Tại sao thua? (I)

Minh Võ

Trong khuôn khổ chiến tranh nhân dân, trí thức, văn nghệ sĩ, ký giả, v.v… phải “hoan hỉ chấp nhận” vai trò của mình, để bảo vệ tổ quốc…

Trong thinh lặng của một đêm buồn cuối tháng Tư Đen bao âm thanh và hình ảnh của ngày mất nước vọng lại từ dĩ vãng xa xăm dường như đang xé nát tâm tư của người cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà (VNCH).

Tiếng pháo kích ở sân bay Tân Sơn Nhứt. Tiếng lệnh buông súng của hàng tướng Dương Văn Minh trên các đài phát thanh. Tiếng súng tuẫn tiết của những danh tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai…. Tiếng súng chát chúa của những sĩ quan, binh lính vô danh cương quyết không chịu hàng địch, tự bắn vào đầu, sau khi đã đứng nghiêm chào quốc kỳ, lần chót, sau khi đã bồng súng đứng nghiêm trước một tượng đài chiến sĩ như Trung Tá Nguyễn Văn Long, một sĩ quan cảnh sát quốc gia.

Hình ảnh hàng trăm người chen chúc xô đẩy nhau trước tòa đại sứ Mỹ, hay một tư gia nào đó cố leo lên bãi đáp của trực thăng. Hàng ngàn binh lính cởi bỏ quân phục ngay ngoài đường phố khi vừa nghe lệnh đầu hàng. Hàng vạn quân cán chính và thường dân chạy trốn khỏi Saigon và các vùng phụ cận hướng ra các thị xã ven biển hòng trốn chạy quân chiến thắng Bắc Cộng.

 

Trung tá Nguyễn Văn Long tự sát trước tượng đài Thuỷ quân lục chiến Sài Gòn, sáng 30/04/1975. Nguồn: Flickr

Đã hơn ba chục năm rồi những âm thanh hình ảnh thất trận ấy cứ vọng lại như mới ngày nào khiến người Việt hải ngoại lại tốn nhiều giấy mực và hơi sức bàn về lý do tại sao phe quốc gia và đồng minh đã thua trận chiến tranh Việt Nam.

Người thì bảo vì các cấp lãnh đạo tồi. Ông Thiệu áp dụng kế thứ 36 sớm quá. Kế hoạch “tái phối trí” bị địch bẻ gẫy khiến hàng chục ngàn binh sĩ và thường dân bỏ mạng trên đường 7B. Ông Kỳ hứa cuội; tuyên bố ở lại chiến đấu đến cùng, mà chưa chi đã bỏ chạy. Ông Minh mới lên chưa được hai ngày đã xin hàng.

Có người còn thêu dệt thêm rằng ông Thiệu (nguyên quán Phan Rang) có máu người Chàm nên cố tình bán dân Việt cho CS cho bõ ghét, hay để trả thù.

Người thì chê bộ tổng tư lệnh Quân Lực VNCH kém tin tức tình báo, để bị trúng kế “giương đông kích tây”, “điệu hổ ly sơn” của địch khiến vị trí chiến lược Ban Mê Thuột thất thủ.

Người thì chê tinh thần quân cán chính kém, họ trưng dẫn cuốn MÁ HỒNG của Đỗ Tiến Đức với lời phê của học giả Nguyễn Hiến Lê, rồi nói mỉa, cụ Lê hãy còn lạc quan đấy. (Vì cụ dựa vào những gì được mô tả trong cuốn MÁ HỒNG để nói như Sấm, trong vòng 10 năm miền Nam sẽ đổ vỡ; mà chỉ mới được 8 năm nó đã “tan hàng”.) Mà khốn nỗi cuốn tiểu thuyết này lại trúng giải số một giải thưởng văn học toàn quốc năm 1969!

Tuy nhiên phần đông cho rằng tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam cao nhưng vì cấp lãnh đạo bất xứng nên thua. Trong số này chỉ xin nêu một người, đại tá Lê Quế Lâm, tác giả cuốn “Việt Nam Thắng và Bại” trên ngàn trang, xuất bản năm 1993 tại Úc. Ông Lâm chỉ nói sơ sài về nguyên nhân thất bại của VNCH. Theo ông, Miền Nam mất vì bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Hoa Kỳ bỏ rơi vì

“Những bất công thối nát của xã hội miền Nam xuất phát từ nạn bè phái tham nhũng của một số người lãnh đạo quốc gia thiếu đạo đức.” Và “…nguyên nhân chính …. đưa miền Nam đến chỗ sụp đổ là vì những người lãnh đạo miền Nam đã không có ý thức bảo vệ đất nước khiến Hoa Kỳ có lý do chính đáng để bỏ rơi…”(1)

Về cách thức Hoa Kỳ bỏ rơi, người ta thường nhắc lại hai sự việc quan trọng: Nếu sư đoàn 18 của tường Lê Minh Đảo được cung cấp đủ ngòi nổ những trái bom CBU thì mặt trận Long Khánh đã không bị phá vỡ. Và nếu vào những tháng chót của cuộc chiến VNCH không bị Quốc hội Mỹ cắt 300 triệu quân viện thì ông Thiệu đã không bỏ chạy ở Pleiku, rồi chạy sang Đài Bắc….

Có người còn đưa ra những con số thống kê chi tiết về viện trợ Mỹ trong 4 năm cuối cùng để rồi bảo, Mỹ cố tình bỏ rơi VN, lấy tiền dành cho Việt Nam đem tăng viện cho Do Thái!

Cũng có người bảo tại ông Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị, mất lòng dân khiến Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ, bỏ lỡ một dịp may hiếm có để đương đầu với Hồ Chí Minh và cộng đảng miền Bắc(2.

Người khác lại khẳng định vì đồng minh Hoa Kỳ phản bội, bán đứng. Họ nêu đích danh tổng thống Nixon và ngoại trưởng Kissinger để xỉa xói.

Đáng buồn cười là trong số những người này không ít kẻ nhất định bảo Mỹ không thua, chỉ giả vờ thua để kiếm cớ rút quân sĩ về nước.

Thiết nghĩ, bảo Mỹ chỉ giả vờ thua là do thành kiến cho rằng cứ có bom nguyên tử là tất nhiên phải thắng, như 2 quả ở Hiroshima (06/081945) va Nagasaki (09/8/1945) đã bắt dân Nhật quyết tử chiến cũng phải quy hàng. Nhưng họ không biết rằng trước khi thả hai quả bom nguyên tử không quân Mỹ đã phá tan một phần tư Tokyo với trên một trăm ngàn người chết, mà Nhật hoàng vẫn thà hy sinh dân chứ chưa chịu đầu hàng.

Vì thế chúng tôi thấy không cần trực tiếp chứng minh rằng Mỹ đã thua và ta đã thua thực sự. Những luận cứ trong những trang sau đây sẽ gian tiếp chứng minh điều đó.

Tuy nhiên cũng xin giới thiệu với những ai hãy còn nghĩ Mỹ không thua mà chỉ giả vờ thua, nếu không có thì giờ đọc hàng trăm tác phẩm nói về sự thất trận nhục nhã của Hoa Kỳ, hãy chỉ cần liếc qua mấy cái nhan sách bằng ngoại ngữ của các ông Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Phú Đức, và Hoàng Lạc. Một ông là cựu thủ tướng, cựu phó tổng thống viết bằng tiếng Anh (How we lost the war). Một ông là cố vấn của tổng thống, có chân trong phái đoàn hòa đàm Paris, viết bằng tiếng Pháp (Vietnam: Pourquoi Les États Unis ont – ils perdu la guerre? Một ông là tướng lãnh VNCH (Why America lost the Vietnam war?).

Và hãy ngó qua cuốn “No More Vietnams” của tổng thống Richard Nixon, các hồi ký của Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng (Cộng Hòa), của McNamara, cựu bộ trưởng Quốc Phòng (Dân Chủ). Không cần nói đến những tác phẩm của một lô nhà báo sử gia thiên tả hay không thiên tả khác như Stanley Karnow, Neil Sheehan, David Halberstam, Marrilyn Young, John M.Newman….

Tất cả những nhân vật chính trị và ký giả nêu trên đều khẳng định là Hoa Kỳ đã thất trận ở Việt Nam. Kissinger và cựu tổng thống Bush (cha) trong nhiều năm, đã không ngừng nhắc đi nhắc lại mấy tiếng “Vietnam Syndromes” (hội chứng VN) để nói về sự thất bại chua chát ấy.

Một số nhà báo thiên tả của Mỹ như Stanley Karnow, David Halberstam, Neil Sheehan, và ngay cả những sử gia tên tuổi như Marrilyn Young, John M Newman cũng đã chỉ trích chính quyền Mỹ không biết rõ địch cho nên đã tiến hành một cuộc chiến không thích hợp. Vì địa hình địa vật khác lạ, vì lòng ái quốc truyền thống của nhân dân Việt Nam. Họ chỉ trích chính quyền “ngu ngốc” áp dụng hình thức chiến tranh cổ điển lỗi thời để chống thứ chiến tranh tại VN là chiến tranh du kích, chiến tranh khuynh đảo.

Tất cả những nhận định nêu trên dù từ phía nào đều có một phần đúng. Nhưng hoàn toàn thiếu sót, vì vậy coi như chưa đúng. Ta phải tìm đúng nguyên nhân của sự thất trận, thì mới mong điều chỉnh chiến lươc sách lược trong cuộc chiến hiện nay vẫn còn tiếp diễn trên bình diện “phi quân sự”.

Năm 1937, tại trường quân chính Diên An, Trung Quôc, Mao Trạch Đông đã nhắc lại danh ngôn chiến lược “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng” trong Tôn (Võ) Ngô (Khởi) Binh Pháp để chê đối phương – không chỉ phe Quốc gia của Tưởng Giới Thạch, mà cả thế giới tự do – không biết người biết mình, chỉ biết áp dụng những chiến pháp đã lỗi thời.

Cho đến 1959, 22 năm sau, ở Mỹ mới thấy xuất hiện cuốn “Protracted Conflict” của giáo sư Robert Strausz- Hupé và 3 cộng sự của ông. (3) Các đồng tác giả đã gọi cuộc chiến tranh (lạnh) giữa hai phe lúc ấy là thế chiến 3. Đây là lần đầu tiên một danh xưng như thế xuất hiện. Nhưng chúng tôi thấy cách gọi đó là chính xác nhất. Cho nên, nói về cuộc chiến Iraq khi vừa khai mào, chúng tôi đã viết bài “viễn ảnh của thế chiến 4” mà nhiều báo đã đăng.

Các tác giả cuốn Trường kỳ chiến đã khẳng định lúc ấy phe thế giới tự do đang thua, chỉ vì không biết mình đang ở trong cái thế chiến 3 đó. Còn phía khối cộng thì đang thắng vì họ biết họ đang chiến đấu vì mục đìch gì và bằng những phương thức gì.

Chỉ một năm sau, Allen Dulles, giám đốc CIA, em ngoại trưởng Foster Dulles đã lên tiếng kêu gọi hãy tìm hiểu để biết rõ đối phương hơn. Trong tác phẩm “Muốn thắng cộng sản, phải biết rõ cộng sản” ông đã nêu ra những mối nguy của cuộc chiến tranh ý thức hệ đang diễn ra trên toàn cầu.

Kể từ đó thế giới tự đo mới bắt đầu có những kế hoạch đương đầu trực diện với Cộng sản một cách hữu hiệu. Henry Kissinger, lúc ấy còn là giáo sư đại học Harvard nổi tiếng nhất của Mỹ, là người cổ võ cho việc nghiên cứu cuốn sách của Strausz-Hupé trước tiên.

Nhưng đa số giới truyền thông và chính giới Mỹ lúc ấy vẫn không coi lời cảnh cáo của Strausz-Hupé và Allen Dulles là tối quan trọng. Họ không tìm hiểu đến nơi đến chốn thứ thế chiến 3 mà Strausz-Hupé đã nói tới. Đó là về mặt toàn cầu.

Về phần cục bộ cuộc chiến Việt Nam, ngưòi ta càng hiểu lơ mơ hơn. Và đó là một trong những lý do quan trọng nhất của sự thất trận của Mỹ tại VN.

Karl Von Clausewitz, chính trị gia và chiến lược gia có thể nói là số một của Tây Phương, trong tác phẩm nổi tiếng “On War” “(Chiến luận) đã khẳng định, việc cần làm trước tiên để chiến thắng là xác lập được bản chất của cuộc chiến.

Cho đến nay mà một tác giả có tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại còn gọi cuộc chiến tranh Việt Nam từ 1945 đến 1954 là “chiến tranh Việt-Pháp của người Việt yêu nước đánh đuổi Pháp để dành độc lập”, mà hầu như mọi người đều im lặng (gián tiếp đồng ý)(!)

Vậy cụ thể cuộc chiến toàn cầu từng được gọi bằng một danh từ vô thưởng vô phạt là “chiến tranh lạnh” phải được hiểu là cuộc chiến như thế nào? và cuộc chiến VN từ 1945 đến 1975 phải được mệnh danh là gì một cách thật chính xác?

Tuyên Ngôn Cộng Sản (1848) là lời tuyên chiến của Marx và Engels lãnh đạo phong trào CS thế giới chống toàn thể nhân loại, vì nó tấn công vào cỗi lõi của con người là quyền tư hữu, khởi đầu của mọi quyền con người khác. Đó là trận chiến ý thức hệ, chưa xử dụng đến vũ khí vật chất, nhưng chủ trương “cách mạng bạo lực”. Nó chưa dùng vũ khí chỉ vì chưa đủ mạnh để có vũ khí và biết sản xuất vũ khí hơn các thế lực khác của nhân loại lúc ấy.

Nó chẳng những chủ trương phá bỏ quyền tư hữu mà còn chủ trương đấu tranh giai cấp, nhằm xóa bỏ giai cấp, đưa giai cấp vô sản lên nắm quyền chuyên chính. Hai chủ trương này — xóa bỏ quyền tư hữu và xóa bỏ mọi giai cấp — biến nó thành cuộc chiến toàn cầu. Vì quyền tư hữu là của toàn thể nhân loại, và giai cấp có trong mọi quốc gia. Vì thế chiến tranh ý thức hệ chống cộng sản cũng là cuộc chiến toàn cầu, và là bổn phận của mọi dân tộc, bất phân cường, nhược.

Lênin, với quôc tế 3, đã cụ thể hóa chủ trương của Marx và biến chủ nghĩa Marx thành một cuộc chiến tranh đế quốc bằng cách biến nước Nga thành cái nôi và tổng hành dinh của phong trào cộng sản thế giới.

Vài năm cuối thế chiến 2 và những năm sau thế chiến 2 Liên Xô đã sát nhập hàng chục nước Đông Âu bằng các hình thức chiến tranh phi vũ trang như xâm nhập, khuynh đảo, bội ước, bầu cử gian lận và áp lực chính trị, ngoại giao, quân sự, tuyên truyền và bằng các tổ cộng sản, tổ gián điệp, đảng cộng sản địa phương trên khắp hoàn cầu. Những nước mà cộng sản chưa nắm được chính quyền như Nam Dương ở châu Á, Ý ở châu Âu vào giữa thập kỷ 50, cũng đã có hàng triệu đảng viên.

Ngoài việc cụ thể hóa và áp dụng chủ nghĩa cộng sản tại Nga và Đông Âu đồng thời tuyên truyền chủ nghĩa CS trên khắp thế giới, Lên-nin còn có sáng kiến bổ túc cho chủ nghĩa Marx bằng chiến lược, sách lược đấu tranh giai đoạn, bằng mặt trận thống nhất dân tộc, áp dụng lần đầu tại Hoa Lục, đưa ra đề cương về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dân, nhằm tấn công vào các cường quốc Tây Phương.

Với sáng kiến chiến lược này, Lênin đã cổ võ cho phong trào giải phóng dân tộc trên khắp các quốc gia thuộc địa, khiến cho ai không hiểu rõ chủ trương cơ bản của chủ nghĩa Mác, và thâm ý của Lênin nghĩ rằng CS thực sự chủ trương chiến tranh giải phóng dân tộc, vì ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc vì chủ nghĩa dân tộc, và vì quyền lợi các dân tộc.

Nhưng bản chất chủ nghĩa CS là phi dân tộc. Nó là một chủ nghĩa quốc tế vì mục tiêu cuối cùng của nó là quốc tế vô sản lên nắm quyền bá chủ thế giới, sau khi đã tiêu diệt mọi giai cấp để chỉ còn một giai cấp vô sản. Vì vậy chủ trương giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác- Lênin chỉ là chủ trương chiến lược, sách lược. Nói nôm na là một chiêu bài lừa mị.

Chính chủ trương sách lược giai đoạn này đã thu hút các thành phần yêu nước thuộc các tầng lớp nhân dân phi vô sản của các quốc gia nhược tiểu hay bị trị, khiến họ tích cực ủng hộ quốc tế Cộng sản, mà quên bẵng đi rằng mình đang ủng hộ kẻ chỉ muốn tiêu diệt mình.

Nói tóm lại giai cấp vô sản, hay dân nghèo, là thành phần chiếm tuyệt đại đa số trên khắp thế giới bị mê hoặc bởi chủ trương lấy của nhà giầu chia cho dân nghèo ra sao, thì các giai cấp trí thức, địa chủ, thương gia v.v… có lòng yêu nước cũng bị mê hoặc bởi sách lược giải phóng dân tộc như vậy.

Không nhìn ra điều này, thì không thể hiểu được cuộc chiến Việt Nam, trong đó CS đã áp dụng triệt để sách lược giải phóng dân tộc để biến cuộc chiến chống cộng sản của các thành phần yêu nước thực sự thành cuộc chiến của đảng CS, dưới sự lãnh đạo của HCM, chống thực dân dành độc lập cho tổ quốc.

Những người ít hiểu biết về điều đó đã gọi chiến tranh Việt Nam từ 1945 đến 1954 là chiến tranh Việt Pháp … (tức chiến tranh giữa dân tộc VN và đế quốc, thực dân Pháp), trong khi đáng lý ra phải gọi là chiến tranh quốc cộng (tức giữa những người quốc gia yêu nước và đảng CS). Vấn đề danh xưng vô cùng quan trọng trong chiến tranh tuyên truyền. Sai một ly đi một dặm. Gọi chiến tranh Việt-Pháp mặc nhiên tự kết án mình là Việt gian phản quốc.

Một số đông nhân dân VN, kể cả không ít nhà trí thức yêu nước đã bị lầm về điều này. Ngay cả những nhà báo, sử gia, triết gia, văn nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới cũng đã lầm, ít nhất trong một thời gian nào đó. Đáng buồn là những thành phần này, vì tự ái cá nhân và nghề nghiệp, khi đã biết mình lầm họ thương giữ im lặng. Các lời nói chữ viết của họ từng một thời phổ biến những tư tưởng sai lầm, vẫn còn nguyên trong các văn khố, thư viện. Cho nên con cháu chúng ta, và các thế hệ tương lai trên khắp thế giới rất khó tìm ra sự thật.

Những hàng trên dẫn đến nhận định tổng quát: Cuộc chiến mà thế giới tự do phải đối phó với CS là cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu, có nơi có lúc mang hình thái phức tạp của chiến tranh giải phóng dân tộc, rất khó nhận diện, trừ phi đặt nó vào trong bối cảnh chủ nghĩa Mác Lê.

Ngoài tính toàn cầu và tính ý thức hệ, cuộc chiến tranh mà Cộng sản đề xướng và thế giới tư do phải đối phó còn có tính toàn diện và trường kỳ.

Toàn diện vì với chủ thuyết duy vật vô thần coi mọi tôn giáo là thuốc phiện, CS chủ trưong “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Từ đó tất cả mọi phương tiện đều được xử dụng cho cuộc chiến. Từ đó xuất hiện những cụm từ mặt trận văn hóa, mặt trận kinh tế, mặt trận ngoại giao v.v…

Trường kỳ vì chỉ cho đến khi nào toàn thắng trên toàn cầu mới kết thúc. Bản chất trường kỳ của cuộc chiến bắt buộc phe Cộng tử thủ trong mọi trường hợp. Đình chiến, hưu chiến, hòa đàm đều chỉ là mánh lới tạm nghỉ đẻ lấy lại sức, và để ru ngủ đối phương. Vì nó đồng thời cũng là cuộc chiến toàn diện, nên những thứ đình chiến, hưu chiến, hòa đàm cũng lại là những hình thức khác của chiến tranh. Thêm vào đó là những sách lựơc, hay thủ đoạn liên hiệp, trung lập hóa, hòa hợp, hòa giải v.v… đều nằm trong tính chất toàn diện của cuộc chiến.

Từ bốn đặc tính trên xuất hiện thêm cái gọi là chiến tranh nhân dân. Trong khi các nước Tây phương huy động quân đội và tài nguyên quốc phòng để làm chiến tranh, thì CS huy động mọi tài nguyên quốc gia, huy động toàn dân, biến mỗi người dân và toàn thể nhân dân, (dĩ nhiên kể cả trí thức, văn nghệ sĩ, và ký giả) thành chiến sĩ. Toàn dân trở thành một đạo quân duy nhất, mà tổng tư lệnh là kẻ điều khiển guồng máy truyên truyền vĩ đại, chịu kỷ luật sắt của nhà binh, nhất là trong chiến tranh, bất cứ ai cãi lệnh, bị kết tội theo quân luật.

Đó là lý do để tuyệt đối nắm báo chí. Không thể có tự do báo chí, không thể có tự do ngôn luận. Và trong khuôn khổ chiến tranh nhân dân, các nhà trí thức, văn nghệ sĩ, ký giả vân vân phải “hoan hỉ chấp nhận” vai trò của mình, để bảo vệ tổ quốc, hay để làm cách mạng vô sản, cách mạng dân tộc, theo chiến lược, sách lược Lênin.

(Còn tiếp)

© 2008-2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline biên tập, minh hoa. Đăng lần đầu ngày 29/4/2008.

(1) SĐD trang 724 và 735.
(2) Nhưng cũng nhiều người nói ngược lại, vì Mỹ giết ông Diệm nên Mỹ mới thua! Trong số này có kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa vừa viết trên tò Việt Báo Kinh Tế, (tháng 4-2005) khẳng định Mỹ đã phạm lỗi lầm chiến lược quan trọng khi lật đổ và giết tổng thống Diệm. Điều này rất nhiều người ngày nay đã nhận ra, nhưng thật hiếm có ai can đảm nói ra một cách thẳng thắn như ông Nghĩa. Trớ trêu là cách nay cả chục năm, cựu đại tá CS Bùi Tín cũng đã nhận xét tương tự trong hồi ký Hoa Xuyên Tuyết. Rồi liền sau đó, Dương Thu Hương, trong một bài tham luận nảy lửa đã bảo ông Diệm bị hại vì trót có tinh thần dân tộc. Một năm sau, trong hội nghị chuẩn bị cho một đại hội Mỹ- Việt Cộng về chiến tranh, những nhân vật quan trọng ở Hà Nội cũng minh thị xác nhận ông Diệm là người yêu nước, và nếu ông không bị sát hại thì đã không có quân Mỹ ở VN, và Mỹ đã không mang tiếng bại trận vói 58,000 tử sĩ. (xin xem Ngô Đình Diệm Lời Khen Tiếng Chê của Minh Võ chú thích số 22 bis của chương 27, Lời bàn chung, và Washington Post số ra ngày 11/11/1996, các trang A21 và A35.) Trong khi đó phần lớn các vị tai to mặt lớn trong Đệ Nhị Cộng Hòa, hay trong Tập thể chiến sĩ, không có đủ dũng khí để minh thị nói lên sự thật này hòng tẩy xóa phần nào một vết nhơ trên bộ mặt Quân Lực Việt Nam CH ngày xưa (mà nay là Tập Thể chiến sĩ ở Hải Ngoại): cuộc đảo chính do một số tướng lãnh nhận tiền của Mỹ (tương đương với 42 ngàn MK, lúc ấy) để lật đổ nền đệ nhất Cộng Hòa.
(3) Nguyên nghĩa là “Cuộc xung đột kéo dài”, mà chúng tôi đã từng dịch là trường kỳ chiến, lấy ý từ cuốn Trì Cửu Chiến Luận của Mao Trạch Đông và cuốn Trường Kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi của Trường Chính, lý thuyết gia số một của Việt Cộng lúc ấy.