Chấm dứt tra tấn tù nhân lương tâm tại Việt Nam?
John Coughlan
Phải làm rất nhiều hơn nữa nếu muốn việc chấm dứt tra tấn tại Việt Nam có thể trở thành hiện thực.
Thứ Tư tuần trước, Vũ Minh Khánh, vợ của luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài đang bị tù, lặng lẽ trở về Việt Nam sau chuyến đi vận động tại Hoa Kỳ, Châu Âu và châu Úc và đã bị bắt ngay tại sân bay Hà Nội.
Chính phủ ở Hà Nội không xem nhẹ những nỗ lực của người dân nhằm nâng cao nhận thức của thế giới về hồ sơ nhân quyền có vấn đề của Việt Nam ở nước ngoài. Chồng của Khánh bị bắt vào tháng 12 năm 2015 trên đường đi đến một cuộc họp với các đại diện Liên minh châu Âu để thảo luận về chính chủ đề này, nên bà hiểu rất rõ điều này.
Tuy thế, bà đã có quyết định can cảm đi nước ngoài để nâng cao nhận thức về hoàn cảnh tù đày của chồng mình. Trong chuyến đi, Khánh nói rằng bà không phải là một người vận động nhưng đã buộc phải hành động vì thiếu niềm tin vào hệ thống tư pháp của Việt Nam và vì sợ rằng Đài sẽ bị 20 năm tù nếu bị kết án về tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước” như chính quyền đã lên án ông.
Khánh đã bị giữ ngay sân bay, bị thẩm vấn nhiều giờ trước khi được trả tự do vào ban đêm. Trong khoảng thời gian đó, một nhóm nhỏ bạn bè và những người hoạt động đã tụ tập bên ngoài sân bay để đón Khánh thì không được thông tin bà đang ở đâu.
Đây không phải là điều hiếm có. Khi nói về việc đối xử với chồng bà trong chuyến đi vận động, Khánh đã cho hay rằng bà đã không thấy và cũng không nghe về ông kể từ ngày Đài bị bắt. Bà giải thích rằng mặc dù ông bị viêm gan B, bà không có cách nào để biết liệu Đài có cần điều trị hay không? Và nếu cần thì nhà chức trách có điều trị hay không? Thật vậy, trong khi Khánh tin rằng Đài đang bị giam tại trung tâm giam giữ B14 tại Hà Nội, bà nói rằng bà không thể chắc chắn về điều này vì thành tích di chuyển các tù nhân lương tâm giữa các cơ sở giam giữ khác nhau của chính quyền Việt Nam.
Trường hợp của Đài là tiêu biểu cho cách đối xử cố hữu của chính quyền Việt Nam trong những trường hợp liên quan đến tù nhân lương tâm – những người đã bị bắt giam vì tín ngưỡng và / hoặc những hoạt động ôn hòa của họ. Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, hiện nay có ít nhất 84 tù nhân lương tâm tại Việt Nam, con số cao nhất trong bất kỳ quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Vào thứ Tư, 13/7/2016, tổ chức Ân xá Quốc tế sẽ công bố một báo cáo nói rõ cách chính quyền đối xử với tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Báo cáo này được viết dựa trên một loạt các cuộc phỏng vấn dài với ngững người cựu tù nhân lương tâm, tất cả đều đã được trả tự do trong 5 năm vừa qua, và sẽ làm sáng tỏ cảnh bên trong những nhà tù kín bưng và các trung tâm giam giữ của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Báo cáo sẽ mô tả chi tiết về những loại hình tra tấn và ngược đãi tù nhân lương tâm gồm buộc phải mất tích; bị biệt giam dài ngày; hành hạ đau đớn nghiêm trọng về thể chất và tâm hồn; không được điều trị y tế; và trừng phạt người tù lương tâm bằng cách chuyển họ đi nhiều nhà tù trong cả nước, cách ly họ với gia đình và mạng lưới hỗ trợ.
Mục tiêu của các hành động ngược đãi này đơn giản nhằm buộc các tù nhân lương tâm phải “thừa nhận” những cáo buộc chống lại họ và để trừng phạt họ vì những hoạt động của họ, ở cả thế giới bên ngoài và ở trong nhà tù. Những người được phỏng vấn nói với tổ chức Ân xá Quốc tế họ bị đánh đập, bị cho điện giật, và trong một trường hợp, bị công an và nhân viên nhà tù đốt như thế nào và họ đã trải qua những tháng ngày dài trong nhà tù biệt giam, trong bóng tối và im lặng hoàn toàn ra sao.
Một người được phỏng vấn nói với tổ chức Ân xá Quốc tế là bà đã bị giam trong một nhà tù cách xa gia đình 2.000 km. Một người khác đã kể lại việc đã bị bỏ trong cái gọi là bệnh xá của trại giam trong hai năm rưỡi mà không được điều trị y tế cá nhân trong khi 11 tù nhân khác đã bị nhiễm HIV hoặc bị AIDS, lần lượt chết xung quanh bà vì cần được điều trị y tế.
Báo cáo của chúng tôi dựa trên lời khai về những sự kiện đã xẩy ra trước khi Việt Nam thông qua Công ước LHQ về chống Tra tấn, nhưng nó cũng đưa ra ánh sáng những thông tin liên quan đến 84 tù nhân lương tâm hiện nay tại Việt Nam, một số người trong số đó được biết đến hoặc được cho là đã phải chịu đựng cùng những đối xử như vậy.
Việt Nam thông qua Công ước LHQ về chống Tra tấn vào năm 2015 là một bước tích cực, nhưng những trường hợp như của Đài cho thấy còn rất nhiều điều cần phải thực hiện nếu muốn việc chấm dứt tra tấn tại Việt Nam có thể trở thành hiện thực.
John Coughlan là người nghiên cứu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế về Việt Nam, Campuchia và Lào.
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Ending Torture of Prisoners of Conscience in Vietnam. John Coughlan. The Diplomat, July 12, 2016