Hai Giáo hoàng

Trần Giao Thủy

Giáo hoàng Benedict: Một Giáo hội kết hôn với tinh thần của thời đại này …
Giáo hoàng Francis: Đúng, … sẽ trở thành góa phụ của thời đại tiếp theo.

Nguồn: Netflix

Anthony Hopkins, và Jonathan Pryce trong vai hai Giáo Hoàng Bennedict và Francis thật truyền cảm sâu sắc và hóm hỉnh.

“Hai Giáo hoàng” do Fernando Meirelles đạo diễn và Anthony McCarten viết truyện phim (kịch bản), “The Two Popes” là một câu chuyện về hai cụ già bàn luận về tôn giáo nhưng nó lại trở thành một tác phẩm điện ảnh xuất sắc kể lại câu chuyện gây chấn động giáo dân thế giới khi Giáo hoàng Benedict XVI từ chức vào năm 2013.

Benedict XVI được xem là một Giáo hoàng bảo thủ của thời đại, ôm chặt lấy những giá trị truyền thống của giáo hội nhưng đồng thời lại có một quyết định rất ngoài truyền thống. Ông đã từ bỏ vị trí Giáo hoàng trong khi truyền thống định rằng đã là Giáo hoàng thì phải giữ trách nhiệm đó đến hơi thở cuối cùng.

Trong khung cảnh chính trị hiện tại trên toàn thế giới, hay hẹp hơn trong khối người gốc Việt ở nước ngoài, mọi người dường như cảm thấy không thể hòa hợp với người khác nếu họ không suy nghĩ giống như mình. Đặc biệt là khi nó liên quan đến những vụ bê bối, nhục mạ cá nhân, và lạm dụng quyền lực của một nhân vật có thẩm quyền cao hơn. Sự chia rẽ trầm trọng trong khối người Mỹ gốc Việt Tị nạn cộng sản là một ví dụ tiêu biểu: một bên chống Trump, ai cũng được trừ Trump, bên kia hoan hô Trump Tổng thống, Trump Tổng thống muôn năm (nếu không muôn năm thì ít nhất cũng phải 4 năm nữa).

Cuốn phim “Hai Giáo hoàng” của Netflix do Fernando Meirelles đạo diễn, nói về vấn đề này. Tại sao những người có ý thức hệ khác nhau và quan điểm chính trị đối nghịch không những đã có thể chinh phục được nhau mà còn thực sự tôn trọng lẫn nhau chỉ qua những cuộc chuyện trò?

Phim “Hai Giáo hoàng” cho khán giả biết câu chuyện từ chức gây chấn động của Giáo hoàng Benedict XVI, năm 2013 và bối cảnh mà Hồng y Bergoglio của Á Căn Đình trở thành Giáo hoàng Francis, người lãnh đạo giáo hội Kitô đầu tiên gốc ở Nam Mỹ.

Diễn viên Anthony Hopkins thủ vai Giáo hoàng Benedict và vai Hồng y Bergoglio được thể hiện qua tài diễn xuất của Jonathan Pryce.

Hồng y đoàn. Nguồn: Netflix

Cuốn phim bắt đầu sau cái chết của Giáo hoàng John Paul II vào năm 2005, cho khán giả thấy tiến trình bầu chọn để bổ nhiệm người kế vị. Vị Hồng y bảo thủ người Đức Joseph Aloisius Ratzinger được nhiều phiếu bầu hơn Hồng y Argentina, có quan điểm tự do Jorge Bergoglio, và trở thành Giáo hoàng Benedict XVI. Ngay từ đầu phim, đạo diễn đã cho thấy thật rõ cảm giác không thân thiện của Giáo hoàng Benedict đối với vị Hồng y Buenos Aires. Tuy nhiên cũng có nguồn tin khác, linh mục Fernando Miguens thân cận với Hồng y Bergoglio, cho biết Giáo hoàng Benedict XVI đã mời Hồng y Jorge Mario Bergoglio làm Ngoại trưởng, vai trò quan trọng thứ hai ở Vatican, để thanh lọc bộ máy chính phủ trung ương của ông nhưng Bergoglio đã khước từ.

Nhưng mọi việc bắt đầu thay đổi sau khi Giáo hội Kitô và Vatican bị chấn động vì những vụ bê bối liên tiếp xẩy ra, Hồng y Bergoglio thất vọng, buồn bã và muốn từ chức.

Trong truyện phim, Anthony McCarten viết Giáo hoàng Benedict đã gọi Hồng y Bergoglio về Vatican. Tại đây, Giáo hoàng đã bác đơn xin từ chức của vị Hồng y. Cuộc gặp gỡ giữa Giáo hoàng Benedict và Hồng y Bergoglio là một trong những cách nhìn mới về chính trị, tôn giáo và ý thức hệ mà người ta thấy trong thời gian gần đây.

Đoạn phim này thật lôi cuốn, với những lời đối thoại giữa bậc trí thức hàng đầu trong giới thần học Kitô giáo với một linh mục dòng Tên cả đời “làm cách mạng xã hội”. Những trao đổi giữa hai nhân vật lãnh đạo Thiên Chúa giáo này, không những không cứng nhắc, nặng nề, giáo điều hay khó hiểu dù trong đó có rất nhiều câu, đoạn trích dẫn thánh kinh, mà trong câu chuyện giữa hai người là đan xen giữa trí tuệ và sự dí dỏm, hóm hỉnh tự nhiên làm cho cuộn phim trở nên hấp dẫn và vui nhộn. Đồng thời đó cũng là những bài học về thần học đơn giản và dễ hiểu, ngay cả đối với kẻ ngoại đạo như người đang viết những dòng này. Cuộc đối thoại giữa Benedict XVI và Hồng y Bergoglio dường như những bài vũ đạo đẹp mắt của Nhu Đạo (chẳng hạn như Ju-No Kata hay Koshiki-No Kata, v.v.), thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau bất chấp sự khác biệt về ý thức hệ và quan điểm của hai người. Một vài ví dụ:

Giáo hoàng Benedict XVI và Hồng y Bergoglio ở Castel Gandolfo . Nguồn Netflix

Giáo hoàng Benedict: Ông nói về những bức tường như thể chúng là những điều xấu. Một ngôi nhà được xây lên bằng những bức tường. Tường vững chắc.
Hồng y Jorge Bergoglio: Ah … Chúa Giêsu có xây tường không? Khuôn mặt của ngài là một khuôn mặt của lòng thương xót. Tội càng lớn, tội nhân càng được chào đón nồng nhiệt. Lòng thương xót là chất nổ phá vỡ những bức tường.

Giáo hoàng Benedict: Tất cả chúng ta đều khổ vì niềm kiêu hãnh tâm linh. Tất cả chúng ta đều như thế. Ông phải nhớ rằng, uh… ông không phải là Chúa. Nhờ Thiên Chúa, chúng ta đi, và sống, và có bản thể của chúng ta. Chúng ta sống trong Chúa, nhưng chúng ta không thuộc về Chúa. Ông chỉ là con người.

Giáo hoàng Benedict: Một Giáo hội kết hôn với tinh thần của thời đại này …
Giáo hoàng Francis: Đúng, … sẽ trở thành góa phụ của thời đại tiếp theo.

Giáo hoàng Benedict: Khi ông là lãnh đạo Dòng Tên ở Argentina, ông đã cho dỡ bỏ tất cả những cuốn sách về chủ nghĩa Mác khỏi thư viện.
Giáo Hoàng Francis: Và tôi đã bắt chủng sinh mặc áo thầy tu cả ngày, ngay cả khi họ đang làm việc ở vườn rau. Và tôi gọi hôn nhân cho người đồng tính là kế hoạch của Quỷ dữ.
Giáo hoàng Benedict: Ông không khác tôi.
Giáo hoàng Francis: Tôi đã thay đổi.
Giáo hoàng Benedict: Không, ông đã thỏa hiệp!
Giáo hoàng Francis: Không, tôi đã thay đổi. Nó khác với thỏa hiệp.

Giáo hoàng Benedict: Tất cả các chế độ độc tài cướp đi tự do lựa chọn của chúng ta. Cả hai chúng ta đều biết điều đó. Hoặc phát giác điểm yếu của chúng ta.

Giáo hoàng Benedict: Ông biết đấy, có một câu nói, uh, Thiên Chúa luôn sửa lỗi một Giáo hoàng bằng cách giới thiệu với thế giới với một Giáo hoàng khác. Tôi nên … Tôi muốn xem sự chỉnh sửa tôi.

Tuy vậy, đây cũng là đoạn phim bị giới phê bình cũng như khối giáo dân bảo thủ giá trị “truyền thống” của giáo hội lên án nặng nề nhất, như John Waters viết trong “First Things”:

“Năm 2012, Bergoglio đã không bay sang Ý gặp Giáo hoàng Benedict tại Castel Gandolfo để xin phép được về hưu. Hai người đã không bỏ nhiều ngày để làm quen với nhau. Giáo hoàng Benedict không cho Hồng y Bergoglio biết trước về ý định từ chức của ông. Giáo hoàng cũng  không nói với Bergoglio rằng ông ta coi mình không còn thích hợp với vai trò giáo hoàng. Giáo hoàng Benedict XVI cũng không tiết lộ rằng ông đã quyết định Bergoglio sẽ là lựa chọn tốt nhất để thay thế ông.”

John Waters, “Two Popes, Too Many Untruths”, December 17, 2019

Cũng là người làm phim, người trong giới điện ảnh nhưng John Waters quá khắc nghiệt khi cho rằng “Hai Giáo hoàng” không nói đúng sự thật.

Một quảng cáo bằng tiếng Ý cho cuốn phim của Netflix “Hai Giáo hoàng” trên một tòa nhà gần Vatican ngày 16 tháng 12. 2019. (CNS / Cindy Wood)

Đúng như vậy, không ai phủ nhận thực tế như Waters viết trên Frirst Things. Nhưng đây là truyện phim và nếu “văn dĩ tải đạo” thì phim cũng tải đạo được vậy, và đó chính là tài năng của Anthony McCarten. Người viết truyện phim “Hai Giáo Hoàng” đã bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu, đọc rất nhiều luận văn của Giáo Hoàng Bennedict XVI cũng như tìm hiểu về tiểu sử của vị Hồng y người Nam Mỹ để thực sự phản ảnh quan điểm, ý thức hệ và cái nhìn về xã hội và Kitô giáo của hai người thành những lời đối thoại sâu sắc, đầy trí tuệ, lôi cuốn, không kém phần hóm hỉnh và rất con người. (Tiếng thời thượng bây giờ người ta gọi những đối thoại như thế là đầy tính “nhân văn”).

Và Dĩ nhiên,  Giáo Hoàng Benedict sống thật với mình, ông có cuộc sống cách biệt và sống với nội tâm, thích ngồi ăn một mình, thích tiếng Latin hơn các ngôn ngữ khác, chưa bao giờ nghe nói về ABBA và không biết nhảy Tango. Giáo hoàng Benedict còn lấy tay gượng lại khi Bergoglio ôm ông ấy.

Giáo hoàng Benedict XVI và Hồng y Bergoglio ở Nhà nguyện Sistina. Nguồn Netflix

Trong khi đó thì Hồng Y Bergoglio lại là một nhân vật phóng khoáng, nhạy cảm, lãng mạn, yêu nhạc ABBA, thích nhảy Tango, mê xem đá banh, là người của quần chúng, của dân nghèo, và dĩ nhiên người tư duy tự do

Một Giáo hoàng bảo thủ và cứng hơn đá tảng như vậy, nhưng oái oăm thay cuốn phim “Hai Giáo Hoàng” đã khiến người viết có cảm tình hơn trước đối với Giáo hoàng Benedict XVI dù có quan điểm rất khác với ông, gần với Bergoglio hơn, và lại là một người ngoại giáo. Đó là thành công của Fernando Meirelles, Anthony McCarten và hai diễn viên chính. Đây là kết quả ngược lại với suy đoán của của John Waters cho rằng truyện phim đã dàn xếp để người xem chọn đứng về phía Hồng y Bergoglio.

Truyện phim cho thấy Giáo hoàng Benedict không thích những điều mà Hồng y là hiện thân, và bản chất “tự do” của ông đã được mô tả rất tinh tế và hiệu quả trong phim. Có thể là tình yêu của ông đối với những trận đá banh, sự tinh tế của ông trong điệu tango “chùm, chùm, chắc, chắc, chùm”, hoặc việc ông chấp nhận đồng tính luyến ái —  rằng Bergoglio khác với đa số những giáo sĩ khác. Và Giáo hoàng cũng hiểu điều đó, ông nhận ra rằng việc từ bỏ truyền thống và tiếp nhận những thay đổi của thời đại là đúng, ngay cả khi ông đang là một trong những người có nhiều quyền lực nhất thế giới.

Mặt khác, Hồng y Bergoglio cũng phải là thánh nhân. Ông là một người đã “phạm tội” trong quá khứ vì không đứng cùng phía với lịch sử — người ta kết án ông đã là một khán giả làm thinh trong chế độ quân phiệt ác ôn của Argentina mà đạo diễn Fernando Meirelles đã miêu tả trong các đoạn hồi tưởng (flashback) kinh hoàng. Thực tế linh mục dòng Tên Bergoglio đã ngầm vận động với người lãnh tụ độc tài Jorge Rafael Videla của Argentina để cứu mạng cho hai linh mục dòng Tên Orlando Yorio and Franz Jalics cũng như đã hơn một lần giúp nhiều người dân thoát khỏi chế độ độc tài quân phiệt. Những đoạn phim hồi tưởng này làm cho cuộn phim trở nên tối hơn một chút, nhưng lại rất tốt như một lời nghị luận xã hội về những gì hiện đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay.

“Gol!”, Hồng y Bergoglio reo mừng khi đội Argentina làm bàn. Nguồn: Netflix

Tài năng của Anthony Hopkins và Jonathan Pryce đem lại cho khán giả một màn trình diễn tuyệt vời. Hai diễn viên trong phim diễn xuất như hai người là bạn từ lâu, cũng thưởng thức Pizza, cùng uống Fanta hay ly rượu. Đoạn phim họ xem trận chung kết bóng tròn thế giới (World Cup 2014) giữa Đức và Argentina cho thấy cái nhìn sâu sắc về tình bạn khó có thể tưởng có thể có được nhưng lại là mãi mãi. Với nhau, họ là hai cụ già thật đáng yêu.

Đây là một cuốn phim sâu sắc và hữu ích; nó có thể rất thích hợp với người Mỹ trong thời đại của cực đoan, chia rẽ và phân cực như hiện nay. Hãy  suy nghĩ về những bài học trong phim “Hai Giáo hoàng” và nhớ, các bạn chỉ có một nước Hoa Kỳ.

Chế độ nhất thời; quốc, dân vạn đại.

The Two Popes. Nguồn: Netflix

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa