Học thuyết ‘người điên’

James Rosen , Luke A. Nichter – Trà Mi lược dịch

putin_winkHenry nói với Richard Nixon, “Mình càng tỏ ra điên khùng càng tốt. Bởi vì, thưa Tổng thống, mình cần thuyết phục bọn họ là chúng ta sẵn sàng chơi xả láng.”

Khi quân cộng sản đang tấn công miền Nam vào Mùa hè đỏ lửa (1972) Nixon nói với Kissinger, “...By a nuclear weapon, I mean that we will bomb the living bejeezus out of North Vietnam and then if anybody interferes we will threaten the nuclear weapons.”. Nguồn ảnh: CP Hoa Kỳ
Khi quân cộng sản đang tấn công miền Nam vào Mùa hè đỏ lửa Nixon nói với Kissinger, “…By a nuclear weapon, I mean that we will bomb the living bejeezus out of North Vietnam and then if anybody interferes we will threaten the nuclear weapons.” (19/04/1972). Nguồn: CP Hoa Kỳ/FRUS Vol. XIV, 1969-1976, Soviet Union, May 1971-Oct. 1972, 433

Giả điên ở tòa Bạch ốc có thể là quốc sách khi phải đối đàu với Liên bang Nga

“Henry, chúng ta không được bỏ lỡ cơ hội này”, Dick nói, hệ thống thu thanh âm thầm ghi âm cuộc nói chuyện. “Qua sẽ đánh tiêu cái đất nước chết tiệt đó [Bắc Việt], tin qua đi, qua nói thiệt, qua tiêu diệt nó á. Và cho qua nói, thậm chí qua [chơi luôn] vũ khí hạt nhân nếu cần. Nhưng mà qua hổng cần,” Dick vội vàng nói thêm, “nhưng, như chú em biết, những gì qua nói có nghĩa là, đi qua bển nói cho tụi nó thấy mức độ mà qua sẵn sàng chơi, tới bến luôn.”

Trên đây là lời (dân giã hóa) của Tổng thống Richard Nixon nói với Cố vấn An ninh Quốc gia, trước chuyến bay đêm của Henry Kissinger với Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Dobrynin sang Moscow tối ngày 12 tháng Tư 1972.

Nixon muốn điện Kremlin hiểu rằng Mỹ có một Tổng thống điên, bất bình thường, sáng nắng chiều mưa và có thể làm bất cứ chuyện gì. Nixon đang đóng vai một anh công an hung bạo còn Kissinger thủ vai một cảnh sát giữ hòa bình. Henry, trong chuyến bay đêm năm đó, có nhiệm vụ thuyết phục Anatoly, “Tụi mình phải hợp tác. Trách nhiệm nặng nề trên hai vai đứa biết điều như tụi mình. Phải cản sao cha Nixon khùng điên đó đừng làm chuyện quá đáng.”

Henry nói với Richard Nixon, “Mình càng tỏ ra điên khùng càng tốt. Bởi vì, thưa Tổng thống, mình cần thuyết phục bọn họ là chúng ta sẵn sàng chơi xả láng.” Thật ra tấn tuồng “Nixon giả điên” này là tác phẩm của đạo diễn Kissinger. Kissinger đã viết về tiềm năng của sự điên cuồng cả thập niên trước – khi ông còn dạy khoa Bang giao Quốc tế ở Harvard – trước lúc vào làm việc ở Nhà Trắng.

Trong cuốn hồi ký “The Ends of Power”, sau vụ Watergate, H.R. Haldelman cũng viết rằng Nixon đã dùng thuyết “người điên” không phải bằng vô thức.

“Qua muốn tụi Bắc Việt để tin rằng qua đã khùng tới mức có thể làm bất cứ chuyện gì để ngăn chận chiến tranh. Mình sẽ để lộ cho tụi nó hiểu rằng, ‘Trời ơi, mấy ông không biết Nixon bị ám ảnh vì chủ nghĩa Cộng sản tới mức nào sao? Mình không giữ chả nổi đâu. Chả mà nổi nóng thì đứt phim luôn – và ngón tay của chả nằm sẵn kế bên cái nút hạt nhân á.’ Và được như vậy thì, chỉ nội hai ngày, chính Hồ Chí Minh sẽ bay gấp qua Paris năn nỉ cầu hòa.”

Sự thật không diễn tiến dễ dàng như vậy. Hồ Chí Minh đã chết từ đầu tháng 9, năm 1969. Và phải sau vài chiến dịch tốn kém như cuộc phong tỏa cảng Hải Phòng vào tháng Năm 1972, cùng cuộc đánh bom miền Bắc hồi Giáng sinh 1972 mới làm suy nhược ý chí của CSVN; và được sự phê chuẩn của quan thầy Sô Viết, Bắc Việt đã nghiêm chỉnh quay lại bàn Hội nghị ở Paris.

Trong bài “Người điên trong Nhà Trắng”, James Rosen và Luke A. Nichter nhắc lại tấn tuồng giả điên của Nixon ngụ ý cho rằng để đối phó với Nga, hiện nay đang do một anh trùm KGB – luôn tiếc nuối thời vàng son của “đế chế Xô Viết” – lãnh đạo, và muốn đưa Nga trở về vị trí của một đại cường quốc như thời Chiến tranh Lạnh, thì tuồng “giả điên” có thể nâng lên hàng quốc sách.

Tuy nhiên những vai chính ở Nhà Trắng hiện nay từ Tổng thống Barack Obama cho tới Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, không ai chịu giả điên. Hơn nữa, tuyên bố của bà Rice, “Chúng ta không muốn thấy tình hình Ukraine leo thang thành một cuộc xung đột nóng”, vô tình đã đưa Mỹ ngồi xuống chơi ván cờ “Chiến Tranh Lạnh” mà Putin vừa bày ra bằng cuộc xâm lăng bán đảo Crimea của Ukraine.

Lần này, 40 năm sau Nixon, Putin chính là tài tử giả điên. Sau một cuộc điện thoại với Putin, Quốc trưởng Đức Angela Merkel thú nhận rằng bà không chắc là người lãnh đạo Liên bang Nga là một người tỉnh táo. Theo Merkel thì Putin là “người ở cõi trên”.

Putin, “người cõi trên” - Angela Merkel. Nguồn: AFP/Getty
Putin, “người cõi trên” – Angela Merkel. Nguồn: AFP/Getty

Hơn nữa, trong một cuộc phỏng vấn sau khi xâm chiếm Crimea, Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Ryabkov, nói, Kremlin sẽ trả đũa hơn nữa – bằng biện những “biện pháp bất cân xứng” – nếu Liên minh châu Âu và Mỹ tiếp tục cấm vận.

“Biện pháp bất cân xứng” (asymmetric measures) là những biện pháp nào? Theo thuật ngữ sau biến cố 9/11 thì biện pháp bất cân xứng thường đi đôi với chiến tranh, và các chiến thuật mà các các chế độ ngang ngược như Bắc Hàn, hay các nhóm khủng bố như al Qaeda đã dùng để chống lại các quốc gia quy ước, tỉ dụ như chiến tranh tin học, khủng bố, v.v. Tuy nhiên, dường như Ryabkov muốn dùng lại bài bản của Kissinger và Nixon cho phương Tây hiểu rằng Nga sẵn sàng chơi bẩn, nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, chứ không phải chỉ là màn “hòn đá ném đi, hòn chì ném lại”.

Hiện nay Putin chỉ phải đương đầu với những đòn “ăn miếng trả miếng” của phương Tây và chính phủ Obama đã quên hẳn hai bài học thời Chiến tranh Lạnh.

Một là gía trị của ngón đòn “bất ổn”, “không thể đoán được” hay “điên rồ” đối với địch như Nixon đã chỉ thị cho Kissinger nói với Đại sứ Nga, “Xin lỗi ngài chứ Tổng thống của tôi không thể kiểm soát được nữa rồi”. Ngày nay, ngược lại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ở Kiev, đã luôn miệng nói, “Chúng tôi muốn thấy tình hình xuống thang. Chúng tôi không muốn có va chạm lớn.” Dù cũng nói rằng đã có mọi biện pháp, và sẵn sàng để đối phó. Tuy nhiên, Obama đã lấy đi một biện pháp mạnh nhất, “Chúng ta sẽ không có cuộc hành quân sang Ukraine”, khi trả lời đài truyền hình KNSD–TV ở San Diego.

Hai là chính quyền Obama đã chọn đi vào vết xe cũ, không thành công trong thời chiến tranh Việt Nam để đối đầu với Liên Xô: leo thang từng bước, gây áp lực để đối phương phải thay đổi.

Sáu giờ đàm phán ở London với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhằm chặn đứng việc trưng cầu dân ý ở Crimea không có kết quả, Nga đã sát nhập bán đảo Cimea, và Kerry chỉ đủ sức than với phóng viên rằng quyết định của Putin như thế “là tiêu cực”, và đồng minh phương Tây sẽ có phản những phản ứng “hiệu chỉnh thích hợp.” Cái phản ứng “hiệu chỉnh” của Washington sau cuộc trưng cầu dân ý, và sau Nga chính thức sáp nhập Crimea, là ra một thông báo danh sách trừng phạt thêm một số viên chức cao cấp của Nga.

Nguy hiểm của ứng xử này có hai mặt.

Thứ nhất, phương Tây và Mỹ đã để Putin đi trước một thế cờ. Andrew Kuchins, Giám đốc Chương trình Nga và Âu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, bình luận trên Fox News ngay sau khi Obama đưa danh sách trừng phạt mới: “Putin, một lần nữa, lại kiểm soát chiến trường, và do đó, chúng ta chỉ là những người đang phản ứng lại.”

Thứ hai, Mỹ không thuộc bài mà Tổng thống Lyndon B. Johnson đã học ở Việt Nam bằng một giá quá đắt: hiểm họa của Chủ nghĩa Tuần tiến. Nếu định bắt địch phải trả “giá” để buộc chúng phải làm một cái gì đó hoặc ngừng làm điều gì đó, mà lại dùng chiến thuật tuần tiến thì sẽ bị phản tác dụng vì đối phương sẽ quen dần với những liều thuốc đắng tuần tiến, dễ nuốt, đó.

Nếu chính quyền Obama đã cho rằng số phận của Ukraine không đủ là một yếu tố gây ảnh hưởng đến nền an ninh quốc gia đáng để bắt Nga phải trả một giá thật đắt, thì lựa chọn tốt nhất là phải làm sao cho Putin và ban cố vấn nghi ngờ và không biết rõ được ý định của Mỹ. Ngay cả khi Washington tự biết không muốn cuộc khủng hoảng leo thang, nhưng đóng kịch ngược lại vẫn có thể đạt kết quả thực tế, cả về ngoại giao và tại hiện trường Đông Âu. Chẳng may, cả Obama và Kerry đã bỏ qua vở kịch Tôn Tân giả điên.

Với sáu năm kinh nghiệm ở Nhà Trắng, người ta tưởng Obama có thể đã học xong những ngón nghề cơ bản của trò chơi (game theory) hầu áp dụng trong các cuộc đàm phán, hay để đối đầu với đối phương trên chính trường thế giới. Richard Nixon đã học xong nghề trước khi làm Tổng thống qua tám năm trong vai trò Phó Tổng thống trước đó.

 Nikita Khrushchev và Richard Nixon, Moscow, USSR, 1959 - Tranh luận trong nhà bếp. Nguồn: Bettmann/CORBIS
Nikita Khrushchev và Richard Nixon, Moscow, USSR, 1959 – Tranh luận trong nhà bếp. Nguồn: Bettmann/CORBIS

Nixon đặc biệt để ý đến phong cách của giới lãnh đạo địa chính trị hàng đầu trong thời đại đó. Nikita Khrushchev của Liên Xô là một ví dụ. Đó là người mà Nixon đã phải đụng độ trong “cuộc tranh luận ở nhà bếp” tại Moscow vào năm 1959. Và Nixon cũng đã theo dõi rất kỹ Khrushchev trù dập một John F. Kennedy trẻ trung nhưng thiếu kinh nghiệm, ra sao tại Vienna vào năm 1961.

Năm 1985, Nixon đánh giá Khrushchev là “nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất thế giới mà tôi đã từng gặp.” Hỏi tại sao, cựu tổng thống Mỹ trả lời đơn giản, “Ông ta làm người ta sợ đến mất vía.”

© 2014 DCVOnline


Nguồn: Madman in the White House. Why looking crazy can be an asset when you’re staring down the Russians. By James Rosen, Luke A. Nichter. Foreign Policy. March 25, 2014