Điểm sách Lịch sử người Việt Nam của Keith Weller Taylor

Liam C Kelly | Người dịch: Hoa Quốc Văn

cauỞ thập niên 1990s, khi còn là một sinh viên, tôi dần nhận ra rằng những ý tưởng mà tôi thấy ấn tượng trong những công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam không được củng cố bằng những thông tin tôi tìm thấy trong các nguồn tư liệu nguyên cấp.

Đây là cái mà nhiều học giả trẻ khác lúc bấy giờ cũng bắt đầu nhận ra, đặc biệt là những người chuyên chú vào thế kỷ XX. Trong hơn 20 năm qua, các học giả ấy đã tạo ra nhiều công trình hoài nghi tri thức họ nhận được về quá khứ của Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn tri thức mà một thế hệ trước đó đã tích luỹ được vẫn còn ảnh hưởng. Keith Taylor là một thành viên của thế hệ đó, và trong công trình Lịch sử dân tộc Việt Nam dầy 696 trang của mình, ông đã đảo lại và viết lại nguồn tri thức mà ông và các thành viên khác của thế hệ đó đã tích luỹ.

Đối với các độc giả quen thuộc với những công trình hiện có bằng tiếng Anh viết về lịch sử Việt Nam, ngay từ những trang mở đầu của cuốn sách có một điều trở nên rõ ràng là Taylor đang nỗ lực dấn vào một lối đi mới. Tuy nhiên, Taylor không làm rõ điều này cho đến khi ông đi đến chương kết luận, mang tiêu đề “Hồi tưởng”, trong đó ông tóm tắt các quan niệm của mình:

“Xem xét các sự kiện được thảo luận trong cuốn sách này, không có kết luận nào được rút ra theo cái nghĩa khám phá logic sâu sắc nào đó đã dẫn dắt số phận tiền định của người Việt Nam. Tri thức về quá khứ của người Việt bằng tiếng Anh được tích luỹ ở cuối thế kỷ XX bị phủ bóng bởi chiến tranh; giới học thuật, phóng viên, chính trị gia đã cấp cho người đứng đầu cái đặc quyền định hình sự tích luỹ đó cho nhóm người Việt đủ may mắn có được những đồng minh được duy trì tương đối vững vàng cho đến trận chiến cuối cùng. Những điều được tích luỹ đến từ sự tuyên truyền thời chiến dựa trên một phiên bản dân tộc chủ nghĩa chói tai của lịch sử Việt Nam, cái đã đặc tả, trước hết, một sự quả quyết về căn cước Việt Nam có trước khi tiếp xúc với người Hán cổ, và thứ đến, là những chủ đề chính về sự nổi dậy chống lại sự áp bức thực dân và sự kháng cự ngoại xâm; không có một ý tưởng nào trong đó có thể được xác nhận bằng việc nghiên cứu những chứng cứ về quá khứ hiện còn” (620).

Cambridge University Press
Nguồn: Cambridge University Press

Những tuyên bố trong đoạn văn này là quan trọng và quá trễ. Chúng cũng được củng cố đầy đủ bằng phần còn lại trong cuốn sách của Taylor.

Phương diện đầu tiên trong khối tri thức được tích luỹ về lịch sử Việt Nam – rằng có một căn cước của người Việt trước khi tiếp xúc với người Hán cổ – là một điều mà bản thân Taylor đã nỗ lực chứng minh trong cuốn sách đầu của mình – Việt Nam khai sinh (The Birth of Vietnam, University of California Press, 1983). Ở cuối thập niên 1960s đầu thập niên 1970s, các học giả ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nỗ lực một cách có chủ ý nhằm khẳng định sự hiện hữu của một dân tộc và nền văn hoá Việt trước khi người Trung Hoa đặt chân đến khu vực này vào thế kỷ III trước Công lịch, và Taylor du nhập những tìm tòi của họ vào công trình của mình.

Lịch sử dân tộc Việt Nam, trái lại, bắt đầu với quá trình bành trướng về phía Nam của đế chế Tần vào năm 221 trước Công lịch, và lập luận rằng ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam được hình thành trong suốt thiên niên kỷ mà khu vực này thuộc về các đế chế Trung Hoa. Ở đây Taylor theo những ý tưởng của nhà ngôn ngữ học John Phan, người đã cho rằng ngôn ngữ Việt như chúng ta biết được hình thành trong suốt đoạn cuối của thiên niên kỷ người Hán cai trị khi người dân nói một phương ngữ tiếng Hán địa phương chuyển sang một ngôn ngữ địa bản địa. Tuy nhiên, sự thay đổi về ngôn ngữ này là một phần đơn giản của một quá trình chuyển đổi rộng lớn hơn. Như Taylor lập luận

“Chính phương diện văn hoá Việt Nam cũng có vẻ như là kết quả của việc nằm trong đế chế [của người Hoa] và từ sự tồn tại của một nhóm cư dân nói tiếng Hán rộng lớn hơn phát triển qua vài thế hệ và rốt cuộc hoà nhập vào nhóm cư dân bản địa khi mà sự kết nối của đế chế bị cắt đứt” (621).

Bằng việc cho rằng nhóm ngôn ngữ và văn hoá mà chúng ta gọi là người Việt xuất hiện trong phạm vi, và là một bộ phận, của đế chế Trung Hoa, Taylor đã hoài nghi phương diện thứ hai của nguồn tri thức được tích luỹ về lịch sử Việt Nam – rằng người Việt luôn luôn chống lại ngoại xâm, đặc biệt là Trung Hoa. Taylor làm việc đó bằng 2 cách.

Thứ nhất, ông chỉ ra trong luận thuật của mình về việc một ít “các hoạt động quân sự của người Hoa” được “thực hiện để chống lại các lãnh tụ người Việt” qua hàng trăm năm trước “là hệ quả của những hoàn cảnh đặc biệt” như thế nào và do đó không tiêu biểu cho những hiện tượng thường xuyên nào đó (622). Thứ hai, bằng việc giữ lập trường rằng người Việt về mặt văn hoá là một bộ phận của một thế giới trong đế chế như người Hoa, ông chứng minh rằng tuyên bố về sự khác biệt văn hoá, như các sử gia quan niệm, mà người Việt cố gắng gìn giữ và bảo vệ chống lại sự xâm lược từ bên ngoài là không có. Theo Taylor, các quan niệm của Nho giáo cũng mang đặc tính Việt như quả cau vậy.

Nguồn: University of California Press
Nguồn: University of California Press

Taylor cũng nghi ngờ nguyên lý có liên quan đến hai phương diện của nguồn tri thức đã được tích luỹ về lịch sử Việt Nam, tức là quan niệm về sự thống nhất. Trên thực tế, đây có lẽ là một trong những đóng góp quan trọng nhất trong tập sách của Taylor và là một cái nhìn về quá khứ mà ông đã phát triển qua nhiều năm. Qua cuốn sách dài hơi này, Taylor nhiều lần hướng sự chú ý của độc giả vào các chiều kích về địa vực của lịch sử Việt Nam. Đó là tình trạng căng thẳng giữa Thanh Hoá và Thăng Long nhiều thế kỷ trước hay giữa Sài Gòn và Hà Nội gần đây hơn, chủ nghĩa địa phương đã là một khía cạnh lâu dài trong kinh lịch sử của những người nói tiếng Việt, và Taylor đã chứng thực điều đó một cách rõ ràng.

Khi nghi ngờ những quan niệm cốt lõi trong nguồn tri thức đã được tích luỹ bằng tiếng Anh về lịch sử Việt Nam, Taylor đã có một cống hiến có ý nghĩa. Một cống hiến có ý nghĩa khác mà Taylor đã làm được đơn thuần là tạo ra một tự sự bằng tiếng Anh về hơn 2000 năm của lịch sử Việt Nam. Trong khi Taylor có thể dựa trên cuốn sách trước của mình để tạo ra một tự sự cho đến thế kỷ thứ 10 sau Công lịch, và trong khi nhiều nghiên cứu về thế kỷ 19 và 20 không nghi ngờ gì nữa đã tạo điều kiện cho quá trình viết một tự sự cho các thế kỷ đó, Taylor hẳn phải đọc và tóm lược các biên niên sử của Việt Nam nhằm tạo ra một tự sự cho giai đoạn từ thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 19. Tự sự mà ông viết cho giai đoạn đó nặng về chi tiết, và có lẽ làm một số độc giả hết sức choáng ngợp, nhưng đối với một số sinh viên nghiêm túc nghiên cứu về quá khứ của Việt Nam, những chương này là một nguồn tư liệu vô giá.

Do đó, có nhiều điều tuyệt vời để nói về cuốn Lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, một điểm dường như sẽ không làm thoả mãn một số độc giả là quyết định của Taylor không đính kèm các chú dẫn. Ông đã cung cấp một tiểu luận mang tính thư mục, nhưng biết rằng phần lớn tập sách dựa trên việc đọc các cuốn sử biên niên của riêng ông, thì tiểu luận ấy có công dụng hạn chế; phần tốt nhất của nó là phần lên danh sách những nghiên cứu gần đây về lịch sử thế kỷ XX. Phải nói rằng, đối với những độc giả có khả năng về tiếng Việt hay Hán cổ, họ tương đối dễ định vị được những chỗ trong các cuốn biên niên sử mà Taylor lấy thông tin.

Lịch sử dân tộc Việt Nam phải mất một thời gian dài mới ra đời được. Đó không chỉ là việc Taylor mất nhiều năm viết nó, mà ông cũng mất nhiều thời gian để kiểm tra lại những tri thức đã được tích luỹ về Việt Nam và xét lại những quan niệm của bản thân. Có nhiều học giả lão thành hẳn sẽ không băn khoăn gì khi trải qua quá trình đó và còn ít hơn những học giả sẽ viết một công trình 696 trang để chứng thực những hiểu biết có xét lại về quá khứ. Keith Taylor ở phương diện này là một ngoại lệ, và chúng ta may mắn có được công trình nghiên cứu phi thường này của ông để dựa vào trong những năm phía trước.

Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 9 (1) – Jan 1, 2014 (PDF, p. 107-110)


Nguồn: Điểm sách Lịch sử dân tộc Việt Nam của Keith Weller Taylor. By Liam C Kelly. Người dịch: Hoa Quốc Văn. August, 2014.
Đọc thêm: Cái nhìn mới về Việt Nam, BBC phỏng vấn giáo sư Keith Weller Taylor