Jean Baptiste Ngô Ðình Diệm (1897-1963): Thời kỳ chưa nắm quyền, 1897-1954 (P3)

Chính Đạo

DongCuuthe-hue1Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, tin Diệm đã trốn trong nhà tu [Redemptoristes hay Dòng Cứu thế] ở Huế mà tài liệu văn khố Pháp ghi nhận hợp lý hơn hết.

III. Hợp tác với Nhật

Thế chiến thứ hai (1939-1945) và việc Nhật xâm chiếm Ðông Dương từ hai năm 1940-1941 khiến Diệm đi tìm bát cơm hay thiên mệnh ngoại cường khác. Họ Ngô bí mật yểm trợ Hoàng thân Cường Ðể và từ năm 1942, công khai hợp tác với Hiến binh Nhật (Kempeitai). Huân, con trai lớn Khôi, làm thông ngôn cho Nhật. Trong khi đó, Nhu che chở cho hai con Cường Ðể, Tráng Ðinh và Tráng Liệt [Cử], tại văn khố Tòa Khâm sứ Huế. Những người thân Diệm cũng làm việc tại tòa Lãnh sự Nhật từ năm 1942. Ðầu năm 1943, Y sĩ Trương Kế An, thủ lãnh Liên Ðoàn Ái Quốc Việt Nam, gặp Diệm ở Hà Nội. Pierre Ðệ, anh rể hụt của Nhu, cũng có mặt.

Matsushita Mitsuhiro, chủ công ty Dainan Kōshi 大南公司 tại Việt Nam (1922-75). Nguồn: Wikipedia.
Matsushita Mitsuhiro, chủ công ty Dainan Kōshi 大南公司 tại Việt Nam (1922-75). Nguồn: Wikipedia.

Trong khi đó, Khôi cho Diệm dùng dinh thự Tổng đốc Nam-Ngãi của mình để tiếp xúc với những cá nhân thân Nhật. Khôi còn che chở cho tín đồ Cao Ðài (đang bị nghi ngờ thân Nhật, ủng hộ Cường Ðể) trong vùng cai trị. Mật thám Pháp tìm thấy trong nhà Ngô Ðình Dậu (Ðẩu?) – một người cháu họ Khôi ở Quảng Nam, tài liệu liên quan đến Việt Nam Phục Quốc Hội của Cường Ðể. Vì việc này, tân Khâm sứ Grandjean (6/1941-8/1944) chẳng những không hồi âm thư chúc mừng của Khôi, mà trong buổi gặp mặt trên đèo Hải Vân, bắt Khôi về hưu không được hàm Thượng thư. Tháng 1/1944, Grandjean còn cho lệnh Bảo Ðại trục xuất Diệm khỏi Huế, chỉ định cư trú ở Quảng Bình. Anh em Diệm thêm một lần trút mọi hờn oán lên Quỳnh, đương kim Tổng lý [Tể tướng] triều đình.

Mùa Hè 1944, Mật thám Pháp khám phá ra tổ chức Ðại Việt Phục Hưng của Diệm, gồm khoảng 50 đảng viên, kể cả một số giáo sĩ; nằm ngay trong đội lính khố xanh (Garde indochinoise), cảnh sát, công chức, v.v. Một trong những lãnh tụ là Trần Văn Lý, Tuần vũ Hà Tĩnh. Pháp bèn cho lệnh khám xét tư thất Diệm, nhưng Diệm đã sớm tẩu thoát. Ngày 12/7, Trung úy Kuga Michio của Hiến binh Nhật đưa Diệm vào Ðà Nẵng, rồi đáp phi cơ vào Sài Gòn. Trong thời gian ở miền Nam, Diệm lui tới với Matsushita [Tùng Hạ] Mitsuhiro, Chủ công ty Ðại Nam [Dainan Koosi hay Dainan Konsi], trưởng lưới tình báo dân sự của Nhật, tự nhận là bạn thân của Cường Ðể.( 32)
32. Note số 2995-SP/C, Huế, 4/4/43; CAOM (Aix), 14 PA, c.1. 30; CP 192 [12/7/1944: Huế: Trung úy Kuga đưa Ngô Ðình Diệm vào Ðà Nẵng, rồi đáp phi cơ quân sự vào Sài Gòn]; 14 PA/2 [12/8/1944: Pháp bắt Nguyễn Huy Tân, một trong những cán bộ Ðại Việt Phục Hưng ở Quảng Ngãi. Tòa Khâm sứ yêu cầu Khâm sứ Grandjean, đang ở Ðà Lạt, cho biết ý kiến]; và, GGI, 7F 29, tr. 56. Matsushita [Tùng Hạ] đã tới Ðông Dương từ thập niên 1920. Năm 1938, bị trục xuất; nhưng trở lại Sài Gòn từ năm 1941.

KNH Cường Để. Nguồn: http://madmonarchist.blogspot.ca/
Cường Để. Nguồn: http://madmonarchist.blogspot.ca/

Một tháng sau, ngày 12/8/1944, Nguyễn Huy Tân, Cán sự Công chính ở Quảng Ngãi, một cán bộ của Diệm, khai rằng Nhật đã chọn Diệm làm Thủ tướng, trong một chế độ quân chủ lập hiến mà người làm vua không nhất thiết phải là Cường Ðể. Hai ngày sau, 14/8, Paul Arnoux, Giám đốc Cảnh Sát, được lệnh bí mật khai thác Nhu và Khôi ngay tại Huế. Ngày 18/8, Arnoux báo cáo rằng Nhu nhìn nhận việc làm tội lỗi của Diệm, nhưng Khôi không dính líu, xin “thề trên thập tự giá” là chỉ muốn duy trì “bát cơm” Pháp. Ngày 20/8, vì tình hình Âu Châu đang rối loạn, phe “Pháp tự do” của Charles de Gaulle đang tiến vào Paris, Decoux đồng ý với đề nghị của Arnoux là chỉ trừng trị những cán bộ hạng trung, tránh khiêu khích Nhật. (33)
33. CAOM (Aix), Papiers Decoux, 14 PA/2. Xem chú 13 supra. Anh em Diệm, thường rất thích “thề trên thập tự giá” nhưng ít khi giữ những lời thề này, kể cả lời thề “trung thành” với Bảo Ðại trước khi về làm Thủ tướng toàn quyền dân và quân sự vào tháng 6/1954. Xem infra.

Cuối năm 1944, đầu 1945, Diệm tá túc trong bệnh viện Chợ Quán, được trưng dụng làm trụ sở quân sự của Nhật, sau này đổi tên thành bệnh viện bài lao Hồng Bàng. Tại đây, Diệm cùng Y sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Y sĩ Lê Toàn, Kỹ sư Vũ Văn An, Ký giả Vũ Ðình Dy (1906-1945) thành lập Ủy Ban Kiến Quốc, phò trợ Cường Ðể. Cuối năm 1944, khi chuẩn bị kế hoạch Mago để lật đổ chế độ thân Vichy Decoux, Hiến binh Nhật dự trù Diệm sẽ trở thành Thủ tướng. Tuy nhiên, tình hình đổi thay mau chóng. Tướng Tsuchihashi Yuitsu, Tư lệnh Quân đoàn 38—lực lượng trách nhiệm phòng thủ Ðông Dương chống lại cuộc đổ quân Ðồng Minh—dồn mọi nỗ lực cho mục tiêu quân sự hơn chính trị. Bởi thế Tsuchihashi giữ Bảo Ðại làm vua một nước Việt Nam “độc lập trong Khối thịnh vượng chung Ðại Ðông Á”. Trước áp lực đưa Cường Ðể về nước, Tsuchihashi tuyên bố sẽ tống giam Hoàng thân vào Côn đảo nếu Cường Ðể hồi hương.

Nước “Việt Nam độc lập” trên thực tế chỉ gồm 12 tỉnh miền Trung, vì Nam cũng như Bắc Kỳ được trù liệu sẽ trở thành hai trung tâm tử thủ chống lại sự đổ bộ của Ðồng Minh. Giám đốc Kempeitai yêu cầu phe Diệm-Chữ tham gia chính phủ tại Huế, nhưng cả hai đều từ chối. Tháng 3/1945, sau cuộc Hành quân Meigo (9-10/3/1945) loại bỏ Decoux, Bảo Ðại hai lần nhờ Nhật mời Diệm làm Thủ tướng, nhưng không có hồi âm. Mãi sau này, Bảo Ðại mới được Nhật thông báo rằng họ không muốn dùng Diệm.

Mùa Thu 1945, Giám mục Thục lại khai với mật thám Pháp là sở dĩ Diệm không nhận lời vì thấy chế độ do Nhật lập nên khó tồn tại lâu dài; hơn nữa quanh Bảo Ðại có những thành phần tả phái và franc-macon [tam điểm]. (34)
34. Nguyễn Xuân Chữ, Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ (Houston: Văn Hóa, 1996), tr. 243-49, 247-48; Bảo Ðại, Le Dragon d’Annam (Paris: Plon, 1980), tr. 106; CAOM (Aix), GGI, CP 125.

Lời chứng này khó tin. Mục đích của Thục là biện minh cho sự hợp tác với Nhật của Diệm, một tội ác chiến tranh ở thời điểm này. Và có thể Thục cũng không biết đến, hoặc tảng lờ quyết định của Tsuchihashi. Nhân viên an ninh Pháp, năm 1954, ghi rằng Diệm từ chối lời mời lập chính phủ vì Nhật không chịu cho thống nhất ba miền Bắc, Trung, Nam. Robert Shaplen cũng nhận định theo chiều hướng này: Diệm từ chối không vì chống lại Nhật mà vì cảm thấy khó thiết lập một chính phủ tự do—trong số những yếu tố quan trọng có việc Nam Kỳ bị tách biệt với Huế. [“Diem refused, not because he objected to the Japanese but because he did not feel he would be able to establish a free government—among other things, the southernmost area of Cochin China was initially be excluded from it. Furthermore, he now saw the handwriting on the wall and did not want to put himself in the position of being declared a collaborator when the war was over. He returned to Saigon and waited.” (35)
35. SHAT (Vincennes), 10H xxx; Shaplen. 1966:110]

Tháng 4/1945, Trần Trọng Kim (1883-1952) được đưa từ Krung thêp về Huế làm Tổng lý nội các [Thủ tướng] “Ðế quốc Việt Nam” (4-8/1945). Nhóm Diệm-Chữ bị phân tán ra khắp ba miền. Y sĩ Chữ về lại Nam Ðịnh, rồi Hà Nội, và cuối cùng trở thành Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Chính trị miền Bắc, thay Khâm sai Phan Kế Toại từ chức vào giữa tháng 8/1945. Diệm về lại Vĩnh Long, tá túc trong giáo phận của Giám mục Thục. (36)
36. Vũ Ngự Chiêu, The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Vietnam (4-8/1945) / Phía bên kia cuộc cách mạng 1945: Ðế Quốc Việt Nam (4-8/1945) (Houston: Văn Hóa, 1996). Bản Anh ngữ tập sách nhỏ này, trích ra từ luận án năm 1984, đã in trong Journal of Asian Studies [JAS] tại Mỹ vào tháng 2/1986.

Worse still, the possibility of future punishment by the Allies for collaboration with the Japanese discouraged many who might have sided with Kim. Kim’s ministers and collaborators fell away. The Imperial Commissioner of Bac Bo, Phan Ke Toai—flanked by his own son and other Viet Minh sympathizers or underground Communists like Nguyen Manh Ha and Hoang Minh Giam—submitted his resignation. Nguyen Xuan Chu, a leader of the Vietnamese Patriotic Party and one of the five members of Cuong De’s National Reconstruction Committee, could not be persuaded to replace Toai.(93)

93. Nguyen Xuan Chu, Hoi Ky [Memoirs] (Houston: Van Hoa, 1996), pp. 271-73.

It should be noted that during this period, rumors of Cuong De’s homecoming began to spread around the country. The Prince’s message to his citizens, dated January 11, 1944, was published in a weekly magazine in Hanoi in April 1945 (Nuoc Nam, Nos. 264, 266-268, 28 April -12 May 1945;). Vietnamese representatives reportedly attended the Greater East Asia Conference held at Kudan (Japan) in May, under the auspices of General Mitsui’s Asian Development General Headquarters of the Imperial Rule Assistance Association. On May 21, Vu Van An, one of Cuong De’s followers, returned to Saigon from Tokyo and declared that there would be an important change in Vietnamese politics in the very near future (Hai Phong, 1 June 1945). A few days later, the Hanoi weekly Thong Tin [Information] published a photograph of five patriots belonging to the Committee for National Reconstruction [Uy Ban Kien Quoc], including Vu Van An, Vu Dinh Dy, Ngo Dinh Diem, Nguyen Xuan Chu and Le Toan—all of whom had been rumored to be members of Cuong De’s exile government prior to March 9, 1945. (Thong Tin, 10 June 1945, reprinted in Chinh Dao, Cuộc thánh chiến, tr. 304) Meanwhile, on May 28, Tran Van An—known as one of the two leaders of the Phuc Quoc in Nam Bo—was brought back to Saigon after nearly two years in exile in Singapore. According to Shiraishi (“La presence japonaise,” pp. 239-40), in a meeting with Bao Dai on June 11, Tsuchihashi brought up the issue of Cuong De and obtained Bao Dai’s approval for his return to Viet-Nam as president of the Privy Council. Not much more than this, however, is known about the Tsuchihashi-Bao Dai meeting. What we can be certain of is that there was a tentative plan to bring Cuong De back to Viet Nam. On July 20, 1945, General Matsui declared in Japan that the Prince was to return to Viet Nam to assist his nephew, Bao Dai, in state affairs. Five days later, Cuong De also issued a statement stressing his gratitude to Japan and pledging his sincere collaboration with Japan after his home return. (Nippon Times, 30 July 1945) Cuong De, however, did not return to Viet Nam. The sudden end of the war might be a plausible explanation.

IV. Diệm & Việt Minh

Mặc dù sau này Ngô Ðình Diệm thường tuyên bố tại Việt Nam chỉ nổi danh thua Hồ Chí Minh [the best known figure after Ho Chi Minh], khoảng thời gian từ tháng 8/1945 tới đầu năm 1947 là một giai đoạn bí mật nhất đời Diệm.

Trần Văn Giàu, thập niên 1940 (ảnh : Trung tâm lưu trữ Aix-en-Provence).
Trần Văn Giàu, thập niên 1940 (ảnh : Trung tâm lưu trữ Aix-en-Provence).

Như chúng ta đã biết, ngày 19/8/1945, nhân khoảng trống quyền lực sau ngày Nhật đầu hàng, Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh, tức Việt Minh—từng hợp tác với Ðệ Tứ Phương Diện Quân Trung Hoa Dân Quốc, và tình báo Mỹ—lên nắm chính quyền ở Hà Nội.(37)
37. Chi tiết trong đoạn này, nhất là tư liệu báo chí như Cờ Giải Phóng (Hà Nội), Cứu Quốc, v.v. từ tháng 8 tới tháng 11/1945 dẫn từ Vũ Ngự Chiêu, “Political and Social Change,” Part II: The End of An Era”, chapt 9. Chúng tôi chỉ dẫn xuất sứ những nguồn tin mới phát hiện. Xem thêm Chữ 1996:284-90 về việc cướp chính quyền ngày 19/8/1945, và Vũ Ðình Hoè, Hồi Ký, tái bản (Hà Nội: Hội Nhà Văn, 2004), tr. 733-41.

Ngày 25/8, Bảo Ðại ra thông cáo thoái vị. Tại Sài Gòn, Khâm sai Nguyễn Văn Sâm từ chức; Trần Văn Giàu thiết lập Lâm Ủy Hành Chánh Nam Kỳ. Trong vòng mười ngày từ khi Nhật đầu hàng, rồi chính thức buông súng từ ngày 21/8/1945, đất nước và dân tộc Việt rúng động trong những chuyển biến dồn dập, đẫm máu của giai đoạn II cuộc Cách Mạng 1945—giai đoạn thay đổi từ dưới lên trên, do những người từ chiến khu, rừng núi, ngoại quốc và tù ngục xách động dưới ngọn cờ đỏ sao vàng. Lá cờ quẻ Ly—với hai vạch đỏ liền kẹp trên dưới một gạch đỏ đứt quãng ở giữa, trên nền vàng—chìm nhanh vào quên lãng. Rồi, chiều Chủ Nhật 2/9/1945, một người trung niên trong bộ ka-ki vàng bốn túi, bộ râu lưa thưa, xuất hiện trên diễn đài tại bãi Cột Cờ Hà Nội—mới được đổi tên công viên Ba Ðình từ đầu tháng trước—long trọng đọc bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH]. Khác với những diễn giả nói về cuộc cách mạng quốc gia của Pétain, hay nền độc lập trong Khối Thịnh Vượng Chung Ðại Ðông Á trước đó, Hồ Chí Minh dùng câu đầu của Tuyên ngôn độc lập Mỹ năm 1776 để mở đầu tuyên ngôn độc lập của VNDCCH.

‟Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy ở trong bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền tự do.”

Sau đó, nhắc đến Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp:

‟Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:
Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”
Ðó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.”

Tiếp đến những lời lên án chế độ Bảo hộ Pháp ngược đãi dân Việt, xây nhiều nhà tù hơn trường học, đầu độc dân Việt bằng “rượu cồn và thuốc phiện”, hai lần “bán” Việt Nam cho Nhật, và Việt Nam đã chiến đấu bên cạnh Ðồng Minh, giành độc lập từ tay Nhật mà không phải Pháp, Hồ kết luận:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập, Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”

Có tất cả 15 người ký tên vào Tuyên Ngôn Ðộc Lập. Họ là thành viên của “Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa,” một “Chính phủ Quốc gia Liên Hiệp”, “kết tinh của sự đoàn kết và thống nhất”. Hồ Chí Minh được ghi là “Ðảng Quốc Gia”; Võ Nguyên Giáp, “Văn hoá cứu quốc”; Trần Huy Liệu và Lê Văn Hiến, “Ðảng Cộng Sản”; Dương Ðức Hiền và Vũ Ðình Hoè, “đảng Dân Chủ”; Nguyễn Văn Xuân, “Quốc Dân Ðảng”; Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Văn Tố, Phạm Ngọc Thạch, Ðào Trọng Kim, Nguyễn Mạnh Hà và Vũ Trọng Khánh, “không đảng nào”; và, Chu Văn Tấn, “Dân tộc thiểu số”. (38)
38. Ðộc Lập, “Cơ quan tuyên truyền, tranh đấu, nghị luận của Việt Nam Dân Chủ Ðảng trong Mặt Trận Việt Minh”, xuất bản công khai số 1, Năm thứ 2, 4/9/1945 [loan tin “Ngày độc lập [2/9/1945] đã thu hút 50 vạn dân thành phố Hà Nội quanh vườn hoa Ba Ðình.”] Cờ Giải Phóng, số 16, 12/9/1945.

Nhân vật Nguyễn Văn Xuân là một dấu hỏi lớn. Nếu là Ðại tá Pháo thủ Nguyễn Văn Xuân, ông ta đã nhờ Nhật đưa trốn vào Nam. Tài liệu CS sau này nói Xuân là một cán bộ “Quốc Dân Ðảng”; nhưng chúng tôi không tìm thấy dấu tích nào của cán bộ VNQDÐ Nguyễn Văn Xuân; chỉ có nhân vật Nguyễn Ngọc Xuân.

Sau đó, Hồ trình diện chính phủ. Rồi yêu cầu dân chúng tuyên thệ: Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì chúng ta không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp, và đoàn kết để diệt Pháp.

Dù chưa thể tri nghiệm “độc lập” là gì, hàng chục ngàn dân—hàng trăm ngàn người, kể cả các chức sắc Ki-tô theo Jean Sainteny [1953:92], nửa triệu người theo tài liệu tuyên truyền Việt Minh—biến cuộc mít tinh thành biểu tình tuần hành. Có cả phi cơ Lightning bay lượn trên trời.

Chiều đó, tại Sài Gòn, cuộc xô xát đầu tiên giữa Việt Minh và Pháp bùng nổ trước Nhà thờ chính, rồi lan tràn khắp đường phố. Những cơn cuồng phong cách mạng thốc cuốn toàn dân ba miền vào ba thập niên bạo lực, bất trắc kế tiếp. Ngày 5/9/1945, HCM ký Sắc lệnh số 5 về quốc kỳ: Hủy bỏ cờ quẻ Ly, thay bằng cờ đỏ sao vàng, chiều ngang bằng 2/3 chiều dài. (CQ, 13/9/1945). Cùng ngày 5/9/1945, Bộ trưởng Nội vụ Võ Giáp (1911-2013) ký sắc lệnh số 8, giải tán Ðại Việt Quốc Gia Xã Hội Ðảng [Quốc Xã], vì “đã tư thông với ngoại quốc để mưu những việc có hại cho sự độc lập của Việt Nam”, và Ðại Việt Quốc Dân Ðảng vì “đã âm mưu những việc thiệt hại cho sự độc lập quốc gia và nền kinh tế Việt Nam”. (CQ, 9/9/1945). Ngày Thứ Tư, 12/9/1945, Giáp ký sắc lệnh số 30 giải tán Việt Nam Hưng Quốc Thanh Niên Hội của Lê Ngọc Vũ và Việt Nam Thanh Niên Ái Quốc Hội của Võ Văn Cầm. (Dân Chủ, 19/9/1945).

Chính phủ lâm thời cũng bắt giữ, ám sát, thủ tiêu hàng ngàn “phản động”, “Việt gian”. Cắt cổ, mổ bụng, trầm hà [“mò tôm”] chỉ là vài trò chơi người giết người quen thuộc. Trọn gia đình Kỹ sư Bùi Quang Chiêu, lãnh tụ nhóm Lập Hiến tại Nam Kỳ, chẳng hạn, bị tiêu diệt ngoại trừ cháu nội mới mở mắt chào đời. Tạ Thu Thâu và các phần tử “Trốt kít” bị cầm tù, thảm sát từ Quảng Ngãi tới Bà Rịa, Bình Dương.

Trước phản ứng của dư luận, ngày Thứ Hai, 10/9, Trần Huy Liệu họp báo giải thích về những cuộc bắt bớ khắp nơi. Liệu cho rằng đó không phải là “khủng bố” vì “bị bắt bao giờ cũng là những kẻ đã do sự điều tra nhận thấy có phương hại tới chính quyền của nhân dân”. (Dân Chủ, 20/9/1945).

Báo Cứu Quốc, cơ quan ngôn luận của Việt Minh, công khai lên án và báo cáo việc thanh trừng chính trị. Ngày 12/9/1945, loan tin “ba tên phản quốc nữa đã bị bắt.” Ðó là: Bùi Trần Thường, cận vệ của Võ Văn Cầm; Phạm Ngọc Hàm, “mật thám cho Pháp mới từ Cao Bằng về liên lạc”; Ðào Chu Khải, làm “xếp tanh” trên đường Lào Kai-Vân Nam, VNQDÐ ở Vân Nam; sau 9/3/1945, làm “tay sai cho Nhật”. (CQ, 12/9/1945).
Riêng Diệm và Thục đều có tin bị Việt Minh bắt. Thục, thực ra được tự do sống ở vùng Vĩnh Long, dưới sự che chở của Việt Minh (Nguyễn Văn Nguyễn). Tháng 10/1945, Thục định ra Bắc, nhưng bị quân Bri-tên chặn bắt ở Biên Hòa, rồi sau đó âm thầm trở lại giáo phận Vĩnh Long. Riêng Nhu, từ tháng 9/1945, được Giáp cử làm Giám đốc Văn Khố Hà Nội. Phần Diệm, tông tích bất minh. Ngày 7/5/1953, trong buổi ăn trưa và thảo luận [lunch talks] về tình hình Ðông Dương tại Tối Cao Pháp Viện Mỹ, Diệm tuyên bố từng bị Hồ “cô lập” trong một làng thiểu số năm 1946. Sau 6 tháng, Hồ yêu cầu Diệm tham gia chính phủ, nhưng Diệm trả lời rằng vì biết Hồ là CS, Diệm muốn được toàn quyền và thông báo mọi tin tức. Những người ủng hộ Diệm đòi Diệm phải được giao Bộ Nội Vụ và nắm ngành Cảnh Sát. Hồ do dự ít tuần, rồi cuối cùng từ chối.

Gần hai thập niên sau, ngày 16/1/1962, Diệm còn lập lại với các viên chức Mỹ chi tiết bị giam ở thượng du Bắc Việt. Diệm tuyên bố bị bắt vào tháng 9/1945, khi từ Sài Gòn ra Huế ngăn Bảo Ðại đừng theo Hồ. Sau đó, bị giải lên gần biên giới Hoa-Việt, suýt chết vì bệnh sốt rét. Sáu tháng sau, HCM mang Diệm về Hà Nội, thuyết phục Diệm theo mình. Diệm không đồng ý, HCM bèn thả Diệm. (39) Sau này, Hoàng Tùng nói với một ký giả Tây phương rằng tha Diệm là một sai lầm.(40)
39. FRUS, 1952-1954, XIII:554; Ibid., 1961-1963, II:42.
40. [In September 1945 he was arrested by the Viet Minh and held until March 1946, being offered a cabinet post by Ho Chi Minh and refusing it]; Ngo Dinh Diem (1957) [p.5]; [Stanley Karnow, Vietnam: A History (New York: Viking Press, 1983), tr. 216-17].

Việc Diệm bị Việt Minh bắt được nhiều nguồn tin khác xác nhận. Hạ tuần tháng 11/1945, Giám mục Thục khai với Pháp rằng Khôi và Diệm đã bị Việt Minh bắt và có thể đã bị xử bắn.(41) Ngày 28/12/1945, Tổng Giám mục Antonin Drapier cũng viết cho Trưởng đoàn Truyền giáo Hải ngoại Pháp ở Sài Gòn, rằng Diệm đã bị Việt Minh bắt.(42)
41. CAOM (Aix), GGI, CP 125; Nhân vật chí, 1997:313.
42. Theo Drapier, Nhu, làm việc tại Hà Nội, không dám ra khỏi nhà vì sợ bị bắt cóc. Tại Huế cũng có tin Thục bị Việt Minh bắt; CAOM (Aix), GGI, CP 125. Đa tạ Giáo sư Dương Đình Nham đã tặng phóng ảnh lệnh bổ nhiệm Nhu làm Giám đốc Văn Khố, do Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Giáo dục Vũ Đình Hòe ký ngày 8/9/1945.

Một nguồn tin khác nữa ghi vào khoảng tháng 6/1946, khi Diệm đến ở nhà Linh mục Ðộ, chính xứ Tuy Hoà, cán bộ VM đã “khéo léo” mời được Diệm lên miền Thượng. Người gia nhân thoát chạy ra Phát Diệm, xin Giám mục Lê Hữu Từ giúp, sợ bị giống như Khôi. Từ bèn cùng Linh mục Phạm Quang Hàm và Dân biểu Ngô Tử Hạ vào Bắc bộ phủ xin Hồ tha Diệm. Chính Hồ cũng không biết việc này, và hứa sẽ can thiệp. Khoảng một tháng sau, Diệm về tới Hà Nội, Giáp gọi Nhu, Giám đốc văn khố Hà Nội, tới lĩnh về.(43)
43. Giám mục Lê Hữu Từ & Phát Diệm, 1945-1954 , tr. 117.

Những chi tiết quanh việc Diệm bị Việt Minh bắt có nhiều nghi vấn:

1. Xét về ngày tháng Diệm bị bắt, có phần không ổn.

a. Tài liệu Bộ Ngoại Giao Mỹ dẫn lời Diệm là Diệm bị bắt vào tháng 9/1945, và trả tự do vào khoảng tháng 3/1946.
b. Ngày tháng mà Từ hoặc tác giả viết hồi ký cho Từ ghi là Diệm bị bắt đúng vào giai đoạn HCM đang ở Pháp, và mãi tới ngày 22/10/1946 Hồ mới về tới Hà Nội. Vậy Từ can thiệp vào dịp nào? (Diệm cũng không hề nhắc đến việc được Từ và Hạ can thiệp).
c. Ngay chính Diệm, ngày 7/5/1953, chỉ nói mơ hồ đã bị “cô lập” tại một làng thiểu số trong 6 tháng.

2. Không ai rõ Diệm được tha ngày nào, và cũng chẳng ai rõ hành tung Diệm từ lúc được tự do tới khi xuất hiện ở Hà Nội vào đầu năm 1947 trong bộ đồ tu hành.

3. Theo thư gửi Decoux đề ngày 21/8/1944, Thục nói Cộng Sản từng thuê sát thủ người Hoa ra Phan Rang mưu sát Diệm, nhưng Diệm chỉ bị thương. Nếu bắt được Diệm năm 1945 hoặc 1946, ngay tại miền Trung, cách nào Cộng Sản tha Diệm? Người ta chưa quên số phận những Tạ Thu Thâu, Vũ Ðình Dy, v.v. ở Quảng Ngãi; và nhiều cảnh “mò tôm” khác khắp ba miền. (Huyền thoại ‟đầy vua không Khả”, theo một tác giả, đã phần nào ảnh hưởng Hồ trong quyết định về số mạng Diệm)

4. Anh em Diệm rất thành thạo thủ thuật tự đánh bóng (kiểu Diệm “làm Tể tướng cho Bảo Ðại,” Khả làm “thượng thư đầu triều Thành Thái,” hay “đầy vua không Khả”). Thành tích “bị giam lỏng” tại miền thượng du năm 1946, hay đòi Hồ cho nắm Bộ Nội vụ có thể chỉ để tăng thêm vốn cho việc rao bán lập trường chống Cộng hầu xin viện trợ Mỹ của Diệm. Hy vọng sẽ có dấu vết việc bị “cô lập” này trong văn khố Ðảng Cộng Sản Việt Nam hay Pháp.

Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, tin Diệm đã trốn trong nhà tu [Redemptoristes hay Dòng Cứu thế] ở Huế mà tài liệu văn khố Pháp ghi nhận hợp lý hơn hết.

Nhà thờ - Dòng Chúa Cứu Thế - Church (1970/71 - Không Ảnh - Photo by Wayne Hegerty)
Nhà thờ – Dòng Chúa Cứu Thế – Church (1970/71 – Không Ảnh – Photo by Wayne Hegerty)

V. Diệm & Bảo Ðại: “Thành Phần Thứ Ba”

Ðầu năm 1947, Diệm xuất hiện ở Hà Nội, ngụy trang như một tu sĩ dòng Cứu Thế. Ðược Pháp yêu cầu lập chính phủ chống Cộng, Diệm đưa ra một kế hoạch không thể chấp nhận được, tức thống nhất ba miền, có quân đội riêng và nhiều quyền tự trị. Diệm còn gặp Tổng lãnh sự Mỹ Charles Reed tại Hà Nội. Trong thời gian ở Hà Nội, ngụ tại tu viện dòng Cứu Thế ở Thái Hà Ấp. Ngày 11/4/1947, Diệm trở lại Sài Gòn. Ngày 5/9/1947, lại trở ra Hà Nội. (44)
44. Ngo Dinh Diem (1957)], p.5 [During the Franco-Viet Minh hostilities in Hanoi in late 1946, and for some time afterward, he remained in hiding in the Hanoi mission of the Canadian Redemptionist Fathers. [p.5]

A. “Thí Nghiệm” Bảo Ðại

Thời gian này, “thí nghiệm” Bảo Ðại bắt đầu thành hình. Thí nghiệm này nhằm ngụy trang cuộc tái xâm lăng Việt Nam mà chính phủ Charles de Gaulle đã phát động từ năm 1944-1945.

Từ mùa Hè 1945, sau khi Nhật lật đổ chính phủ thân Vichy của Decoux, Tướng de Gaulle đã nỗ lực tìm một “chí sĩ quốc gia Việt Nam chân chính” để cầm cờ dẫn Pháp trở lại Ðông Dương. Ứng cử viên được nhiều người biết nhất là Hoàng tử Vĩnh San (1900-1945), tức cựu hoàng Duy Tân (1907-1916), đã bị truất phế và đầy qua Réunion năm 1916. Tai nạn phi cơ ngày 26/12/1945 khiến “lá bài bí mật” của phe de Gaulle “tan biến như một giấc mơ đẹp”. Hai ngày sau, 28/12, Tổng Giám mục Antonin Drapier, Khâm sứ Vatican, trình lên Cao ủy/Linh mục Georges Thierry d’Argenlieu (1945-1947) kế hoạch cho Bảo Ðại lên ngôi như trước ngày 9/3/1945; rồi lập Hoàng tử Bảo Long làm vua, Hoàng hậu Nam Phương nhiếp chính, với Diệm làm Thủ tướng.(45) Tuy nhiên, d’Argenlieu không đồng ý, và cũng không hài lòng việc Drapier xen lấn vào thế quyền.
45. Nguyên văn: “À mon avis, il serait avantageux pour le calme de rétablir le Roi comme chef régulier avant le 9 mars.” Ngày 28/12/1945, trong thư gửi một giáo sĩ Pháp, Drapier cho rằng gia đình Bảo Ðại là “gia đình thân Pháp bậc nhất trong dân Việt (la plus francophile de tous les annamites); CAOM (Aix), CP 125. Về cuộc tái xâm lăng của Pháp, xem Vũ Ngự Chiêu, “Political and Social Change,” Part III: “The Brutality of World Politics” (1984); Georges Thierry d’Argenlieu, Chronique d’Indochine, 1945-1947 (Paris: 1985); Général de Gaulle et l’Indochine (Paris: 1982).

Một số chính khách, lãnh tụ giáo phái Việt cũng xúc tiến thực hiện “giải pháp” [solution] Bảo Ðại từ cuối năm 1945, đầu năm 1946. Người đầu tiên đưa ra ý kiến này là tân Giám Mục Lê Hữu Từ. Nhân dịp Bảo Ðại về Phát Diệm dự lễ tấn phong của Từ, Từ hỏi Bảo Ðại có mưu tính gì chăng; nhưng Bảo Ðại không có phản ứng tích cực. Cựu Thủ tướng Kim và đảng viên trẻ Ðại Việt, kể cả Ðỗ Ðình Ðạo v.v. cũng tìm thấy ở Bảo Ðại sự lãnh đạo, hoặc ít nữa sự chính thống [legality hay legitimacy] cần thiết, để chống Hồ.(46) Việt Nam Quốc Dân Ðảng [VNQDÐ] và Trung Hoa Quốc Dân Ðảng [THQDÐ] cũng ít nhiều tiếp tay Bảo Ðại rời Hà Nội vào trung tuần tháng 3/1946.
46. Trần Trọng Kim, Kiến Văn Lục: Một Cơn Gió Bụi (Sài Gòn: 1969), tr. 134ff. Sẽ dẫn: MCGB, 1969.

Mãi tới sau cái chết của Y sĩ Nguyễn Văn Thinh ngày 10/11/1946 và sự khủng hoảng của thí nghiệm “Cộng Hoà Nam Kỳ tự trị”—nhất là sau cuộc tấn công của Việt Minh tối 19/12/1946 trên khắp miền Bắc vĩ tuyến 16—vai trò Bảo Ðại mới sáng giá hơn. Nước Pháp đứng trước một ngã ba đường. Một, tiếp tục thương thuyết với Việt Minh, hầu tìm một giải pháp chính trị. Nẻo đường khác, là đoạn tuyệt với chính phủ “ương ngạnh” [intransigence] của Hồ, đi tìm một “chí sĩ quốc gia” chấp nhận thoả hiệp. Hầu hết lãnh đạo Pháp—từ Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet tới đặc sứ Philippe Leclerc de Hautecloque (1902-1947)—đều nghĩ rằng đã đến lúc đoạn tuyệt với Hồ. Léon Pignon, Cố vấn Chính trị của d’Argenlieu, ủng hộ Bảo Ðại nồng nhiệt nhất.

Do Pignon tiến cử, ngày 14/1/1947, d’Argenlieu mật báo về kế hoạch tái sử dụng Bảo Ðại. Moutet không chấp thuận. Thủ tướng Léon Blum (12/1946-1/1947) cũng không tán thành, nhưng chuyển cho người kế vị là Paul Ramadier (1947).(47) Dẫu vậy, d’Argenlieu vẫn gửi cựu công sứ Cousseau qua Hong Kong để liên lạc với Bảo Ðại vào đầu năm 1947. Ðồng thời lưới tình báo nhân dân của Hội Truyền giáo Pháp—qua Tổng Giám Mục Drapier, và các giáo sĩ như Giám Mục Quảng Châu Fourquet, Linh mục Vircondolet, Giám đốc Hội truyền giáo Hong Kong, và Yolle, một gián điệp Pháp—tiếp tục “bảo vệ” Bảo Ðại. (48)
47. D’Argenlieu, Chronique, 1985:385-92. Nguyên văn công điện số 2464/CI/142, ngày 23/1/1947, như sau: “Ne suis pas d’accord. Ne rien décider avant que nouveau gouvernement ait formé directives”; Ibid., p. 387.
48. Báo cáo ngày 21/12/1946, Massimi, Hải Phòng, gửi Ủy viên Bắc Kỳ [Sainteny]; báo cáo ngày 20/12/1946 & 30/12/1946 của Yolle; CAOM (Aix), HCFI, Conseiller Politique [CP], carton 255. Theo một học giả Mỹ, Wainwright, tháng 2/1945, Arnoux đã gửi qua Trùng Khánh ba gián điệp, kể cả Morand và Yolle, để cung cấp những tư liệu nói xấu những phần tử Gaullists trong nội địa Ðông Dương; De Gaulle et l’Indochine, 1982:121. Chẳng hiểu Thanh tra cảnh sát Yolle liên hệ gì đến Linh Mục Yolle hay chăng.

Sự thành hình của chính phủ Ramadier ngày 21/1/1947, và quyết định thay d’Argenlieu bằng Dân biểu Emile Bollaert ngày 5/3/1947 mang lại một không khí mới. Viên chức Pháp nghĩ đến một chính phủ Liên bang Việt Nam, với ba chính phủ địa phương tại ba kỳ, và một chính phủ trung ương tượng trưng sự thống nhất lãnh thổ. Vấn đề đặt ra là ai sẽ cầm đầu chính phủ trung ương đó. Hồ Chí Minh và Bảo Ðại trở thành hai tâm điểm của các cuộc tranh luận.

Một số chính khách Pháp nghĩ phải nối lại thương thuyết với Hồ. Theo họ, dù Hồ và các thuộc hạ thân tín là Cộng Sản, đa số cấp lãnh đạo Việt Minh chỉ là những người yêu nước. Hơn nữa, Hồ và các thuộc hạ có khả năng nhất. (49) Một số khác chủ trương loại Hồ, thương thuyết với Bảo Ðại. Theo họ, Bảo Ðại có một số người theo ở Trung Kỳ; và được sự ủng hộ hoặc chấp thuận của nhiều nhân vật có uy tín tại Bắc cũng như Nam Kỳ.(50)
49. Số người chủ trương thương thuyết với Hồ chỉ có Ðảng Cộng Sản Pháp và một số cá nhân như Léon Blum. Ngày 31/12/1946, trong phần trích dịch dư luận báo chí ở Paris, L’Humanité đăng lại lời bình luận của Le Parisien libéré [Người Paris Giải Phóng]:

“Sẽ là một sự điên rồ khó tha thứ khi mưu toan đặt lên một chính phủ bù nhìn nào đó sẵn sàng hợp tác với chúng ta, nhưng không có nền tảng dân chúng. Một sự điên rồ mà trong tương lai sẽ rất đắt giá cho chúng ta.” (Nguyên văn: Ce serait une impardonable folie que de susciter pour pouvoir comme partenaire, un quelconque gouvernement fantoche prêt à la collaboration avec nous, mais sans fondement populaire. Une folie qui dans l’avenir nous couterait fort cher).

50. Cầm đầu nhóm này là phe Gaullist. Xem infra.

Ngày 1/4/1947 tân Cao Ủy Bollaert tới Sài Gòn với lệnh tái thiết lập những guồng máy cũ, nhưng đừng để lộ ra là Pháp muốn tái lập nền quân chủ.

Cuộc biểu tình tại Sài Gòn mời Bảo Đại (đang ỏe Hong Kong) về chấp chánh (1947). Nguồn: hoangnamgiao.blogspot.com
Cuộc biểu tình tại Sài Gòn mời Bảo Đại (đang ỏe Hong Kong) về chấp chánh (1947). Nguồn: hoangnamgiao.blogspot.com

Thời gian này, Bảo Ðại sống ẩn dật tại Hong Kong. Rời Hà Nội ngày 16/3/1946 trong phái đoàn thăm thân hữu Trung Hoa, nhưng đến ngày về, Bảo Ðại được thư Hồ khuyên nên du lịch thêm một thời gian. Cựu hoàng bèn sang Hong Kong, sống tại đây với một vũ nữ, dưới một tên giả trong khách sạn Saint Francis Hotel. Mùa Thu 1946, Bảo Ðại tuyên bố với một ký giả Pháp, Jacques Sallebert, là với cựu hoàng, “chính trị đã chết.” Bảo Ðại cũng bày tỏ lòng kính phục Chủ tịch Hồ, và tiết lộ rằng sự thoái vị của mình là chiều theo ý dân.(51) Bảo Ðại còn xin qua định cư ở Morroco, và Bộ Ngoại Giao Pháp chấp thuận. Tuy nhiên, Giám Mục Hong Kong khuyên Bảo Ðại bỏ ý định trên.
51. Nguyên văn:

“Chính trị với tôi đã hết. Dân tộc tôi đã muốn dân chủ: tôi không có gì chống lại điều đó, bởi vì ngay từ đầu tôi đã cộng tác với chính phủ mới… Tôi rất kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh” [La politique est pour moi une chose morte. Mon peuple a voulu une démocratie: je n’y ai fait aucune opposition, puisque j’ai même accepté, au début, de collaborer avec le nouveau gouvernement…. J’ai beaucoup d’estime pour le Président Ho Chi Minh….];
Combat (Paris), 15/10/1946; PA 28, Carton 7, d. 164; trích đăng trong Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, III:995-96.

Nhiều cá nhân và lãnh tụ chống Cộng cũng tìm đến, lôi kéo Bảo Ðại khỏi cảnh huống “về hưu” non ở tuổi 33. Trong số này có các nhóm Nguyễn Tường Tam, Vũ Kim Thành, Trần Trọng Kim v.v. Vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, số người ủng hộ Bảo Ðại được tăng cường thêm Hộ pháp Cao Ðài. Mới hồi hương vào tháng 8/1946 sau gần 5 năm lưu đầy, Phạm Công Tắc chủ trương hợp tác với Pháp để chống Cộng. Chính Tắc và Trần Quang Vinh, Tư lệnh lực lượng võ trang Cao Ðài từ năm 1943, đã yểm trợ Y sĩ Lê Văn Hoạch lên cầm đầu chính phủ Nam Kỳ tự trị sau cái chết của Y sĩ Thinh ngày 10/11/1946, hầu loại bỏ Trần Văn Tỉ. Cuộc tổng tấn công ngày 19/12/1946 của Hồ giúp Tắc mạnh bạo hơn. Ngày 1/1/1947, nhân dịp Bộ trưởng Moutet đang tham quan Ðông Dương, Tắc yêu cầu Moutet đưa Bảo Ðại về nước; và hứa sẽ ủng hộ Bảo Ðại.(52)
52. SHAT (Vincennes), 10H xxx.

Nhưng các chính phủ tại Paris—với sự tham dự của Ðảng Cộng Sản Pháp, do Maurice Thorez làm Tổng Bí thư—chưa muốn đoạn tuyệt với Hồ. Vì nhiều lý do, viên chức Pháp khẳng định vẫn muốn thương thuyết, nhưng đặt thêm điều kiện căn bản—đó là thảo luận trên thế mạnh, không để bạo lực chi phối, và sau khi đã vãn hồi trật tự. Ngày 20/12/1946, khi ra trước Quốc Hội điều trần, và tuyên bố sẽ qua Ðông Dương tham quan, Moutet nhấn mạnh:

Nước Pháp muốn hoà bình, tôn trọng những nguyên tắc đã tuyên bố, nhưng không chịu khuất phục trước bạo lực. Chính sách của Pháp là bảo vệ quyền lợi nước Pháp và làm cho những quyền lợi ấy được tôn trọng.( 53)
53. AAN, 1946 [Séance du 20 décembre 1946]:196.

Dù chỉ là một bình phong cho việc tái chiếm miền Bắc bằng võ lực, hay phát xuất từ lòng chân thành, những điều kiện tiên quyết này mở ra một câu hỏi then chốt—đó là thương thuyết với ai? Thêm vào đó, là giới hạn của những nhượng bộ Pháp có thể chấp thuận. Mặc dù bản tuyên cáo ngày 24/3/1945 qui định “năm xứ Ðông Dương” của de Gaulle đã bị các biến cố ở Việt Nam biến thành dĩ vãng, đa số giới lãnh đạo Pháp vẫn nhấn mạnh Ðông Dương phải là một thành phần của Khối Liên Hiệp Pháp [L’Union Francaise]; không thể thống nhất ba miền Bắc, Trung, Nam vì miền Nam là một thuộc địa, tức phần lãnh thổ bất khả phân của Pháp như phần dẫn nhập của Hiến Pháp 1946 đã qui định; và, chính phủ VNDCCH của Hồ chỉ là một trong những phe phái mà người Pháp có thể thương thuyết.
Ngày 23/12/1946, Dân biểu André Mutter của hạt l’Aube—người từng yêu cầu bắt Hồ tại Paris sau khi hội nghị Fontainebleau đổ vỡ vào tháng 9/1246—tuyên bố không thể đàm phán với chính phủ Hồ được nữa vì đó là “bọn phản bội” [traitres]. Mutter nhấn mạnh:

Chúng ta không thể coi Hồ Chí Minh như đại diện của một tiểu bang tự do [Etat libre]; đó là một kẻ sát nhân [assassin].(54)
54. AAN, 1946, [2è Séance du 23/12/1946]:321.

Sau khi tham quan Ðông Dương về, tảng lờ lời Hồ kêu gọi tái thương thuyết, ngày 18/3/1947, Moutet khẳng định không thể nói chuyện với Hồ nữa, vì Hồ không những chỉ coi việc ký Hiệp ước như một phương tiện tranh đấu; mà còn chủ trương bạo động.(55)
55. AAN, 1947:882-83.

Mặc dù vẫn còn những người như Pierre Cot chưa dứt khoát—đề nghị đừng nên qui lỗi cho một phe nào—phe cực hữu ngày thêm mạnh. Ngày 13/4/1947, Paul Reynaud tuyên bố trước Quốc Hội Pháp:
Hồ Chí Minh là một tên tội phạm [un criminel] và không thể thương thuyết với hắn; hoặc hắn đã bị điều khiển [manoeuvré] và tự chứng tỏ thiếu khả năng để bắt chính quân đội của mình tuân lệnh, vậy thì, đó là kẻ thiếu khả năng và cũng chẳng nên thương thuyết với hắn nữa.(56)
56. AAN, 1947:835.

Hôm sau, 14/4, Dân biểu Maurice Violette còn đi xa hơn, khẳng định: “Tinh thần quốc gia ở Việt Nam là phương tiện; cứu cánh là thực dân Liên Sô.” (57) Lời cáo buộc này khiến phe Cộng Sản Pháp, kể cả Marcel Cachin, cực lực phản đối. Ramadier phải công nhận cho tới thời điểm đó, Liên Sô Nga hoàn toàn trung lập. Nhưng từ ngày này, dù công khai hay phía sau hậu trường, các viên chức Pháp, vì những lý do dễ hiểu, không ngừng tố cáo nguồn gốc Quốc Tế Cộng Sản [QTCS] của Hồ.(58)
57. AAN, 1947: 856, col 2.
58. Tư liệu văn khố Nga và Trung Cộng cho biết từ tháng 2/1950 Hồ mới chính thức nối lại liên hệ với Liên Sô Nga. Nhưng Stalin giao cho Bắc Kinh cai quản Ðông Dương và tổ chức 10 sư đoàn chính qui. Theo một viên chức Trung Cộng, tối 16/2/1950, Stalin từ chối lời đề nghị ký Hiệp ước hữu nghị giống như Nga mới ký với Trung Cộng của Hồ.

Phe cổ võ cắt đứt thương thuyết còn đưa ra thêm lý do khác là từ ngày 19/12/1946, chưa ai gặp được Hồ. Sự biến dạng này khiến không thể không hoài nghi rằng Hồ đã chết; và, những phần tử quá khích như Võ Nguyên Giáp cùng Hạ Bá Cang (Quận thọt) đang chi phối Tổng bộ Việt Minh. Những văn thư ký tên Hồ gửi cho Pháp trong những tháng cuối năm 1946, đầu năm 1947—kể cả bản kiến nghị do Trần Ngọc Ranh trao cho Pháp tại Paris vào tháng 2/1947–bị coi là đã giả mạo chữ ký Hồ.(59)
59. Blokov Ranh (1909-1952?), em trai Trần Phú (1904-1931), Tổng thư ký đầu tiên của Ðảng CSÐD, từng theo học Ðại học Phương Ðông [KUTV] Mat-scơ-va và một thời gian là “bạn đồng hành” của Nguyễn Thị Vịnh (Minh Khai) (1910-1941) ở Trung Hoa; CAOM (Aix), SPCE, carton 367. Năm 1947, Ranh bị Pháp bắt giữ cùng Bourov Dương Bạch Mai (1904-1964), nhưng phải trả tự do vì áp lực của Ðảng Xã Hội và báo Le Figaro; AAN, 1947, 833; Ibid., 1949, II:1509. Năm 1949 Ranh qua Tiệp Khắc, sau bị khai trừ khỏi Ðảng CSÐD, khi tái lập Ðảng Lao Ðộng Việt Nam năm 1951 (cùng Lê Hy); Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả (Bắc Kinh: 1987), tr. 319-21.

Song song với chiến dịch hạ uy tín Hồ là việc tách rời Hồ khỏi khối đại đa số người Việt yêu nước. Ramadier, khi ra thuyết trình trước Quốc Hội vào tháng 2/1947, đã mở đầu cho khuynh hướng này. Tiếp đó, Moutet khẳng định Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 đã được ký kết với một chính phủ liên hiệp Việt Nam, mà không phải với cá nhân Hồ.

Trong khi HCM chủ trương “còn nước cứ tát”, Bảo Ðại chuyển dần sang lập trường chống Cộng, từ bỏ ý định qua Morroco định cư. Từ ngày 17/2/1947, những người ủng hộ Bảo Ðại thành lập tại Nam Kinh Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt Toàn Quốc “ngõ hầu đạt tới lý tưởng tối cao… tranh thủ Ðộc lập và Thống nhứt quốc gia, củng cố chánh thể Cộng hòa dân chủ, thực thi chế độ dân chủ chân chánh.” (Bản ký kết thành lập MTQGTNTQ; 10H xxx [4201]). Qui tụ Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội (Nguyễn Hải Thần), Việt Nam Quốc Dân Ðảng (Nguyễn Tường Tam), Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Ðảng (Nguyễn Hoàn Bích), Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Ðoàn(Trần Côn tức Văn Tuyên), và Ðoàn Thể Dân Chúng (Lưu Ðức Trung tức Lưu Bá Ðạt). Mặt Trận cử một phái đoàn gồm Thần, Tam, Bích và Côn xuống Hong-Kong gặp Vĩnh Thụy. Hơn một tháng sau, trong cuộc họp báo ở Hong Kong ngày 29/3, Bảo Ðại tuyên bố chính phủ HCM không đủ khả năng đại diện dân Việt Nam; và, Bảo Ðại chống lại Việt Minh. Tại buổi họp báo này, phổ biến tài liệu Mặt Trận Thống Nhứt Quốc Gia Việt Nam [Front d’Union Nationale du Viet-Nam], danh hiệu mới của MTQGTNTQ mở rộng—mới mời thêm được các tổ chức miền nam và trung như Việt Nam Quốc Gia Ðộc Lập Ðảng (Nguyễn Văn Sâm), Cao Ðài (Phạm Công Tắc), và Liên Ðoàn Công Giáo (Trần Văn Lý-Ngô Ðình Diệm). Mục tiêu của Mặt Trận mở rộng hơn, tức “thống nhất mọi tổ chức cách mạng, đảng phái chính trị, đoàn thể tôn giáo và xã hội để đấu tranh giành độc lập và thống nhất lãnh thổ, củng cố chế độ cộng hoà, dân chủ, hợp tác toàn diện với tất cả các quốc gia trên thế giới trên căn bản công bằng và tự do để vãn hồi trật tự thế giới.” Về Việt Nam, Mặt Trận khẳng định cuộc kháng chiến hơn một năm qua không phải là công trình của một đảng nào, mà là của toàn dân. Chính phủ HCM không còn được nhân dân tin tưởng và đã mất vị thế trên thế giới trong cuộc tranh đấu giành độc lập. Bởi vậy, Mặt Trận ủng hộ cựu hoàng Bảo Ðại Nguyễn Vĩnh Thụy để thành lập một chính phủ dân chủ thực sự. (60)
60. CAOM (Aix), INF, Carton 138-139/1245. Theo tài liệu MTQGTNTQ tại miền Nam, đề ngày 5/5/1947, Mặt Trận này họp Hội nghị ngày 30/3/1947 ở Nam Kinh, và ra tuyên ngôn ngày 31/3/1947; SHAT (Vincennes), Indochine, 10H xxx. Vẫn theo tài liệu này, các đại diện của Mặt Trận có Ngô Gia Trí, Bảo Sơn, Lưu Bá Ðạt, Trần Thêm, Trịnh Hưng Ngẫu, v.v..

B. Sứ mệnh Cao ủy Bollaert

Émile Bollaert (1932). Nguồn: Wikipedia.
Émile Bollaert (1932). Nguồn: Wikipedia.

Ðể đánh dấu sự thay đổi chính sách, Ramadier quyết định thay d’Argenlieu vì Linh mục/Cao ủy bị chỉ trích là còn nặng đầu óc thực dân; và vì d’Argenlieu có những khó khăn trong quan hệ với những người mà ông ta phải làm việc chung. D’Argenlieu không chịu từ chức, muốn níu giữ Ðông Dương chờ de Gaulle—mới đột ngột từ chức ngày 24/1/1946—trở lại chính quyền. Ramadier chẳng còn cách nào khác hơn cách chức d’Argenlieu.

Bài diễn văn được coi như bản tuyên bố chiến tranh lạnh ngày 12/3/1947 của Tổng thống Harry Truman (1945-1953) và kế hoạch viện trợ tái thiết Tây Âu ít tháng sau của Ngoại trưởng George C. Marshall—được biết như “Kế hoạch Marshall” —khiến Ramadier nghiêng về phía loại bỏ Hồ, “một cán bộ QTCS.” Tuy nhiên, dự định của Paris nhằm biến hoá cuộc tái xâm lăng Việt Nam thành một điểm nổ của cuộc chiến tranh lạnh Tư Bản-Cộng Sản (1947-1991)—hầu xin viện trợ Mỹ và thiết lập chính nghĩa mới—không đạt được tốc độ mong muốn. Oat-shinh-tân (Washington – DCVOnline), dù không muốn thấy “một chế độ tay sai của Mat-scơ-va (Moscow – DCVOnline) thống trị bán đảo Ðông Dương, nhưng cũng không muốn bị mang tiếng ủng hộ Pháp tái thiết lập chế độ thuộc địa kiểu tiền chiến, chỉ khuyên Pháp nên tìm ra một “chí sĩ quốc gia chân chính” lên cầm đầu cuộc chiến chống Cộng. Bởi thế, suốt năm 1947, Bollaert gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm một giải pháp cho Việt Nam. Dẫu vậy, Bollaert đặt xuống những nền tảng cho việc thực thi thí nghiệm Bảo Ðại. Giai đoạn đầu là những bước ngoại giao để loại bỏ Hồ.

Nguyên từ cuối tháng 12/1946, đầu tháng 1/1947, Hồ nhiều lần xin nối lại thương thuyết. Ngày 20/2/1947, ít tuần trước ngày Ðại Hội Các Quốc Gia Á Châu tại New Dehli, Ðài Việt Minh công bố một lá thư của Hồ gửi Ramadier và Moutet, kêu gọi thương thuyết. Việt Minh cũng nhờ đại diện Hồng Thập Tự Quốc Tế chuyển cho Lãnh sự Bri-tên một thư nghị hoà, nhưng viên chức Pháp ở Paris đều nói không nhận được. Mãi tới ngày 26/3, viên chức Ngoại giao Pháp mới nói với Ðại sứ Mỹ Caffery là nhận được thư này, nhưng không ai dám khẳng quyết Hồ còn sống.(61)
61. CÐ số 1313, 27/3/1947, Caffery gửi BNG; FRUS, 1947, VI:81-2.

Cũng ngày này, tân Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám khẳng định muốn “độc lập trong Liên Hiệp Pháp”. Ngày 18/4/1947, Giám nhờ Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế chuyển cho Miguel de Pereyra, tân Ủy viên Cộng Hoà Bắc Việt, một công hàm yêu cầu ngưng bắn tức khắc và nối lại thương thuyết.(62) Hôm sau, 19/4, Giám lại tuyên bố sẵn sàng điều đình, nhưng vì Pháp đòi Việt Minh phải nộp 50% khí giới, phóng thích tù binh Pháp, VM không chịu, vì như thế là đầu hàng. Việt Minh còn cử Thứ trưởng Ngoại Giao Phạm Ngọc Thạch tới Bangkok và các nước Ðông Nam Á để vận động. Thạch hai lần bí mật tiếp xúc Tùy viên Quân sự Toà Ðại sứ Mỹ ở Bangkok, Trung tá William Law, trao cho Mỹ một số văn kiện, nhưng không đạt kết quả nào.(63)
62. CÐ số 154, 7/5/1947, O’Sullivan gửi BNG; FRUS, 1947, VIII:94-95. De Pereyra, tưởng nên thêm, chủ trương thí nghiệm chống Cộng Bảo Ðại. Nhưng từ năm 1950, de Pereyra hết hy vọng ở thí nghiệm này.
63. CÐ 289, 17/4/1947, Bangkok gửi BNG; FRUS, 1947, VI:87-8; CÐ 361, 7/5/1947, Bangkok gửi BNG; Ibid., VI:92-3.

Tháng 5/1947, Bollaert cử Paul Mus, cố vấn kinh tế, tìm cách liên lạc với Giám. Ngày 9/5, Mus gặp Giám ở Cầu Ðuống, rồi được dẫn đi gặp Hồ ngay tại tỉnh lị Thái Nguyên điêu tàn, đổ nát. Tuy nhiên, khi nghe Mus đọc thuộc lòng các điều kiện của Bollaert—tức Việt Minh phải buông súng đầu hàng—Hồ chẳng có lựa chọn nào khác hơn từ chối.(64)
64. Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây (Hà Nội: NXB QÐND, 2001), tr. ; CÐ 145, 7/5/1947, Bangkok gửi BNG; FRUS, 1947, VI:93-4.

Bollaert cũng xúc tiến mạnh hơn việc thành lập các cơ cấu hành chính lâm thời tại vùng chiếm đóng. Khởi đi từ Ủy Ban Chấp Chánh Lâm Thời [Comité administratif provisoire] ở Huế (12/4/1947) và Hội đồng An Dân Bắc Việt [Comité provisoire de gestion administrative et d’action sociale] ở Hà Nội (19/5/1947), các ủy ban hay hội đồng hàng tỉnh, hàng quận tiếp tục được thiết lập.

Trong hai tháng cuối Xuân, đầu Hạ 1947, Hồ lại mở chiến dịch kêu gọi thương thuyết. Ngày 19/6, Hồ tuyên bố muốn được độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Một tháng sau, ngày 19/7, Hồ cải tổ chính phủ. Hai nhân vật “ôn hoà” —Hoàng Minh Giám và Tạ Quang Bửu, rất thân thiết với Võ Nguyên Giáp—lên nắm Bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng. Chu Bá Phượng, một lãnh tụ VNQDÐ vẫn được “nắm” chức Cứu tế, Xã hội (dù trên thực tế đang bị giam lỏng). Nguyễn Văn Tố, Ðặng Văn Hướng, Bồ Xuân Luật là ba Bộ trưởng không bộ nào. Vũ Ðình Tụng, Bộ trưởng Cựu Chiến binh, và Ngô Tử Hạ, Thứ trưởng Cựu Chiến binh, đại biểu giáo dân Ki-tô. Tôn Ðức Thắng mất chức Bộ trưởng Nội Vụ; Giáp lên chức Tổng Tư lệnh Quân đội.(65)
65. Thành phần chính phủ thứ tư của VNDCCH như sau: Chủ tịch: Hồ Chí Minh; Cố vấn: Vĩnh Thụy; Ngoại Giao: Hoàng Minh Giám; Quốc phòng: Tạ Quang Bửu; Tài chính: Lê Văn Hiến; Tư pháp: Vũ Ðình Hoè; Kinh tế: Phan Anh; Canh Nông: Ngô Tấn Nhơn(?);Y tế: Hoàng Tích Tri; Lao động: Nguyễn Văn Tạo; Cứu tế, Xã hội: Chu Bá Phượng (?); Giáo dục: Nguyễn Văn Huyên; Cựu chiến binh: Vũ Ðình Tụng (Y sĩ, Ki-tô). Trong hàng Thứ trưởng, có: Trần Duy Hưng (Nội vụ), Trần Văn Bính (Tài chính), Trần Công Tường (Tư Pháp), Nghiêm Xuân Yêm (Canh Nông), Tôn Thất Tùng (Y tế), Nguyễn Khánh Toàn (Giáo dục), Ngô Tử Hạ (Cựu chiến binh); Cù Huy Cận (Kinh tế Nhà nước).

Giới ngoại giao ghi nhận việc cải tổ chính phủ này như một nỗ lực của Hồ để nối lại thương thuyết. Tuy nhiên, khi trở lại Paris ngày 29/7, Mus tuyên bố khó thể có hoà bình vì cả hai bên đều không tin nhau. Thực ra, Bollaert vốn có ý định cắt đứt liên hệ với Hồ; và bí mật thương thuyết với Bảo Ðại cùng các phe phái chống Cộng. Mus là một trong những đặc sứ, nhưng quan trọng nhất vẫn là Cousseau, nhân viên tình báo có nhiệm vụ kiểm soát và nuôi dưỡng Bảo Ðại trong cảnh lưu vong qua trung gian các giáo sĩ và Lưu Bá Ðạt. Nhưng ông vua cuối nhà Nguyễn, người được Ðại diện Vatican ca ngợi như thân Pháp nhất tại Việt Nam, đã phần nào thay đổi.(66)
66. Ngày 28/12/1945, trong thư gửi một giáo sĩ Pháp, Tổng Giám Mục Drapier cho rằng gia đình Bảo Ðại là “gia đình thân Pháp bậc nhất trong dân chúng Việt Nam (la plus francophile de tous les annamites), và theo ý ông ta, nên cho Bảo Ðại lên ngôi như trước ngày 9/3 (À mon avis, il serait avantageux pour le calme de rétablir le Roi comme chef régulier avant le 9 mars); CAOM (Aix), CP 125.

Bảo Ðại, và nhất là những cộng sự viên buổi đầu như Kim, Thành, Diệm, Sâm mới trải qua một cơn sốt váng vất độc lập, thống nhất—và, phần nào vì mặc cảm—đòi hỏi Pháp nhân nhượng nhiều hơn những gì đã nhân nhượng với Hồ. Gặp Cousseau ở Hong Kong vào tháng 1/1947, chẳng hạn, Kim đưa ra 7 điều kiện để hợp tác: 1, thống nhất 3 kỳ; 2, tự trị; 3, định rõ vị trí của VN trong Liên Hiệp Pháp; 4, VN phải có quân đội; 5, VN phải có cơ cấu tài chính; 6, Pháp nên định một hạn kỳ trao trả độc lập cho VN; 7, VN có đại biểu ngoại giao với các nước Á Ðông và buôn bán với các nước khác.(67)
67. Ngày 2/2, Kim xuống tàu thủy từ Hong Kong về Việt Nam. Tới Sài Gòn, Kim tạm trú trong nhà Luật sư Trịnh Ðình Thảo, cựu Thượng thư Tư pháp trong chính phủ Kim (4-8/1945). Pignon và nhiều người khác, gồm cả cựu Khâm sai miền Nam Nguyễn Văn Sâm, hay tới thăm viếng. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, d’Argenlieu bị Dân biểu Bollaert thay thế. Tân Cố vấn chính trị Michel chỉ ghé thăm Kim một lần ngày 8/5/1947, rồi từ đó biệt tín. Nhóm Quảng và Ðán cũng xa lánh dần Kim, làm việc cho những “sứ giả” mới của Bảo Ðại như Phan Văn Giáo và Trần Văn Quế; Trần Trọng Kim 1969:161-169,171-174,178. Theo Phạm Khắc Hoè, ngày 8/2/1947, Phan Huy Ðán và Ðinh Xuân Quảng đưa Hoè tới gặp Trần Trọng Kim và Nguyễn Văn Sâm ở nhà Trịnh Ðình Thảo; Phạm Khắc Hoè 1987, tr. 312-14.

Tuy nhiên, Pháp không chịu nhượng bộ. Quá tự tin ở sức mạnh quân sự—ít nữa đủ sức đánh tan quân đội chính qui Việt Minh—ai nấy hy vọng chiến thắng không xa. Tình hình quân sự những tháng đầu năm 1947 phần nào thắp sáng ngọn lửa lạc quan. Ngày 17/2/1947, bộ đội Việt Minh rút khỏi Hà Nội. Gần một tháng sau, ngày 11/3, Pháp làm chủ Nam Ðịnh. Tại miền Trung, Pháp tái chiếm Hội An [Faifo] ngày 15/3, Quảng Nam ngày 16/3; rồi đổ bộ Ðồng Hới ngày 27/3. Riêng Hòa Bình, ngày 15/4 Pháp làm chủ được tình thế. Bởi vậy, Bollaert và cố vấn tìm cách kéo dài thời gian, chờ đợi kết quả chiến dịch mùa khô 1947—một chiến dịch mà Tướng lãnh Pháp tin tưởng sẽ bẻ gãy xương sống quân đội Việt Minh. Ðể chuẩn bị cho chiến dịch này, ngày 16/5 Bollaert cử Tướng Raoul Salan—một nhân vật quen thuộc với Ðông Dương, từng tham gia cuộc thương thuyết với Trung Hoa và Hồ năm 1946—làm Tư lệnh miền Bắc. Viện binh Pháp cũng lục tục kéo tới, nhiều nhất là lính Lê-dương [Légions étrangères] gốc Ðông Âu và lính da đen Phi Châu.

Bollaert cũng cho cải tổ những chính phủ “Tề” tại miền Bắc và miền Trung. Ngày 19/5/1947, Y sĩ Trương Ðình Tri—nguyên Bộ trưởng Y tế trong chính phủ Liên Hiệp 2/3/1946 của Hồ—được cử làm Chủ tịch Hội Ðồng An Dân Bắc Việt. Tại miền Trung, Trần Văn Lý cầm đầu Ủy ban Chấp Chính Lâm Thời Trung Kỳ. Nguyễn Khoa Toàn, Tỉnh trưởng Thừa Thiên từ năm 1946, nắm Hội đồng Thẩm nghị [Tư vấn] Trung Kỳ. Tại miền Nam, mặc dù coi chính phủ Lê Văn Hoạch là gánh nặng của mình, Bollaert biến hoá dần sản phẩm của nhóm Gaullist này. Ngày 19/5, Bollaert trả Dinh Thống Ðốc cho Hoạch. Ðồng thời, áp lực Hoạch cải tổ chính phủ và tách biệt dần khỏi khuynh hướng tự trị.

Tại miền Bắc, nhóm Ðặng Vũ Lạc (1902-1948), Lê Thăng (1901-1987?), Ðỗ Văn Năng (1915-1950) bắt đầu qui tụ các đảng viên Ðại Việt và VNQDÐ, thành lập Ðại Việt Quốc Dân Ðảng hay Tân Ðại Việt. Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân cùng Ngô Thúc Ðịch và một số người khác tái tổ chức VNQDÐ.

Tại miền Trung, VNQDÐ và Ðại Việt tái xây dựng tại vùng Tề. Tổ chức Ðại Việt Phục Hưng của Diệm cũng hoạt động trở lại. Do Nguyễn Khoa Toàn đề xướng, Trần Văn Lý và Trần Thanh Ðạt lập nên Việt Nam Quốc Gia Liên Hiệp làm cánh tay chính trị. Một nhân vật đang lên khác tại miền Trung là Phan Văn Giáo (1901-1963?). Giáo, một Dược sĩ Ki-tô gốc Ninh Hoà từng nổi danh là cây vợt tennis tên tuổi, bị Việt Minh bắt giữ vào tháng 8/1945 vì liên hệ với VNQDÐ, và lên án 6 năm khổ sai, tịch biên gia sản vào tháng 2/1946. Thoát ra Hà Nội tháng 11/1946, Giáo qua Hong Kong với Bảo Ðại. Tháng 3/1947, được Bảo Ðại ủy về nước vận động thành lập chế độ quân chủ lập hiến.

Tại miền Nam, thế chống Cộng của các phe nhóm gia tăng hơn nữa sau khi Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (1917-1947) của đạo Hoà Hảo bị Việt Minh sát hại ngày 20/4/1947.(68)
68. CAOM (Aix), INF, c.138-139, d. 1245.

Các phe nhóm tự trị thay đổi lập trường, tuyên bố không chống đối việc thống nhất, miễn mỗi xứ vẫn có tự trị về kinh tế và chính trị. Những nhóm chống Cộng khác tổ chức biểu tình khắp nơi. Ngày 12/8, Huế biểu tình yêu cầu Bảo Ðại về nước chấp chánh. Ngày 1/9 và rồi 14/9, biểu tình được tổ chức ở Sài Gòn.

Các viên chức vùng Tề khắp ba miền cũng tới tấp đi lại giữa Việt Nam và Hong Kong để “van xin” Bảo Ðại đứng ra nhận trách nhiệm. Có những nỗ lực liên hiệp giữa Lê Văn Hoạch và MTQGTNTQ của Nguyễn Văn Sâm, sau khi Hộ Pháp Tắc tuyên bố ủng hộ tổ chức này ngày 16/8. Ðiều kiện của Sâm là ghế Bộ trưởng Nội Vụ hoặc Quốc Phòng. Sau đó, MTQGTNTQ ủy Hoạch tiếp xúc Bảo Ðại để cầm đầu phong trào quốc gia và thống nhất đất nước. Ngày 5/9, Bảo Ðại tuyên bố muốn tiếp xúc với các lãnh tụ VN để bàn luận thời sự. Cùng ngày, dù không được mời, Sâm qua Hong Kong gặp Bảo Ðại. Ngày 9/9, Bảo Ðại tiếp kiến 24 đại diện ba miền. Trong số những đại diện này có Nguyễn Văn Tâm, Bộ trưởng Quốc Phòng của chính phủ Hoạch. Bảo Ðại tuyên bố sẽ đứng ra hoà giải các phe phái sau khi đã thương lượng với Pháp.(69)
69. SHAT [Vincennes], 10H xxx.

Giới giáo dân Ki-tô cũng âm thầm yểm trợ thí nghiệm Bảo Ðại. Từ đầu năm 1947, Giám mục Từ đã cho một số chính khách chống Cộng vào ẩn náu tại Phát Diệm mà Hồ cho hưởng đặc ân tự trị. Vợ chồng Ngô Ðình Nhu và Trần Văn Chương một thời tá túc tại đây, trước khi bí mật vào Nam, rồi cư ngụ ở Ðà Lạt. Các chi nhánh Ðại Việt Duy Dân, VNQDÐ và Ðại Việt cũng bắt đầu được tái sinh. Trong khi đó, Từ mượn những chuyến thăm viếng giáo dân với danh nghĩa vận động kháng chiến chống Pháp để tuyên truyền nhu cầu thánh chiến chống Cộng. Tại giáo phận Vĩnh Long, Giám mục Thục cắt dần liên hệ với Việt Minh. Nhưng nhiệt tình chống Cộng hơn cả là các giáo mục tại vùng Bến Tre và Mỹ Tho. Họ công khai yểm trợ các đơn vị lưu động bảo vệ giáo xứ [UMDC] của Trung úy Jean Léon Leroy, thủ diễn vai trò “chính trị viên” cho các binh sĩ thêu trước ngực hình thập tự giá. Tại các vùng Pháp mới tái lập kiểm soát như Kẻ Sặt (Hải Dương), Quảng Bình, Quảng Trị, Kontum, v.v. nhiều đơn vị tự vệ của giáo dân Ki-tô được tổ chức để chống Cộng. Pháp còn sử dụng các giáo sĩ Ki-tô để móc nối với những cộng đồng giáo dân tại các giáo phận Việt Minh kiểm soát. Khâm sứ Drapier không những ban phép lành cho phong trào thánh chiến này mà còn đẩy mạnh hơn vai trò Diệm và họ Ngô trong thí nghiệm Bảo Ðại.(70)
70. Ibid., 10H xxx. Xem thêm Quang Toản & Nguyễn Hoài, Những hoạt động của bọn phản động đội lốt Thiên chúa giáo trong thời kỳ kháng chiến (1945-1954) (Hà Nội: NXB Khoa Học, 1965), Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, 1945-1975, tập II-A: Các tổ chức tôn giáo (đang in).

Mặc dù có kẻ thù chung là Cộng Sản, các tổ chức chính trị và giáo phái không đạt được sự đoàn kết cần thiết. Màu sắc tôn giáo, địa phương chi phối nặng nề, khiến phần đông hữu danh vô thực. Nguy hiểm nhất là tệ nạn sứ quân. (Lansdale từng ví phe chống Cộng như “một rổ cua” [un pannier de crabes])

Dĩ nhiên, phe Việt Minh không chịu bó tay. Ðài phát thanh Việt Minh không ngừng đả kích những tên “Việt Gian” đang âm mưu lập nên một “chính phủ bù nhìn tay sai” chống lại chính phủ hợp pháp VNDCCH. Tại miền Nam, Nguyễn Bình (Nguyễn Phương Thảo) phát động chiến dịch khủng bố và ám sát. Ðã có lúc, Việt Minh nghĩ đến việc gửi Phạm Khắc Hoè sang Hong Kong thuyết phục Bảo Ðại. Và, khi công bố chính phủ đổi mới vào tháng 7/1947, Hồ vẫn liệt kê Bảo Ðại như cố vấn tối cao.

Theo đúng kịch bản, ngày 10/9/1947, Bollaert đọc diễn văn lần thứ hai tại Hà Ðông. Trong diễn văn này, Bollaert đưa ra khẩu hiệu mới là “Ðộc lập trong tương trợ [L’Indépendance dans l’interdépendance]”. Mục đích chính không phải là hứa hẹn sẽ trao độc lập cho Việt Nam mà chỉ thỏa mãn đòi hỏi của người Việt bằng cách tạo một tiền lệ nhắc đến hai chữ “độc lập”—từ năm 1945, Pháp chưa hề nhắc đến hai chữ “quốc cấm” này, và chỉ có cặp Ramadier-Bollaert mới không sợ hãi chúng. Việc này sẽ chứng tỏ tinh thần “cấp tiến” của Paris.(71) Những đề nghị của Bollaert cũng được cân nhắc sao cho Hồ không thể chấp nhận được; và như thế, tạo lý do chính đáng để phát động chiến dịch mùa khô 1947 sắp tới nhằm cắt đứt trục tiếp vận của Việt Minh từ Hoa Nam, tiêu diệt lực lượng võ trang Việt Minh, và bắt sống Hồ cùng những cán bộ lãnh đạo.(72)
71. FRUS, 1947, VIII:133-34.
72. FRUS, 1947, VIII:138-39.

Diễn văn của Bollaert cũng mở cửa cho Bảo Ðại. Mặc dù chẳng trọng vọng gì cựu hoàng, Pháp miễn cưỡng chấp nhận cho Bảo Ðại về nước cầm đầu một chính phủ thống nhất chống Cộng. Bollaert hy vọng rằng việc đả bại Việt Minh sẽ khiến Bảo Ðại bớt cứng rắn trong những điều kiện hợp tác.( 73) Ngày 18/9—tức 4 ngày sau cuộc biểu tình rầm rộ ở Sài Gòn mời Bảo Ðại về nước—Bảo Ðại ra tuyên cáo chấp nhận sự ủy thác của quốc dân và sẵn sàng thương thuyết. Ngày 20/9, cựu hoàng nói sẵn sàng gặp đại diện Pháp ở Hong Kong hay Ðông Dương. Theo Giám đốc Mật Thám Ðông Dương, Perrier, nói với Lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn ngày 22/9, Bảo Ðại đã đồng ý thương thuyết, nhưng tạm trì hoãn để khỏi mang tiếng do Pháp dựng lên. Pháp chẳng kỳ vọng gì ở Bảo Ðại, chỉ mong Bảo Ðại sẽ có một số người ủng hộ. Sợ rằng Bảo Ðại khó lôi kéo số lớn người quốc gia trong hàng ngũ Hồ. Vậy mà Bảo Ðại đòi hỏi độc lập rộng rãi hơn những gì Bollaert đã hứa.(74)
73 . FRUS, 1947, VIII:140-41.
74. FRUS, 1947, VI:139-40.

Ngày 29/9/1947, Hoạch từ chức. Hai ngày sau, 1/10, Xuân–mới từ Pháp về ngày 15/9—được Hội Ðồng Tư Vấn Nam kỳ ủy thác lập chính phủ lâm thời. Một tuần sau, Xuân công bố danh sách chính phủ Lâm thời Nam Phần.(75) Ðây là bước chủ yếu để trao quyền thống nhất lãnh thổ cho Bảo Ðại.
75. Chính phủ Nam Kỳ Tự Trị ngày 8/10/1947 gồm có: Thủ tướng: Nguyễn Văn Xuân; Phó Thủ tướng: Trần Văn Hữu; Bộ trưởng [BT] Tư pháp: Nguyễn Khắc Vệ; BT Công chính: Nguyễn Văn Tỉ; BT Canh Nông: Trần Thiện Vàng; BT Thông tin: Nguyễn Phú Khai; Thứ trưởng Thông tin: Trần Văn Ân.

C. Chiến dịch mùa Thu 1947 (Léa-Ceinture)

Ngày 7/10, Pháp mở chiến dịch “Léa” (10-11/1947) tấn công Việt Bắc. Léa là tên một ngọn đèo cao 1,362 mét trên đường số 3, giữa Nguyên Bình (Cao Bằng) và Bắc Kạn. Lực lượng mũi nhọn gồm các toán biệt kích Dù được thả xuống ngay tỉnh lỵ Bắc Kạn và thị trấn Chợ Mới, nhằm chộp bắt cơ quan đầu não của chính phủ Hồ. Tuy nhiên, Hồ đã sớm di tản đến một khu vực khác. Trường Chính Ðặng Xuân Khu đang chủ tọa một buổi họp tại Bắc Kạn kịp thời trốn xuống hầm trú ẩn. Chỉ có Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng không bộ nào, bị bắt sống và tình nghi là chính Hồ. Ngoài ra, còn có phụ tá của Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Tài chính, cùng một số nhân viên thứ hạng khác.

Ngày 7/10, Pháp cũng chiếm Tong và Sơn La. Nhưng hai mũi chủ lực Pháp gồm một cánh thiết giáp có Bộ binh tùng thiết di chuyển từ Lạng Sơn lên Cao Bằng trên đường số 4, dưới quyền Trung tá Beaufré; và một đoàn giang hạm, mang theo hai tiểu đoàn Bộ binh, do Communal chỉ huy, từ Hà Nội ngược sông Hồng lên sông Lô, rồi sông Gầm. Hai cánh quân này sẽ như hai gọng kìm vây chặt an toàn khu Việt Minh, phá hủy đài phát thanh, các kho tàng, tiêu diệt chủ lực, và yểm trợ việc thiết lập các tiền đồn dài theo biên giới để cắt đứt đường tiếp vận của Trung Hoa. Ðiểm hẹn là Ðài Thị, đông bắc Chiêm Hoá 12 cây số.

Vì mực nước sông Hồng lên cao, hai ngày sau, cánh quân hỗn hợp thủy-bộ của Ðại tá Commumal mới từ Hà Nội ngược sông Hồng lên sông Lô, hướng về Tuyên Quang.

Trong khi đó Nhảy Dù tiếp tục truy kích hàng ngũ lãnh đạo Việt Minh. Ngày 9/10, Tướng Salan thả thêm 300 Nhảy Dù ở phía Ðông Nam Cao Bằng, tăng cường cho lực lượng cơ giới của Beaufré. Một chiếc Junker 52 bị bắn hạ. Ðại tá Lambert, Tham Mưu Phó của Salan, cùng 10 sĩ quan tùy tùng bị tử nạn. Việt Minh tịch thu được toàn vẹn kế hoạch hành quân Lea, và 4 ngày sau chuyển về Bộ Tổng Tư lệnh của Võ Nguyên Giáp.

Ngày 13/10, Nhảy Dù Pháp chiếm Bắc Kạn, Cao Bằng; 20/10, chiếm Yên Báy; 21/10, chiếm Chapa; và 30/10, chiếm Lào Kay.

Ngày 20/11/1947, Salan mở thêm chiến dịch Ceinture [Vòng Ðai hay Thắt Lưng]. Ðây là giai đoạn II của chiến dịch Việt Bắc. Chiến dịch này nhằm lùng bắt cho bằng được cơ quan đầu não của Việt Minh (tại khu vực núi đá Ðình Cả) và phá nát căn cứ địa trong khu vực tứ giác Tuyên Quang-Thái Nguyên-Việt Trì-Phủ Lạng Thương. 9 tiểu đoàn từ Hải Dương tiến lên tảo thanh phía Ðông, Ðông Bắc và chính Bắc Hà Nội. Ðồng thời lập thế cản để đón đường các đơn vị từ phía rút Bắc về.

Ngày 19/12/1947, Chiến dịch mùa Thu chấm dứt. Mặc dù có những thắng lợi đáng kể, Salan không đạt được mục tiêu chiến lược. 60,000 quân Pháp cùng giang hạm, không quân và thiết giáp chỉ có thể tịch thu và phá hủy một số kho tàng của Việt Minh cùng ba trạm phát tuyến. Mục tiêu chính, tức toàn bộ chính phủ Hồ, đều chạy thoát. Ðài phát thanh Việt Minh tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, những đợt phản công của Việt Minh gây tổn thất đáng kể cho lực lượng Nhảy Dù Pháp.(76)
76. Vào cuối chiến dịch Léa, hơn 1,000 lính Pháp tử trận, và khoảng 3,000 người bị thương. Võ Nguyên Giáp ghi rằng VM chỉ chết 260, 168 bị thương; Chiến đấu trong vòng vây, 3rd rev. ed (Hanoi: QDND, 2001), tr. 170 [138-80]; Lịch sử, 1986:169-70.

Ðáng sợ hơn nữa, từ ngày 12/10, Hồ ra lệnh “tiêu thổ kháng chiến”. Làng mạc bị thiêu hủy. Ðường xá, cầu cống bị phá hoại. Nền kinh tế quốc gia ngày một phá sản. Qua đầu năm 1948, tuyến giao thông từ Lào Kay [Cai] tới Cao Bằng của Việt Minh trở lại tình trạng tự do như cũ.(77)
77. Am Consul, Hanoi, to State Dept, 9 Feb 1948, 851G.00/2-948, RG 59; Ronald H. Spector, United States Army in Vietnam, Advice and Support: The Early Years, 1941-1960 (Washington, DC: Center for Military History, United States Army, 1983), tr. 90.

Tại miền Nam, việc điều quân Pháp ra Bắc tạo cơ hội cho Việt Minh tăng gia hoạt động. Mặc dù Việt Minh không tạo được chiến thắng lớn nào, những vụ phá hoại đồn bót, cầu cống, ám sát, thủ tiêu diễn ra khắp nơi. Hai vụ ám sát gây tiếng vang nhất là cái chết ngày 10/10/1947 của Nguyễn Văn Sâm (1898-1947) tại Sài Gòn và Trương Ðình Tri ở Hà Nội.(78)
78. Từ Hong Kong trở về, ngày 17/9, Sâm nhân danh MTQGTNTQ gửi thư cho TT Truman, yêu cầu can thiệp vào Ðông Dương; FRUS, 1947, VI:142-43. Sâm cũng quyết định xuất bản báo Quần Chúng tại Sài Gòn để có cơ quan ngôn luận trong tay. Cái chết của Sâm đã được cảnh cáo từ trước—ngày 23/6/1947, báo L’Echo du Viet-Nam [Dư Luận] của Nguyễn Phan Long loan tin Sâm đã bị Tòa án Mặt trận Quân Khu VII của Nguyễn Bình cho lệnh bắt giải ra xét xử về tội vi phạm lệnh giải tán MTQGTNTQ.

D. Thỏa ước Hạ Long 6-7/12/1947

Bảo Đại và Bollaert. Nguồn:  http://jcr3.free.fr/
Bảo Đại và Bollaert. Nguồn: http://jcr3.free.fr/

Như mũi tên đã rời khỏi giây cung, thí nghiệm Bảo Ðại tiếp tục chu trình tiến hoá. Báo chí Paris nhập cuộc. Ngày 18/11/1947, Le Monde đăng bài của André Blanchet, đề nghị trả độc lập cho một nước Việt Nam độc lập dưới quyền lãnh đạo của Bảo Ðại. Các đoàn thể, tổ chức chống Cộng người Việt chuẩn bị đón Bảo Ðại về nước. Quan trọng hơn, Bollaert quyết định gặp Bảo Ðại để thương thuyết. Ngày 6-7/12/1947, hai bên gặp nhau ở Hạ Long. Bollaert ký với Bảo Ðại một tạm ước[protocol], theo đó, Bảo Ðại sẽ trở lại Ðông Dương thành lập chính phủ thống nhất ba miền. Việt Nam sẽ được trao trả độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp. Về ngoại giao, Pháp sẽ chịu trách nhiệm, nhưng sẽ đưa viên chức Việt vào ngạch ngoại giao. Về quốc phòng, Việt Nam có quân đội riêng, nhưng quân đội này phải hứa sẽ tham chiến trong khối LHP. Quan trọng nhất là mật ước Pháp sẽ ngưng thương thuyết với Hồ.(79)
79. CĐ 5398 ngày 16/12/1947, Caffery gửi BNG; FRUS, 1947, VI:151.

Ngày 12/12, Bollaert về Pháp báo cáo. Ba ngày sau, 15/12, Paris tuyên bố sẽ cho Bollaert “toàn quyền hành động và thương thuyết cần thiết để tái lập hoà bình và tự do tại Việt Nam.” Bản tuyên cáo này nhấn mạnh rằng vì Hồ đã bác bỏ đề nghị của Bollaert trong diễn văn ngày 10/9 tại Hà Ðông, Pháp đã ngưng mọi nỗ lực thương thuyết với Việt Minh. Bốn ngày sau nữa, 19/12, Tướng Xuân qua Hong Kong yết kiến Bảo Ðại. Ngày 23/12, chính phủ Pháp lại ra tuyên cáo là thể theo lời yêu cầu của Paul Coste-Floret, Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại, Bollaert được phép xúc tiến việc thương thuyết với tất cả các phe phái ở Việt Nam.

Trong khi đó, chính phủ Truman bắt đầu lo ngại về sự sụp đổ của chế độ Tưởng Giới Thạch ở Trung Hoa lục địa. Tướng Marshall được gửi qua Trung Hoa, hy vọng tìm một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, Mao Trạch Ðông và Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đã quyết định ngả theo Nga, công kích mãnh liệt chính sách Mỹ. Bầu không khí chiến tranh lạnh khiến Mỹ chú tâm hơn đến Ðông Dương, trực tiếp ủng hộ cuộc tái xâm lăng Việt Nam của Pháp.

Ngày 29/12/1947, báo Life đăng bài “The Saddest War” [Cuộc chiến buồn thảm nhất] của William C. Bullitt, cựu Ðại sứ Mỹ tại Pháp và Liên Sô, cổ võ việc trao trả độc lập cho Việt Nam theo kiểu Philippines; giao phó cho người Việt quốc gia chân chính [true nationalists] trách nhiệm lôi cuốn những phần tử quốc gia trong hàng ngũ Việt Minh và tập sự cai quản đất nước. Mặc dù không nhắc đến Bảo Ðại, và cũng chỉ đăng hình Bollaert cùng Hồ, “phần tử quốc gia” mà Bullit nhắc đến được diễn giải như Bảo Ðại. Thực ra, Bullitt chỉ đề nghị duy trì một chế độ chống Cộng thân hữu ở Ðông Dương.(80)
80. William C. Bullitt, “The Saddest War” [Cuộc chiến buồn thảm nhất]; Life(29/12/1947); FRUS, 1947, VI:110.

Từ ngày 7/1/1948, Bollaert và Bảo Ðại lại gặp nhau tại Geneva để thương thuyết về điều kiện hợp tác. Nhưng hai bên không đạt được kết quả nào. Một mặt, vì mặc cảm trước sự công kích, chửi rủa tục tằn của hệ thống tuyên truyền Việt Minh Cộng Sản, Bảo Ðại nói không thỏa mãn với những điều thỏa thuận tại Hạ Long, và đòi nhiều nhượng bộ hơn. Mặt khác, Bảo Ðại không tin tưởng Bollaert, và lo ngại mình đang trở thành con cờ của Pháp trong việc hoà đàm với Việt Minh. Bởi thế, thương thuyết tạm ngưng sau ngày 12/1.

Ðể trấn an Bảo Ðại, ngày 29/1/1948 Pháp bắt giam Blokov Trần Ngọc Ranh, trưởng phái đoàn VM ở Paris. Hôm sau, 30/1, Bollaert tuyên bố là Pháp nhất định không thương thuyết với Việt Minh nữa. Nhờ vậy, hai bên lại bắt đầu nói chuyện ngay tại Paris từ 5 tới 10/2. Nhưng Bảo Ðại vẫn còn do dự chưa muốn về nước. Sau khi ghé ngang Cannes, Bảo Ðại qua Geneva, và tuyên bố sẽ về lại Hong Kong vào tháng 3/1948, đồng thời hủy bỏ cuộc họp dự trù ngày 13/2/1948 (tức mồng 4 Tết Mậu Tý).( 81)
81. CAOM (Aix), INF, Carton 154.

E. “Kho vũ khí của thế giới tự do”

Từ năm 1947, Ngô Ðình Diệm đã liên lạc với viên chức Mỹ, xin viện trợ. Ðây chẳng phải là sáng kiến mới mẻ gì của họ Ngô. Hầu hết chính khách Việt đều nhận rõ vị thế siêu cường của Mỹ, nhưng không có đường giây móc nối như anh em họ Ngô. Ngay chính Hồ cũng đã hoạt động cho Sở tình báo chiến lược [OSS] Mỹ trong hai năm 1944-1945 với bí danh Lucius, và lực lượng võ trang đầu tiên của Việt Minh được OSS Mỹ trang bị và huấn luyện. Ðiều khiến Mỹ e ngại, và cuối cùng theo đuổi chính sách “hands-off” [không nhúng tay] khi Pháp tái xâm lăng Việt Nam là thành tích hoạt động cho QTCS của Hồ. Việc Hồ quyết định giải tán Ðảng CSÐD từ ngày 11/11/1945 vẫn chưa đủ thuyết phục các viên chức Mỹ–những người vẫn chủ trương chỉ có Âu Châu mới đáng chú tâm hàng đầu.(82)
82. Văn khố Nga và Trung Cộng chưa công bố hết tài liệu về những cuộc gặp gỡ giữa Hồ và Stalin trong tháng 2/1950, nhất là lý do biện minh cho việc ngày 5/11/1945 công bố giải tán Ðảng Cộng Sản.

Dẫu vậy, trong hai năm 1945-1946, chính phủ Truman vẫn dành cho Hồ và Việt Minh đôi chút thiện cảm. Có lẽ nhờ sự can thiệp của Mỹ, Moutet đã đồng ý ký modus vivendi ngày 14/9/1946 cho Hồ an toàn trở lại Việt Nam vào hạ tuần tháng 10/1946. Hơn một tháng sau, dù biết rõ liên hệ giữa Hồ với QTCS, Bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn chỉ thị cho đặc sứ Moffat tìm cách gặp Hồ để giải quyết sự khác biệt Việt-Pháp bằng đường lối ngoại giao.(83)
83. CÐ số 305, 5/12/1946, Acheson gửi Moffat; FRUS 1946, VIII:67-9; Department of Defense, US-Vietnam Relations, 1945-1947 (Washington, DC: GPO, 1971), Bk 8, tr. 85-6.
84. Ngày 18/12/1947, Tổng Lãnh sự Charles Reed đã từ Sài Gòn điện trước cho Hopper rằng có thể “Giệm” [Diệm] sẽ ghé thăm; FRUS, 1947, VI:152-55.
85. CAOM (Aix), 7F 27.
86. Theo tình báo Pháp, ngày 8/2/1848, Diệm đồng ý với lập trường của VNQGLH: Ðộc lập – thống nhất. Năm Lửa Trần Văn Soái cùng lập trường, và tỏ ý quí trọng Diệm. Ngày 11/2/1948, Tiết [Thiet], một người thân cận Diệm và Nhu, từ chức Giám đốc báo Thống Nhất ở Huế, về Quảng Nam làm Giám đốc trị sự công ty bảo hiểm Le Secours. Lý do chính là không đồng ý với Trần Văn Lý. Ngày 12/2/1948, Diệm cử Ðông đi Hà Tiên, Sa Ðéc, Cần Thơ, Vĩnh Long gặp một số linh mục kháng chiến cùng đại diện Cao Ðài, Hoà Hảo để vận động cho Bảo Ðại. Theo Ðông, phần lớn giáo dân trong vùng Việt Minh ủng hộ kháng chiến; nhưng sẽ ngả theo Bảo Ðại nếu được độc lập, thống nhất. Cũng định gửi một số sách báo vào vùng Việt Minh, như cuốn Tôi Muốn Tự Do. Nhu sẽ lên đường qua Pháp chừng hai tháng. Dự trù gặp Bảo Ðại, và xuống Roma; SHAT (Vincennes),10H xxx.

Sau khi Bollaert ký thông cáo chung Hạ Long (6-7/12/1947) với Bảo Ðại, ngày 21/12, Diệm cùng Trần Văn Lý lên Hong Kong gặp cựu hoàng. Trước khi qua Geneva ngày 24/12, Bảo Ðại ủy Diệm về nước tham khảo ý kiến các phe phái để thành lập chính phủ thống nhất. Diệm từ chối vì những nhượng bộ của Pháp quá ít. Ngày 26/12, Diệm trở lại Sài Gòn chờ đợi tình thế chuyển biến.

Ðiều ít ai biết là phía sau hậu trường, ngày 24/12/1947, Diệm bí mật gặp George D. Hopper, Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong, trình bày về nội tình VN và giải pháp Bảo Ðại. Mục đích chính của “Giệm,” theo Hopper, là xin viện trợ Mỹ. Hopper chỉ ghi nhận mà không hứa hẹn gì.(84)

Tại Việt Nam, đa số các chính khách chống Cộng đã tạm thời thỏa mãn. Ngày 25/12, mặc dù không ưa Xuân, Hoạch thành lập Việt Nam Quốc Gia Liên Hiệp [Rassemblement National Vietnamien] để ủng hộ Bảo Ðại.(85)

Riêng Diệm, qua đường giây Giám mục Thục, tổ chức một nhóm chống Cộng thân Mỹ. Tại miền Bắc, Diệm có những thân hữu cũ như Trần Trung Dung, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Ðình Thuần, v.v. Tại miền Trung, Trần Văn Lý thành lập Ðảng Xã Hội Công Giáo. Tại miền Nam, Diệm được Nguyễn Phước Hậu, Bertin, Nguyễn Bửu, Trần Tử Hoàng, v.v. yểm trợ.(86) Tuy nhiên, vai trò Diệm bị lu mờ trước những khuôn mặt được Pháp chọn lựa. Một trong những lý do là thành tích hợp tác với Nhật của Diệm.

Chuyến viếng thăm Sài Gòn ngày 25/5/1948 của Hồng y Francis Spellman mở thêm liên hệ với Mỹ cho anh em Diệm. TGM Sài Gòn, Cassaigne, mời Thục tham dự buổi tiếp đón Spellman.(87)
87. Tháp tùng Spellman có Fulton G. Green. Thời Sự (Hà Nội), 7/3/1949.

Trong tháng 6/1948, Trần Văn Lý chính thức thành lập Ðảng Xã Hội Công Giáo, do Thục bảo trợ. Diệm được coi như lãnh tụ tối cao của đảng này. Trần Trung Dung làm đại diện miền Bắc đảng Xã Hội Công Giáo; và Giám mục Từ quí mến nếu không phải chịu ảnh hưởng Diệm.(88)
88. CAOM (Aix), Indochine, 7F 29, tr. 57; SHAT (Vincennes), 10H xxx.

Tại Ðà Lạt, Nhu cùng nhóm Linh mục Parrell tụ họp hạt nhân đầu tiên của chủ thuyết “Nhân vị.” Thuyết này dựa theo thuyết Personalisme [Nhân vị] của Emmanuel Mounier, đặt trên cơ bản thần quyền Ki-tô giáo.

Cuối tháng 6/1950, trước ngày Diệm và Thục đi Mỹ, tổ chức Phong Trào Quốc Gia Quá Khích, có liên hệ với Diệm, ra đời ở Trung và Nam phần.

(Còn tiếp)

© 2004, 2012 Chieu N. Vu. All Rights Reserved.


Nguồn: Jean Baptiste Ngô Ðình Diệm (1897-1963): Thời kỳ chưa nắm quyền, 1897-1954. Chính Đạo. Hợp Lưu, Thứ Năm, 7 Tháng Mười Một-2013. DCVOnline minh họa.

2 Comments on “Jean Baptiste Ngô Ðình Diệm (1897-1963): Thời kỳ chưa nắm quyền, 1897-1954 (P3)

  1. “Mặc dù sau này Ngô Ðình Diệm thường tuyên bố tại Việt Nam chỉ nổi danh thua Hồ Chí Minh”

    Hãy nói ra thời gian và nơi chốn nào Ngô Đình Diệm đã có lời nói ông chỉ thua cái nổi tiếng của Hồ chí Minh?

  2. Phan Bội Châu cũng ủng hộ Quân Chủ Lập Hiến

    Hình Phan Bội Châu và Cường Để