Đập tan các huyền thoại về Chiến tranh Việt Nam

Lien-Hang Nguyen – DCVOnline lược dịch

vnMột trong nhiều vấn đề của việc rút tỉa những bài học từ chiến tranh Việt Nam để áp dụng vào cuộc chiến tại Afghanistan là lịch sử của Chiến tranh Việt Nam thường bị hiểu lầm hoàn toàn.

Cuộc chiến tại Afghanistan tiếp tục kéo dài không thấy chiến thắng dứt khoát trong tầm tay, và Mỹ bắt đầu rút quân, sự so sánh với chiến tranh Việt Nam lại một lần nữa bùng lên, 50 năm sau khi cả Washington và Hà Nội đã quyết định tăng cường lực lượng Nam Việt Nam. “Chỉ cần đọc thoáng qua danh sách từ ngữ chiến tranh Việt Nam,” Tom Engelhardt viết trong tạp chí Mother Jones, “có ‘vũng lầy’” và “ý tưởng chiếm được ‘trái tim và lý trí’” cũng như “có thể ném bom được, có thể, hay trong thời đại của chúng ta hôm nay “cho máy bay không người lái”, “‘mật khu’ vùng biên giới” và có cả “phiên bản Mỹ Lai một người”. Mặc dù những tương tự này đặc biệt hấp dẫn các nhà bình luận – những người thấy cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan vô ích hơn chiến tranh Việt Nam và tánh thành một cuộc rút quân nhanh – họ vô cùng thiếu sót.

Một trong nhiều vấn đề của việc rút tỉa những bài học từ chiến tranh Việt Nam để áp dụng vào cuộc chiến tại Afghanistan là lịch sử của Chiến tranh Việt Nam thường bị hiểu lầm hoàn toàn. Lịch sử Chiến tranh liên tục khai triển cùng với sự xuất hiện của những bằng chứng mới, đặc biệt là những chứng từ mới từ phía bên kia [Việt Nam].

Vì ít chú ý để tìm hiểu động cơ thúc đẩy của địch, động lực nội bộ, và quan hệ đối ngoại, chúng ta [Hoa Kỳ] luôn luôn có một hình ảnh không đầy đủ và không chính xác về cuộc chiến tranh đó.

Nếu chúng ta muốn học hỏi từ quá khứ thì nên vén bức màn tre, từ lâu đã che giấu những quyết định của Bắc Việt, để xóa tan một số huyền thoại đã hằn sâu về cuộc chiến đó.

Người ta thường tin rằng Bắc Việt đã quyết định đi đến chiến tranh vào 1959-60 để cứu quân du kích miền nam khỏi bị xoá sổ và Đảng Cộng sản được người dân Việt Nam hết mình ủng hộ cho đến khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Tuy nhiên, những bằng chứng gần đây cho thấy rằng quyết định đi đến chiến tranh tại miền Nam Việt Nam liên quan mật thiết đến các vấn đề ở Bắc Việt. Tạo ra chiến tranh cách mạng là một cách hiệu quả để đánh lạc hướng sự chú ý đến các vấn đề trong nước, gồm có một chiến dịch cải cách ruộng đất tàn tệ, một phong trào trí thức bất đồng chính kiến và một kế hoạch nhà nước không thành công trong việc cải tạo nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Một trong những nhận thức sai lầm lớn nhất về chiến tranh Việt Nam là Hồ Chí Minh là người lãnh đạo không tranh cãi của Bắc Việt. Trên thực tế, Hồ Chí Minh là một bù nhìn, trong khi Lê Duẩn, một người chỉ nằm trong ghi chú bên lề của lịch sử, chính là kiến trúc sư, chiến lược gia và là chỉ huy trưởng của nỗ lực chiến tranh của Bắc Việt. Một người trầm tĩnh, nghiêm khắc, Lê Duẩn tránh sự chú ý, nhưng ông có ý chí sắt, tập trung và khả năng hành chính cần thiết để thống trị Đảng Cộng sản [Việt Nam].

Bí thư thứ nhất, Lê Duẩn, bên trái của Hồ Chí Minh trong một cuộc họp tại Hà Nội năm 1966. Nguồn ảnh: Nihon Denpa News/Associated Press
Bí thư thứ nhất, Lê Duẩn, bên trái của Hồ Chí Minh trong một cuộc họp tại Hà Nội năm 1966.
Nguồn ảnh: Nihon Denpa News/Associated Press

Cùng với cánh tay phải, Lê Đức Thọ, người sau này đối đầu với Henry A. Kissinger trong các cuộc đàm phán hòa bình tại Paris, ông Duẩn xây dựng một đế chế quân phiệt vững mạnh mà đến nay vẫn bao trùm Hà Nội. Chính sách hiếu chiến của họ đã đưa Bắc Việt vào cuộc chiến chống lại Sài Gòn và sau đó là Washington, và cũng để bảo đảm một nền hòa bình qua đàm phán sẽ không bao giờ thay thế được một thắng lợi hoàn toàn.

Lê Duẩn cai trị với bàn tay sắt và xem Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nổi tiếng vì đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ, là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền lực của mình. Ông Duẩn đã cho ông Hồ, Tướng Giáp và nhóm đàn em ra rìa và gần như nắm hết những quyết định quan trọng.

Năm 1963-4, Lê Duẩn hăm dọa khiến Hồ Chí Minh phải nín thinh khi người lãnh tụ già chống lại quyết định [của Lê Duẩn] nhằm leo thang chiến tranh và đi đến toàn thắng trước khi quân đội Mỹ có thể can thiệp. Và năm 1967-8, có một cuộc thanh trừng quy mô [Vụ án Xét lại Chống Đảng] tại Hà Nội khi Hồ Chí Minh, Tướng Giáp và các đồng minh của họ phản đối kế hoạch Tổng tấn công Tết Mậu Thân của Lê Duẩn. Mặc dù cuộc chiến tại miền Nam ban đầu đã tập hợp được người miền Bắc ủng hộ Đảng CSVN, nó đã nhanh chóng trở thành một vũng lầy. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ phản ứng bằng cách tạo ra một nhà nước thành lũy [dựa vào sức mạnh của bạo lực], dán nhãn cho tất cả mọi đối kháng lại chính sách chiến tranh của họ là phản quốc. Bằng cách gia tăng quyền hạn của lực lượng nội an và công an tư tưởng và làm quân du kích miền Nam khuất phục Hà Nội, họ đã có thể tiến hành chiến tranh toàn diện theo quyết định của họ cho đến năm 1975.

Sự kình địch giữa Trung Quốc và Liên Xô cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định quá trình cuộc chiến Việt Nam. Chủ nghĩa cực đoan đang lên của Trung Quốc và sự thiếu cam kết với những cuộc cách mạng tại thế giới thứ ba của Liên Xô khiến Lê Duẩn nghiêng về phía Trung Quốc và đẩy mạnh chiến tranh quy mô ở miền Nam vào đầu những năm 1960. Khi sự tham gia của Mỹ đã tăng lên vào năm 1965, Liên Xô đổ viện trợ vào Bắc Việt. Đến năm 1968, sự cạnh tranh ảnh hưởng với Hà Nội giữa Bắc Kinh và Moscow đã trở nên căng thẳng.

Lê Duẩn đã tìm cách khẳng định quyền tự chủ Việt Nam bằng cách tung ra hai cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 và Mùa Hè đỏ lửa [Chiến dịch Xuân-Hè] năm 1972. Cả hai cuộc tấn công này đều không được Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa chấp thuận. Năm 1972, chuyến viếng thăm Trung Quốc và Liên Xô của Richard M. Nixon đã đánh dấu đỉnh cao của nỗ lực ngăn cản chiến tranh của Trung-Xô với Bắc Việt. Cả hai đồng minh Trung, Xô gây áp lực với Hà Nội đòi chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản của Nixon để tranh dành ân sủng của Washington. Thay vì chờ sự “phản bội của nước lớn”, Lê Duẩn và các đồng chí đã phát động cuộc Tổng tấn công Xuân-Hè 1972, với mục đích lật đổ chính phủ Sài Gòn và đánh một đòn quan trọng vào tình hình bớt căng của Mỹ với Liên Xô và Trung Quốc.

Cuối cùng, Mỹ tự đánh bại mình trong chiến tranh Việt Nam là một huyền thoại. Trên thực tế, Việt Nam đã không là con rối hoặc người thụ động trong cuộc chiến của họ; họ đã xắp xếp hành động của Mỹ ở Việt Nam cũng như trật tự chiến tranh lạnh trên thế giới. Chính quyết định đi đến chiến thắng của Lê Duẩn trong năm 1964 đã thúc đẩy Mỹ dứt khoát can thiệp. Và các đồng minh ở Sài Gòn đã trì hoãn việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam.

Họ gan lỳ theo đuổi lợi ích riêng của họ, ngay cả khi việc này gây bất lợi cho liên minh Washington-Saigon. Làm Mỹ phải rút quân chậm lại vào năm 1969 và phá vỡ các cuộc hòa đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ trong những năm 1972-3, giới lãnh đạo miền Nam đã làm việc Mỹ rút lui khỏi khu vực Đông Nam Á phức tạp hơn nhiều. Mặc dù Washington có lý do riêng của nội bộ và về mặt địa chiến lược để can thiệp và ở lại Việt Nam, giới lãnh đạo tại Hà Nội và Sài Gòn đã quyết định tính chất và tốc độ can thiệp của Mỹ.

Chiến đấu trong cuộc chiến cuối cùng luôn luôn là một mối nguy hiểm. Nó lại trở thành vấn đề lớn hơn khi những sự tương tự lịch sử dẫn lối cho các chính sách hiện nay lại dựa trên sự hiểu biết không đầy đủ và sai sót về những thất bại trong quá khứ của Mỹ. Bằng chứng lịch sử mới đã sửa lại sự hiểu biết của chúng ta về chiến tranh Việt Nam và làm cho tất cả mọi đánh đồng trực tiếp không đứng vững, ít nhất chúng ta có thể rút ra một bài học: chúng ta cần khắt khe trong phân tích về nỗ lực chiến tranh của địch.

Lãnh đạo Taliban có những quan điểm xung đột về các cuộc đàm phán hòa bình, triển vọng hòa giải với chính phủ Afghanistan, và hướng đi của phong trào. Với Mullah Muhammad Omar chỉ như là lãnh đạo tinh thần của Taliban, cơ hội đã xuất hiện cho một phe dám làm với một chỉ huy kiên định – như là trường hợp của Lê Duẩn – để thống nhất hay thống trị các phe nhóm tại Afghanistan. Nhóm lãnh đạo mới này chắc chắn sẽ là người chủ chiến, và đặc biệt nếu Mỹ có một thỏa thuận không phổ biến với các quan chức Taliban ở Pakistan.

Và ngay cả khi thương vong gia tăng cuối cùng có thể khiến phe chủ chiến ủng hộ hòa bình, chính sách của Lầu Năm Góc xếp loại tất cả đàn ông thanh niên trong vùng lân cận với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là binh sĩ có thể làm suy yếu khuynh hướng ủng hộ hòa bình, cũng giống như cách Mỹ đã ném bom tới tấp vào các “vùng oanh kích tự do” và “khu oanh tạc có quy định” trong chiến tranh Việt Nam đã đẩy biết bao người dân bực tức gia nhập hàng ngũ Cộng sản.

Hiểu rõ vai trò của các nhân tố trong khu vực là điều rất quan trọng với Hoa Kỳ – thí dụ như các dịch vụ an ninh của Pakistan – có ảnh hưởng đến chính trị nội bộ của Taliban. Trong khi sự cạnh tranh giữa Trung Quốc-Liên Xô cho phép Hà Nội duy trì quyền tự chủ cùng lúc nhận được viện trợ tối đa từ cả hai nước, các cuộc nổi dậy tại Afghanistan không được lợi thế như vậy, đặc biệt vì ảnh hưởng của nước láng giềng, Iran, rất hạn chế. Do đó, Mỹ có vị thế thuận lợi hơn ở Afghanistan so với vị trí đã có tại Việt Nam.

Lien-Hang Nguyen Nguồn: history.as.uky.edu
Lien-Hang Nguyen. Nguồn: history.as.uky.edu

Cuối cùng, Hoa Kỳ dự định hoàn tất cuộc rút quân vào năm 2014, nhưng như lịch sử cho thấy, đồng minh có thể không luôn luôn thực hiện theo mong muốn của chúng ta. Có thể là chính phủ Hamid Karzai hoặc chính quyền kế nhiệm sẽ định tốc độ của việc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan. Vì như chúng ta đã thấy tại Việt Nam, chúng ta không thể giả định rằng chúng ta có thể một mình quyết định được hành động của mình.

Lien-Hang Nguyen là Phó Giáo sư lịch sử tại Đại học Kentucky và là tác giả cuốn Chiến tranh của Hà Nội: Một lịch sử quốc tế của cuộc chiến tranh vì hòa bình tại Việt Nam. (“Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam.”)

© DCVOnline


Nguồn: Exploding the Myths About Vietnam. By LIEN-HANG NGUYEN, The New York Times. August 11, 2012.