Tại sao các quốc gia thất bại? 

Nguyen Tuan (Facebook) và Jack London (Blog)

whyKhông, vị trí địa lý của một quốc gia không phải là số phận  của nó.

Hôm còn ở trong nước, trước khi lên máy bay, tôi lang thang trong tiệm sách mua sách của tôi, nhưng tôi lại bắt gặp bản tiếng Việt của cuốn sách “Why nations fail” của Daron Acemoglu và James Robinson. Bản tiếng Việt có tựa đề là “Tại sao các quốc gia thất bại?” do Trần Thị Kim Chi biên dịch. Tôi nghiền ngẫm đọc cuốn sách trong suốt chuyến bay, và thấy rất khó buông sách xuống (nếu không ngủ!) Cuốn sách này rất đáng đọc. Đáng đọc không chỉ vì tác giả là hai nhà kinh tế có tiếng, mà còn nội dung và phân tích lôi cuốn trong cuốn sách.

Tôi thích nhất chương 2 và chương 3, vì trong đó tác giả phân tích và bác bỏ các giả thuyết “kinh điển” về phát triển (hay không phát triển kinh tế) một cách thuyết phục. Đọc xong hai chương này, chúng ta cũng sẽ có một lời giải thích tại sao Việt Nam nghèo: vấn đề thể chế, chứ không phải khí hậu, vị trí địa lý hay văn hoá.

Bản tiếng Việt có lời giới thiệu của chính tác giả. Trong lời giới thiệu tôi chú ý đến đoạn sau đây:

“Trong cuốn sách này, chúng tôi chứng minh rằng trong hầu hết mọi trường hợp, một nước sở dĩ nghèo là do họ có các thể chế kinh tế chiếm đoạt, bắt nguồn từ các thể chế chính trị chiếm đoạt. Còn các nước giàu sở dĩ giàu là bởi vì họ có các thể chế chính trị dung hợp, với nhà nước mạnh và có trách nhiệm giải trình, và quyền lực chính trị được phân phối một cách rộng rãi, và nhờ đó tạo ra các thể chế kinh tế dung hợp.”

Why Nations Fail. Nguồn: Daron Acemoglu and James A. Robinson.
Why Nations Fail. Nguồn: Daron Acemoglu and James A. Robinson.

Phần đầu trong đoạn văn trên rõ ràng phù hợp với Việt Nam, giải thích tại sao Việt Nam đã từng là nước nghèo (và vẫn còn nghèo). Nhưng tác giả còn viết thêm rằng “Để trở thành giàu có, một nước nghèo phải chuyển đổi từ các thể chế chiếm đoạt sang dung hợp”, nhưng ngay sau đó, tác giả viết: “Trong địa hạt kinh tế, đây chính là căn nguyên tạo ra tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam gần đây.” Rất tiếc tác giả không giải thích hay khai triển thêm câu này. Bấy lâu nay tôi cứ nghĩ kinh tế VN tăng trưởng trong thời gian gần đây là do người dân tự xoay xở chứ Nhà nước có vai trò “dung hợp” gì đâu.

Vui nhất là tác giả trình bày một ảnh chụp từ vệ tinh vào ban đêm giữa Nam Hàn và Bắc Hàn, một bên thì đèn điện sáng rực, còn một bên thì tối om. Cảnh này làm tôi liên tưởng đến miền Bắc và Nam Việt Nam hồi xưa chắc cũng hao hao như thế. Nam Hàn phát triển, theo tác giả, là vì họ có một thể chế biết tạo nên động cơ, khuyến khích cách tân, tạo cơ hội cho mọi người tham gia vào phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế ở Nam Hàn bền vững vì chính phủ có trách nhiệm và đáp ứng nhu cầu của người dân. Còn Bắc Hàn thì ngược lại, duy trì một thể chế độc tài toàn trị, công an trị, trấn áp người dân, và hệ quả là thất bại thảm hại trong kinh tế. Còn China thì sao? Các tác giả phân tích rằng China phát triển kinh tế nhờ vào một thể chế toàn trị có khả năng huy động tài lực và tài nguyên để tiến lên từ một nền rất thấp, nhưng phát triển kinh tế ở China sẽ không bền vững vì thể chế toàn trị không có khả năng dung hợp nhiều thành phần kinh tế và xã hội. Tác giả không phân tích tình hình Việt Nam, có lẽ vì họ xem Việt Nam chỉ là một phiên bản nhỏ của China, nên lời tiên đoán cho China cũng chính là lời tiên đoán cho Việt Nam.

Tóm lại, theo tôi, đây là một cuốn sách rất đáng đọc. Không cần phải có kiến thức kinh tế, người đọc vẫn có thể theo dõi lí giải của tác giả. Viết sách như thế (tức ngay cả tài xế taxi cũng hiểu được) mới là “bậc thầy”.

Jack London (Blog)
Tại sao các quốc gia thất bại. Nguồn: Blog Xin lỗi ông.
Tại sao các quốc gia thất bại. Nguồn: Blog Xin lỗi ông.

Trong những năm quá nền kinh tế của Việt Nam đã gặp không ít khó khăn. Khi ai nói các vấn đề của Việt Nam liên quan đến các thể chế xã hôi, chính trị, kinh tế thì họ đang nói cái gì?
Môt cuốn sách thật thứ vị và dễ đọc là “Tại sao các quốc gia thất bại?” của Acemogulu (MIT) và Robinson (Harvard). Hình như cuốn sách này đã phổ biến rồi ở VN rồi, phải không?

Đây là một cuốn sách rất hay và đầy câu hỏi sâu sắc cho Việt Nam. Sự phân biệt cốt yếu của hai tác giả là giữa cái gọi là “thể chế khai thác” (extractive institutions) và “thể chế bao gồm” (inclusive institutions). Những nước có “thể chế bao gồm” sẽ phát triển mạnh hơn và bền vững hơn.

Gần đây tôi và giáo sư Eddy Malesky (ĐH Duke – Hoa Kỳ) cùng nhau viết một bài về nền kinh tế của VN và TQ và cũng có đề cập đến lý luận này, mà sẽ được xuất bản trong Annual Review of Political Science [Malesky và London 2014, Tạp chí thường niên về Khoa học chính trị (Mỹ)]. Trong tương lai tôi có ý định thảo luận sâu hơn về cuốn sách này trên trang Web Xin Lỗi Ông này…và chia sẻ một số ý thưởng trong bài của Malesky và tôi.

Dù có hạn chế (cuốn sách nào mà lại không có?), “Tại sao các quốc gia thất bại?” này nên được đón đọc. Ít nhất, nó cung cấp cho người đọc một “thấu kính” để phân tích sâu tình hình tại VN hiện nay.

Ở dưới, các bạn đọc có thể đoán nước nào có “thể chế khai thác” không?

Nguồn: Why Nations Fail.
Nguồn: Why Nations Fail.

 

Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ biện giải rằng người Ai Cập ở quảng trường Tahrir, chứ không phải hầu hết các học giả và giới bình luận, có ý tưởng đúng. Trên thực tế, Ai Cập nghèo chính xác bởi vì nó bị một tầng lớp nhỏ cai trị, tổ chức xã hội vì lợi ích riêng của họ, làm hại đa số người dân. Quyền lực chính trị tập trung trong tay thiểu số, và được dùng để tạo ra tài sản kếch xù cho những người đó.

[…] Các nước như Anh Quốc và Hoa Kỳ trở nên giàu có bởi vì người dân đã lật đổ giới thiểu số nắm giữ quyền lực và tạo ra một xã hội trong đó các quyền chính trị đã được phân tán rộng hơn rất nhiều, và ở đó chính phủ có trách nhiệm và phải trả lời trước nhân dân, và ở xã hội đó đa số quần chúng có thể hưởng phúc lợi từ các cơ hội kinh tế.

[…] năm 1688, nước Anh đã có một cuộc cách mạng làm thay đổi chính trị và do đó thay đổi nền kinh tế quốc gia. Người dân đã tranh đấu và giành được nhiều quyền chính trị hơn, và dùng những quyền chính trị đó để mở rộng cơ hội kinh tế của họ. Kết quả là một quỹ đạo chính trị và kinh tế, khác biệt về mặt cơ bản, đã thành hình mà đỉnh cao là cuộc cách mạng công nghiệp.

[DCVOnline trích dịch từ Why Nations Fail, Daron Acemoglu và James Robinson, Preface,  trang 13-17.]


Nguồn: Tại sao các quốc gia thất bại?. Jack London, Blog Xin Lỗi Ông.
Tại sao các quốc gia thất bại? Nguyen Tuan Facebook.
Đoc thêm: No, a nation’s geography is not its destiny. By Daron Acemoglu and James A. Robinson MARCH 19, 2012. Reuteurs Blog
.

1 Comment on “Tại sao các quốc gia thất bại? 

  1. Trích: ““Để trở thành giàu có, một nước nghèo phải chuyển đổi từ các thể chế chiếm đoạt sang dung hợp”

    Phải chăng tác giả muốn nói thể chế chiếm đoạt là một thiểu số kiểm soát hết tài nguyên quốc gia và tự chuyên quyết định còn dung hợp là để cho nhiều thành phần tham gia trong hoạt động kinh tế, xã hội?

    Nói như vậy có nghĩa là muốn phát triển thì cần có cái trật tự có thể mang đến phát triển. Cái trật tự có thể mang đến phát triển là cái trật tự có thể phát huy hết tiềm năng của mỗi nhóm, mỗi thành phần trong quốc gia.

    Nói như vậy thì nghe trừu tượng. Cụ thể là khi người Mãn Thanh chiếm Trung Hoa thì dưới thời Mãn Thanh, lúc các vua Khang Hy, Ung Chính, Càn Lon cai trị thì Trung Hoa ở vào giai đoạn cực thịnh. Sử gia Tây phương nói rằng từ sau thời Hán trở đi Trung Hoa chưa bao giờ được cực thịnh như vậy. Vì sao một nước bị ngoại bang đô hộ lại trở thành thịnh vượng hơn cả lúc do chính người dân bản xứ cai trị? Có người nói là lúc đó người Mãn Thanh cho thương nhân được tự do kinh doanh. Trước đó, khi người Hán cai trị, thương nhân nhiều khi bị ức chế, đàn áp, tịch thu tài sản. Do nhà vua nắm quân đội trong tay nên ỷ mạnh đàn áp thương nhân, không tôn trọng tài sản của họ. Người Mãn Thanh có thể vì họ không theo văn hóa Trung Hoa nên họ không khinh bỉ tầng lớp thương nhân và để cho thương nhân được tự do hoạt động như mọi tầng lớp khác.

    Như vậy cái gọi là thể chế dung hợp là thể chế để cho tiềm năng của mọi thành phần có thể phát huy, không để cho một thiểu số lấn áp các thành phần khác. Điều này giống như trong sách Đại Học của Nho giáo viết: “Thánh nhân để cho vạn vật đồng phát triển mà không xâm phạm lẫn nhau”. Sách thì viết như vậy nhưng chẳng mấy ai để ý và đem thực hành .