Chuyện “Vùng nhận diện phòng không”
Lữ Giang
Bản án về vụ tranh tụng giữa Philippines và Trung Quốc mà Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế sắp tuyên chắc chắn sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc nhiều hơn.
Trong tuần vừa qua, các cơ quan truyền thông trên thế giới đã đề cập khá nhiều về việc Trung Quốc thiết lập “vùng nhận diện phòng không” trên Biển Hoa Đông bao gồm nhiều phần trên các vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan. Đa số đã phân tích mục tiêu của Trung Quốc khi đưa ra biện pháp này, hậu quả của nó và phản ứng của các quốc gia liên hệ, v.v.
Thành thật mà nói, đối với vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông, các cơ quan truyền thông trong nước thường nhạy bén vì họ được các cơ quan chuyên môn của nhà nước hỗ trợ. Những nhận định khác với cảm tính của đa số đôi khi lại trở thành rắc rối, nên các chuyên gia ít khi góp phần. Đây là một tập quán khó bỏ được. Vả lại, các vấn đề về Biển Đông và Biển Hoa Đông là những vấn đề quá phức tạp.
Chỉ là thay đổi chiến thuật
Thật ra, việc ấn định “vùng nhận diện phòng không” chỉ là một trong các chiến thuật của Trung Quốc nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược là độc chiếm các mỏ dầu ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc đã xử dụng các biện pháp về cả pháp lý, ngoại giao lẫn quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn dùng chiến thuật này để đối phó với cái gọi là chính sách “quay trở lại” hay “tái phối trí” của Mỹ ở Á Châu Thái Bình Dương.
Về pháp lý, Trung Quốc luôn cố gắng tìm cho chủ trương chiếm đoạt các vùng biển của họ một cái áo hợp pháp. Từ lâu, Trung Quốc đã dùng luật lý lý “vùng nước lịch sử” (historic waters) để cho rằng vùng biển nắm trong đường lưỡi bò là của Trung Quốc. Nhưng không may cho Trung Quốc luật lý “vùng nước lịch sử” không còn được Luật Biển 1982 công nhận nữa (xem “Historic Waters in the Law of the Sea” của Clive R. Symmons). Trong thực tế, Trung Quốc cũng không thể chứng minh được Biển Đông là “ao nhà” của Trung Quốc theo quốc tế công pháp.
Không thể hợp thức hóa chủ quyền Biển Đông bằng luật lý “vùng nước lịch sử”, Trung Quốc quay qua tìm chiếm những vùng đảo mà Trung Quốc tin rằng có nhiều dầu hỏa. Để tranh chiếm các hòn đảo này, Trung Quốc dựa vào luật lý cũ của Luật La Mã áp dụng từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 19, đó là luật lý về quyền sở hữu của các hòn đảo nổi lên trên biển, tiếng Latin gọi là “Insula in mara nata”. Luật lý này dựa trên nguyên tắc “Res nullius fit primi occupantis”, tức đối với các vật vô chủ, quyền sở hữu thuộc về người chiếm trước. Hai thí dụ cụ thể: Việt Nam đưa ra tài liệu nói Việt Nam đã làm chủ Hoàng Sa từ thời Tự Đức (1848 – 1883), Trung Quốc liền đưa ra những tài liệu khác chứng minh Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ thứ hai. Nhật Bản nói Nhật đã quản lý đảo “Senkaku” hay “Điếu Ngư” từ 1895, trong khi đó Trung Quốc đưa ra bản đồ nói từ thế kỷ 15 đảo này đã thuộc về Trung Quốc.
Luật lý “Res nullius” (vật vô chủ) gây ra những tranh luận bất tận, nên đã được thay thế bằngĐịnh ước Berlin ngày 26.2.1885. Theo định ước này, việc chiếm hữu các hoang đảo chỉ được coi là hợp pháp nếu hội đủ các điều kiện sau đây: (1) Đảo được chiếm phải là vô chủ (res nullius) hoặc đã từ bỏ chủ quyền (res derelicta), (2) chủ thể chiếm hữu phải là một quốc gia, (3) việc chiếm hữu phải công khai (đã thông báo cho mọi người biết) và hòa bình (không có tranh chấp), và (4) việc chiếm hữu phải thật sự bằng cách hành xử chủ quyền liên tục trên đó.
Khi tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa và Điếu Ngư thuộc về họ, Trung Quốc không thể chứng minh chủ quyền của họ theo các điều kiện do Định chế Berlin ấn định, nhất là điều kiện thứ ba và thứ tư, nên Trung Quốc cứ ôm chặt luật “Res nullius” xưa cũ. Điều đáng tiếc là mặc dầu luật lệ đã có sự thay đổi như thế, một số “chuyên gia” hay “sử gia” trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đang ôm luật “Res nullius” mỗi khi chứng minh chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa!
Thua keo này bày keo khác
Nhìn vào các án lệ mà Tòa Án Quốc Tế La Haye đã đưa ra khi phân xử về quyền sở hữu một số đảo trên biển như đảo Palmas, đảo Groenland, đảo Minquier và Ecrehous, Trung Quốc biết rằng trong vụ tranh tụng với Philippines trước Tòa Án Trọng Tái Quốc Tế về bãi đá Scarborough và đường lưỡi bò, Trung Quốc sẽ thua nên Trung Quốc bày chiêu mới là lập “vùng nhận diện phòng không” bao trùm trên Biển Hoa Đông, gồm cả đảo Senkaku của Nhật Bản để chứng minh chủ quyền của họ bằng sức mạnh. Trước khi tìm hiểu chiến thuật mới này của Trung Quốc, cần nói qua “vùng nhận diện phòng không” là gì.
“Vùng nhận diện phòng không”, tiếng Anh là “Air Defense Identification Zone” (ADIZ), có nghĩa là vùng không phận nằm ngoài vùng không phận được quốc tế công pháp công nhận,do một quốc gia tự ý đặt ra vì lý do an ninh quốc gia hay quyền lợi riêng nào đó của nước họ. Vùng này thường được lập ra để quốc gia có đủ thời gian đáp ứng với các phi cơ dân sự ngoại quốc và có thể đó là phi cơ thù nghịch.
Không phải Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tuyên bố thành lập ADIZ. Từ lâu Hoa Kỳ, Canada, Anh quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan, Nam Hàn và Đài Loan cũng đã làm như vậy. Nhưng thông thường, ADIZ chỉ được thiết lập tại các vùng không có tranh chấp và chỉ áp dụng cho các máy bay dân sự. Đàng này Trung Quốc lại thiết lập ADIZ chồng lấp lên vùng ADIZ đã được thiết lập từ trước của Đài Loan, Nhật Bản và Nam Hàn, bao gồm cả quần đảo Senkaku (xem hình), và áp dụng cho cả máy bay dân sự lẫn quân sự. Đây mới là vấn đề.
Trong thực tế, ADIZ không hề được ấn định bởi một hiệp ước quốc tế nào, nhưng cũng không bị luật lệ quốc tế cấm đoán hay được một tổ chức quốc tế nào quản lý.
Vì là một vùng quy định riêng của một quốc gia, nên quốc gia này có quyền đặt ra những yêu cầu mà các phi cơ đi qua phải tuân thủ như khi vào ADIZ đều phải gửi kế hoạch bay trước, phải thiết lập liên lạc hai chiều, phải được nhận dạng, thông báo vị trí, v.v. Nếu không tuân thủ những quy định này có thể bị các máy bay quân sự đến yêu cầu phải rời khỏi vùng ADIZ hay phải hạ cánh.
Trong năm 2012, các phi cơ Nhật đã xuất kích 156 lần để ngăn chận các phi cơ của Trung Quốc. Riêng 3 tháng đầu năm 2013, máy bay Nhật cũng đã làm như vậy 300 lần.
Mục tiêu của trung quốc
Quần đảo Senkaku cách Đài Loan 120 hải lý về phía đông nam, cách Trung Quốc 200 hải lý về phía tây và cách đảo Okinawa của Nhật Bản 200 hải lý về phía bắc. Về pháp lý, việc tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng phức tạp như việc tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nó không dễ dàng như việc tranh chấp bải đá Scarborough của Philippines. Vì thế, Trung Quốc đã nới rộng vùng nhận diện phòng không bao trùm cả đảo Senkaku để cảnh cáo Nhật Bản đừng khai tác dầu tại vùng này.
Về phương diện quân sự, Trung Quốc chưa dám đối đầu với Nhật Bản và Nam Hàn, vì hai nước này có hiệp ước bảo vệ của Mỹ. Các máy bay quân sự của Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản vẫn bay qua ADIZ của Trung Quốc mới thiết lập, nhưng Trung Quốc không dám có phản ứng gì.
Hôm 25/11/2013 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố:
“Chúng tôi đã giục Trung Quốc thận trọng và kiềm chế, và chúng tôi đang tham vấn với Nhật Bản và các bên khác bị ảnh hưởng, trong toàn bộ khu vực. Chúng tôi vẫn luôn cam kết vững chắc với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, và hy vọng thấy một tương lai có tính cộng tác hơn và ít đối đầu hơn ở Thái Bình Dương.”
Tuy nhiên, hôm 29/11/2013 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tỏ ra dè dặt khi khuyến cáo các hãng hàng không dân dụng Mỹ tuân thủ các quy định về các ADIZ của các nước ngoài.
Hôm 26/11/2013, khi được hỏi Trung Quốc có lâp ADIZ trên Biển Đông hay không, ông Thời Ân Hoằng, một cố vấn về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, nói với phóng viên của AFP rằng sở dĩ Trung Quốc phải lập khu ADIZ ở Biển Hoa Đông vì “Lập trường khiêu khích của chính phủ ông Shinzo Abe”. Còn ở Nam Hải (tức Biển Đông) “Mối quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam đang được cải thiện và Trung Quốc không có nhu cầu đi quá xa để đối phó với Philippines” Đây là một cách cảnh cáo Việt Nam đừng lộn xộn.
Tuy nhiên, Tân Hoa Xã cho biết hôm 27.11.2013 ông Tần Cương, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc sẽ thiết lập các ADIZ khác vào thời điểm thích hợp khi đã chuẩn bị đầy đủ. Như vậy là Trung Quốc có thể lâp ADIZ trên Biển Đông.
Bị dư luận quốc tế phản ứng mạnh, ông Tần Cương ngụy biện rằng Biển Đông là nơi có nhiều đường bay nên việc lập ADIZ tại đó sẽ rất tốt cho sự an toàn hàng không. Ông Tần Cương nhấn mạnh rằng ADIZ là một “khu an toàn” (safety zone) chứ không phải là một “khu nguy hiểm” (danger zone).
Khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã thực hiện ngay ý đồ của họ là chiếm những nơi mà họ tin có dầu hỏa ở trên Biển Đông. Ngoài Hoàng Sa, Trung Quốc cũng chỉ chiếm có 9 trong số trên 100 đảo thuộc Trường Sa, là những nơi họ cho rằng có dầu. Năm 1988, CSVN bắt đầu chiếm nhiều đảo trên Trường Sa. Trung Quốc tỏ vẻ không quan tâm, Nhưng khi CSVN đụng đến đảo đá Collins Reef gần Johnson South Reef (Đá Gạc Ma), Trung Quốc chơi liền vì Trung Quốc tin rằng vùng đó có dầu. Việt Nam mất hai tàu vận tải 604 và 605 và 64 nhân mạng.
Nhìn chung, từ năm 1974 đến nay, Trung Quốc đã xử dụng nhiều chiêu thức khác nhau để chiếm Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhưng chưa có kết quả nào khả quan. Bản án về vụ tranh tụng giữa Philippines và Trung Quốc mà Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế sắp tuyên chắc chắn sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc nhiều hơn.
5/12/2013
Nguồn: bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ