Tại sao nhiều sinh viên Hoa lục không thể hiểu được những cuộc biểu tình ở Hong Kong

Yaqiu Wang | Trà Mi

Rât khó để người Mỹ hiểu tại sao rất nhiều sinh viên Hoa lục theo học tại các nước phương Tây trong những ngày gần đây đã bầy tỏ sự ủng hộ của họ đối với chính phủ Trung Hoa trong cuộc xung đột hiện nay với người biểu tình ở Hong Kong.

Người biểu tình dân chủ Hong Kong | Hành động của sinh viên Hong Kong ủng hộ dân chủ không phải là điều dễ hiểu đối với sinh viên ở Hoa lục. Nguồn: Wong Maye-E/Associated Press.

Những sinh viên Hoa lục đã cố gắng đè bẹp những người biểu tình tại những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hoa Kỳ, Canada, Úc và Vương quốc Anh.

Tôi không đồng ý với sự ủng hộ Bắc Kinh của những sinh viên đó trước những cuộc biểu tình ở Hong Kong, nhưng tôi nghĩ tôi hiểu họ. Họ nhắc tôi nhớ lại chính mình khi lần đầu tiên đến Hoa Kỳ du học năm 2009.

Ngay sau khi đến Mỹ, tôi đã thấy các cuộc biểu tình trước tòa Đại sứ Trung Hoa ở Washington, D.C., do người Tây Tạng lưu vong tổ chức, nhưng tôi không thể hiểu được ý nghĩa của những cuộc biểu tình này. Người Tây Tạng không hạnh phúc có được những chuyến tàu cao tốc và những tòa nhà đẹp mà người Hoa lục đã xây hay sao? Không phải người Tây Tạng kiếm được nhiều tiền hơn khi làm ăn với người Trung Hoa hay sao? Đây là vài câu hỏi tôi đã hỏi những người Tây Tạng đã tìm đến tôi để làm bạn – họ là những người sinh ra trong các trại tị nạn ở Ấn Độ do cha mẹ chạy khỏi Tây Tạng, trốn súng đạn của Trung Hoa.

Tôi biết ơn những người bạn Tây Tạng của tôi đã vì họ trả lời những câu hỏi sai lệch của tôi với sự cảm thông thay vì coi thường. Mặc dù vậy, tôi đã phải mất vài năm mới có thể hiểu được mức độ đau khổ của nhiều người Tây Tạng ở Trung Hoa. Suy nghĩ của tôi về Tây Tạng đã bị tuyên truyền của chính quyền Trung Hoa định hình hoàn toàn, nó cho rằng Trung Hoa đã giải phóng người Tây Tạng khỏi chế độ nông nô và mang lại sự thịnh vượng và hạnh phúc cho họ. Tôi không được nghe những ý kiến ​​trái chiều vì sự kiểm duyệt của chính phủ, vì vậy tôi không thể tin rằng người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự đàn áp thô bạo từ ngôn ngữ, văn hóa đến bản sắc của họ.

Những nghiên cứu cho thấy sinh viên Hoa lục ở nước ngoài — có tổng cộng khoảng 1,5 triệu người, trong đó có hơn 300.000 người ở Hoa Kỳ vẫn dựa vào thông tin từ báo chí và mạng internet bị chính quyền Trung Hoa kiểm duyệt nặng nề. Điều đó giúp giải thích tại sao có một số sinh viên nhiệt thành biểu tình chống Hong Kong. Nhưng nó phức tạp hơn thế.

Đối với những người lớn lên trong một hệ thống mà việc kiểm soát thông tin là toàn diện, thông cảm và hiểu được những ý nghĩ  trái với những gì chúng tôi đã được dậy dỗ và tin tưởng cả đời không phải là chuyện dễ dàng. Cần có một sự tò mò bẩm sinh, liên tục đọc thông tin không bị kiểm duyệt và suy nghĩ tự phản ảnh — ở Trung Hoa người dân không được khuyến khích có những hành động vừa kể.

Loại bỏ những thông tin sai sự thật và niềm tin do bị tuyên truyền gây ra có thể mất cả đời. Tôi rời Trung Hoa mười năm trước, nhưng hôm nay tôi vẫn thỉnh thoảng nghi ngờ về tính trung thực của một số hiểu biết nhất định mà tôi đã có — vì tôi đã thấm nhuần chúng dưới mái trường ở Trung Hoa.

Khi sinh viên Trung Hoa ra ngoài Hoa lục để đi học, họ phải vật vã thích nghi với hệ thống giáo dục mới và thường xuyên phải đối phó — trong lớp học, trong cuộc sống hàng ngày và trên mạng — với những giả định rằng họ đã “bị chính phủ Trung Hoa tẩy não”. Nó khiến một số cảm thấy như bị tấn công và tái khẳng định những gì họ được dạy ở Trung Hoa: Phương Tây đầy hành kiến và không than thiện.

Tất cả những điều đó giúp giải thích lý do tại sao những bích chương ủng hộ Hong Kong trong khuôn viên Đại học Tasmania ở Úc liên tục bị gỡ xuống. Nhóm sinh viên chính từ Hoa lục tại trường đại học đã công bố một tuyên bố gọi những bích chương đó là một “sự xúc phạm” đến Trung Hoa. Họ nói rằng nhóm của họ “kiên quyết bảo vệ sự thống nhất của tổ quốc, kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào nhằm chia rẽ Trung Hoa” Ngôn ngữ loại đó chính là từ vựng tuyên truyền của chính phủ Trung Hoa. Đối với những sinh viên này, những gì họ học trước đó vẫn là cách duy nhất họ có thể dung trong tranh luận hoặc ngay cả cách suy nghĩ về những vấn đề gây tranh cãi về chính trị.

Điều này chắc chắn là những gì chính phủ Trung Hoa dự định. Chỉ có con người muốn nói lên ý nghĩ của riêng mình, nhưng sau nhiều năm bị điều kiện hóa rằng có suy nghĩ của riêng mình và bầy tỏ chúng có thể bị trả  thù nghiêm trọng, người ta dần dần học cách tránh suy nghĩ cho chính mình.

Khi tôi còn đi học ở Trung Hoa, phải học những khái niệm khó hiểu như “hệ thống khoa học của tư tưởng Mao Trạch Đông”, “hệ thống xã hội chủ nghĩa với những đặc điểm của Trung Hoa”, tôi đã tự nhủ rằng đừng nghĩ về ý nghĩa của chúng mà chỉ cần thuộc lòng và chép lại trong các kỳ thi. Sống dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản, không suy nghĩ là tự bảo tồn.

Ngay cả cảm xúc cũng được nhà nước hiệu chỉnh. Chúng tôi được dạy để vui về một số sự kiện, buồn hay tức giận về những sự kiện khác, nhưng không bao giờ dừng lại và suy ngẫm tại sao. Không lâu sau khi một người bạn của tôi từ đại lục di cư sang Hong Kong vào đầu năm 1997, người lãnh đạo tối cao của Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình, qua đời. Bạn tôi, khi đó là một học sinh cấp hai, đã đến Văn phòng Liên lạc, đại diện của Bắc Kinh tại Hong Kong, để tưởng nhớ Đặng Tiểu Bình. Khi anh rời khỏi tòa nhà, một nhà báo Hong Kong địa phương hỏi anh tại sao anh lại khóc. Anh ấy kể lại với tôi,

“Lúc đó, tôi chỉ chết lặng. Tại sao tôi lại khóc? Tôi tự hỏi mình. Tôi đã thực sự không biết tại sao mình khóc.”

Mặc dù rất khó để đưa ra những ý tưởng khác nhau về cơ bản cho những sinh viên Hoa lục, nhưng quan trọng là chúng ta cần tiếp tục tương tác với họ. Những đại học và giới giáo dục nên nhấn mạnh sự tôn trọng, không phán xét, để ý rằng sinh viên Hoa lục có thể cảm thấy bắt buộc phải hành xử để bảo vệ chính phủ Trung Hoa. Từ lâu, chính quyền Trung Hoa đã theo dõi và giám sát sinh viên Hoa lục ở mọi khuôn viên đại học trên khắp thế giới.

Bất chấp những va chạm gần đây trong đó một số sinh viên Hoa lục đã cố đè bẹp những ý kiến ​​mà họ không đồng ý, các giáo sư đã viết về kinh nghiệm của họ với các sinh viên Hoa lục cho thấy nhiều người rất muốn học hỏi và cởi mở để được thuyết phục — đặc biệt là khi các đại học quan tâm đến những hạn chế tiềm ẩn mà những sinh viên này phải đối phó.

Đối với tôi, việc tìm hiểu về những vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Hoa, đã dẫn đến công việc tôi đang làm hôm nay tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW). Về lâu về dài, những sinh viên hiện nay sống ở nước ngoài có thể có vị trí tốt nhất để trở về nước và vạch ra một hướng đi mới cho Trung Hoa.

Tác giả Yaqiu Wang là một người nghiên cứu về Trung Hoa tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Why so many Chinese students can’t understand the Hong Kong protests | Yaqiu Wang | The LA Times | August 21, 2019.