Ông bõ kéo chuông

Nguyễn văn Lục

Từ lúc tờ mờ sáng, đã nghe tiếng chuông ban mai hối hả thúc dục. Chẳng ai bảo ai, mọi người trong nhà choàng dậy lo đi nhà thờ. Cái cảm giác đó đã sáu mươi năm có lẻ rồi. Nhanh đến thế. Nay nơi xứ người, cũng tiếng chuông đó, xin ghi lại ít dòng nghĩ đến ông bõ nhà xứ cách xa đây nửa vòng trái đất, heo hút ở một xứ đạo nhà quê.

Từ ông bõ kéo chuông ở một xứ đạo Việt Nam đến người kéo chuông xứ người

Bõ nhà xứ tôi ở thui thủi một mình. Cũng chẳng ai biết bõ từ đâu tới, con cái nhà ai, gia cảnh ra sao… Hình như tất cả những câu hỏi đó là thừa. Cũng thừa như cuộc đời của bõ. Bỏ như cái bóng trong nhà xứ. Đã bao nhiêu năm như thế rồi nhỉ? Bõ sống như cây cỏ, gương mặt phẳng lỳ, không vui cũng không buồn, lủi thủi với cái dùi gõ mõ đánh vào con cá gỗ dài cả thước ta treo trước hiên nhà xứ. Đã bao nhiêu năm rồi, từng ngày, từng giờ, bất kể mưa nắng, bất kể ngày lễ tết. Bõ dùng cái dùi đánh vào con cá gỗ rỗng bụng đến độ cái bụng cá sần sùi tróc vẩy, lép vào. Tại sao không phải là cái gì khác mà là con cá dùng để khua mõ? Phải, bất cứ cái gì cũng được, nhưng không phải con cá? Con cá tội tình gì để từ dưới ao hồ bơi lội tung tăng trở thành con cá gỗ, thành cái mõ cho người ta đánh vào? Hình thù méo mó, mổi ngày mỗi mòn đi, dị dạng đến không nhận ra cá nữa? Còn bõ, tội tình gì để suốt đời làm một công việc vô vị là gõ mõ vào bụng cá hoặc kéo chuông nhà thờ? đời sống có những việc tưởng chừng tự nhiên, tưởng chừng như thế là như thế, nhưng sâu vào trong, truy ra cội nguồn vô lý đến không hiểu được.

Tháp chuông nhà thờ Faitima, Bình Triệu, Việt Nam. Nguồn: OntheNet

So ra bõ không khác gì con cá gỗ. Họ như chung một thân phận, một cội nguồn, dính vào nhau như thế cả đời. Một thứ liên hệ phi lý, dính vào nhau, có cái này thì như thể không có cái kia. Vóc người bõ teo lại như cá, nhỏ thó như xác ve, bơi lội trong chiếc áo nâu sồng, rộng thùng thình. Cuộc sống của bõ đều đặn chính xác như hai cây kim đồng hồ chặp vào nhau. Mà làm gì có đồng hồ? Vậy căn cứ vào cái gì để bác biết giờ mà kéo chuông? Sự nghi ngờ này cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa có câu trả lời? Bõ lại ít nói, bõ hiền lành, bõ lại không mất lòng ai, bõ chăm chỉ suốt ngày lui cui việc nọ, việc kia. Ai đã dạy bõ như thế, ai đã chỉ để bác sống một cuộc đời không phiền hà người khác? Nếu có đường lên cổng trời thì ai là người đi lên nhanh nhất, bỏ xa người khác? Bõ hay những người chức cao, giầu có? Cuộc sống không bao giờ biết phạm một tội, dù nhỏ như cái kim, phải chăng thế gian có mấy người?

Trong ngạch trật nhà xứ, thân phận bõ là thấp nhất đến không thể thấp hơn được. Trên là các chú rồi đến các thầy già, thầy kẻ giảng. Trên cao nữa là cha phó xứ và cao tít nữa là cha xứ. Người nào cũng có thân phận và nhất là có tương lai. Các chú bây giờ thân phận có thấp hèn, ngồi kéo quạt cho cha xứ ăn cơm, nhưng cũng biết nhìn cha xứ để biết tương lai mình ở chỗ nào? Ngày nào đó, chú sẽ lại ngồi thong dong ăn cơm như cha xứ, lại có chú bé khác kéo quạt thay cho cái vị trí của chú bây giờ. Còn bõ, suốt đời bõ là bõ. Dưới bõ không còn ai, cùng lắm bõ chỉ có thể so sánh với anh mõ trong làng mà thôi.

Nói vậy chứ thằng mõ hay Bố đốp còn trên bõ vài ba bực. Ít lắm thằng mõ còn có chút tăm tiếng trong văn chương:

Mõ này cả tiếng lại dài hơi.
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi.

Thằng mõ ít lắm có ba sào ruộng để làm vốn. Quanh năm, làng có hội, nhà nào có bầy ra cỗ bàn đều phải dành riêng cho thằng mõ một mâm. Mõ thuộc lòng những ngày như thế. Mõ lại có vai trò quan trọng trong việc thông tin tức trong làng. Mõ biết lắm và mõ đóng cái vai trò đó tuỳ hoàn cảnh một cách nhuần nhuyễn, thuần thục, biết để cái dụng ý của mình, biết cài cái quan điểm của mõ vào. Chẳng hạn, khi trong làng có cô gái chửa hoang, bị làng phạt vạ, nộp treo làng, treo hàng giáp mõ lớn tiếng rêu rao :

Chiềng làng chiềng nước
Trên ngược, dưới xuôi
Làng ta có người
Không chồng mà chửa.

Đến chữ chửa, chữ cuối cùng trong bản tin sốt dẻo, kẻ làm tin cố tình kéo dài cái giọng ra, dướn lên cao chữ chửa như chế diễu. Mõ đểu rõ ràng, dụng ý bôi nhọ chứa đầy trong cái giọng. Thâm ý đó người nghe bắt được, nhưng không ai có thể bắt lỗi được mõ. Mõ làm tin theo cái cách của mõ. Thông tin vì thế mất tính cách khách quan trở thành tuyên truyền, bôi nhọ. điều đó có khác gì bây giờ trong việc truyền thông? Mõ là biểu tượng của kẻ cầm cờ, theo đuôi, biết nói theo tiếng nói của kẻ mạnh. Tôi ghét mõ, vì mõ hèn ra mặt. Tôi khinh mõ không phải vì mõ nghèo, nhưng vì mõ “cầm buồi cho kẻ khác chơi”.

Có ba loại người trong xã hội. Loại người giầu mà con đường tiến thân là tham nhũng hối lộ. Loại người nghèo muốn khá thì con đường tiến thân là trộm cướp, giết người. Kẻ trung gian thứ ba là những người như thằng mõ. Kẻ đáng ghét nhất. Vì thế, ngưới ta mới gọi là “thằng Mõ”, nhưng gọi bõ bằng “Ông bõ” thân thương.

Thôi ta hãy trở về với ông bõ nhà xứ, một người đạo hạnh, không đểu xỏ lá như thằng mõ, tư cách gấp mười thằng mõ trong làng. So sánh làm sao được giữa kẻ tiểu nhân, mục hạ vô nhân và người phẩm cách? Công việc của bõ là mỗi ngày kéo chuông bốn bận. Sáng khoảng bốn giờ rưởi kéo Chuông Hiệu đánh thức bổn đạo dậy đi nhà thờ. Chưa bao giờ bõ sai giờ. Đã bao nhiêu năm tháng như vậy. Chiếc giây chão kéo chuông lâu ngày đã sờn, nhiều chỗ muốn đứt. Nhưng bõ thì không. Bõ vẫn đánh vật với quả chuông nghe đâu mua từ bên Pháp. Ít lắm nó cũng nặng gấp ba lần vóc người bõ.

Khi kéo chuông hiệu, bõ bắt đầu kéo ba tiếng rồi ngưng độ một phút, kéo ba tiếng khác. Kéo ba lần cộng là chín tiếng. Sau đó kéo một hồi dài. Kéo ba tiếng không phải dễ. Chuông đánh sang bên này một tiếng phản hồi một vòng quay 180 độ, lại một tiếng. Rồi đánh trả về một tiếng. Sau cái tiếng thứ ba mới là gay. Gay lắm. Bõ phải ghìm dây chuông để nó đừng đánh tiếng thứ tư vì đánh tiếng thứ tư thì hỏng bét rồi. Đây là lúc người và chuông đọ sức. Hơn thua cũng ở chỗ này. Sức nặng của chuông, sức phản hồi hất tung bác lên không trung. Trông bõ như con nhái bén lơ lửng toòng teeng. Nhưng bõ vẫn không bỏ cuộc. Quả chuông nhả về bên kia gần được nửa vòng thì ngưng lại.Vậy là bõ đã thắng.

Bõ chẳng khác gì thứ ngư ông trong câu chuyện ngư ông và biển cả của văn hào Hemingway (Ernest Miller ). Bõ là ngư ông của Việt Nam. Chỉ phải tội chưa có nhà văn Việt Nam nào có đủ tầm vóc đưa bõ vào văn chương để lĩnh giải Nobel. Muốn được giải Nobel, chừng như dễ ợt, chỉ cần kể chuyện đời bõ. Vậy mà vẫn chưa ai viết nổi. Sau đó thì bõ từ từ cho chân chạm đất chờ kéo ba tiếng tiếp.Khoảng 15 phút sau, bõ kéo hồi chuông kế tiếp thì thầy cả đã ra làm lễ.

Đến trưa, bõ kéo hồi chuông nguyện. Bổn đạo dù đang làm ở ngoài đồng hay ở nhà nghe tiếng chuông nguyện là dừng tay, quỳ xuống, chắp hai tay trước ngực đọc kinh Truyền Tin hoặc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng. Bổn đạo đọc xong thì tiếng chuông bõ kéo cũng ngưng từ hồi nào.
Đến chiều tối, lúc 8 giờ, bõ kéo hồi chuông tắt lửa cho bổn đạo đọc kinh vực sâu trước khi đi ngủ. Vậy là chấm dứt một ngày của bõ.

Thỉnh thoảng đôi lần trong năm. Bõ kéo hồi chuông cầu hồn báo hiệu trong làng có người mới sinh thì về nước Chúa. Lần này bõ kéo ngược lại. Thoạt đầu bõ kéo một hồi dài, rồi kéo ba tiếng một. Bỏ lửng. Buông rơi. Từng tiếng, từng tiếng một. Tiếng coong ngân dài loang ra. Lại coong. Rớt xuống, rớt xuống loãng ra, bảng lảng trong không gian như hồn người chết bay đi. Lòng mọi người như chùng lại vội làm dấu thánh giá cầu cho linh hồn kẻ mới sinh thì được hưởng nhan thánh Chúa. Tiếng chuông cầu hồn, tiếng chuông báo tử, tiễn đưa linh hồn ai vừa lìa khỏi thế.
Đời sống người có đạo theo nhịp chuông kéo của bõ. Nghe tiếng chuông, lòng người như thêm hưng phấn, như thúc dục. Có cái gì đó như nâng người ta lên, đẩy người ta đi, giúp người ta quên những ưu phiền mệt nhọc.

Tiếng chuông đổ xuống: đổ những reo vui hy vọng, đổ tin mừng. Giả dụ không có tiếng chuông đó, đời sống con người chắc lao đao khốn khổ hơn nhiều. Nhà xứ không có cha xứ chắc không xong, con chiên bổn đạo như rắn không đầu. Nhưng nếu không có bõ cũng thật phiền. Lấy ai cầm chịch. Con chó Pavlov nghe tiếng chuông đánh chảy nưóc dãi vì gợi đến bữa ăn. Người có đạo nghe tiếng chuông cảm thấy lòng đạo như được phấn khích.

Nghĩ lại, vai trò của bõ tạo nên nếp sống đạo của cả làng. Giả dụ không có bõ thì đời sống đạo sẽ ra sao? Sau này, sống trong Nam mất hẳn không được nghe những tiếng chuông nhà xứ. Có nghe thì lòng cũng không còn như cũ nữa. Mọi chuyện đã thay đổi cả rồi. Nếp sống đô thị không còn chỗ cho tiếng chuông của bõ nhà xứ nữa.

Sang xứ người, cơ hồ quên khuấy tiếng chuông nhà xứ. Đạo nghĩa theo nếp sống Âu Mỹ, mỗi ngày rơi rụng như những mảnh tường vôi vụn đục khoét rỗng dần.

Thời gian sói mòn. Chạy đua với đời lo kiếm sống. Đến lúc tuổi đã lớn bừng tỉnh lại thấy chơ vơ lạc lõng. Nhà thờ bỏ hoang vắng bổn đạo. Tiếng chuông nhà thờ nay nghe trên ti vi. Xin ghi lại ở đây cái thời thịnh đạt của đạo nơi xứ người.

Xứ người thời thịnh đạt của đạo Chúa không có tên gọi Bõ, một tiếng gọi có vẻ miệt thị, khinh bỉ.

Ở xứ người, họ gọi là người kéo chuông (Sonneur des cloches). Nghe oai hơn. Những nhà xứ lớn, tháp chuông có nhiều chuông lớn nhỏ nên người kéo chuông họp thành một Carillon. Carillon là những tiếng chuông nối tiếp nhau, nhịp nhàng mà độ chính xác đạt tới một phần mười của giây. Cái độ chính xác này chả để làm gì, chỉ cho thấy cái hãnh tiến của Tây Phương. Kéo đều kéo hay là được. Kéo chính xác như thế để rồi nay không người nghe thì phỏng có ích gì? Đội Carillon có tối thiểu năm người kéo cho đến chín người như một ban nhạc mà truyền thống kéo chuông bắt nguồn từ bên Anh từ những thế kỷ 16. Cũng vì vậy mà cho đến bây giò, mặc dù Montréal là vùng tiếng Pháp, những người kéo chuông vẫn theo thói quen truyền khẩu lệnh cho nhau bằng tiếng Anh. Nghe ra cũng kỳ. Nhưng họ hãnh diện với truyền thống đó. Mất truyền thống thì họ còn gì nữa?

Nhưng kéo 9 người thì phải được tập luyện cho có tay nghề. Không kéo bừa như bên Việt Nam được đâu. Dĩ nhiên, trừ những người có ngón nghề như ông bõ làng tôi vừa kể ở trên thì không nói làm gì. Dù chỉ là việc kéo chuông cho thấy Tây Phương trọng tinh thần tổ chức, khoa học từ 4, 5 trăm năm về trước rồi. Tây hơn ta là vì vậy. Chưa hết đâu. Những tiếng chuông kéo như thế là một tập hợp năm ngàn nhịp khác nhau đấy. Cái này mình không kiểm chứng được đành tin họ thôi. Được cái người Tây Phương ít nói phét hơn người Việt Nam.

Tỉnh Québec có những nhà thờ xưa cổ, có cái từ năm 1830, mà trục quay không phải là 180 độ, nhưng quay một vòng 360 độ. Thật là kỳ tài. Tuy nhiên, chúng giống như nhiều truyền thống khác đang dần biến dạng. Có ngọn tháp chuông ở nhà thờ Anh giáo xưa đã ngót nghét 200 năm nay mà các đà của nó theo các chuyên viên giám định nếu không sửa thì chuông sẽ sập, các trục quay đã mòn. Xứ của chuyên môn và chuyên viên có khác.Mấy cái đà gỗ mà cũng tiên đoán được chỉ kéo dài được 5 năm nữa. Phải tốn 150 ngàn Mỹ kim để thay mấy cái đà và trục mà hiện nay không kiếm đâu ra tiền. Tôi không phải chuyên viên cũng dám cá với mấy anh chuyên viên đó, nó đã tồn tại được gần 200 năm. Không có lý gì không kéo dài được vài chục năm nữa. Vừa phải thôi.

Cái khó khăn nhất không phải là thay đà, mà thay người. Giả dụ trong năm vị kéo chuông, một vị nào đó bệnh hoặc giả chết. Chúng ta không có dịp được nghe tiếng chuông nữa. Một truyền thống đã tắt. Vì vậy mà ở bên Anh vì thiếu người kéo chuông. Tốp kéo chuông đã phải di chuyển 12 địa điểm khác nhau để biểu diễn kéo chuông. Và họ sẽ biểu diễn được bao lâu nữa? Vâng, bao lâu nữa?

Tháp chuông Đền Thánh St-Joseph (Montreal, Quebec). Nguồn: Oratory St-Joseph, Montreal, Quebec.

Ở ngay tại Montréal, trên Đền thờ Thánh Giu se có tháp chuông với 56 cái chuông lớn nhỏ, độc nhất vô nhị trên toàn thế giới. Tôi nghe lỏm được là các chuông đó được đúc tại Pháp. Nhưng không thể dùng một lúc 56 người kéo chuông nên phải nhờ đến chuyên viên Anh chế ra một dàn đánh như cây đàn ác mô ni um. Chuông đó được đúc năm 1950, nghĩa là sau thế chiến thứ hai, dự tính dùng trên tháp Eiffel ở Paris. Chẳng rõ tại sao đã không dùng và đã tặng cho Đền thờ thánh Giu se. Tháp chuông này với 56 cung điệu nên đánh cả được bài hát.

Có hai chuyên viên đánh trên những phím đàn to bằng ba ngón tay.Phím giật dây và đập vào thành chuông tạo âm thanh. Điều kiện để đánh đàn này là không thể tàn tật, vì cùng một lúc hai người đánh bằng hai tay hai chân. Cái khó là các nốt nhạc cắt ra làm đôi, hai người chia nhau một nửa. Làm thế nào để phối hợp hai người với hai tay hai chân lại cho thành bài nhạc. Còn khó hơn trường hợp kéo chuông nữa, kiếm đâu ra người để thay thế hai chuyên viên này đã đến tuổi hưu trí? Nhưng họ vẫn hăng say mỗi ngày đánh chuông trên phím.

Đó là câu hỏi đặt ra cho những người có trách nhiệm bảo vệ các di sản văn hóa, bảo vệ truyền thống.

Tôi có cái may mắn nghe tiếng chuông nhà thờ tại quê hương miền Bắc cách đây trên 60 năm do một bõ già còm cõi vô danh mà đến nay tôi cũng không biết tên là gì. Cũng chả cần nhớ tên bõ là gì. Tiếng chuông đó quê mùa vụng dại chẳng ai để ý đến độ chính xác đến một phần mười của giây hay dàn chuông 56 cái đánh được các bản nhạc ở xứ người. Tiếng chuông đã nhiễm vào tôi nay có nghe chuông gì gì đi nữa cũng vô dụng thôi. Tôi đã nghe nhiều lần tiếng chuông buổi trưa trên Đền thờ thánh Giu Se lúc 12 giờ trưa. Nghe ra nó làm sao ấy, kính ca kính coong líu la líu lo như con vẹt bắt chước tiếng người. Nghe không vô Chuông là chuông.

Chuông là để đánh thức người ta dậy, để báo giờ lễ, giờ nguyện. Chuông đâu phải là nhạc, càng không phải để đánh một bài hát. Vì thế, tiếng chuông ở đây cũng đổ xuống: đổ xuống ồn ào, đổ xuống trong sự thản nhiên, lạnh lùng của mọi người. Không vô nên không cảm, mặc dù cái đền thờ đó hằng năm có ngót nghét hơn hai triệu người đến thăm viếng. Vẫn xa vắng.

Phải nhận là xứ người rộng thật, đẹp thật. Chuông xứ người tối tân thật. Nhưng nghe không vô(1). Biết làm sao được. Nghe tiếng chuông ở đây mà tưởng chừng như xa lắm rồi. Tưởng như vĩnh viễn. Tưởng như không bao giờ còn gặp lại.
© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: DCVOnline hiệu đính, minh hoạ và phụ chú.

DCVOnline: (1) Vì số tín hữu trung thành ngày càng giảm đi, rất nhiều nhà thờ ở Quebec đã đóng cửa; một số trong gần 8000 cái chuông đồng ở đây đã sang Việt Nam hay các nước châu Mỹ La tinh. Trong khoảng 20 năm trở lại, giáo xứ ở Quebec đã bán 250-300 cái chuông sang Mỹ. (Nguồn: INGRID PERITZ, “The man who keeps Quebec’s church bells ring-a-linging”, The Globe and Mail, Friday, Dec. 23, 2011.