Tại sao thua? (Kết)

Minh Võ

Đa số người Việt quốc gia vẫn chưa nhìn ra nhu cầu căn bản của cuộc chiến là phải dùng tuyền thông hiện đại đánh đổ thần tượng yêu nước “cha già dân tộc”…

Ngoài những đặc tính vừa kể, cuộc chiến của CS, do tính ý thức hệ của nó đã phát minh một vũ khí tối tân lúc ấy, đó là vũ khí TUYÊN TRUYỀN(4).

Trong Quốc Tế 3 có một ủy ban tuyên truyền. Hồ Chí Minh là một ủy viên. Ông ta nhận sứ mạng tuyên truyền và tổ chức các chi bộ CS ở Đông Nam Á, lập các trường tuyên truyền tại Thái Lan, Mã Lai, Hoa Nam, đích thân huấn luyện các chuyên viên tuyên truyền, đặt Võ Nguyên Giáp làm đội trưởng đội vũ trang tuyên truyền giải phóng quân (tháng 12- 1944), đặt Trần Huy Liệu làm bộ trưởng bộ Tuyên Truyền (tháng 9 năm 1945), chỉ thị mỗi đảng viên phải là một cán bộ tuyên truyền và tình báo.

Đích thân ông Hồ viết kiệt tác tuyên truyền “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”, dưới bút hiệu Trần Dân Tiên để xóa mờ cái dáng dấp cán bộ cao cấp của Quốc Tế CS, tô vẽ cho mình thành nhà ái quốc, là “cha già dân tộc’, để làm mẫu khuôn cho đàn em và ký giả ngoại quốc, theo y đó nhắc lại và triển khai thêm để biến ông thành thần tượng.

 

“Cha già dân tộc” [sic]. Nguồn: OntheNet

Tuyên truyền đòi phải có thần tượng. Lúc ấy ông chưa làm được gì để thành thần tượng. Ông phải tự biến mình thành thần tượng.

Tuyên truyền phải có chính nghĩa cho cuộc chiến. Chính nghĩa đó là kháng chiến chống Pháp giành độc lập. Ông nói đủ về chính nghĩa đó trong tác phải bé tý teo nhưng vô cùng quan trọng đó.

Trong khi đó, vì không xác lập được cuộc chiến, nên các nhà văn, nhà báo trong thế giới tự do, và ở miền Nam, rất coi nhẹ tuyên truyền và không bao giờ chịu khép mình vào khuôn khổ chiến tranh. Trong khi ở miền Bắc từ chủ tịch nước đến các bộ trưởng và tưóng lãnh thắt lưng buộc bụng, đi dép râu, để nêu gương khắc khổ, buộc quân sĩ dưới quyền hy sinh liều chết, chiến đấu trong những điểu kiện khắc nghiệt, nhiều khi phải ăn sắn ăn khoai, ăn cả cỏ rừng để cầm cự trong rừng, thì trong Nam người ta lật ông tổng thống muốn hạn chế hưởng lạc, đóng cửa các hý trường, để liền sau đó mở lại những khiêu vũ trường, nhảy đầm thả dàn, thỏa thích.

Các nhà lãnh đạo thế giới tự do cũng không có kế hoạch nắm báo chí, hay đào tạo những ký giả am tường về chiến tranh ý thức hệ, mà còn tôn ngành báo chí thành đệ tứ quyền. Việc gì chính phủ, quốc hội làm hay dự tính làm truyền thông đều tự do nói toáng lên cho đối phương biết.

Vì cuộc chiến là toàn cầu, nên các chính phủ CS trên khắp các châu lục, và tất cả các đảng CS khắp nơi đều có nhiệm vụ làm tuyên truyền và tình báo để hỗ trợ lẫn nhau. Máy bay B52 vừa cất cánh hay thậm chí chỉ mới dự định cất cánh ở Guam thì Hà Nội đã được thông báo nó sẽ bay tới đâu. Vì thế phần lớn các cuộc dội bom trải thảm đều không đạt mục đích mong muốn. Những lời tuyên bố của Hồ Chí Minh hay Lê Duẫn ở miền Bắc, hoặc của Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát ở miền Nam đều được các chính phủ CS trên khắp thế giới hỗ trợ, quảng diễn, tiếp tay.

Hơn nữa, khi mà các nhà lãnh đạo chiến tranh chống cộng trong các cường quốc Tây phương, không xác định được tính chất mới mẻ đặc biệt của cuộc chiến, gọi là thế chiến 3 này, họ phải chứng kiến cảnh chỗ nào cũng thấy nội thù. Việt cộng không cần phái quân sang Mỹ. Nó đã có sẵn đạo quân “thứ năm” nằm ngay ở Los Angeles, ở tận thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Đạo quân đó là những nhà báo thiên tả, hoặc chẳng thiên tả hay thiên hữu mà chỉ vì không am tường tính toàn cầu, toàn diện của cuộc chiến. Chúng ta thưòng gọi họ là phản chiến.

Nhưng Richard Nixon chỉ vào mặt những nhà báo đó mà rằng: “đích thị vì các ngươi mà siêu cường Mỹ này thất trận”.

Võ Nguyên Giáp nhiều lần hí hửng lên tiếng khen và tỏ lòng biết ơn những kẻ “đã giúp tôi một tay đắc lực”.

Tổng thống Mỹ, và tướng Cộng quân không thậm xưng. Đó là những nhận định chân thành và chính xác, đáng ghi vào lịch sự thất trận của Hoa Kỳ.

Trái lại những kẻ “phản chiến” luôn luôn biện minh cho hành động của mình. Họ bảo cuộc chiến của siêu cường Mỹ đi bắt nạt một nước nhỏ là cuộc chiến bẩn thỉu (a dirty war), cần phải chấm dứt. Và luận điệu của báo chí đã một thời được đông nhân dân Mỹ hưởng ứng. Những cuộc biểu tình hàng trăm ngàn người không ngừng xảy ra ở những thành phố lớn làm rung động toà nhà Capitol. Dân biểu, nghị sĩ, vì không xác định được bản chất cuộc chiến, bị những luận điệu của phe phản chiến lung lạc, mất ý chí chiến đấu. Vì thế mới có việc cắt quân viện, rồi cấm hẳn việc chi viện cho VNCH.

Những người am hiểu thế chiến lược của quốc Tế Cộng Sản như anh em nhà họ Dulles, hay Acheson, Nixon, Kissinger, Strausz-Hupé v.v… thì ít mà những tay mơ trong các chính quyền Dân Chủ như Harriman, Hillsman …. thì nhiều. Cho nên Mỹ mới thất trận nhục nhã, vì không bảo vệ được miền Nam VN, phải “tháo chạy”, làm đề tài cho một nhân vật thân cận với cựu tổng thống tháo chạy, và cả một chính quyền tháo chạy viết tác phẩm mới nhất của ông(5).

Cái sai lầm chiến lược quân sự quan trọng nhất của chính quyền Kennedy, do Harriman chủ xướng và thực thi là hiệp định Genève về Ai Lao năm 1962. Với hiệp định này, Hoa Kỳ đã tự để mình rơi vào cái bẫy sách lược trung lập của CS, biến Ai Lao thành căn cứ địa bất khả xâm phạm của VC, để CS mở rộng, bảo vệ và củng cố đường mòn Hồ Chí Minh, lấy đó làm xương sống của cuộc xâm lăng miền Nam suốt từ đó cho đến mãn cuộc chiến, mà máy bay Mỹ không sao phá được. Vì Mỹ “tôn trọng” (!?) hiệp định. Còn VC chẳng bao giờ tôn trọng như Harriman đã ngu ngốc tin rằng Liên Xô sẽ can thiệp bắt họ (VC) phải tôn trọng.

Cái sai lầm chiến lược thứ hai (phi quân sự) còn quan trọng hơn của chính quyền Kennedy cũng có bàn tay của Harriman nhúng vào. Ông ta cùng với đàn em Rogers Hillsman và Michael Forrestal (cố vấn an ninh quốc gia) và vài thứ trưởng khác, đã lươn lẹo với cấp trên, lừa lúc các nhà lãnh đạo cao cấp nhất Mỹ như tổng thống, ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng, giám đốc trung ương tình báo đi nghỉ mát, thảo thư trình tổng thống ký gửi đại sứ Cabot Lodge bật đèn xanh cho nhóm đảo chính lật tổng thống Ngô Đình Diệm. Vì các vị mải đi nghỉ, nên tổng thống ký mà không biết rằng các giới chức liên hệ cứ tưởng tổng thống đã đồng ý trước và chỉ thị cho thi hành, nên đã ký tắt chuyển trình lên(6).

Tưởng chỉ cần nêu hai cái sai lầm chiến lược đó cũng đủ. Vì đối với những người hiểu rõ chiến lược sách lược giai đoạn và sách lược mặt trận thống nhất dân tộc của Quốc Tế CS thì việc lật một chính phủ hợp hiến hợp pháp, do một nhà ái quốc lãnh đạo (mà đến kẻ thù cũng phải công nhận lòng ái quốc), để rồi sau đó bó buộc phải đem đại quân vào mà không do một hiệp ước song phương nào cho phép, thì chính nghĩa cuả cuộc chiến đã mất. Chống cộng trở thành chống VN. Nhất là lúc ấy bộ máy tuyền truyền của VC và QTCS đã có một thần tượng cha già dân tộclà Hồ Chí Minh. Trong tình hình đó, người dân Mỹ sẽ thấy: Phản chiến là chính đáng. Tiếp tục chiến đấu là phi nghĩa. Những cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người dân Mỹ chống chiến tranh, cộng với dư luận thế giói lên án Mỹ xăm lăng đã bắt buộc chính quyền Nixon được coi như diều hâu nhất, cũng đành phải chùn tay, rồi bỏ cuộc.

Về phía chính quyền và nhân dân miền Nam, sự có mặt đông đảo quân Mỹ, sự lộng quyền của một số cố vấn, sự nắm giữ quyền chỉ huy tối cao của các tướng lãnh Mỹ…. khiến người dân có cảm tưởng chính quyền VNCH chỉ là bù nhìn. Các viên chức chính phủ cũng đâm ra ỷ lại, cái gì cũng chờ lệnh của tòa đại sứ Mỹ. Thấy tiền của Mỹ đổ vào như nước để dưỡng binh và thực hiện các công tác tiếp vận, người dân và cả viên chức nhà nước cũng dễ sinh lòng tham, và trong cái tham có sự tranh giành. Xã hội thêm tiện nghi nhưng cũng thêm cơ hội thối nát, lục đục. Đó là chưa kể một số đông quân sĩ và viên chức chính quyền cảm thấy mình chiến đấu không còn phải cho dân tộc nữa mà dường như cho quyền lợi ngoại bang, nên tỏ ra rất tiêu cực.

Những nhà trí thức có tự ái dân tộc coi thường chính quyền mà họ coi như tay sai của ngoại bang. Một số trùm chăn. Một số ra bưng. Hàng ngũ chống cộng vì thế suy yếu. Trong khi đó tuyên truyền CS tấn công khó có cách gì chống đỡ. Trong tình trạng ấy, mọi cố gắng của quân Mỹ và VNCH đều thất bại.

Vì vậy mà Nixon và Kissinger là những kẻ hiểu chuyện phải bằng mọi cách đưa quân Mỹ ra khỏi Việt Nam, nhường công việc “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” cho những tay sai cũ của Mỹ quán xuyến. Làm sao còn kịp nữa? Cho nên thua là dĩ nhiên.

Tuy nhiên đối với Mỹ, tuy là thua đậm, thua một cách nhục nhã, nhưng cũng chỉ là thua ở một mặt trận cục bộ. Những bộ óc như Nixon và Kissinger đã biết cách chuyển hướng chiến lược sang những trận địa chính rộng lớn và quan trọng hơn, là Trung Cộng và Liên Xô. Và họ đã thành công trong việc đặt được những nhân tố căn bản nhất mở đường cho những Reagan và Bush (cha) triển khai thành công sau này bằng một hình thức đấu tranh phi quân sự nhưng rất thành công, vì đó là nghệ thuật lấy gậy bà đập lưng bà, vũ khí tuyên truyền, bất bạo động.

Reagan đã cương quyết chỉ đích danh CS là cái Ác. Và ông đã biết tìm cách liên minh vói con người tượng trưng cho cái Thiện ở Vatican, để đi đến thành công mỹ mãn ở Ba Lan, chỉ bằng phương thức đấu tranh bất bạo động, đúng ra là bằng tuyên truyền. Rồi như một giây chuyền, giống như những quân cờ Domino, toàn bộ khối Đông Âu CS sụp đổ rồi Liên Xô tan rã chỉ hơn một năm sau.

Còn Việt Nam thì vì cho tới nay đa số người Việt quôc gia vẫn chưa nhìn ra nhu cầu căn bản của cuộc chiến là phải dùng tuyền thông hiện đại đánh đổ thần tượng yêu nước “cha già dân tộc”của Hồ Chí Minh, nên vẫn còn bị ở trong thế chiến bại.

Nếu Hồ Chí Minh và đảng CS Việt Nam là nhà ái quốc, đã đánh thắng cả Pháp lẫn Mỹ, trong hai cuộc chiến, như những nhà báo sử gia chẳng hiểu gì về chiến tranh ý thức hệ đã viết, như chúng tôi đã trình bày một cách hết sứ vắn tắt ở trên(7), thì dĩ nhiên những người cùng chiến đấu bênh cạnh Pháp và Mỹ chống Việt Minh, Cộng Sản đều là phản quốc, hay Việt gian bán nước. Dư luận thế giới và con cháu chúng ta sẽ lên án chúng ta là điều không thể nghi ngờ.

Thế mà cho đến nay xem ra các tổ chức đấu tranh cho tự do dân chủ (hầu hết do dân miền Nam trước, hoặc do những cựu sĩ quan, viên chức VNCH khởi xướng hay tham gia) chỉ nhắm vào những công tác phụ khác mà quên bẵng đi nhu cầu chiến lược hàng đầu này. Đáng tiếc.

Một ngày cuối tháng Tư Đen

© 2008-2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline biên tập, minh hoa. Đăng lần đầu ngày 30/4/2008.

(4) Đức Quốc Xã (Nazi) với Goebbels cũng đã tận dụng tuyên truyền vào thế chiến 2, nhưng chính Quốc Tế 3 mới là cơ quan nâng Tuyên Truyền lên hàng nghệ thuật chiến tranh, biến nó thành vũ khí chủ soái trong chiến tranh ý thức hệ.
(5Khi đồng minh tháo chạy của Nguyễn Tiến Hưng.
(6) xin xem JFK and Vietnam của John M. Newman, A Time Warner Co, 1992, trang 33- 34 và 385)
(7) Muốn tham khảo thêm chi tiết về tuyên truyền của CS và chiến tranh ý thức hệ, xin xem những chương liên hệ trong các cuốn Sách Lược Xâm Lăng của Cộng Sản (Saigon, 1963, 1970 và California, Hoa Kỳ 2007), Ai Giết Hồ Chí Minh (Virginia, 2002) và nhất là Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp (Virginia, 2003, 2006)