Di sản của vua Abdullah để lại cho Ả Rập Saudi

Tim Hume CNN | DCVOnline lược dịch

abdullah(CNN) Cố quốc vương Ả Rập Saudi Abdullah bin Abdulaziz al-Saud lên ngôi vào năm 2005, nhưng đã thực sự cầm quyền khi anh của ông, quốc vương Fahd đột quỵ mười năm trước đó.

Quốc vương Ả Rập Saudit (1924-2015). Nguồn: www.amwaj.ca
Quốc vương Ả Rập Saudit (1924-2015). Nguồn: www.amwaj.ca

Hai mươi năm ông lãnh đạo một trong những đồng minh quan trọng chiến lược của phương Tây trong thế giới Hồi giáo đã để lại một di sản, có thể không rõ ràng, nhưng không thể xóa nhòa.

Dưới đây là năm đặc điểm đáng chú ý nhất của triều đại của quốc vương Abdullah bin Abdulaziz al-Saud.

1. Đổi mới cho phụ nữ

Đã có nhiều hy vọng rằng uy tín của Abdullah là một nhà cải cách hiện đại hóa sẽ đem lại lợi ích cho phụ nữ trong vương quốc bảo thủ cực đoan này.

Phóng viên quốc tế của CNN Nic Robertson cho biết, nhưng khi đối đầu với những phản đối việc thay đổi nền văn hóa, mức tiến bộ cho phụ nữ đã thấp hơn sự mong đợi.

“Nhà vua đã hứa rất nhiều cải cách nhưng … ông đã bị giới hạn vì tính chất bảo thủ của xã hội Ả Rập.”

Abdullah là vị vua đầu tiên của Ả Rập Saudi bổ nhiệm phụ nữ vào trong chính phủ. Năm 2013, ông đã bổ nhiệm 30 phụ nữ vào Hội đồng Tư Vấn (Tương đương với Thượng viện) gồm 150 thành viên, là cơ quan tư vấn hàng đầu đóng vai trò cố vấn trong chế độ quân chủ tuyệt đối của Ả Rập Saudi.

Năm nay, lần đầu tiên phụ nữ sẽ có thể bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử địa phương, và phụ nữ đã được bầu chọn vào các Hội đồng của các phòng thương mại.

Nhưng nhiều hạn chế khác về phụ nữ tại Ả Rập Saudi vẫn còn: Phụ nữ không thể kết hôn, rời khỏi đất nước, đi học hoặc mở trương mục ngân hàng mà không cần sự cho phép của người giám hộ nam, thường là cha hoặc chồng mình.

Saudi Arabia là nước duy nhất mà người phụ nữ không được phép lái xe, mặc dù các kiến nghị và những chiến dịch bất tuân dân sự của giới hoạt động trong những năm gần đây.

Trong tháng Mười Một vừa qua, Hội đồng Tư vấn đề nghị lệnh cấm (lái xe) được dỡ bỏ, với những hạn chế, nhưng đề nghị này đã chưa đuoạc chấp hành, và những người bất chấp lệnh cấm tiếp tục bị truy tố.

Robert W. Jordan, người từng là Đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia trong khoảng 2001-2003, cho biết ông đã có cuộc nói chuyện thường xuyên với quốc vương Abdullah về quyền con người, kể cả quyền của phụ nữ ở vương quốc. Ông nói với CNN,

“Nhà vua nói, ‘Đừng đẩy chúng tôi đến điểm đứt giây. Làm thế là một kiểu chận đứng tiến trình cải cách, mà nó đòi hỏi phải biết tùy cơ tiến thoái.’”

Ali al-Ahmed, một cựu tù nhân chính trị Ả Rập Saudi và là giám đốc của Viện Sự vụ vùng Vịnh, cho biết uy tín của Abdullah như một nhà cải cách đối với một số khác là điều không đúng.

Vương quốc này đã nằm dưới sự giám sát quốc tế trong những tuần gần đây vì đang thực hiện những hình phạt khắc nghiệt, gồm cả hành quyết và phạt đòn roi vọt. Ông Ali al-Ahmed nói tiếp,

“Cải cách ở Saudi Arabia không hiện hữu. Đây là một chế độ quân chủ tuyệt đối, chúng ta hãy trung thực.”

2. Dẹp Al Qaeda

Trong cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 vào đồng minh quan trọng của Ả Rập Saudi có 15 trong số 19 kẻ tấn công là người Ả Rập Saudi – đây là một điểm uốn của vương quốc này.

Vua Abdullah đã vận động việc bỏ các trại lính Mỹ, đã hiện diện tại nước này kể từ năm 1990 — đây cũng là điều than phiền lớn nhất của những kẻ tấn công Mỹ ngày 11 tháng 9, 2011 – sau đó củng cố quân sự của mình với một chi phí 150 tỉ USD.

Những cuộc tấn công vào các căn cứ của dân cư người phương Tây – trong đó hàng chục người đã thiệt mạng – đã dẫn đến một cuộc đàn áp tàn bạo đối với quân khủng bố ở vương quốc này, những người đang tìm cách lật đổ triều đại nhà Saud. Ban lãnh đạo bị bắt, những người đi theo bỏ trốn và những người chủ trương cự đooan bị loại ra rìa, phóng viên Robertson nói.

Saudi Arabia đã đóng vai chính trong liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đương đầu với nhóm khủng bố cực đoan Sunni ISIS – mà hiện nay là đối thủ của Al Qaeda như nhóm thánh chiến sung mãn nhất trên thế giới – ở Syria và Iraq.

Nhưng vẫn còn dấu hỏi đặt ra về sự liên kết giữa Saudi Arabia và nhóm khủng bố Hồi giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN Christiane Amanpour hồi tháng Mười, tỷ phú doanh nhân Ả Rập Hoàng tử Alwaleed Bin Talal thừa nhận rằng “rất tiếc là một số phần tử cực đoan ở Saudi Arabia … đã tài trợ cho một số phần tử cực đoan ở Syria,” nhưng nhấn mạnh rằng sự tài trợ này đã chấm dứt.

Những người khác cho rằng Wahhabism, hình thức Thanh giáo của Hồi giáo Sunni là tôn giáo chính thức của vương quốc, phát huy khắp thế giới Hồi giáo, là nơi nuôi dưỡng ý thức hệ cho các nhóm [cực đoan] như vậy.

Saudi Arabia hiện nay phải đối mặt với một mối đe dọa của ISIS ở vùng biên giới. Hồi đầu tháng này, ISIS bị cáo buộc là đã tấn công một đội tuần tra biên giới Ả Rập gần Arar. Vương quốc Ả Rập Saudi đang dựng một hàng rào khổng lồ dọc biên giới với Iraq để ngăn không cho quân cực đoan ISIS vào nội địa, Robertson nói.

3. Giáo dục giới trẻ

Một trong những di sản lớn nhất của vua Abdullah là ông đã tập trung vào việc hiện đại hóa hệ thống giáo dục tại Ả Rập Saudi, là nhận định của Mark Weston, tác giả cuốn “Các Thiên sứ và và những Hoàng tử: Saudi Arabia từ Muhammad đến hiện tại” [“Prophets and Princes: Saudi Arabia from Muhammad to the Present.”]

Sau một cố gắng bất thành vào năm 1979 của quân nổi dậy cực đoan để chiếm Nhà thờ lớn Hồi giáo Mecca và lật đổ tập đoàn lãnh đạo Ả Rập, vương quốc đáp lại bằng cách trở nên bảo thủ hơn, Robertson nói. Chủ truong thanh giáo mới này đã phản ảnh trong hệ thống giáo dục trong hai mươi năm trước, cho đến khi Abdullah bắt đầu một chương trình đầy tham vọng để hiện đại hóa, bất chấp sự phản đối từ phe tôn giáo bảo thủ.

Trọng tâm là chương trình học bổng Vua Abdullah, đã gửi hàng trăm hàng ngàn thanh niên Ả Rập Saudi đi du học với chi phí của chính phủ.

Mục đích của chương trình này nhằm phát triển một lực lượng lao động của dân Ả Rập Saudi có khả năng thay thế người lao động nước ngoài trong công việc có tay nghề cao trong vương quốc, mà còn mang đến một triển vọng hiện đại, quốc tế hơn cho vương quốc.

“Cho những học bổng thế này là đã nhận ra rằng con đường hiện đại hóa Saudi Arabia đến từ giáo dục,” phóng viên Robertson nói.

Tại quốc nội, đại học giáo dục cả nam và nữ sinh viên đầu tiên của Ả Rập Saudi, Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc vương Abdullah, được thành lập trong năm 2009, bất chấp bị một số phản đối.

Ðể bày tỏ lời chia buồn của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ghi nhận công lao của Vua Abdullah với nền giáo dục của Ả Rập Saudi.

4. Cải cách nền kinh tế

Trong khi di sản của Abdullah như một nhà cải cách xã hội đang được tranh cãi, thì những thành tựu của ông trong cuộc cải cách kinh tế đã quá rõ ràng, theo nhận định của giới quan sát.

Bên cạnh việc cải cách giáo dục, thành tích của nhà vua đã để lại là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2005, đưa đất nước của mình vào nền kinh tế toàn cầu, Weston nói.

Abdullah mở cửa cho giới đầu tư trực tiếp nước ngoài và sử dụng một khoản tiền rất lớn nhờsự thịnh vượng giàu dầu mỏ để thiết lập cơ sở hạ tầng quốc gia và các dự án lớn như thành phố kinh tế Quốc vương Abdullah trị giá 86 tỉ USD, công bố trong năm 2005.

Những cải cách phản ảnh viễn kiến của vua Abdullah về sự cần thiết phải đa dạng hóa nền kinh tế nước nhà trước một tương lai không tránh khỏi là lúc Ả Rập Saudi không còn thu tiền được từ dầu khí, ông Robertson nói.

5. Nâng cao tầm cỡ quốc gia trên sân khấu thế giới

Saudi Arabia cũng nâng tầm vóc quốc gia trên trường quốc tế dưới triều đại của Abdullah, cố quốc vương đã tham gia, giữ một vai trò quan trọng trong các vấn đề của khu vực và trên thế giới.

Obama, trong lời chia buồn của ông, đã ca ngợi vua Abdullah đã có “những bước táo bạo” trong việc thúc đẩy các sáng kiến hòa bình ở Trung Đông, và để đến gần hơn với cộng đồng quốc tế.

Trong suốt triều đại của ông, Saudi Arabia trở thành quốc gia Ả Rập duy nhất có một ghế trong khối G20, và là quốc gia đầu tiên gìn giữ hai Thánh đường Hồi giáo, như vương quốc Saudi được biết đến, đã gặp gỡ với Giáo hoàng của Kitô giáo.

Nhà vua Abdullah cũng đưa ra một thông điệp về sự khoan dung tôn giáo, bất chấp sự nghiêm khắc của Saudi Wahhabism, Robertson nói.

Nic Robertson, Becky Anderson và Christiane Amanpour của CNN cùng đóng góp vào bản tin này.

© 2015 DCVOnline


Saudi King Abdullah’s legacy: 5 things to know. By Tim Hume, CNN, Fri January 23, 2015