Giới tài chánh cấp hai ở Bắc Kinh

Paola Subacchi (FP) | Trà Mi dịch

china1Thị trường tài chánh ở Bắc Kinh chao đảo trong tuần qua khẳng định những gì mọi người đã biết: Trung Quốc là một thực lực quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Rất tiếc giới lãnh đạo kinh tế ở đó không biết họ đang làm cái gì.

Trung Quốc: 10 năm tăng trưởng kinh tế. Nguồn: WSJ/IMF
Trung Quốc: 10 năm tăng trưởng kinh tế. Nguồn: WSJ/IMF

Còn cách nào tốt hơn để Trung Quốc củng cố vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu hơn là làm ngòi nổ của một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới? Đó là Hoa Kỳ vào năm 2008 và châu Âu vào năm 2011 và 2012; bây giờ đên lượt Trung Quốc đang gây chấn động trong thị trường tài chính. Cũng như Bắc Kinh khẳng định, nền kinh tế toàn cầu hiện nay là đa cực – không chỉ có một khối sau lưng Mỹ, chiếm ưu thế với đồng USD làm bản tệ. Và có muốn hay không, Trung Quốc đã trở thành một trong những cực đó – có lẽ trước khi Bắc Kinh ở vào thế sẵn sàng.

Để hiểu sự thay đổi của thế giới và vai trò Trung Quốc, hãy coi lại những cuộc khủng hoảng tài chính gần đây. Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã tàn phá một số nền kinh tế trong khu vực, từ Thái Lan đến Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn ở bên lề của cuộc khủng hoảng đó. Khi đó, mặc dù nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và xuất cảng mạnh, Trung Quốc là một nền kinh tế cô lập về tài chính với một đồng tiền không thể trao đổi với ai và vẫn còn ở bên lề của hệ thống thương mại quốc tế; tại thời điểm đó, các lãnh đạo Trung Quốc đang bận thực hiện những cải cách cần thiết để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, mà cuối cùng đã xảy ra vào năm 2001.

Năm 2008, khi sự sụp đổ của công ty tài chính Lehman Brothers gần như đã làm đình trệ toàn bộ hệ thống ngân hàng và hệ thống tài chính Mỹ – gây tác động đáng kể cho phần còn lại của thế giới – Trung Quốc, một lần nữa, phần lớn vẫn bị cô lập về tài chính, với đồng bạc không có giá trị trao đổi. Như vậy, giống như các nước đang phát triển khác, Trung Quốc đã giữ mình cô lập, không bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng lại bi ảnh hưởng vòng thứ hai trong nền kinh tế thực – thực thế, cuộc khủng hoảng ở Hoa Kỳ và sau đó ở châu Âu dẫn đến sự sụt giảm xuất cảng của Trung Quốc .

Lần này khác. Trung Quốc không còn là một nền kinh tế ở bên lề như trong năm 1997, cũng không phải là một phần tử ngoài cuộc vô tội như trong năm 2008. Trung Quốc là cốt lõi của vấn đề của sự bất ổn tài chính hiện nay. Với khoảng 16 % tổng sản lượng của thế giới, Trung Quốc là một thành phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời nhiều nước tiên tiến đang kẹt trong hai gọng kìm của tiêu chuẩn mới của tăng trưởng thấp và áp lực giảm phát, do đó sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ gây rắc rối trong suốt chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc.

Nhu cầu hàng hóa của các công ty Trung Quốc đã giảm – mức nhập cảng của nhiều mặt hàng công nghiệp giảm trong nửa đầu của năm 2015, kể cả quặng sắt giảm 1% và đồng giảm 11%. Những số liệu gần đây về hoạt động kinh tế – trong đó có giảm so với cùng năm là 0,1% tăng trưởng sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng, 0,2% trong tăng trưởng doanh số bán lẻ và 2.1% trong tăng trưởng đầu tư tài sản cố định – đã làm sứt mẻ niềm tin của giới đầu tư, cả ở Trung Quốc và ở nước ngoài. Và cuối cùng, sự sụt giá lớn bất ngờ ở thị trường chứng khoán Trung Quốc và việc điều chỉnh giá trị của đồng nhân dân tệ không đúng lúc – bị xem là để cho đồng nhân dân tệ trở nên bản tệ dựa vào thị trường nhiều hơn – giới đầu tư toàn cầu đều bị đẩy trật đường rầy .

Giới đâu tư thị trườn chưng khoá ở Thượng Hải. Nguồn: www.ibtimes.co.uk
Giới đâu tư thị trườn chưng khoá ở Thượng Hải. Nguồn: www.ibtimes.co.uk

Không cần đến một cọng rơm lớn, lưng con lạc đà này đã đã sụp. Thị trường thế giới đã rất lo lắng về Trung Quốc trong thời gian qua. Trước sau gì thì đây vẫn là một quốc gia với hệ thống quản trị mù mờ và có mức độ nợ hơn 250% của tổng sản phẩm trong nước, là ví dụ duy nhất trong số các nước có thu nhập mức trung. Người tiết kiệm không có nhiều lựa chọn ngoài tiền gửi ngân hàng với lãi xuất quá kém đã gây ra tình trạng bong bóng trong hệ thống tài chính – chẳng hạn như trong lĩnh vực bất động sản và gần đây hơn, trong cái gọi là khu vực “ngân hàng ngầm”, qua đó người tiết kiệm bị thu hút vào các kiểu làm giàu mau và rủi ro cao vì lãi suất cao hơn so với tiền gửi ngân hàng. Ngoài ra, sự gia tăng giá trị thị trường rất lớn của các công ty Trung Quốc trong khoảng tháng 5 năm 2013 và tháng 5 năm 2015 – hơn 150% – tương phản một cách đáng ngờ với sự tăng trưởng nhỏ ở nhiều nền kinh tế tiên tiến. Khi định giá ngày càng không bền vững, giới đầu tư trở nên nhạy cảm hơn với tin xấu và có thể kích hoạt một sự điều chỉnh thị trường đáng kể.

Ngay cả suy thoái trong nền kinh tế Trung Quốc, như đã thấy trong thời gian qua như là một phần của kế hoạch cải cách mô hình tăng trưởng của Trung Quốc, đã trở thành một mối quan tâm. Khuynh hướng hiện nay đổi hướng tập trung, xoay vào nhu cầu trong nước – thay vì xuất khẩu – và để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả và cân bằng hơn các nguồn lực, gồm cả vốn tài chính. Việc cải cách ngân hàng và khu vực tài chính để xây dựng một nền kinh tế thị trường với “sắc nét Trung Quốc” là một phần của kế hoạch tổng thể này, và gồm cả việc làm cho cả lãi suất và tỷ giá theo định hướng thị trường nhiều hơn, thay vì do các cơ quan chính phủ xắc định dựa trên cơ sở các mục tiêu chính sách của họ.

Thực hiện kế hoạch này là vấn đề phức tạp về chính trị, và cho đến nay nó vẫn còn lộn xộn, thường bằng những chính sách mâu thuẫn. Ví dụ, quyết định vào đầu tháng này để cho phép việc kinh doanh đồng nhân dân tệ được linh hoạt hơn rất không đúng lúc khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phải can thiệp nhiều lần để hỗ trợ đồng bạc – hoàn toàn ngược lại với những kết quả mong đợi. Thiếu kinh nghiệm trong giao tiếp với thị trường có thể là một nguyên nhân giải thích cho quyết định sai lầm này – thống đốc ngân hàng ngay cả không xuất hiện trong buổi họp báo của mình về vấn đề này – hai là thiếu sự tín nhiệm, hoặc cả hai. Thực tế là Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu của thị trường toàn cầu, nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc chơi lớn với thị trường thế giới. Trong lúc giới làm chính sách TQ đang loay hoay tìm đường đi thì thị trường chứng khoán tại Mỹ và châu Âu đã bị hiệu ứng, và tiền tệ trong nền kinh tế thị trường mới nổi – từ Malaysia sang Nga – đã đột ngột bị ảnh hưởng tiêu cực vì sự mất giá của đồng nhân dân tệ.

Đáng kể hơn nữa, áp lực hiện nay với Ngân hàng Trung ương tại Mỹ (the Federal Reserve) là cần giữ lãi suất ở nguyên trạng cho đến khi giới hữu trách Trung Quốc kiểm soát được tình hình ở Hoa Lục, hoặc ít nhất là cho đến khi thị trường tin rằng họ đã kiểm soát được nó.

Tất nhiên, Trung Quốc có một số công cụ để dọn dẹp đống rác của mình. Với 3,6 ngàn tỉ trong dự trữ ngoại hối, giảm từ mức cao nhât là 3,99 ngàn tỉ vào năm 2014, Bắc Kinh vẫn có chỗ để cọ quậy – hoặc bằng cách hỗ trợ đồng nhân dân tệ hoặc bằng cách mua vào các thị trường chứng khoán. Nhưng đây chính là vấn đề. Can thiệp vào thị trường làm giời đầu tư lại chờ đợi sự can thiệp thị trường hơn nữa, và như thế là rơi vào vòng xoáy tự tạo và sẽ đưa Trung Quốc ngày càng xa với vốn và thị trường tiền tệ để có khả năng giải quyết một số vấn đề của riêng họ. Cách đây không lâu, các cuộc thảo luận về Trung Quốc tập trung vào những cố gắng của TQ để làm cho đồng nhân dân tệ trở thành một tài sản quốc tế và một đồng tiền dự trữ. Nhưng làm sao mà đồng nhân dân tệ có thể như thế được khi chính quyền TQ sẵn sàng và sẽ thường xuyên can thiệp vào thị trường chứng khoán và quyết định tỷ giá hối đoái?

Trung Quốc đã cho phép ông thần thoát khỏi trong chai và không biết làm thế nào để đẩy ông ta trở lại. Vì vậy, chính quyền TQ có nên để cho thị trường tự điều chỉnh hay không? Một sự điều chỉnh như vậy có thể quét bay hết những khoản tiết kiệm của nhiều gia đình, vì phần lớn thị trường chứng khoán Trung Quốc đang ở trong tay của người tiết kiệm. Hoặc chính quyền cần can thiệp và, ví dụ, đặt giới hạn bán cổ phiếu? Điều này sẽ ổn định thị trường tài chính và tài sản quốc gia nhưng lại đánh mất sự tín nhiệm trước trường quốc tế.

Không có lựa chọn dễ dàng. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là: Trung Quốc đã trở thành một thực lực quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu trước khi hoàn thành những việc cần thiết là tái cân bằng nền kinh tế và cải cách tài chính, và chọn đi theo con đường mới này sẽ rất gập ghềnh cho Trung Quốc và thế giới.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: The Bush Leaguers of Beijing. PAOLA SUBACCHI Foreign Policy. AUGUST 27, 2015. DCVOnine minh hoạ.