Chấn thương tâm lý chưa lành

Trần Giao Thủy

tears_fullCó lẽ, khi giai cấp quyền lực ở nước CHXHCN Việt Nam chưa công khai nhận “lỗi tại tôi” thì dân tộc Việt Nam rất khó có thể tìm thấy cảnh hòa giải, hòa hợp, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Chấn thương của cả dân tộc Việt Nam sẽ mãi còn… cho đến ngày mất nước.

Đầu tháng 8, 2013, hơn 38 năm sau ngày Việt Nam ngưng tiếng súng, ông Hồ Văn Thành, 82 tuổi, ra khỏi cuộc sống ở núi rừng từ 1973. Người ta phải võng ông Thành, người đã hom hem, ra thế giới bên ngoài; đi cùng còn có con ông Thành là Hồ Văn Lang, 41 tuổi.

Nhà sàn của cha côn ho Hồ trong khu rừng ở Quảng Ngãi. Nguồn: VNEXPRESS.
Nhà sàn của cha côn ho Hồ trong khu rừng ở Quảng Ngãi. Nguồn: VNEXPRESS.

Không ai biết chắc nguyên nhân tại sao ông Thành và con trai đã đi sống đời ẩn dật, trong một căn nhà sàn trong rừng, suốt 41 năm qua. Có chuyện cho rằng ông Thành bỏ vào rừng sau khi mẹ và các con ông chết vì bom; một chuyện khác kể rằng nạn nhân là vợ và hai người con khác của ông Thành. Và cũng có chuyện kể rằng ông Thành đánh đập vợ đến trọng thương trước khi ôm con nhỏ vào rừng và không khi nào trở về làng khi được cho hay là vợ con ông đã chết. Tuy nhiên những người kể chuyện đều nhớ cảnh ông Thành ôm chặt trẻ thơ trước ngực cắm đầu chạy trốn.

Hơn bốn mươi năm qua cha ông Thành sống như người rừng, ở nhà sàn trên cây, chỉ mặc khố, sinh tồn bằng thức ăn của núi rừng hay từ mảnh vườn nhỏ và dụng cụ thô sơ. Thực ra, hai mươi năm về trước, một người con khác của ông Thành, Hồ Văn Trí, đã tìm được cha và em nhưng không thuyết phục được hai người rời bỏ núi rừng. Họ là con tin của nỗi kinh hoành trong chiến tranh.

Theo James Carroll của tờ Boston Globe thì hai cha con ông Thành và Lang là hiện thân của hội chứng chấn thương tâm lý [hay rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)]. Tuy nhiên từ “sau” (post) ở đây có lẽ không hẳn đúng với cha con ông Thành Thời gian, hơn 40 năm, đã trôi đi ở xã hội bên ngoài, nhưng dường như nó vẫn đứng nguyên ở năm 1973 với hai cha con họ Hồ. Họ sống mãi với thì “hiện tại” kinh hoàng của chiến tranh.

Người Mỹ và người Việt Nam tưởng như đã để chiến tranh vào quá khứ. Nhưng thực sự họ đã vượt qua được nỗi ám ảnh chiến tranh hay chưa? Một hội chứng vẫn chưa được giải quyết, gắn liền với hội chứng chấn thương tâm lý xã hội.

Hoa Kỳ đã lập lại những sai lầm Việt Nam, không phải chỉ một lần. Khước từ sự thật – chấn thương tâm lý vì cuộc chiến Việt Nam chưa lành – hẳn đã củng cố cho cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Với một số người Mỹ nay vẫn là năm 1973.

Ở Việt Nam, đã có “Nghị Quyết 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Trong đó nhóm chữ “đại đoàn kết toàn dân tộc”“người Việt Nam ở nước ngoài” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần vì “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, v.v.

“xuất phát từ tình hình thực tế, Đảng ta mong muốn khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc và mở rộng và trong đó có sự quan tâm đặc biệt cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đảng và Nhà nước ta muốn tạo sự đồng bộ của người VN trong và ngoài nước cùng có ý thức xây dựng đất nước, xây dựng quê hương.”

[Phạm Thế Duyệt về Nghị quyết 36.]

Ở nước ngoài cũng có  tổ chức chủ trương hòa giải dân tộc.

“Đồng thuận căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên gồm bốn điểm sau đây: đất nước phải được quan niệm như một không gian liên đới và một tương lai chung, thể chế chính trị cho Việt Nam là dân chủ đa nguyên, tinh thần chỉ đạo của cố gắng làm lại đất nước là hòa giải và hòa hợp dân tộc, cố gắng phát triển kinh tế phải đặt trên nền tảng kinh tế thị trường và sáng kiến cá nhân.”

[Dự án chính trị – Đồng thuận nền tảng cho một cố gắng quốc gia mới, Thành công thế kỷ 21, Tập hợp Dân chủ Đa nguyên]

Song song với “Nghị Quyết 36/NQ-TW” và chủ trương “hòa giải và hòa hợp dân tộc”, cho mãi đến nay trong và ngoài nước vẫn ầm vang hằng hà sa số những ngôn từ phản nghĩa như, “ngụy quân” [Tội ác của ngụy quân, ngụy quyền trước những năm 1975, ngụy quân VNCH tra tấn dã man, Kho Lưu trữ tội ác của ngụy quân Sài Gòn và Mỹ, Phát lộ tài liệu mật của ngụy quân Sài Gòn, Nỗi ám ảnh của phi công Ngụy, v.v.], “thế lực thù địch” [Vạch trần thủ đoạn của thế lực thù địch, Bỏ điều 10 sẽ tạo “đất” cho các thế lực thù địch, Hãy cảnh giác với luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, v.v.], “hòa giải là tự sát”, “bổ điều 4 hiến pháp là tự sát”, “Hoà hợp Hoà giải Dân tộc lúc này vẫn còn là trò bịp bợm”, v.v.

Diễn đàn nói Paltalk là một hiện trường thể hiện quan điểm nhiều chiều của người Việt Nam trong và ngoài nước như đã đơn cử phía trên. Paltalk là nơi người Việt có rất nhiều diễn đàn (hơn 600 forums / rooms), con số lớn nhất so tất cả các quốc gia khác ở khắp năm châu. Diễn đàn Paltalk tiếng Việt thành hình sau 1998, nhưng dường như cũng như cha con hai ông Hồ Văn Thành, thời gian ở đó hình như cũng đang đứng lại ở những năm của thập niên 1970. Hội chừng chấn thương tâm lý nếu không là nguyên nhân chính hẳn cũng đã góp một phần lớn thành hình hơn 600 diễn đàn nói của người Việt Nam ở Paltalk.

Sau gần đã 10 năm đảng Cộng sản Việt Nam công bố và công tác để thực hiện Nghị Quyết 36/NQ-TW, mới đây ông Thứ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn vừa tuyên bố, sau chuyến đi Mỹ của CTN Trương Tấn Sang, về người Việt Nam ở nước ngoài khiến tác giả Trương Đình Trung đã nhận định:

“ …hoà hợp và hoà giải dân tộc chỉ là một ước vọng tốt đẹp nhưng không thể trở thành hiện thực được bao lâu giới cầm quyền Hà Nội vẫn còn mê muội trong vòng kìm toả của ý thức hệ Cộng Sản Chủ nghĩa, một chủ nghĩa đã bị lịch sử chôn vùi.” [Về phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Trương Đình Trung, 3/8/2013.]

Tất nhiên không phải tất cả những người giữ quyền, tiền và súng ở Việt Nam hay những người Việt Nam tị nạn cộng sản ở nước ngoài đều có suy nghĩ và ứng xử như ông Thứ trưởng NTS hay các diễn đàn viên ở Paltalk. Nhưng khó có thể phủ nhận, khước từ một sự thật là vết chấn thương tâm lý trong một số không nhỏ người Việt nam trong và ngoài nước vì cuộc chiến Việt Nam vẫn chưa lành. Đến nay, chấn thương tâm lý vẫn còn là một hội chứng cần được giải quyết rốt ráo cho người Việt Nam (cũng như một số người Mỹ). Làm thế nào để giải quyết không phải là chủ đề hay chuyên ngành của người viết bài này.

Đương kim Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power – chỉ mới được hai tuổi khi ông Hồ Văn Thành ôm con bỏ trốn vào rừng – trong bài Force Full đăng trên tờ The New Republic, tháng 3, năm 2003, đã viết:

“Chúng ta cần: Tính sổ lịch sử về những tội ác của người Mỹ hay do Mỹ tài trợ, hoặc cho phép […] Đặt nền móng cho văn hóa dám nói “lỗi tại tôi” sẽ làm tăng sự tín nhiệm của chúng ta bằng cách cho thấy những người Mỹ-có-quyết-định không tán thành những tội lỗi của những người tiền nhiệm. Willie Brandt quỳ xuống tại khu ổ chuột ở Warsaw, không những đã làm nạn nhân sống sót sau chiến tranh thế giới II vui mừng, mà còn là một biểu tượng cao quý và là một liều thuốc tẩy cho dân tộc Đức.

[…] Ứng xử như thế có phải là vô ích với Hoa Kỳ không?”

Năm 1994 khi khoảng 800.000 người Tutsi và người Hutu ôn hòa bị thảm sát thì hành động duy nhất của chính phủ Mỹ (Clinton) lúc đó là nằng nặc đòi rút quân Liên Hiệp Quốc đang che đỡ cho người Tutsi ra khỏi Rwanda. Đến năm 1998, Bill Clinton, tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Rwanda và ngỏ lời xin lỗi.

“Tất cả mọi nơi trên thế giới có những người như tôi ngồi ở văn phòng, ngày này sang ngày nọ, là những người không thể đánh giá được độ sâu và tốc độ mà ông bà đã bị đắm chìm trong sự khủng bố không thể tưởng tượng này.”

Hồ Văn Lang, 41 tuôi. Nguồn: talkvietnam.com.
Hồ Văn Lang, 41 tuôi. Nguồn: talkvietnam.com.

Bà Samantha Power cho rằng lời xin lỗi của Clinton đặc sệt văn phong luật sư và lảng tránh. Tuy thế, rất nhiều người Rwanda hôm nay có thể lập lại chính xác câu “xin lỗi” của Bill Clinton. Họ đã thuộc lòng lời xin lỗi; họ cảm phục Clinton vì ông gọi đó là tội ác diệt chủng, ông bày tỏ mối quan tâm, và ông “phần nào” nhận trách nhiệm. Nay dân Rwanda gọi con đường mới từ phi trường đến khách sạn Clinton đã nghỉ chân trong chuyến viếng thăm Rwanda năm 1998 là Đại lộ Clinton.

Thái độ chân thành của Willie Brandt ở Warsaw và lời xin lỗi (dù rất mơ hồ) của Bill Clinton dường như đã phần nào giúp cho vết thương chiến tranh sớm lành lặn, và mau mọc lại da non.

Hôm nay, hình ảnh của John McCain vẫn là nỗi ám ảnh không rời của chiến tranh Việt Nam với người Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ hiện nay, John Kerry, 40 năm trước là người cựu chiến binh Mỹ đã lên tiếng phản đối sự kinh hoàng của chiến tranh – nỗi kinh hoàng đã khiến ông Thành ôm con thơ bỏ chạy và trốn ở trong rừng hơn 40 năm. John Kerry, theo James Carroll, cũng bị chiến tranh đốt cháy, dường như vẫn đứng ngay thời điểm của năm 1973. Và tác giả James Carroll hy vọng hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ có ứng xử đúng đắn để hàn gắn những vết thương vì cuộc chiến Việt Nam mà hai cha con ông Hồ Văn Thành chỉ là biểu trưng của vô số nạn nhân.

Về phía Việt Nam thì sao? Liệu ứng xử “Willie Brandt” hay văn hóa “lỗi tại tôi” có thể xảy ra cho những người đang quyết định vận mạng đất nước hôm nay ở Việt Nam hay không?

Việt Nam cũng cần tính sổ lịch sử. Liệu có anh Ba, anh Tư nào đó – thay vì bỏ tâm trí, thời gian để đấm đá trong nội bộ, tranh giành quyền lực – dũng cảm đứng dậy công khai xin lỗi dân Việt Nam, nạn nhân của những tội ác của những người tiền nhiệm của tập đoàn quyền lực hôm nay, kể cả một ông cũng là một người họ Hồ. Sự mê muội tôn thờ lãnh tụ cần phải chấm dứt. Dù tên tuổi lãnh tụ chỉ còn là áo khóac, là hình nộm vay mượn để phục vụ quyền lợi của các nhóm lợi ích trong đảng.

Người dân Việt nam cần phải được trân trọng và chân thành xin lỗi. Rất nhiều người trong chúng ta đã là nạn nhân trong cuộc cải cách ruộng đất, trong những vụ án Nhân văn Giai phẩm, Xét lại chống đảng, trong cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế, trong vô số các cuôc khủng bố dân miền Nam suốt 21 năm chiến tranh, và trong hai cuộc di cư tìm tự do lớn nhất lịch sử dân tộc – năm 1954 vượt tuyến vào Nam, và 1975 đến những năm 1980, vượt biên vượt biển. Chúng ta cũng là nạn nhân trong các vụ đánh mại bản tư sản, bán biển lấy vàng, và đã là những người tù, không được xét xử, trong những trại lao tù cải tạo, v.v.

Có lẽ, khi giai cấp quyền lực ở nước CHXHCN Việt Nam chưa công khai nhận “lỗi tại tôi” thì dân tộc Việt Nam rất khó có thể tìm thấy cảnh hòa giải, hòa hợp, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Chấn thương của cả dân tộc Việt Nam sẽ mãi còn… cho đến ngày mất nước.

© 2013 DCVOnline

2 Comments on “Chấn thương tâm lý chưa lành

  1. …Cho đến ngày mất nước? Ông có quá bi quan không?

    Đọc báo Quân Đội Nhân Dân bài “Làm Thất Bại Chiến Lược Diễn Biến Hòa Bình” thì thấy nói duy trì chế độ độc đảng tức là “phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố sự đồng thuận xã hội đối với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị – xã hội. Không có đoàn kết và đồng thuận, không có ổn định thì không thể phát triển.”

    Nghe hay quá, thấy mà ham!

    Muốn duy trì chế độ độc đảng, tức là “duy trì khối đại đoàn kết dân tộc” thì phải làm cái công việc gây ra “chấn thương tâm lý” mà tác giả đã kể trong bài. Những việc gây ra chấn thương tâm lý đó là:

    “cải cách ruộng đất, trong những vụ án Nhân văn Gian phẩm, Xét lại chống đảng, trong cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế, trong vô số các cuôc khủng bố dân miền Nam suốt 21 năm chiến tranh, và trong hai cuộc di cư tìm tự do lớn nhất lịch sử dân tộc – năm 1954 vượt tuyến vào Nam, và 1975 đến những năm 1980, vượt biên vượt biển. Chúng ta cũng là nạn nhân trong các vụ đánh mại bản tư sản, bán biển lấy vàng, và đã là những người tù, không được xét xử, trong những trại lao tù cải tạo, v.v.”

    Nhờ làm các việc “chấn thương tâm lý” đó mà đảng CSVN đạt được điều tốt đẹp trong bài báo, đó là:

    “củng cố sự đồng thuận xã hội đối với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị – xã hội”

    Như thế là sự đồng thuận của xã hội có được nhờ các biện pháp bạo lực, khủng bố, gây ra “chấn thương tâm lý” đến nỗi dân sợ mà im thin thít, không dám phản đối, kẻ nào may mắn chạy ra được ngoại quốc thì mới dám mở miệng chống đối. “Pháp luật của Nhà nước” cũng có được nhờ các biện pháp bạo lực làm “chấn thương tâm lý”. Những kẻ chống đối bị vu là gián điệp, Việt Gian bị bỏ tù, chết trong tù. Người dân biết thế là hành vi vô pháp luật nhưng không dám mở miệng bàn tán hay phản đối, nhờ thế mà “pháp luật của Nhà nước” được bảo vệ. Và nhất là một dân tộc bị “chấn thương tâm lý” sợ hãi quá mức thì sẽ không dám chống đối, nghĩa là nhà nước “giữ vững ổn định chính trị – xã hội”.

    Chỉ có điều là báo Quân Đội Nhân Dân nói là “không có ổn định thì không thể phát triển” thì tác giả bài này thì lại nói cái thứ ổn định vì “chấn thương tâm lý” đó là “khó có thể tìm thấy cảnh hòa giải, hòa hợp, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”

    Nói tóm lại là bài báo Quân Đội Nhân Dân cho rằng phải có một dân tộc bị “chấn thương tâm lý” thì mới phát triển được còn tác giả bài này thì nói ngược lại.

  2. Nói chuyện “chấn thương tâm lý”.

    Sau Đệ Nhất Thế Chiến, nước Pháp thắng trận nên bắt Đức phải chịu nhiều điều kiện ngặt nghèo làm cho nước Đức phải nghèo, không ngóc đầu lên được. Tổng thống Mỹ Wilson nói nước Pháp đừng ép Đức quá đáng. Sau này chế độ Đức Quốc Xã ra đời do dân Đức phẫn uất vì bị các nước khác ép quá. Dân Đức ủng hộ đảng Đức Quốc Xã vì bị “chấn thương tâm lý”.

    Khi ông Diệm đàn áp các phe quốc gia khác, người Mỹ khuyên ông Diệm nên mở rộng chính quyền cho các phe khác có cơ hội tham gia, ông Diệm không nghe cuối cùng bị lật đổ.

    Sau này, dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, Mỹ bắt chính quyền VNCH phải theo đúng thủ tục pháp lý khi bắt giữ người, không đàn áp đối lập. Tại Nam Hàn, Mỹ cũng bắt phải để cho phe đối lập có tiếng nói và tham gia.

    Người Mỹ họ làm thế để tránh các “chấn thương tâm lý” cho phe yếu. Người Việt có thể cho là Mỹ ngây thơ, không hiểu về chính trị Việt Nam. Nhưng tựu chung thì Mỹ cũng chỉ muốn các phe là đừng ép người quá đáng. Sau này, sau khi thắng Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ đã đối xử với Đức và Nhật khá hơn là Pháp đối xử với Đức trước kia. Đức và Nhật vẫn phải chịu nhiều điều kiện do Mỹ áp đặt, nhưng ngày nay, dân Đức và Nhật không oán hận Mỹ (ít ra là về số đông và công khai).

    Tại Ai Cập, Mỹ khuyên phe quân nhân thả ông tổng thống phe Huynh Đệ Hồi Giáo ra. Phe quân nhân không nghe, đàn áp mạnh tay hơn và thả ông Mubarak ra. Nhưng phe Huynh Đệ Hồi Giáo khi có quyền đã đem ông Mubarak ra xử tội. Họ trả thù lúc ông ta có quyền đã đàn áp phe Huynh Đệ Hồi Giáo. Tại Indonesia, ông Suharto bước xuống, những người lên cầm quyền hứa với phe quân nhân là không đem trị tội ông Suharto, và họ nhượng bộ phe quân nhân một số điều. Indonesia hiện nay không xung đột như ở Ai Cập. Cũng vẫn là đừng chơi ép nhau quá thì sẽ không gây ra “chấn thương tâm lý”.