Liên minh Hoa Kỳ với Việt Nam? Làm gì nhanh như vậy được!

Teddy Phạm | DCVOnline lược dịch

mcdonaldMong đợi Hà Nội vào sẽ nằm trong vòng tay của Washington dường như không thực tế lắm khi phe thân Bắc Kinh đang chiếm đang ưu thế tại Hà Nội.

...uốn lưng ong ngửa ngửa lòng. Nguồn: Liu Rui/Global Times
…uốn lưng ong ngửa ngửa lòng. Nguồn: Liu Rui/Global Times

Việc gần đây Trung Quốc di tản chiến thuật giàn khoan ra khỏi vùng biển mà cả Bắc Kinh và Hà Nội đều tuyên bố có chủ quyền không phải là điềm báo trước Trung Quốc thay đổi chiến lược bành trướng ở Biển Đông, cái chiến lược đã làm điêu đứng hai đồng minh cùng ý thức hệ cộng sản trong những năm qua. Cuộc triệt thoái diễn ra ở một thời điểm thuận lợi cho phe thân Trung Quốc trong Đảng Cộng sản Việt Nam để tránh bất kỳ hành động pháp lý nào đã dự tính nhằm chống lại Trung Quốc và ngăn chặn một liên minh với Mỹ mà nhiều người đang chờ đợi.

Vào ngày 15 tháng Bảy, Tổng công ty (quốc doanh) Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thông báo giàn khoan 1 tỷ USD của họ đã xong việc trong vùng biển đang có tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa, nơi mà cả Bắc Kinh và Hà Nội đều tuyên bố có chủ quyền. công ty dầu của Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố giàn khoan sẽ được dời đến gần đảo Hải Nam, tỉnh cực nam của Trung Quốc, sau khi tìm thấy có “dấu hiệu của dầu và khí đốt.”

Một cơn bão địa chính trị đã xảy ra ngày 2 tháng 5, 2014, khi TQ đưa giàn khoan (HYSY-981) đến khu vực 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam – nơi có nhiều tài nguyên và dầu mỏ ở Biển Đông. Tàu Trung Quốc và Việt Nam thường xuyên đuổi nhau ra khỏi vùng biển quanh khu giàn khoan, trong khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra thành những cuộc bạo động ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Kết quả các cuộc bạo loạn là hàng trăm nhà máy nước ngoài bị phá hoại và bốn công dân Trung Quốc bị tử thương.

Ban đầu giàn khoan dự định sẽ khoan thăm dò ở vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa cho đến giữa tháng Tám và giới phân tích độc lập đã cố giải thích tại sao Trung Quốc rút lui trước thời hạn, mặc dù hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng lưu ý rằng tháng Bảy là bắt đầu của mùa mưa bão. Giới phân tích cho rằng động thái này có thể đơn giản là do việc giàn khoan đã hoàn thành các mục tiêu của nó: đã tìm thấy đủ dấu hiệu có dầu khí để sẽ trở lại khai thác sau này. Hai cơn bão lớn đến sớm đã cho phép Trung Quốc có cơ hội tốt để giữ thể diện khi rút lui. Một số khác cho rằng Bắc Kinh hy vọng như thế sẽ xoa dịu căng thẳng và hàn gắn lại mối quan hệ với Việt Nam.

Theo Yun Sun, một nhà nghiên cứu trong chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson ở Washington cho rằng dù với bất cứ lý do nào, cuối cùng thì

economist“Việc triệt thoái giàn khoan dường như là một cuộc rút lui của Trung Quốc, mặc dù tôi cho rằng đây là một cuộc rút lui chiến thuật và ở giai đoạn này thì đó không phải là một sự thay đổi chiến lược của Trung Quốc. Đưa giàn khoan vào trong khu vực đang có tranh chấp, Trung Quốc đã tạo một tiền lệ và “tính hợp pháp” (ít nhất là theo quan điểm của Trung Quốc) để sẽ trở lại trong tương lai. Khi căng thẳng xuống thang, Việt Nam sẽ có ít lý do hơn để đi kiệ TQ hay liên kết với Hoa Kỳ và Nhật Bản.”

Giữa tháng Sáu, sự căng thẳng đang ở đỉnh điểm, Dương Khiết Trì, một viên chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, cao hơn cả ngoại trưởng, đã sang Việt Nam để thảo luận với cấp lãnh đạo hàng đầu Việt Nam: từ đầu đảng Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Trong chuyến đi Hà Nội, được biết họ Dương đã cảnh cáo Hà Nội không được có hành động pháp lý để thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông như Philippines đã làm hồi tháng Ba. “Kể từ khi Dương Khiết Trì đi Hà Nội, đã có một sự liên tục xuống thang, nhưng là Hà Nội xuống thang chứ không phải Bắc Kinh,” Zachary Abuza, một người phân tích về châu Á có trụ sở tại Washington cho biết.

Giới phân tích cho rằng sau chuyến thăm của họ Dương, Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã chia thành ba nhóm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu nhóm muốn đứng lên để đối đầu với Trung Quốc, theo đuổi một chính sách đối ngoại chủ động với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và yêu cầu sự hỗ trợ của Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ. Dũng đã công bố mạnh mẽ, khẳng định rằng Việt Nam sẽ nghiên cứu những hành động pháp lý để đói phó với Trung Quốc. Ông Dũng đã tích cực tranh thủ sự yểm trợ của Mỹ để cân bằng sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Nhóm này đang tìm cách thúc đẩy việc cải tổ toàn diện nền kinh tế và khu vực quốc doanh ít hiệu quả hơn để được chấp nhận là thành viên của một hiệp định tự do thương mại đầy tham vọng trong khu vực, do Mỹ dẫn đầu; đó là quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiếp tục củng cố quan hệ với Mỹ. Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam ở Đại học New South Wales ở Australia nhận định,

“Nhóm gọi là thân Mỹ sẽ cảm thấy rằng đi với Trung Quốc sẽ hạn chế quyền tự do hành động của Việt Nam và đưa Việt Nam vào một vị trí chư hầu và phụ thuộc vào Trung Quốc. Chư hầu về mặt ý thức hệ sẽ làm giảm triển vọng đổi mới kinh tế.”

Trong khi đó, phe theo Trung Quốc, dẫn đầu là TBT Nguyễn Phú Trọng, lo ngại rằng đi quá gần với Hoa Kỳ sẽ dẫn đến áp lực tiêu cực hoặc ngay cả phải lãnh hậu quả trừng phạt của Trung Quốc. “Muốn thân với Mỹ thì phải có một số thái độ, theo yêu cầu của Mỹ, có thể chứng minh có sự tiến bộ về nhân quyền và áp lực của Mỹ trong việc muốn dùng Vịnh Cam Ranh nhiều hơn cùng các cuộc thao diễn quân sự chung,” ông Thayer nói. Giới phân tích cho rằng có ba nhân vật nặng ký (ở Hà Nội) có thể có ảnh hưởng làm thay đổi cục diện; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang có lẽ lo ngại sự bất mãn của quần chúng và những cuộc biểu tình tiếp tục nếu cuộc xung đột Việt-Trung leo thang. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có thể đứng về phía đa số. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, quân nhân cao cấp nhất đã đề cập đến việc theo đuổi vụ tố tụng, nhưng lại thận trọng đối với phương Tây. Nhận thức được sự chọn lựa giới hạn của Việt Nam, Thanh có lẽ đã theo phe chiếm đa số.

Abuza nói,

“Không còn nghi ngờ gì nữa, phe thân Trung Quốc đã thắng thế. Những người đã tỏ ra hoặc dự đinh ​theo đuổi một chính sách cứng rắn hơn, cùng bắt tay với Mỹ và Nhật Bản dường như là thiểu số. Việt Nam đã quỵ gối trước áp lực của Trung Quốc. Một phần lớn ở Bộ Chính trị không sẵn sàng đứng lên đối đầu với Trung Quốc vào thời điểm này.”

Giới phân tích nói rằng ngay bây giờ khả năng Việt Nam nộp đơn kiện TQ song song với Philippines dường như đã bị hoãn lại vì những người lãnh đạo cao cấp tỏ ra rất lo ngại làm Bắc Kinh nổi giận. Vào cuối tháng, báo chí Việt Nam cho biết Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chuẩn bị đi Mỹ “sớm” theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nhưng chuyến đi dù đã lên kế hoạch một cách chiến lược và đã công bố, chưa thành hiện thực. Đến giữa tháng Bảy, một phái viên tổng thống Mỹ đã đến Hà Nội để gặp Bộ trưởng Minh nhưng cuộc gặp gỡ đó thấp hơn nhiều so với cuôc viếng thăm chính thức tại Washington. Trong khi hoan nghênh Shinzo Abe, Việt Nam đã không công khai chấp nhận lời diễn giải lại của Thủ tướng Nhật về việc hiến pháp cho phép “tự vệ tập thể.”

Liên minh Việt-Mỹ”: Chỉ là một ước mơ?

Công an biên phòng trước biểu ngữ chào đón Khu trục hạm USS MCCAain ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, 8/10/2010. Ảnh: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images
Công an biên phòng trước biểu ngữ chào đón Khu trục hạm USS MCCAain ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, 8/10/2010. Ảnh: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images

Việc triệt thoái giàn khoan đã dẫn đến sự rút lui của hạm đội hơn một trăm tàu thuyền của Trung Quốc, và Việt Nam cũng rút lực lượng tàu bảo vệ bờ biển và giám sát thủy sản. Đây là cơ sở cho các cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam để thảo luận làm thế nào để quan hệ hai nước trở lại bình thường. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là “phe gọi là ủng hộ Trung Quốc, hoặc nhóm hòa giải, sẽ chống lại bất kỳ hành động nào làm trầm trọng thêm mối quan hệ với Trung Quốc. Điều này có nghĩa không có chuyện đi kiện Trung Quốc và cũng không có nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề,” ông Thayer nói.

Ngay sau khi rút giàn khoan dầu, một số nguồn tin tiết lộ rằng Đinh Thế Huynh, một thành viên BCT ủng hộ Trung Quốc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ đạo cho báo chí không được tiếp tục làm mất uy tín và làm cho Trung Quốc mất mặt vì sự sự triệt thoái giàn khoan. Dường như giới phân tích nghĩ rằng những người ủng hộ ứng xử hòa hoãn (với TQ) tiếp tục giữ thế thượng phong. Thayer nhận định,

“Nếu có xung đột với Trung Quốc trong tương lai, phe thân Tàu sẽ tự kiểm duyệt của chính họ. Họ sẽ phủ quyết bất kỳ chính sách nào có thể làm Trung Quốc nổi giận. Rốt cuộc, họ sẽ đi theo Trung Quốc, nghĩa là họ tránh chỉ trích Trung Quốc và mong đợi Việt Nam sẽ được đãi ngộ về mặt kinh tế vì đã tỏ ra ngoan ngoãn. Tóm lại, sự tiếp tục tranh cãi giữa phe ủng hộ Trung Quốc và phe thân Mỹ sẽ làm suy yếu khả năng của Việt Nam để theo đuổi lợi ích quốc gia và đối phó với áp lực của Trung Quốc.”

Giới phân tích nói rằng phe thân Tàu có thể lập luận rằng ngoại giao hậu trường có hiệu quả và họ đã thuyết phục được Trung Quốc xuống thang căng thẳng vì lợi ích của sự ổn định trong khu vực. Abuza nói,

“Họ có thể kể công là đã có ảnh hưởng, nhưng điều này là vô nghĩa. Trung Quốc rút giàn khoan về sau khi họ đã đạt được mục đích phục vụ lợi ích của họ. Giàn khoan HYSY-981, và nhiều giàn khoan khác sẽ trở lại biển Việt Nam sau mùa mưa bão. Trung Quốc sẽ không lùi bước về vấn đề này. Và có một sự ngây thơ kinh khủng về phía Hà Nội khi họ tin rằng nếu nhường Trung Quốc một số bánh ít thì thể nào họ cũng sẽ nhận được một số bánh quy. Trung Quốc không nhượng bộ các nước nhỏ kiêu ngạo. Không ai biết rõ điều đó hơn là Việt Nam, nhưng ban lãnh đạo đảng CSVN rất thường cho rằng đoàn kết xã hội chủ nghĩa tất thắng.”

Giới phân tích đã nêu lên một quan ngại: Tại Việt Nam, thực sự chỉ có một hoặc hai cuộc họp nữa của Ban Chấp hành Trung ương đảng, gồm 175 đảng viên cộng sản cao cấp, để một số cải tổ thực sự có thể xảy ra trước khi phần còn lại của hội nghị hoàn toàn bị chuyện bè đảng chính trị và sự chuẩn bị cho Đại hội đảng vào năm 2016 chi phối: “Tôi thấy cửa sổ của một cơ hội để đổi mới kinh tế táo bạo đang khép lại rất nhanh. Một khi tất cả mọi người đang ở thế chuẩn bị cho Đại hội Đảng thì sẽ không có bất kỳ cải cách táo bạo nào có thể xảy ra,” Abuza nói.

Teddy Phạm là một nhà báo ở vùng Đông Nam Á.

© 2014 DCVOnline


Nguồn: A US-Vietnam Alliance? Not So Fast.. By Teddy Pham. The Diplomat, August 04, 2014. DCVOnline minh họa.