOnline biên tập và trình bầy.