Chính trị là đạo cả

Phạm Dương Đức Tùng

Bài của Phạm Dương Đức Tùng viết nhân dịp kỷ niệm 31 năm ngày mất của kháng chiến quân Trần Văn Bá. Một phần nhỏ lịch sử các phong trào kháng chiến chống cộng sau khi Sài Gòn sụp đổ.

Tập họp ủng hộ Trần Văn Ba, Paris, tháng 12 năm 1984. Trang web: dao-liège

08/01/1985 – 08/01/2016: Giỗ thứ 31 của anh Trần Văn Bá, nhớ lại chuyện xưa.

Trong 4 ngày, từ 14 đến 18 tháng 12 năm 1984, CSVN mở phiên toà xử 21 kháng chiến quân của Mặt Trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng VN”, còn được gọi là Tổ chức Trần Văn Bá – Lê Quốc Tuý, tại công trường Lam Sơn – nhà hát lớn Sài Gòn.

Không được vào bên trong phiên toà, hàng ngàn người theo dõi phiên xử từ ngoài đường qua loa phóng thanh.

Khi nghe án tử hình 5 người là Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch, Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Huỳnh Vĩnh Sanh (2 ông Mai Văn Hạnh và Huỳnh Vĩnh Sanh được giảm xuống chung thân 2 tuần sau đó), nhiều người đi tham dự đã la ó và bật khóc.

Ông Huỳnh Vĩnh Sanh bị cộng sản bịt miệng khi ông hô to “VNCH muốn năm” trước tòa án.

Ngày 8 tháng giêng 1985, rất đông đồng bào tụ tập trước pháp trường Chí Hoà, được thông báo là nơi nhà cầm quyền xử tử hình các anh Trần Văn Bá, Hồ Thái Bạch, Lê Quốc Quân. Cũng không được vào trong, đồng bào chỉ được đứng bên ngoài, nghe loạt đạn nổ rồi ra về với một ngàn lẻ một câu hỏi “tại sao?”, “những anh hùng kháng chiến quân này là ai?”

Ở hải ngoại, đồng bào khắp nơi tổ chức lễ truy điệu, cầu siêu, hội thảo hay xuống đường biểu tình lên án chế độ Hà Nội, vận động đòi hủy án tử hình Trần Văn Bá và 2 kháng chiến quân đồng hành.

Cùng thời điểm, hai ông Hoàng Cơ Minh và Phạm Văn Liễu tuyên bố họp báo tố nhau cùng một ngày, một ở Bắc, một ở Nam Cali, đưa đến sự tan vỡ của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, còn được gọi là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, tiền thân của Việt Tân sau này.

Đồng bào không ai quan tâm đến hai buổi họp báo này mà còn kịch liệt lên án. Mặt Trận Trần Văn Bá âm thầm về nước hoạt động, không quyên góp, không ồn ào, nhưng làm thật. Còn Mặt Trận Hoàng Cơ Minh quyên góp kinh tài đủ chuyện, kháng chiến ma, còn chia rẽ họp báo tố nhau về vấn đề tiền bạc.

Sự hy sinh của Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch là một cú rất nặng đánh sập xuống Mặt Trận.

Hình đính kèm bài viết là Văn thư số 001/VT/TV của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh đề ngày 6/1/1985 chỉ thị cho đoàn viên các cấp, từ trung ương đến các cơ sở và chi bộ của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam,

“vì những lý do tế nhị của chính trị, các Cơ sở sẽ không phát động những sinh hoạt đấu tranh để hoặc yêu cầu bạo quyền không được khủng bố những người yêu nước, hoặc để phản đối hành động sát nhân tàn ác của chúng nếu chúng ngoan cố thi hành cái gọi là bản án đó.”

Nguyễn Đồng Sơn (bí danh của Nguyễn Xuân Nghĩa)

Văn thư này được ký tên bởi Vụ trưởng Vụ Tuyên vận Nguyễn Đồng Sơn (bí danh của Nguyễn Xuân Nghĩa), qua chỉ thị của Hội đồng kháng chiến toàn quốc.

Văn thư số 001/VT/TV ngày 6/1/1985. Nguồn: Mặt Trận Hoàng Cơ Minh đề

Y lệnh, đoàn viên Mặt Trận khắp nơi đồng loạt mở một chiến dịch bêu xấu, chê bai, làm hạ giá tổ chức của Trần Văn Bá và tẩy chay không tham gia các cuộc xuống đường khắp nơi vận động cho Trần Văn Bá và các người bạn đồng hành không bị Việt cộng hành quyết.

Nhưng đó là câu chuyện của 31 năm về trước, khi Trần Văn Bá là cái gai tâm lý phải nhổ.

Nhưng nhổ sao được một người hùng, một người yêu nước, một người đã đi hết con đường lý tưởng vô vị lợi của mình, bằng cái giá đắt nhất phải trả là mạng sống của mình?

Nhổ sao được một nhân cách, một tinh thần như Trần Văn Bá?

Ngày nay, không hiếm khi chúng ta bắt gặp những vị chức trách của Việt Tân nghiêng mình trước di ảnh Trần Văn Bá để có mặt trên những thước phim hình ảnh.

Đã đôi lần ông Hoàng Cơ Minh cũng được làm giỗ chung với người hùng mang tên Bá.

Và gần đây nhất, sự hiện diện của Việt Tân trong một ủy ban để trao “Giải thưởng Trần Văn Bá 2016” khiến những người quan tâm không khỏi đặt nhiều nghi vấn về lòng thành thật của họ.

Trang Facebook của Việt Tân đăng hình ông Trần Văn Bá. Nguồn: Việt Tân/Facebook

Há phải chăng Chính trị là đạo cả, là con đường lớn của bậc sĩ phu?

Thưa không, chính trị là xôi thịt, là trí nhớ kém, là mưu đồ bất chánh, là chôm crédit, là chiếm đoạt danh nghĩa, là tinh thần bè đảng.

Trái ngược hoàn toàn với một Tinh thần như Trần Văn Bá. Bất diệt. Vĩnh cửu.

Paris, 8/1/2016

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Đăng ngày 12/01/2016 trên INDOMEMOIRES trích đăng lại từ Tin Paris. DCVOnline minh họa bổ túc.