Những tấm lòng đối với cao nguyên miền Trung (Kết)

Nguyễn Văn Lục

Giám mục Paul Seitz, tên Việt là cố Kim, giám mục KonTum tác giả cuốn Le temps des chiens muets

Nguồn: Amazon.UK

Ông người vùng Alsace. Cha của ông là một thợ hớt tóc. Khi còn trẻ, ông đã có thời kỳ đi lính ở Maroc vào năm 1926. Sau đó đi tu muộn. Thụ phong linh mục năm 1937 và sau đó được gửi sang địa phận Hà Nội.  Ông trách nhiệm trong coi một  trại trẻ mồ côi. Nhưng đến một thời điểm thấy vai trò của mình không còn cần thiết. Ông đã tình nguyện lên truyền giáo ở xứ “mọi” như nhiều vị thừa sai khác. Sau đó, ông được phong Giám Mục vào tháng 10 năm 1952.

 Ông đã kêu gọi các linh mục Việt Nam tình nguyện lên truyền giáo ở Kontum. Đáp lại lời mời gọi của ông có 4 linh mục trẻ Dòng Chúa Cứu Thế, trong đó có lm Trần Sĩ Tín sẽ nói đến sau này.

Theo Hồi ký của ông chỉ ghi lại những ngày mất miền Nam vào tay cộng sản Bắc Việt và  những gì xảy ra sau đó.

Giả dụ không có biến cố 1975 thì Cha Kim cũng không cần phải viết Hồi ký. Vì thế cuốn sách chỉ ghi lại những gì khi Cộng sản chiếm miền Nam. Cuốn Hồi ký của ông như một nhân chứng sống về những ngày tháng đen tối sau đó. Ở những trang đầu, ông viết ghi chú từng ngày như sau:

“Cho đến ngày 8 tháng 3 năm 1975, tôi vẫn còn đang ở Saigon để thương lượng việc xây một học xá ngay tại Saigon cho sinh viên Thượng có chỗ ăn học.

Trong khi, mọi người lo chạy khỏi KonTum thì tôi tìm cách quay lại nhiệm sở của mình. Thứ sáu-14 tháng 3, tôi đã có mặt ở Kontum và yêu cầu 4 bác sĩ và một số y tá người ngoại quốc làm việc ở nhà thương Minh Quy phải di tản.( Nhà thương này do Mỹ tài trợ xây cất). Trong số 4 bác sĩ ấy có bà bác sĩ giải phẫu Patricia Smith, người Mỹ, cũng là người sáng lập của bệnh viện. Bà đã tình nguyện đến đây và phục vụ 18 năm cho những kẻ khốn khổ nhất.  Và 7 y tá gồm người Mỹ có, Anh có và một người Trung Quốc.

Máy bay của tòa Lãnh sự Mỹ đã đến chở họ đi vào ngày thứ hai như đự định. Nhưng có hai bác sĩ trẻ tình nguyện ở lại, bởi, theo họ: một bệnh viện không thể không có bác sĩ, bất kể chế độ tương lai là ai?

Khi bộ đội vào thành phố thì tôi đang trên đường đến thăm một cha xứ. Họ bắt ngừng xe. Người trưởng toán vốn hoạt động 20 năm ở đây và nhận ra “Cha Kim” và đã để tôi đi.”

Tóm tắt phần đầu cuốn Hồi Ký của Giám Mục Seitz

Ông đã sống ở Việt Nam 38 năm. Dĩ nhiên, ông nói sành sõi tiếng Việt

Trong suốt thời gian ông còn ở lại Việt Nam — trước khi bị trục xuất – ông viết cuốn hồi ký nhan đề Le Temps des chiens muets. (Thời những con chó không còn biết sủa.) Những con chó câm để chỉ tất cả những ai không dám nói lên sự thật.

Mặc dầu không làm chính trị, không phe phái, trung lập với chính thể Đệ nhất cũng như Đệ nhị Cộng Hòa, nhưng ông không thể nào im tiếng khi bị trục xuất về Paris.

Trong phần phụ lục cuốn sách. Ông đã gửi một lá thư cho “Những người anh em cộng sản” mà tôi thấy đáng trích lại. Ông trích dẫn một lời kinh nguyện rằng, Vindica sanguinem. (Lạy Chúa, xin người hãy mạnh tay giáng phạt chúng). Nhan đề chính thức của lá thư là Lettre ouverte à mes frères communistes du Viêt Nam.  Đây cũng là lời ông mở đầu trong lá thư ông gửi cho những người cộng sản Việt Nam.

Trong đó ông viết,

“Nếu tôi có viết điều gì như phát lộ cái làn khói che khuất cái thực tế mà các ông cố tình che đậy hoặc đánh lừa dư luận, thì không phải là vì sự muốn trả thù hoặc muốn phục vụ cho Việt Nam, quê hương thứ hai của tôi.

Chỉ vì đơn giản là sự thật cần được nói lên. Bởi vì  sự thật không thuộc về chúng ta. Nó chỉ còn là vấn đề lương thiện. Tôi “làm nghề của tôi” cũng như các ông làm nghề của các ông. Nhưng xem ra hình như các ông tỏ ra có cái quyền khinh rẻ tôi, nhưng hơn ai hết, tôi hiểu tôi là ai cũng như các ông là ai.”

Giám Mục Seitz

Và để kết luận lá thư, Giám Mục Seitz trích dẫn lời nguyện thường được giáo dân đọc.  Thay vì dịch thẳng từ tiếng Pháp, tôi xin trích dẫn bản dịch tiếng Việt mà giáo dân thường hát cho xuôi tai hơn như sau:

“Lạy Chúa từ nhân!

Xin cho con biết mến yêu

Và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con,

Như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù,

Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

Đem an hòa vào nơi tranh chấp,

Đem chân lý vào chốn lỗi lầm,

Để con đem tin kính vào nơi nghi nan.

Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.

Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,

Đem niềm vui để chốn u sầu.

Lạy Chúa, xin hãy dạy con:

Tìm an ủi người hơn được người ủi an,

Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,

Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,

Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,

Và chính khi thứ tha là khi được tha thứ.

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con.

Xin thương ban xuống,

Những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

kinh Hòa Bình của Thánh Phan Xi Cô Assise

Chẳng biết có được bao nhiêu người cộng sản đọc lá thư của Giám Mục Seitz gửi “người anh em cộng sản”?

Tôi thích thú cái ý tưởng của ông viết cho người cộng sản, “Tôi làm nghề của tôi” cũng như anh làm nghề của anh.Tôi phụng sự Chúa của tôi, còn anh phụng sự cái Đảng của anh. Lý do gì anh thù ghét tôi và khinh miệt tôi?

Tôi chỉ muốn nhắc lại một vị thừa sai lỗi lạc, đầy lòng nhân ái, gần 40 năm phục vụ cho Việt Nam và các người cao nguyên. Ông trở thành biểu tượng của tinh yêu nhân loại. Cũng ít ai viết về vị giám mục này. Ngay cả những người có cơ hội làm việc và gần kề ông trong nhiều năm.

Trích dẫn một vài nhận xét của nhà báo Jean Lartéguy, một người sành sõi, ăn mòn bát đĩa của Việt Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh Đông Dương và sau đó “chiến tranh ủy nhiệm” trong cuốn sách của ông nhan đề Un million de dollars, Le Việt.

 Với một giọng văn sắc bén, tinh ranh, không thiếu nhiều chứng từ nhân chứng và  cũng không thiếu giọng văn báng bổ những người lính Pháp thuộc địa cũng như người Mỹ và các chế độ Đệ Nhất, Đệ Nhị cộng Hòa miền Nam.

“Trong số 15.000 người Pháp còn ở lại Đông Dương, có một số người Pháp thuộc một chủng loại đặc biệt khác hẳn. Đó là những nhà  truyền giáo. Họ  không ở phe nào trong cuộc chiến tranh, họ cũng chịu đựng bom đạn từ cả hai phía. Nhưng họ ở lại để bảo vệ một giống người đang có nguy cơ tuyệt chủng: Đó là những người dân miền núi. Họ phải sống còn và chịu thử thách của chiến tranh và qua những thăng trầm của lịch sử.”

Jean Lartéguy

Đó là Giám mục Seitz và những nhà truyền giáo của ông ở Kontum với dì phước Marie-Louise và 400 đồng bào Thượng bị bệnh cùi. Bà sơ khi thì dùng xe gắn máy, khi thì xe Jeep với nhiều công việc đa đoan như trồng lúa, mở trường học, dạy trẻ em  gia đình cúi hoặc đi vào buôn làng tìm kiếm các người cùi và làm thế nào để trẻ em không còn bị lây nhiễm bệnh cùi nữa.

Ngoài ra, ở Kontum còn có một người phụ nữ khác cũng đặc biệt lắm. Đó là bác sĩ Patrice Smith. Đấy là những con người đặc biệt ở Kontum.

Và theo nhà báo Jean Lartéguy,

“Ngay từ năm 1960, hình như người ta muốn loại bỏ con số 800.000 người Thượng miền núi bằng cách xua đuổi họ vào rừng. Họ đã phá hủy các ngôi mộ của họ, làm đảo lộn phong tục tập quán của họ, cướp đất đai của họ, phá hủy bằng cánh đốt các vựa lúa của họ.

Jean Larteguy, Ibid, các trang 193-199

Tôi nghi ngờ về việc nhà báo cho rằng có một chính sách triệt hạ người dân miền núi ngay từ 1960 của chính phủ Đệ nhất cũng như Đệ nhị Cộng hòa? Có chứng cớ nào cho thấy, họ xua đuổi những người này vào sâu trong rừng và ngay cả đốt lúa của họ, trừ phi có sự trà trộn của cán binh cộng sản?

Lm Trần Sĩ Tín, tác giả tập tài liệu: Hạt giống Kitô trong đất Jrai

Tôi có dịp được gặp một nhân chứng sống, lm Trần Sĩ Tín, Dòng Chúa Cứu Thế, tình nguyện lên truyền giáo tại giáo phận Kon Tum, hiện nay thuộc huyện Chư Puh, tỉnh Gia Lai) từ năm 1969. Với 50 năm truyền giáo, ông đã hy sinh cả đời, cả tuổi trẻ cho Chúa của ông.

Tôi cảm thấy gần gũi và quý mến vị lm này ngay trong bữa cơm thân mật của một số anh em bạn bè cũ và xin hẹn gặp ông ở nhà dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Đồng. Trong buổi gặp gỡ ngắn ngủi sau đó, tôi được dịp nghe vị lm kể lại quá trình xin đi truyền giáo tại vùng xa xôi như vậy.

Trước hết, bề ngoài ông là một người cao to lớn, còn khỏe mạnh, tráng kiện, vạm vỡ, thời trẻ chắc cũng đẹp trai lắm, nay tóc cũng đã hoa râm. Ông ăn mặc thật đơn giản, ngoại trừ một cây Thánh Giá nhỏ gắn trên ngực.

Ăn nói từ tốn, khiêm cung. Nhưng tự nơi ông cho thấy một con người đầy nhiệt huyết và lý tưởng. Nó toát ra một cái gì đó, không bằng lời, làm người khác phải kính nể.

Xin tóm lại một vài ghi nhận về ông. Khi làm lm, ông cảm thấy sự phục vụ ở Sài Gòn là một điều nhàn tản, dễ dãi. Ông muốn làm một cái gì hơn thế nữa. Theo lời kêu gọi của Giám mục Seitz, ở Kontum lúc bấy giờ, ông cùng bàn thảo với ba anh em khác trong dòng quyết tâm lên truyền giáo ở Kontum. Cũng theo lời ông kể lại cho tôi, Giám mục Kontum dùng xe díp chở các ông tới một làng Thượng, bỏ các ông xuống và để các ông ngay từ đầu phải tự liệu lấy mọi thứ.

 Cuộc sống kham khổ trăm bề bắt đầu, nằm giữa lằn ranh giới giữa bom đạn của Việt Nam Công hòa, của Mỹ và sự ruồng bố của Cộng sản. Ông đã cùng  ăn ở, cùng no đói với dân làng. Theo lời khiêm tốn của ông, ông vốn gốc nông dân nên cái đói, cái no, cái khó nghèo vốn dĩ quen thuộc nên không thấy khổ sở gì. Ông nói vậy thôi, thật không dễ gì cho một người ở dưới đồng bằng lên sống chung đụng với đồng bào thiểu số mà cái ăn, cái mặc, cái ở và mọi tiện nghi đều thiếu hụt.

 Chẳng những thế còn bệnh tật nữa.  Vì thế, sau này ông còn bị sốt rét nữa. Cho đến hiện nay, người dân j’rai vẫn dùng nước sông để ăn uống dễ bị nhiễm trùng nên thật hiếm thấy người già trong số họ.

Và kiên trì, trầm lặng trong suốt 20 năm không một người thiểu số nào xin theo đạo. Ông cho biết điều này không phải một trở ngại hay thất bại đối với ông. Nhưng đối với ông lại có giá trị của tinh thần chuẩn bị như cuộc đời ẩn dật của Chúa trong suốt 30 năm trước khi ra “hành hiệp giang hồ”. Ông bị cộng sản nghi ngờ và bắt cầm tù năm 1971, dẫn sang biên giới Cam Pu Chia và chỉ được thả ra sau 1975.

 Sau vài năm được thả ra, ông lại một lần nữa quyết tâm trở lại sống với người dân Gia Lai.

Tôi về lại hải ngoại, lu bu lăng xăng, rách việc với chuyện làm báo, viết sách. Ông thì chắc cũng bận đến những đồng bào cao nguyên của ông. Chúng tôi không hề có liên lạc với nhau hay có thể một hai lần tôi không nhớ.

Nhưng lòng vẫn nhớ đến ông, nhất là nghĩ về ông, tin tưởng vào tương lai giáo hội Thiên chúa giáo Việt Nam còn những người như ông, tiếp nối các thừa sai như Jacques Dournes, P.Dourisboure, C. Simonet. Tất cả đều thuộc M.E.P, Hội truyền giáo Ba Lê. Và gần hơn nữa Giám mục Seitz, người trực tiếp lãnh đạo của ông.  

Hôm nay, nhắc đến ông, vài dòng suy nghĩ về con đường ông đã đi trong suốt cuộc đời tuổi trẻ, 50 năm ròng rã. Tôi chờ mong ở ông vài điều:

  • Mong ông ngồi viết lại, viết một cuốn Hồi Ký 50 năm truyền giáo đó. Biết bao nhiêu điều để nói, để kể, để truyền đạt lại cho các thế hệ sau. Cuốn sách sẽ cho thấy con người cao nguyên với quá khứ lâu đời của họ, ngày hôm nay chính họ lại là nhân chứng lịch sử của nhân loại, của chúng ta ngày xưa. Nó gián tiếp chỉ cho chúng ta biết ngày xưa chúng ta đã là như thế, cũng ăn lông ở lỗ như người cao nguyên còn sót lại. Nhìn lại họ chẳng khác gì là một soi gương nhìn lại chính chúng ta trong quá khứ.
  •  Do đó mà ta dễ chia xẻ và hiểu họ hơn. Bởi vì, trong họ chính là chúng ta thuở nào.
  • Nhìn lại họ là nhìn lại chính chúng ta, họ dạy chúng ta nhiều điều. Nhất là tính thật thà và tự trọng. Cách nhìn thế giới, cách hiểu núi rừng là một cái nhìn phóng chiếu của một chiều sâu tâm linh của một trạng thái tâm linh mà không dễ gì hiểu được chiều sâu của nó. Nó như những sức mạnh tâm linh như ngọn lửa âm ỉ, được ủ tro chấu mà chỉ cần ai đó khơi ra nó sẽ bùng cháy, lập lòe trong đêm tối và tỏa sáng khắp núi rừng, bay lượn trên các ngọn cây, đỉnh núi.. mà như thể thần linh hiện diện khắp nơi.
  • Chúng ta đến với họ không phải để diệt trừ hay thay thế cái họ đang có mà giúp làm cháy lên những ngọn lửa đang ủ trong tro trấu âm ỉ của họ.

Và điều mong mỏi cuối cùng là Lm Trần Sĩ Tín chỉ hướng soi đường cho các lm trẻ sống theo Chúa trong lý tưởng phục vụ, vì người hơn vì mình. Và hơn bao giờ hết giữ gìn phẩm cách vai trò linh mục, không dễ bị mua chuộc xa đà vào những ham muốn trần thế như tiền bạc, danh vọng mà chúng ta thấy hiện nay. Mong vậy thay.  Vì thế, chẳng lẽ các nhà truyền giáo người Việt lại không viết một thiên hồi ký về mình mà cũng là về những người cao nguyên. Về tín ngưỡng, về phong tục như sinh đẻ, cưới xin, chữa bệnh. Về các việc làng như việc thông dâm, cưỡng hiếp, trộm cướp  xử trí như thế bào? Về cái sống, cái chết, về  hiếu đễ, chôn cất, cách làm ăn sinh sống, về núi rừng, về các cách trừng phạt, đền bù từ một chén rượu, đến một con gà, một con trâu, v.v..

Chẳng hạn, nếu nó hiếp vợ một người nghèo, đền một con lợn, nếu nó hiếp vợ hay con gái người giàu đền một con trâu.

(Miền đất huyền áo. Tác giả Dambo, người dịch Nguyên Ngọc, trang 279)

Nói về người cao nguyên là nói chung. Còn biết bao sắc tộc? Nào người Gia Rai, Eđê, Noang, Raglai, Srê, Bana Rongao, Sêđăng, người Mạ, v.v.. Có hằng trăm dân làng đủ loại như thế, và chúng ta biết được gì về họ?

Lại nữa và đây là điều mang tính thời sự. Gần đây nhất, các linh mục dòng Chúa Cứu thế trẻ tuổi sau này vùa bị một sự khai trừ công khai, tàn bạo và vô lý của chính người anh em trong dòng — linh mục Bề Trên Nguyễn Ngọc Bích đưa họ ra khỏi sinh hoạt Dong cứa thế Saigon, đưa về các họ đạo xa, các nơi khỉ ho cò gáy.

Không có một lý do chính đáng nào có thể bào chữa cho quyết định thuyên chuyển của ông Nguyễn Ngọc Bích, ngoại trừ một áp lực từ bên ngoài của chính quyền, muốn loại trừ các linh mục trẻ trên.

Amai B. Lan với cuốn Nước mắt của rừng

Nguồn: http://amvc.free.fr

Tôi chỉ lo ngại và sợ rằng buổi bình minh của một nhân loại sẽ trở thành hoàng hôn của một thế hệ người cao nguyên đang tắt dần. Người miền xuôi đang tục hóa và vật chất hóa người thiểu số ở cao nguyên với những đo đếm, tính toán và nhất là sự lừa đảo để đuổi họ ra khỏi nứi rừng.

 Không phải để cho truyền đạo giáo là điều cấp bách mà hãy trả lại cao nguyên cho cao nguyên mới là điều quan trọng. Có lẽ, chúng ta không thể quay ngược lại lịch sử. Nhưng ít ra làm thế nào để đừng đụng tới họ; để họ là họ, dù họ khó nghèo, dù họ chậm bước phát triển!

 Tôi đã nghiệm được điều này khi đọc cuốn Nước mắt của rừng của Amai B’Lan, bút hiệu của một cô giáo từng dạy học thiện nguyện ở miền thượng.Và hãy nghe cô tâm sự:

“Tôi đã tới nơi cần tới sau nhiều ngày mơ tưởng về thủ phủ của  người Jrai, về vùng đất của Pơtao Apui, về những căn nhà sàn đêm đêm bập bùng ánh lửa kể akhan, về một dân tộc có đời sống tâm linh vô cùng sâu sắc, nhưng sao cảm giác trong tôi thật lạ, có gì đó như là tan vỡ.”

Amai B’Lan, Nước mắt của rừng, trang 14, Lời tựa của Phan Ni Tấn

 Cái tan vỡ ấy Amai B’Lan đã chua chát nhận xét,

“nói trắng ra rằng: nay người ta đã thay nhà sàn bằng nhà xây, vật dụng trong nhà nay cũng là của người Kinh. Giới trẻ đã thay cái váy truyền thống bàng chiếc quần Jeans bó sát. Ở một góc của Buôn, đàn ông tụ tập gầy sòng bạc, uống rượu và chửi tục. Người trong Buôn nói: “Người Jrai bây giờ đã biết học theo người Kinh rồi. Con gái Jrai đã biết làm đĩ còn con trai đã biết ăn cắp rồi.”

Amai B’Lan, Ibid, trang 16

Đã một thời đã qua mà nay chính giới trẻ Tây nguyên đã thay đổi. Amai B’Lan viết tiếp:

“Cũng từ ba cô gái này mà tôi biết được giơi trẻ Jrai thích nghe nhạc trẻ của người Kinh, loại nhạc mì ăn liền, thần tượng các ca sĩ mới nổi và có người muôn rũ bỏ nguồn gốc của minh. Các bạn thấy ngại ngùng khi mặc cái eng(cái váy) truyền thống, ngại địu con trên lưng, ngại đeo gùi, ngại nói cả tiêng jrai. Người già mỗi ngày một già đi, tựa cửa nhìn ra thấy con cháu càng ngày càng nhạt màu dân tộc mà không biết phải làm sao níu lại. Thời của đêm đêm bên bếp lửa, già làng kể akhan qua rồi. Bây giờ trong Buôn không còn Già Làng nữa. (Nếu còn thì lại là Già Làng quốc doanh). Có một thực tế đáng buồn là nhiều bạn trẻ Jrai sau khi học hành thành đạt thì ra vẻ kiêu căng ngạo mạn với anh em mình không muốn trở về giúp Buôn làng nữa.”

Amai B’Lan, Ibid trang 72

Một thời mà chính quyền cộng sản đã dạy cho người cao nguyên biết đi làm cách Mạng như trong cuốn sách của Nguyên Ngọc, “Đất nước đứng lên”. Nay thì họ dạy cho con gái cao nguyên biết làm đĩ.

Tôi thật ngạc nhiên lắm khi đọc cuốn Nước Mắt của rừng, tác giả đã chịu khó tìm đọc cả hai cuốn sách của các thừa sai nói trên và trích dẫn trong sách của mình. Những tài liệu như thế thường chỉ để dành cho những người làm biên khảo

Ở tuổi ấy người ta tìm đọc thơ văn truyện sáng tác! Tác giả như đi ngược dòng, tác giả quả thực có trang bị một một hành trang trí thức tạm đủ về cao nguyên, đồng thời tình nguyện về cao nguyên sống chung với người dân thiểu số.

Phải là người có bản lĩnh và cung cách thế nào mới có thể làm được điều đó. Đồng thời tác giả tỏ ra thất vọng vì những điều viết ra trong hai cuốn sách trên vì nó không đúng với thực tại bây giờ. Điều đó hiểu được, vì các thừa sai khi đến với các dân tộc cao nguyên thì họ còn nắm bắt được tính nguyên trạng, tính sơ khai nguyên thủy, điều mà nhà nhân chủng học Claude Lévy Strauss gọi chung là tư tưởng hoang dã.

Đó là những nét đẹp của cao nguyên, cùa núi rừng thời xa xưa.

Tất cả hai cuốn trên về giá trị tài liệu sống thực- tài liệu đầu nguồn- về con người cao nguyên thật vô giá! Mà tôi nghĩ bất cứ ai cũng nên tìm đọc để hiểu rõ những người anh em thiểu số mà theo tác giả Amai B’Lan thì hiện nay họ đang bị hủy hoại bởi những tham vọng du lịch sinh thái làm biến chất họ.

Thật đau xót cho họ và vì thế mới có: Nước mắt của rừng. Thay vì lý luận, thay vì phê phán, tố cáo mạnh mẽ những kẻ đang phá hoại sinh thái rừng. Tác giả dùng giọt nước mắt người thiếu nữ chỉ để khóc. Khóc cho rừng, khóc cho cao nguyên, khóc cho con người, khóc cho thiên nhiên!

Nếu các vị thừa sai thống hiểu được những nỗi khốn cùng của người dân cao nguyên thì nay Amai B’Lan hiểu được nỗi khốn khổ biến chất của họ.

Nước mắt của rừng là để khóc cho sự mất mát đến không thể cứu vãn được nữa về những giá trị tinh thần và tâm linh của người dân tộc đã bị thương mại hóa! Sẽ không bao giờ trở lại những cô gái miền sơn cước ăn mặc theo lối cổ truyền! Các cô không mặc váy để hở ngực trần- tắm suối nữa-.

Nhất là từ đây, tinh thần Già Làng sẽ biến mất- mọi sự, mọi việc sẽ không còn như trước nữa.

Vâng, không còn như trước nữa!

 Nguyên Ngọc với bản dịch cuốn Populations montagnardes du Sud-Indochinois (Miền đất huyền ảo) và với tác phẩm Đất nước đứng lên

Có thể nói, Nguyên Ngọc là người cộng sản có một không hai có lòng với cao nguyên.

 Trong cuộc chiến tranh, ông đã có dịp sống chung với người cao nguyên trong nhiều năm. Vốn quý mến họ nên ông đã bỏ công dịch cuốn sách của linh mục Jacques Dournes nhan đề  Population montagnardes du Sud-Indochinois (Các dân tộc miền núi phía Nam Đông Dương). Nhưng Nguyên Ngọc để cho tựa đề mang nét thơ mộng hơn nên đã dịch là Miền đất huyền ảo

Thật ra cuốn sách của Dambo – một người đã từng sống ở cao nguyên trong suốt gần 30 năm – mang tính học thuật và khảo cứu nhiều hơn. Đó là một công trình có thể là đầy đủ nhất hiện nay với những luận giải, so sánh và quan sát một cách tỉ mỉ và cẩn thận như một nhà nhân chủng học.

Cuốn sách, cũng theo lời giới thiệu của Nguyên Ngọc, cho thấy:

  “Thấm đượm trong các nghiên cứu của Dam Bo (Jacques Dourmes) là một tinh thần khoa học nghiêm túc – trên cơ sở nhũng quan sát chăm chú, tỉ mỉ, cẩn trọng, những so sánh và luận giải chặt chẽ, thấu đáo, những phân tích luôn cố gắng phân tích hết sức khách quan, đi đôi và hòa quyện với một tình yêu sâu sắc và một sự kính trọng chân thành đối với đối tượng nghiên cứu của mình : những con người Tây |Nguyên, cái thế giới vừa vô cùng sâu xa, thăm thẳm trong truyền thống minh triết lâu đời của họ, vừa lại rất mong manh, rất dễ bị đổ vỡ, bị xéo nát trước những thách thức hung bạo của sự phát triển hôm nay.”

Nguyên Ngọc, Miền đất huyền ảo. Dam Bo (Jacques Dourmes). Nxb Hội Nhà văn, trang 6

Đoạn trích văn trên cho thấy nhà văn Nguyên Ngọc vừa hiểu thâm sâu tâm hồn người cao nguyên, nhưng cũng đồng thời trân trọng cung cách làm việc khoa học và nhất là tinh thần yêu mến và tôn trọng người cao nguyên của tác giả. Tác giả đã dành gần 30 năm đời mình, những năm dồi dào sức lực nhất, trí tuệ nhất của đời mình để cố tìm hiểu nó và yêu nó.

Tiếp nối công việc dịch thuật đó, Nguyên Ngọc còn có những sáng tác để đời cho chế độ cộng sản như  “Đất nước đứng lên”, “Đường chúng ta đi”. Tôi đã có dịp đọc “Đất nước đứng lên” mà nếu đứng về mặt Đảng thì đó là một công trình lớn quá đẹp, quá hào hùng, quá lãng mạn, để đời. Ông đã có phần hư cấu người cao nguyên vì đã đáp lại tiếng gọi của Đảng cộng sản và đi theo họ để chống Pháp..

Theo tôi nghĩ, việc hư cấu câu truyện cao nguyên và lồng nhân vật truyện vào những tình tự yêu nước như thể đất nước là của họ là một sự gượng ép và nói lấy được, giả dối và tuyên truyền.

Có một sự mâu thuẫn tự nội nơi tác giả Nguyên Ngọc. Một phần đời ông dành một tình tự yêu mến người cao nguyên. Nhưng phần khác, ông lại biến người cao nguyên như phương tiện để phục vụ cho đảng cách mạng của ông. Điều này nỏ phản bội lại bản chất người cao nguyên vốn chỉ biết có núi rừng. Dân tộc đối với họ là rựng. Đất nước họ cũng chỉ là rừng. Họ không có những khái niệm trừu tượng đất nước như một lịch sử, một biên giới, một chủng nòi. Vì thế, họ không biết đến cái ý tưởng cao đẹp như tình tự dân tộc, chống Pháp mà Nguyên Ngọc gán ghép cho họ.

Ông đã gán cho họ những điều mà tự họ không có, không bao giờ có dù có được tuyên truyền cách mấy đi nữa. Nói thẳng, ông đã biến chất và tha hóa người cao nguyên nếu chuyện đó đã xảy ra như vậy.

Thay vì có công với sắc dân khốn khổ này, ông có tội với họ vì đã lợi dụng họ- lợi dụng sự chất phác và thật thà của họ.

Tôi xin trích dẫn một nhận xét của Jean Lartéguy mà nhiều phần hẳn ông có trải nghiệm và có thể là người có trách nhiệm. Tôi nghĩ là khi viết cuốn “Đứng lên đất nước”, ông đã che dấu rất nhiều sự thật đến phũ phàng và tàn độc của  các cán binh cộng sản khi họ tàn sát các Buôn Làng theo Pháp hoặc trong các khu Dinh Điền thời ông Diệm :

“Cứ mỗi,  buổi chiều, Việt kéo đến các Buôn làng dùng loa kêu gọi họ phải quay trở lại Buôn Làng cũ, nhưng nếu họ cứ ở lại thì người cộng sản sẽ đốt cháy doanh trại của họ.”

Jean Lartéguy, ibid, trang 132

Dọa không được, người cộng sản đã tấn công các khu vực được gọi là đã được bình định,-nơi đây thu gom khoảng hơn 6000 các dân tộc thiểu số-. Người cộng sản đã tấn công và chiếm một trong các doanh trại ấy.  Nhưng tệ hại hơn nữa:

“Vài tuần sau, khi thấy rằng có thể chiếm được khu cao nguyên, người cộng sản đã quyết định làm một cuộc thanh lọc rộng lớn các thành phần cán bộ chỉ huy của người cao nguyên có thể chống lại việc xâm nhập của họ. Cộng sản đã tàn sát tất cả các người đứng đầu dân làng đã có làm việc cho Pháp và tất cả những người khác như : Sĩ quan, cai đội, xã trưởng. Họ có cả hằng trăm nguoif bị tàn sát. Trong đó có linh mục thừa sai Bonnet, một người am hiểu tinh tường dân “ Mọi” cũng đã bị Việt Minh ám sát. (…) Ngay cả vợ một người đứng đàu dân làng đã trốn len Di Linh, trong nhà tu của các bà sơ, cộng sản cũng đã theo dõi và bắt bà đó dẫn ra sân của nhà dòng và hành quyết ngay trước mắt của các sơ trong dòng. Một người khác chỉ huy dân làng ở Ban Mê Thuột tên Sok đã bị săn đuổi và rồi một đêm, ông đã bị Việt Minh giết bằng gậy như một con chó.”

Jean Lartéguy, Ibid, trang 144-145

Ông nghĩ sao về những lời tố giác này mà có thể ông nghĩ rằng không ai biết chăng?

Và còn biết bao nhiêu mánh khóe chính trị, tuyên truyền, rỉ tai để mua chuộc các nhóm F.U.L.R.O?

Phần ông, qua những tác phẩm ấy ông được đánh giá cao, và nếu may mắn đã có thể được xếp chỗ ngồi ở Trung Ương Đảng. Thế nhưng, mọi chuyện đã không xảy ra như lòng mong đợi và giấc mơ Đảng của ông tan vỡ sau khi bị buộc phải rời khỏi chức vụ Tổng biên tập tờ báo Văn Nghệ. Tôi cũng có dịp trò chuyện với ông đôi lần khi ông bị cho ngồi chơi xơi nước vào năm 2006. Cung cách và thái độ hòa nhã cũng như biểu tỏ một tình cảm quý trọng các thế giá văn học, triết học của miền Nam trước làm cho tôi quý mến ông.

Tuy nhiên, sau này, trong một Hồi ký nhan đề “Hòa Bình Khó nhọc” (đăng trên Diễn Đàn Forum, cập nhật 18-06-2019), chúng ta nhận thấy có một Nguyên Ngọc đổi khác. Nay nhìn lại, ông thấy những tác phẩm viết trong thời chiến, ông cảm thấy “Nó trở nên nhạt nhẽo và vô vị. Cuộc sống của ông vì thế trở nên vô vị.”

 Ông tâm sự,

“Bận rộn, tíu tít, cố mà bận rộn, mà tíu tít, tự đánh lừa mình và đánh lừa bạn bè… để khỏi phải ngồi vào bàn, đối mặt với trang giấy trắng, khỏi phải viết. Bởi vì biết viết thế nào? Bí rị. Chữ viết ra cứ nằm bẹp trên mặt giấy, chết khô, chán ngắt!! Thật ra, cố mà bận rộn, vẫn không hết được thì giờ. Vẫn cứ rảnh rỗi một cách xấu hổ, đau đớn. Tôi lêu lổng khắp các phố, nhiều đêm lang thang ngắm các cô gái Hà Nội mới lớn lên, đẹp không chịu được mà nói tục cũng không chịu được. Lêu lổng như một thằng ma cà bông vô nghề nghiệp, vô tích sự. Nửa đêm mới về.” 

Nguyên Ngọc

Chua chát hơn ông viết:

“Vậy rồi đến một lúc, tự anh, anh mới nhận ra: có lẽ nhầm đường, nhầm nghề mất rồi. Tất cả những cái đã qua chỉ là tình cờ, ngẫu nhiên, chó ngáp phải ruồi, chứ thật sự anh chẳng có tài cán gì ráo. Anh không thể, không phải là nhà văn.”

Nguyên Ngọc

Tôi hiểu được tâm trạng của ông. Chính vì ông lấn sâu với đảng, tin tưởng và sống chết với Đảng trong suốt quãng đời tuổi trẻ, nay bị khai trừ, ông mới có một tâm trạng bi phẫn như vậy.

Số phận dành cho những người trí thức theo Đảng là như vậy! Ông cững như một số trí thức, nhà văn đã một thời theo Đảng. Tuy nhiên, mãi đến cuối đời- khi không còn con đường tiến thân nào khác đến bước đường tuổi đã già mới như chợt tỉnh. Trả lại thẻ Đảng  trong tình huống như thế thì xem ra có quá trễ không? Phản biện hay phản kháng?

Không ngờ, câu nhận xét của một trí thức miền Nam Nguyễn Văn Trung, một người chân trong, chân ngoài với cộng sản, đã có một nhận xét chí lý ứng vào trường hợp Nguyên Ngọc. Nguyễn Văn Trung viết  “Tham gia Cách Mạng là tham gia vào một quá trình tự tiêu diệt sau này.”

Còn về phần cao nguyên, đối với người viết bài này, nó chỉ là một hồi ức. Viết để nhắc nhở và tri ân những người có lòng với cao nguyên bởi vì mai kia mốt nọ, sẽ không còn ai nhắc nhở tới hai chữ cao nguyên nữa. Nó là nạn nhân của ông Diệm khi tập trung họ lai thành khu dinh điền, nạn nhân của người Pháp, người Mỹ và nhất là người cộng sản. Chỉ duy nhất, người cộng sản đã tàn sát họ!

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập, minh họa và phụ chú

DCVOnline: Dam Bo là tên của người thiểu số Srê trên cao nguyên Djiring gọi tác giả cuốn “Les populations montagnardes du Sud-Indochinois (Pémsiens)”, Jacques Dourmes

Nguồn: Smalley William A. Dam Bo: Les populations montagnardes du Sud-Indochinois (pemsiens); Jacques Dournes: Recueil des coutumes Srê du Haut-Donnai; Jacques Dournes: Dictionnaire srê (köho)- français; Gilbert Bochet et Jacques Dournes : Lexique polyglotte (vietnamien, köho, röglai, français). In: Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 47 N°2, 1955. pp. 653-661; https://www.persee.fr/doc/befeo_0336-1519_1955_num_47_2_3748