Tại sao sự ca tụng Hội nghị Thượng đỉnh Đại Hàn của Trump là hấp tấp

Robin Wright | Trà Mi

“Kim vẫn là Kim, vẫn là con người như khi ông ta thanh trừng các đối thủ chính trị, giam giữ hàng ngàn người dân Bắc Hàn, và ra lệnh lấy mạng của người thân của ông ấy…”

Một cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Un, và Tổng thống Nam Hàn, Moon Jae-in, đã cho thấy thoáng qua hình ảnh hiếm có về một sự hòa hoãn có thể xảy ra sau một năm không ngừng leo thang chiến tranh. Ảnh chụp từ Korea Summit Press/Pool/Getty

Tổng thống Trump tuyên bố “Chiến tranh Đại Hàn sẽ chấm dứt” trong một tin nhắn tweet đi vào buổi sáng hôm thứ Sáu chào mừng hội nghị thượng đỉnh ở Đại Hàn. Trump khoe

“Sau một năm chao đảo phóng tên lửa và thí nghiệm hạch tâm, một cuộc họp lịch sử giữa Bắc và Nam Hàn đang diễn ra. Những điều tốt đẹp đang xảy ra.”

Cuộc gặp gỡ này thực sự là một sự kiện gây hồi hộp, tập trung vào hai người lãnh đạo chính trị không vừa lứa. Tổng thống Nam Hàn, Moon Jae-In, có bố mẹ đã bỏ chạy khỏi Bắc Hàn, là cựu luật sư nhân quyền với gốc gác khiêm nhường. Cha ông đã làm việc trong một trại tù binh chiến tranh; trong những năm mới lớn ông nằm trong địu sau lưng của mẹ mình khi bà đi bán trứng rong ngoài chợ. Khi còn là sinh viên, ông đã vào tù vì phản đối chế độ cai trị độc tài ở Nam Hàn, rồi được bầu làm Tổng thống trong một cuộc bầu cử dân chủ, vào năm 2017. Lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jung Un, là một trong những kẻ chà đạp nhân quyền tồi tệ nhất thế giới, từng bị cáo buộc là đã ra lệnh ám sát anh cùng cha và xử tử hình dượng của ông ấy. Trong một vùng đất thiếu thốn, nghèo đói kinh niên, ông là một sản phẩm của đặc quyền hiếm có và được hấp thụ một nền giáo dục nội trú của Thụy Sĩ. Ông là thế hệ thứ ba của một triều đại đã cai trị Bình Nhưỡng trong bảy mươi năm.

Moon và Kim lãnh đạo hai miền Nam Bắc, trên nguyên tác, vẫn còn trong tình trạng chiến tranh từ năm 1950. Cuộc xung đột là một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất của thế kỷ hai mươi, giết chết hơn hai triệu người Đại Hàn, hơn ba mươi ba nghìn người Mỹ, và sáu trăm nghìn người Trung Quốc, và một số những người khác. Vì vậy, chỉ cái cảnh hai người lãnh đạo dang rộng vòng tay khi họ đứng đối diện nhau ở khu phi quân sự đã làm nhiều người cảm thấy rất ấm lòng. Trong một buổi khai mạc được dàn dựng kỹ lưỡng, Kim bước qua một lề đường xi măng rộng, lằn ranh chia đôi Nam Bắc, bắt tay với Moon, sau đó Kim đã nắm lấy tay của Moon dẫn ông ta bước vào lãnh thổ của Bắc Hàn. Cả hai cùng nở nụ cười rạng rỡ. Hai người đều bước vào làng Panmunjom để nói chuyện cả ngày. Một đoàn vệ binh danh dự trong những bộ đồng phục từ thế kỷ XIX, khi bán đảo Đại Hàn thống nhất hộ tống hai nhân vật lãnh đạo đến Nhà Hòa bình Nhà Tự do, địa điểm tổ chức cuộc đàm phán. Lính canh mang theo giáo và kiếm — nhưng không có súng — tại một trong những vùng biên giới vũ trang nhiều nhất thế giới.

Đây không phải là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa những người lãnh đạo Nam và Bắc Hàn, dù đây là lần đầu tiên người lãnh đạo Bắc Hàn đến thăm miền Nam. Hội nghị cao cấp lần này cho thấy hình ảnh hiếm hoi về việc có thể có — nếu chưa có khả năng có — sự hòa hoãn sau một năm đôi khi leo thang làm áp lực không kịp thở, và đôi khi ngọn lửa lại được tweets của Trump đổ thêm dầu. Ông ta đã từng gọi xách mé Kim là “thằng nhãi phóng hỏa tiễn”. Hồi tháng Giêng, ông Trump đã tweet,

“Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vừa nói rằng ‘Nút hạch tâm lúc nào cũng ở sẵn trên bàn của anh ta’. Liệu có người nào đó của chế độ đói và nghèo của anh ta có thể thông báo dùm cho anh ta biết rằng tôi cũng có một nút hạch tâm. Nhưng nó lớn hơn và mạnh hơn cái nút của anh ta, và nút của tôi bấm là nổ!”

Những lời xỉ vả lỗ mãng lẫn nhau đột ngột thay đổi sau khi Kim tiếp xúc với Nam Hàn và Hoa Kỳ trong năm mới, vì những lý do vẫn chưa hoàn toàn được biết rõ. Cuộc đàm phán giữa hai miền Nam Bắc Đại Hàn hôm thứ Sáu một phần được dự định để mở đường cho một hội nghị thượng đỉnh giữa Trump và Kim vào cuối tháng Sáu.

Tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức, Angela Merkel, Trump nói, “Sự việc đã thay đổi rất triệt để so với một vài tháng trước, toàn những lời rủa xả nhau và những thứ khác. Một cái gì đó rất đáng chú ý có thể xảy ra.”

Trump ca ngợi Chủ tịch Xi Jinping, của Trung Quốc, vì ông đã giúp đỡ gây áp lực với Bình Nhưỡng. Nhưng ông từ chối cho biết ông đã liên lạc trực tiếp với Kim hay chưa, nhưng Trump nói các cuộc đàm phán để chọn địa điểm cho cuộc họp đã được thu lại chỉ còn hai nơi. Tổng thống Mỹ nói,

“Chúng tôi hiện đang lên kế hoạch cho cuộc hội họp. Tôi có trách nhiệm xem tôi có thể làm được không. Nếu tôi không thực hiên được thì đó sẽ là một thời gian rất khó khăn cho rất nhiều quốc gia và rất nhiều người. Tôi hy vọng tôi có thể làm được gì đó cho thế giới.”

Trong một tuyên bố chung với những lời hoa mỹ, cả Nam Hàn và Bắc Hàn cam kết ngưng những hành động thù địch chống đối nhau, để cùng làm việc theo hướng để chính thức kết thúc chiến tranh vào cuối năm, và để tạo ra một tương lai “hoàn toàn phi hạch tâm” ở bán đảo này. Tuyên bố chung được đặt tên là Tuyên bố Panmunjom, nói rằng “cải thiện và nuôi dưỡng quan hệ giữa hai miền Nam Bắc là mong muốn chung của cả nước và tiếng gọi khẩn cấp của thời đại không thể bị giữ lại được nữa.” Tăng cường việc đoàn tụ những gia đình đã bị chia cách kể từ khi chiến tranh, kết nối lại đường sắt xuyên Đại Hàn, đồng nộp đơn cùng tổ chức Asian Games 2018 và mở một văn phòng liên lạc mới tại Bắc Hàn. Tổng thống Moon đồng ý thăm Bình Nhưỡng vào mùa thu tới.

Sau đó, Kim tuyên bố rằng hai quốc gia “nối liền với nhau vì huyết thống như một gia đình và đồng bào, không thể sống riêng biệt.” Hai người lãnh đạo ôm nhau. Hội nghị thượng đỉnh — và các nguyên tắc mà nó tạo ra — được hoan nghênh ở khắp nơi, dù có nhiều lời cảnh cáo.

Wendy Sherman, một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao trong chính quyền Clinton và Obama, người đã đi đến Bắc Hàn với Ngoại trưởng Madeleine Albright, vào năm 2000, nói với tôi, “Tại tời điểm này, đối thoại hẳn tốt hơn so với một cuộc điều binh ra mặt trận. Dù vậy, tất cả chúng ta cần phải kiểm soát sự mong đợi của mình.” Sherman nói tiếp,

“Kim đã nắm lấy bàn tay của Moon phần lớn bởi vì ông ta đã có vũ khí hạch tâm và hệ thống hỏa tiễn phóng những vũ khí đó đi và giờ đây có thể chuyển sự chú ý của ông ta sang tương lai kinh tế của Bắc Hàn. Không nghi ngờ gì nữa, nhiều năm cấm vận, và tiếp tục tăng cường trong những tháng qua, đã có một tác động tiêu cực với Bắc Hàn, nhưng Kim vẫn còn ở chỗ ngồi chỗ người cầm lái trên con đường trước mặt.”

Kim đã nhận được rất nhiều những gì ông ta đi tìm trong cuộc thương lượng của ông ta với thế giới bên ngoài — và cho đến nay ông ấy vẫn chưa phải từ bỏ điều gì. Trong khi ngôi sao của Kim đang bay cao trên sân khấu quốc tế, người lãnh đạo Bắc Hàn đã được mời tham dự một chuyến viếng thăm Trung Quốc như quốc khách; ông ta được kẻ thù phương nam thết đãi như một anh hùng; và ông ta sẽ gặp một Tổng thống Mỹ đương nhiệm – đây là việc mà ông nội và bố của ông ấy đều muốn thực hiện nhưng không thành công.

Sherman, một chuyên gia về vũ khí hạch tâm, nói với tôi, “Thật không phải là một màn kịch tệ cho một người lãnh đạo của một giáo phái nhiều hơn là một vị lãnh đạo quốc gia.”

Vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là thuật ngữ chưa định nghĩa rõ ràng, “khử vũ khí hạch tâm.”

Tổng thống Trump gần đây đã định nghĩa nó là loại bỏ toàn bộ chương trình vũ khí hạch tâm của Bắc Hàn — tất cả mọi thiết bị, từ máy ly tâm đến bom. Sherman lưu ý, năm 1992, Bắc và Nam cũng đã đưa ra tuyên bố chung về “khử vũ khí hạch tâm” — lần đầu tiên thuật ngữ này được sử dụng — bởi vì “giải giới” là thuật ngữ không thể chấp nhận được. Cho dù Kim hoàn toàn đầu hàng — như ông ấy thấy sự việc – tất cả mọi khía cạnh của công cụ đảm bảo sự sống còn của chế độ của ông sẽ là thử thách cuối cùng của các cuộc đàm phán.

David Albright, chủ tịch của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, nói với tôi trong một e-mail , ba trang của Tuyên bố Panmunjom rất “ngoạn mục trong phạm vi và tham vọng của nó.” Nó không nói đến rào chắn hoặc giới hạn tức thì, và không có dấu hiệu cho thấy Nam Hàn sẽ giảm bớt lệnh cấm vận ở miền Bắc. Nhưng phương tiện để đạt được sự “khử vũ khí hạch tâm” thì lại mơ hồ. David Albright viết tiếp,

“Trừ khi có một nền tảng vững chắc và kế hoạch để giải giới vũ khí hạch tâm của Bắc Hàn hoàn toàn không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng được đưa ra với một lịch trình tương đối ngắn (hai ba năm), hầu hết các cam kết khác trong bản Tuyên bố chỉ là những mong muốn.”

Sự thành công của hội nghị thượng đỉnh ở Đại Hàn vào thứ Sáu vừa qua sẽ tạo thêm áp lực buộc Trump phải có tiến bộ hơn nữa khi ông gặp Kim, cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Hàn. Abraham Denmark, nguyên Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng hiện là giám đốc của Chương trình Châu Á của Trung tâm Wilson, nói với tôi, những thứ tình cảm ướt át đã kết thúc. bây giờ phần khó khăn bắt đầu.

“Thỏa thuận giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ sẽ cần phải có một lộ trình chi tiết cho một con đường phía trước, gồm tất cả các nhượng bộ của mỗi bên. Seoul có thể sẽ ép Washington phản ảnh sự lạc quan và tầm nhìn mà chúng ta đã thấy tại Panmunjom. Nhưng vẫn chưa rõ liệu chính quyền Trump sẽ đồng ý với hành động biểu tượng đó hay sẽ tập trung vào các chi tiết cụ thể và nội dung.”

Denmark nói thêm, Bắc Hàn vẫn là Bắc Hàn. “Kim vẫn là Kim, vẫn là con người như khi ông ta thanh trừng các đối thủ chính trị, giam giữ hàng ngàn người dân Bắc Hàn, và ra lệnh lấy mạng của người thân của ông ấy. Đây là một thời điểm đầy hứa hẹn, nhưng sự hết sức thận trọng cần được bảo đảm.” Với tất cả sự lạc quan tạo ra nhờ cuộc đàm phán ở Panmunjom, Denmark nói, “có vô số cơ hội để thất bại.”

 

Robin Wright đã là một nhà báo viết cho tờ The New Yorker từ năm 1988. Bà là tác giả cuốn “Rock the Casbah: Rage and Rebellion Across the Islamic World.”


© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Why Trump’s Boasts About the Korea Summit Are Premature. By Robin Wrigh. The New Yorker. April 27, 2018.