Đôi điều về Chương trình Phát triển Quận 8

Hồ Công Hưng

lvcanTuy nhiên, không có quá khứ thì không có hiện tại, lại càng không thể có tương lai. Trong năm 2016 sắp đến, khi mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, dù muốn hay không, chúng ta cũng nhắc đến quá trình đầy khó khăn để hình thành nên ngôi trường ngày nay, cùng với sự đóng góp của rất nhiều người, gồm cả những kẻ chết đã phải di dời nhường đất xây dựng trường.

DCVOnline | Mùa hè 1964 Phong trào Học đường Phục vụ Xã hội – về vùng ngoại ô và nông thôn, giúp đồng bào chỉnh trang trường học, đường xá, đào cống, vét mương, đắp đê, v.v. – do một số giáo chức khởi xướng được sự hưởng ứng của nhiều đồng nghiệp và học sinh các trường trung học lớn ở Sài Gòn cũng như sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và viện trợ từ Hoa Kỳ. Sinh hoạt cộng đồng hè 1964 là cơ hội để một số nhà giáo có ý hướng xã hội gặp nhau và làm việc chung và cũng từ sinh hoạt đó Bộ Giáo dục đã thành lập “Chương Trình Công Tác Hè” (1965), tiền thân của “Chương trình Phát triển Sinh hoạt Học đường” (CPS, 1966).

Cả hai chương trình vừa kể đều có sự hợp tác chặt chẽ và tài trợ lớn của tổ chức International Voluntary Services(1) cũng như các tổ chức thiện nguyện và cơ quan chính phủ khác(2) của Mỹ như trong Chương trình Phát triển Quận 8 (CTPTQ8) mà lãnh đạo địa phương là Quận trưởng Hồ Ngọc Nhuận và phụ tá Quận trưởng Mai Như Mạnh. Nhân viên hành chánh của chính phủ Việt Nam Cộng hòa trong chương trình phát triển cộng đồng này ban đầu là hai ông Hồ Văn Minh và Đoàn Thanh Liêm trong trách nhiệm Tổng Quản Lý, và Phó Tổng Quản lý(3).

Một trong những thành quả trực tiếp từ CTPTQ8 là trường Trung học Cộng đồng Quận 8. DCVOnline xin giới thiệu đến bạn đọc bài “Đôi điều về Chương trình Phát triển quận 8 trong quá trình thành lập trường Trung học Cộng đồng Quận 8 (sau này mang tên Lương Văn Can)” của tác giả Hồ Công Hưng.

Tác giả là Trưởng khối Tuyên Huấn của Kế Hoạch Xây Đời Mới gồm các Chương trình Phát triển Quận 8, 6, 7 và 11 và là nhà giáo, một trong những thầy cô phụ trách giảng dậy và điều hành trường Trung học Cộng đồng Quận 8, ngay từ ngày khai giảng như thầy Hiệu trưởng Uông Đại Bằng, cô Lưu Thuý Bình, thầy Võ Văn Bé, cô Lê thị Hồng Châu, cô Lưu Ngọc Dung, thầy Nguyễn Phúc Khánh, thầy Dương Văn Long, thầy Trần Bá Phẩm, thầy Lê Trung Tân, thầy Nguyễn Ngọc Thạch, thầy Huỳnh Văn Truyền, cô Lê Thị Bạch Vân, v.v.(4)

Tác giả Hồ Công Hưng (người thứ 2 từ trái) với cự đồng nghiệp và cự học sinh trường trung học Lương Văn Can
Tác giả Hồ Công Hưng (người thứ 2 từ trái) với cựu đồng nghiệp và cựu học sinh trường trung học Lương Văn Can (2014). Nguồn: http://luongvancan.avcyber.com/

Đôi điều về Chương trình Phát triển quận 8 trong quá trình thành lập trường Trung học Cộng đồng Quận 8 (sau này mang tên Lương Văn Can)

Chuẩn bị mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Phổ thông Trung học Lương Văn Can (TPTTHLVC)

Cách đây đúng 50 năm, Chương trình Phát triển Quận 8 (CTPT) ra đời. Trong phong trào chung tham gia công tác xã hội lúc bây giờ, một nhóm thanh niên, từng có chút kinh nghiêm từ nhiều hội đoàn khác nhau, đã họp lại bàn bạc và đệ trình lên chính phủ một dự án nhằm cải thiện đời sống dân cư ở Quận 8, một quân ven nghèo nhất của thành phố. CTPT bắt đầu hoạt động, chính xác vào ngày 15/8/1965, dưới sự bảo trợ của Bộ Thanh niên và Tòa Đô Chính(*, 5).

Trong tất cả những công tác cải tiến dân sinh như chỉnh trang các khu nhà ổ chuột, tổ chức dịch vụ ý tế lưu động và vệ sinh công cộng, sửa chữa các con hẻm lầy lội v.v. CTPT đặt ưu tiên hàng đầu cho việc giáo dục như là một bước cơ bản để nâng cao đời sống người dân. Có thể kể một số việc: lập ký nhi viện (nhà trẻ), mở các lớp dạy nghề và giáo dục tráng niên, xây dựng thêm phòng học để giải tỏa lớp ca 3 tại các trường tiểu học… Đặt biệt là phải cấp bách thành lập cho kỳ được một trường trung học dành riêng cho con em Quận 8. Từ đó, Trường Trung học Cộng đồng Quận 8, sau này (1974) mang tên Lương Văn Can, được hình thành. Vì thế, với tư cách là một người trong cuộc, xin được có đôi lời về vai trò của tổ chức này (CTPT) trong quá trình tạo dựng nên ngôi trường thân yếu của chúng ta, như góp phần chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 50 năm thành lập trường (1966-2016) vào năm tới.

1. Thực trạng xã hội và tình hình giáo dục của Quận 8 lúc mới thành lập

Quận 8 được thành lập năm 1959 là một quận ven đô rất nghèo, tách biệt ra khỏi nội thành bởi hai con kênh Tài Hủ và Kinh Đôi. Ngoại trừ Xóm Củi, tiếp giáp với Quận 5, qua cầu Chà Và, gồm đa số người gốc Hoa có đời sống tương đối khá nhờ kinh doanh thương mại, nghề tiểu thủ công gia đình và xí nghiệp nhỏ, tại các phường còn lại (Hưng Phú, Rạch Ông, Chánh Hưng, Bình An), đa số cư dân sống bằng nghề làm công, buôn thúng bán bưng và nông nghiệp. Khi chiến tranh bắt đầu nổ ra, rất nhiều bà con từ các “vùng xôi đậu” Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công…, rời bỏ ruộng đồng, kéo nhau lên làm ăn sinh sống. Có những gia đình đùm đề chất hết trên chiếc ghe nhỏ, chèo lên neo đậu dọc theo các kinh rạch chằng chịt, rồi sau đó ít lâu tấp vào bờ cất các căn chòi lá tạo nên những khu ổ chuột tạm bợ giữa đám dừa nước, sú, vẹt, ô rô, cóc kèn…

Về giáo dục, với dân số khoảng 150.000 người, tuy có nhiều trường tiểu học lớn như Xóm Củi, Hưng Phú, Chánh Hưng, Rạch Ông, mỗi năm có hàng ngàn học sinh hết lớp Đệ Thất (lớp Năm bây giờ), nhưng không có một trường trung học công lập nào, chỉ có một vài lớp tư thục thu nhận chừng vài chục học sinh. Đa số các em không thể chen chân vào các trường trung học trong nội thành, lại không đủ tiền theo học trường tư nên đành bỏ học đi lêu lổng, lượm rác hay may lắm thì vào làm các công việc hợp với trẻ con như gói bánh kẹo, giấy vàng mã… trong các xưởng sản xuất gia đình để có chút tiền phụ giúp cha mẹ.

2. Chuẩn bị mặt bằng thích hợp cho trường trung học tương lai

Trường Trung học Cộng đồng Quận 8 (khi đang xây). Nguồn:  http://luongvancan.avcyber.com/
Trường Trung học Cộng đồng Quận 8 (khi đang xây). Nguồn: http://luongvancan.avcyber.com/

Quận 8 lúc đó được biết nhiều vì có công ty Heo (dân địa phương quen gọi là công xi hay lò Heo Chánh Hưng) ở phường Hưng Phú (bây giờ là Phường 8), cũng là nơi nhiều học sinh LVC (sau này) sáng sớm trước giờ đi học, đến kiếm thêm thu nhập bằng các công việc vác heo, cạo lông heo hay bán bánh ú, xôi, cà phê dạo cho công nhân làm việc thâu đêm. Vì có trại Tế Bần ở đường Dương Bá Trạc, chuyên giam giữ các thiếu nhi vô gia cư phạm pháp. Và có những bãi chứa rác của thành phố và nghĩa trang vùi lấp sơ sài dân nghèo chết không có tiền mua đất chôn.

CTPT đã chọn một bãi rác và nghĩa trang như thế tại Khóm 4A phường Chánh Hưng (gây giờ là Phường 4) làm nơi xây dựng trường trung học tương lai. Việc đầu tiên là gửi một đoàn cán bộ đến nắm rõ tình hình gia cư, rồi vận động bà con dời ra sống trong khu nhà lá cất tạm bên đường Chánh Hưng (bây giờ là Phạm Hùng), sau đó thông tin trên các báo cho những gia đình đến cải táng mộ thân nhân trong thời hạn hai tháng. Còn lại hơn 500 ngôi mộ vô thừa nhận được hốt cốt đem chôn trong một ngôi mộ chung. Dĩ nhiên bà con cũng phải thực hiện đầy đủ nghi thức cúng kiến để tạ ơn người chết đã nhường đất cho người sống. Sau đó CTPT nhờ một chiếc xáng của Sở Công chánh nạo vét dòng Kinh Đôi lấy đất bùn san lấp toàn diện tích khu nghĩa trang, xong chờ cho đất khô, chỉnh trang phân lô nhà cho dân (CTPT vận động nhiều tổ chức phi chính phủ giúp vật liệu xây dựng), dành được một mặt bằng rộng hơn cả mẫu nằm trên mặt tiền con đường Chánh Hưng chiến lược (theo bản đồ Canh cải của Chính phủ 1960). Vị trí này tuy không phải là trung tâm của quận, nhưng nằm giữa đồng trống không khí trong lành và thuận tiện cho việc đi lại của học sinh ở cả quận ngoại thành là Bình Chánh (thuộc tỉnh Gia Định) kế cận.

3. Chuẩn bị nhân sự cho việc điều hành trường và lập Ban Vận động thành lập trường

Trường Trung học Cộng đồng, theo quan niêm của anh em trong CTPT, cần phải được điều hành bởi một đội ngũ thầy cô giáo có tinh thần cộng đồng, nên đã xin Bộ Giáo dục(6) thuyên chuyển một số thầy giáo từng hoạt động xã hội về Bộ Thanh Niên, rồi Bộ Thanh niên bố trí đến Quận 8 để hòa mình vào sinh hoạt và công tác ở địa phương, đồng thời tìm hiểu về quần chúng sau này sẽ là phụ huynh học sinh của trường. Và chủ yếu là tham gia vào Ban Vận động thành lập Trường Trung học, ở Quận 8 (và kế tiếp là Quận 6). Đó là các thầy Uông Đại Bằng, Nguyễn Phúc Khánh, Dương Văn Long, Hồ Công Hưng, Nguyễn Ngọc Thạch, Trần Bá Phẩm, Nguyễn Đức Tuyên, Võ Văn Bé, hai thầy này lần lượt làm hiệu trưởng Trường Trung học Cộng Đồng Quận 6, ra đời sau đó một năm.

Ông Uông Đại Băng (2014), Hiệu trưởng, giáo sư Anh văn & Triết Trường THCĐQ*/LVC (1966-1977). Nguồn: http://luongvancan.avcyber.com/
Ông Uông Đại Bằng (2014), Hiệu trưởng, giáo sư Anh văn & Triết Trường THCĐQ8/LVC (1966-1977). Nguồn: http://luongvancan.avcyber.com/

Trong mọi công tác cải tiến dân sinh, dù lớn như chỉnh trang các khu nhà ổ chuột hay nhỏ như tráng xi măng một con hẻm, CTPT đều áp dụng phương thức phát triển cộng đồng. Nghĩa là khơi dậy nơi đồng bào địa phương nhận biết nhu cầu cải thiện đời sống cộng đồng, rồi đề cử một ủy ban gồm những người có uy tín và qua ủy ban này, cùng nhau góp sức tham gia thực hiện những công việc có ích lợi chung cho cả cộng đồng. Người cán bộ thiện nguyện (còn gọi là tác viên xã hội) chỉ có vai trò chính yếu là làm chất men, chất xúc tác nhằm gây ý thức cho nhân dân, chứ không hề là người ban cho dân bất cứ điều gì. Trong tinh thần đó, sau nhiều lần tìm hiểu và thảo luận với các thân hào nhân sĩ, các thầy cô giáo cũng như các phụ huynh trong quận, CTPT đã thành lập một tổ chức với danh xưng khiêm tốn là Ban Vận động Thành lập Trường Trung học Quận 8. Một số thành viên của Ban Vận động, sau khi có con em vào trường, đã tham gia Hội Phụ huynh học sinh để cộng tác với Ban Giám hiệu điều hành trường. Vì thế Hội phụ huynh học sinh của trường sau này mang tên “Hội Phụ huynh và Giáo chức” theo kiểu PTA (Parents and Teachers Association) của nhiều nước trên thế giới, vì có sư phối hợp giữa thầy cô và cha mẹ học sinh.

4. Qui chế Trường Đô Thị và Tỉnh hạt ra đời từ một thỏa hiệp với Bộ Giáo Dục

Thời đó, ở miền nam, chỉ có ba loại trường trung học: Công lập, Bán công và Tư thục. Ban đầu, Ban Vận động Thành lập trường chỉ nghĩ đơn giản là giao đất cho Bộ Giáo dục để mở một trường trung học công lập, theo tinh thần cộng đồng, để con em trong quận được đi học miến phí hoàn toàn. Với lý do mặt bằng xây dựng là của cộng đồng, CTPT sẽ yêu cầu Bộ Giáo dục cho phép trường chỉ nhận học sinh cư ngụ trong Quận 8 và Bình Chánh (theo Tờ khai Gia đình, một thứ Hộ khẩu) và bổ nhiệm Hiệu trưởng theo đề nghị của mình. Tuy nhiên khi tiếp xúc với các viên chức Bộ Giáo dục, thì được biết: Bộ chưa có dự trù ngân sách cho việc xây cất ngôi trường nào trong phạm vi thành phố. Vả lại, Bộ vừa mới thành lập Trường Trung học Quận 7 năm học 1965-1966 (tức THP Ngô Gia Tự ở phường 15, Quận 8 bây giờ). Muốn xây dựng một trường mới, cần trải qua thủ tục phức tạp, Bộ Giáo dục phải được Bộ Tài chánh đồng ý cấp cho một ngân khoản cần thiết và sau đó tiến hành xây dựng trường qua thủ tục đấu thầu. Như vậy không biết đến bao giờ mới có trường, trong khi đối với CTPT, đây là vấn đề cấp bách không thể trì hoãn.

Sau nhiều lần trao đổi giữa Bộ Giáo dục và CTPT, hai bên đi đến một thỏa hiệp như sau: Địa phương Quận 8 lo xây dựng cơ sở trường ốc và trang bị bàn ghế dụng cụ học tập và trả lương cho nhân viên, còn Bộ Giáo dục chỉ có trách nhiệm cung ứng đầy đủ số giáo chức cần thiết cho việc điều hành và giảng dạy. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục coi thỏa hiệp này là điều quá mới mẻ, nên giao cho Phòng Pháp chế nghiên cứu để đệ trình chính phủ ban hành thành luật. Qui chế Trường Đô thị, Thị xã và Tỉnh hạt ra đời do Sắc lệnh số 168-GD/SL ngày 8.10.1966 và Nghị định số 1297-GD/TC/NĐ ngày 7.6.1967. Nhờ qui chế này mà có thêm rất nhiều trường trung học ở các vùng xa xôi hẻo lánh.

Ngày 20.10.1966, Trường Trung học Cộng đồng Quận 8 khai giảng năm học đầu tiên chỉ do “giấy cho phép” của Bộ Giáo dục. Đến năm sau, khi có qui chế pháp định rồi, Bộ Giáo dục mới thừa nhận Trường. Cũng đầu năm học 1967, Trường còn được Bộ Giáo dục chọn trong số 11 trường trung học toàn miền Nam áp dụng chương trình Tổng hợp (Comprehensive School), nghĩa là được tăng cường thêm các môn kỹ thuật (dành cho nam), kinh doanh (cho nam nữ) và kinh tế gia đình (chỉ cho nữ). Như vậy, cái tên đầy đủ của Trường phải là Trung học Cộng đồng Đô thị Tổng hợp Quận 8.

5. CTPT tiếp tục giúp trường trong những năm học đầu còn khó khăn

Trong những năm đầu hoạt động, còn khó khăn về cơ sở vật chất cũng như điều kiện học tập và sinh hoạt, CTPT đã yểm trợ hết mình cho Trường. Dãy nhà ngang gồm 4 phòng học cho 8 lớp (2 lớp đệ Lục và 6 lớp đệ Thất, lớp 7 và 6 ngày nay), văn phòng hiệu trưởng và nhà kho, do thầy Nguyễn Phúc Khánh chỉ đạo xây dựng gấp cho kịp khai giảng năm học đầu tiên, không thể đón nhận 6 lớp mới cho năm học 1967-1968. Vì thế ngay trong năm học đầu, CTPT đã nhờ một kiến trúc sư bạn là Trương Đức Nguyên Trang vẽ qui hoạch tổng thể ngôi trường hoàn chỉnh, để dựa vào đó CTPT vận động tài chánh, cộng với tiền lệ phí hàng tháng của học sinh và do Hội Phụ huynh quản lý, xây dựng dần theo nhu cầu phát triển của trường. Sau Tết Mậu Thân, dãy nhà ngang bị tàn phá, với kinh phí của CTPT, thầy Khánh cũng lo xây cất một nhà chơi (préaud) lớn bằng cột gỗ lợp fibro-ciment trên một phần nền dãy nhà này (bây giờ là nơi làm sân khấu).

Ngoài ra, CTPT còn nhờ một số anh chị du ca xuống trường ngày chủ nhật để tập cho các học sinh ca hát và sinh hoạt tập thể, nhằm mục đích tạo môi trường thân thiện và vui tươi với các em, có thể bù đắp phần nào căn nhà nhỏ hẹp của các em trong những con hẻm sâu tồi tàn. Lâu lâu, nhà trường cần tổ chức cho các lớp đi tham quan hay dã ngoại ở xa, CTPT vận động giúp phương tiện di chuyển và một phần chi phí tổ chức để đở gánh nặng cho phụ huynh. Bởi vì, lúc đó CTPT đã trở nên một tổ chức đủ uy tín để giao dịch với các cơ quan và đoàn thể từ thiện trong nước và nước ngoài, có khả năng giúp đỡ Trường về nhiều phương diện.

Công việc yểm trợ này chấm dứt khi CTPT giải tán vào năm 1971. Năm đó, Trường đã có 38 lớp với trên 1.500 học sinh.

Kết luận: Tinh thần cộng đồng cần được tiếp tục phát huy trong nhà trường

Đầu năm học 1974-1975, Giám đốc Nha Trung học (lúc bấy giờ là ông Phạm Tấn Kiệt) gửi văn bản yêu cầu trường đổi tên Trường, lấy tên một danh nhân với điều kiện không được trùng với tên một trường đã có trước. Hội đồng giáo sư (bây giờ là Hội đồng sư phạm) họp và chọn tên cụ Lương Văn Can trong số các tên khác là Lê Thánh Tôn và Đào Duy Từ. Như vậy, cái tên Trung học Cộng đồng chỉ còn là chuyện của quá khứ, trên 40 năm.

Tuy nhiên, không có quá khứ thì không có hiện tại, lại càng không thể có tương lai. Trong năm 2016 sắp đến, khi mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, dù muốn hay không, chúng ta cũng nhắc đến quá trình đầy khó khăn để hình thành nên ngôi trường ngày nay, cùng với sự đóng góp của rất nhiều người, gồm cả những kẻ chết đã phải di dời nhường đất xây dựng trường. Quá trình thành lập sẽ luôn là thành phần thiết thân, là những trang đầu trong truyền thống của Trường THPT Lương Văn Can. Nhưng điều quan trọng không phải là kể công nhóm người này hay tổ chức kia mà là xác định lại ý hướng ban đầu khi trường được tai nghén, rồi thành hình. Đó là tạo cho các thế hệ trẻ xuất thân từ mái trường này có tinh thần phục vụ cộng đồng vốn là điều kiện thiết yếu để một cộng đồng, dù nhỏ hay lớn, dù ở thời đại nào, được thăng tiến và phát triển bền vững.

Tháng 1, 2015

banner_PIC_3
Lương Văn Can Alumni Online. Nguồn: http://luongvancan.avcyber.com/

_________________________________
(*) Chỉ xin nhắc ở đây một số chức vụ quan trọng: Bác sĩ Hồ Văn Minh, Quản lý CTPTQ8, luật sư Đoàn Thanh Liêm, phụ trách đối ngoại, thầy Hồ Ngọc Nhuận (nguyên giáo chức tư thục, lúc đó là thiếu úy), Quận trưởng và ông Mai Như Mạnh (tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh) là Phụ tá hành chánh của Quận trưởng.

 

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Đôi điều về Chương trình Phát triển quận 8 trong quá trình thành lập trường Trung học Cộng đồng Quận 8 (sau này mang tên Lương Văn Can). Hồ Công Hưng, Tháng 1, 2015.

DCVOnline giới thiệu, minh họa và chú thích.

(1) International Voluntary Services (IVS) là một tổ chức dân sự hoạt động xã hội do “giáo hội tự do” Mennonites, Brethren, và Quaker tại Mỹ sáng lập năm 1953 tổ chức những đoàn thanh niên chí nguyện đến làm việc ở những khu vực kém phát triển trên thế giới để xóa nghèo đói, bệnh tật, nạn mù chữ, tóm lại là những hoạt động phát triển cộng đồng hầu đem lại hòa bình, hạnh phúc, thịnh vượng cho người dân.

International Voluntary Service yaji Miên Nam Việt Nam (1961). Nguồn:  John Dominis/LIFE/ © Time Inc.
International Voluntary Service tại Miền Nam Việt Nam (1961). Nguồn: John Dominis/LIFE/
© Time Inc.

Tại Việt Nam IVS có 120 nhân viên người Mỹ, 3 người Phi Luật Tân, 2 người Canada, 2 người Đài Loan, 10 nhân viên thông dịch và văn phòng là người Việt Nam. Tính đến năm 1967, IVS có đến 200 nhân viên gồm 80 giao chức, 40 chuyên viên canh nông, 60 nhân viên đặc trách phát triển cộng đồng, thanh niên, người tị nạn, và 20 nhân viên phụ trách hành chánh.

Chi tiêu của IVS năm 1965 là 275.000 USD; Ngân sách 6/66-7/67 của IVS lên đến 1,5 triệu USD bằng hợp đồng với Agency for International Development (AID của Mỹ) không kể phần chi trả lương bổng, nhà ở, và phương tiện di chuyển của chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho nhân viên địa phương.

IVS có ba khu vực hoạt động xã hội chính là

  • Canh nông – Huấn luyện cán sự canh nông, hướng dẫn những kỹ thuật canh tác mới, v.v.
  • Phát triển Cộng đồng với sự hợp tác của chính phủ Việt Nam tại địa phương – Một là những dự án tự giúp như xây trường học, dựng nhà chợ, cải tiến đời sống về vệ sinh và y tế, phát triển trường dạy nghề, cải thiện cách tổ chức cộng đồng. Hai là các dự án tái thiết thành thị. Ba là viện trợ những công tác xã hội do thanh niên và học sinh từ các hội đoàn thanh niên địa phương đảm nhận.
  • Giáo dục – Cử giáo viên dạy Anh ngữ và hướng dẫn giáo chứ ở các xưởng thực tập dạy các môn khoa học bằng những phòng thí nghiệm lưu động.

IVS có 20 khu vực hoạt động ở vùng cao nguyên Trung phần, kể cả Sài Gòn, Ban Mê Thuột, Đà Nẵng Tuy Hòa, Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt, vùng duyên hải Nam phần và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức dân sự Mỹ này cũng Hợp tác với USAID, USIS, và Quỹ châu Á (ASIA Foundation), và nhận hỗ trợ từ CARE, Catholic Relief Services, and Vietnam Christian Service.

Đến 19 tháng 9, năm 1967, 49 thành viên thiện nguyện của IVS đồng loạt từ nhiệm và gởi thư đến Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Ellsworth Bunker, cũng như tờ Nữu Ước Thời báo (The new York Times). Trong thư có đoạn:

“Là những người tình nguyện với International Voluntary Services hoạt động trong ngành nông nghiệp, giáo dục và phát triển cộng đồng, chúng tôi sống với người Việt Nam và đã học tiếng Việt Nam. Chúng tôi đã theo dõi và chia sẻ nỗi đau khổ của họ kể từ năm 1958. Những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe nói về những ảnh hưởng của chiến tranh buộc chúng tôi phải có tuyên bố này. Không ai hiểu những vấn đề người dân phải gánh chịu và tiếng nói của họ bị bóp nghẹt quá lâu. Chúng tôi nhận thấy rằng ngày càng khó khăn để theo đuổi mục tiêu chính của chúng tôi: giúp người dân Việt Nam. Những thành công nhỏ của chúng tôi đang bị bạo lực và sự tàn phá xung quanh phủ nhận.  Ở lại Việt Nam và im lặng là không đáp ứng được nhu cầu đầu tiên của người Việt – đó là hòa bình”

Theo Winburn T. Thomas thì gần ba mươi phần trăm người tình nguyện của IVS cho rằng chính sách của chính phủ Mỹ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hoạt động của họ để giúp người dân Việt Nam. (The Vietnam Story of International Voluntary Services, Inc., Washington, D.C.: International Voluntary Services, Inc., 1972, 27.)

Tham khảo:
– TAICH, South VietNam, Assistance Programs of U.S. Non-Prof it Organizations, March 1967, The American Council of Voluntary Agencies for Foreign Service operates TAICH under contract with U.S. Agency for International Development, trang 11-12
Douglas Bell, Stuck in the Middle: International Voluntary Services and the Humanitarian Experience in Vietnam, 1957 – 1971, 30 April 2012.
Hope Benne, A Volunteer in Viet Nam. Cập nhật lần cuối April 4, 2015

(2) Một tổ chức dân sự khác của Mỹ viện trợ cho CTPTQ8 là CARE (Cooperative for American Relief Everywhere, Inc.) có trụ sở ở số 34 Ngô Thời Nhiệm tại Sài Gòn. Nguyên thủy đây là một tổ chức cứu trợ do 22 tổ chức từ thiện dân sự, tôn giáo, công đoàn, hợp tác xã, tập họp lại và thành lập sau Đệ Nhị Thế chiến để cứu trợ nạn nhân chiến tranh tại châu Âu.

CARE. Nguồn: OntheNet
CARE. Nguồn: OntheNet

Tại Việt Nam, 6 tháng đầu năm 1968 CARE đã chi tiêu 184,356 USD cho viện trợ thực phẩm, và 263,685 USD viện trợ dụng cụ và vật liệu. Ba lãnh vực hoạt động của CARE là

  • Giáo dục: Cung cấp vật liệu xây dựng trường học, máy đánh chữ, máy bơm, máy nổ cho các lớp học cơ khí ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung, trường dậy dánh máy ở Dĩ An, Biên Hòa, trường dạy nghề của chính phủ ở Quảng Ngãi, Gỗ đóng bàn cho trường Bùi Hiệp gần Biên Hòa.
  • Sản xuất thực phẩm: Cung cấp dụng cụ diệt sâu cho Hội Nông dân ở Anh Giang, viên trợ heo con, gà con, thực phẩm gia súc, và thuốc men ở tỉnh Sa Đéc.
  • Nhà cửa: Cung cấp gỗ xây nhà tạm trú cho nạn nhân chiến tranh ở Phú Thọ Hòa (Saigon) cũng như gỗ xây cất 300 căn nhà ở tại Phường Hưng Phú (Quận 8 Sài Gòn)
    Cứu trợ và vật liệu: Phân phối gạo, vải màn, dụng cụ rèn, mộc, hồ, canh nông, cơ khí, v.v. cho nạn nhân chiến tranh

CARE hợp tác với USAID; Chính phủ Nam Việt Nam, các Bộ Xã hội, Y tế, quân đội, thanh niên; Toán Công tác Dân sự của Quân đội Mỹ, IVS, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Phụ nữ Việt Nam.

Tham khảo:
– TAICH, South VietNam, Assistance Programs of U.S. Non-Prof it Organizations, August 1968, The American Council of Voluntary Agencies for Foreign Service operates TAICH under contract with U.S. Agency for International Development, trang 10.

(3) Đoàn Thanh Liêm, “Thanh Thiếu Niên Và Công Tác Xã Hội (Bài 2) – Chương Trình Công Tác Hè 1965 (Summer Youth Program 1965)”, danchimviet.info, 13 /08/2011
(4) Lương Văn Can Alumni Online, Cựu giáo sư – Nhân viên.
(5) Lúc đó Tổng Ủy viên Thanh niên và Thể thao là ông Võ Long Triều thuộc nội các Nguyễn Cao Kỳ (Ủy ban Hành pháp Trung ương, từ 6-1965 đến tháng 11-1967). Đô trưởng Sài Gòn khi CTPTQ8 bắt đầu là Đại tá y sĩ Văn Văn Của.
(6) Tổng Ủy viên Giáo dục thuộc Ủy ban Hành pháp Trung ương lúc đó là ông Nguyễn Văn Trường