“Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống…”
Trần Giao Thủy
Trước nhất, đây không phải là một bài viết nhằm kêu gọi một cuộc cách mạng. Đây chỉ là một cố gắng đi tìm nguồn gốc chính xác của hai câu thơ dẫn ở đầu bài cùng một vài nhận định của người viết.
“Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
Hỡi nhân dân, hãy đứng thẳng lên!”
Trước nhất, đây không phải là một bài viết nhằm kêu gọi một cuộc cách mạng. Đây chỉ là một cố gắng đi tìm nguồn gốc chính xác của hai câu thơ dẫn ở đầu bài cùng một vài nhận định của người viết.
Nếu dùng Google để tìm nguồn trích nguyên văn câu “Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống” (với ngoặc kép) người dùng Internet sẽ có khoảng hơn 7000 kết quả. Kết quả của máy tìm Google sẽ giảm đi khi dùng cùng câu đó nhưng thay chữ “ngươi” bằng “người” hay “mi”, “anh”, v.v… Người đọc các bài viết trên Internet có lẽ biết nhiều đến hai câu thơ trên cũng nhờ sự tiến bộ của kỹ thuật thông tin nói chung và Internet nói riêng.
Lần đầu tiên người viết bài này biết đến câu “Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống” qua một bài điểm sách đăng ở DCVOnline vào khoảng 2006. Trong bài “Một gợi nhắc từ Gửi Lại Trước Khi Về Cõi — Đọc sách”[1] viết về cuốn “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” của Vũ Cao Quận, Uyên Thao viết:
Gửi Lại Trước Khi Về Cõi của Vũ Cao Quận gợi nhắc nhiều sự việc, nhiều tâm tư, nhưng gợi nhắc chân thành và khẩn thiết nhất có lẽ chỉ gom trong 2 câu thơ ngắn của Marat:
Người ta lớn, bởi vì mi quì xuống
Hỡi nhân dân, hãy đứng thẳng lên!
Trong cuốn Tâm tình với tuổi trẻ Việt nam[2], Bùi Tín viết:
“Nhà hùng biện Marat nhân vật lãnh đạo của cuộc cách mạng dân chủ dân quyền Pháp cuối thế kỷ 18 đã nói:
Người ta lớn bởi vì người cúi xuống
Hỡi nhân dân! hãy đứng cả lên!”
Cũng trong năm 2006, trong một bài báo tựa đề Thư gửi linh mục Chân Tín và các anh chị tòa soạn báo “Tự do ngôn luận”[3] đăng ở trang Ánh Dương và nhiều nơi khác, tác giả Hoàng Tiến viết:
Nỗi sợ hãi bao trùm tất cả. Ngó trước ngó sau. Ngờ vực lẫn nhau. Bịt mồm. Khom lưng. Vâng vâng dạ dạ, báo cáo anh… vân vân..và..vân vân…, con người không còn ra cái thể thống con người.
Người ta lớn, bởi vì anh quỳ xuống
Hỡi công dân! Hãy đứng thẳng lên!
Trong bài viết trên tác giả Hoàng Tiến còn ghi thêm câu văn tiếng Pháp.
(On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux
Citoyens! Levez-vous droitement! – Marat)
Bốn năm sau, 2010, cũng trên DCVOnline, trong bài viết Thư ngỏ gửi bạn đọc và nhà báo Huy Đức[4], Dương Thu Hương viết:
Trước cuộc cách mạng ấy, khi chưa bị quyền lực làm hủ hoá nhân cách, ông Tố Hữu là người khởi nghĩa đầy can đảm. Ông đã mượn ý nhà cách mạng Pháp Jean-Paul Marat mà làm bài thơ Hãy đứng dậy (tháng 4 năm 1938):
Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
Hỡi nhân dân, hãy đứng thẳng lên!
Đúng như Dương Thu Hương viết, hai câu thơ trên là thơ của Tố Hữu trong bài thơ “Hãy đứng dậy” làm ở Huế khoảng tháng 4, 1938 khi tác giả 18 tuổi. Tuy nhiên ở cuối bài viết của Dương Thu Hương, ngoài phần trích dẫn nguyên văn bài thơ “Hãy đứng dậy”, DCVOnline còn có ghi chú:
DCVOnline: Tuy Tố Hữu và nhiều người khác cho tác giả [của] ý hai câu Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống / Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên! là Jean-Paul Marat nhưng chưa khi nào trích dẫn nguồn và nguyên văn “ý tưởng của Marat” đã viết khi nào đăng ở sách, báo nào.
Đây cũng chính là lý do có bài viết hôm nay; như đã nói trên, đây chỉ là một cố gắng đi tìm nguồn gốc chính xác của hai câu thơ được người Việt Nam ưa chuộng và sử dụng khá nhiều.
Chính xác nhất có lẽ là Dương Thu Hương khi tác giả cho rằng hai câu thơ đầu bài “Hãy đứng dậy” của Tố Hữu là “mượn ý” chứ không phải là “dịch” từ thơ/văn, dĩ nhiên bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh, “của Marat” như nhận định của Vũ Cao Quận, Uyên Thao, Bùi Tín, Hoàng Tiến và nhiều người cầm bút khác.
On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux
Mặt khác, đến năm 2008, Hoàng Tiến cho người đọc biết nguồn gốc của hai câu thơ tiếng Pháp mà ông đã viết trong bài Thư gửi linh mục Chân Tín và các anh chị tòa soạn báo “Tự do ngôn luận”. Trong bài Trước tết Mậu Tý, nghĩ về Hoàng Trường Sa[5] đăng trên DCVOnline, ông Tổng biên Tập san Tự do Dân chủ viết:
Người ta lớn, bởi vì anh quỳ xuống
Ai nói thế nhỉ? Chảy trong máu huyết tôi một luồng khí hổ thẹn làm đỏ da mặt. À, ông Marat, một vip trong cuộc cách mạng Pháp 1789. Vẳng lên bên tai câu nói của ông ghi bằng tiếng Pháp chúng tôi được học khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường thời Pháp thuộc:
On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux
[…]
Nhún nhường không phải là phương cách tốt nhất để bảo vệ địa giới non sông. Nhất là nhún nhường với người hàng xóm từ lâu đã có dã tâm bành trướng.
Vậy phải làm thế nào?
Marat kêu gọi dân chúng Pháp:
Hỡi đồng bào! Hãy đứng thẳng người lên
(Citoyens ! Levez – vous droitement)
Như thế, tác giả Hoàng Tiến (1933-2013) đã xác định thời điểm ông biết đến câu văn tiếng Pháp là lúc ông còn đi học dưới thời Pháp thuộc [1884-1945]. Dưới tuổi 13 mà ông Hoàng Tiến đã được hấp thụ tư tưởng cách mạng Pháp bằng tiếng Pháp, ngay thời Pháp thuộc và khi năm 75 tuổi vẫn còn nhớ là chi tiết đáng lưu ý. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì ông thay đã thay thế “Hỡi công dân!” bằng “Hỡi đồng bào!”
Sau khi tác giả Hoàng Tiến cho người đọc khắp nơi biết đến câu văn bằng tiếng Pháp mà ông đã học được từ thuở bé thì nhiều người viết văn, làm thơ khác đã dùng những câu tiếng Pháp đó trong tác phẩm, bài viết của mình. Sau đây là một vài thí dụ.
Đầu tiên có lẽ là Phan Phú Khải, trong môt bài viết năm 2009 đăng trên BBC tiếng Việt gởi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tựa đề Thư ngỏ của một công dân ngoài Đảng[6], tác giả viết:
Thưa Ông Tổng Bí thư, trong cuộc cách mạng Pháp năm 1789 có một câu nói nổi tiếng của Marat được truyền tụng khắp châu Âu: Người ta lớn bởi vì anh quỳ xuống (On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux) Dân tộc chúng ta từ khi lập nước chưa bao giờ tự cho mình là bé nhỏ.
Kế đến, có thể là Lưu Nguyễn Đạt, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Diễn đàn Việt Thức, trong bài thơ Người Ta Lớn[7], đăng ngày 27 tháng 2, 2011 tại trang Việt Thức, tác giả viết và chú thích như sau:
Người Ta Lớn
người ta lớn bởi vì anh quỳ xuống [1]
học thuộc lòng những tư tưởng mạt ty
[…]
[1] Marat: “on est grand, parce que vous vous mettez à genoux …”
Sau đó là blogger Nguyễn Quyết Thắng, 21/07/2011, tác giả viết tại trang Cúi xuống bầu trời viết và chú thích:
[…] Israel chưa tới 21 ngàn km2 với gần 7 triệu dân
Hỏi xem họ nghĩ gì?
-Người ta lớn bởi vì Ngươi quỳ xuống!**
[…]
** Câu nói nổi tiếng của Marat trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 được truyền tụng khắp thế giới: “On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux”
Thí dụ sau cùng trích từ một bài viết, “Tiếng Đảng đẻ”, hay nhân trường hợp của anh Chu Hảo…[8] của Trương Đức đăng trên Tiền Vệ năm 2012:
Có một quá khứ như thế này, mình muốn nhắc đến Cuộc cách mạng Pháp vào năm 1789, chính xác ra là câu nói nổi tiếng của Marat: “On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux” (Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống). Tức là, bình thường ra ai cũng biết như vậy, đúng không, nhưng mình xin hỏi, tại sao ở cái kỷ nguyên thứ 21 của văn minh loài người này, còn rất, rất, rất nhiều cái gọi là “ngươi”, vẫn luôn hàng ngày “cúi xuống”? Những cái sự như là “đỉnh cao chói lọi”, hay là “lãnh tụ vĩ đại”, xét cho cùng, cũng là do “các ngươi” cúi xuống cơ mà, không biết à?!
Tóm lại, từ ngày ông Tố Hữu làm bài thơ “Hãy đứng dậy” đến nay đã hơn 74 năm dường như hầu hết người cầm bút, trong nước cũng như ở hải ngoại – từ những blogger ít nghe tên, đến các nhà văn, nhà báo, tiến sĩ, luật sư – ít nhiều không những đã có tên mà còn có cả tuổi – tất cả dường như đều đồng ý với chú dẫn của Tố Hữu, cho rằng ý hai câu đầu bài thơ ông sáng tác năm 18 tuổi bắt nguồn từ ý tưởng cách mạng của Marat. Nếu không đồng ý với Tố Hữu, có lẽ những người cầm bút trích dẫn hai câu thơ và Marat, hoặc coi chuyện tác quyền không là vấn đề quan trọng, hoặc không muốn phí thời gian tìm hiểu nguồn gốc của hai câu thơ, hoặc vì những lý do riêng tư nào đó.
Nói dường như hầu hết người cầm bút vì cũng có người khác cho rằng hai câu thơ đó không phải là văn thơ của Marat hay thơ của Tố Hữu. Trong phần góp ý dưới bài Đơn khiếu nại của bà con Văn Giang[9], đăng tại blog Nguyễn Xuân Diện ngày 15 tháng 5 năm 2012, một bạn đọc nặc danh đã viết:
Đúng như nhà thơ vĩ đại người Nga đã từng viết:
Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên!
Bạn đọc nặc danh này không cho biết nhà thơ người Nga tên gì dù tác giả hai câu thơ đó là một “nhà thơ vĩ đại”.
Người viết có hai câu hỏi tự đặt cho mình. Một là ý tưởng của câu “Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống …” có đúng là ý tưởng của Marat hay của ai khác. Thứ đến, hai câu thơ tiếng Pháp “On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux…” có phải là lời của Marat tuyên bố trong thời cách mạng Pháp hay không. Nguyên nhân có hai câu hỏi này là nguyên tắc tôn trọng tác quyền và người viết là học trò của văn học sử nói riêng và lịch sử nói chung.
Marat
Trước nhất, Marat là ai? Marat là Jean-Paul Marat (24/05/1743 – 13/07/1793), một bác sĩ tự học, một nhà lý luận chính trị, và một nhà khoa học được biết đến nhiều nhất trong cuộc Cách mạng Pháp như là một nhà báo và một chính trị gia cấp tiến. Ông đã nổi tiếng với những bài báo bốc lửa và lập trường kiên quyết đối với “kẻ thù của cách mạng”, kêu gọi thay đổi cơ bản cho thành phần nghèo nhất của xã hội. Marat là một trong những tiếng nói cực đoan trong thời Cách mạng Pháp, và ông trở thành một hậu vệ kiên quyết cho nhóm “sans-culottes” [nhóm cực tả, đa số là giới lao động ở thành phố, không mặc quần ngắn để phân biệt với thành phần tiểu tư sản ôn hòa mặc cullotes]; Marat bày tỏ quan điểm khắp nước Pháp bằng những diễn văn sôi động trước công chúng, những bài bình luận, và bằng tờ báo của chính ông. Marat tố cáo triệt để nhóm “phản cách mạng”, ủng hộ việc sử dụng bạo lực trong giai đoạn chiến tranh của Cách mạng Pháp. Với một số người, Marat bị coi là quái vật khát máu, bị nguyền rủa vì ông kiên định ủng hộ án tử hình. Bị đánh giá như thế nhưng lịch sử cũng đã ghi lại những bách hại, đàn áp cũng như căn bệnh ngoài da ngặt nghèo, Dermatitis herpetiformis, mà Marat đã phải gánh chịu suốt đời tranh đấu, trốn chạy và có khi đã phải sống trong đường cống tại Paris. Marat liên tục tấn công “kẻ thù của nhân dân”, v.v.. Hành động và quan điểm của Marat được dân chúng tin tưởng và coi ông là đại diện không chính thức với Câu lạc bộ Jacobin gồm những chính trị gia tên tuổi, thuộc khối tiểu tư sản ôn hòa và có ảnh hưởng. Nhóm Câu lạc bộ Jacobin lên nắm quyền vào tháng 6 năm 1793. Jean-Paul Marat đã bị Charlotte Corday, một cảm tình viên của phe Girondist, ám sát trong bồn tắm ngày 13 July 1793 khi ông 50 tuổi[10].
Tác phẩm chính trị của Marat
Không kể những tác phẩm viết về khoa học như Essay on the Human Soul (1771) hay A Philosophical Essay on Man (1773), v.v.. Sau đây là một số tác phẩm chính trị đáng kể của Marat.
Năm 1780 Marat cho xuất bản Plan de législation criminelle nội dung cho thấy Mararat đã phối hợp ý tưởng của Montesquieu và Jean-Jacques Rousseau phê bình các chế độ chính trị cũ và ông cũng đã có liên lạc với Benjamin Franklin, lãnh đạo của Cách mạng Hoa Kỳ thời đó.
Đầu năm 1789 – năm bắt đầu cuộc Cách mạng Pháp – Marat cho xuất bản tập sách nhỏ Offrande à la patrie hay Discours au liers-état de France. Khởi đầu Marat vẫn tin rằng đế chế Pháp vẫn có thể giải quyết các vấn đề của Pháp nhưng trong một phụ bản, Discours au tiers-état de France phát hành vài tháng sau Marat đổi ý cho rằng Vua nước Pháp chỉ lo cho tư lợi mà không nghĩ đến dân nghèo. Đồng thời Marat gạt bỏ và công kích những ý tưởng đề nghị dùng hệ thống chính phủ của Anh cho nước Pháp.
La Constitution, còn gọi là projet de déclaration des droits de l’homme et du citoyen, suivie d’un plan de constitution juste, sage et libre (Paris, chez Buisson, libraire, rue Hautefeuille, hôtel de Coetlosquet, n° 20. 1789). Tác phẩm 67 trang, không kể 4 trang tựa đề và lời nói đầu, này đã được in hai lần trong cùng năm 1789.
Hậu thân của số báo duy nhất mang tên Moniteur patriote và năm số khác tên Publiciste parisien (12/09/1789), là tờ L’Ami du Peuple cuả Marat phát hành vào ngày 16 tháng 9, 1789, hai tháng sau ngày ngục Bastille bị tấn công; bị gián đoạn một thời gian ngắn khi Marat phải ngồi tù hoặc đang trốn chạy, tờ báo phát hành gần 700 số, thường là 8 trang, và đình bản ngày 21 tháng 9, 1792. L’Ami du Peuple đúng là tờ báo của Marat vì tất cả nội dung đều là những bài viết của Jean-Paul Marat. [Tương tự, tờ Histoire des Révolutions de France et de Brabant, phát hành từ tháng 11, 1789 đến cuối tháng 7, 1891, đều do Camille Desmoulins tự viết và phát hành.]
Ngày 20 tháng 9, 1792, J.-P. Marat, không đảng phái, được bầu làm dân biểu của La Convention, Quốc hội lập hiến và lập pháp. Ngày 22 tháng 9, 1792 Quốc hội này đã khai sinh nền Đệ nhất Cộng hòa Pháp. Ngay sau đó, ngày 25 tháng 9, Marat cho xuất bản số đầu tiên, không đề ngày, của tờ Le Journal de la République française. Số sau cùng của tờ báo này phát hành ngày 14 tháng 7, 1793, một ngày sau khi Marat bị ám sát.
Trong suốt quãng đời gắn liền với và đã trở thành một phần lịch sử cuộc Cách mạng Pháp, Jean-Paul Marat là một trí thức độc lập, không tham gia một phe phía nào. L’Ami du Peuple [Bạn của nhân dân] là phương tiện đấu tranh, là diễn đàn tư tưởng của Marat. Trong thời gian trốn chạy sang London từ 12/1791 trước khi trở lại Paris, Marat xuất bản L’École du citoyen (3/1792).
Năm 1792, tại Paris, như một cách cho quảng cáo tờ báo L’Ami du Peuple, Marat cho phát hành cuốn Les chaînes de l’esclavage [Xích xiềng nô lệ] đã xuất bản bằng tiếng Anh, tựa đề The Chains of Slavery, tại London từ 1774 nhân cuộc bầu cử quốc hội mới tại Anh Quốc. Từ kinh nghiệm có được lúc nghiên cứu học hỏi về thiên nhiên thời thanh niên, Marat cho rằng ông đã sớm biết đến và không khi nào bỏ lỡ cơ hội bảo vệ quyền con người. Marat tuyên bố cống hiến phần đời còn lại để tranh đấu cho tự do, giúp người dân thoát khỏi thờ ơ, và thấy được những tệ nạn kinh khủng của chế độ độc tài, chuyên quyền và lợi ích vô giá của tự do; truyền lại ngọn lửa tự do thiêng liêng đó cho mọi người là mục đích của Marat khi viết Les chaînes de l’esclavage[11].
Ngoài ra Marat đã viết chung Circulaire de La Commune De Paris (03/09/1792) với nhiều tác người khác như Pierre J. Duplain, Panis, Sergent, Lenfant, Jourdeuil, Deforgues, Ledere, Duffort.
Và hơn hai tháng trước khi bị giết, Marat phát hành Circulaire de La Société Des Amis de La Liberté et de L’égalité (03/05/1793).
“On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux. Citoyens! Levez-vous droitement” có đúng là văn ngôn của Jean-Paul Marat trong những bài quan điểm, bình luận chính trị của ông trong thời Cách mạng Pháp hay không? Một lần nữa, kỹ thuật thông tin của thế kỷ 21 đã giúp người đọc cũng như người viết rất nhiều trong việc tìm tài liệu đã được số hóa.
Nếu Google đã cung cấp hơn 7000 kết quả có câu “Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống”thì “On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux” cũng có gần 300 kết quả, xuất phát 100% từ những trang web hay bài viết bằng tiếng Việt. Nói cách khác, những trang web của người dùng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính không biết đến câu văn tiếng Pháp trên đây.
Danh ngôn của Marat
Đi tìm những câu nói nổi tiếng, viết bằng tiếng Pháp, của Jean-Paul Marat người sẽ thấy khoảng 20 trích dẫn[12], đa số là từ Les Chaînes de l’esclavage và L’Ami du peuple. Tuy nhiên, không đâu trong hai mươi trích dẫn Marat đó có ý hay từ tương tự câu văn tiếng Pháp mà Hoàng Tiến đã giới thiệu từ năm 2006.
Trong cuốn Les Chaînes de l’esclavage đã được Jean-Marie Tremblay, giáo sư ban Xã hội học trường CEGEP Chicoutimi (Québec, Canada) số hóa năm 2003, bổ túc và hiệu đính 2009, có tất cả 5 lần Marat sử dụng nhóm chữ “à genoux” [quỳ]:
- “[…] Comment auraient-ils l’audace de résister à l’oppression, et de renverser l’empire des hommes puissants devant lesquels ils se tiennent à genoux ?” (trang 24).
- “[…] quelques-uns vont même jusqu’à ordonner qu’on ne les serve et qu’on ne leur parle qu’à genoux.” (trang 41).
- “[…] Dans certaines fonctions publiques, c’est à genoux qu’on s’adresse aux rois, et de cette humble posture, on conclut que les sujets sont esclaves.” (trang 177).
- “[…] il envoya l’arrêt au parlement de Paris : mais bientôt, furieux d’apprendre que les voix se trouvaient partagées, il engagea le roi à mander le parlement, à le faire parler à genoux, à déchirer l’arrêt de partage, et à exiler trois des principaux membres de ce corps.” (trang 184).
- “[…] Ainsi, en écrasant ceux qui résistent, et en effrayant ceux qui voudraient résister bientôt, il ne se trouve plus personne pour défendre la patrie, et il ne reste dans l’état que de vils esclaves à genoux devant un maître impérieux.” (trang 191).
Cả năm trích dẫn trên cho thấy câu “On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux” không có trong tác phẩm của Marat viết từ năm 1774, trước cuộc Cách mạng Pháp. TrongLes Chaînes de l’esclavage, Marat xem hành động quỳ xuống với tư cách của nô lệ không thể chống lại đàn áp của bạo quyền.
Thế còn trong hơn 700 số báo L’Ami du peuple, Marat có nói “On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux” hay không? Dự án số hóa toàn bộ những số báo L’Ami du peuple từ tháng 9, 1789 đến tháng 9, 1792 của Khoa Văn và Ngôn ngữ Đại học Chicago và Thư viện New York giúp người tham khảo và truy cứu có thể trả lời câu hỏi đó.
Tài liệu số hóa lưu trữ tại Đại học Chicago cho thấy Marat đã 42 lần sử dụng “à genoux”[13] trong gần 700 số báo L’Ami du peuple nhưng không có đoạn nào trong đó cùng mạch văn với câu “On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux. Citoyens! Levez-vous droitement.” Và dĩ nhiên cũng không có nguyên văn câu đó trong những số báo của Jean-Paul Marat.
Với những tôn trọng nhất định đối với các tác phẩm chính trị của Marat, “người bạn của nhân dân”, trong thời Cách mạng Pháp, người viết bài này tin rằng Jean Paul Marat không hề nói hay viết câu, “On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux. Citoyens! Levez-vous droitement.”
Câu hỏi tiếp theo là trong văn học cách mạng Pháp ở những năm 1789-1792, trước khi thành lập nền Cộng hòa Pháp, có câu văn nào đồng nghĩa, hay có ý tương tự với hai câu thơ “Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống / Hỡi nhân dân, hãy đứng thẳng lên!” của Tố Hữu (mượn ý) hay không?
Có!
“Les grands ne nous paraissent grands que parce que nous sommes à genoux. Levons-nous!”
Nhiều nguồn khác nhau cho tác giả của câu nói trên là Armand Elisée de Loustalot, là Louis-Marie Prudhomme, hoặc là khẩu hiệu viết trên tường trong thời Cách mạng Pháp. Cũng có nguồn khác cho rằng Pierre Victurnien Vergniaud trong một diễn văn năm 1792 đã nói, “Les grands ne sont grands que parce que nous sommes à genoux: levons-nous.” Trích dẫn nói Vergniaud là tác giả không đủ chứng từ thuyết phục.
Les Révolutions de Paris
Louis-Marie Prudhomme (1752-1830) là một người quản thủ thư viện, viết văn, làm báo. Từ 12 tháng Bẩy, 1789 đến 28 tháng Hai, 1794, Prudhomme là chủ nhiệm kiêm người xuất bản tờ báo Les Révolutions de Paris. Không như những tờ báo của cá nhân như L’Ami du peuple của Marat hay Histoire des Révolutions de France et de Brabant của Camille Desmoulins, Prudhomme hợp tác với những ngòi bút khác như Elisée de Loustalot, Sylvain Maréchal, Pierre Gaspard Chaumette and Fabre d’Églantine. Trong số đó Armand Elisée de Loustalot (12/08/1762 – 19/09/1790) là chủ bút thứ nhì của tờ báo – từ số 16, sau Antoine Tournon. Theo tài liệu Illustrations from Révolutions de Paris của Khoa Sử tại Đại học Darmouth, Hoa Kỳ thì ấn bản đầu tiên của tờ Les Révolutions de Paris do Antoine [hay Alexandre] Tournon (1754-1794) viết và nhờ Prudhomme in và phát hành. Tournon là chủ bút cho 15 số đầu tiên; sau đó chủ bút là Loustalot. Tuy nhiên, tất cả các bài viết trên tờ Les Révolutions de Parisđều không ghi tác giả[14].
Từ số đầu tiên, tờ Les Révolutions de Paris ghi trên trang bìa “Do sieur Prudhomme xuất bản từ ngày 12 tháng Bẩy, 1789”. Ở cuối trang bìa là hàng chữ
================================
“Les grands ne nous paroissent grands
que parce que nous sommes à genoux
……………….Levons nous………………”
================================
Và không ghi tác giả là ai.
Chữ paroissent, một dạng của chữ paraissent, là tiếng Pháp cổ. Vẫn theo tài liệu của Khoa Sử, ĐH Darmouth thì số báo đầu tiên của tờ Révolutions de Paris xuất hiện ở Paris chiều ngày 14 tháng Bẩy, 1789 sau khi ngục Bastille bị tấn công.
Đây là tài liệu đã số hóa duy nhất mà người viết tìm được gốc chính của câu văn “Les grands ne nous paroissent grands que parce que nous sommes à genoux. Levons nous” đăng từ số đầu tiên của tờ Les Révolutions de Paris và là châm ngôn biểu tượng của tờ báo trong suốt thời gian xuất bản từ 12 tháng Bẩy 1789 đến 28 tháng Hai 1794.
Tài liệu này có thể xác định được câu văn nổi tiếng từ thời Cách mạng Pháp đến nay đã xuất hiện từ giữa tháng Bảy, 1789 trên số báo Les Révolutions de Paris đầu tiên – hai tháng trước khi Marat xuất bản số đầu tiên của tờ L’Ami du Peuple. Như thế, tác giả thực của câu văn nổi tiếng này có thể là một trong hai người, Louis-Marie Prudhomme, chủ nhân nhà xuất bản, hay Alexandre/Antoine Tournon, người viết số đầu tiên và là chủ bút 15 số báo.
Trở lại với Tố Hữu và Marat trong hai câu thơ, Người ta lớn bởi vì ngươi cúi (quỳ) xuống / Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên! Tại sao Tố Hữu [hay Đảng CSVN lúc đó] chọn Marat làm tác giả của ý tưởng kêu gọi nhân dân vùng lên chống chế độ bạo quyền độc tài?
Thứ nhất, Jean-Paul Marat là một tên tuổi tầm cỡ như Georges Jacques Danton, Maximilien Robespierre trong thời Cách mạng Pháp; thứ nhì, Marat, tiền thân của của những người theo Chủ nghĩa Xã hội đương đại, một người mà triết gia, nhà báo Ernest Belfort Bax (1854 – 1926) cho rằng Marat đã bị cả bốn thế hệ sử gia tư bản nguyền rủa và cũng là người bị trù dập nhiều nhất trong lịch sử Cách mạng Pháp[15]. Hơn nữa, biệt danh “Bạn của nhân dân” [L’Ami du peuple] cùng quan điểm ủng hộ việc sử dụng bạo lực làm phương tiện đấu tranh của Marat cũng rất thu hút đối với bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản. Hà Huy Tập, Tổng Bí thư thứ ba (26 tháng 7, 1936 – 30 tháng 3, 1938) của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể đã dùng tên hai thần tượng ghép thành một bút danh cho mình, Giodep Marat [Joseph Stalin và J.-P. Marat].
Tố Hữu [hay Đảng CSVN lúc đó] có biết đến tờ Les Révolutions de Paris, Louis-Marie Prudhomme, Antoine Tournon, hay Armand Elisée de Loustalot lại là một vấn đề khác.
Và câu văn tiếng Pháp mà tác giả Hoàng Tiến giới thiệu cách đây sáu năm, người viết bài này – dựa trên các tìm hiểu và thông tin có được – tin rằng đó chỉ là bản dịch hai câu thơ đầu bài thơ “Hãy đứng dậy” của Tố Hữu mượn ý sáng tác 74 năm về trước.
Mỉa mai thay sau gần 3/4 thế kỷ vinh danh tư tưởng của Marat, một người làm báo tự do kêu gọi nhân dân đứng dậy chống lại độc tài, bất công, bạo ngược thì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hôm nay kiên quyết truy lùng, đánh phá, hành hung, khủng bố, bỏ tù những người ôn hòa vận động dân chủ, đòi tự do và công bằng xã hội. Những người Việt Nam viết blog, viết Facebook ở thế kỷ 21 vận động dân chủ khác gì những Marat, những Desmoulins thời Cách mạng Pháp? Hơn 200 năm sau Cách mạng Pháp, người Việt Nam ngày nay vẫn phải còn phải đứng lên đòi quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Tệ hơn nữa, những người đang nắm quyền lực trong tay tại Việt Nam dường như đang làm ngược lại kêu gọi của Tố Hữu; họ đang cúi đầu, quỳ gối, và không biết khi nào mới có can đảm đứng thẳng người lên, ngẩng đầu nhìn về phương Bắc.
Mặt khác, một hy vọng nhỏ của người viết là, nền “học thuật chép và dán” bừa bãi sẽ chết hẳn trong giới cầm bút Việt Nam trong cũng như ngoài nước.
Sau cùng, xin trả lại sự thật cho lịch sử văn học. Hãy ngừng tráo trở và lợi dụng lịch sử trong canh bạc chính trị.
Les grands ne nous paraissent grands
que parce que nous sommes à genoux.
Levons nous.
(Révolutions de Paris 1789).
Khi quỳ xuống nhìn người ta tưởng lớn,
Hãy cùng nhau đứng dậy đi thôi.
(Báo Cách mạng Paris 1789-1794)
Tháng 10, 2012
© DCVOnline 2012-2023
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
[1] Uyên Thao, Một gợi nhắc từ Gửi Lại Trước Khi Về Cõi — Đọc sách. DCVOnline 10/03/2006.
[2] Bùi Tín, Tâm tình với tuổi trẻ Việt nam, Tủ sách Thời sự & Thế giới, 2006
[3] Nhà văn Hoàng Tiến, Thư gửi linh mục Chân Tín và các anh chị tòa soạn báo “Tự do ngôn luận”. Trang Ánh Dương, 16-5-2006.
[4] Dương Thu Hương, Thư ngỏ gửi bạn đọc và nhà báo Huy Đức – phần cuối. DCVOnline 16/12/2010.
[5] Nhà văn Hoàng Tiến, Trước tết Mậu Tý, nghĩ về Hoàng Trường Sa. DCVOnline. 23-01-2008. Bài này cũng đăng trên Tập san Tự do Dân chủ, Số 10, 07/02/2008. Tác giả là Tổng biên tập của Tập san [phát hành 02/09/2006 đến 18/10/2010 từ số 1 đến số 21].
[6] Phan Phú Khải, nhà báo, Thư ngỏ của một công dân ngoài Đảng, Viết từ TP. HCM. BBC Tiếng Việt. Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009.
[7] Lưu Nguyễn Đạt, thơ mandala: Người Ta Lớn. February 27, 2011. Diễn đàn Việt Thức.
[8] Trương Đức, “Tiếng Đảng đẻ”, hay nhân trường hợp của anh Chu Hảo… Mục [đối thoại], Tiền Vệ. 2012.
[9] Nặc danh, Nguồn: Nguyễn Xuân Diện, ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA BÀ CON VĂN GIANG. Ngày 15 tháng 5 năm 2012.
[10] Wikipedia, Encyclopaedia Britannica và Kho Dữ liệu những Tên tuổi đáng ghi nhớ [The Notable Names Database]
[11] Jean-Paul Marat, l’Ami du peuple Les chaînes de l’esclavage, Lời nói đầu. Paris, nhà in Marat, đường Cordeliers, L’an 1er de la République.
[12] Danh ngôn của Marat ở trang Dico citations.
[13] Trong L’Ami du peuple, Marat dùng “à genoux” lần đầu tiên ở Số 98, ngày 15/01/1790, và lần thứ 42 trong Số 659 ngày 28/05/1792.
[14] Illustrations from Révolutions de Paris, Khoa Sử, ĐH Darmouth, Hanover, NH 03755 USA.
[15] Robert Arch, EB Bax, Thinker and Pioneer, (1927) Hyndman Literary Committee, Hyndman Club and Institute, 54 Colebroke Row, N1, [24 p.]
Tham khảo
– Jacques Guilhaumou, Antoine Tournon, un journaliste patriote à l’épreuve des principes, Annales historiques de la Révolution française [En ligne], 351 | janvier-mars 2008, mis en ligne le 01 avril 2011, consulté le 30 septembre 2012. URL: http://ahrf.revues.org/11343. Truy cập ngày 30/09/2012.
– Jean-Paul Marat, Les chaînes de l’esclavage (1774). Reproduction de l’édition que l’auteur fit paraître en 1792 à Paris (dite édition de l’An I). Paris: Union générale d’Éditions, 1972. Collection 10-18, no 689, 312 pages. Édition complétée le 7 mars 2003 à Chicoutimi, Québec. Édition revue et corrigée le 1er avril 2009. Jean-Marie Tremblay số hóa.
– Jean-Paul Marat, L’Ami du peuple. The Project for American and French Research on the Treasury of the French Language (ARTFL). University of Chicago & New York Public Library.