Lời dối trá cuối cùng (1)
Hạ Minh | Hồ Như Ý dịch
Hội chữ thập đỏ có được uy tín tối cao trên trường quốc tế, thậm chí cả hai phe tham chiến trong những cuộc chiến tranh đều đạt được sự đồng thuận, chấp nhận và bảo vệ những thành viên của Hội chữ thập đỏ trên chiến trường.
Ai sẽ làm chứng cho anh?
(2013.05.09)
“Đỏ” biến thành “đen”
Hội chữ thập đỏ có được uy tín tối cao trên trường quốc tế, thậm chí cả hai phe tham chiến trong những cuộc chiến tranh đều đạt được sự đồng thuận, chấp nhận và bảo vệ những thành viên của Hội chữ thập đỏ trên chiến trường.
Tuy nhiên kể từ sau trận động đất tại Lô Sơn, Nhã An tỉnh Tứ Xuyên ngày 20 tháng 4 năm 2013, Hội chữ thập đỏ Trung Quốc trở thành chuột chạy qua đường. Không nói tới việc chỉ thu được 140 nghìn CNY tiền quyên góp (cùng lúc đó quỹ One Foundation của Lý Liên Kiệt thu được 22.4 triệu CNY [Nhân dân tệ] tiền quyên góp), dòng Tweet trên Weibo nhằm kêu gọi quyên góp còn nhận được hàng trăm trang trả lời với chữ “Cút!” Cho đến ngày 7 tháng 5, toàn bộ hệ thống Hội chữ thập đỏ Trung Quốc tổng cộng thu nhận được tặng phẩm trị giá 770 triệu CNY, trong đó Tổng bộ Hội chữ thập đỏ Trung Quốc thu nhận được tặng phẩm giá 150 triệu CNY. Số tiền và tốc độ quyên góp sau động đất Lư Sơn của Hội chữ thập đỏ Trung Quốc hoàn toàn không thể so sánh được với quyên góp trong trận động đất Tứ Xuyên năm 2008. Cho đến tháng 2 năm 2011, theo thống kê của chính tổ chức này thì tổng số tiền và vật phẩm quyên góp trong ngoài nước cho trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 đạt tới 4.297 tỉ CNY. Có thể nói, hiện tại Hội chữ thập đỏ Trung Quốc đang gặp phải khủng hoảng lòng tin chưa từng có.
Tại sao thương hiệu có độ tín nhiệm cao nhất thế giới lại bị quét sạch sẽ ở Trung Quốc? Có người nói rằng đây là nghiệp chướng do Quách Mỹ Mỹ tạo nên. Không thể phủ nhận, điều này có liên quan nhất định. Vào mùa hè năm 2011, Quách Mỹ Mỹ khi đó mới chỉ 20 tuổi đã dùng tên thật đăng ký trên mạng Weibo tài khoản nhằm khoe khoang sự giàu có với miêu tả về chức vụ “Tổng giám đốc mảng kinh doanh Hội chữ thập đỏ Trung Quốc”, để lộ ra cuộc sống giàu sang như ở biệt thự cao cấp, lái siêu xe đắt tiền, dùng túi xách cao cấp đắt tiền, hơn nữa còn dùng vé máy bay ở khoang hạng thương gia bay tới bay lui thoải mái tự tại. Dân cư mạng lấy đây làm manh mối tìm kiếm, khai thác ra mối quan hệ và hoạt động thương mại giữa “Hệ thống thương mại Hội chữ thập đỏ Trung Quốc” và “Hội chữ thập đỏ Trung Quốc”, hơn nữa còn tìm ra “bạn trai”, “cha nuôi” cùng một loạt bê bối mà càng rửa càng bẩn, càng bôi càng đen.
Sau đó, Hội chữ thập đỏ Trung Quốc đã rút bỏ Hệ thống thương mại Hội chữ thập đỏ Trung Quốc, cố gắng rũ bỏ mối quan hệ đối với Quách Mỹ Mỹ. Nhưng bất kể thế nào, tấm biển hiệu bằng vàng kiếm tiền cho Hội chữ thập đỏ Trung Quốc đã biến thành tấm biển mặt dày tim đen. Dư luận bắt đầu vạch rõ quan hệ đối với tổ chức này. Kể từ sau trận động đất ở Lô Sơn ở địa khu Nhã An tỉnh Tứ Xuyên, một số quỹ từ thiện muốn tìm được tài trợ quyên góp, đã không thể không đưa ra công cáo “Không có bất cứ quan hệ nào với Hội chữ thập đỏ Trung Quốc”. Quỹ One Foundation ngay trên trang web của mình đã tiến hành vạch rõ quan hệ đối với Hội chữ thập đỏ Trung Quốc, nhưng những cư dân mạng cẩn thận tìm hiểu còn tìm thấy trên trang mạng bằng tiếng Anh của tổ chức này vẫn còn có mối quan hệ hợp tác về chi tiêu ngân quỹ cũng như mối quan hệ về thể chế cùng với Hội chữ thập đỏ Trung Quốc. Quỹ One Foundation trở thành đối tượng nghi ngờ của công chúng. Đương nhiên, phủ nhận mối quan hệ cùng với Hội chữ thập đỏ Trung Quốc, nhấn mạnh địa vị độc lâp trở thành sách lược xử lý khủng hoảng của Lý Liên Kiệt. Để làm cho dư luận rất bất ngờ đó là, Phó hội trưởng thường trực Hội chữ thập đỏ Trung Quốc Triệu Bạch Cáp cũng đứng ra dập lửa, đưa ra tuyên bố: “Hiện tại quỹ One Foundation đã hoàn toàn độc lập với Hội chữ thập đỏ Trung Quốc, giữa hai bên không có bất cứ quan hệ nào, ngân quỹ mà quỹ One Foundation chi dùng không hề thông qua Hội chữ thập đỏ Trung Quốc.” Có thể thấy, Hội chữ thập đỏ Trung Quốc đã trở thành một tài sản thua lỗ, có hại trong lĩnh vực từ thiện. Người cuối cùng còn xả thân đứng ra, hết sức ca ngợi cho Hội chữ thập đỏ Trung Quốc liền chỉ còn lại “Hoàn Cầu Thời Báo”. Điều này cũng không khỏi khiến cho người ta cảm thấy sự ảm đạm khi “mèo khen mèo dài đuôi”.
Không có độc lập, lấy đâu ra sự tin tưởng?
Tuy vậy việc đem Quách Mỹ Mỹ làm con dê tế thần thay cho Hội chữ thập đỏ Trung Quốc, điều này mang tới nghi ngờ Quách Mỹ Mỹ cũng giống như hai triều Thương, Chu khi mất nước bởi “hồng nhan họa thủy” Đát Kỷ[1] và Bao Trụ[2]. Bản thân Hội chữ thập đỏ Trung Quốc cũng có một loạt vấn đề: Can thiệp vào công tác cứu trợ động đất của các tổ chức quốc tế ngày 21 tháng 9 năm 1999 ở Nam Đầu Đài Loan, trong trận động đất ở Mân Xuyên Tứ Xuyên 2008 đã định giá lều bạt cứu trợ với con số trên trời, tham ô tiền quyền góp cứu trợ Mân Xuyên, các scandal tham ô ở các cấp không ngừng được phanh phui, quan chức đưa người nhà vào danh sách cán bộ cao cấp của hội (ví dụ như Phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành đưa vợ vào vị trí cao trong Hội chữ thập đỏ Thành Đô) vân vân. Tất cả những vấn đề này được tích lũy qua thời gian dài cuối cùng cũng đè sập danh tiếng của Hội chữ thập đỏ.
Vậy thì, căn nguyên sản sinh ra những vấn đề này nằm ở đâu? Tại sao cây thập tự dùng để xua đuổi tà ma ở các quốc gia Phương Tây lại trở thành tấm bùa hộ mệnh cho những kẻ trục lợi bất nghĩa ở Trung Quốc? Đơn giản mà nói là bởi vì thể chế quản lý xã hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc ôm thái độ nghi ngờ đối với xã hội dân sự, kết quả là đem tất cả những Tổ chức Phi Chính phủ NGO quan trọng biến chúng thành Tổ chức Phi Chính phủ Quốc doanh GONGO (government organized NGO), hoặc được dịch là “Chó quốc doanh” – “Chó săn do quyền lực nhà nước nuôi”.
Hội chữ thập đỏ Trung Quốc vừa không do Hội chữ thập đỏ quốc tế giám sát và quản lý, lại vừa tích hợp vào một thể cùng với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong suốt một quãng thời gian, Hội chữ thập đỏ có thể giúp chính phủ Trung Quốc bôi lên một lớp màu sắc nhân từ, còn chính phủ cũng có thể đem lại cho Hội chữ thập đỏ một số tiện lợi, hai bên có thể lợi dụng lẫn nhau. Nhưng mà đi cùng với sự tham nhũng liên tục, tính chính danh không ngừng mất đi, những dây dưa và chia chác lợi ích giữa Hội chữ thập đỏ và chính phủ liền trở thành căn nguyên những hoài nghi của dư luận, công chúng, mà bất kỳ một scandal nào từ bên trong Hội chữ thập đỏ Trung Quốc đều sẽ dẫn tới sự thảo phạt của dư luận đối với nó. Chuỗi mắt xích logic nhằm luận chứng cho quyền lực hợp pháp của Trung Quốc Đại Lục bắt đầu đứt đoạn: Ban đầu vốn là chính phủ cần NGO để bôi trát khuôn mặt, kết quả là tất cả những NGO quan trọng đều không cách nào thoát khỏi xung đột lợi ích, đánh mất tính độc lập và tính khả tín. Một khi chính phủ, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức dân sự đều là một đám châu chấu gắn kết với nhau trở thành một thể thống nhất có chung lợi ích, thì bất cứ sai lầm nào của hai chủ thể phía sau tự nhiên sẽ trở thành nguồn cơn của cuộc khủng hoảng.
Tại sao chính phủ Trung Quốc Đại Lục muốn thẩm thấu, mua chuộc và nuôi nhốt tất cả cá nhân và tổ chức có tiếng nói khách quan, công chính, đem tất cả họ nạp vào trong cộng đồng lợi ích chung của đảng quốc? Khi tất cả những cơ cấu tổ chức có thể đứng ra giúp bạn lên tiếng đều mất đi tính độc lập và độ tín nhiệm, khi tới lượt bạn trở thành bị cáo của lịch sử, ai sẽ đứng ra làm chứng giúp bạn?
“Quả đầu chuyển đổi” bắt giữ Trung Quốc làm con tin
(2013.03.08)
“Chuyển đổi” là một từ nhạy cảm ở Trung Quốc, bởi vì nó thường được kết hợp cùng với “dân chủ”. Trên thực tế, hiện thực tàn khốc của chính trị Trung Quốc là, “chuyển đổi dân chủ” đang bước đi từng bước khó khăn; ngược lại, trong hơn 20 năm qua tầng lớp lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa Trung Quốc chuyển đổi về một phương hướng khác: Đi về phương hướng của chính trị đầu sỏ với “chuyển đổi đầu sỏ”.
Chế độ quả đầu đỏ
Cha đẻ của chính trị học Aristotle đã đưa ra một định nghĩa rõ ràng từ hơn 2000 năm trước: Cái gọi là chế độ quả đầu là một thứ chính trị bất nghĩa, phi tự nhiên, là sự thống trị của một số ít người và chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của thiểu số. Nó rất khác với hệ thống chính thể dân chủ cộng hòa được quản trị bởi đa số, phục vụ cho đa số. Bởi vì các quả đầu chính trị có thể lợi dụng quyền lực nhà nước để tùy ý chia cắt tài sản, do vậy trong một giai đọan nào đó, việc tập trung cao độ tài sản vào tay các quả đầu ngược lại giúp ích cho việc ủng họ và tăng cường chế độ quả đầu. Do vậy, khi các nhà nghiên cứu chính trị học hiện đại bàn luận đến “chế độ quả đầu”, họ không chỉ là nhằm vào chính thể tự vỗ béo bản thân của một số ít người, mà còn nhấn mạnh đến hiện tượng hình thành sự tương hỗ giữa tập tủng cao độ về quyền lực và tập trung cao độ về của cải.
Giáo sư chính trị học người Hoa Kỳ Jeffrey A. Winters tại Đại học Northwestern University trong tác phẩm “Chế độ quả đầu[3]“ đã xuất bản gần đây viết:
“Chế độ quả đầu là một quá trình chính trị và sắp xếp chính trị bởi nhóm nhỏ những người giàu có nắm giữ tài nguyên vật chất, hơn nữa những quyền lực mà họ giành được nhờ nó làm tổn thương đến lợi ích của đa số người. Vấn đề hạch tâm mà nó quan tâm là làm thế nào để đối phó với những thách thức chính trị từ phía người dân, bảo vệ sự tập trung cao độ về tài sản.”
Jeffrey A. Winters
Nếu chúng ta nhìn vào đám đông những đại biểu trong hai kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc cũng như những nghị trình mà bọn họ thảo luận, liền có thể nhìn thấy rất rõ ràng bản chất thật của “chế độ quả đầu” Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2013 hai kỳ họp có 83 đại biểu tham dự có tài sản từ 100 triệu USD trở lên. Tài sản bình quân của mỗi người bọn họ là 335 triệu USD, nếu như so sánh với 83 người giàu có nhất của Hạ viện Hoa Kỳ cũng như trong Nội các chính phủ Hoa Kỳ, thì người sau chỉ là con số 56.4 triệu USD. Ngày nay, một loạt gia tộc của các nhân vật như Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh, Vương Chấn, Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Tăng Khánh Hồng, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Giả Khánh Lâm, Chu Vĩnh Khang, Đới Tương Long, Vương Kỳ Sơn vân vân, đều đã trở thành những danh gia vọng tộc giàu có với khối tài sản hàng trăm triệu CYN trở lên. Trong danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới Rupert Hoogewerf (Hurun Global Rich List) được công bố gần đây, số lượng tỉ phú có tài sản ít nhất 1 tỉ USD của Trung Quốc đã lên tới 212 người, vượt qua số lượng của Hoa Kỳ với 211 người, trở thành nơi có số lượng tỉ phú đô la nhiều nhất thế giới. Trong khi đó theo báo cáo điều tra nghiên cứu từ các tổ chức nghiên cứu học thuật Trung Quốc cùng các học giả gần đây đã chứng thực, 90% trở lên những tỉ phú đô la đều có xuất thân là con cháu các cán bộ cao cấp. Không có gì quá ngạc nhiên khi Báo cáo nghiên cứu China Connected của Reuters cho thấy: Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nguồn vốn xã hội được bắt đầu từ các gia đình: Một là “Thái tử Đảng”, hai là “Con rể vàng”.
Từ “giai cấp mới” đến quả đầu chính trị
Phân tích kỹ, chúng ta có thể thấy rằng, chính thể Trung Quốc đã từ một quốc gia gọi là “Xã hội chủ nghĩa” với “người người bình đẳng” chuyển đổi thành một chế độ quả đầu với khoảng cách phân cực giàu nghèo đứng hàng đầu thế giới, toàn bộ quá tình được trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, “giai cấp mới” hình thành. Giống như nhà cựu lãnh đạo Nam Tư Milovan Djilas trong cuốn sách “Tân Giai Cấp” đã tiết lộ, tất cả mọi cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với khẩu hiệu xây dựng xã hội không có giai cấp, sau khi giành được chính quyền, liền đã tạo ra một giai cấp đặc quyền mới được tạo thành từ những quan chức cấp cao Đảng Cộng sản cùng cán bộ của hệ thống quan liêu. Cuốn sách này vào năm 1963 đã được dịch sang Trung văn hơn nữa được phát hành nội bộ bởi Nhà xuất bản Tri thức Thế giới, nhưng trong năm mươi năm qua, nó một mực bị liệt vào danh sách những cuốn sách cấm ở Trung Quốc. Một mặt, việc ra đời ấn phẩm này đã phản ánh sự cảnh giác của Mao đối với đặc quyền hóa và quan liêu hóa trong tầng lớp cán bộ trước thời điểm “Đại Cách Mạng Văn Hóa”, về thực chất nó phối hợp với “Đại Cách Mạng Văn Hóa” được Mao phát động vào thời điểm sau đó. Mặt khác, việc cấm đoán cuốn sách trong nửa thế kỷ đã cho thấy cuốn sách đã vạch trần một cách trực tiếp và sâu sắc đối với bản chất cũng như sự tiến hóa của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Milovan Djilas đã viết: “Cốt lõi và nền tảng của giai cấp mới là được tầng lớp lãnh đạo đảng cũng như cơ cấu chính trị quốc gia tạo ra. Đã từng có một dạo trong đảng tràn đầy sức sống, tổ chức nghiêm mật và tràn đầy tinh thần sáng tạo nhưng điều đó đang dần mất đi, ngược lại giai cấp mới đang dần chuyển biến thành nền chính trị quả đầu truyền thống, bởi vậy nó không thể tránh khỏi việc muốn hấp thu những người đang một lòng muốn gia nhập vào giai cấp mới này, trấn áp bất cứ người nào có lý tưởng.
Giai đoạn thứ hai, quyền lực trở thành “điểm kim thuật” và hoàn thành “liên minh hôn nhân tiền quyền”. Bất luận là quá trình “Cải cách mở cửa” về kinh tế trong những năm thập niên 1980s, hay là quá trình tiền tệ hóa, tài chính hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế trong 20 năm kể từ thập niên 1990s, quyền lực chính trị đều chiếm giữ lấy điểm cao nhất. Trong quá trình chiếm đoạt nguồn của cải toàn dân, có thể dùng một câu “Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt[4]“ để hình dung về sự tiện lợi này. Nhưng có một điểm khác biệt rất quan trọng: Vào những năm thập niên 1980, trong lĩnh vực lưu thông và sản xuất công nông nghiệp thì chính quyền chia sẻ một phần cơ hội đối với người dân, từ đó làm cho tài sản của người dân tăng trưởng rất nhanh. Nhưng trong hơn 20 năm qua, các doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn cùng các gia tộc tư bản thân hữu về cơ bản đã lũng đoạn các lĩnh vực nghề nghiệp mới phát triển như tài chính, bảo hiểm, bất động sản, máy tính, viễn thông, năng lượng, ngoại hối, thông tin, điện ảnh và truyền hình, điều này dẫn đến khoảng cách về cơ hội và lượng tài phú trong xã hội giữa tầng lớp tư bản thân hữu và người dân thường càng ngày càng lớn. Gánh nặng giáo dục đã khiến cho ngày càng nhiều con em tầng lớp bình dân chỉ có thể thở dài đứng nhìn lấy những bức tường cao bao quanh các trường đại học trọng điểm nổi tiếng toàn quốc; “Cơn sốt thi công chức” càng là làm nổi bật lên thứ hiện tượng quái thai đầu tiên được sản sinh từ độc quyền quyền lực; con em tầng lớp lãnh đạo cấp cao đang được nuông chiều thái quá, dẫn tới làn sóng “hoàn khố hóa” đã trở thành ung nhọt đạo đức trong xã hội Trung Quốc vân vân tất cả đều phản ánh sự xác lập địa vị cuối cùng của chế độ quả đầu.
Xoay quanh “hệ số Gini” được dùng để định lượng và phán đoán mức độ bất bình đẳng giàu nghèo, giữa chính phủ và xã hội đã nổ ra cuộc xung đột lớn. Từ những năm thập niên 1970 hệ số Gini ở Trung Quốc thấp hơn 0.2 và tình hình xấu dần vào những năm 1990s với hệ số 0.3, cho đến mức 0.49 vào năm 2008, tất cả phác thảo nên một xã hội quả đầu hóa ở Trung Quốc. Điều khó có thể tin được là, từ sau năm 2008, chính quyền đã ngừng công bố hệ số Gini. Những kiến thức thường thức về chính phủ Trung Quốc cho chúng ta biết rằng, không có tin tức chính là tin tức xấu, có tin tức thông thường là tin tức giả. Vào cuối năm 2012, một báo cáo nghiên cứu được công bố bởi các nhà kinh tế học thuộc Đại học Tài chính Tây Nam cho thấy, hệ số Gini ở Trung Quốc đã lên cao tới mức 0.61. Đáp lại kết quả này, Cục thống kê quốc gia Trung Quốc vốn đã im lặng trong 5 năm trong lúc nhất thời công bố sự diễn biến của kết quả thống kê qua các năm, tuyên bố rằng hệ số Gini ở Trung Quốc đang liên tục giảm xuống, vào năm 2012 đã giảm xuống mức 0.474, cố gắng che đậy chân tướng về sự phát triển xã hội Trung Quốc.
Giai đoạn thứ ba, bảo vệ toàn diện đối với quyền lực quả đầu và sự tập trung của cải cũng như sự an toàn trở thành công việc trọng tâm của cỗ máy bạo lực nhà nước, đặc biệt là quân đội, công an, cảnh sát vũ trang và cơ quan an ninh quốc gia (mật vụ). Sự hình thành và củng cố hóa của “Duy trì ổn định” thể chế không chỉ biểu hiện ở việc tùy ý chà đạp và làm tổn hại người dân, tùy ý tước đoạt và xâm phạm quyền lợi công dân của cỗ máy bạo lực nhà nước, “kỹ thuật của quyền lực” còn được biểu hiện ở việc kiểm soát và làm giả đối với các con số thống kê, làm nhụt đi trí khôn, sắc sản về tâm trí của dân chúng, đem dân chúng thuần hóa thành “nô lệ của hạnh phúc”. Đảng Cộng sản Trung Quốc một mặt tước đoạt đi quyền bầu cử của người dân, một mặt khác lại mua quan bán tước. Các nhà lãnh đạo cao cấp Đảng Cộng sản Trung Quốc thế hệ trước thông qua quyền lực đã đem con cái đưa lên những vị trí “nhặt vớt tiền đặc biệt nhanh”, hiện tại thì ở phía sau hậu trường ra sức, dùng tiền bạc nhằm mua chuộc, từ đó đưa con cái của bản thân lên đài cao quyền lực. Con trai của Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng từ vị trí Phó chủ tịch Công ty viễn thông China Netcom Group biến thành lãnh đạo của Viện khoa học Trung Quốc, con trai Hồ Cẩm Đào là Hồ Hải Phong sau khi từ nhiệm vị trị Tổng giám đốc công ty Nuctech Co liền trở thành quan chức lãnh đạo cấp cao ở Đại học Thanh Hoa, con trai của Lý Bằng là Lý Tiểu Bằng[5] từ Chủ tịch tập đoàn năng lượng Hoa Năng Huaneng Power International nhảy sang vị trị Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây, không có ai là không cho thấy những gia tộc hiển hách của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước đây dựa vào quyền lực nhằm kéo dài sức ảnh hưởng, hiện tại lại dùng tiền bạc để tăng sức ảnh hưởng hậu trường.
Khi chuyển đổi dân chủ trở thành con tin của Chế độ quả đầu
Nếu nói rằng xã hội Trung Quốc vào thời điểm “Phong trào dân chủ 1989” vẫn còn chưa xuất hiện tình trạng lũng đoạn và tập trung của cải, Trung Quốc vẫn có khả năng thuận lợi tiến vào quá trình chuyển đổi dân chủ, vậy thì ngày hôm nay khả năng này đã trở nên hết sức bé nhỏ. Do sự tập trung, tích tụ về tài sản cũng như quá trình phân hóa giàu nghèo được sản sinh từ đó, sau khi trải qua một số năm tháng, các quả đầu ở Trung Quốc ngày nay liền có thể yên tâm tiếp thu và sử dụng chính trị bầu cử được. Bởi vì bình đẳng chính trị “một người một lá phiếu” có thể dễ dàng bị bóp méo bởi sự phân phối quyền lực không đồng đều, các quả đầu bạo lực ở Trung Quốc ngày nay (giới nghiêm ở Lhasa bởi lãnh tụ đảng và quả đầu quân sự, “thảm sát Lục Tứ Thiên An Môn” và đàn áp ở Tân Cương tất cả đều không cần lý lẽ, chỉ cần sử dụng bạo lực) sẽ sử dụng chiêu bài bầu cử, qua đó thao túng và vận hành chế độ quả đầu theo mô hình “Chính quyền Sultan Hồi Giáo” giống như Indonesia và Philippines.
Giáo sư trường Luật đại học Yale (Yale Law School) Thái Mỹ Nhi Amy Chua vốn nổi tiếng với tên gọi “Bà mẹ hổ” trong cuốn sách “Thế giới đang bùng cháy” đã mắc phải một sai lầm lớn, cô ta đem “chế độ dân chủ” và “chế độ quả đầu” trộn lại với nhau để bàn luận, đem “chuyển đổi quả đầu” phán đoán sai lầm xem đó là “chuyển đổi dân chủ”, từ đó phủ định những giá trị và ý nghĩa của chuyển đổi dân chủ ở các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Chính trong bối cảnh hỗn loạn cả về lý luận và khái niệm như vậy, một mặt thì các nhà trí thức “ngự dụng[6]“ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng “chế độ quả đầu” xuất hiện ở các quốc gia thuộc thế giới thứ ba sau khi các quốc gia này thất bại trong việc chuyển đổi dân chủ nhằm phủ định những giá trị của chuyển đổi dân chủ ở Trung Quốc hiện nay; mặt khác, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc lại đang nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi quả đầu, qua đó bảo vệ và củng cố sự lũng đoạn kép của họ đối với quyền lực và tài phú.
Điều bất hạnh là, xu hướng quả đầu hóa đang ngóc đầu dậy ở các quốc gia Âu Mỹ và Nhật Bản. Trong 30 năm qua tiến trình toàn cầu hóa được khởi xướng bởi “chủ nghĩa tân tự do” đã kéo rộng thêm khoảng cách giàu nghèo giữa các giai tầng trong xã hội cũng như giữa các quốc gia với nhau. Nhưng lực lượng tiến bộ ở các quốc gia Âu Mỹ đã xuất hiện và hợp sức ngăn chặn nó. Phong trào “Chiếm lĩnh phố Wall” cũng như phong trào “Chiếm lĩnh tất cả” được phát triển từ nó, hai lần đắc cử Tổng thống của Obama, sự trỗi dậy của phong trào “Tiệc Trà – Tea Party”, sự thất bại của ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng Hòa Willard Mitt Romney, tất cả đều phản ánh sự phản kháng của “99%” đối với “1%”. “Cách mạng hoa Nhài” trên thực chất cũng là một cuộc nổi loạn của người dân bình thường ở các quốc gia Trung Đông chống lại chế độ quả đầu từ sau cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng điều càng bất hạnh hơn đó là, khi tầng lớp quyền thế ở Trung Quóc đã trở thành động lực chính thúc đẩy quá trình quả đầu hóa phản động trên toàn cầu, thì “99%” ở Trung Quốc lại vẫn chưa tỉnh ngộ, chưa cách nào nhận thức rõ ràng sự uy hiếp của “chế độ quả đầu”.
“Chuyển đổi nhanh” đã trở thành sự thật không tranh biện trong hơn 20 năm qua ở Trung Quốc. Thực chất của vấn đề là, loại chuyển đổi này đi về hướng “thể chế dân chủ” hay “thể chế quả đầu”. Hiển nhiên, dưới sự kiểm soát và thao túng của tập đoàn quyền thế Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì Trung Quốc đã bước lên, hơn nữa về cơ bản đã hoàn thành “chuyển đổi quả đầu”. Nếu như người dân Trung Quốc vẫn không thể nào tỉnh ngộ lại, nếu các lực lượng dân chủ tiến bộ ở Trung Quốc vẫn không cách nào tụ hợp lại, chống lại thể chế độc tài, thúc đẩy thể chế dân chủ, người dân Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ bị nuôi nhốt vĩnh viễn trên con đường đi tới nô lệ. “Giấc mộng Trung Hoa” mà chúng ta để lại cho con cháu chúng ta có lẽ chỉ có thể để bọn họ vĩnh viễn đem làm giấc mơ mà thôi!
Tứ Xuyên: Từ hào hùng đến bi tráng
(2013.05.11)
Ba năm sau trận động đất lớn Vấn Xuyên 2008, Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên Lưu Kỳ Bảo đã có một bài diễn văn tại Đại học Quốc phòng, tổng kết công tác tái xây dựng sau Động đất Vấn Xuyên 2008, tiêu đề là “Tứ Xuyên từ bi tráng đi tới hào hùng”. Tứ Xuyên đưa ra mục tiểu tổng thể đối với công tác tái xây dựng sau thiên tai “Phục hồi về cơ bản sau 3 năm, phát triển hưng thịnh sau 5 năm, tiến lên Tiểu khang toàn diện sau 10 năm”. Đối với thành tựu của công tác tái xây dựng, Lưu Kỳ Bảo đã đưa ra đánh giá như sau: “Sau động đất Tứ Xuyên vẫn rất tươi đẹp, sau động đất Tứ Xuyên càng thêm an toàn.” Ông ta nói cho chúng ta:
“Người dân trong khu vực chịu thiên tai lưu truyền một câu nói, hiện tại thứ đẹp nhất ở khu vực bị thiên tai là các khu dân cư, an toàn nhất là trường học, hiện đại nhất là bệnh viện, vừa lòng nhất là người dân.” Tổng kết lại, “Hơn hai năm qua, Tứ Xuyên từ bi tráng đi về phía hào hùng; hướng tới tương lai, mảnh đất Thiên Phủ rộng lớn thật sự cùng một con đường với tổ quốc, đang từng bước lớn tiến tới một ngày mai tươi sáng tốt đẹp.”
Dựa theo con đường của Lưu Kỳ Bảo, vào giờ này phút này đang là lúc Tứ Xuyên chào mừng hoàn thành kế hoạch “5 năm chấn hưng phát triển Tứ Xuyên”. Nhưng mà đáng tiếc là ông trời không làm theo ý nghĩ tốt đẹp đó, trận động đất lớn ở Nhã An năm 2013 một lần nữa đã làm cho tỉnh Tứ Xuyên vốn có được tên gọi “Thiên Phủ Chi Quốc” bị tàn phá nặng nề, lầm than. Bởi vì trong thời gian 5 năm đã xảy ra hai trận động đất lớn trong khu vực dãy núi Long Môn Sơn[7], tâm chấn cách nhau chưa tới 100km, so sánh hai thảm họa thiên nhiên cũng như công tác cứu hộ cứu nạn, có thể giúp cho chúng ta hiểu rõ và nhìn thấy được những bệnh tật khó chữa lâu năm tồn tại trong hệ thống quản trị quốc gia ở Trung Quốc.
Đánh giá của người dân đối với công tác cứu trợ thiên tai
Đầu tiên, chúng ta cần biết được đánh giá chân thật của người dân Tứ Xuyên ở khu vực bị động đất Vấn Xuyên đối với công tác cứu trợ thiên tai của chính phủ. Vì vậy, trong dịp Tết Công lịch, Tết Nguyên đán 2010-2011 tôi đã hoàn thành một cuộc điều tra khảo sát bằng các câu hỏi đối với khu vực bị thiên tai. Căn cứ vào hàng nghìn cuộc điện thoại đã thu thập được, cuộc khảo sát đã thu thập ý kiến từ cha mẹ của những học sinh đã thiệt mạng trong trận động đất, liên quan đến 34 nội dung. Sau khi đã gọi hàng nghìn số điện thoại, 272 vị phụ huynh đã nghe điện thoại, 33 vị từ chối hoặc không hoàn thành cuộc phỏng vấn, tổng cộng tôi đã thu được 239 phiếu khảo sát hợp lệ. Dưới đây tôi chia sẻ với độc giả một phần thành quả nghiên cứu.
Vấn đề thứ nhất: “Bạn cho rằng công tác cứu trợ thảm họa của chính phủ là: A. Rất hài lòng; B. Cơ bản hài lòng; C. Không hài lòng; D. Rất tồi tệ.” Các lựa chọn trả lời là: A, 2.6% (6 người); B, 46.3% (105 người); C, 41.4% (94 người); D,9.7% (22 người). Có 12 người không trả lời. Trong tất cả các lựa chọn, đánh giá tiêu cực (C và D tổng cộng là 51.1%) vượt qua đánh giá tích cực (48.9%). Điều đáng chú ý là, hai thái cực cảm tính mạnh mẽ, đánh giá tiêu cực “Rất tồi tệ” nhiều hơn 3 lần so với đánh giá tích cực “Rất hài lòng”.
Vấn đề thứ hai: “Bạn cho rằng hoạt động cứu trợ thảm họa ở ngôi trường con bạn theo học về tổng thể là: A. Rất hài lòng; B. Cơ bản hài lòng; C. Không hài lòng; D. Rất tồi tệ.” Lựa chọn trả lời là: A, 1.3% (3 người); B, 17.3% (39 người); C, 41.3% (93 người); D,40% (90 người); còn có 14 người không trả lời. Đánh giá tiêu cực (81.3%) vượt lên rất xa so với đánh giá tích cực (18.7%). Nếu chúng ta ý thức được những vấn đề sự thật cơ bản của quốc gia và chính phủ đối với giáo dục, thì đánh giá tiêu cực đối với vấn đề này cũng là một biểu hiện của sự bất tín nhiệm đối với chính phủ.
Vấn đề thứ ba: “Sau khi con bạn bị tổn thương bởi chính những ngôi trường học của chúng, bạn cảm thấy nguyên nhân chính của sự việc nằm là: A. Hoàn toàn do thiên tai tạo nên; B. Chủ yếu là do thiên tai tạo nên, nhưng cũng có nhân tố của con người; C. Hoàn toàn do sự tham nhũng của quan chức địa phương và các nhà thầu tạo nên; D. Không biết rõ.” Lựa chọn trả lời là: A, 6.98% (15 người); B, 45.12% (97 người); C, 46.98% (101 người); D. 1 người); có 24 người không trả lời; còn có một người chọn cả hai đáp án B, C. Cũng có nghĩa là, hơn 90% phụ huynh cho rằng sự sụp đổ của các trường học nằm ở nhân tố thảm họa do con người và tham nhũng. Điều này hoàn toàn khác biệt với quan điểm mà chính phủ Trung Quốc một mực kiên trì “sức phá hoại của thảm họa thiên nhiên là không thể chống cự lại”.
Vấn đề thứ tư: “Có một số phụ huynh và truyền thông đưa tin đã phản ánh, các trường học bị đổ sụp tồn tại “Công trình bã đậu”. Quan điểm của bạn là gì: A. Cơ bản đồng ý; B. Hoàn toàn đồng ý; C. Không đồng ý.” Lựa chọn trả lời là: A, 17.37% (37 người); B, 71.83% (153 người); C, 10.33% (22 người); có 26 người không trả lời. Mặc dù chính phủ Trung Quốc phủ nhận sự sụp đổ của các công trình trường học trong khu vực bị thiên tai có liên quan đến “Công trình bã đậu”, nhưng gần 90% phụ huynh không đồng ý với kết luận của chính phủ.
Vấn đề thứ năm: “Trải qua lần thảm họa này, bạn có cách nhìn như thế nào đối với Trung ương Đảng? A. Càng thêm tín nhiệm; B. Càng thêm không tín nhiệm; C. Không có thay đổi nào.” Lựa chọn trả lời là: A, 80.6% (170 người); B, 7.1% (15 người); C, 12.3% (26 người); có 28 người không trả lời.
Vấn đề thứ sáu: “Trải qua lần thảm họa này, bạn có cách nhìn như thế nào đối với chính quyền địa phương? A. Càng thêm tín nhiệm; B. Càng thêm không tín nhiệm; C. Không có thay đổi nào.” Lựa chọn trả lời là: A, 0.5% (1 người); B, 88.5% (185 người); C, 11 % (23 người); có 30 người không trả lời.
Hai vấn đề trên cần phải được phân tích xem xét cùng nhau, chúng ta mới có thể nhìn thấy được những thông tin được phản ánh ở tầng thứ sâu hơn. Đầu tiên, có một thực tế là một bộ phận số ít phụ huynh không tín nhiệm đối với Trung ương Đảng. Thứ hai, tính chính danh hợp pháp của Trung ương Đảng đã nhận được sự đồng thuận nhiều hơn. Cuối cùng, chính quyền địa phương gặp phải cuộc khủng hoảng tín nhiệm nghiêm trọng. Nếu như chúng ta xem xét đến mức độ tuyên truyền mạnh mẽ của Trung ương, sự sợ hãi sâu sắc của người dân đối với cáo buộc “phản đảng” cũng như việc Trung Quốc là một quốc gia đơn nhất được cầm quyền bởi một đảng chính trị duy nhất, câu hỏi thứ 6 bộc lộ ra nguy cơ về năng lực quản lý, trên thực tế cũng là đang uy hiếp đến tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chính trị bã đậu
Từ những đánh giá của quan chức như Lưu Kỳ Bảo đến đánh giá của những phụ huynh mất đi con em trong trận động đất, chúng ta đã nhìn thấy hai thái độ hoàn toàn khác nhau đối với công tác cứu trợ thiên tai. Đối với sự khác nhau này, chính phủ Trung Quốc từ Trung ương tới các cấp địa phương sẽ không bao giờ vì sự việc này từ đó nghiêm túc lắng nghe những quần thể người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai nặng nề nhất và đối mặt với những vấn đề được người dân đưa ra. Ngược lại, chính phủ áp dụng phương cách lừa dối và trấn áp với ý đồ che giấu vấn đề. “Chính trị khẩu hiệu”, tác phong báo cáo láo của Lưu Kỳ Bảo trở thành thủ đoạn mưu cầu danh lợi, thăng chức của ông ta, nhờ vậy mà ông ta tiến vào Bộ chính trị, thăng chức trở thành Trưởng ban Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cựu phó tỉnh trưởng thường trực Tứ Xuyên Ngụy Hoằng cũng nhờ có thảm họa động đất mà quan lộ hanh thông. Ông ta đảm nhận vai trò xông pha thực hiện những hành động không đẹp đẽ của chính quyền như che giấu con số về học sinh tử vong, phủ nhận sự tồn tại của “Công trình bã đậu”, trấn áp đòi hỏi tự phát của người dân muốn điều tra chân tướng vân vân. Không khó để dự đoán, hiện tại ông ta đã trở thành tỉnh trưởng Tứ Xuyên.
Hành vi cả gan trơ tráo không sợ hãi của các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc từ trên xuống dưới nhằm che giấu chân tướng của trận thảm họa động đất Vấn Xuyên 5 năm trước, từ chối đối diện với “Công trình bã đậu” cũng như các vấn đề tham nhũng có liên quan khác, không những là bởi vì những vấn đề này cuối cùng sẽ dẫn tới kết cục “nhổ củ cải ra khỏi mảnh đất đen”, dẫn tới địa chấn trong chính trường Trung Quốc, mà còn bởi vì bọn họ còn ôm lấy một loại tâm lý may mán. Sau động đất Vấn Xuyên, có nhà khoa học ở Trung Quốc đã chỉ ra, trận động đất lớn ở Vấn Xuyên là sự kiện nghìn năm có một, trong 100 năm tiếp theo Tứ Xuyên sẽ không còn gặp phải động đất lớn. Quan chức to nhỏ ở Tứ Xuyên có vẻ như có thể tiếp tục tham nhũng, tiếp tục xây dựng nên các công trình chất lượng kém mà không gặp phải việc bị bại lộ. Có lẽ họ tin tưởng rằng, trấn áp được Ngải Vị Vị, Ngải Hiểu Minh cũng như một loạt các nhân vật hoạt động xã hội dân sự khác, bắt giam Hoàng Kỳ, Đàm Tác Nhân thì có thể tiếp tục làm ác.
Vốn bởi hành vi của những tham quan này xứng đáng bị trời tru đất diệt, tiếng thét gào đất sụp núi lở có vẻ như rất hợp lý một cách tự nhiên. Lưu Kỳ Bảo và Ngụy Hoằng bọn họ không dự đoán được rằng hành động của họ dẫn tới cơn thịnh nộ của trời đất lại đến nhanh như vậy. Trận động đất Nhã An đã bộc lộ ra một loạt vấn đề y hệt như động đất Vấn Xuyên 2008. Mặc dù địa khu Nhã An vào năm 2008 chính là khu vực chịu thiên tai, đã trải qua cuộc tái xây dựng “kỳ tích nhân gian”, nhưng trường học vẫn cứ sụp đổ, người dân vẫn cứ nghèo đói như trước. Chính bởi vì vậy, công tác cứu trợ khắc phục thiên tai ở Nhã An hiện nay càng nhấn mạnh “mô hình cứu trợ thiên tai mang màu sắc Trung Quốc” được chủ đạo bởi tam vị nhất thể “đảng – quốc gia – quân đội”: Phong tỏa tin tức, khuếch trương giai điệu chủ đạo, biến cứu trợ thiên tai thành “duy trì ổn định xã hội, trấn áp xã hội công dân. Các tổ chức cứu trợ quốc tế và các tổ chức xã hội tự nguyện của người dân đều bị từ chối tiếp cận. Thao túng hộp đen càng là mạnh mẽ, nghiêm ngặt hơn so với trước đây.
Chúng ta lại sẽ được nghe thấy những ngôn từ chúc mừng công lao kiểu như “trận động đất vĩ đại, trận động đất thắng lợi”, chúng ta sẽ còn nhìn thấy những hoạt động giáo dục “cảm ơn đảng, cảm ơn tổ quốc, cảm ơn xã hội”. Nhưng tôi cũng tin chắc rằng, nếu như chúng ta có thể tự mình đi tới khu vực bị thiên tại, lắng nghe tiếng nói của những người dân gặp nạn, chúng ta sẽ có được kết luận khác hẳn. Thực ra, tình cảnh của các nạn nhân thiên tai ở Tứ Xuyên vẫn như cũ bi tráng, không hề hào hùng giống như những gì mà Trưởng ban tuyên truyền Trung ương Lưu Kỳ Bảo muốn chúng ta tin như thế.
Bệnh động kinh về ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc
(2013.06.07)
Phong trào chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc được khởi đầu bằng việc xin xỏ dẫn nhập một lý tưởng của Phương Tây. Kế hoạch cải tạo xã hội nhân loại của Karl Marx đã không tìm được một chỗ đứng trong hệ thống các giá trị chủ đạo Phương Tây, ngược lại đã tìm được một mảnh ruộng thử nghiệm tại “Đông Phương Á Châu” mà ông ta vốn khinh miệt. Bất luận là Trung Quốc với hình thái xã hội Phương Đông điển hình hay là một nước Nga bán Phương Đông, hay nước Pháp và Italy với tín đồ Thiên Chúa Giáo chiếm đa số, đều đã trở thành mảnh đất thích hợp sinh tồn cho Đảng Cộng sản mà xa rời văn minh Tân giáo Phương Tây. Nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, giới trí thức cánh tả ở các quốc gia Phương Tây sau khi trải qua “mười năm màu hồng”, đã ý thức được rằng chủ nghĩa cộng sản là một “Thượng Đế thất bại”, bắt đầu vứt bỏ nó. Sau khi Nikita Khrushchev phơi bày những hành động tàn bạo của Stalin, tín ngưỡng đối với chủ nghĩa cộng sản Liên Xô sụp đổ, một đế quốc rộng lớn bắt đầu tan rã, cho tới tận thời đại Mikhail Gorbachev thì triệt để sụp đổ. Thực tiễn chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu cuối cùng dùng thất bại để kết thúc, đã đem đến cho phong trào chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc một tiếng chuông cảnh tỉnh. Trong khi đó thất bại triệt để cuối cùng của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng sẽ dùng cái chết về ý thức hệ để đánh dấu.
Sự thoái hoá ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Sự tiếp thu chủ nghĩa Marx của Trung Quốc đã trải qua ba tầng ô nhiễm từ Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông, khi vừa khởi đầu chính là có đặc trưng thoái hoá và dung tục hoá từ khu vực trung tâm chuyển hướng sang khu vực ngoại vi của văn minh cận đại, hiện đại. Nhưng loại thoái hoá này kết hợp với hạch tâm chủ nghĩa chuyên chế trong lịch sử Trung Quốc, dẫn đến chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc đã có được sự thích ứng mạnh mẽ ở bản thổ. Tuy nhiên, khi so sánh với chủ nghĩa chuyên chế truyền thống Phương Đông, chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc còn có một đặc trưng mà chỉ có chính quyền chủ nghĩa toàn trị đương đại mới có, đó là sự bạo ngược đối với tâm trí và sự kiểm soát đối với tư tưởng. Việc thực thi mục tiêu này thông qua cải tạo về tinh thần thì được gọi là “tẩy não”, hoặc gọi là “cưỡng hiếp đối với tâm trí”.
Đảng Cộng sản Trung Quốc du nhập chủ nghĩa duy vật biện chúng, thực ra là chơi trò bắt cá hai tay với “chủ nghĩa cực đoạn” và “chủ nghĩa hư vô” nhằm triệt tiêu và phá huỷ đi các di sản tinh thần của Phương Tây (đặc biệt là lý luận triết học thuộc về tâm trí cùng với các học thuyết tôn giáo), thiết lập hệ thống phát ngôn nguỵ biện của riêng mình. Nó vừa kế thừa chủ nghĩa duy vật lịch sử, xây dựng nên một lý thuyết giai đoạn lịch sử tiến hoá giả dối, dùng thuyết quyết định lịch sử để thay thế ý chí tự do và tự do chọn lựa của con người, đem chủ nghĩa cộng sản trở thành giá trị cao nhất và áp đặt nó đối với người dân. “Ba bài viết ngắn” của Mao Trạch Đông gồm “Vì nhân dân phục vụ”, “tưởng nhớ Henry Bethune” và “Ngu Công dời núi” đã đem những người đi theo ông ta chuyển hoá thành nô lệ tinh thần; “Bài nói chuyện tại hội nghị văn nghệ Diên An” của ông ta lại giúp thuần hoá những phần tử trí thức trở thành công cụ giúp ông ta tẩy não. Loại thủ đoạn này tiếp tục được diễn ra sau khi Đảng Cộng sản cướp chính quyền thành công: trước có các phong trào như “học tập Lôi Phong”, “học tập Đại Khánh, học tập Đại Trại”, sau có “Phong trào tam phản ngũ phản”, “phản phe hữu” và “Cách mạng văn hoá”. Thông qua các phong trào “đốt sách chôn nho sinh” đương đại, chính sách ngu dân và sùng bái cá nhân, Mao Trạch Đông đã đem chủ nghĩa Marx, Engels, Lenin và Stalin biến thành thần học giáo điều dung tục hoá, ngược lại đem chính bản thân Mao bôi trát thành tiên tri và người cứu tinh của Trung Quốc. Dưới áp lực kép của đói khát và khủng bố, tuyệt đại đa số người dân Trung Quốc đã tiếp nhận ý thức hệ dạng Utopia của Mao Trạch Đông, cho tới khi bàn tay của Thượng Đế kết liễu sinh mạng của Mao, từ đó mới bắt đầu đưa ra những nghi ngờ đối với chủ nghĩa Mao.
Chứng động kinh sau khi hệ thần kinh trung ương bị tổn hại thoái hoá
Bất kể chủ nghĩa Mao có bao nhiêu điên cuồng và hoang đường, ít nhất có mấy điểm cần ghi nhận: Thứ nhất, Mao vẫn là người có đức tin, ông ta có vẻ như cũng đã thử thực thi đức tin của mình, nhưng không tìm được phương pháp thích hợp. Thứ hai, Mao có sự hiểu biết sâu sắc đối với Trung Quốc và người Trung Quốc, do vậy ông ta có thể xây dựng được sức hấp dẫn phi phàm để huy động dân chúng. Thứ ba, mặc dù Mao Trạch Đông đã hy sinh tính mạng của hàng nghìn vạn người Trung Quốc, Mao cũng không tiếc hy sinh sinh mạng của những người trong gia đình để thực hiện lý tưởng của ông ta. Thứ tư, Mao có được trực giác nhạy cảm đối với bố cục và hướng đi của quyền lực thế giới, do vậy ý thức hệ của ông ta vừa có thể kích thích sức tưởng tượng của người dân Trung Quốc đối kháng với sỉ nhục từ ngoại quốc, cũng cổ vũ sự phản đối của vô số các quốc gia thuộc thế giới thứ ba đối với chủ nghĩa đế quốc. Nếu nói rằng Mao là một ác ma thuộc chủ nghĩa cấp tiến với tinh lực thể lực, trí tưởng tượng, năng lực trừu tượng và sức hấp dẫn cá nhân đều vượt trội so với người khác, vậy thì những kẻ nối nghiệp ông ta đều là một đám cán bộ đảng quốc chính phủ tầm thường không có trí tưởng tượng, không có sự hấp hút về nhân cách, không có lý tưởng lớn lao. Bọn họ vĩnh viễn sẽ không bước vào thời đại chủ nghĩa Utopia cấp tiến điên cuồng “như là cơn bão thổi bay cả vũ trụ” của Mao, căn bệnh về ý thức hệ mà họ mắc phải chỉ có thể là bệnh động kinh xuất hiện sau khi hệ thần kinh trung ương bị tổn hại thoái hoá.
Mao Trạch Đông nắm chặt ý chí đem người dân Trung Quốc dẫn chạy hướng về chủ nghĩa hoang tưởng Utopia trong trạng thái điên loạn. Đặng Tiểu Bình nhỏ bé lại giống như một phụ nữ được Trương Ái Linh dạy dỗ, bắt tay chinh phục người dân Trung Quốc từ cái dạ dày. Dưới chủ trương chính trị thực dụng “Cầu cơm no áo ấm, chạy hướng về tiểu khang sung túc”, Đặng cũng không quên một chí hướng lớn lao: Đợi sau khi người dân Trung Quốc giải quyết vấn đề cơm no áo ấm, lại tới lúc phổ cập bầu cử dân chủ. Giang Trạch Dân có vẻ như cũng tán đồng tư tưởng này. Do đó, từ “Lý thuyết chủ nghĩa xã hội giai đoạn sơ cấp” được Đặng chấp nhận cho đến khi Giang Trạch Dân cho ra mắt “Lý thuyết ba đại diện” đều có sự liên hệ về logic. Nhưng đến năm 2004, “chính quyền mới của Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo” lại đưa ra “Quan điểm phát triển khoa học” và “Xã hội hài hoà”. Vấn đề là, hai khẩu hiệu to đùng này không phải là tiêu chuẩn hoàn hảo được thi hành thông qua quá trình đúc rút kinh nghiệm thực tiễn hay mục tiêu vĩ đại to lớn đang nỗ lực theo đuổi của chính quyền Hồ Ôn. Khẩu hiệu thứ nhất đã trở thành thương hiệu sản phẩm mà “chính quyền mới Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo” tự mình đóng dấu chứng nhận, khẩu hiệu thứ hai trở thành “sự mô tả khách quan” đối với hiện trạng của người dân Trung Quốc. Từ chính quyền Hồn – Ôn tới chính quyền Tập – Lý, bọn họ đã nhào nặn lên một thế giới mặt ngoài bóng bẩy với “siêu cường trỗi dậy”, “xã hội hài hoà” và “ngàn năm thịnh thế”, tiếp theo đó lại huy động toàn bộ thể chế với sức mạng cả một quốc gia đem thế giới bóng bẩy đẹp đẽ này cấy ghép vào trong ý thức của người Trung Quốc, bắt mọi người dân Trung Quốc chấp nhận nó trở thành hiện thực khách quan của Trung Quốc.
Chỉ từ tầng diện lý luận chính trị, chúng ta có thể nhìn thấy một vài đặc trưng của công trình ý thức hệ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng: thứ nhất, ý thức hệ mới được hình thành là do khuyên răn, khiển trách mà có. Bọn họ chỉ là những thợ trang điểm chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc uốn ngón tay để chiêu cáo thiên hạ, do đó chúng ta đã nhìn thấy “một trung tâm, hai điểm cơ bản”, “hai chân đang chạy”, “ba tự tin”, “bốn nguyên tắc cơ bản”, “năm điều không được làm”, “bảy điều không được nói”, “bát vinh bát nhục”, “ba điều tuyệt đối không được phép”, “bốn toàn diện” (toàn diện xây dựng xã hội tiểu khang, toàn diện đi sâu cải cách, toàn diện y pháp trị quốc và toàn diện quản lý đảng nghiêm khắc) vân vân.
“Thuyết chân lý vũ trụ” thách thức “giá trị phổ quát toàn cầu”
Thứ hai, những giới luật của ý thức hệ mới vừa không cần phải có tiền đề tiên quyết, cũng không cần logic nội hàm; vừa không để chút không gian nào lại cho thảo luận và khác biệt ý kiến, càng không cho phép sự xuất hiện của những âm thanh phản đối với lựa chọn đa nguyên. Ví dụ như, think tank cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Hỗ Ninh đem nguyên lý chủ nghĩa tự do cá nhân của triết gia theo lý tưởng dân chủ Hoa Kỳ John Dewey “Chiếc giày có đi vừa chân hay không, bị kẹp chân ở chỗ nào, chỉ có tự bản thân biết rõ nhất”, đem vận dụng vào trong đường lối ngoại giao chủ nghĩa quốc gia Trung Quốc, tự vỗ ngực xưng là “con đường đi phù hợp hay không, chỉ có chúng tôi tự mình biết rõ, các quốc gia bên ngoài không thể chỉ tay múa chân được”; đồng thời phủ nhận sự lựa chọn tự do cá nhân có thể được dùng đồng thời cho mối quan hệ cá nhân và nhà nước. Một ví dụ nữa, một think tank cao cấp khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Du Khả Bình đưa ra lí luận “Ba thời cơ hài hoà thống nhất”, tuyên bố “sự lãnh đạo của đảng, người dân làm chủ, y pháp trị quốc” là cốt lõi của xã hội chủ nghĩa dân chủ mang màu sắc Trung Quốc, nhưng ông ta lại không thể nào nhận thức được, những đặc quyền đem lại sự thống trị lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá nát nút thắt quan hệ giữa đảng cầm quyền và người dân với lá phiếu bầu cử, phá hoại tinh thần pháp trị (bao gồm đứng trước pháp luật, người người bình đẳng; trình tự chính đáng của pháp luật…). Điều nực cười nhất nhà, Đảng Cộng sản Trung Quốc một tay che trời phủ nhận các giá trị phổ quát của nhân loại, một tay khác lại tung ra “lý thuyết chân lý vũ trụ”, tuyên bô rằng “chủ nghĩa” mà Trung Quốc kiên trì theo đuổi là “tinh thần vũ trụ”.
Thứ ba, giới khoa học xã hội Trung Quốc toàn diện theo đuổi bắt kịp đội ngũ, tiến hành nhất thể hoá với cỗ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn tới tình trạng yêu ma quỷ quái lộng hành, nói năng bậy bạ trong giới trí thức tư tưởng Trung Quốc. Trong thời gian gần đây có xuất hiện “bốn lý thuyết mới” (“Lý luận chủ nghĩa hiến pháp là của chủ nghĩa tư bản” của Dương Hiểu Thanh, “Lý luận đảng tính thần tính” của Lưu Á Châu, “Lý luận chân lý vũ trụ” của Giải Phóng Quân Báo, “Lý luận người cha mới của quốc gia” do Lưu Hiểu Phong đưa ra, nhận Mao Trạch Đông là cha mẹ mình) là những bằng chứng điển hình. Một giáo sư Đại học Phúc Đán mà tôi quen biết là Tô Trường Hoà còn thực hiện công tác “đem kiến thức về dân chủ Phương Tây từ cấp độ phổ quát toàn cầu xuống cấp độ địa phương”, hoàn toàn bỏ qua sự thật rằng sau làn sóng dân chủ thứ ba diễn ra vào thế kỷ trước, đại đa số các quốc gia và người dân trên toàn cầu đều lựa chọn sinh sống tại nơi mà ông ta nói là “kiến thức phạm vi địa phương”.
Khi những học giả Trung Quốc cam tâm được một chính quyền chuyên đi bức hại người dân, bẻ cong tri thức ngự dụng, điều khiển, hơn nữa cho đó là vinh quang, có lẽ bọn họ đã quên đi một chân lý nguyên thuỷ ở hiện trạng của “tồn tại tức là hợp lý”: tính duy lý của nhà nước (raison d’être và reason of state). Nếu như bọn họ cam tâm tình nguyện từ bỏ lý tính, ủng hộ việc dựa vào bộ máy nhà nước để phóng đại ý kiến và kết luận của họ, thì đó cũng là lúc giới trí thức tinh anh cũng gia nhập vào đội ngũ cán bộ quan liêu như bầy dê điên cuồng.
Triết gia chính trị học người Pháp Michael Foucault đã từng nói: “Không có bất cứ thứ gì bất ổn hơn một chính quyền coi khinh chân lý; không có bất cứ thứ gì nguy hiểm hơn một chính thể tuyên bố rằng có thể phân định mọi chân lý”.
Chế độ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc: Bình hoa chính tri? Đàm hoa chính trị?
(2014.09.12)
Chế độ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc đã được thành lập tròn 60 năm. Trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, Đại hội đại biểu Nhân dân chính là được xác lập trở thành cơ cấu hạch tâm của công cuộc xây dựng chủ nghĩa dân chủ mới ở Trung Quốc. Việc thẩm định, tra xét cơ chế này trong 60 năm qua trồi sụt lên xuống, giống như bảng nhiệt kệ đo tiến trình dân chủ hoá ở Trung Quốc vậy.
Hứa hẹn chưa được hoàn thành
Tháng 9 năm 2014, Tập Cận Bình đã công bố “Phát biểu chúc mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc”, tuyên bố:
“Thực thi chế độ Đại hội đại biểu nhân dân ở Trung Quốc là sáng tạo vĩ đại nhất của người dân Trung Quốc cho lịch sử hệ thống chính trị nhân loại.”
Ông ta còn nói:
“Thực tiễn 60 năm qua đã chứng minh đầy đủ rằng , chế độ Đại hội đại biểu nhân dân phù hợp với tình hình và thực tiễn ở Trung Quốc, thể hiện bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo chứng người dân là chủ đất nước, là chế độ tốt bảo vệ việc thực thi sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.”.
Tập Cận Bình
Đối với bài phát biểu quan trọng này của Tập Cận Bình, chúng ta có thể chia làm hai phần để tiến hành phân tích. Đầu tiên, chúng ta có thể đạt được một nhận thức chung: Chế độ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc đã và đang tiếp tục phát huy tác dụng quan trọng trong việc xây dựng nền dân chủ Trung Quốc cũng như quá trình thúc đẩy chủ nghĩa hiến pháp. Tuy nhiên, ở hiện tại chế độ Đại hội đại biểu nhân dân đang toàn diện suy bại lại là một sự thực không thể tranh cãi.
74 năm trước, Mao Trạch Đông trong “Lý luận chủ nghĩa tân dân chủ” đã hứa hẹn:
“Hiện tại Trung Quốc có thể áp dụng hệ thống Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh, Đại hội đại biểu nhân dân huyện, thị cho đến Đại hội đai biểu nhân dân hương làng, hơn nữa Đại hội đại biểu nhân dân các cấp sẽ bầu cử lựa chọn chính phủ. Nhưng nhất định phải có một hệ thống bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự công bằng không phân biệt nam nữ, tín ngưỡng, tài sản, trình độ giáo dục.”
Mao Trạch Đông
Nhưng 2 năm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập chính quyền mới, Lưu Thiếu Kỳ liền nói,
“bầu cử phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, bầu cử trực tiếp không ký danh” đã trở thành “Khẩu hiệu cũ”. Trước đây dùng để “phản đối chính quyền độc tài Tưởng Giới Thạch” có “ý nghĩa tiến bộ”, nhưng ở chính quyền mới thì lại không thích hợp, “chủ yếu là nhân dân cần lao vẫn còn mù chữ, trước đây chưa có kinh nghiệm bầu cử, tạm thời sự quan tâm và tính tích cực của bọn họ đối với bầu cữ vẫn còn chưa được đầy đủ.”
Lưu Thiếu Kỳ
Bước vào thế kỷ 21, trong bài phát biểu của Tập Cận Bình, vẫn là không hề thực hiện lời hứa tổ chức bầu cử phổ thông đầu phiếu. Trong câu đầu tiên của diễn văn, Tập nhận định rằng bầu cử gián tiếp ở Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá 1 là được sản sinh bởi “bầu cử phổ thông đầu phiếu”, phủ nhận một sự thực căn bản: Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, trên toàn thế giới chỉ có hai quốc gia chưa hề tiến hành tổ chức bầu cử phổ thông đầu phiếu trên toàn quốc, đó là Trung Quốc và Saudi Arabia. Mặc dù những quốc gia như Triều Tiên và Việt Nam thao túng bầu cử, đảm bảo 100% những ứng cử viên được Đảng đề cử trúng cử, nhưng Quốc hội của họ cũng là do toàn quốc bầu cử trực tiếp. Lần duy nhất Tập Cận Bình nhắc tới “bầu cử dân chủ”, cũng là khẳng định, ghi nhận bầu cử Đại hội đại biểu nhân dân ở giai đoạn hiện tại: bầu cử trực tiếp huyện, hương thôn, Đại hội đại biểu nhân dân ở cấp kể trên đây được Đại hội đại biểu nhân dân ở cấp thấp hơn bầu gián tiếp. So sánh với cuộc bầu cử vừa được tổ chức trong năm nay ở Ấn Độ mà nói, nơi đó có hơn 800 triệu cử tri, hơn 550 triệu người bỏ phiếu, trong con mắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự khác biệt về tình hình quốc gia Trung Quốc, tố chất của người dân thấp kém có thể được nhìn thấy rõ ràng.
Tiểu Dương Xuân của Đại hội đại biểu nhân dân
Sự thúc đẩy của Đặng Tiểu Bình đối với công tác thực thi quyền hạn của Đại hội đại biểu nhân dân chủ yếu đến từ cải cách phân quyền và từ bỏ bớt quyền lực của ông ta, từ đó sản sinh ra sự tôn trọng đối với công tác của Đại hội đại biểu nhân dân lẫn việc không can dự vào công việc của lãnh đạo Đại hội đại biểu nhân dân. Điều này đã phát huy vai trò tích cực của chế độ Đại hội đại biểu nhân dân, phát huy tính tích cực của cả trung ương lẫn địa phương, trở thành thanh Thượng Phương Bảo Kiếm cho sự mở rộng quyền lực và chế độ hoá của hệ thống Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Chính là trên cơ sở như vậy, Đại hội đại biểu nhân dân từ “Hội nghị hai tay” (giơ tay lên, vỗ vỗ tay) với “tên gọi to, toàn người già, bên trong trống không” và “con dấu cao su” dần dần biến thành con dấu thép, bắt đầu phát huy tác dụng tích cực đối với việc phản ánh ý muốn của người dân, giám sát cơ quan hành chính lập pháp và chống tham nhũng. Với phương thức tiệm tiến tăng dần mức độ cải cách “chạy bước nhỏ, không dừng bước” và mở rộng quyền lực kiểu “chạy thử máy”, trợ giúp Đại hội đại biểu nhân dân tích luỹ và phát triển được một hệ thống và phương pháp thúc đẩy Trung Quốc đi về phía tiến bộ, dân chủ lập hiến. Ví dụ, một loạt cơ chế trong thập niên 1990 như “chế độ bình luận đánh giá”, “kiểm tra tư pháp” và “kiểm tra vụ án cá biệt”, công tác tiếp xúc cử tri Đại hội đại biểu nhân dân…đều là những nỗ lực nhằm thăm dò bước đi trên con đường dân chủ hoá mang màu sắc Trung Quốc.
Đặc biệt cần chỉ ra là, trong thời gian diễn ra phong trào dân chủ 1989, một bộ phận uỷ viên ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đóng tại Bắc Kinh đã phát động phong trào kí tên, ý đồ thông qua việc triệu tập Hội nghị đặc biệt Đại hội đại biểu nhân dân nhằm giải quyết khủng hoảng ở Bắc Kinh. Trước khi tuyên bố giới nghiêm, Ủy ban công tác pháp chế Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc còn thông qua phương thức trả lời hồi đáp, ủng hộ Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Hà Nam bãi bỏ chức vụ phó tỉnh trưởng của Dương Hối Tuyền. Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khi đó là Vạn Lý đang có chuyến công du nước ngoài cũng đưa ra động thái, hy vọng thông qua các trình tự xử lý của Đại hội đại biểu nhân dân nhằm giải quyết khủng hoảng trong nước. Mà khi đó người nắm quyền thật sự bên trong nội bộ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc chính là Phó Uỷ viên trưởng thường trực Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Tập Trọng Huân, cũng chính là phụ thân của Tập Cận Bình.
Bành Chân, Vạn Lý, Lý Bằng, Kiều Thạch cùng cấp phó của họ Trần Phi Hiển, Tập Trọng Huân, Điền Kỷ Vân( trong hai nhiệm kỳ của Lý Bằng và Kiều Thạch) đã trở thành những “đối tác vàng” đem tới tác dụng rường cột cho hệ thống Đại hội đại biểu nhân dân. Nhưng điều không may là, vào năm 2003, “Lưỡng Quốc” (Ngô Bang Quốc và Vương Triệu Quốc) quản trị Đại hội đại biểu nhân dân, đưa thể chế này vào thời kỳ suy bại trong 10 năm kế tiếp.
“Thanh Đạm Quán” phục vụ vì “túi tiền”
Động thái lớn của Ngô Bang Quốc nhằm phế bỏ võ công của chế độ Đại hội đại biểu nhân dân là đem Hoàng Cúc và đường lối chính sách chung có được của ông ta khi còn làm việc ở Thượng Hải là để Đảng “nắm giữ toàn cục, giúp đỡ các bên” đưa về Trung ương. Cơ chế Đại hội đại biểu nhân dân gần như trở thành bên điều phối với hoạt động của chính phủ, chính hiệp, các tổ chức đoàn thể thanh niên, côn nhân, phụ nữ, cái gọi là “cơ quan quyền lực cao nhất” đã bị hao tổn nghiêm trọng. Vương Triệu Quốc vừa mới nhậm chức, đã đem chuyên gia nghiên cứu có thành tựu nhất của Nhân Đại là Thái Định Kiếm đá ra khỏi Văn phòng Uỷ ban thường trực Nhân Đại. Bởi vì Thái Định Kiếm đã viết “Báo cáo tình trạng bầu cử ở Trung Quốc”, phê bình một cách có hệ thống “Lý luận về tố chất công dân” là thứ đã cản trở thúc đẩy bầu cử phổ thông đầu phiếu, dẫn tới Vương Triệu Quốc đã có một phen răn dạy: “Ăn cơm của chế độ, không thể thốt ra những lời phản lại chế độ”. Kết quả là lấy mất bát cơm vàng chức vụ ngang cấp phó cục trưởng của Thái Định Kiếm, hơn nữa còn không cho phép anh ta quay trở lại công tác ở Đại học Bắc Kinh.
Tiếp đó, một loạt các biện pháp bảo thủ được tung ra, những hành động thăm dò cải cách đều bị ngừng lại. Chế độ đánh giá bình luận, kiểm tra án riêng lẻ, kiểm tra tư pháp, đại biểu tiếp xúc cử tri về cơ bản bị xoá bỏ. Chế độ tham vấn kiến nghị khiếu kiện Đại hội đại biểu nhân dân được quy hoạch quay về thể chế “Đại tham vấn” dưới sự quản lý thống nhất của chính phủ. Trong “Luật về giám sát, đôn đốc” mới được công bố, quyền giám sát đôn đốc chỉ được dành cho Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân, Đại hội đại biểu nhân dân và các thành viên bình thường không được trao quyền lực giám sát chính phủ. Những sáng kiến thử nghiệm dân chủ ở địa phương toàn bộ thu hẹp và xoá bỏ, ví dụ như “bầu cử lựa chọn trực tiếp” và “dân chủ khẩn đàm”. Do đó, khi đối mặt với những lời kêu gọi tự do và dân chủ nhiều hơn từ phía người dân Trung Quốc, Đại hội đại biểu nhân dân không phải là khuyết vị trí (ví dụ sự kiện Ô Khảm), chính là đóng vai sát thủ. Ví dụ, sau hiện tượng “ứng cử viên độc lập” xuất hiện vào năm 2011, Ủy ban công tác pháp chế Ban Thường vụ Nhân Đại đầu tiên đưa ra kết luận, ứng cử viên độc lập “không có căn cứ pháp lý”.Năm 2014 trong sự kiện Hong Kong đấu tranh yêu cầu áp dụng bầu cử phổ thông đầu phiếu đối với chức vụ Trưởng đặc khu hành chính, Phó Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Nhân Đại là Lý Phi và Chủ nhiệm Ủy ban công tác pháp chế Nhân Đại là Trương Vinh Thuận đích thân tới Hong Kong đọc chỉ thị phản đối bầu cử phổ thông đầu phiếu.
Đồng thời, ngày càng có nhiều người Trung Quốc được biết, theo như tin tức từ hãng tin Bloomberg News, 70 đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc giàu nhất vào năm 2011, có tổng tài sản vượt qua toàn bộ tổng tài sản của 535 nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ và các thành viên nội các chính phủ Hoa Kỳ, 9 thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cộng lại. Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc đã trở thành “Câu lạc bộ tỉ phú” Trung Quốc (trong số bọn họ nhiều người có quốc tịch nước ngoài), Đại hội đại biểu nhân dân các cấp cũng trở thành nơi chốn để quan thương, quan gian câu kết với nhau. Điều mỉa mai là, Tập Cận Bình kiên quyết phản đối “Phi Lai Phong về chế độ chính trị”. Thực tế, chế độ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã bao giờ không phải là bản sao Phi Lai Phong của Công xã Paris cộng thêm Đại hội đại biểu Xô Viết? Những đại biểu ngồi trong đó lúc nào không phải là vật thể lạ không xác định của nước ngoài?
Khó
trách, dân oan Thượng Hải đã tuyệt vọng giơ lên biểu ngữ “Dâm Đại Bảo Biểu – Đại
biểu dâm loạn đĩ điếm” ngay bên ngoài khu vực tổ chức Đại hội Nhân Đại. Đại hội
đại biểu nhân dân có nên bị người dân coi khinh như thế, đương nhiên vẫn còn có
không gian để bàn thảo. Nhưng có một điều không thể nghi ngờ, bài phát biểu
trên của Tập Cận Bình cùng với chức vụ “Siêu cấp Chủ tịch nước” là cách mà ông
ta đặc biệt dựa vào để quản trị quốc gia, sẽ chỉ càng làm cho chế độ Đại hội đại
biểu nhân dân toàn quốc thêm một bước quay về vị trí “con dấu cao su”.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Hạ Minh, “Đế quốc mặt trời đỏ”, Chương 5.
[1] Đát Kỷ 妲己: Là một nhân vật nổi tiếng trong huyền sử Trung Quốc thời nhà Thương. Bà được biết đến là Vương hậu của Trụ Vương, vị quân chủ cuối cùng của nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Bà cùng với Muội Hỉ nhà Hạ và Bao Tự nhà Chu là những ví dụ điển hình của “hồng nhan họa thủy”, tức mỹ nhân tuyệt sắc gây đại họa liên lụy đến các quân vương, thường là nguyên nhân làm sụp đổ triều đại.
[2] Bao Tự 褒姒: Là vương hậu thứ hai của Chu U vương, vị Thiên tử cuối cùng của Tây Chu. Truyền thuyết kể rằng, Bao Tự là một mỹ nhân cực kỳ xinh đẹp và quyến rũ, Chu vương mê say nàng nhưng chưa bao giờ thấy nàng cười nên ra lệnh ai làm cho nàng cười sẽ thưởng nghìn lạng vàng. Để làm nàng cười, Chu U vương nghe theo một nịnh thần, đã đốt lửa trên cột lửa hiệu triệu chư hầu, đùa giỡn với chư hầu rồi gây họa làm mất Cảo Kinh. Việc nhà Chu suy yếu bắt đầu từ đây. Điển tích này được gọi là Phóng hỏa hí chư hầu 烽火戲諸侯.
[3] “Oligarchy” by Jeffrey A. Winters (Cambridge 2011)
[4]近水樓台先得月Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt : gần quan được ban lộc; nhà ở ven hồ hưởng trước ánh trăng; gần gũi người có thế lực nên được lợi trước; ở chùa ăn lộc Phật.
[5] Lý Tiểu Bằng 李小鹏 (1959-): Con trai cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng. Lý Tiểu Bằng từng giữ chức Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn năng lược Hoa Năng, sau đó nhảy sang vị trí Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây, từ năm 2016 giữ chức Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải
[6] ngự dụng御用: phò đảng, phò chính quyền độc tài.
[7] Long Môn Sơn 龍門山: là một dãy núi chủ yếu nằm tại khu vực phía bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Dãy núi Long Môn là ranh giới phía tây bắc của bồn địa Tứ Xuyên, chạy theo hướng đông bắc-tây nam. Phía đông bắc nó bắt nguồn từ huyện Thanh Xuyên, địa cấp thị Quảng Nguyên, trong khu vực là ranh giới giữa hai tỉnh Tứ Xuyên và Thiểm Tây, phía tây nam chạy tới khu vực nằm trong huyện Lô Định thuộc châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư ven sông Mân Giang, tổng cộng dài khoảng 500 km, bề ngang ước đạt 30–70 km, độ cao trung bình 1.000-1.500 m.