Chợt thấy Sài Gòn

Trần Giao Thuỷ

saigon

Thường vào Facebook hàng ngày nhưng lâu lắm rồi mới có được cảm giác lạ khi đọc bài viết ngắn của một tác giả mà tôi không được biết, dù có ngờ ngợ khi đọc bút danh.

Cái cảm giác lạ khi đọc đoản văn đó là thấy như mình đang đọc báo ở Saigon gần 50 năm trước. Nghĩa là tôi được đọc văn phong cuả người Saigon như đã biết nửa thế kỷ trước đây.

Chả cá. Nguồn: OntheNet
Chả cá. Nguồn: OntheNet

Bài viết có nội dung rất giản di, tác giả kể lại chuyện đi thăm bạn và người thân ở California; câu chuyện rất bình thường về một chuyến đi thăm, nhưng với tôi thì đó là một bài nhận định sâu sắc về đời sống của người Việt Nam và những thay đổi tiệm tiến nhưng đang giải phẫu bộ mặt của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Đó cũng có thể xem như một bài bình luận, nhưng không có những chữ đao to búa lớn, không đào mồ cuốc mả bất kỳ một lãnh tụ, một phe phái nào, và cũng không cường điệu. Tác giả nghĩ thật và viết thật cảm nghĩ của mình.

Nhưng cái lạ nhất mà tôi cảm thấy và đọc được là với hơn 1000 chữ, tác giả không hề dùng bất cứ một chữ nào xa lạ hay quá cao siêu để tôi phải tự hỏi nó nghĩa là gì. Trong bài không có những chữ như “sản sinh”, “chủ sở hữu”, “tồn tại”, “thoát trung”, “đa phần”, “cưỡng chế”, “xâm hại”, “đối mặt”, “tuần tra”, “chí ít”, “chung chi”, “sự cố”, “ùn tắc”, “lý giải”, “siêu xe”, “siêu mẫu”, “di dời”, “ký lụi”, “đâm liên hoàn”, “cao tốc A-B”, “truy sát”, “phát hiện” “lái ô tô” (danh từ), “quy trình”, “bổ sung”, “giao lưu”, “sách hoá”, “tính nhân văn”, “hộ chiếu”, “tên lửa”, “chuyên san”, “cực chất”, vân vân và vân vân.

Nhận xét về tấm bảng thực đơn ở một tiệm ăn, tác gỉa viết,

“Chữ viết tay khá đẹp, chắc do một người lớn, được học viết tay từ bé. Bây giờ ở Mỹ, đâu có ai trong lớp trẻ học viết tay trên những cuốn Tập Ðồ nữa. Làm sao tìm được người trẻ viết tay đẹp như thế này.”

Tác giả làm người đọc nhớ lại những cuốn vở tập đồ thuở nhỏ, nhớ lại Saigon muôn năm cũ.

Bài viết cho người đọc thấy những thay đổi trong xã hội Việt Nam ở vùng Nam California qua những nhận xét của tác gỉa về đĩa chả cá, về bát phở bây giờ so với khi người tị nạn cộng sản mới sang sinh sống ở Mỹ.

Cấm bò (tất cả các loại) giấy vào bồn cầu. Giệt Mỹ tại Mỹ? Nguồn: TGT
Đừng bỏ (tất cả các loại) giấy vào bồn cầu. Giệt Mỹ tại Mỹ? Nguồn: TGT

Mới đây, có dịp ngồi lại chuyện trò cả buổi với vài người bạn tại một quán café ở Anaheim. Tán chuyện bên lề, một anh bạn thuật lại chuyện thằng cháu trong gia đình suýt bị các bà cô từ, không nhận họ.

– Thế cháu định học chuyên ngành gì?
– Thưa, giải phẫu thẩm mỹ ạ!
– Sao lại giải phẫu thẩm mỹ?
– Cô nhìn xem, phụ nữ nhà mình, đằng trước cứ như đằng sau.
– Thôi, từ nay không cô cháu họ hàng gì nữa nhé!

Ngoài câu chuyện anh sinh viên vừa kể, những bộ ngực silicone ngồn ngộn, và tấm bảng yêu cầu đừng bỏ mọi loại giấy vào bồn cầu, ở đó tôi được nghe lại giọng nói của người Hà Nội – Hà Nội thời di cư sau hiệp định Geneva, chứ không phải giọng Bắc “2 nút”. Nhưng đó là một ngoại lệ. Vì tác giả bài viết cũng kể lại kinh nghiệm với giọng Bắc trong chuyến đi thăm người thân ở California.

“Bây giờ nghe nói ở miền Nam Cali này có khu thương mại của những người mới sang Mỹ […] Vào đó nghe toàn giọng Bắc sau 1975. Một giọng Bắc mà những người di cư năm 1954 nghe xa lạ như nghe một ngoại ngữ nào đó.”

Tác giả nghe ngoại ngữ giọng Bắc sau 1975 có lẽ cũng không khác khi tôi đọc báo (chợ) tiếng Việt không phải của mình nữa.

Tranh Cá chép. Nguồn: OntheNet
Tranh Cá chép. Nguồn: OntheNet

Một lần duy nhất tôi khựng lại khi đọc đến đoạn tả bức tranh đàn cá Anh Vũ, có chữ Tầu, một con màu đỏ với tám con màu đen. Tôi khựng lại không phải vì chữ Tầu; tranh (Tầu) có chữ Tầu treo ở tiệm ăn là chuyện thường thấy. Tôi khựng lại vì cá Anh Vũ sao lạ có màu đen với mầu đỏ. Một là tôi quá dốt về tên các loài chim cá, cây cỏ Việt Nam; hai là, có thể, có thể thôi, tác giả tả bức tranh cá chép, cá Koi nhưng lại gọi là cá Anh Vũ – một loại cũng thuộc họ cá chép, màu xám tro, bụng vàng, sống ở miền Bắc Việt Nam và phía Nam Trung Hoa. Hình dạng, màu sắc cá Anh Vũ cũng không có gì đặc sắc để vẽ nên tranh.

Nhận xét sau cùng trong bài, tác giả dành cho tấm bích chương ở một tiệm ăn Viêt Nam ở thành phố Palm Springs, CA. “Chứng chiên”, tác giả quay nhìn khi nghe cô cháu, sinh ở Mỹ, đọc hai chữ tưởng chừng như của bảng thực đơn treo tường. Thật ra đó là một bức tranh có hàng chữ lớn “Chiến Trường Cần Súng Ðạn”.

Cờ đỏ sao vàng to hơn hộp diêm. Nguồn: OntheNet
Cờ đỏ sao vàng to hơn hộp diêm. Nguồn: OntheNet

Bức tranh là hình vẽ một con voi với một người lính cầm súng bên một lá cờ đỏ sao vàng, chỉ bé bằng hộp diêm, “của VC”.

Tác giả đi ăn với gia đình, con cháu nhưng đã chẳng đặng đừng, phải bày tỏ quan điểm chính trị – một cách rất Saigon:

“Thôi nghe, thức ăn có ngon đấy, nhưng ngày mai các con chọn tiệm khác, mẹ không muốn vào đây lần thứ hai.”

Tác giả kết luận bằng câu tự hỏi mình, nhưng tôi nghĩ là tác gỉa đang hỏi tất cả những người tị nạn cộng sản quanh đây.

“Người quốc gia mình đang thực sự sinh hoạt với ai? […]
Mình đang ngồi trong một quán ăn của ai đây? Mình có thản nhiên ăn uống được không?”

Tác giả “Nhà hàng của ai?”. Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ.
Tác giả “Nhà hàng của ai?” (2011). Nguồn ảnh: Diễn Đàn Thế Kỷ.

Tác giả là ai? Phải đi tìm tôi mới biết.

Tác giả là một người sinh ra ở miền Bắc vào đầu thập niên 40, di cư vào Nam khi mới hơn 10 tuổi và năm 1975 sang Mỹ tị nạn cộng sản (lần thứ 2). Tương tự như điệp viên Phạm Xuân Ẩn, tác giả, đã làm việc cho một hãng thông tấn Mỹ ở Sài Gòn. Nhưng nếu ở lại Việt Nam, có lẽ tác gỉa sẽ không được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, hay thăng Đại tá, Thiếu tướng mà sẽ phải đi tù vì tội “tay sai đế quốc Mỹ”.

Sang đến Hoa Kỳ, từ năm 2000, tác giả viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times và làm thơ (bằng Anh ngữ) cho sách giáo khoa bậc Trung học. Tác giả cũng từng được giải thưởng báo chí, làm Chủ Bút một nguyệt san. Người Việt ở Mỹ biến đến tác giả như một thi sĩ, có nhiều tác phẩm đã phổ nhạc. Đây là lý do người viết bài này ít nghe đến danh tiếng của tác giả, vì đã thôi làm thơ và thôi hát từ hơn 30 năm trước, tuy thỉnh thoảng vẫn đọc vài đoạn thơ cũ, vẫn còn nhớ từ thời còn ngồi ghế nhà trường.

Mời tất cả bạn đọc tìm đọc bài “Nhà hàng của ai?” của tác giả Trần Mộng Tú, đã đăng ở báo Trẻ Online, ngày 10 tháng 9, 2016.

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát 
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông ”

Nguyên Sa, Áo lụa Hà Đông
Thơ Nguyên Sa, Tổ hợp Gió xuất bản, 1971

© 2016 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


DCVOnline minh hoạ.

2 Comments on “Chợt thấy Sài Gòn

  1. LỊCH SỬ RỒI QUA

    Những gì lịch sử rồi qua tất
    Còn lại về sau những lớp người
    Những lớp đội trời chân đạp đất
    Mới gồm bộ mặt những nhân văn

    Những lớp còng lưng còng cả gối
    Toàn hô khẩu hiệu cũng qua đi
    Một thời hãnh diện vì vong bản
    Sống giả mơ mê cũng còn gì

    Nên thôi thật tội bao lớp người
    Nói tới càng thêm chỉ bùi ngùi
    Sống gửi thác huề như cái bóng
    Linh hồn chẳng thực cũng đê mê

    Tội ấy ai gây đến cuộc đời
    Con người hóa bóng chỉ mù khơi
    Chỉ thành phương tiện mà đâu biết
    Cái chất nhân văn cũng phủi rồi

    Ô hay quả thật biết bao người
    Bánh vẽ nhờ ăn sống một đời
    Theo mộng hão huyền như cảnh thật
    Toàn là biển sóng kiểu chơi vơi

    Nhưng nói làm sao giữa biển người
    Đã như bọt sóng khắp nơi rồi
    Dễ bảo kẻ say mà tỉnh lại
    Cầm bằng đánh mất bản thân thôi

    Rồi thảy cuối cùng cũng lại qua
    Bao nhiêu uẩn khúc dẫu hàng hà
    Lịch sử giống như giòng sông lớn
    Qua rồi qua cả vết hằn xưa

    Tiếc thay thân phận những con người
    Chỉ sống hẩm hiu giữa cuộc đời
    Hương khói để thờ thần thánh ảo
    Cuối cùng còn chỉ gốc cây đa

    Cái miếu thổ thần năm xưa đó
    Rồi ra cũng sót lại những gì
    Khi mà lịch sử trôi qua hết
    Cát bụi mơ hồ cũng xóa đi

    Nên thôi hãnh diện được một đời
    Mộng ảo rồi thì cũng thế thôi
    Cái thực vẫn luôn là cái thực
    Mộng đời ảo tưởng cứ hằng trôi

    SÓNG NGÀN
    (22/9/16)

  2. QUẢNG NAM

    Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
    Rượu hồng đào chưa uống đà say
    Nồng nàn như thế bao ngày
    Uy danh lịch sử chưa phai bao giờ

    Sao bổng chốc cúi lòn “lãnh tụ”
    Thật quả nào người ngợm ra chi
    Núi Thành chứng tích y sì
    Phải xây tám cột khác chi lời vàng

    Sao không bảy hay là không chín
    Phải y chang tám cột mới hay
    Bởi vì “Bác” nói những ngày
    Lời vàng tám chữ làm sao bây giờ

    Ôi nhục nhã con người đất Quảng
    Bọn bây giờ Tố Hữu khác đâu
    Phải mông “lãnh tụ” đội đầu
    Cho dầu tám hoánh chết tiêu ngày nào

    Nên uổng thật Chu Trinh là thế
    Cả Thái Phiên và cả Cao Vân
    Cả Trần Quý Cáp bao ngần
    Những người độc lập tự do hết rồi

    Tuy dầu Ngũ Hành Sơn còn đó
    Còn chi mô sĩ khí con người
    Khí thiêng đạp đất đội trời
    Nay thành giun dế giữa đời là sao

    Cứ “lãnh tụ” bề nào cũng tốt
    Cứt thành thơm địt cũng thành hay
    Hở ra lòng dạ mê say
    Giống y bầy két bao ngày quến vô

    Sao thế sự hồ đồ như thế
    Bởi từ ngoài truyền bá vào trong
    Cả non thế kỷ đi đoong
    Liên Xô Trung Quốc mới hòng trời cao

    Toàn “vĩ đại” đổ nhào cũng phải
    Nhưng còn đây cháu chít lớp lang
    Thật là hoành tráng muôn vàn
    Thở hơi nịnh bợ chỉ toàn thối om

    Thương đất Việt giống Rồng đâu hết
    Giờ chỉ còn một bọn con giun
    Lại thương cả đất Quảng Nam
    Địa linh nhân kiệt thành chum cá mè

    Đâu ra chuyện tóe hoe kiểu thế
    Phải chăng từ ông Mác ông Lê
    Ông Mao ông Sít hoa hòe
    Để tay Tố Hữu muôn đời ngợi ca

    Giòng máu Việt quả là lụn bại
    Giờ chỉ còn “lãnh tụ” đội đầu
    Quảng Nam truyền thống hỏng rồi
    Núi cao sông cả bây giờ còn chi

    Thành một bọn ngu si đần độn
    Biết gì đâu đất nước non sông
    Thở ra toàn giọng màu hồng
    Hít vào toàn thứ chổng mông tôn thờ

    Ngu dân thế ai làm nên nỗi
    Thật nhục thay uổng chí Tây Hồ
    Một đời tranh đấu cam go
    Cuối cùng trớt hướt giống nòi Quảng Nam

    Nên vài chữ với người đất Quảng
    Dẹp hết đi đừng có tự hào
    Cái thời danh giá qua rồi
    Tề Phi Ngũ Phụng nay còn toàn giun

    DĂM NGÀN
    (23/9/16)