Maneli với Ngô Đình Nhu, chuyện gì đã xảy ra? (P1)
Nguyễn Văn Lục
Sài Gòn những năm 1963 tràn ngập tin đồn. Trước, người ta rỉ tai nhau. Sau đó câu chuyện được công khai nơi quán nhậu, quán cà phê, trên sàn nhảy về ông Ngô Đình Diệm và gia đình.
Từ cành đào ở Dinh Độc Lập đến chuyến săn cọp trong rừng Tánh Linh
(Hồ sơ đi đêm Maneli-Ngô Đình Nhu?)
Nhưng quan trọng nhất là nơi giới báo chí Mỹ đóng trụ tại khách sạn Majestic. Một trong những nhà báo Mỹ kỳ cựu là Josep Alsop đã tố cáo các đồng nghiệp trẻ là đang tiến hành một “egregious crusade”, một cuộc vận động quá đỗi nhằm bôi bẩn chế độ Diệm. Và Joseph Alsop đã so sánh những nhà báo này giống như trường hợp một số nhà báo trước đây đã mở chiến dịch bôi nhọ Tưởng Giới Thạch đưa đến chỗ nước Tàu rơi vào tay cộng sản. (Stanley Karnow, “Vietnam: A History” New York, NY: Viking Press, 1983, trang 297.)
Những nhà báo có thái độ thù nghịch với chế độ Diệm như David Halberstam, Neil Sheehan và Malcolm Browne mà Stanley Karnow đã nhận xét như sau:
“The Vietnam drama at the time was a journalist’s dream, but a nightmare for U.S. officials […] David Halberstam of The New York Times, Neil Sheehan of United Press International and Malcolm Browne of The Associated Press who were deluged with real and imaginary details fed them by adversaries of the regime. Even Lodge who could be as devious as any Vietnamese, leaked information aimed at tarnishing Diem’s image.” (Stanley Karnow, ibid., trang 296.)
Bi kịch Việt Nam lúc đó là điều mơ ước cho nhà báo, nhưng lại là cơn ác mộng cho chính quyền Mỹ. […] David Halberstam của The New York Times, Neil Sheehan của United Press International và Malcolm Browne của The Associated Press có đầy đủ những tin tức thật cũng như những chi tiết tưởng tượng do những kẻ thù của chế độ cung cấp cho họ. Và ngay cả Lodge, cũng thủ đoạn như bất cứ người Việt Nam nào, đã tiết lộ thông tin để làm hoen ố hình ảnh ông Diệm.
Và giới truyền thông Mỹ ít nhất đã thành công trong hai vu, vụ Phật giáo liên quan đến tín ngưỡng và vụ chính quyền Diệm-Nhu bắt tay với cộng sản Bắc Việt liên quan đến chính trị.
Theo Karnow, Lodge đã vi phạm ngay nguyên tắc “không can thiệp” của chính ông ta bằng cách đề nghị hai nhân vật vào trong chế độ mới. Đó là Trí Quang – lãnh đạo Phật giáo tranh đấu, và Trần Quốc Bửu, lãnh đạo nghiệp đoàn lao động Việt Nam, một người có liên hệ mật thiết với CIA
“That said, Lodge then violated his own principle of noninterference by proposing the composition of a future Saigon regime to include the Buddhist militant Tri Quang, and Tran Quoc Bưu, a labor leader with close ties to the CIA.” (Stanley Karnow, ibid., trang 298.)
Ngày nay, nhìn lại, có cơ hội đọc tài liệu cho thấy trước khi cho quân vào xâm chiếm Iraq dưới thời Saddam Husein, chính quyền Mỹ cũng mở một chiến dịch bôi nhọ, xuyên tạc thông tin, dựng tài liệu giả, về Saddam Husein cả một năm trước đó. Đọc thêm cuốn sách “Saddam Hussein & the Crisis in the Gulf”, Random House (1990)” của Judith Miller, và Laurie Mylroie.
Đó chỉ là chuyện tuồng tích cũ, đào kép mới.
Bài viết này chú trọng đến dư luận cho rằng ông Nhu đã bắt tay với cộng sản đến độ ngay những người thân cận với chế độ cũng tin là thật và cho đến tận bây giờ, nhiều sách báo tài liệu cũng vẫn sao chép lại một cách máy móc, không dẫn chứng, về nhưng tin đồn vô căn cứ ấy.
Cành đào trong Dinh Độc Lập
Trong cuốn “Về Nguồn – Sinh lộ cho quê hương”, trang 89, ông Lâm Lễ Trinh có kể lại theo lời ông Quách Tòng Đức trong một dịp tết Nguyên đán Quý Mão 1963, một cành đào đỏ lộng lẫy được trưng bày nơi phòng khánh tiết Dinh Độc Lập với tấm thiệp in tặng của “Chủ tịch Nhà nước Cộng hoà Xã hội miền Bắc”.
Theo tôi thì chuyện cành đào là có thật. Báo chí thời đó được phép chụp và đăng báo hẳn hoi. Nghị sĩ Lê Châu Lộc, nguyên là tùy viên của TT Diệm sau này cho biết, chính ông là người đến nhận cành đào tại trụ sở Ủy Hội Quốc Tế để về trưng bày tại Dinh Độc Lập.
Cành đào đỏ chắc là đẹp thật. Hậu ý của người cho cành đào thì không ai biết được. Nhưng ông Diệm đã cho trưng bày và để cả tấm danh thiếp rõ ràng là không muốn dấu diếm ai.
Và phải chăng đó cũng chứng tỏ cái quyền của một tổng thống?
Quay ngược lại thời gian sau 1954-1955, mấy ai còn nhớ có một mối liên lạc giữa Bắc-Nam vẫn còn được duy trì, tối thiểu là qua các bưu thiếp in sẵn.
Theo giáo sư Huỳnh Văn Lang, ông Nhu là người có sáng kiến in những tấm bưu thiếp “tình nghĩa” này.
Người dân hai miền chỉ việc điền các tin tức gia đình, hỏi thăm nhau sức khỏe, chuyện con cái và gửi bưu thiếp qua đường bưu điện chính thức ở Sài Gòn. Có thể sau đó Ủy Hôi Quốc tế kiểm soát đình chiến đã giúp chuyển giao giữa hai miền?
Giả dụ cái chương trình ấy vẫn cứ được Hà Nội tiếp tục- dù khác chính kiến chính trị – hẳn là có tác dụng tốt cho người dân cả đôi bên?
DCVOnline: Tác giả Trần Trọng Khải, trong bài “Kỷ niệm 60 năm Hiệp định Genève (20-7-1954 ~ 20-7-2014): Bưu thiếp Bắc-Nam” ở trang temviet.com, dẫn 5 nguồn tài liệu theo sau, có những đoạn viết:
“Ngày 18-2-1955, Bộ Giao Thông Công Chính nước VNDCCH đã ra tuyên bố: “…Chúng tôi rất mong việc liên lạc, trao đổi thư từ, tin tức giữa hai miền Bắc và miền Nam giới tuyến quân sự được sớm lập lại…”
Chính phủ miền VNCH đã “cử một đoàn chuyên viên bưu điện ra Hải Phòng để họp với đoàn chuyên viên bưu điện VNDCCH. ”
“Ngày 12-4-1955, biên bản “Về việc trao đổi bưu thiếp gia đình giữa hai miền” được ký kết (2). Biên bản quy định bưu thiếp có kích thước 10 x 15 cm (của miền Nam màu vàng, của miền Bắc màu trắng). Bưu thiếp có 2 mặt: Mặt trước trên cùng và chính giữa có 2 chữ BƯU THIẾP, dưới in hình bản đồ Việt Nam màu đen, dưới cùng có 3 đường kẻ; mặt sau có nội dung in sẵn về thông tin gia đình và 5 dòng kẻ để trống. Bưu thiếp khi gửi đi phải để ngỏ, với nội dung hạn chế trong 5 dòng và chỉ được phép viết về thông tin gia đình.” […]
“Từ tháng 2 năm 1965 Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc và do sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam, chiến sự lan rộng. Tại giới tuyến, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá vào các đồn công an giới tuyến của ta. Trước tình hình đó, việc trao đổi bưu thiếp dần dần thu hẹp và đi đến chấm dứt giữa năm 1965.”
Thời đó dân ở Vĩnh Linh có hai câu than thở:
“Bưu thiếp chỉ có năm dòng
Làm sao nói hết tấm lòng nhớ thương!”
(1) “Bộ Giao thông Công chính Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Tuyên bố về vấn đề liên lạc bưu điện giữa hai miền Bắc Nam, ngày 18-2-1955, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Tp HCM, ký hiệu PTT 20.145
(2) Phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hỏa, Biên bản “Về việc trao đổi bưu thiếp gia đình giữa 2 đoàn chuyên viên Bưu điện miền Nam và miền Bắc”, ngày 12-4-1955. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Tp. HCM, ký hiệu Đệ I CH 13.371
(3) Hoàng Chí Hiếu, “Một số đường liên lạc Bắc Nam qua giới tuyến quân sự tạm thời”. Tạp chí Lịch sử quân sự, số 5-2009
(4) Bộ trưởng Giao thông Công chánh Việt Nam Cộng Hòa, Công văn số 470 CC/HC/M gởi Phó Tổng Thống, ngày 12-4-1962. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Tp HCM, ký hiệu Đệ I CH 15.099
(5) Bộ Công dân vụ Việt Nam Cộng Hòa, Công văn báo cáo tình hình bưu thiếp liên lạc giữa hai miền Nam Bắc năm 1962 gởi Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp HCM, ký hiệu Đệ I CH 17.383
Cũng theo ông Huỳnh Văn Lang, trong những buổi họp của Liên Kỳ bộ, đảng Cần Lao, mà ông là Bí thư, vấn đề hiệp thương được mang ra bàn cãi công khai. Những người như ông Huỳnh Văn Lang, chuyên viên về kinh tế, chủ trương nên xúc tiến việc giao thương vì miền Nam ở thế mạnh. Tỉ giá đồng đô la ở miền Nam là mạnh.
Trong khi đó, miền Bắc đang gặp nạn đói. Họ chỉ có thể trao đổi như đổi than lấy gạo. Cán cân thương mại nghiêng về phía miền Nam vì chúng ta ở thế thượng phong. Họ, miền Bắc ở thế yếu; sức mạnh chính trị của miền Nam dấy lên từ đó.
Thư Phạm Văn Đồng gửi vào cho ông Diệm đề cập đến Tổng tuyển cử. Ông Diệm từ chối vì dân số miền Bắc đông hơn. Dân quê miền Nam chưa sẵn sàng.
Nhớ lại, tất cả những chuyện giao tiếp giữa hai bên như thế đã không gây một dư luận hay những lời đồn thổi xấu nào! Nhưng sau này chỉ vì một cành đào đã gây nhiều dư luận và trở thành bối cảnh tiền đề cho cảnh máu đổ sau này. Từ câu chuyện cành đào này tôi có một nhận xét, người miền Nam trước 1975 chúng ta ít chú trọng đến những gì ông Diệm làm mà chỉ chú trọng đến những gì người ta nói.
Ngày nay nhiều người miền Nam suy nghĩ lại thấy hối tiếc về thời đã qua thì xem ra đã trễ. Chính trị làm cho con người sợ sự thật và xa sự thật, diễn giải theo chiều hướng mang tính định kiến và tìm cách chối bỏ thực tại trước mặt.
Ông Nhu đi săn cọp ở rừng Tánh Linh
Chuyện cành đào trong Dinh Độc Lập, nhiều người đã quên. Nhưng dư luận “Ông Nhu đi đêm” thời 1963 thì tạo ra nhiều dư luận mà mỗi người diễn giải một cách. “Radio Catinat” tại Sài gòn vào cuối năm 1963 bàn tán rộng rãi về chuyện này ntrong giới báo chí, ký giả, truyền thông trong nước và ngoại quốc!
Phải chăng đó là một tình trạng ấu trĩ chính trị sống bằng tin đồn?
Cũng theo ông Quách Tòng Đức được dẫn trong sách của ông Lâm Lễ Trinh, tin đồn ông Nhu đi đêm với cộng sản đã được đề cập đến trong vài phiên nhóm với tướng lãnh tại Bộ Quốc phòng.
Ông Nhu cũng đề cập đến vấn đề này khi nói chuyện tại suối Lồ Ồ khi nói chuyện với cán bộ Xây Dụng Ấp chiến lược, khóa 13. Đó là những vấn đề do chính ông Nhu nói ra công khai, không phải là lời đồn thổi.
Tuy nhiên, ông Quách Tòng Đức là một công chức cao cấp, Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống, có đưa thêm nhận xét chính xác:
“Đây chỉ là một đòn chiến thuật của ông Nhu dể dằn mặt Hoa Kỳ.” (Lâm Lễ Trinh, ibid., trang 89)
Nhận xét của ông Quách Tòng Đức cũng không khác gì với ý kiến của tác giả Quốc Đại, trong cuốn “Ai giết anh em ông Ngô Đình Diệm”, trong đó có tiểu đề, “Bắt tay với cộng sản chỉ là chiến thuật trả đũa Hoa Kỳ”. (Quốc Đại. “Ai giết anh em ông Diệm”, NXB Thanh Niên 2003, trang 216-217.)
Qua những dẫn chứng trên, người viết nhận thấy chiến thuật của ông Nhu phao tin “đi đêm với cộng sản” là một chiến thuật tự giết mình, stratégie perdante. Vì tình thế chính trị năm 1963 không giống với tình thế1955.
Cũng vẫn chưa thỏa mãn tại sao ông Nhu lại dùng gậy đập lưng ông? Người viết điện thoại hỏi giáo sư Huỳnh Văn Lang. Câu trả lời vắn gọi và chắc nịch của Huỳnh Văn Lang là, “Tại vì ông Nhu quá tự tin.”
Nhưng câu chuyện ông Nhu đi săn cọp tại rừng Tánh Linh theo nhiều người, sẽ được dẫn chứng sau này, lại là một câu chuyện hoàn toàn bịa do ông Cao Xuân Vỹ dựng lên trong lần trả lời phỏng vấn của ông Minh Võ đăng trên dcvonline.net. (Minh Võ, “Mạn đàm với ông Cao Xuân Vỹ (Kết)”, 24/09/2007, © DCVOnline)
Cho đến nay, sức khỏe suy yếu, tác giả Minh Võ cũng không muốn nhắc lại chuyện này nữa, mặc dầu trách nhiệm là của ông Cao Xuân Vỹ.
Tìm hiểu tại sao ông Cao Xuân Vỹ lại dựng đứng một câu chuyện quan trọng như thế liên quan đên sinh mạng chính trị của chế độ thì không có thể có một lời giải thích nào tương hợp. Khi ông còn sinh thời, người viết bài này có dịp nói chuyện với ông thì hầu hết chỉ đề cập đến vấn đề ai là tác giả cuốn Chính Đề.
Nhưng tôi giả dụ rằng nếu ông Ngô Đình Nhu không có thú đi săn cọp thì điểm hẹn lịch sử tháng 11, 1963 chung cuộc sẽ xảy ra ở đâu và xảy ra như thế nào? Lịch sử có những định mệnh và những bất ngờ không suy đoán trước được mà khi nhìn lại chỉ có thể tiếc, giá như thế này, giá như thế kia.
Ông Nhu đi săn cọp chưa bao giờ bị cọp vồ, nhưng trớ trêu thay của lịch sử, ông lại bị người vồ.
Cuộc đời làm chính trị của ông một phần gặp gian lao chỉ vì câu chuyện gặp Phạm Hùng tại khu rừng Tánh Linh – một câu chuyện ngày nay có dịp xem lại, tra cứu, thấy gần như một câu chuyện hoang đường!
Bài viết này xin trình bày các nguồn dư luận cũng như tài liệu nhiều phía để tìm ra sự thật và biết đâu có thể giải oan cho những kẻ đã chết vì cọp vồ hay người vồ.
Hiện nay, người viết căn cứ vào cuốn sách của Maneli — trưởng phái đoàn của Ba Lan trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (ICC) — cuốn “War of the Vanquished”, xuất bản năm 1971. Tài liệu đã cũ cần những tài liệu khác mới hơn.
Và trong vài năm gần đây – qua tài liệu văn khố của Balan với bằng chứng đầu nguồn – các điện tín của chính phủ Ba Lan đã được mở ra. Và chúng ta có dịp được đọc các điện tín gửi đi Hà Nội, Beijing, Sài Gòn, New Delhi, Moscow.
Những điện tín lưu trữ tại Văn Khố Ba Lan – như một tài liệu đầu nguồn – giúp bác bỏ những bài viết của một số tác giả người Việt của một số tướng lãnh VNCH, một số người chủ trương cuộc đảo chánh về những tin tức, dư luận, lời đồn thổi hầu hết không có cơ sở hoặc bằng cớ xác thực.
Thêm vào đó, các bản phúc trình của đảng cộng sản Ba Lan (AAN) nói về mối liên lạc giữa Ba Lan, Sô Viết và cộng sản Bắc Việt trong giai đoạn 1963 củng cố thêm luận cứ vừa nêu.
Hy vọng của người viết là có thể nhờ đó làm sáng tỏ một số vấn đề mà trước đây đã bị hiểu sai lạc. Đồng thời tìm hiểu xem các nhá báo Mỹ thời đó cũng như các nhà sử học của họ đã viết gì về vấn đề này?
Phía người Mỹ và Cabot Lodge
Ngày nay, chúng ta tương đối có đủ tài liệu cũng như cơ hội để hiểu rõ các chính sách của người Mỹ. Và nhờ đó, chúng ta có thể hiểu tại sao người Mỹ đã có chính sách này nọ cũng như sự thay đổi chính sách ấy. Ngay việc muốn thay đổi Diệm cũng có hai dư luận trái chiều ở tòa Bạch Ốc: phía ủng hộ, phía muốn lật đổ. Giữa TT Kennedy và phó Tổng thống Johnson cũng vậy.
Nhưng phe muốn lật đổ nắm được một lợi thế vô cùng thuận lợi: Sự có mặt của viên đại sứ Cabot Lodge. Và trong trường họp họ có thể thay đổi chính sách của họ thì chúng ta đừng lấy làm ngạc nhiên.
Người Mỹ ở mỗi thời điểm, mỗi nhiệm kỳ tổng thống là mỗi chính sách. Chính sách của Mỹ thời Eisenhower không giống thời Kennedy. Thời Bush-cha Bush-con không giống thời Barack Obama. Barack Obama phải để hai nhiệm kỳ tổng thống để giải quyết những tồn tích của đảng Cộng Hòa.
Hiểu được như thế, sẽ không có gì để ngạc nhiên về sự thay đổi chính sách của họ ở Việt Nam.
Người Mỹ trong những năm 1955 trở đi – qua viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam – dùng viện trợ để hỗ trợ cho chính sách và đường lối của họ tại Việt Nam. Họ không hỗ trợ cho cá nhân ông Diệm – nhưng hỗ trợ cho ông Diệm để ông Diệm thực thi chính sách đường lối của họ.
Nhưng nếu lại chính người Mỹ muốn thay đổi hoặc đưa ra sáng kiến hoặc đề ra chính sách mới thì đó lại trở thành câu chuyện bình thường. Eisenhower – người tiền nhiệm của Kennedy – muốn coi VN như một tiền đồn chính trị- thì Kennedy lại chỉ muốn rút!
Bằng chứng là đại sứ Mỹ ở Ấn Độ – ông Galbraith từng tiếp xúc với ngoại trưởng ngoại giao Ba Lan và tỏ ra hưởng ứng kế hoạch Trung lập Hóa miền Nam của Ba Lan dựa trên căn bản thỏa ước Trung Lập Lào – và cũng phù hợp với chính sách của chính quyền Kennedy. Kennedy cũng muốn tháo khoán, rút ra khỏi Việt Nam, thì xem ra không có vấn đề gì.
Sau này, cũng chính người Mỹ mở ra những cuộc thương lượng với cộng sản Hà Nội thì lại là một điều chính đáng! “Ngoại giao con thoi” với hàng trăm cuộc tiếp xúc kéo dài với Kissinger, thúc ép, ve vãn, lừa đảo, ngay cả có thể ám sát TT Nguyễn Văn Thiệu nếu cần, và bỏ rơi chính quyền Đệ Nhị Cộng Hòa họ cũng vẫn làm.
Hiệp định Ba Lê là kết quả một cuộc mặc cả số phận miền Nam giữa Kissinger-Lê Đức Thọ. Đó là một tội ác ám sát chính trị. Nếu thời Ngô Đình Diệm có Cabot Lodge thì thời Nguyễn văn Thiệu có Henry Kisinger.
Giả dụ ngay từ 1963 kế hoạch của Rapacki-Galbraith về sáng kiến hòa bình cho Việt Nam vào tháng 1-2, năm 1963 được thi hành thì liệu có cần thiết phải có cuộc thảm sát anh em Diệm-Nhu vào tháng 11-1963. (Margaret K. Gnoinska, “Poland and Vietnam, 1963: New evidence on secret Communist. Diplomacy and the ‘Maneli Afair’”, Woodrow Wilson Center for International Scholars, March 2005. Tác giả hiện là phó Giáo sư khoa Sử tại đại học Troy, USA )
Nhưng nếu chúng ta chịu khó nhìn lại từ đầu – khi ông Diệm về nước – thì công việc của ông Diệm, đúng ra mà nói, chỉ là một công cụ để thực hiện chính sách của người Mỹ.
Họ nói để giúp ông Diệm mà chính ra để giúp họ vì cả hai bên đều đồng thỏa thuận coi miền Nam là một “tiền đồn” của thế giới tự do! “Tiền đồn” chống cộng ấy tại sao không đặt ở Đài Loan hay Đại Hàn chẳng hạn? Tại sao lại là Việt Nam?
Vì thế, ngay từ những ngày đầu khai sinh ra nền Đệ Nhất Cộng Hòa, người ta đã có thể nhận thức ra người Mỹ đến Việt Nam không chỉ để giúp Việt Nam mà còn để chỉ huy và có thể áp đặt nữa.
Nguyên lý của người Mỹ khi sang giúp Việt Nam tóm tắt rất đơn giản: theo Mỹ hoặc không theo Mỹ. Theo thì thuận hảo, không theo thì lật đổ. Trên thực tế, họ đã tính thay thế ông Diệm ngay từ đầu và nếu không có việc dẹp được Bình Xuyên thì số phận ông Diệm và miền Nam hẳn không phải như vậy.
Và đấy phải chăng là nguyên cớ chính để sau này đưa đến việc lật đổ ông Diệm?
Ông Diệm từng than phiền qua lời tường thuật của nữ ký giả Marguerite Higgins:
“I cannot seem to convince the Embassy that this is Viet Nam.”
Xem ra tôi không thể nào thuyết phục được tòa đại sứ Hoa Kỳ tin được rằng đây là Việt Nam [chứ không phải Hoa Kỳ].
Bài báo của ký giả Marguerite Higgin được đăng trên tờ New York Herald Tribune, đầu tháng 8, 1963. Câu nói trên cũng được Minh Võ lặp lại trong cuốn “Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc”, trong bài điểm sách “Chiến thắng bị bỏ lỡ”, trang 356,.
Những lý do nổi được nêu ra như những chiêu bài dẫn đến việc phải lật đổ ông Diệm như: độc tài, gia đình trị, đàn áp Phật giáo, tham nhũng thật ra cũng không sai lắm. Vì tất cả những điều được nói ra chỉ là phần phản diện, là cái bề mặt nổi. Nhưng đúng mà có thể không đúng vì chúng chỉ là cái cớ.
Giữa điều được nói ra và điều không được nói ra – về mặt chính trị – điều không được nói ra mới là quan trọng, mới là yếu tố quyết định.
Nếu ông Diệm nghe theo người Mỹ thì mọi chuyện đều OK hết. Tham nhũng ư. Không sao. Đàn áp Phật giáo ư? Thời Nguyễn Cao Kỳ cho quân đội dẹp bàn thờ tại Huế, điệu Trí Quang từ Huế về Sài gòn bằng C 47, mà đoạn đường bay phần lớn trên biển, Trí Quang sợ hãi hỏi một nhân viên áp tải:
“‘Are you going to drop me into the sea?’ He quailed.
– ‘No, said the crewman, our orders to bring you to Saigon.’”
(Nguyen Cao Ky, Marvin J. Wolf, “Buddha’s Child: My Fight to Save Vietnam”, trang 225
Và sau đó Trí Quang được giam lỏng tại dưỡng đường Duy Tân. Tại đây, Trí Quang đã tuyệt thực 100 ngày cho đến tháng 9, 1966. Về việc bị giam lỏng và tuyệt thực tại dưỡng đường Duy Tân, độc giả muốn biết chi tiết hơn, xin đọc Nguyen Cao Ky cuốn sách nói trên, trang 226.
Ý nghĩa việc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức ngày nào gây xúc động lương tâm trên toàn thế giới và hình ảnh ấy đi vào phòng ngủ của dân chúng Mỹ. Nhưng sau đó, sau 1963, sau 1975, nhiều vụ tự thiêu ở Việt Nam cũng như ở Tây Tạng, tiếp diễn nhưng không còn gây được sự chú ý của dư luận.
Cũng theo ký giả Stanley Karnow ghi lại trong một lần ông đã chứng kiến vụ tự thiêu của ni cô Thanh Quang – khoảng chừng 55 tuổi – vào tảng sáng ngày 29 tháng 5, tại Chùa Diệu Đế; ni cô đến chùa cùng với vài người bạn.
“She assumed the lotus position as one friend doused her with gasoline. Then she lighted a match, immediately exploding into flame as another friend fed peppermint oil to the fire to suppress the stench of scorches flesh. By the time I arrived, her burning body was still erect, the hands clasped in prayer. The religious rite was fast becoming a political episode […] reporters from the local radio station passed among them, recording theirs cries for later broadcast. Soon Tri Quang appeared to distribute to the foreign correspomdents present copies of a letter that the nun had addresed to the President Johnson. Tri Quang blamed Johnson for her death.” (Stanley Karnow, ibid. Trang 449)
Ni cô ngồi thế liên hoa tọa (kiết già) trong khi một người bạn của bà tưới xăng lên người. Rồi bà ấy bật một que diêm, ngay tức thì ngọn lửa bùng lên trong khi một người bạn khác lấy dầu bạc hà đổ vào ngọn lửa để giảm bớt mùi thịt cháy khét. Lúc tôi tới nơi, thân xác đang cháy của ni cô vẫn còn ngồi thẳng, hai tay chắp vào nhau đang cầu nguyện.
Nghi thức tôn giáo bỗng chóng trở thành một vở tuồng chính trị […] phóng viên của đài phát thanh địa phương đi vào giữa đám người đang cầu nguyện và thu băng những tiếng kêu của họ, dùng cho cuộc phát thanh sau đó.
Chẳng bao lâu sau đó, Trí Quang xuất hiện, phân phát cho những phóng viên ngoại quốc hiện có mặt các phó bản của lá thư mà ni cô đã viết gửi cho tổng thống Johnson. Trí Quang đổ trách nhiệm cho Johnson về cái chết của ni cô Quang Thanh.
Mỗi lần đọc lại đoạn văn này, tôi đều có cảm giác muốn nôn mửa. Những người phụ nữ tu hành chất phác và đạo hạnh – có thể họ quê mùa, ít học – đã bị lôi cuốn vào một tình trạng bị phấn khích tột độ, đến nỗi như không kiểm soát được chính họ nữa và họ đã làm những việc ngoài sức con người.
Người điều động tất cả mọi việc sau lưng vụ tự thiêu là một nhà sư có bề ngoài lạnh lùng, giọng nói nhát gừng, cặp mắt sắc lạnh. Thật mỉa mai, ông sư ngồi trong chùa, biết trước sư cô Quang Thanh tự thiêu, và đi phát thơ của bà cho ký giả nhưng lại đổ lỗi chô ông tổng thống nước Mỹ ở xa ngàn dặm. Trí Quang sẵn sàng dùng những cuộc tự thiêu này cho những mục tiêu chính trị của ông ta.
“As more Buddhist suicides occurred, Johnson issued a statment calling them “tragic and unnecessary,” and urge the South Vietnamese people to uphold the governmen – a clear sign that the United States woud not abandon Ky and his entourage.” (Stanley Karnow, ibid., trang 449-50)
Khi nhiều vụ Phật tử tự thiêu [vẫn] xảy ra, Johnson đã ban hành một tuyên bố gọi đó là [những cái chết] “bi thảm và không cần thiết”, và vận động người dân miền Nam Việt Nam ủng hộ chính phủ — một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi Kỳ và đoàn tùy tùng của ông ta.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao những thành phần Phật tử có học, có hiểu biết, từng là đầu não trong các phong trào Phật tử tranh đấu — mà tôi thấy không cần thiết phải liệt kê tên tuổi họ ra đây — không một người nào có vinh dự nằm trong danh sách các vị bồ tát tử vì đạo pháp?
Bọn họ ở đâu rồi nhỉ?
Và nhất là hiện nay, chùa Liên Trì bị san bằng ngày 17-9, Hòa thượng Không Tánh về lại ngôi chùa cũ mà ngài từng ở 50 năm, ngồi khóc một mình.
Tôi cảm nhận được tất cả nỗi khổ đau của vị sư già! Không một ai lên tiếng! Người lên tiếng chính thức cho vụ Chùa Lên Trì lại là một dân biểu Mỹ.
Phần ông Diệm, chính ở chỗ không theo họ, họ loại trừ ông bằng cách giết hại cả 3 anh em ông. Nếu ông Diệm biết nghe theo họ thì tham nhũng, độc tài, gia đình trị, đàn áp Phật giáo, chỉ là những màn khói, không phải là đám cháy, và không cần đến xe cứu hỏa dập tắt.
Bằng chứng mới đây nhất, tôi đọc cuốn “The Politics of Deception: JFK’s Secret Decisions on Vietnam, Civil Rights, and Cuba” của Patrick J. Sloyan, Thomas Dunnes Books, 2015, người ta thấy hết được thực chất chính sách của người Mỹ tại Việt Nam cùng cái tráo trở của người Mỹ.
Tôi dùng chữ tráo trở là đứng về mặt đạo đức chả có nghĩa gì về mặt chính trị. Còn đối với người Mỹ thì đó chỉ là sự thay đổi một chính sách phù hợp với quyền lợi của người Mỹ. Gọi là tráo trở hay gọi là thay đổi cũng được tùy theo mỗi bên. Nhưng chính họ tố cáo họ! Deception có thể dịch ra tiếng Việt là “trò lừa dối, mánh khoé lừa bịp”?
Càng hiểu rõ thế sự, càng hiểu rõ bản chất con người, càng hiểu rõ chính trị đảo điên. Nhưng nay tôi hiểu hơn: Chính trị làm con người sợ sự thật.
Và tôi có cảm tưởng có hai cuộc chiến – hai thứ quân đội – Một cuộc chiến của người Việt Nam và một cuộc chiến riêng của người Mỹ chống cộng sản. Họ có vai trò riêng và sứ mạng riêng.
Nếu so sánh sự can thiệp giữa người Mỹ tại miền Nam và Trung Cộng cũng như Liên Xô tại miền Bắc – ở thời điểm đó – thì tôi cạn nghĩ sự can thiệp của người Mỹ tại miền Nam bộc lộ một sự thô bạo, trắng trợn và ngay cả có thể tàn nhẫn hơn.
Và vì thế, xin mọi người nhớ lại trong lần nói chuyện sau cùng, ông Diệm đã nói thẳng với Cabot Lodge:
“Je ne suis pas une marionnette. I am not a puppet…” (Patrick J. Sloyan, The politics of Deception, trang 189)
Tôi không phải là bù nhìn [của các ông].
Đây có thể là câu trối trăng của một kẻ sắp chết để lại cho đời sau như một bài học đắt giá!
Sự can thiệp ấy, Lansdale, một người thân tín của ông Diệm ngay từ lúc đầu, than rằng “10 điều đề nghị với ông Diệm, may ra ông theo một.”
Cái nguyên tắc “chìm hay bơi với Ngô Đình Diệm” chỉ là một cách nói về sự kiên nhẫn của người Mỹ trước sự cứng cỏi của ông Diệm, một nguyên tắc sống chết cùng chia sẻ nay xem ra đã bị sói mòn và mỏi mệt.
Hay nói theo Maneli, Trưởng phái đoàn Ba Lan trong ICC, họ như đôi vợ chồng bỏ nhau mà còn ghen tuông.
Chìm thì họ chắc chắn họ không muốn chìm và họ muốn đổi một tay bơi khác. Việc thay thế đại sứ Nolting bằng đại sứ Cabot Lodge là dấu hiệu bật đèn xanh cho các tướng lãnh muốn đảo chánh ông Diệm.
Dưới mắt Patrick J. Sloyan, trong The politics of Deception:
“Cabot Lodge là mẫu điển hình cho sự phản bội của Mỹ ở Việt Nam. Trên bàn của viên đại sứ luôn luôn có khẩu súng lục và nếu phải đi ra ngoài thì ông dấu khẩu súng với đạn .357 Magnum vào bên trong chiếc áo vét trắng người.” (Patrick J. Sloyan, ibid,, trang 187)
Một ông đại sứ nước bạn, có nhiều cận vệ, hà cớ gì phải dấu súng lục phòng thân như vậy?
Sự có mặt của Cabot Lodge khi đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 8 ở Sài Gòn là dấu hiệu của sự mất kiên nhẫn của Hoa Kỳ trước người đồng minh bướng bỉnh. Nó tạo thêm mối nghi kị và căng thẳng khó hàn gắn giữa Mỹ và ông Diệm.
Việc bổ nhiệm Lodge thay Nolting dưới mắt các nhà ngoại giao là dấu hiệu bật đèn xanh cho các tướng lãnh làm đảo chánh và báo trước ngày cáo chung của chế độ Ngô Đình Diệm. Những cơ may ông Diệm đáp ứng những đòi hỏi của Mỹ thực sự là không có. Không và không. Ông Diệm không muốn nhượng bộ như yêu cầu ông Ngô Đình Nhu phải ra đi ngay cả khi có đe dọa cúp viện trợ.
Đúng ra, ngay từ khi đặt chân xuống Tân Sơn Nhất thì một cách nào đó, viên đại sứ đã thủ trong người một “giấy phép giết người” (a licence to kill).
Thật vậy, Cabot Lodge trong chương trình truyền hình WGBH, Open Vault, Ông ta đã gián tiếp nói về vai trò của ông và những mối liên hệ của ông ta – giúp ông thêm quyết tâm loại trừ Diệm.
Sau khi được TT Kennedy chỉ định làm đại sứ tại Nam Việt Nam tháng 6/1963, ông Cabot Lodge đã đến Sài Gòn vào một ngày cuối tháng Tám, hai tháng trước ngày đảo chính chính phủ Diệm.
Stanley Karnow đã đặt câu hỏi là làm thế nào, chỉ trong thời hạn một hai tuần lễ, ông Đại Sứ đã có thể đưa ra những quyết định là “Diem himself cannot be preserved” như trong mật điện gởi về Washington ngày 24 tháng 8, 1963?
Sau đây là câu trả lời của ông Cabot Lodge:
“Tôi đã có được một vài người bạn mới ở Sài Gòn giúp tôi am hiểu đầy đủ hơn về Việt Nam. Bằng cách đó làm gia tăng giá trị những thông báo của tôi gửi cho tổng thống. Một trong những người bạn ấy là Tổng Giám Mục
Salvatore Asta, khâm sứ Tòa Thánh.”
Và cũng theo Cabot Lodge, vị khâm sứ này có được những liên hệ tín cẩn với các lãnh đạo Thiên Chúa giáo nhờ đó ông có được những thông tin đáng tin cậy.
Nhưng xem lại báo cáo của CIA cho Tổng thống Mỹ ngày 4 tháng 9, 1963:
“a. The Italian Ambassador and the Apostolic Delegate in Saigon believes Ngo Dinh Nhu wants to work things out with US. They say on the basis of contact with Nhu, that madame Nhu is ready to leave the country for a time in order to “save face” for the United States.”
“a. Đại sứ Ý và Tổng Giám Mục [Salvatore Asta] Khâm sứ Toà thánh ở Saigon tin rằng Ngô Đình Nhu muốn giải quyết vấn đề với Mỹ. Họ nói, dựa trên những liên hệ với Nhu, là bà Nhu sẵn sàng rời Việt Nam mọt thời gian để “giữ thể diện” cho Hoa Kỳ.”
Rõ ràng quan điểm của Cabot Lodge dựa theo ý kiến của Khâm sứ Toà thánh khác xa với báo cáo của CIA về cái nhìn của TGM Salvatore Asta đối với thái độ của ông Nhu với Mỹ
Cabot Lodge đi đến kết luận:
“Những buổi nói chuyện trao đổi với các vị trên cho thấy mặc dầu TT Diệm là một nhà lãnh đạo có năng lực đạt được kết quả tốt trong quá khứ, việc điều khiển chính quyền hiện nay của ông ta rõ ràng ở giai đoạn kết thúc [terminal phase] bất kể những gì mà chính phủ Hoa Kỳ đã làm.” (“Vietnam: A Television History; America’s Mandarin (1954 – 1963)”; Interview with Henry Cabot Lodge, 1979 [Part 2 of 5] WGBH,
Open Vault. https://goo.gl/bs6lfG)
Cũng trong tinh thần đó, Cabot Lodge viết như sau trong hồi ký của ông:
“Tôi rất có may mắn được quen biết hai nhân vật thật đặc biệt, (người thứ hai là giáo sư P. Honey- giáo sư người Anh, thông thạo tiếng Việt, dạy đại học văn Khoa, Sàigon). một cơ hội ra ngoài thông lệ, nhờ đó tôi học hỏi được nhiều điều. Khâm sứ Asta là người quen biết rộng rãi trong giới trí thức Thiên Chúa giáo và được họ tin cẩn. Đó là nguồn tin đáng giá và nhờ đó cho thấy được toàn bộ hoàn cảnh lúc bấy giờ.”
(Henry Cabot Lodge, “The Storm Has Many Eyes”, W.W. Norton & Company, Inc (1973) trang 206-207)
Cho nên, cuộc tiếp tân của ông Trương Công Cừu vào chiều ngày 25 tháng 8, 1963 trong đó có việc khâm sứ Salvatore Asta giới thiệu đại sứ Ba Lan Maneli với ông Ngô Đình Nhu, mở đầu cho một loạt những tin đồn thất thiệt.
Những tin đồn đủ thứ này củng cố cho quyết định loại trừ anh em Diệm-Nhu của Cabot Lodge và tướng lãnh Việt Nam.
Và cũng rất có thể suy đoán, chính vị khâm sứ này vừa giới thiệu Maneli cho ông Nhu và cũng chẳng ai khác thông báo “cuộc tiếp xúc của ông Nhu với đại sứ Ba Lan” cho đại sứ Cabot Lodge? Phải chăng không ai khác ngoài người bạn tín cẩn của ông ta là Khâm Sứ Salvatore Asta?
Và biện pháp thứ nhất của kẻ chi tiền là cúp viện trợ vào tháng 10-63 với lời lẽ giả dối: Cúp viện trợ không phải là để bật đèn xanh cho tướng lãnh. Ngược lại để giúp Diệm củng cố vai trò chính trị của ông Diệm bằng cách loại trừ người em ra ngoại quốc.
“The allegation in the Pentagon Papers that in october we cut off aid to Diem in order to give a ‘great light to the gene rals’ is wrong. It was done in order to get Diem to strengthen his political position at home by sending brother out of the country.” (Henry Cabot Lodge, ibid., trang 211.)
Chính vì thế, đã có lần ông Nhu cay đắng tiên đoán: Đã đến lúc phải ăn cơm vắt với muối mè.
Nhưng hãy đọc thêm về phần tài liệu Pentagone Papers để thấy rõ những suy nghĩ và tính toán thật của Cabot Lodge như thế nào. Nhan đề là: ‘Lodge đấu với Diệm’ trong đó tiết lộ thủ đoạn của Cabot Lodge. Lodge viết:
“Xin hãy tin rằng những cơ may Diệm đáp ứng các đòi hỏi của ta thực sự là không. Đồng thời khi đưa những đòi hỏi đó, ta lại cho Nhu cái cơ hội ra tay trước hoặc ngăn chặn hành động bằng quân sự. Nguy cơ này, chúng tôi tin ràng không đáng liều, với Nhu kiểm soát các lực lượng chiến đấu ở Saigon.
Bởi đó đề nghị chúng ta đi thẳng tới các tướng lãnh với các đòi hỏi của chúng ta mà không thông báo cho Diệm. Sẽ nói với họ là chúng ta đã sẵn sàng chấp nhận Diệm mà không có hai vợ chồng Nhu, nhưng thật ra giữ Diệm lại hay không là tùy ở họ. Sẽ nhấn mạnh vào việc các tướng lãnh cần phải có những biện pháp để phóng thích các lãnh tụ Phật giáo và thi hành thỏa thuận ngày 16-6-. Yêu cầu cho ngay các chỉ thị sửa đổi.”
Ở một đoạn khác có chỉ thị của tòa nhà Trắng đã hoãn lại khoản tiền 18 triệu đô la và chỉ thị được nêu rõ:
“Chỉ thị này cũng cho đại sứ Lodge được quyền rộng rãi để xử dụng công cuộc viện trợ như một nguồn ảnh hưởng trong công việc này. Nhưng dặn dò vị đại sứ phải’ lưu tâm rằng chính sách hiện nay của ta không phải là cúp bỏ viện trợ hoàn toàn, […] Chỉ thị đó mặc dù không ra lệnh – cũng đã thúc giục vị đại sứ nên tiếp xúc lại với tổng thống Diệm.”
Thế nhưng ông Lodge không chịu.
“Các điệp văn cao cấp của Hoa Thịnh Đốn gửi cho vị đại sứ tới hết mùa thu năm 1969 rất đáng lưu tâm vì tính cách nhượng bộ khác thường đối với vị đại sứ” (“Hồ sơ mật Lầu Năm góc về chiến tranh Việt Nam”, theo nguyên văn đã được công bố trên Nữu Ước Thời Báo với sự đóng góp của 36 tác giả. Bản dịch của tạp chí Trình Bày, số 40, từ trang 66-79 ngày 27 tháng Năm, 1972.)
Dù sao, “cuộc đi đêm” này như nhận xét của McNamara trong “In Retrospect” theo tôi là phản ảnh thực tế quan điểm của người Mỹ hơn cả:
“Đầu hè (1963) chúng tôi được tin ông Diệm, qua người em trai là ông Nhu, đã bí mật móc nối với Hà Nội. De Gaulle rất muốn tái lập ảnh hưởng của họ ở Đông Dương cũng được thông báo về sự liên lạc này và họ thấy đây là một cơ hội tốt. De Gaulle liền đưa ra lời kêu gọi thống nhất và trung lập hóa miền Nam. Không biết rõ đây là sự thật hay chỉ là lời đồn đãi, và tự hỏi Diệm đang có ý định hăm dọa chúng ta để làm giảm nhẹ áp lực việc ông ta đàn áp thô bạo những phần tử chống đối.” (Robert S. McNamara, “In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam”, Random House Inc., NY, 1995, trang 51.)
(Còn tiếp)
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
TỐ CHẤT CỦA MỘT VỊ TỔNG THỐNG
Một quốc gia đất nước không thể không có người đứng đầu và không thể không có một chính quyền nhất định. Do vậy tố chất của người đứng đầu đó hay vị Tổng Thống đó phải là điều bắt buộc vì có như thế mới có thể có lợi cho dân cho nước, cho quốc gia dân tộc được.
Trong các tố chất bắt buộc đó có thể kể ra sự thông minh sáng suốt, ý thức tự do tự chủ của bản thân, ý thức độc lập quốc gia dân tộc để không phụ thuộc vào bất cứ một nước ngoài nào khác. Sự thông minh như vậy cũng là sự khôn ngoan, vì có khôn ngoan mới đáp ứng chiến thắng được mọi tình thế khó khăn hiểm nghèo đưa đất nước qua được những cơn sóng gió nguy biến, giải quyết được nhiều vấn đề thực tế đặt ra một cách hiểu quả và tối ưu nhất. Đặc biệt có như thế thì mới không mù quáng đối với bất kỳ ý thức hệ hay lý thuyết xa vời viễn mơ nào đó, đồng thời cũng mang lại sự thận trọng là không thể làm điều gì chủ quan nghiêm trọng mà trước những vấn đề quă lớn lao nào đó thì nhất thiết không tự tiện quyết định mà cần phải hỏi ý kiến và ý chí toàn dân bằng một cuộc trưng cầu dân ý.
Nhưng còn điều hệ trọng khác là không bao giờ được có tâm lý tham quyền cố vị, không bao giờ vì tư lợi hay quyền hành mà dùng các thủ đoạn chính trị thấp kém hay độc tài độc đoán theo cách chủ quan. Có nghĩa mục đích tự do dân chủ cho toàn xã hội, mục tiêu ích quốc lợi dân, luôn luôn phải đặt lên hàng đầu, cho dù có phải xử sự cách nào và với bất cứ trường hợp hay đối tượng nào cũng quyết không thể quay lưng bỏ qua hay cố ý phớt lờ chính nguyên tắc đó. Cho nên chủ trương ứng cử và bầu cử tự do dân chủ trong chính trị, không truyền chính trị kiểu mị dân hay ngu dân, không lưa dối nhân dân trong bất kỳ trường hợp nào, phải luôn quan tâm mở mang dân trí, luôn chú trọng đào tạo các nhân sự cũng như các lớp kế thừa đầy đủ năng lực và tài năng cho đất nước, luôn luôn tìm kiếm nhân tài để cùng giúp đỡ, cộng tác thêm với mình nhằm lo cho dân cho nước mà không phải vì quyền lợi bản thân hoặc cũng không vì ích kỷ mà phong tỏa, chận đứng hoặc tiêu diệt mọi nhân tài khác mà họ có thể đồng ý hay không đồng ý với chủ trương chính sách của mình. Có nghĩa vì một nền dân chủ tự do lý tưởng và thực chất cho xã hội, đó chính là một tố chất quan trọng nhất giữa nhiều tố chất cần thiết khác nhau của người lãnh đạo.
Đồng thời, khi xem xét, đánh giá một nhà lãnh đạo, một nguyên thủ quốc gia, một chinh sách đã từng nắm quyền, phải xem những thành quả, những mặt tích cực nào mà họ đã làm được cho đất nước trong khi đương quyền, đó chính là yếu tố quyết định nhất, không thể nào đánh giá chung chung kiểu vô thưởng vô phạt. Đặc biệt nếu trong nhưng hoàn cảnh thật sự khó khăn mà họ vẫn chiến thắng và vẫn tạo nên các thành quả rõ ràng cho đất nước, cho người dân, đó mới thật sự chứng minh được năng lực, tài năng, và cả sự cao quý và đức hạnh của họ.
Trong tính cách như thế, nếu công tâm mà xét, ông Ngô Đình Diệm trong thời kỳ cầm quyền của ông ta ở Miền Nam trước đây quả có đầy đủ những tố chất đó của một nhà lãnh đạo đất nước thật sự. Bởi cha ông Diệm là ông Ngô Đình Khả là vị Thượng thư trong triều Nguyễn, là một người thể hiện được tính thanh liêm và lòng yêu nước khi làm quan, vì đày vua không Khả, đào mả không Bài, đó cũng chính là tố chất mà chính ông Diệm đã được thừa hưởng và rèn luyện từ chính người cha của mình. Ông Diệm cũng đã bỏ chức quan Thượng Thư trong triều Nguyễn khi ông yêu cầu người Pháp cách tân các chính sách chính trị cho đất nước ta không hiệu quả, ông cũng từng bắt tay với nhà cách mạng Cường Để để toan lo việc nước chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, và những sĩ khí như thế cũng chứng minh được các tố chất của người có thể nắm vai trò lãnh đạo là như thế.
Nhưng rất tiếc thời thế đã không chìu ông Diệm trong mục đích và lý tưởng đất nước mà suốt một đời ông nguyện theo đuổi. Bởi người lãnh đạo luôn phải cao hơn người bình dân một cái đầu. Vì người dân thường thì chỉ a dua theo người này chê người khác, đâu thể nào có nhiều đầu óc sáng suốt hoặc công tâm công lý và có chí hướng cao cả giống như người có tố chất chính trị lãnh đạo. Cho nên phần lớn những người chỉ trích và chống đối ông Diêm thời đó cũng chưa chắc họ công tâm hiểu biết gì mà phần nhiều cũng chỉ là những khuynh hướng bình dân ô tạp, vì thị hiếu, vì theo phe nhóm, phò người nọ chống người kia, chưa hẳn đã có các lập trường chính trị rõ ràng dứt khoát gì mà mọi người đứng đầu quốc gia đều cần phải có.
Như vậy việc lật đổ ông Diệm rõ ràng ngày ta đã có nhiều tài liệu lịch sử được giải mã, là có bàn tay của giới lãnh đạo Mỹ khi đó như Đại sứ Mỹ Cabot Lodge khi ấy chủ động vì đã nhận được lệnh từ Tổng thống Mỹ Kennedy. Lý do đơn giản là ông Diệm nhiều lần quyết liệt cản ngăn không muốn để quân đội Mỹ ồ ạt tiến vào Miền Nam. Đặc biệt họ dựa vào thời cơ những phần từ bất mãn hoặc khuynh tả chống lại ông Diệm, nhất là phong trào đấu tranh Phật giáo lúc đó do một hòa thượng Phật giáo lúc đó là Thích Trí Quang cầm đầu. Thực sự mà nói Thích Trí Quang chống ông Diệm là vì lý do chính trị khuynh khuynh tả của ông ta mà không phải hoàn toàn thuần túy tôn giáo, bởi vì ngay trong thâm tâm ông Trí Quang cũng dư biết vụ biến cố cấm treo cờ Phật giáo ra ngoài đường ở Huế khi đó chỉ là việc bé xé ra to mà không phải ý nghĩa gì thực chất cả. Thế nhưng mục tiêu chính trị thì đầy rẫy mánh lới và thiên hình vạn trạng, nên Diệm đành phải thất bại trước Quang chính là như thế. Ngay cả vụ gọi là tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức thực chất cũng mang màu sắc chính trị có tính toán mà chưa hẳn thuần túy ý nghĩa Phật giáo như phần lớn người Phật tử bình dân không đủ thông tin và dữ liệu khách quan lầm tưởng. Nói chung có sự nhiễu loạn phần nào đó về nhận thức khách quan chỉ do sự cuồng tín chính trị pha lẫn tôn giáo của số người nào đó tạo nên. Chính người Mỹ hoặc lợi dụng hay bị cuốn hút vào nỗi xúc động chính trị giả tạo nào đó của một số người mà họ chủ trương lật đổ ông Diệm thẳng tay cũng chẳng qua là như thế. Điều này ngày nay lịch sử đã dần sáng tỏ, chỉ tiếc rằng phần nhiều những người chỉ trích ông Diêm ngay đó thì nay không còn nữa. Ngay cả Giáo sư luật Vũ Văn Mẫu, một vị trí thức có danh thời đó, là Bộ trưởng ngoại giao cho ông Diệm mà cũng xuống tóc cạo đầu chống lại ông Diệm theo cách cảm xúc nhất thời thì thật sự cũng đầy tính lố bịch mà chắc ngày nay mọi người vào thời đó đều hiểu.
Nhưng quan trọng nhất là những thành phần các tướng lãnh của ông Diệm chống lại ông ta vì nhiều lý do khác nhau, vụ lợi riêng cũng có mà bị cuốn hút vào phong trào chung khi đó cũng có, đặc biệt do chính người Mỹ giật dây và bật đèn xanh lúc đó. Nhưng đáng nói nhất lại chính là vai trò của ông Dương Văn Minh. Ông ta là tướng lãnh mà lại sùng bái sư thầy một cách mù quáng và quá đáng, nhất là mù quáng vào Thích Trí Quang, thực chất chỉ là người làm chính trị khuynh tả trá hình nhưng lại lợi dụng và núp vào lòng tin tôn giáo. Ý nghĩa chính ông Diệm không phải thực chất kỳ thị Phật giáo, ông ta chỉ muốn nêu cao quan điểm ý thức thể thống quyền lực quốc gia mà ông ta luôn luôn nặng lòng, trong khi đó Thích Trí Quang thực chất chỉ lợi dụng thời cơ có lợi cho mưu đồ chính trị của mình và cứ thế mà dấn tới. Mọi điều này sau này lịch sử chung sẽ sáng tỏ, nhưng phân tích khách quan nhiều sự kiện lúc ấy thì người ta hoàn toàn có thể nhận ra được điều đó không mấy mơ hồ gì cả. Cho nên ông Dươn Văn Minh làm đảo chánh thành công ông Diệm vào năm 1963 rồi tới năm 1975 ông ta cũng nhân danh cương vị Tổng Thống để đầu hàng phe chiến thắng thì điều đó cũng chẳng có gì lạ. Tức tố chất người lãnh đạo của ông Minh hoàn toàn không có được như ông Diệm. Hành động sai một xe thiết vận xa thiết giáp đi đón một ông Tổng Thống vừa bị đảo chánh, tức đi bắt ông Diệm cho thấy cung cách ông Minh chỉ là tầm thường, nó không mang tính cách đàng hoàng tối thiểu nào cả, vì cả hai mới cùng một phe trước đó mà nào xa lạ hay cừu địch ghê gớm gì. Vả chăng cho đem xe thiết giáp đi bắt sống dù ông Diệm không phản kháng gì, rồi trên đường đi ngầm sai một đại úy thuộc hạ của mình tên Nhung sát hại hai anh em ông Diệm ngay trong lòng chiếc xe thiết giáp một cách dã man tàn ác càng cho thấy tố chất ông Dương Văn Minh từng lên đứng đầu Miền Nam thực sự chẳng ra thể thống gì cả. Bởi ông ta rõ ràng chỉ là sản phẩm chính trị của thời thế đưa đẩy, chẳng hội đủ nhân cách của người lãnh đạo chính trị với những tố chất phải có như trên đã phân tích. Trong khi đó dầu trước các hiểm nghèo tư cách ông Diệm luôn luôn bình tỉnh, điềm đạm, không sợ hãi, lung lay, điều đó cho thấy tố chất làm người đứng dầu lãnh đạo của ông Diệm là hoàn toàn xứng đáng vì đó là phẩm chất khách quan mà vốn trời sinh ra ông ta là như thế. Cho nên điều đó thật là tiếc một nhân vật chính trị xứng đáng mà không gặp hoàn cảnh lịch sử khách quan thuận lợi quả chính là như vậy.
NON NGÀN
(25/9/16)