Huế Mậu Thân (Kết)
Nguyễn Văn Lục
Ngày nay, chẳng còn ai muốn nhắc tới Tết Mâu Thân ở Huế. Đó cũng là điều tôi không hiểu được.
Cuộc thảm sát tết Mậu Thân Huế và những phi lý của cuộc chiến ấy
Đã đành, sự tàn bạo của chiến tranh ở Huế hay ở đâu cũng không bút nào tả hết. Chẳng hạn bom napalm trải xuống đốt cháy nhà cửa, cây cỏ vườn tược và thân người như những ngọn đuốc sống di động. Không ai lấy làm lạ vì bom đốt thì phải như thế, phải cháy. Đó là cái thuận lý của chiến tranh. Nếu phóng viên cứ viết thứ bạo lực ấy mỗi ngày, dĩ nhiên sẽ không ai đọc.
Nhưng vào ngày 8 tháng 6, 1972, một trái bom do quân VNCH ném xuống một một đám người đang chạy thoát khỏi một ngôi đền Cao Đài ở làng Trảng Bàng, Tây Ninh vì tưởng đó là quân Bắc Việt — đã tấn công và chiếm đóng Trảng Bàng trước đó — và làm bị thương nặng em bé gái 9 tuổi tên là Phan Thị Kim Phúc.
Câu chuyện tấm hình của Nick Út chụp không còn đơn giản nữa.
Em bị đốt cháy sau lưng và phỏng nặng khi chạy trốn khỏi làng. Trần truồng như nhộng. Giả dụ nếu em cũng bị phỏng nặng, mình mẩy quấn đầy băng, nằm trên giường bệnh viện Chợ Rẫy chẳng hạn. Bức hình chụp Kim Phúc sẽ chẳng ai thèm ngó tới.
Embed from Getty ImagesPhan Thị Kim Cúc, Trảng Bàng 1972. Nguồn/Ảnh: canadianidentity.com/Nick Ut /AP Photo
Nhưng chính cái hình ảnh trần truồng như nhộng, đang vừa chạy vừa khóc, đằng sau là những cột khói bom napalm đã đánh động tâm tư mọi người. Phải trần truồng như nhộng, phải vừa chạy vừa khóc, phải là đứa bé gái 9 tuổi đằng sau là cái phông với những cột khói đen vươn lên cao. Giả dụ, thay vì hình Kim Phúc là hình một người đàn ông 55 tuổi, cũng trần truồng như nhộng. Cũng vừa chạy vừa khóc, liệu có đánh thức được nỗi lòng trắc ẩn của dân chúng Hoa Kỳ và thế giới khômg? Phải đủ bấy nhiêu thứ thì phóng viên nhiếp ảnh Nick Ut của hãng thông tấn Associated Press chụp được mới trở thành hình ảnh đắt giá và biểu tượng của chiến tranh.
Bức hình đó là một trong những sự tàn bạo nhất của chiến tranh trong thế kỷ thứ 20. Nhưng là một thứ chiến tranh trên truyền hình, trong phòng ngủ. Và cũng là hình ảnh phi lý của cuộc chiến ấy.
Tại sao nó tàn bạo nhất thế kỷ và tại sao nó không tàn bạo? Nếu bức hình cũng chụp một đứa bé phỏng nặng, cởi truồng, đầu và cả thân mình quấn băng kín mít, nằm trên giường của bệnh viện chợ Rẫy? Có gì khác biệt nếu Kim Phúc nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy thay vì trên đường của quận lỵ Trảng Bàng?
Cả thế giới ghê rợn nhìn cuộc chiến đó với một cái nhìn ghê tởm. Một thứ con mắt của lịch sử như người ta thường nói. Người ta có thể quên tất cả những biến cố lịch sử viết về cuộc chiến tranh ấy.
Nhưng bức hình thì không.
Chỉ một bức hình đó thôi đủ có giá trị tố cáo để miền Nam mất tính chính nghĩa. Mặc dầu bức hình chỉ là góc cạnh nhỏ nhoi của cuộc chiến. Nó kỳ cục ở chỗ ấy.
Cũng vậy, bức hình của Chick Harrity chụp một đứa bé gái nằm chỏn lỏn trong một cái hộp bên cạnh là thằng anh đang nắm tay em gái với một cái nhìn thương cảm, lo âu cho đứa em. Có thể đã có nhiều cái hộp có đứa bé gái nằm trên các đường Lê Lợi hay Tự Do ở Sài Gòn như thế với hàng ngàn lượt người đi qua đi lại. Chuyện rất là tầm thường của một đất nước đang chiến tranh. Nhưng một khi đưa lên báo. Cả thế giới xúc động và có hàng ngàn người tranh nhau đứng ra muốn nhận em bé gái đó làm con nuôi.
Nay thì em bé gái bất hạnh đó có tên là Nhanny Heil đang sống ở ở bang Ohio bên Mỹ còn phóng viên điện ảnh Chick Harrity thì với 48 năm nghề nghiệp, chụp ảnh dưới 9 đời Tổng Thống Mỹ. Đây vẫn là bức ảnh đắt giá nhất làm nên sự nghiệp của ông.
Điều tôi thấy kỳ cục và không hiểu được về cái tâm của con người. Đứa bé trong hộp (baby in the box) đó ta có thể gặp mỗi ngày trên đường phố, ta thản nhiên vô tư, không mảy may xúc động. Nhưng khi đưa hình ảnh đó lên báo. Đứa bé truyền đi một thông điệp về sự khốn khổ cùng cực của sự nghèo đói trong chiến tranh. Người ta tranh nhau xếp hàng nhận đứa bé làm con nuôi. Nhưng điều kỳ cục là ai cũng bỏ quên thằng anh đứa bé, nằm ngoài cái hộp đang nắm tay em như bảo bọc em. Cả thế giới đã bỏ quên, đã tách lìa đứa con trai bất hạnh bên ngoài hộp. Trong và ngoài hộp, có điều gì khác biệt? Tại sao lòng nhân đạo, tình người chỉ có thể xúc động với đứa bé bên trong cái hộp, bên ngoài thì không?
Tôi thật sự không hiểu được.
Và đây cũng là chuyện không hiểu được. Ngày 31/12, năm 1968, vào sau nửa đêm, Việt Cộng đã chiếm đài phát thanh với 15 người do Tèo chỉ huy. Trước đó, Việt Cộng đã mua một villa cách đài phát thanh chừng 200 mét để tích trữ võ khí, đạn dược. Không đầy 10 phút sau, họ đã chiếm đài phát thanh mà phần lớn nhân viên trong đài đang còn ngủ. Họ định phát thanh chương trình đã thu băng sẵn. Chỉ có điều họ đã không biết rằng, khi có báo động, đài phát tuyến cách đó 20 kilômét đã tự động ngưng và phát đi những bản nhạc cổ điển Tây Phương. Về sau này, cứ mỗi lần đài phát thanh ngưng chương trình thường lệ và phát nhạc cổ điển Tây Phương, dân chúng biết ngay có biến cố xảy ra.
Đó là những biến cố mở đầu cho cuộc tổng tấn công tết Mậu thân ở Sài Gòn.
Vào một buổi sáng sau cuộc tấn công của CS vào Sài Gòn, binh sĩ của tướng Loan dẫn đến một tên Việt Cộng. Ông yêu cầu dân chúng dãn ra xa, tướng Loan dang súng lục thẳng tay, lạnh lùng bóp cò súng vào màng tang một sĩ quan Cộng sản, tên Nguyễn Văn Lém, mặc áo ca rô mầu nâu trắng, quần đùi đen, hai tay bị trói dật ra đằng sau. Sau một tiếng clích, Lém nhăn mặt một cái, đầu gối khụy xuống từ từ như trong một cuốn phim quay chậm. Hắn ngã ngửa ra đằng sau, nhìn trời đất một lần chót, trên mặt đường nhựa, một chân hắn duỗi ra, một chân hắn co lại đến đầu gối, trắng phếu mà đằng sau khói mịt mù không rõ nét. Trong khi đó tướng Loan đang đút khẩu súng vào bao súng lục đeo bên hông, đi qua đằng sau hắn. Một vết máu chảy ra từ đầu hắn.
Thật ra đó chỉ là bạo lực trả lời bằng bạo lực. Trong cái hoàn cảnh như thế, ông làm cái việc phải làm. Nhưng hình thứ chiến tranh đó nay đã được đưa vào phòng ngủ hay phòng khách của mỗi gia đình Mỹ. Họ nhìn nơi đó chỉ thấy một thứ bạo lực duy nhất tàn bạo và không có thứ bạo lực nào có thể so bì. Tất cả mọi thứ bạo lực khác bất kể chỉ là thứ bạo lực êm dịu?
Đã hẳn rằng thứ chiến tranh trên từng góc phố, mùi thuốc súng, mùi khét lẹt của những căn nhà đang bốc cháy cũng như mùi thịt người nướng cháy trên đường phố Sài Gòn, hay khu Thành Nội Huế với những người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong những ngày sôi sục đó với tất cả cái cường độ của cuộc chiến ấy chẳng có gì giống với cuộc chiến trên màn ảnh truyền hình Mỹ vào một buổi sáng của hai vợ chồng Mỹ vừa thức dạy trong giấc ngủ nướng ngày thứ bảy cuối tuần và rất có thể họ vừa mới làm tình xong theo thông lệ.
Cái bi kịch của cuộc chiến tranh này nằm ở chỗ đó. Chỗ giáp mặt chiến tranh và chỗ nhìn cuộc chiến tranh trên màn ảnh vô tuyến truyền hình.
Giết xong tên Việt Cộng, thanh toán một món nợ trả cho đồng đội. Tưởng rằng xong. Không ai nói một lời. Nhưng mọi chuyện mới bắt đầu. Cuộc chiến thực sự được chuyển tải thành cuộc chiến trên màn ảnh và Tướng Loan trở thành con sói già cô đơn.
Cái hình của phóng viên Eddie Adams cùng với nhiếp ảnh viên Võ Sửu, ngay chiều hôm đó, đài NBC cho chiếu khúc phim đó lên làm cả thế giới bàng hoàng. Họ lên án Việt Nam.
Đó là một biểu tượng chống chiến tranh Việt nam đắt giá nhất.
Tất cả tính chất bội phản và tàn bạo trong ý đồ tấn công Miền Nam trong những ngày tết tự nhiên chảy ra biến thành những thứ bạo lực êm dịu, thứ bình thường của cuộc chiến tranh. 500 hay 3000, cho dù đến 5000 người bị thảm sát trong tết Mậu Thân ỡ Huế cũng chỉ là thứ bạo lực êm dịu, thứ chuyện nhỏ, chẳng được thế giới chú ý tới nữa. Và cũng chẳng cần ai biết rằng, đằng sau bức hình đó chỉ là những nửa sự thật. Còn những nửa sự thật kia nằm ở đâu? Điều mà phóng viên điện ảnh muốn chụp cũng không thể chụp được. Đó là trước đó, viên sĩ quan Nguyễn Văn Lém đã ra lệnh hạ sát cả một gia đình một sĩ quan thiết giáo VNCH cả người lớn trẻ con không trừ một bé trai.
51 năm sau, ngày 5 tháng 7, 2019, cậu bé trai trở thành trẻ mồ côi trong Tết Mậu Thân sắp trở thành một Hải quân phó Đề Đốc Hoa Kỳ, trả lời phóng viên Hòa Ái của đài RFA:
“Bố tôi là cố Đại tá Nguyễn Tuấn, lúc ông mất là Trung tá Nguyễn Tuấn, thuộc binh chủng Thiết giáp. Mẹ tôi là bà Từ Thị Như Tùng. Cả hai người và 5 anh em của tôi đã bị thảm sát vào năm 1968 trong biến cố Tết Mậu Thân. Lúc đó tôi 10 tuổi.”
Đại tá Nguyễn Từ Huấn
Ai tàn bạo hơn ai? Nhưng thế giới thì nghĩ rằng Nguyễn Ngọc Loan là kẻ sát nhân không có trái tim hay vi phạm Công ước Geneva Thứ Ba về Tù binh chiến tranh. Nhưng nếu đọc Điều 4 của Công ước đó[1] thì có lẽ khó có thể nói Tướng Loan vi phạm công ước chiến tranh. Tướng Loan trong bộ đồ trận, áo giáp có trọng trách nặng nề bảo vệ thủ đô miền Nam. Ông trở thành biểu tượng của miền Nam đối đầu với kẻ địch trên đường phố Sài Gòn/Chợ Lớn. Hình ảnh thật là đẹp. Nó chứng tỏ rằng còn có những sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hoà xứng đáng với danh nghĩa ấy. Trong khi TT Nguyễn Văn Thiệu còn ở Mỹ Tho, về quê vợ ăn tết không có mặt ở Sài Gòn. Chi tiết này ít ai để ý tới. Kể như không ai nói tới. Nay tôi nói. Tôi vẫn chưa tìm ra lời giải thích hợp lý tại sao ông không chịu lấy trực thăng bay ngay về Sài Gòn? Vì sợ Sài Gòn mất an ninh đang bị tấn công?
Cũng vào 3 giờ rưỡi sáng hôm ấy, ngày 31 tháng giêng, 19 Việt Cộng nhảy xuống từ một taxi và một xe tải tấn công tòa Đại sứ Mỹ. 5 lính Mỹ chết liền tại chỗ. 4 cảnh sát viên VN gác bên ngoài tòa Đại sứ bỏ trốn. 19 đặc công Cộng sản chiếm tầng trệt, trong đó có một tên tài xế làm việc lâu năm cho tòa Đại sứ có biệt danh Satchmo, một Cộng sản nằm vùng. Hắn đã bị bắn chết cùng với đồng đội của hắn. Ở tầng hai đại tá George Jacobson dùng súng lục bắn tên Việt Cộng cuối cùng định leo lên lầu. 6 tiếng rưỡi sau, đại tướng Westmoreland trong bộ đồ trận, áo giáp tuyên bố tòa đại sứ Mỹ đã được giải tỏa. Viên đại tướng người Mỹ đã có mặt, đã lên tiếng sau 6 giờ rưỡi, sau khi VC tấn công trong dịp tết Mâu Thân. Sự lên tiếng và có mặt đó cần thiết lắm và có ý nghĩa lắm. Tổng thống Thiệu vẫn còn nằm chờ ở Mỹ Tho. Có lên tiếng không? Cho mãi đến chiều ngày hôm sau, TT Thiệu mới trở về. Trong một tình thế dầu sôi lửa bỏng như thế, ông ở đâu, ông tuyên bố gì?
Lúc đó mọi chuyện lãnh đạo, sự an nguy Sài gòn nằm trong tay tướng Kỳ và tướng Loan.
Có lẽ đây là điều đáng trách nhất của TT Thiệu mà chưa ai nói tới.
Sau này vụ tướng Loan đã hẳn được nhìn lại khác hẳn lúc tết Mậu Thân. Eddie viết trên tờ Time như sau: “The general killed the Viet Cong. I killed the general with my camera”. Tướng Loan đã giết Việt Cộng, còn tôi đã giết ông ấy bằng máy ảnh của tôi.
Khi mà tướng Loan chết vì ung thư cổ, ngày 14/7/1998 ở Burke, vùng Virginia ở Washington, D.C. thì Eddie Adams đã ca ngợi tướng Loan: “The guy was a hero. America should be crying. I just hate to see him go this way, without people knowing anything about him.” Tướng Loan là một anh hùng.
Câu nói đó có quá muộn chăng? Mặc dầu chúng ta không có thể làm thay đổi được quá khứ, nhưng ít ra là như vậy?
Và tôi giả dụ rằng thay vì tướng Loan, bấy giờ là Tướng Trần Văn Trà cầm súng lục xử tử một trung úy TQLC thì sao? Câu chuyện sẽ ra sao? Đã hẳn là khác? Thế giới có thi nhau nguyền rủa Chính quyền Cộng Sản không? Có lẽ ông Trà đã vi phạm Công ước Geneva Thứ Ba về Tù binh chiến tranh.
Thiếu phụ này thuộc thành phần nào hở ông Hoàng Phủ Ngọc Tường? Và cũng chính trên tờ Time vào 31/10/1969 có hình một phụ nữ ngồi khóc vật vã thương tiếc bên thi thể của chồng ở cái thành phố bất hạnh là Huế. Chẳng có ma nào để ý, chẳng có ma nào xót thương. Hình ảnh đó chỉ là phụ phẩm chiến tranh của một thứ bạo lực đã biên đổi thành bạo lực êm dịu.
Thật là kỳ cục cái chiến tranh này. Cái nào cũng là bạo lực, nhưng có thứ bạo lực được chấp nhận và có thứ bị bỏ quên, bạo lực êm dịu.
Đó cũng là đầu đề bài viết của James O. Clifford, Sr., Forgotten massacre at Hue.
Tại sao hình tướng Loan xử tử một sĩ quan cộng sản thì cả thế giới lên án, còn phụ nữ kkhosc chồng dơ tay như phân bua, như oán trách thì không ai để ý tới?
Cựu phóng viên UPI Uwe Siemon-Netto cho rằng những biến cố xảy ra trong việc thảm sát tết Mậu thân ở Huế đã không được trình bày đầy đủ và rằng quần chúng đã không được biết rõ sự thật về cuộc thảm sát ấy.
Hoàng Long Hải cũng viết:
“Đó chỉ là những dữ kiện chính yếu, những thống kê quan trọng, chẳng vui gì khi nói về Huế, điều được viết xuống bằng thứ ngôn ngữ bình thường của báo chí, rõ ràng chẳng gây được ấn tượng gì cho tinh thần và lương tâm của nhân loại. Chẳng có tiếng thét đầy uất hận nào. Và các tòa đại sứ của Cộng Sản Bắc Việt Nam trên thế giới đều im hơi lặng tiếng.”
Hoàng Long Hải
Chiến tranh có những điều kỳ cục không hiểu được.
Ngày nay, chẳng còn ai muốn nhắc tới Tết Mâu Thân ở Huế. Đó cũng là điều tôi không hiểu được. Cùng lắm, người ta còn đọc được Ánh sáng và Bóng tối do Nguyễn Văn Đãi, bút hiệu Hoàng Liên, viết do nxb Văn nghệ ©1990, Westminster, CA, xuất bản năm 1990.
Phó Đãi (Nguyễn Văn Đãi, Đại Biểu Chính Phủ tại Vùng I) và Phó Lộc (Bảo Lộc, Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh tỉnh Thừa Thiên) đã bị Việt Cộng bắt trong những ngày đầu tiên khi cộng quân chiếm Thành phố Huế đưa ra Bắc. Chỉ riêng ông Phó Tỉnh trưởng Thừa Thiên – Huế Trần Đình Thương bị giết tại Huế. Ông Bảo Lộc, sống sót sau 13 năm tù đầy, qua đời ngày 29/05/06 tại San Diego. Ông Nguyễn Văn Đãi thì đã chết trước đó vài năm. Những người còn nhớ đến Huế dần dần gọi nhau mà đi.
Chẳng còn ai muốn nhắc lại nữa. Một lần nữa, đó là cái phi lý không hiểu được của cuộc chiến vừa qua của Việt Nam.
©2006-2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Loạt bài đã đăng lần đầu trên ngày 16-18 tháng 8 2006. DCVOnline.net biên tập và minh họa và bổ túc và cập nhật 2021.
[1] Art 4. A. Prisoners of war, in the sense of the present Convention, are persons belonging to one of the following categories, who have fallen into the power of the enemy:
(1) Members of the armed forces of a Party to the conflict, as well as members of militias or volunteer corps forming part of such armed forces.
(2) Members of other militias and members of other volunteer corps, including those of organized resistance movements, belonging to a Party to the conflict and operating in or outside their own territory, even if this territory is occupied, provided that such militias or volunteer corps, including such organized resistance movements, fulfil the following conditions:
(a) that of being commanded by a person responsible for his subordinates;
(b) that of having a fixed distinctive sign recognizable at a distance;
(c) that of carrying arms openly;
(d) that of conducting their operations in accordance with the laws and customs of war.