Lời xưng tội lúc nửa đêm

Vũ Thư Hiên

thutoi…linh mục và người sắp chết ngồi ôm nhau trên giường, người nọ gục vào vai người kia, hai đôi vai gầy thỉnh thoảng giật lên khe khẽ trong ánh sáng nhợt nhạt của cây tọa đăng đã cạn dầu.

Khi linh mục già dò dẫm từng bước qua được những bậc thềm khấp khểnh của nhà kẻ liệt thì trời đã khuya lắm. Mấy vệt sáng vàng vọt của đèn dầu lọt qua khe cửa làm cho nó chìm thêm trong bóng tối mịt mùng. Trong đêm tối ông chỉ có thể cảm chứ không thấy được rằng nơi ông tới là một thôn nhỏ đìu hiu với những mái tranh thấp thoáng dưới tán lá rừng rậm rạp.

Linh mục vươn người vặn mình cho đỡ mỏi, mấy đốt sống kêu lục cục. Chủ nhà dựng chiếc Honda dưới thềm, bước vội lên đỡ ông :

– Trình cha, xin cha cẩn thận chỗ bậu cửa.

Linh mục ừ hữ gật đầu. Ông mệt lử sau hai chục cấy số ngồi ôm eo vượt con đường hết đèo lại suối lổn nhổn đá và rễ cây. Không hiểu sao người ta lại cứ phải tìm ông, trong khi cách đây vài thôn có một xứ đạo khác, tuy không lớn, với một linh mục trẻ?

Linh mục có quyền khước từ cuộc viếng kẻ liệt mà không bị ai trách cứ. Ông đã quá già. “Cha lẫn rồi”, cả xứ đạo ồn lên sau một lần ông đứng trên toà giảng lẩm bẩm hồi lâu những câu không ai hiểu, mặc cho đàn chiên ngẩn ngơ phía dưới. Cha bận thông công với Đức Chúa Giê Su, bõ già giải thích, nhưng chẳng ai tin. Bõ cũng già, có dễ còn già hơn cả cha. Bề trên vội cử một linh mục khác về thay chân ông. Cha trẻ này mới được truyền chức. Mọi việc bây giờ cha phó làm hết. Nói theo cách thế tục, Toà giám cho cha xứ về hưu.

Sau tiếng mở then hấp tấp, một người đàn bà rũ rượi, cây tọa đăng giơ cao trên đầu, hiện ra trong khung cửa.

– Con xin phép lạy cha.

Bà ta lùi lại một bước và lễ độ khuỵu một chân xuống khi nhìn thấy mái tóc bạc phơ, gương mặt đầy nếp nhăn hằn sâu như những nét khắc trên gỗ và đôi mắt mờ đục của cha xứ.

“Lạy Chúa tôi, liệu một cha già thế kia có còn làm được phép xức dầu cho kẻ chết nữa không?” Cái nhìn của bà ta nói.

Sau lưng bà ta là mấy đứa trẻ mới lớn cao lộc ngộc. Chúng giương mắt nhìn linh mục, lí nhí chào ông. Chủ nhà kéo một cái ghế ba nan xiêu vẹo ra khỏi cái bàn đen đủi không cùng bộ với nó.

– Xin cha ngồi ngơi…

Linh mục để mặc cho chủ nhà đỡ ông ngồi xuống.

– Thưa cha dùng gì ạ? Trà hay cà phê?
– Vẽ – ông xua tay – Ta nghỉ một lát rồi làm việc. Ta không khát.
– Xin cha cứ tự nhiên ạ. Đường thì xa, lại xóc nữa. – ông chủ nhà phàn nàn – Đến con đây còn mệt nữa là…

Linh mục nhìn quanh. Bóng tối che khuất số đồ đạc hiếm hoi trong gian phòng nhỏ. Không khí có mùi ẩm mốc, mùi của cái nghèo.

– Việc sửa soạn cho kẻ liệt dọn mình về với Chúa là quan trọng. – linh mục nói – Chớ chia trí cho việc khác.

Chủ nhà đưa mắt cho vợ. Người vợ bối rối nhìn lại chồng. Họ có vẻ băn khoăn.

– Đội ơn cha đã hạ cố đến với chúng con. – chủ nhà cúi mặt nói – E hèm…, chúng con sở dĩ phiền đến cha tuổi cao sức yếu, phải đi lại đêm hôm cực nhọc thế này là vì…, hèm…

Linh mục bảo:

– Có chuyện gì khó ông cứ cho ta hay. Đừng ngại.

Người vợ đỡ lời chồng, thẽ thọt:

– Chẳng giấu gì cha, chả là thế vầy: con có ông chú ruột…
– Người sắp sinh thì… – người chồng tiếp – Dạ, trình cha, người cứ một hai đòi gặp cha…
– Hừm.
– Có điều chú con… – người vợ nói – Người trước kia cũng là con chiên bổn đạo ta đấy ạ.

Quê chúng con chả toàn tòng, thưa cha.

– Tức là?
– Thưa cha, – người chồng cúi mặt – hiềm nỗi chú con… người trót nghe theo kẻ ngoại đạo vô thần nên đã bỏ đạo…

Linh mục nhắm mắt lại. Cả ba nín lặng.

– Chuyện ấy thường thôi. – linh mục thấy cần phải nói một điều gì đó để phá đi bầu không khí nặng nề, và để an ủi hai vợ chồng chủ nhà – Thời Lucifer mà, người bỏ đạo không ít…

Ông ấy còn tỉnh trí chứ?

Không thể làm lễ xức dầu cho kẻ ngoại đạo, cha xứ nghĩ. Oái oăm quá. Nếu người liệt đã hôn mê, ta có thể ban phước lành cho ông ta, cái đó thì được, Chúa lòng lành không hẹp với ai.

Người vợ thấy cha xứ hiền, không quở trách, trở nên bạo dạn hơn:

– Trình cha, còn, người còn tỉnh trí ạ. – bà ta nhanh nhảu đáp với nụ cười như mếu – Ơn trên soi sáng, người đã nghe chúng con, nay người xin giở lại đạo rồi…

Linh mục nói:

– Cũng lại chuyện thường thôi. Người bỏ vẫn bỏ. Người theo vẫn theo. Người giở lại đạo vẫn giở lại… Ông ấy đâu?

Ông nhìn quanh.

Người vợ bối rối:

– Trình cha, chúng con chưa kịp thưa với cha: chú con quên ráo kinh bổn rồi. Nói ra thật xấu hổ, cơ mà chúng con cứ trình thật thế vậy…

– Chuyện ấy có gì quan trọng. – linh mục chống tay đứng lên – Hãy đưa ta đến với ông ấy.

Ta biết phải làm gì.

Chủ nhà cầm cây tọa đăng, đi trước. Linh mục theo sau. Họ đi qua gian trong, nơi mấy đứa con trai đã nằm lại chỗ của chúng. Cánh cửa kêu kèn kẹt mở ra một khoảng trời tối với những ngôi sao bất động.

Trong ánh đèn linh mục nhìn thấy mấy quả cà tím loáng sáng trên những luống rau. Hai bên lối đi nhiều cỏ may đến nỗi ông phải cẩn thận vén áo chùng lên tận đầu gối. Có mùi lá tre mục, mùi sương đêm tinh khiết. Mùa thu mát, nhưng ẩm ướt. Thời tiết trước khi vào đông bao giờ cũng vậy. Mình ở vùng này đã bao lâu rồi? – ông bâng khuâng tự hỏi – dễ đến ba mươi năm chứ không kém.

– Chú con không chịu ở trên nhà với chúng con, người kêu ồn – chủ nhà phân trần – Người đòi nằm một mình cho tĩnh. Chứ chúng con không muốn thế…

– Người già thường khó tính. – linh mục nói.

Mình cũng thế, ông nghĩ. Ông biết gần đây chính ông cũng trở nên khó tính khó nết. Ông khảnh ăn, không chịu được mùi hôi và mọi sự bề bộn, động một tí là bẳn gắt. Hẳn ông cũng làm phiền các thầy hầu cận và bõ già không ít. Có điều họ chẳng nói ra thôi. Đôi lúc tỉnh ra, ông thấy mình hành mọi người một cách thậm vô lý, nhưng đáp lại họ chỉ nhẫn nhục im lặng. Những lúc tỉnh ra ấy ông giận mình lắm. Ông tự hỏi: họ buộc phải chịu đựng ông vì trách nhiệm được giao phó? Hay chỉ vì lòng tôn kính với bảy chức thánh của ông, vì lòng biết ơn sự tận tụy nhiều năm của ông ở xứ đạo của họ?

Chủ nhà đẩy cửa vào ngôi nhà nhỏ cô độc ở cuối vườn. Gọi nó là lều thì đúng hơn, bởi vì nó rất hẹp và tuềnh toàng. Ánh toạ đăng soi tỏ cái giường tre, trên đó một thân hình còm nhom nhô lên dưới tấm chăn dạ rách, của còn lại từ một thời chinh chiến.
Linh mục tưởng người nằm đấy chết rồi, bởi vì dưới ánh đèn vàng vọt trên gương mặt xương xẩu, khắc khổ của ông ta hầu như không còn dấu hiệu của sự sống.
Chủ nhà cúi xuống nghe ngóng rồi quay mặt lại:

– Người ngủ. Để con đánh thức.

Ông ta nắm lấy vai người bệnh, lay khẽ:

– Chú ơi, chú! Cha đến đấy.

Linh mục chắp hai tay trước bụng, kiên nhẫn đợi.

Trong yên lặng, một con tắc kè bỗng kêu to ở đầu hồi làm ông giật mình.

Người bệnh khẽ rên một tiếng. Ông ta gượng mở mắt:

– Cha hử?
– Vâng, thưa chú, người đã đến ạ.

Linh mục đặt tay lên vai chủ nhà :

– Ông cứ lên đi đi, mặc chúng tôi với nhau.
– Nước! – người bệnh thều thào.

Chủ nhà cầm lấy phích nước trên cái bàn làm bằng một mảnh ván mộc kê trên đôi mễ xiên xẹo, rót chầm chậm vào cái chén sứt sẹo. Đoạn, mang đến bên giường, nâng đầu người bệnh, cho ông ta uống từng ngụm nhỏ. Mái tóc thưa và bơ phờ của người bệnh run rẩy khe khẽ cùng với nhịp chuyển động của yết hầu.

Linh mục chăm chú nhìn người bệnh và ân hận đã không đem theo một cậu giúp việc để đỡ đần ông trong trường hợp này. Nhưng ông sực nhớ rằng cái xe Honda ọp ẹp của chủ nhà chỉ có thể chở hai người.

Chủ nhà lễ phép đi giật lùi ra khỏi lều, khép cửa lại.

Người bệnh khó nhọc rút một tay ra khỏi chăn. Những ngón tay gày, cong queo vẫy linh mục lại gần hơn.

Linh mục đến bên giường, chăm chú nhìn vào khuôn mặt vàng nhợt và cứng đơ như được nặn bằng sáp. Cất giọng trịnh trọng, như ông vẫn thường làm trong nhưng trường hợp tương tự, ông nói câu thuộc lòng:

– Ta đã đến với con, hỡi con chiên lạc bầy muốn trở về trong lòng Chúa!

Linh mục bỗng giật mình. Ông nhận thấy giọng ông vang vang trong túp lều yên lặng hoàn toàn không có hồn, như thể nó phát ra từ máy ghi âm. Tự nhiên ông đâm ra bối rối. Vì tia sáng phát ra từ mắt người bệnh, cái tia sáng đi cùng với nụ cười thoảng qua, hóm hình, hay bởi chính giọng không hồn của mình?

– Con hãy nhận lấy tên thánh của con trước khi dọn mình xưng tội cùng Chúa. Nhân danh Chúa trên Lời… ta đặt tên thánh cho con là Đôminicô để ghi lại giờ khắc con giở lại đạo trên đất đai của dòng Đa Minh.

Trong khi linh mục cố tập trung tư tưởng để làm phận sự trước cái nhìn chòng chọc của người bệnh thì người ấy lại vẫy ông:

– Này, linh mục…

Linh mục cúi xuống, lắng nghe tiếng thều thào từ đôi môi khô héo:

– Con muốn nói gì? Ta nghe đây.
– Xin cảm ơn ông đã đến với tôi – người bệnh nói – Cảm ơn.

Linh mục sững người thấy người bệnh không gọi ông bằng “cha” xưng “con” như thói thường. Người bệnh hiểu tâm trạng của linh mục.

– Ông đừng bực mình. Cách xưng hô không làm nên con người, cũng như cái áo không làm nên thày tu…

– Hừ. Không sao, tôi không câu nệ…
– Cảm ơn ông. Ông đã đến với tôi, thế là tốt lắm rồi. Ông khỏi cần làm lễ.
– Hử?
– Vâng, ông không cần làm lễ. Nó vô ích. Tôi có tin ở Chúa của ông đâu.

Người bệnh cố diễn đạt ý mình cho mạch lạc, với giọng khao khao của thanh quản bị tổn thương.

– Vậy ông cho mời tôi đến đây làm gì? – linh mục hỏi.

Người bệnh nhìn quanh rồi đặt ngón tay trỏ lên miệng.

– Cái gì vậy? – linh mục lo lắng nhìn quanh.
– Ông chớ nói to. Các cháu tôi nghe tiếng. Tôi không muốn chúng nghe câu chuyện giữa chúng ta.
– À! Tôi hiểu. – linh mục tự nhiên vào giọng với người bệnh, như một đồng loã ông thì thào – Được, tôi sẽ nói khẽ.

Người bệnh động đậy mấy ngón tay.

– Phiền ông đỡ tôi ngồi lên.

Linh mục vòng tay ra sau gáy người bệnh, đặt ông ta dựa lưng vào vách. Làm xong việc đó, ông thở dốc.

– Thế. Tốt rồi. Khi ngồi tôi dễ thở hơn, nói cũng dễ hơn.
– Không cần làm lễ hử? Thật vậy sao: không cần? – linh mục thì thào.

Người bệnh nhìn ông, vẻ ái ngại:

– Ông cũng già quá rồi đấy, linh mục ạ. Ông ngồi xuống đây với tôi.

Linh mục ngồi ghé xuống mép phản.

– Sang năm tôi vừa đúng tám mươi hai.
– Nhiều quá rồi. – người bệnh thở dài – Linh mục đừng giận, nhưng sau lưng các cháu tôi, tôi phải nói thẳng với ông điều tôi nghĩ. Tôi không quen dối trá.
– Hừm… Tôi hiểu. – linh mục nói, giọng nhẹ nhàng, thậm chí vui vẻ, cố chứng tỏ ông không phật ý – Ông muốn chiều lòng các cháu?
– Đúng thế. Các cháu tôi tin ở Chúa. Tôi thì không. Chúng sốt sắng muốn tôi giở lại đạo.
– Họ cũng nói với tôi như vậy.
– Tôi chiều các cháu, tôi mới bảo chúng: tôi chỉ chịu xưng tội chịu lễ với cha ít nhất cũng phải ngang tuổi tôi. Hì hì…, tôi biết trong vùng này chỉ có một mình cha…
– Ông muốn chính tôi đến với ông?
– Cái đó có nguyên uỷ của nó, linh mục ạ, tôi sẽ nói vì sao. Tôi chỉ e ông không đến được.

Tôi chờ ông đến. Nghe nói ông không còn làm công việc mục vụ nữa.

– Nhưng tôi đã đến.
– Cảm ơn ông. Tôi muốn trước khi chết tôi có dịp tâm sự với người cùng một thế hệ. Các cháu tôi yêu tôi, nhưng chúng không hiểu tôi bao nhiêu. Tôi rất muốn được nói chuyện với người ít nhất cũng đã sống trên trái đất này bằng số năm mà tôi đã sống. Chỉ người đó mới hiểu được những lời tâm sự của tôi, kẻ sắp qua đời…
– Vậy là ông đã có người mà ông cần để đóng vở kịch của ông. Còn để tâm sự, tôi e rằng ông chọn lầm người. Một linh mục thì có gì để tâm sự với một người thế tục cơ chứ?

Linh mục nhắp chân, toan đứng dậy. Người bệnh nắm lấy tay ông, giữ lại. Nắm chắc. Như một cái kìm.

– Nghe tôi đây này, thật mà, ông lầm người rồi. – linh mục cố gỡ ra, nhưng không được –

Việc của linh mục là giảng đạo Chúa, nghe con chiên xưng tội và nhân danh Chúa giải tội cho họ. Còn tâm sự thì không. Việc đó không phải của linh mục.

– Tại sao lại như thế? – người bệnh chống tay muốn ngồi dây, gân cổ lên khao khao phản bác – Nghe lời tâm sự của kẻ sắp chết để hiểu người thế gian cũng là một việc nên làm lắm chứ…

Linh mục thở dài:

– Được, nếu ông muốn thế thì tôi sẽ ngồi đây với ông thêm một lát.

Trên đôi môi khô héo nhếch một nụ cười:

– Cảm ơn ông.
– Có gì mà ơn với huệ. – linh mục phẩy tay – Tôi cho phép ông nói dối các cháu ông rằng ông đã được làm lễ xức dầu. Chúa cũng sẽ tha cho ông tội nói dối ấy, bởi vì nó vô hại… Xong, ông để tôi đi.
– Ông đừng đi. – người bệnh vật nài – Ông sẽ ở lại với tôi cho đến lúc tôi đi khỏi đây nhá? Đi khỏi thế gian ấy mà. Ông gật đầu? Tôi biết: ông là người tốt. Một linh mục chân chính thì phải ở lại trước lời thỉnh cầu trước giờ lâm tử của một kẻ ngoại đạo, cho dù kẻ đó là tín đồ của Mahomet, của Thích ca Mầu ni, của chư thần Ấn giáo. Hoặc là kẻ vô thần chẳng tin ở cái gì hết.
– Ông tự tin quá đấy, nhưng trong chuyện này, ông có lý – linh mục nói – Tôi sẽ ở lại. Bao lâu cũng được. Tôi đã hết bận công kia việc nọ rồi.

Trên đôi môi khô héo của người bệnh nở một nụ cười rất hiền.

– Cảm ơn ông. “Điểu chi tương tử kỳ thanh tắc ai, nhân chi tương tử kỳ ngôn tắc thiện”, con chim gần chết thì tiếng kêu ai oán, người ta gần chết thì nói lành, ông có nhớ câu ấy không? Chẳng lẽ lúc này tôi lại nói với ông những điều xấu xa hay ác độc?

Ông ta nói phải, linh mục nghĩ. Ai rồi cũng sẽ qua cái cầu ấy. Không biết rồi mình có sẽ cần gặp ai đó trong giờ lâm tử để trút bầu tâm sự không? Có lẽ mình cũng cần đấy, nhưng mình sẽ không nói ra, nói cho đúng, mình không dám nói ra. Xấu hổ lắm. Chẳng ai muốn bày ra chỗ yếu đuối của mình.

Như đọc được ý nghĩ của linh mục, bàn tay xương xẩu của người bệnh bóp nhẹ cổ tay ông. Linh mục mỉm cười. Ông thấy trong lòng vui vui. Ông nhớ đến một người bạn trong thời thơ ấu, với cái bóp tay đồng loã khi hai đứa trèo vào vườn người ta hái trộm khế ngọt.

– Ông sẵn sàng nghe tôi nói chứ, linh mục?
– Ông cứ nói đi, tôi đã ở lại thì tôi sẽ nghe ông.

Người bệnh im lặng một lát, có vẻ ông ta muốn sắp xếp lại những ý nghĩ lộn xộn trong đầu trước khi nói ra. Đêm yên tĩnh lạ thường. Nghe rõ những giọt sương nặng từ mái lá rơi xuống lộp độp.

– Tôi xin lỗi đã làm ông buồn.
– Không, tôi không buồn. Có gì mà buồn?
– Tôi không tin có Chúa, bởi vì nếu có Chúa thì tại sao trái đất của chúng ta lại như thế này? Chúa có quyền lực vô biên mà. Tại sao Chúa lại sinh ra đau khổ bên cạnh hạnh phúc? Người nghèo bên cạnh người giầu? Người xấu bên cạnh người tồt? Và sự đểu cáng làm đau đớn những tâm hồn thánh thiện?
– Chúa đặt ra những thử thách cho con người để nó khẳng định mình, tự hoàn thiện mình – ông nói – Chỉ có một nơi ngự trị toàn sự tốt lành, ấy là Thiên đàng, nước Chúa.
– Nhưng nó ở xa lắm. Mãi đời sau kia – người bệnh cười méo mó – Đạo Phật cũng có một cái tương tự là Niết bàn – nirvana. Linh mục có bao giờ nghĩ về sự vô lý này không? Với quyền lực vô biên, tại sao Chúa không dựng nước thiên đàng ở ngay đây, trên mặt đất nhày nhụa mà chúng ta đang sống? Phải, tại nơi mà hàng triệu sinh mạng chết trong những cuộc chiến tranh chẳng có ích lợi gì cho họ, hoặc sống quằn quại dưới gót sắt của những bạo chúa, hoặc đi ra pháp trường bởi những lời xúi giục của đám chính trị gia lưu manh? Tại nơi có những giống nòi tự xưng thượng đẳng để đẩy những giống nòi khác vào chỗ diệt vong, nơi có hằng hà sa số nhà tù để giam đến chết những con người lương thiện thích sống bằng suy nghĩ chứ không thích sống để nghe lệnh?

Linh mục thấy mỏi mệt. Chẳng lẽ con người này lại dùng những phút cuối cùng của đời mình vào cái việc bàn luận chính trị chán ngắt?

Như đoán được linh mục nghĩ gì, người bệnh lắc đầu:

– Tôi hiểu, ông chán. Ông chẳng lạ gì điều tôi vừa nói. Ông biết quá đi ấy chứ. Nhưng tôi dám chắc chẳng bao giờ ông trả lời được câu hỏi đó, bởi vì ở các chủng viện người ta cũng chẳng bao giờ dám động đến nó. Các ông, những linh mục, các ông chỉ là những ông thủ từ, làm việc canh đền. Trong đầu các ông chỉ có kiến thức của những con vẹt. Trước những câu hỏi như thế các ông thủ từ của mọi thứ đền lập tức chạy vội đến chỗ ẩn náu tiện lợi gọi là đức tin, và thế là xong. Tin và đừng bàn cãi. Amen!

– Lạy Chúa tôi lòng lành chẳng cùng! Trước khi chết ông muốn phỉ báng đạo Chúa hử? Có phải vì ý muốn đó mà ông mời tôi tới đây? – linh mục tuyệt vọng kêu lên – Ông nghĩ tôi là ai? Kẻ thù của ông chăng? Kẻ gây ra đau khổ cho ông chăng?

Đến lượt người bệnh thở dài. Đó là tiếng thở dài chán ngán. Nó giống như luồng hơi cuối cùng trong bễ lò rèn trôi ra khi người phụ rèn dừng tay.

– Linh mục ạ, vậy mà nhìn ông tôi nghĩ học vấn và tuổi đời đã làm cho ông tỉnh táo nhiều hơn cơ đấy, và ông sẽ là người đối thoại tốt trong đêm chót của cuộc đời tôi. Tại sao ông lại lảng tránh những câu hỏi tự chúng nảy ra trong đầu chúng ta, chứ không phải chỉ trong cái đầu tôi? Sau bằng ấy năm ta sống? Chao ôi, linh mục ơi linh mục! Tôi chẳng còn dịp nào khác đâu. Tôi cũng chẳng còn ai để nói ra những gì chất chứa trong lòng. Tôi đâu có định gây sự với ông. Bây giờ tôi chỉ còn có ông để mà tâm sự thôi. Tôi xin thề rằng tôi không hề có thù riêng với Chúa của ông.

– Thế thì ông báng bổ đạo Chúa mà làm gì? – linh mục bực bội, nhưng ông lại nghe thấy giọng mình rền rĩ – Sự xúc phạm tới Chúa của tôi chính là sự xúc phạm tới tôi, bởi vì tôi, phần xác cùng là phần hồn, đều thuộc về Chúa.

Ông phản bác người bệnh, nhưng lại cảm thấy những lời phản bác ấy là để cho chính ông. Cứ mỗi phút trôi qua ông lại thấy gần hơn với con người khốn khổ sắp lìa bỏ cõi đời. Ông tự phân tích tình cảm của mình và hiểu rằng cái làm ông không thể chối bỏ cuộc gặp gỡ này, bây giờ đã trở thành cuộc đối thoại, chính là vì ngay từ phút đầu tiên ông đã cảm thấy rằng con người này thực sự cởi mở cõi lòng với ông, một người hoàn toàn xa lạ, nhưng tin cậy ông trước khi ông tin cậy ông ta. Ngay cả những con chiên ngoan đạo khi xưng tội với ông cũng không có sự cởi mở thực tâm từ đáy lòng như thế.

Người bệnh lẩm bẩm điều gì, linh mục nghe không rõ. Để nghe rõ hơn ông phải ghé sát vào mặt ông ta.

– Cuộc đời bao giờ cũng rối rắm hơn ta tưởng. – người bệnh nói khẽ, đôi môi mấp máy, rõ ràng không chỉ để nói với linh mục – Hình như để cho cuộc sống dễ chịu hơn, hoặc để giải thích cuộc đời một cách giản đơn hơn, con người nào cũng cần đến Chúa…

– Giê-su, lạy Chúa tôi, ông lại báng bổ nữa rồi, chẳng lẽ ông chỉ nhìn thấy nơi Chúa một vật dụng tiện lợi?

Linh mục kêu lên.

– Không phải Chúa Trời hay Chúa Giê-su đâu, linh mục. – người bệnh nói, linh mục nghe trong giọng nói của ông ta có tiếng cười – Tôi nói về một Chúa nói chung cơ, Chúa với tư cách niềm tin ấy, Chúa không phải của riêng đạo nào, với tư cách Đấng tối cao ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự. Nếu Chúa không có sẵn thì chính con người cần có Chúa sẽ tự mình tạo ra Chúa, cho nhu cầu của nó. Khi đã có Chúa trong tay, bất kể là Chúa nào – Chúa tìm thấy, Chúa tạo ra, Chúa vay mượn, Chúa mua sắm, Chúa nhập cảng, tức thì nó lấy ngay Chúa mà nó sở hữu, Chúa của riêng nó, của phe phái nó tròng vào cổ đồng loại, coi đó là ưu thế của nó trên đồng loại, để được cảm thấy mình cao sang hơn đồng loại, chung cuộc là để thống trị đồng loại…

Linh mục không nói gì. Ông biết nói gì với những lời lảm nhảm ấy. Điều làm ông ngạc nhiên là bên trong những lời có vẻ báng bổ của người bệnh, có cái gì đó hữu lý, có thể cảm giác đó là do tính chất chân thành của lời nói gây nên.

– Linh mục, ông vẫn còn ngồi bên tôi đấy chứ? – người bệnh lặng đi một lát, bỗng kêu lên, thảng thốt.

– Tôi đây, – linh mục vội vã nói khi người bệnh làm một cử chỉ cố gắng để chồm dậy – tôi vẫn ngồi ngay bên cạnh ông đây mà.

Người bệnh thở ra một hơi dài.

– Vậy mà tôi thấy ông bị trôi ra xa đến nỗi tôi muốn với tới mà không được.
Linh mục đụng mấy ngón tay lên mí mắt nhắm nghiền của người bệnh. Cặp mắt mở ra, nhìn mà không thấy. Linh mục nghĩ có lẽ ông ta đang bước vào giai đoạn hấp hối. Nhưng người bệnh lại bừng tỉnh, cặp mắt lại trở nên có thần.

– Linh mục có gặp một người chết sống lại bao giờ không?
– Không, ông ạ.
– Tôi đã gặp hai người rồi đấy, họ chết hẳn rồi, cũng tin chắc như thế, nhưng rồi họ sống lại.

Tôi hỏi họ thấy gì ở phút họ qua đởi thì họ nói….

– Họ nói sao?
– Họ kể rằng lúc họ trút hơi thở cuối cùng, họ biết. Lúc đó, trí óc họ minh mẫn lạ thường, như thể chưa bao giờ họ minh mẫn như thế.
– Rất có thể.
– Họ còn kể rằng người họ nhẹ như một sợi bông vậy, và họ rơi vào một bầu trời xanh kỳ lạ, mầu xanh trong cuộc đời họ chưa từng gặp. Cả hai người hỏi mà tôi hỏi đều kể giống nhau.
– Người Thiên Chúa giáo chẳng tin điều đó. – linh mục nói, bất giác rùng mình – từ trái đất mà đi chỉ có hai con đường: một là bị quỷ dữ kéo xuống địa ngục, hai là được các thánh thiên thần rước lên thiên đàng.
– Ông lại nói như sách rồi, linh mục ơi. – đôi môi khô héo của người bệnh đụng đậy, như thế ông ta cười – Ông chớ tin hoàn toàn ở Kinh Thánh. Đến cả Chúa Ki-Tô không phải bao giờ cũng thực thà. Trong Kinh tuần giảng bảy ngày có kể chuyện để hạ nhục bọn lái buôn thành Giê- ru-sa- lem, Chúa đã giả vờ không rửa tay trước khi ngồi vào bàn tiệc để cho chúng có cớ cười nhạo ông, để rồi sau đó có dịp mắng chúng về chuyện sơn hào hải vị bày ra trên bàn tiệc chẳng phải do chúng làm ra, bằng chính những bàn tay sạch sẽ đã được rửa trước khi ăn. Giả vờ, thưa Linh mục, cũng là một dạng dối trá, tuy có nhẹ hơn. Xin Linh mục đừng giả vờ bác tôi, khi trong lòng ông, ông lắng nghe tôi, bởi vì ông hiểu tôi đang nói thật và điều tôi nói đáng để nghe.

Linh mục giật mình. Người bệnh như nhìn thấy ông trần truồng đứng trước ông ta và ông cảm thấy hổ thẹn.

– Ông cũng đã nhìn thấy màu xanh ấy rồi chăng?
– Đúng, tôi đã thấy nó. Mới vài phút trước đây thôi. Đó là một màu xanh hết sức lạ lùng, màu xanh trời, thiên thanh, chứ không phải xanh nước biển, trong vắt và sâu vô cùng tận, cái nhìn của ta không thể xuyên thấu. Nó đẹp một cách vô cùng quyến rũ, đẹp đến nỗi không sao dứt ra nổi, tưởng chừng cứ nhìn thêm vào nó một lát thôi là ta sẽ trôi tuột vào trong đó, vào cõi mà vô thức bảo ta rằng chính đó là cõi vĩnh hằng.

Linh mục bối rối im lặng:

– Ông nằm yên một lát chăng? Nói nhiều, ông mệt đấy.
– Ồ không, không sao, tôi đã mệt cả cuộc đời rồi, có mệt thêm một chút cũng chẳng hại gì…- người bệnh khẽ lắc đầu, hoặc linh mục cảm thấy thế – tôi mệt vì bị dối trá, tôi mệt vì tôi dối trá người khác… Tôi còn mệt cả vì tôi tự dối mình nữa, linh mục ạ. Con người nào mà không giăng cho mình sợi tơ nhện dối trá để cho chính mình sa vào? Sự dối trá êm ái ấy mấy ai thoát khỏi? Êm ái và tiện lợi.
– Cuộc sống nào chẳng do Chúa cho ta.
– Một sợi tóc rơi xuống cũng không ngoài ý Chúa, phải thế không? Như vậy thì, thưa linh mục, ta tồn tại làm gì? Tồn tại không phải để làm cái gì khác ngoài sự thực hiện ý Chúa hay sao? Nếu chỉ để làm như thế thì Chúa của ta thật trái tính trái nết. Và cái sự thực hiện mù quáng của ta mới vô duyên làm sao!

Linh mục cảm thấy sức lực rời bỏ ông. Tại tuổi già, tại chuyến đi xa mệt nhọc, hay tại chính những lời lảm nhảm này. Tranh luận để làm gì khi mỗi con người nhìn chân lý từ một phía, như những anh mù sờ con voi, anh nói giống cái cột, anh nói giống cái quạt?

Hai người im lặng một lúc lâu.

Linh mục nghe rõ tiếng khò khè trong cuống họng của người bệnh và tiếng đập đôi lúc đứt quãng trong huyết quản mình. Trái tim ông sắp hết hạn làm việc mà Chúa ban cho nó rồi. Khoảng hai năm nay nó bắt đầu làm việc ì ạch, đập năm bảy nhịp rồi ngừng một nhịp, sau đó lại tiếp tục đập. Bao giờ nó sẽ ngừng hẳn không đập nữa? Và trong phút đó ta có nhìn thấy màu xanh ma quái mà người này vừa nói tới không?

Con tắc kè đầu hồi lại lên tiếng rất gần. Nó kêu lúc đầu dõng dạc, từng tiếng phân minh, rồi nhanh dần và nhỏ dần như ngán ngẩm không buồn kêu nữa.

– Ông ngủ đấy ư? – linh mục hỏi.
– Không, tôi suy nghĩ.
– Ông nghĩ gì?

Người bệnh mỉm cười, mắt nhắm nghiền.

– Tôi nghĩ không biết có nên xưng tội với linh mục không?

Linh mục vuốt ve bàn tay khô xác của người bệnh.

– Đừng cưỡng bức mình làm cái việc mà mình không muốn. Cái đó chẳng có lợi cho ai.
– Nhưng nếu tôi lại rất muốn?
– Tôi sẵn sàng nghe ông, bởi vì tôi đã ở lại đây, bên cạnh ông, như ông đòi hỏi.

Đầu người bệnh gục xuống ngực, không cất lên nữa. Mái tóc bạc xõa xuống che lấp cả vẻ ủ rũ ấy làm động lòng linh mục. Ý nghĩ về cái chết tràn ngập tâm hồn ông.

– Tôi đã sống trên tám mươi năm trên thế gian. Tôi đã phạm phải vô vàn tội lỗi và hằng hà sa số sai lầm. Nhưng điều tôi muốn nói với linh mục lại liên quan tới một con chiên của Chúa, do đó tôi mới muốn xưng tội với ông, hay là với Chúa của ông thì cũng thế, bởi vì tôi coi mình đã làm thiệt hại cho Chúa mặc dầu theo thuyểt tiền định của chính đạo Chúa thì mọi việc xảy ra đều do một ý Chúa. Tôi thấy ân hận vì việc mình làm, có nghĩa là trong việc đó tôi có tội…

Linh mục đặt tay lên đầu người bệnh:

– Tôi xin nghe ông, ông bạn già ạ.
– Sao linh mục lại gọi tôi như thế?
– Ông không phải con chiên của Chúa, nhưng ông là một con người thật thà.
– Cảm ơn linh mục.
– Nào, ông nói đi, nói đi cho nhẹ lòng.

Người bệnh tử từ ngẩng đầu lên. Linh mục nhìn thấy trước mắt mình đôi mắt không có hồn đang rõi ra xa.

– Khoảng năm chục năm trước – khi tôi còn trẻ, tôi đã giết một người.
– Giết người, đối với bất cứ tôn giáo nào cũng đều là trọng tội.
– Nói cho đúng, trong cuộc đời tôi, tôi đã giết nhiều người, nhưng tôi không thấy ân hận bởi vì nếu tôi không giểt họ nhanh hơn họ giết tôi thì tôi cũng chẳng còn. Nhưng người mà tôi nói lại là người khác hẳn.

Người bệnh ngừng nói để lấy hơi. Mà cũng có thể ông ta chọn lời.

– Hồi đó tôi chỉ huy một trung đội trinh sát. Chúng tôi đi qua một làng mà năm trước giáo dân vừa nổi loạn. Họ đã giết một số bộ đội. Giết một cách dã man, bằng cách trói họ trong tư thế quỳ trong đám xú vẹt ven biển để cho họ phải chết từ từ trong nước triều dâng lên chậm chạp.

– Lạy Chúa tôi! – linh mục kêu lên, làm dấu thánh.
– Đám nổi loạn mà tôi nói tới đã bị dẹp, tình hình đã bình ổn, một năm rồi mà. Tôi nghĩ rằng đi qua đó chẳng có gì đáng lo ngại. Đến giữa làng mới biết là mình nhầm. Chuông nhà thờ bỗng nổi lên lanh lảnh, trống thúc dồn dập, tiếng người hò la dậy đất, rồi hàng loạt giáo dân xông ra. Một số trong bọn họ nổ súng vào chúng tôi. Thế là chúng tôi nổ súng bắn trả…
– Giê-su!
– Tôi bỡ ngỡ, tôi bàng hoàng, nhưng tôi còn đủ tỉnh táo để hạ lệnh cho bộ đội chúc nòng xuống mà bắn. Tôi không muốn gây ra chết chóc…
– Có phải ở Nam Định không?
– Vâng, ở đấy. Trên đường truy kích những tên cầm súng bắn chúng tôi – tôi gặp một thanh niên nằm ngửa, mắt mở to. Anh ta đã chết, đạn xuyên qua bụng phá ra hông thành một lỗ toác hoác.

Linh mục nín thở theo dõi câu chuyện.

– Tôi dừng lại, vuốt mắt cho anh ta. Tại sao tôi lại làm như thế, tôi không hiểu. Tôi đã dự nhiều trận đánh, đã thấy nhiều xác chết trong đủ mọi kiểu chết…

Người bệnh dừng lại như để hồi tưởng.

– Tôi dừng lại vì vẻ thánh thiện trên gương mặt trong sáng của người chết. Anh ta đẹp quá. Mà cái đẹp sinh ra để làm gì nếu không phải để tạo ra niềm vui, để dành cho tình yêu? Lẽ ra anh ta phải sống, để ôm ấp trong tay một người con gái đẹp, xứng đáng với anh ta. Để rồi cô gái sẽ sinh cho anh nhưng đứa trẻ đẹp như bố mẹ chúng. Vậy mà anh ta đã chết…

Linh mục nuốt nước bọt. Họng ông bỗng khô khốc.

– Ông đã có ý nghĩ của Chúa. – linh mục nói – Người có ý nghĩ của Chúa là người có lòng lành.
– Có thể chính tôi đã giết anh ta. Trong chiến trận nói chung chẳng ai biết kẻ nào phía bên kia đã chết vì viên đạn của mình… Khi những người sẵn sàng tử vì đạo kia xông lại, tôi đã bắn, và không phải chỉ một băng đạn. Họ hung hăng quá, tôi nghĩ họ đã nốc rượu vào khi xung trận…

Người bệnh lặng đi trong cơn xúc động, cái đầu nặng nề lại gục xuống, mái tóc bơ phờ lại che khuất gương mặt mà linh mục rất muốn được thấy trong lúc này.

Linh mục bối rối, ông muốn nói điểu gì, nhưng không cất nổi lời.

Người chết ngẩng mặt lên. Nhưng đôi mắt đã đục chẳng còn thấy gì ở phía trước.

Hai người im lặng một lúc lâu.

– Rồi sau thì sao? – linh mục run run hỏi.

Người bệnh thở dài:

– Đoạn kết ông đã biết nó thế nào.

Linh mục rùng mình.

– Vâng, tôi biết. – ông xúc động nói – Ông đã nhận ra tôi.
– Vâng, đến vùng này tôi đã gặp ông, đã nhận ra ông.
– Ông đã giết em tôi?
– Tôi không dám nói chắc. Tôi chỉ nói rằng rất có thể chính tôi đã giết anh ấy. Xác chết nằm trên đường đi của những viên đạn chúng tôi bắn ra. Cũng có thể anh ấy chết vì viên đạn của người khác, nhưng tôi thì cứ đinh ninh chính tôi đã làm điều đó…
– Sao hôm ấy ông lại ngăn không cho những người lính của ông bắn chết tôi khi tôi vác dao lăn xả vào chém ông? Vết thương ở vai chắc còn đấy. Tôi nhớ, máu chảy ra xối xả, vọt đẫm mặt tôi…
– Còn cái sẹo, linh mục ạ. Nó đây.

Người bệnh đưa tay lên để vạch áo, nhưng cánh tay vừa giơ lên đã rơi thõng xuống. Linh mục nhích lại gần giúp ông ta. Khi linh mục trật vai áo của người bệnh ra ông nhìn thấy một vết sẹo thâm xì sâu hoắm.

Người bệnh nhìn ra phía trước, xuyên qua linh mục xuyên qua bức vách, tới một nơi nào rất xa.

– Bây giờ thì tôi hiểu vì sao ông không mời linh mục nào khác mà cứ đòi gặp chính tôi. – linh mục buồn bã nói, kéo cổ áo cho người bệnh để che đi vết sẹo – Ông muốn biết tôi bây giờ thế nào…
– Cái quả đã xứng với cái cây. – người bệnh nói – Tôi chẳng than phiền.
– Hạt thiện gieo xuống đâu thì cây thiện mọc lên ở đó. Tôi hằng cầu nguyện cho ông. Nếu không có ông gạt nòng súng ra thì viên đạn của người lính đã kết liễu đời tôi…
– Tôi không nghĩ tới làm ơn. Bản năng thiện trong tôi đã làm việc đó.

Linh mục đặt tay lên vai người bệnh:

– Ông không có vợ con sao? Ở đây tôi chỉ thấy những người cháu.
– Có chứ. Rồi tôi cũng có một gia đình. Tôi có vợ, có hai đứa con. Nhưng chiến tranh đã xoá sạch dấu vết cái gia đình ấy. Như thể bằng một nhát chổi…

Con tắc kè lại kêu lên một hồi, tiếng của nó vang động trong rừng đêm.

– Mấy giờ rồi, thưa linh mục?
– Có lẽ đã gần hai giờ sáng. Tôi không mang đồng hồ. Từ lâu, thời giờ đối với tôi chẳng còn ý nghĩa.
– Ông ở lại với tôi đến cùng nhé?
– Tôi sẽ ở lại.

Người bệnh ngẩng đầu lên, hướng cái nhìn mà không thấy vào mặt linh mục. Linh mục bối rối đảo mắt qua nơi khác.

– Tôi đã xưng tội. Bây giờ ông hãy nhân danh Chúa của ông mà tha tội cho tôi đi.

Linh mục ngập ngừng, rồi làm dấu thánh trên đầu người bệnh.

– Chúng ta đều có tội trong điều răn thứ nhất…
– Chớ giết người! – người bệnh nói.
– Tôi cũng có tội. Như ông. Hôm đó tôi đã bắn về phía các ông. Tôi nhìn thấy một người lính ngã xuống trước họng súng của tôi. – linh mục nói – Viên đạn bắn trúng anh ta có thể không phải là của tôi, tôi không dám nói chắc, nhưng cũng như ông tôi nghĩ viên đạn là của tôi. Lúc đó tôi còn trẻ. Có lẽ trẻ hơn ông. Lúc đó chúng tôi nhìn các ông như kẻ thù không đội trời chung. Chúng tôi đã quên lời dạy của Chúa: “Hãy thương yêu người ta như mình vậy”. Chính tôi là một trong những người được bề trên sai trói chín anh bộ đội vào đám xú vẹt năm trước đó. Trong số chín người ấy có một anh bộ đội rất trẻ. Khi tôi trói anh ta, anh ta nhìn tôi và thật ngạc nhiên, tôi không thấy trong đôi mắt ấy có một chút oán giận, một chút căm thù. Chỉ có sự ngỡ ngàng, bối rối, như trước một điều khó hiểu. Tôi đứng gần đấy cho đến khi nước triều lên chậm chạp, bắt đầu vượt qua đầu gối họ, lên tới bụng họ, rồi tới ngực họ. Cả chín người đều im lặng. Tôi chờ anh thanh niên kia van xin tha chết, nhưng anh ta im lặng. Tôi không chịu nổi cái nhìn ấy hơn nữa, tôi không còn sức để chịu đựng hơn nữa, tôi hấp tấp bỏ đi vài phút trước khi nước lên tới cằm họ…

 “Tôi cũng xưng tội ấy với ông. Chính việc làm của ông đã làm bản năng thiện trong tôi bừng tỉnh. Ông đã cắt đứt sợi dây của cái ác luân phiên.”. Nguồn ảnh: The City and the World and Other Stories, BY FRANCIS CLEMENT KELLEY,  trang 63
“Tôi cũng xưng tội ấy với ông. Chính việc làm của ông đã làm bản năng thiện trong tôi bừng tỉnh. Ông đã cắt đứt sợi dây của cái ác luân phiên.”. Nguồn ảnh: The City and the World and Other Stories, BY FRANCIS CLEMENT KELLEY, trang 63

Linh mục quỳ xuống trong một dáng điệu trịnh trọng.

– Tôi cũng xưng tội ấy với ông. Chính việc làm của ông đã làm bản năng thiện trong tôi bừng tỉnh. Ông đã cắt đứt sợi dây của cái ác luân phiên. Từ đó tôi nguyện suốt đời làm tôi tớ Chúa, ghé vai vác cây thập ác nặng nề của ý Chúa cứu rỗi loài người…

Người bệnh ngồi im lặng như nhập định.

Linh mục ngước mắt lên, hai tay chắp trước ngực.

– Nhân danh Cha và con, và thánh thần, kẻ tôi tớ Chúa xin Chúa lòng lành tha mọi tội lỗi cho những đứa con dốc lòng chừa cải…
– A-men!

Cầu nguyện xong, linh mục ngồi lên giường, đối diện với người bệnh, nắm lấy hai bàn tay lạnh giá của ông ta. Người bệnh hiểu cái nắm bàn tay gần gũi và thân thiết ấy.

– Xin vĩnh biệt linh mục. Ông có thể đi được rồi đấy. Ý nguyện của tôi đã được thực hiện. Từ khi biết linh mục ở đây, tôi rất mong được gặp lại…
– Chúng ta đã gặp nhau. – linh mục bóp mạnh bàn tay khô xác – Tôi mừng gặp lại ông, ân nhân của tôi.
– Ân nhân gì? Đó là ý Chúa. Vĩnh biệt!
– Khoan hãy vĩnh biệt. – linh mục thảng thốt kêu lên – Bây giờ tôi không muốn đi đâu hết. Tôi muốn ngồi lại với ông.
– Chúng ta còn có chuyện gì để nói nữa đâu? Những gì cần nói, thì tôi đã nói hết rồi.
Linh mục một lần nữa bóp chặt hai bàn tay người bệnh.
– Bây giờ đến lượt tôi muốn hỏi ông. – ông nói, hổn hển vì quyết định của mình – Chúa của ông là ai?
– Tôi không có Chúa.
– Ông có Chúa của ông. Như chúng tôi có Chúa của chúng tôi.
– Không, tôi không có Chúa. Nói cách khác, tôi từng có một thứ na ná như thế…
– Ông đã là người cộng sản, phải không?
– Ông muốn nói một đảng viên cộng sản?
– Vâng.
– Trong ý nghĩa ấy thì không. Bây giờ thì không.

Người bệnh cười to theo cách của ông ta, há miệng không thành tiếng và đôi vai gày rung rung.

Khi hai vợ chồng người cháu hé tấm liếp nhìn vào căn lều, họ thấy linh mục và người sắp chết ngồi ôm nhau trên giường, người nọ gục vào vai người kia, hai đôi vai gầy thỉnh thoảng giật lên khe khẽ trong ánh sáng nhợt nhạt của cây tọa đăng đã cạn dầu.

1988-2004


Nguồn: Lời xưng tội lúc nửa đêm. Vũ Thư Hiên. Facebook. 22/11/2013