Đạt Lai Lạt Ma nói về cải cách Trung Quốc và những thách thức ở Tây Tạng

Jörg Eigendorf | Trà Mi lược dịch

dalai_lama14“Định chế “Đạt Lai Lạt Ma” quan trọng chính vì quyền lực chính trị của nó […] Người Tây Tạng không cần phải có Đức Đạt Lai Lạt Ma nữa.” Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 phát biểu tại New Zealand vào ngày 5 tháng 12, năm 2009. Đạt Lai Lạt Ma nay 79 tuổi, nói rằng ông hình dung ông có thể là Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng: “Hai ngàn sáu trăm năm truyền thống Phật giáo không thể do một người giữ mãi được,” ông nói với Jörg Eigendorf. Ảnh: Hannah Peters / Getty Images
Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 phát biểu tại New Zealand vào ngày 5 tháng 12, năm 2009. Đạt Lai Lạt Ma nay 79 tuổi, nói rằng ông hình dung ông có thể là Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng: “Hai ngàn sáu trăm năm truyền thống Phật giáo không thể do một người giữ mãi được,” ông nói với Jörg Eigendorf. Ảnh: Hannah Peters / Getty Images

Tây Tạng “vẫn là một đất nước bí ẩn,” Đạt Lai Lạt Ma nói, và Tây Tạng cũng bí ẩn ngay cả với chính ông. Kể từ khi người lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng đã trốn sang Dharamsala, Ấn Độ, sau khi bị chính quyền Trung Quốc buộc phải rời khỏi đất nước của mình vào năm 1959, thông tin duy nhất của ông về Tây Tạng đến từ những nhân chứng. Ông đã cố gắng gặp gỡ với tất cả những người tị nạn đã vượt qua dãy Himalaya (Hy mã lạp sơn).

Và do đó nó không phải là nhiếp ảnh gia York Hovest, cũng không phải là phóng viên Jörg Eigendorf, nhưng lai chính Đạt Lai Lạt Ma là người hỏi những câu hỏi đầu tiên trong cuộc phỏng vấn họ ở Dharamsala. Ông muốn biết các chi tiết về thời gian Hovest sống ở Tây Tạng. Có còn những tu sĩ tại tu viện một thời Đạt Lai Lạt Ma đã từng theo học và đi thi. Những máy thu hình giám sát của Trung Quốc hoạt động chính xác ra sao. Và bằng cách nào người ta có thể trồng một vài cây trên vùng cao 5.000 mét trên mực nước biển. Từng trang một, ông đọc qua cuốn sách của Hovest, “100 ngày ở Tây Tạng”.

Nhưng cuối cùng nó vẫn là một cuộc phỏng vấn.

Jörg Eigendorf (JE): Thưa Đạt Lai Lạt Ma, ngài có nghĩ rằng ngài có thể trở về quê hương của mình một ngày nào đó không?

Đạt Lai Lạt Ma (ĐLLM): Có, tôi chắc chắn như thế. Trung Quốc không còn có thể tự cô lập, nó phải đi theo các xu hướng toàn cầu hướng tới một xã hội dân chủ. Tôi đã cảm thấy những sự thay đổi trong giới sinh viên Trung Quốc. Tôi nghe nói hiện nay có hơn 200.000 sinh viên Trung Quốc du học ở nước ngoài. Một vài năm trước, khi tôi gặp sinh viên, họ đã nghiêm nghị và dè dặt. Ngày nay họ mỉm cười. Đó là những dấu hiệu của sự thay đổi.

(JE): Đây có phải là lý do ngài đã trở thành gần như là đã hòa giải đối với Trung Quốc trong vài tháng qua?

(ĐLLM): Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu với sự lãnh đạo của Tập Cận Bình. Ông ấy muốn tạo ra một xã hội hài hòa hơn so với xã hội TQ thời của ông Hồ Cẩm Đào. Trong những năm trước đây, đó là thời kỳ tăng trưởng kinh tế đã tạo ra rất nhiều sự oán giận và ghen tị.

(JE): Nếu có cải cách ở Trung Quốc, những gì sẽ xảy ra với Tây Tạng?

(ĐLLM): Bất cứ ai muốn có một xã hội hài hòa không thể dựa vào bạo lực và đàn áp. Sự hài hoà đến từ con tim. Nó dựa vào lòng tin. Sự hài hoà và ngờ vực loại trừ lẫn nhau. Đây là điều tốt cho Tây Tạng.

(JE): Hiện nay Tây Tạng như thế nào?

(ĐLLM): Người Trung Quốc đã không thể tiêu diệt nền văn hóa đã có từ khoảng 3.000 đến 4.000 năm nay. Những người chỉ trích những niềm tin và những nền văn hóa khác đã thực sự làm cho chúng mạnh mẽ hơn. Sâu thẳm trong trái tim của họ, 95 phần trăm người Tây Tạng vẫn còn cảm nhận và suy nghĩ rất là Tây Tạng. Những xúc cảm đó kết nối chặt chẽ với văn hóa của họ. Điểm này thậm chí có thể đúng với cả những người làm việc cho người Trung Quốc.

(JE): Ngài muốn nói gì khi dùng cụm từ “suy nghĩ và cảm xúc Tây Tạng”?

(ĐLLM): Đó là để thực hành và tiếp nhận Phật giáo Tây Tạng, đó là những lời kinh dạy từ bi, kiến thức dựa trên trí tuệ và phụ thuộc lẫn nhau. Chúng tôi tin vào việc tái sinh hơn và kiếp sau, cho đến khi chúng ta giác ngộ.

(JE): Ngài có cần phải lo lắng về nền văn hóa Tây Tạng không?

(ĐLLM): Chúng tôi vẫn có một vấn đề lớn: Nếu không có giáo thụ và sự tu tập thích hợp, gìn giữ một tôn giáo là việc rất khó khăn. Trước năm 1959, có nhiều học giả nổi bật ở Tây Tạng. Nhưng hầu hết trong số họ đã bị bắt giữ, một số bị giết, một số bỏ chạy.

(JE): Như thế không có đủ học giả ở Tây Tạng là người có thể đào tạo các tu sĩ trẻ?

(ĐLLM): Chúng tôi đã đào tạo một số tu sĩ ở Ấn Độ đã trở về Tây Tạng. Nhưng đây là điều rất hiếm. Mối nguy hiểm là tôn giáo đơn thuần trở thành một nghi thức. Rung chuông không chưa đủ. Nhà sư phải nắm vững giáo lý và thiền định. Họ cần phải thông suốt cả hai. Muốn thế cần dược đào tạo kỹ lưỡng.

(JE): Tại sao ngài nghĩ rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thành thật thay đổi mà ông ấy đã bắt đầu?

(ĐLLM): Vì ông ấy kiên quyết chống tham nhũng. Và tham nhũng là nguồn gốc chính của sự mất lòng tin. Tập Cận Bình can đảm. Ông đã làm mất lòng phần lớn lớp đảng viên cũ. Một số quan chức cao cấp Trung Quốc đã bị bắt giữ. Chủ tịch TQ nghiêm túc suy nghĩ về giá trị. Trong chuyến thăm Paris hồi tháng Ba năm nay, ông ấy thậm chí còn đề cập đến Phật giáo như là một phần quan trọng của văn hóa Trung Quốc.

(JE): Phật giáo có thể đóng một vai trò quan trọng trong chuyển đổi của Trung Quốc hay không?

(ĐLLM): Có thể. Giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản nói một cách tích cực về Phật giáo chắc chắn là chuyện mới. Ông Tập có thân nhân là Phật tử; mẹ ông Tập thậm chí tu tập theo Phật giáo Tây Tạng. Và nhiều người Trung Quốc đang bị tôn giáo của chúng tôi lôi cuốn.

(JE): Nhưng các nhà sư vẫn còn đang tự thiêu ở Tây Tạng, nhân quyền vẫn ngang nhiên vi phạm.

(ĐLLM): Vâng, Thật là khủng khiếp. Và rất đau khổ khi biết chuyện đó. Nhưng chúng ta phải chấp nhận rằng Tây Tạng sẽ luôn luôn là láng giềng của Trung Quốc. Chúng ta không thể di chuyển Tây Tạng đi bất cứ nơi nào khác. Mặc dù tại thời điểm này, hai nước có mối quan hệ xấu nhưng trong quá khứ không phải như thế và tương lai sẽ không hẳn cứ như hiện nay. Tôi hy vọng thay đổi được thực hiện từ bên ngoài vào Trung Quốc. Trung Quốc tích hợp vào nền kinh tế thế giới là điều tốt. Tôi đã luôn luôn nói như vậy. Điều quan trọng bây giờ là thế giới hiện đại cần hỗ trợ Trung Quốc trở thành một quốc gia dân chủ – pháp trị, tôn trọng nhân quyền và tự do báo chí. Vì vậy, TQ hội nhập là tốt, tốt cho cả Tây Tạng.

Hình Đạt Lai Lạt Ma khi con là trẻ nhỏ, nói trong giấc mơ của mình là ông qua đời ở tuổi 113. Ông cũng nói rằng ông muốn được tái sinh “khi mà đau khổ của chúng sinh vẫn còn.” Hình của Bettmann / Corbis
Hình Đạt Lai Lạt Ma khi con là trẻ nhỏ; ngài nói trong giấc mơ của mình là ông sẽ qua đời ở tuổi 113. Ông cũng nói rằng ông muốn được tái sinh “khi mà đau khổ của chúng sinh vẫn còn.” Hình của Bettmann / Corbis

(JE): Bây giờ ngài đã 79 tuổi. Ngài có thể tưởng tượng rằng mình sẽ không có một người kế nhiệm không?

(ĐLLM): Vâng, thực sự, tôi nghĩ như thế. Định chế “Đạt Lai Lạt Ma” quan trọng chính vì quyền lực chính trị của nó. Tôi hoàn toàn từ bỏ quyền lực từ năm 2011, khi tôi về hưu. Do đó, những người có đầu óc chính trị phải nhận ra rằng thời đại hơn bốn thế kỷ có Đạt Lai Lạt Ma phải kết thúc.

(JE): Nhưng không phải là sức mạnh tâm linh của ngài quan trọng hơn quyền lực chính trị sao?

(ĐLLM): Phật giáo Tây Tạng là không phụ thuộc vào một cá nhân. Chúng tôi có một cơ cấu tổ chức rất tốt có các tu sĩ được đào tạo kỹ lưỡng và có học giả. Trong những năm mươi năm qua, từng bước, chúng tôi đã xây dựng được một cộng đồng mạnh mẽ ở Ấn Độ.

(JE): Như thế, người Tây Tạng không cần phải có Đức Đạt Lai Lạt Ma nữa sao?

(ĐLLM): Không, tôi không nghĩ là không. Hai ngàn sáu trăm năm truyền thống Phật giáo không thể do một người gìn giữ. Và đôi khi tôi kể một chuyện đùa thế này: Chúng ta đã có Đạt Lai Lạt Ma trong gần năm thế kỷ. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay rất được ưa chuộng. Hãy kết thúc với một Đạt Lai Lạt Ma được yêu mến. Nếu một Đạt Lai Lạt Ma yếu đuối lại là người sau cùng thì sẽ chỉ làm nhục vai trò Đạt Lai Lạt Ma mà thôi. (Đạt Lai Lạt Ma cười.)

(JE): Ngài muốn sống dến bao nhiêu tuổi?

(ĐLLM): Các bác sĩ nói rằng tôi có thể sống đến 100 năm tuổi. Tuy nhiên, trong những giấc mơ của tôi, tôi sẽ chết khi 113 tuổi.

(JE): Ngài đã viết và nói rằng ngài có thể ảnh hưởng đến sự tái sinh của mình.

(ĐLLM): Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng tôi có thể trở lại thế giới này khi đau khổ của chúng sinh vẫn còn. Tôi tái sinh không phải trong cùng một cơ thể, nhưng có cùng một tinh thần và một linh hồn.

(JE): Nhưng người ta nói rằng bất cứ ai đã giác ngộ sẽ không tái sinh cơ mà.

(ĐLLM): Khi Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên 80 tuổi. Các môn đệ của ngài nói rằng ngài đã sẵn sàng nhập niết bàn. Ngài trả lời: “Tôi không mong muốn bất kỳ nơi nào ở niết bàn/thiên đàng. Tôi muốn được tái sinh, nơi tôi có thể là người hữu dụng.” Đây cũng là ước muốn của tôi.

Jörg Eigendorf viết cho tờ báo Đức Die Welt.

© 2014 DCVOnline


Nguồn: The Dalai Lama Talks Chinese Reforms, Tibetan Challenges
. by JÖRG EIGENDORF. October 04, 2014