Mẩu chuyện quanh “Ngàn năm áo mũ”

Trần Quang Đức và bằng hữu

tqd1Như đã đề cập trên: “bên cạnh sự ảnh hưởng của truyền thống tín ngưỡng Đạo giáo, thì việc mô phỏng quy chế Trung Quốc tại triều đình Việt Nam đã góp phần tạo nên hiện tượng này.”

DCVOnline – Cuốn Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức do Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế Giới phát hành vào ngày 29 tháng 5 tại Hội chợ Sách hè năm 2013 tổ chức ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Tối 31/5, tại Hội chợ sách này, tác giả Trần Quang Đức đã có mặt ký tặng sách và trao đổi với bạn đọc. Ngoài ra cuốn Ngàn năm áo mũ (sách in) sẽ còn được Transpacific Books phát hành khắp nơi qua mạng Amazon vào trung tuần tháng Sáu, 2013. DCVOnline xin giới thiệu với bạn đọc một mẩu chuyện giữa Trần Quang Đức và vài người bạn của ông trên Facebook.

Tác giả Trần Quang Đức tại Hội sách Hè 2013 (Hà Nội). Nguồn ảnh: songtre.tv
Tác giả Trần Quang Đức tại Hội sách Hè 2013 (Hà Nội). Nguồn ảnh: songtre.tv

Le Minh Khai 

Vào thời Trần, Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo đều được triều đình Đại Việt coi trọng, tạo nên cục diện tam giáo đồng tôn. Phần lớn các học giả đều nhất trí cho rằng, dưới vương triều Lý – Trần, đạo Phật chiếm ưu thế hơn cả, song trên thực tế, vương triều Trần đã từng rất hâm mộ Đạo giáo(1). Xét riêng cách ăn mặc, qua một số miêu tả của sứ thần nhà Nguyên, ta thấy các vị vua nhà Trần thường xuất hiện với dáng dấp của một vị chân nhân hoặc một vị thần tiên thoát tục. Tỉ như lụa bọc tóc màu trắng của vua Trần Nhân Tông được sứ thần Trần Cương Trung miêu tả “trông xa như Luân cân của đạo sĩ”(2). Vua Trần Minh Tông mặc áo giao lĩnh màu vàng, đội mũ, thắt dây thao dự yến tiệc được sứ giả nhà Nguyên khen “thanh thoát tựa như thần tiên, đến khi về nước cứ nói mãi về phong thái thanh tú của vua”(3). Ngoài ra, Toàn thư còn cho biết Trần Nhật Duật từng mặc áo Xưởng Hạc, đội mũ như đạo sĩ để làm bùa phép, trấn cho vua Trần Minh Tông khỏi ốm(4) v.v. [Trích, Trần Quang Đức, “Ngàn năm áo mũ”.]

Trần Quang Đức, Ngàn Năm Áo Mũ, 2013. Nguồn: Nhã Nam &TQĐ.
Trần Quang Đức, Ngàn Năm Áo Mũ, 2013. Nguồn: Nhã Nam &TQĐ.

Tôi nghĩ rằng phần này rất thú vị. Nhưng khi đó thì Nho giáo, Lão giáo, và Phật giáo không phải là hoàn toàn riêng biệt rồi.

Đạo giáo đã bắt chước bộ máy hành chính của chính phủ “Nho giáo.” Chính phủ Nho giáo có Thiên Tử và Đạo giáo có Ngọc Hoàng (và rất nhiều quan chức nữa). Như vậy, Đạo giáo có thể được sử dụng để cai trị người. Có lẽ không thể gọi nó là một “chính phủ” nhưng những người Yao/Dao đã sử dụng Đạo giáo để cai trị những nhóm người của mình.

Do đó, khi tác giả nói rằng “vương triều Trần đã từng rất hâm mộ Đạo giáo,” thì tôi nghĩ rằng nó phức tạp hơn (nhưng tôi chưa thấy bất cứ ai giải thích điều này một cách rõ ràng – vì nó phức tạp lắm). Trong bộ máy hành chính cửa nhà Trần có một số yếu tố Đạo giáo, nhưng những yếu tố ấy đã được “Nho giáo hóa” hay là “chính phủ hóa” rồi.

Và nhà Trần có lẽ không nhìn nó là “Đạo giáo,” mà chỉ nghĩ rằng nó “thiêng liêng” thôi, giống như áo Cổn mũ Miện. Chỉ là khi có một người “chính thống” hơn, giống như sứ thần TQ hay là “Học trò mặt trắng,” mới phân biệt.

Những gì tôi nói ở đây không phải là rất khác với những gì đã nói, chỉ là perspective là khác một chút thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải bắt đầu cố gắng để nói về “tam giáo” một cách tinh vi hơn thôi. Không biết tác giả đồng ý hay không?

Trần Quang Đức – Vấn đề Đạo giáo với triều đình Việt Nam rất thú vị. Tuy nhiên, trong khuôn khổ, cuốn sách không thể trình bày kỹ về vấn đề này. Ở đây, tôi xin được trao đổi một vài suy nghĩ thế này.

Thứ nhất, xem xét sự ảnh hưởng của Đạo giáo tới triều đình Việt Nam trong sự đối sánh với triều đình Trung Quốc, có thể thấy Đạo giáo ở tại Việt Nam và Trung Quốc, đều có ảnh hưởng sâu sắc trong khoảng từ thế kỷ X (Đinh Lê – Tống) tới thế kỷ XV (Trần Hồ – Minh sơ); sau đó suy yếu dần, nhường chỗ cho Nho giáo độc tôn 獨尊儒術, về sau không tiếp tục xuất hiện hiện tượng đạo sĩ giữ chức vụ chính trị trong cung đình. Đây là sự tương đồng về vận mệnh của Đạo giáo ở cả hai đất nước, mà tôi cho rằng, bên cạnh sự ảnh hưởng của truyền thống tín ngưỡng Đạo giáo, thì việc mô phỏng quy chế Trung Quốc tại triều đình Việt Nam đã góp phần tạo nên hiện tượng này. Tương tự viêc nhà Đường (họ Lý) coi Lão Tử (tên tục Lý Nhĩ) là thủy tổ 始祖, nhà Tống (họ Triệu) coi Triệu Huyền Lãng, một vị thần của Đạo giáo, là thủy tổ, đặt ra cung Thái Thanh 太清宫 thờ Lão Tử và các vị thần Đạo giáo ở Hào Châu. Quy chế nhà Tống xuất hiện một số chức vụ do Đạo sĩ đảm nhiệm (gọi là Đạo quan 道官), và từng phân chia rõ phẩm cấp Đạo sĩ (gọi là Đạo giai 道階). Và ta cũng bắt gặp quy chế tương tự tại triều đình Việt thời kỳ đầu, tỉ như việc thời Đinh, đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi 崇真威儀, muộn nhất vào thời Lý Thái Tông đã có cung Thái Thanh thờ các vị thần Đạo giáo, v.v.

Thứ hai, mặc dù bị ‘Nho giáo hóa’, song nhiệm vụ chính của Đạo sĩ vẫn là cầu cúng, tu tiên, tìm đến sự trường sinh bất lão. Và do muốn duy trì tuổi thọ để có thể nắm giữ quyền lực lâu dài, không ít hoàng đế Trung Quốc tìm đến Đạo sĩ để xin thuốc tiên, hay thậm chí học phép tu của Đạo sĩ. Sử Trung Quốc ghi chép rất nhiều về những trường hợp như vậy, tỉ như vua Tống Huy Tông (1082 -1135) tự xưng là Đạo Quân hoàng đế 道君皇帝, đến khi bị quân Kim bắt, ông ta vẫn mặc trang phục của Đạo sĩ. Đại Việt Sử ký Toàn thư cho biết: Hoàng tử thứ 6 Nhật Duật sinh. Trước đó, đạo sĩ cung Thái Thanh tên là Thậm cầu tự cho vua. Đọc sớ xong tâu vua: “Thượng đế đã y lời sớ tấu, sắp sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ”; Trần Nhật Duật từng mặc áo Xưởng Hạc, đội mũ như đạo sĩ để làm bùa phép, trấn cho vua Trần Minh Tông khỏi ốm. Mùa đông, tháng 10, cho mời đạo sĩ Huyền Vân ở núi Chí Linh đến kinh để hỏi về phép tu luyện. Ban cho động của đạo sĩ tên là “Huyền Thanh động”; Canh Tuất, [Thiệu Khánh] năm thứ 1 [1370], Mùa xuân, tháng giêng, vua Minh tự làm bài chúc văn, sai Diêm Nguyên Phục, đạo sĩ cung Triều Thiên, đem lễ trâu và lụa, đền tế thần núi Tản Viên và các thủy thần sông Lô v.v.

Thứ ba, quay lại vấn đề trang phục. Trong quy chế trang phục của vua Trần, xuất hiện một loại mũ mang tên Phù Dung quan 芙蓉冠 (mũ Phù Dung). Loại mũ này tại Trung Quốc là một loại lễ phục của Đạo sĩ (Sách Thái Bình ngự lãm thời Tống cho biết: “Chân nhân núi Đồng Bách là Vương Tử Kiểu, tuổi rất trẻ, đoan chính vô cùng, đội mũ Phù Dung, mặc áo đỏ.” Vở Mẫu Đơn đình của Thang Hiển Tổ thời Minh có đoạn viết: “Đạo cô già nói rằng: Mũ Phù Dung, tóc ngắn khó cài trâm.” V.v.) Và tại Việt Nam, qua ghi chép của Việt điện u linh tập (Lý Tế Xuyên, khoảng 1392) về việc Hai Bà Trưng hóa thành tiên, đầu đội mũ Phù Dung, thì rõ ràng, mũ Phù Dung cũng vẫn được hiểu là mũ của Đạo giáo. Tuy nhiên, lễ phục trang trọng nhất dùng để tế trời, lên ngôi thì vua nhà Trần vẫn mặc Cổn Miện như vua Tống. Vào các buổi lễ nhỏ thì đội mũ Thông Thiên – Quyển Vân. Mũ Phù Dung chỉ là mũ vua đội trong những buổi thiết triều thông thường mà thôi. Hay nói cách khác, ảnh hưởng của Nho giáo đối với những nghi lễ lớn trong cung đình vẫn là sâu sắc nhất. Tôi không nghĩ rằng, nhà Trần chỉ coi loại mũ đó ‘thiêng liêng’, mà rõ ràng, họ vẫn biết đó là mũ có gốc tích Đạo giáo.

Le Minh Khai – Xin cảm ơn tác giả TQĐ! Bạn biết quá nhiều! Hình như ở trong óc của tác giả đã có một sách bách khoa toàn thư về lịch sử Đông Á sẵn rồi.

Nhưng tôi muốn hỏi thêm. Mỗi khi có một cuộc nổi loạn (hay là “khởi nghĩa chống bọn ác phong kiến”) ở TQ, các nhà lãnh đạo của phong trào đã thành lập một “chính phủ” gì đó. Các “chính phủ” này bình thường đã được tạo ra với nhiều yếu tố từ “Tam giáo.” Nhưng sự tạo ra như vậy là rất tự nhiên. Tôi nghĩ rằng người ta đã không suy nghĩ nhiều cái gì là của “Đạo giáo” và cái gì là của “Nho giáo.”

Vậy thì tôi hỏi câu hỏi trên này là muốn biết bạn nghĩ rằng chính phủ thời Lý Trần đã được tạo ra một cách tự nhiên như thế này, hay là nó cố ý hơn. Dựa trên những gì bạn đã nói trên đây về những điểm tương đồng giữa nhà Lý Trần và nhà Đường Tống thì sự có yếu tố Đạo giáo ở triều định Lý Trần hình như rất là cố ý, và tồn tại trong một môi trường mà mọi người đều có ý thức về sự khác biệt giữa Đạo giáo và Nho giáo, và cũng biết ở “Thiên triều” là thế này, không giống như người Yao/Dao chẳng hạn, hay là nhà lãnh đạo của phong trào gì đó, mà tạo ra một văn hóa cai trị bằng một cách tự nhiên và mang bản sắc riêng. Ở triều định nhà Lý và Trần mặc dù có những yếu tố Đạo giáo, đó vẫn còn rất “chính thống” trong thời gian đó và khi đó người ta cũng nghĩ như vậy. Có phải thế không?

Trần Quang Đức – Như đã đề cập trên: “bên cạnh sự ảnh hưởng của truyền thống tín ngưỡng Đạo giáo, thì việc mô phỏng quy chế Trung Quốc tại triều đình Việt Nam đã góp phần tạo nên hiện tượng này.” Tức là có hai ý.

1. Trước khi có sự “hành chính hóa” Đạo giáo và Phật giáo, thì cả Đạo giáo lẫn Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam và Trung Quốc “một cách tự nhiên”. Thậm chí sau khi sự “hành chính hóa ” được xác lập, thì vẫn không có giới hạn nào cản trở hay bài xích những người theo Nho giáo, Đạo giáo hay Phật giáo. Mọi thứ vẫn diễn ra hết sức tự nhiên cho đến trước khi Nho giáo trở thành tư tưởng chính thống vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. An Nam chí lược – Phương ngoại 《 安南志略·方外》 có ghi chép về một nhân vật tên là Hoàn Nguyên 還元, “nhà Nho, học đạo Phật, rồi hoàn tục … (sau đó) tìm tòi học Đạo trở thành Đạo sĩ … được vua cho giữ chức Đạo lục”, v.v.

2. Khi “hành chính hóa” Đạo giáo, Phật giáo, rõ ràng, cơ cấu tổ chức hành chính Đạo – Phật đã có sự kế thừa, mô phỏng quy chế của triều đình Trung Quốc. Sự kế thừa và mô phỏng này không phải lúc nào cũng mang tính đồng đại 同代, mà nhiều khi lại gìn giữ những quy chế của triều đình Trung Hoa ở các triều đại xa xưa hơn. Như từng có nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ Hoạn quan của triều Lý có nhiều điểm tương đồng với chế độ Hoạn quan thời Hán, hai triều đại này cách nhau cả 1000 năm (xin xem Nghiên cứu chế độ Hoạn quan triều Lý của Cảnh Huệ Linh 耿慧玲《越南李朝的中官研究》). Hay như trang phục Trần – Hồ (năm 1396 – cuối thế kỷ XIV) lại mô phỏng quy chế trang phục nhà Hán, cách đó gần 1500 năm. Với riêng tổ chức hành chính Đạo giáo thời Trần, An Nam chí lược cho biết, nhà Trần đặt ra chế độ Đạo quan 道官 (song hành với chế độ Tăng quan 僧官). Đạo quan thời Trần gồm các chức Đạo lục 道錄, Uy nghi 威儀 và Đô quan 都官. Như đã đề cập ở phần trước thì chế độ Đạo quan thời Đinh tại Việt Nam (cuối thế kỷ IX) đã có chức Uy nghi. Về chế độ Đạo quan của Trung Quốc trước thế kỷ XV, sách Sự vật kỷ nguyên 《事物紀原》 thời Minh (khắc in năm 1447) cho biết: Chế độ Đạo quan thời Đường phân làm tả hữu lưỡng nhai Uy Nghi 左右兩街威儀. Sau thời Ngũ đại 五代, do kỵ húy Chu thái tổ Quách Uy 周太祖郭威, nên đổi Uy nghi thành Đạo lục. Triều Tống noi theo quy chế này. Như đạo sĩ nổi tiếng thời Bắc Tống là Trần Cảnh Nguyên 陳景原, năm 1073 được giữ chức Hữu nhai Đạo phó Đạo lục 右街道副道錄. Chế độ Đạo quan thời Tống phân làm Kinh sư Đạo lục viện 京師道錄院, là tổ chức quản lý Đạo giáo ở Trung ương (gồm các chức tả hữu Đạo lục 左右道錄, phó Đạo lục 副道錄, v.v.) và Địa phương Đạo chính ty 地方道正司, quản lý Đạo giáo ở các lộ 路, châu 州, huyện 縣 (gồm các chức như Đô đạo chính 都道正, Đô giám 都監 v.v.)

Đối sánh quy chế Đạo quan của nhà Trần và nhà Tống, có thể thấy quy chế nhà Trần có sự tham khảo cả hai quy chế Tống và Đường. Mặc dù tại triều Tống, chức Uy Nghi đã được đổi thành Tăng lục, thì Việt Nam vẫn bảo lưu chức vụ này trải qua suốt triều đại Đinh – Lê – Lý – Trần, đồng thời tham khảo thêm cả quy chế Đạo lục thời Tống mà đặt ra các chức vụ Đạo lục, Đô quan (có lẽ tương đương với các chức Đô giám, Đô đạo chính của nhà Tống). Chính vì có sự tương đồng giữa quy chế Đạo quan của Việt Nam và Trung Quốc cho nên tôi mới nói là vận mệnh Đạo giáo ở Việt Nam và Trung Quốc khá giống nhau, một phần là do truyền thống, nhưng phần lớn hẳn vẫn là do triều đình Việt mô phỏng quy chế Trung Hoa.

Trần Minh Khôi – Nguyễn Duy Hinh, trong Văn Minh Đại Việt, cho rằng “Lam Sơn Động Chủ” là có dấu vết của Đạo giáo. (Và các Vua Lê về sau đều có danh xưng “động chủ.) Tác giả Trần Quang Đức nghĩ sao?

Trần Quang Đức – Trên thực tế, từ thế kỷ XV, tại triều Minh và Lê sơ, Đạo giáo vẫn phát triển, nhưng đã không còn vị trí “đồng tôn” 同尊 với Nho giáo như ở các thế kỷ trước đó nữa. Việc các vua Lê sơ như Lê Thái Tổ tự xưng là Lam Sơn động chủ 藍山洞主, Ngọc Hoa động chủ 玉華洞主; Lê Thái Tông tự xưng là Quế Lâm động chủ 桂林洞主; Lê Thánh Tông tự xưng là Thiên Nam động chủ 天南洞主, Đạo Am chủ nhân 道庵主人 , v.v. rõ ràng vẫn mang âm hưởng của Đạo giáo.

Riêng với Lê Thánh Tông, cần lưu ý thêm rằng, Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép 1 truyền thuyết kể rằng mẹ vua

“mơ thấy thượng đế ban cho một tiên đồng, thế rồi có thai. Tục truyền rằng Thái hậu khi sắp ở cữ, nhân thử thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi, thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu ra, sau tỉnh dậy, rồi sinh ra vua, trên trán vẫn còn dấu vết lờ mờ”.

Đó cũng là dấu vết của Đạo giáo, và sự gắn kết có chủ ý giữa “vương quyền” và “thần quyền” Đạo giáo.


Nguồn: Le Minh Khai. Facebook. 30/5/2013.
Bài liên quan đã đăng: Phỏng vấn tác giả Ngàn năm áo mũ. Hương Lan, Saigon TT Media, 2013.

4 Comments on “Mẩu chuyện quanh “Ngàn năm áo mũ”

  1. Anh bạn Trần Minh Khôi và tác giả Trần Quang Đức đều đương nhiên coi chữ “động” phát xuất từ Đạo giáo, nhưng khộng giải thích tại sao! Theo hiêều biết hạn hẹp của tôi, chữ “động” – ngoài nghĩa đen” là hang động – được nhiều “dân tộc thiểu số” dùng để chỉ những quốc gia hay bộ lạc (nhỏ). Sử nước ta cũng hay nói, vị vua gì đó thừa thắng xông lên, đánh qua đất Tầu, chiếm lại 5, 10 “động”, có nghĩa là thu hồi lại quyền kiểm xoát những quốc gia nhỏ bé (của những bộ tộc thiểu số) ở miền đất núi non hiểm trở giữa nước ta và Tầu.

    Xin nói thêm, trong lịch sử tranh chấp “chủ quyền” trên càc tiểu quốc này giữa Trung Hoa và Đại Việt, kéo dài hàng ngàn năm nay rồi. Người Tầu tuy đánh chiếm được những tiểu quốc đó (vùng Vân Nam) nhưng chính những dân tộc đó khônghề muốn trở thành Tầu và tự coi như mình bị đô hộ. Bởi lẽ, chính sách cơ bản của Tầu là thực dân, lúc nào cũng chỉ chực đồng hóa các nước nhỏ, nhất là chiếm hữu văn hóa của các dân tộc khác, rồi tuyên bố là của mình. Do đó, về mặt chính trị, các tiểu quốc này – các “động” – thường có ý hướng nghiêng về phía Đại Việt, vì Đại Việt là dân tộc duy nhất cho tới nay vẫn cưỡng lại được sự xâm chiếm của Trung Hoa. Đại Việt mạnh, giữ được độc lập thì các “động” này cũng cùng hưởng được tư do độc lập. Đây là một yếu tố mà chính sách ngoại giao của Việt Nam (dân chủ văn minh) sau này cần phải chú ý đến…

    Trờ về đến triều đình nhà Lê. Câu hỏi là tại sao các vua Lê tự xưng là “chúa động”? Theo tôi giản dị thôi, vì Lê Lợi là người Việt gốc Mường. Người Mường là dân tộc thiểu số đông người nhất ở trên lãnh thổ Việt Nam, hay nói chính xác hơn họ chính là một trong những gốc chính của người Việt vậy. Người Mường chính là ngưòi Việt. Hay, có lẽ, ngưòi Mường chính là 50 con theo mẹ lên núi, còn người Kinh là 50 theo cha con xuống biển. Khi có biến – thường là giặc Tầu xâm chiếm – thì Mẹ sai con gọi Cha về cứu nguy, nhưng cũng có khi Mẹ lại mang quân về cứu nguy cho Cha. Lê Lợi chính là Mẹ vậy… Cha có khi là Trần Hưng Đạo, là Quang Trung Nguyễn Huệ…

    Một số lớn tiếng Việt và tiếng Mường rất giống nhau, “ta” và Mường cũng chung nhiều truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc, như tích Thần (núi) Tản Viên, Sơn Tinh…

    (Wiki: “Người Mường, còn gọi là người Mol, Mual, Moi, Moi bi, Au tá, Ao tá, là một dân tộc sống ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Họ rất gần với người Kinh, một số nhà dân tộc học đưa ra giả thuyết người Mường về mặt sắc tộc chính là người Kinh nhưng vì cư trú ở miền núi nên họ ít chịu ảnh hưởng của người Trung Quốc. […]”)

    • Chi You, theo âm của người Mường nghĩa là Cha Ông. Chi You, cũng là tên của vị vua đầu tiên của người Mường. Âm “Chi You” từa tựa như âm Cha Ông trong tiếng Việt. Trên trống đồng Đông Sơn, có hình người thổi khèn hệt như người Mường xử dụng bây giờ; cũng như hình người đội mũ lông chim trong các lễ hội của người Mường bây giờ. Người Mường còn có các giòng họ tên là Cửu Lê, Miêu, Dao…

      Jiuli Tribe and the Dawenkou Civilization of the Hmong/Miao people
      http[:]//www[.]youtube[.]com/watch?v=1v7YmvyeNcg
      Xem trên youtube vào lúc 4:40, hình trên thảm vẽ của người Mường có vài điểm giống với trống đồng Đông Sơn

      • Cám ơn bác TV.

        Tuy nhiên, bài giảng quý báu này noí về người H’Mong, là một nhánh chính của tộc người Mèo (“totem” là con mèo) – còn gọi là người Miao. Người Mèo vốn là một dân tộc lớn, 5-6 ngàn năm trước sống đông nhất ở hạ lưu sông Hoàng Hà, nhất là bán đảo Sơn Đông (nhìn sang bán đảo Triều Tiên và quân đảo Nhật Bổn ngày nay). Họ biết trồng cấy lúa gạo từ thủa đó. Khi hoàng đế Chi Vu (ngưòi Việt gọi là Xi Vưu) bị “giặc phương Bắc” (“Hoàng Đế”) đánh bại, phải chạy về hướng Tây, rồi dần dần bị ép về phương Nam… Ngày nay, người Mèo sống đôn gđảo nhất ở vùng biên giới Hoa – Việt (trên 1 triệu trên đất Việt, khoảng 3 triệu trên đất Tầu). Văn hóa cổ của Nhật Bổn mang nhiều nét của người Mèo.

        Còn người Mường được coi chính là người Việt Nam chính gốc, nhưng là thành phần chạy lên sống trên núi (Hòa Bình, Thành Hóa…), khi nước Âu Lạc / Nam Việt bị người Hán đô hộ.

        TB. Mai mốt đây, khi Tầu Cộng làm chủ nước Việt, nhiều người Việt (Kinh) hẳn cũng sẽ muốn chạy lên núi, sang Lào, Căm Bu Chia… nhưng sẽ không thoát được sự kiềm tỏa của người Tầu, vì họ cũng đang làm chủ (ngầm) cao nguyên Trung Phần, Lào và Căm-bu-chia mất rồi…

  2. Chùa Trấn Vũ và chùa Thiên Mụ đều là gốc tích của Đạo giáo. Trấn Vũ là vị thần Huyền Vũ trong Đạo Giáo. Thiên Mụ là Cửu Thiên Huyền Nữ trong Đạo giáo.