Cuộc chiến của Trump với các tướng lĩnh
Jonathan Swan, Zachary Basu | Trà Mi
Loạt bài “Off the rails” của Axios ghi lại sự kết thúc của chính quyền Trump, từ đêm bầu cử năm 2020 đến hết ngày 6 tháng Giêng, cuộc bao vây Điện Capitol Hoa Kỳ.
Một phần quan trọng bây giờ mới bắt đầu xuất hiện: nỗ lực vào phút cuối của cựu Tổng thống Donald Trump để rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Afghanistan và ở nhiều nơi tại Trung Đông, châu Phi và thậm chí cả châu Âu trước lễ nhậm chức của Joe Biden — và lý do tại sao ông lại chớp mắt, không tiến hành.
John McEntee, một trong những phụ tá được sủng ái nhất của Donald Trump, đã trao cho vị Đại tá Lục quân đã nghỉ hưu, Douglas Macgregor một mảnh giấy với một vài ghi chú viết nguệch ngoạc trên đó. Ông ta giải thích:
“Đây là những việc mà tổng thống muốn ông làm.”
- Đưa chúng ta ra khỏi Afghanistan.
- Đưa chúng ta ra khỏi Iraq và Syria.
- Hoàn tất việc rút ra khỏi Đức.
- Đưa chúng ta ra khỏi châu Phi.
Đó là ngày 9 tháng 11 năm 2020 — vài ngày sau khi Trump thua cuộc tái tranh cử, 10 tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình và chỉ vài phút sau khi Macgregor được đề nghị làm cố vấn cao cấp cho quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller.
Là người đứng đầu Văn phòng Nhân sự Tổng thống đầy quyền lực, McEntee có dự tín cẩn của Trump. Dù vậy, Macgregor vẫn rất ngạc nhiên. Ông nói với McEntee rằng ông ta nghi ngờ rằng họ có thể làm tất cả những điều này trước Jan. 20.
McEntee trả lời, “Vậy thì hãy làm càng nhiều càng tốt.”
Theo quan điểm của Macgregor, Miller có lẽ không thể hành động theo thẩm quyền của riêng mình để thực hiện việc rút toàn bộ quân Hoa Kỳ khỏi Afghanistan vì ông ta đang phục vụ như một quyền Bộ trưởng. Nếu điều này là thật, Macgregor nói với McEntee, thì nó sẽ cần lệnh của tổng thống.
Bản ghi nhớ dài một trang được chuyển nhanh đến văn phòng của Christopher Miller hai ngày sau đó, vào chiều ngày 11 tháng 11. Mệnh lệnh dường như không biết từ đâu đến, và chỉ thị, có chữ ký của Trump, thật rụng rời: Tất cả các lực lượng quân đội Hoa Kỳ phải rút khỏi Somalia trước ngày 31 tháng 12 năm 2020. Tất cả các lực lượng Hoa Kỳ phải rút khỏi Afghanistan vào ngày 15 tháng 1 năm 2021.
Miller tự hỏi, “Cái đ– gì thế này?”
Từng là lính lực lượng đặc biệt (mũ xanh), Miller đã chỉ huy Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia và đã quen với việc theo quy trình. Trump đã khai thác ôg ta để điều hành Ngũ Giác Đài sau khi gởi một tweet không kèm không trống cách chức Mark Esper. Hôm đó là ngày thứ ba Miller nhận việc.
Tin tức về bản ghi nhớ lan nhanh khắp Ngũ Giác Đài. Giới lãnh đạo quân sự hàng đầu, gồm Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Tướng Mark Milley, đã rất kinh hoàng. Đây không phải là cách để thực hiện chính sách — không tham khảo ý kiến, không có góp ý, không có quy trình để giải quyết hậu quả hoặc đưa ra các lựa chọn thay thế.
Một cuộc gọi nhanh chóng đến Cố vấn Tòa Bạch Ốc Pat Cipollone. Tiếp theo, Cipollone thông báo cho cố vấn an ninh quốc gia, Robert O’Brien. Cả Cipollone và O’Brien đều không biết mệnh lệnh là gì hoặc nó đến từ đâu.
Văn phòng của thư ký nhân viên cũng vậy — người có nhiệm vụ kiểm tra tất cả các tờ giấy đến bàn của tổng thống. Tuy nhiên, tờ giấy có chữ ký bằng bút Sharpie đặc biệt của Trump.
Giới lãnh đạo an ninh quốc gia hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ sớm nhận ra rằng họ đang đối phó với một mệnh lệnh ngoài sổ sách của chính tổng tư lệnh.
Nhiều người sẽ tập hợp để phản đối — đôi khi công khai và phối hợp, những lúc khác lại kín đáo đến mức giới chức hàng đầu của chính quyền Trump phải quay sang các cuộc chặn mật thư từ Cơ quan An ninh Quốc gia để tìm ra manh mối.
Bản năng của Trump không gây ngạc nhiên. Ông đang điên cuồng cố gắng cứu vãn di sản của mình trong khi đồng thời cố gắng lật ngược kết quả bầu cử và ngăn chặn tiến trình chuyển giao quyền lực cho Biden. Kết quả là sự hỗn loạn.
Những lời kêu gọi ngăn chặn “cuộc chiến bất tận” của Trump có thể được bắt nguồn từ ít nhất là năm 2011, khi ông còn là một doanh nhân bất động sản và là người nổi tiếng trên truyền hình thực tế. Ông ta đã gửi nhiều dòng tweet phản đối sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan trong khi nghiền ngẫm ý tưởng tranh cử tổng thống.
Tuy nhiên, khi đã nắm quyền, tham vọng rút khỏi Afghanistan và các quốc gia khác của Trump đã bị giới lãnh đạo quân sự khuất phục, làm chậm lại và cho đi vòng vo.
Trump đã không giúp ích gì cho chương trình nghị sự của chính mình khi ngay từ đầu ông đã vây quanh mình với các tướng lĩnh, nhiều người trong số họ đã làm việc tại Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ. Về cơ bản họ không đồng ý với thế giới quan của tổng thống. Họ đã đầu tư cá nhân vào Afghanistan. Và một số người sẽ coi đó là công việc của họ để cứu nước Mỹ và thế giới khỏi tay tổng tư lệnh của họ.
Vào mùa xuân năm 2017, hai vị tướng mà Trump đã bổ nhiệm vào các vị trí hàng đầu — Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis trong một quy trình liên ngành do Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster điều hành — đã bắt đầu thực hiện một phương án gửi thêm 4.000 quân đến Afghanistan.
Đây đã trở thành một trận chiến chính sách cơ bản thu hút đầy đủ các chuyên gia dân sự, quân sự và chính trị — một số tập hợp trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, nhưng đã bỏ đi trong vòng một năm.
Quyết định tăng quân số ở Afghanistan cũng đã đưa các tướng lĩnh vào một cuộc va chạm ngay với chiến lược gia chính của Trump và người khiêu khích, Steve Bannon.
Bannon đã bắt đầu tham dự các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia vào đầu năm 2017 theo chỉ đạo của tổng thống — cùng với một nhóm các đồng minh ủng hộ rút quân, gồm Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mick Mulvaney, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và Trung tướng đã nghỉ hưu Keith Kellogg, sau cùng đã trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia của phó tổng thống.
Bannon khẳng định rằng ông thường xuyên yêu cầu Ngũ Giác Đài trả lời những thông tin căn bản về sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Afghanistan, gồm cả hàng tỷ đô la viện trợ của Hoa Kỳ, đang đi đến đâu và có bao nhiêu binh lính và nhà thầu trên mặt đất.
“Họ thực sự sẽ không cung cấp cho bạn bất kỳ thông tin nào. Và thông tin họ cung cấp cho bạn đều nhảm nhí. Trong mọi bài thuyết trình, họ nói rằng bạn chỉ còn 18 tháng nữa là có thể xoay chuyển tình thế chiến tranh. Luôn luôn. Bạn luôn còn 18 tháng nữa.”
Steve Bannon
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) vào tháng 7 năm 2017, khi Bannon tìm cách miêu tả sự đồng thuận đang nổi lên trong đội ngũ an ninh quốc gia của Trump như là sự tiếp nối của những gì ông coi là một chuỗi các phán quyết ngu ngốc khiến các tổng thống liên tiếp mắc kẹt ở Afghanistan trong 16 năm. Bannon đã tung ra một khái niệm hoang đường: Thay thế quân đội Mỹ ở Afghanistan bằng lính đánh thuê tư nhân.
Bannon là một kẻ không chịu theo khuôn phép và phần lớn không chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai, kể cả Trump. Và ông ta đã kết thúc quá trình này — tự mình đi gặp Erik Prince, doanh nhân an ninh tư nhân đứng sau vụ bê bối Blackwater. Các nhân viên của NSC trở nên lo lắng rằng Prince và Bannon có thể có những động cơ vụ lợi thầm kín.
McMaster gay gắt nói với Bannon rằng ông vẫn được hoan nghênh đưa khái niệm dùng lính đánh thuê của ông vào quy trình thực tế của NSC, nhưng nó chưa bao giờ được đưa vào văn bản chính thức.
NBC đưa tin đầu tiên là Trump đã nổi nóng với những phụ tá an ninh quốc gia hàng đầu của mình trong một cuộc họp Phòng Tình hình vào ngày 19 tháng 7 năm 2017. Ông tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang “thua” trong cuộc chiến và đề nghị rằng Tướng John Nicholson bị sa thải khỏi vị trí chỉ huy hàng đầu ở Afghanistan. Nicholson ở vị trí đó cho đến tháng 9 năm 2018.
Đến đầu tháng 8 năm 2017 — trong một vòng đèn cù khác — Chánh văn phòng Toàn Bạch Ốc Reince Priebus đã được một tướng về hưu khác, John Kelly, thay thế. Ba lựa chọn căn bản cho Afghanistan đã xuất hiện: Rút lui, chuyển sang chiến lược chống khủng bố bí mật do CIA dẫn đầu hoặc gửi thêm quân.
Các tướng lĩnh tích cực thúc đẩy chiến lượng tăng quân số, cảnh cáo rằng việc rút quân có thể tạo ra khoảng trống cho những kẻ khủng bố giành được thành trì như nhóm Nhà nước Hồi giáo, hay ISIS, đã làm khi Tổng thống Obama rút khỏi Iraq năm 2011.
Lập luận Đừng-làm-như-Obama bắt đầu gây tiếng vang với Trump, và các đồng minh diều hâu như TNS Lindsey Graham sẽ tiếp tục sử dụng nó như một vũ khí chính trị ngay đến bây giờ.
Bannon nhanh chóng mất ảnh hưởng sau khi đưa ra một loạt các sáng kiến chính sách tích cực gây ra sự thất bại nghiêm trọng cho chính quyền.
Trump đã sa thải Bannon vào 18 tháng 8 năm 2017, sau bảy tháng nhậm chức.
Cùng ngày hôm đó, tại Trại David và chán nản trước những lập luận của họ, Trump phê chuẩn lựa chọn ưa thích của các tướng lĩnh và trở thành tổng thống thứ ba liên tiếp đưa quân vào Afghanistan. Ông ấy đã thay đổi lập trường của mình.
Nhưng ông ta vẫn chưa thực sự thay đổi ý định của mình.
Vào chiều ngày 9 tháng 11 năm 2020, Douglas Macgregor, một cựu chiến binh nhiều huân chương nhưng cũng gây nhiều tranh cãi, bước vào Văn phòng Nhân sự Tổng thống trong Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower, một tòa nhà lịch sử và lộng lẫy theo phong cách Đế chế Thứ hai từng là nơi đặt Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ.
Đã sáu ngày sau cuộc bầu cử và hai ngày kể từ khi các hang thông tấn đưa tin Biden đắc cử.
Một số nhân viên đã về nhà sớm, trong khi những người khác bỏ đi để tìm việc làm mới. Những người vẫn ở đó phần lớn là những người ủng hộ Trump, vẫn giữ nguyên trạng thái chờ đợi trong khi tổng thống và nhóm đồng minh của ông tiếp tục chiến dịch xấu xa nhằm lật ngược kết quả của cuộc bầu cử.
Macgregor, 68 tuổi, người có quan điểm về chính sách đối ngoại và các vấn đề xã hội đã khiến ông bị tuyệt thông khỏi quân đội, đã đến gặp McEntee, người đã trở thành một nhân vật gây tranh cãi vì vai trò của mình trong việc thanh trừng những viên chức chính phủ được coi là không đủ trung thành với Trump.
Ở tuổi 31, McEntee là một cựu tiền vệ bóng bầu dục của trường đại học, người đã từng là người thế thân của Trump. Anh ta đến sau Macgregor khoảng 10 phút, đi thẳng từ Cánh Tây. Anh ta dẫn Macgregor vào văn phòng và đóng cửa sau lưng họ.
Đó là một căn phòng rộng rãi, tràn ngập ánh sáng được trang trí băng những kỷ vật của cuộc vận dộng tranh cử của Trump. McEntee quăng chiếc ghế qua bàn của mình để ngồi ngay trước mặt Macgregor. McEntee nói, “Đại tá, tổng thống muốn biết liệu ông có đến và làm cố vấn cao cấp cho quyền Bộ trưởng Quốc phòng hay không.” Macgregor hỏi, “Tại sao vậy?”
McEntee trả lời, “Tổng thống nghĩ rằng ông có thể giúp đưa chúng ta ra khỏi Afghanistan, Iraq, Syria và có thể ở những nới khác.”
Macgregor, một người nói tiếng Đức thông thạo, vào thời điểm đó được Trump đề cử làm đại sứ tại Berlin. Đó là một vị trí mà anh ta sẽ không bao giờ nắm giữ vì thất bại trong cuộc bầu cử, chưa kể đến lịch sử lâu dài của ông ta về các nhận xét gây bốc lửa, gồm việc ủng hộ thiết quân luật tại Biên giới Hoa Kỳ-Mexico và chỉ trích Đức vì đã trao các khoản phúc lợi cho “hàng triệu kẻ xâm lược Hồi giáo không ai muốn.”
Ông ấy đã gặp Trump lần đầu tiên trong một cuộc họp kéo dài một giờ ở Phòng Bầu dục vào tháng 4 năm 2020. Hai người gắn bó nhau ngay lập tức. Khi cuộc họp kết thúc, Trump nói với Macgregor, “Tôi muốn anh làm việc cho tôi. Chúng tôi sẽ tìm ra cách.”
Trump đã cảm thấy thoải mái với Macgregor qua việc xuất hiện thường xuyên trên Fox News, nơi viên đại tá đã thổi phồng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước ngoài, gọi các nhà lãnh đạo quốc hội là “những kẻ ngốc” và chế nhạo các chính sách của Ngũ Giác Đài về chính sách đa dạng và binh sĩ chuyển giới.
Bổ nhiệm Macgregor vào một vị trí cao cấp của Ngũ Giác Đài sẽ giống như ném một quả lựu đạn vào tòa nhà — đặc biệt là khi Milley và Macgregor khinh thường nhau.
Macgregor nói với Axios về Milley: “Chỉ mới gặp ông ấy một lần, nhưng ông ấy được cho là người kém ấn tượng nhất trong một loạt các tướng lãnh ở vị trí Tham mưu trưởng quân đội kém cỏi kể từ năm 1991.”
Một nguồn tin thân cận với Milley nói rằng Milley coi Macgregor là “kẻ phi lý đến gần như mất trí toàn diện.”
Không mất nhiều thời gian để Macgregor đồng ý với lời đề nghị của McEntee. Sau đó, McEntee đưa cho Macgregor tờ giấy với những chỉ thị xẹt lửa của Trump.
Trump đã đến lúc hối hận vì bài phát biểu vào tháng 8 năm 2017, trong đó ông đã thông báo về một đợt tăng quân mới vào Afghanistan. Ông ta hoàn toàn phẫn nộ với Mattis, McMaster và những người khác đã thúc giục ông áp dụng một chiến lược mà ông coi là lãng phí thời gian, tiền bạc và nhiều mạng sống của người Mỹ hơn.
McMaster đã bị thay thế vào tháng 3 năm 2018 và cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của Trump, John Bolton, là một người ủng hộ nổi tiếng cho chủ nghĩa can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Nhưng ngay cả ông ta cũng tin rằng các vị tướng đã đẩy vận may của họ đi quá xa. Điều đó trở nên rõ ràng khi vào ngày 19 tháng 12 năm 2018, Trump đã tweet một video tuyên bố chiến thắng ISIS và tuyên bố đơn phương rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ ở Syria, một lời hứa khi tranh cử khác mà ông muốn thực hiện.
Hành động đó đã gây ra một cơn bão lửa trong Quốc hội và giới truyền thông, và dẫn đến việc Mattis từ chức vào ngày hôm sau. Mattis cho rằng Trump đã khinh thường, bỏ rơi các đồng minh của Mỹ, và ông đã nói như vậy với cách nói nhẹ nhàng mang tính ngoại giao trong lá thư từ chức. Tuy nhiên, với tất cả kịch tính, yêu cầu của Trump một lần nữa sẽ bị chặn lại.
Bolton ghi nhận chuyến thăm của Trump tới Căn cứ Không quân Al Asad ở Iraq vào ngày 26 tháng 12 năm 2018, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông tới một khu vực chiến đấu, là thời điểm quan trọng nhất trong việc duy trì sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Syria. Các tướng lĩnh ở đó nói với Trump rằng lực lượng ISIS có thể kết thúc sau 2-4 tuần, và — theo lời thúc giục của Bolton — nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ lại một tiền đồn ở miền nam Syria để răn đe Iran.
Phải mất nhiều thời gian hơn — cho đến cuối tháng 3 năm 2019 — để phá hủy nhà nước Hồi giáo caliphate. Vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo Ngũ Giác Đài đã thuyết phục Trump rằng Hoa Kỳ cần phải đóng góp quân đội đến một vùng đệm được quốc tế giám sát ở phía bắc Syria để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ phát động một cuộc tấn công chống lại các chiến binh người Kurd đã hỗ trợ trong cuộc chiến chống ISIS. Việc rút tiền đã bị trì hoãn.
Trump ngày càng thất vọng hơn. Ông ta tin rằng Ngũ Giác Đài đang chống lại ông, đưa ômh ta vào thế phải ở lại những quốc gia mà ông ta thường coi là những trạm xăng đầy khủng bố trên sa mạc.
Ông ta nói về sự lật đổ “nhà nước thâm tằng” (deep state), nhưng những người kéo ông ta ra khỏi bản năng của mình hầu hết là những người mà chính ông ta đã bổ nhiệm.
Bảy tháng sau, Trump nổ tung — và một lần nữa ra lệnh cho quân đội Mỹ rút khỏi miền bắc Syria, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công quân sự chống lại người Kurd.
Một lần nữa, quyết địh này lại gây ra sự điên cuồng của công chúng, và một lần nữa, Trump cuối cùng bị thuyết phục để lại một lực lượng nhỏ — lần này là ở phía đông Syria, bề ngoài là để bảo vệ các mỏ dầu do người Kurd kiểm soát khỏi ISIS.
Diều hâu như Graham đã sử dụng lập luận này một cách đầy hoài nghi — “ở lại đó để bảo vệ dầu” — để thuyết phục Trump giữ các lực lượng ở Syria. Họ đang dựa theo quan điểm lâu nay của Trump rằng Mỹ lẽ ra nên lấy dầu từ Iraq sau cuộc xâm lược năm 2003 để trợ cấp cho nỗ lực chiến tranh. Điều đó vi phạm luật pháp quốc tế.
Nhưng họ biết rằng các lập luận trao đổi có thể gây được tiếng vang với Trump hơn là các lập luận nhân quyền về hoàn cảnh của người Kurd hoặc số phận của phụ nữ Afghanistan. Vì vậy, họ đã nói về dầu.
Trump dường như cảm thấy say mê về việc rút Mỹ ra khỏi Trung Đông và Afghanistan, ông đã tránh ra lệnh buộc quân đội nhúng tay vào.
Khi đến lúc, Trump đã thiếu quyết đoán. Theo quan điểm của giới chức hàng đầu, ông dường như không muốn gánh chịu hậu quả của một cuộc rút lui nhanh chóng.
Điều này cho phép Ngũ Giác Đài bác bỏ những dòng tweet và lời chê bai của ông và duy trì hiện trạng. Họ bám vào Chiến lược Quốc phòng — một tài liệu mà họ hoàn toàn tin rằng Trump đã không buồn đọc.
Một số quan chức cao cấp cũng cố tình lừa dối Trump. Jim Jeffrey, đặc phái viên của Trump tại Syria và liên minh chống ISIS, nói với Defense One trong một cuộc phỏng vấn sau bầu cử vào tháng 11/2020.
“Chúng tôi luôn luôn tráo bài và không nói rõ với giới lãnh đạo của chúng tôi số quân thực sự ở đông bắc Syria là bao nhiêu”, và nói thêm số quân thực sự ở đông bắc Syria “lớn hơn rất nhiều” so với con số khoảng 200 Trump ban đầu đồng ý để lại đó vào năm 2019.
Đó là một lời thừa nhận nghe rụng rời. Nhưng đó là điều phản ảnh suy nghĩ của một số lãnh đạo an ninh quốc gia và các những chức có hiểu biết, những người đã nhiều lần cản trở yêu cầu của tổng tư lệnh trong suốt 4 năm.
Việc McEntee được bổ nhiệm làm giám đốc Văn phòng Nhân sự Tổng thống vào tháng 2 năm 2020, gần hai năm sau khi ông bị sa thải và bị áp giải khỏi khuôn viên Tòa Bạch Ốc vì vấn đề liên quan đến an ninh của ông, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ của Trump với Ngũ Giác Đài.
Cách cư xử của chủ tịch và cận thần của ông ấy trong những tháng cuối cùng này đã thực sự làm xáo trộn ban lãnh đạo quan sự. McEntee là người trung thành cuối cùng của Trump và là một trong số ít phụ tá đắc lực hoàn toàn đồng ý với mục tiêu sâu rộng của tổng thống là giảm sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trên khắp thế giới. Với sự thăng tiến của ông — và sự ra đi của Bolton vài tháng trước đó – Tòa Bạch Ốc đang làm việc tích cực để thuê nhân sự có chung tầm nhìn với Trump.
Một trong những người mà McEntee nhận diện là Will Ruger của Viện Charles Koch, một chuyên gia chính sách đối ngoại, cựu chiến binh, và là người ủng hộ mạnh mẽ việc rút quân hoàn toàn khỏi Iraq và Afghanistan. Trong nhiều tháng, Ruger đã âm thầm cung cấp cho Tòa Bạch Ốc các cuộc thăm dò và các tài liệu khác để củng cố hồ sơ của họ về việc rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan.
Vào tháng 5 năm 2020, sau khi Ruger viết một bài bình luận trên National Interest có tựa đề, “Tổng thống Trump đúng ở Afghanistan”, McEntee đã vận động để đề cử ông làm đại sứ tại Kabul. Nó không được sự ủng hộ của Ngoại trưởng Mike Pompeo, người không coi trọng Ruger, và Bộ Ngoại giao của ông đã trì trệ việc đề cử viên sĩ quan Trừ bị Hải quân trong nhiều tháng.
Các cuộc thanh trừng nhân viên kết hợp với nỗ lực tăng cường của McEntee nhằm bao vây Trump với các cố vấn, những người cuối cùng sẽ giúp sứ mệnh rút khỏi Afghanistan hoàn thành. Tại Ngũ Giác Đài, Esper đã bắt đầu mất ưu ái với Trump ngay khi ông được đề cử. Ngay cả trước khi được xác nhận, ông đã đề nghị ủng hộ hết mình cho liên minh NATO và nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của Mỹ. Ông đã thúc đẩy việc giải ngân quỹ Ukraine mà cuối cùng đã trở thành trọng tâm trong cuộc luận tội của Trump.
Esper — giống như Mattis — nhận thấy rằng ông không thể hoạt động dưới tầm kiểm soát dễ dàng như các Bộ trưởng khác trong Nội các của Trump, chẳng hạn như Bộ trưởng Giao thông vận tải Elaine Chao, người đã làm công việc của họ mà không bị Tòa Bạch Ốc cản trở.
Trump có niềm đam mê sâu sắc với cấp bậc và uy tín quân sự, và ban đầu ông coi cả Mattis và Milley là những vị tướng chưa được xây dựng của những năm 1940. Trump nói rằng hình ảnh này gần như hoàn toàn dựa trên ngoại hình của họ — “như kết quả chọn diễn viên phim ảnh” — và trong trường hợp của Mattis, biệt danh không phù hợp của ông là “Chó điên”. Trên thực tế, hai vị tướng bốn sao này không đồng ý với Trump về mọi thứ, từ đạo đức của việc tra tấn đến sự khôn ngoan khi gửi quân hiện dịch xuống đường phố Mỹ giải tán biểu tình.
Trump cáu kỉnh bất cứ khi nào ông thấy giới lãnh đạo Ngũ Giác Đài có những hành động mà ông cho là yếu kém hoặc quan tâm về mặt chính trị. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Axios, ông chỉ trích Esper vì đã viết những gì ông mô tả là một thông điệp “rất tỉnh táo” cho quân đội — trong bản ghi nhớ ngày 19 tháng 6 của ông tập trung vào nỗ lực “cải thiện sự đa dạng và hòa nhập” tại Ngũ Giác Đài.
Thật kỳ lạ, Trump đồng thời coi Bộ Quốc phòng là đòn bẩy mà ông có thể thúc đẩy cho các mục tiêu lớn nhất của mình: xây dựng bức tường biên giới, phát triển Chiến dịch Warp Speed, xem xét triển khai quân đội để quản lý tình trạng bất ổn dân sự và cuối cùng là dự tính chiếm các máy bỏ phiếu như giải pháp cuối cùng để lật ngược cuộc bầu cử.
Trong các cuộc trò chuyện với bạn bè, Esper đã so sánh kinh nghiệm của mình khi làm việc cho Trump với việc đi bộ qua một cái ao đóng băng. Những rạn nứt nhỏ trong mối quan hệ của họ ngày càng xuất hiện.
Rạn nứt rõ ràng xảy ra khi Esper công khai tách ra với tổng thống trong một cuộc họp báo vào ngày 3 tháng 6 năm 2020. Ông ấy nói rằng ông ấy không biết rằng Trump sẽ chụp ảnh tại Nhà thờ St. John sau khi cảnh sát giải tán những người biểu tình khỏi Công trường Lafayette.
Trump đã vô cùng tức giận trước cuộc họp báo của Esper, trong đó người đứng đầu Ngũ Giác Đài cũng ra mặt chống lại việc viện dẫn Đạo luật Nổi dậy để dập tắt bạo loạn bằng binh sĩ đang tại ngũ. Theo quan điểm của Trump, điều mà Esper nên nói là quân đội sẽ được sử dụng ngay lập tức để đối phó với bất kỳ cuộc bạo động nào ở thành phố Washington, D.C., hoặc ở bất kỳ thành phố nào của Hoa Kỳ.
Chương công trường Lafayette là một bước ngoặt đối với cả hai người. Esper kết luận rằng Trump sẵn sàng sử dụng quân đội để đẩy triển vọng bầu cử của mình và lo ngại rằng không có biên giới nào. Trump kết luận rằng Bộ trưởng Quốc phòng của ông ấy yếu kém.
Esper đã cố gắng hết sức để tránh xa Tòa Bạch Ốc trong suốt phần còn lại của năm 2020, nhưng cuộc đụng độ của ông với tổng thống về Afghanistan trở nên tồi tệ hơn khi cuộc bầu cử sắp diễn ra.
Để đáp lại một tweet của Trump kêu gọi quân đội đang phục vụ ở nước ngoài hồi hương vào Giáng sinh, Esper đã gửi cho tổng thống một bản ghi nhớ mật cảnh giác điều kiện trang bị vũ khí ở Afghanistan không thích hợp cho một cuộc rút quân nhanh chóng. Ông cho rằng việc vội vã rút lui sẽ phá vỡ niềm tin với các đồng minh, làm tăng khả năng xảy ra các cuộc tấn công nội gián, mở cánh cửa cho quân khủng bố, lôi kéo Taliban và phá hoại chính phủ ở Kabul.
Trump, với sự khuyến khích của McEntee, đã sa thải Esper vào ngày 9 tháng 11, 2020. Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows đã gọi điện cho Esper để thông báo cho ông ta chỉ vài phút trước khi một tweet của tổng thống nêu tên Christopher Miller là người kế nhiệm.
Miller tương đối kín tiếng lần đầu tiên gặp Trump với tư cách là cố vấn chống khủng bố của NSC vào ngày 26 tháng 10 năm 2019 — đêm diễn ra chiến dịch đột kích đặc biệt giết chết thủ lĩnh ISIS Abu Bakr al-Baghdadi. Yêu cầu của Tổng tư lệnh mời ông lãnh đạo Ngũ Giác Đài không phải là điều mà Miller, một cựu sĩ quan lục quân Hoa Kỳ, cảm thấy rằng ông có thể từ chối, bất chấp những lời cầu xin từ gia đình và bạn bè.
Miller nói với người cộng sự rằng ông có ba mục tiêu cho những tuần cuối cùng của chính quyền Trump: # 1: Không có chiến tranh lớn. # 2: Không có đảo chính quân sự. # 3: Không có quân đội chiến đấu với công dân trên đường phố.
Khi thực tế cho thấy việc đắc cử của Biden sẽ không bị đảo lộn, McEntee đã đẩy nhanh nỗ lực của mình để thu hút những người ủng hộ chương trình nghị sự của Trump ở cấp cao nhất của Tòa Bạch Ốc.
Họ gồm Macgregor làm cố vấn cao cấp của Miller, cựu phụ tá cho Devin Nunes Kash Patel làm chánh văn phòng, Anthony Tata làm phụ tá quyền Bộ trưởng Quốc phòng về chính sách, và cựu quan chức tình báo NSC cao cấp Ezra Cohen-Watnick làm phụ tá quyền Bộ trưởng Quốc phòng về tình báo và an ninh.
Đối với tất cả những đồn đoán gây sốt của giới truyền thông về chương trình nghị sự bí mật của tổng thống tại Ngũ Giác Đài, mục tiêu cuối cùng rất đơn giản: Đánh bay các tướng lĩnh và loại bỏ Mỹ khỏi các cuộc giao tranh với nước ngoài, để lại một thỏa thuận đã thực hiện mà chính quyền tiếp theo không thể dễ dàng đảo ngược.
Là cố vấn cao cấp mới cho quyền Bộ trưởng Quốc phòng mới, Douglas Macgregor đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ điều gì trong bối cảnh tâm lý hoang mang của những tuần sau bầu cử đó.
Ông ta đến khi Ngũ Giác Đài hỗn loạn. Quyết định của chính ông trong việc kiếm một sắc lệnh của tổng thống về việc rút quân ngay lập tức tại Afghanistan đã làm ra một vòng đèn cù kỳ lạ theo kiểu quan liêu của việc tự biên tự diễn.
Vào cuối ngày 10 tháng 11, một trong những cấp dưới của McEntee đang soạn thảo bản ghi nhớ cho tổng thống đã gọi cho Macgregor để nói rằng họ không biết phải làm thế nào: “Chúng tôi đang cố gắng kết hợp vấn đề này lại với nhau nhưng chúng tôi không có mô hình cho việc này và chúng tôi muốn sử dụng ngôn ngữ một cách thẳng thắn.”
Macgregor trả lời: “Hãy vào và lấy bản ghi nhớ quyết định của tổng thống ra khỏi tủ tài liệu, và đó là những gì các bạn dùng làm mẫu cho nó, và nó sẽ có tất cả thẩm quyền các bạn cần và những người cụ thể mà mệnh lệnh sẽ được gởi đến.” Ông ấy tiếp tục, “Trước tiên hãy giải quyết Afghanistan. Tôi nghĩ phải là nửa đêm, ngày 31 tháng 12 năm 2020.” Theo quan điểm của Macgregor, điều này cho phép Trump thực hiện một lời hứa khi ông ra tranh cử: rút ra khỏi Afghanistan.
Macgregor không nghe gì thêm từ Tòa Bạch Ốc và đã vô cùng ngạc nhiên khi hai ngày sau ông biết rằng bản ghi nhớ không chỉ được Trump ký ngay lập tức vào ngày 11 tháng 11, mà nó còn được soạn thảo lại ở đâu đó trước khi Trump ký.
Ngày rút quân tại Afghanistan đã thay đổi — do tình cờ hoặc cố ý — từ ngày 31 tháng 12, 2020 sang ngày 15 tháng 1, 2021.
Tương tự như vậy, một ngày có trong mệnh lệnh rút lui khỏi Somalia — một phần nhỏ hơn yêu cầu của Trump để “rút ra khỏi châu Phi” — đã được thay đổi từ ngày 15 thang 1 sáng ngày 31 tháng 12. Cả hai ngày đều được định để đưa quân đội Hoa Kỳ ra khỏi cả hai quốc gia trước khi Trump rời nhiệm sở vào ngày 20 tháng Giêng, 2021.
Bản ghi nhớ không có chỉ dẫn cho việc tủ khỏi Iraq và Syria — hoặc Đức — nguyện vọng mà Macgregor kết luận là không thể đạt được trong thời gian còn lại.
Bản ghi nhớ mà Macgregor yêu cầu đã được một nhân viên của PPO soạn thảo, mang đến cho tổng thống, ký tên và sau đó được chuyển cho Miller trong vòng 48 giờ. Trên đó treo tương lai của Afghanistan.
Nó cũng có nghĩa là một cuộc chiến mới với tất cả những người nắm quyền lực ở Washington.
Christopher Miller đã triệu tập Macgregor đến văn phòng của mình và nói với ông ta rằng ông ấy đã nhận được nhữn cú điện thoại giận dữ từ những viêm chức đã nhận được lệnh này, gồm cả một Lãnh đạo Đa số Thượng viện đang sánh chói Mitch McConnell.
Miller ngay lập tức nghi ngờ Macgregor nhúng tay vào kế hoạch kênh sau này. Ông tôn trọng nó như một trò chơi quan liêu láu lỉnh — và tự coi mình là người ủng hộ hết mình trong việc rút khỏi Iraq, Syria và Afghanistan — nhưng cũng tin rằng mệnh lệnh đã chết khi vừa đến nơi.
Ông coi mốc thời gian là bất khả thi về mặt hậu cần và nghĩ rằng nó có nguy cơ khiến chính quyền Biden sắp tới gặp phải một tình trạng nguy hiểm. Mối quan hệ giữa Miller và Macgregor sẽ không mấy êm đẹp trong thời gian ngắn còn lại của nhiệm kỳ Trump.
Tại Tòa Bạch Ốc, không mất nhiều thời gian để McEntee bị cáo buộc là thủ phạm chính của âm mưu này. McEntee tỏ ra ngớ ngẩn và gợi ý rằng ông ta chỉ làm theo những gì Macgregor đã hướng dẫn cho anh ta.
Cipollone, cố vấn Tòa Bạch Ốc và O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia có phản ứng mà một nguồn tin mô tả là “đau đớn”, đi đến gặp Trump — và ngay lập tức ngăn chặn kế hoạch. Họ thuyết phục Trump đợi để tổ chức một cuộc họp đầy đủ với đội an ninh quốc gia của ông ta, diễn ra tại Phòng Bầu dục trong vòng 48 giờ.
Tại cuộc họp đó, O’Brien, Miller và Milley đều chống lại kế hoạch. Họ đã vẽ một bức tranh sống động về việc Kabul rơi vào tay Taliban nếu quan đội Hoa Kỳ rút lui nhanh chóng trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống Trump.
Trong các cuộc trò chuyện trước đây với Trump, họ đã làm dấy lên bóng ma Sài Gòn năm 1975, nơi hình ảnh những chiếc trực thăng Mỹ di tản người dân khỏi các mái nhà khi quan Bắc Việt giành quyền kiểm soát Sài Gòn đã trở thành thời khắc ghi trong hồ sơ lịch sử của Chiến tranh Việt Nam. Lời cảnh cáo không nhẹ nhàng: Đây sẽ là di sản của Trump nếu ông ta vội vã tìm đường rút chạy.
Và, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Axios, Trump nói rằng ông cũng lo ngại về việc bỏ lại hàng tỷ đô la quân dụng trong một đợt rút quân gấp rút, phức tạp về mặt hậu cần. Ông nói, “Bạn còn nhớ những cảnh đó [ở Việt Nam] với những chiếc trực thăng, đúng không, với những người túm lấy dụng cụ? Bạn không muốn điều đó. Và tôi sẽ không muốn có điều đó.” Tuy nhiên, Trump đã ký lệnh ‘rút lui trong tám tuần’.
Trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục, O’Brien nhắc Trump rằng họ đã đồng ý về một kế hoạch khiêm tốn hơn để giảm quân số ở Afghanistan xuống còn 2.500 người vào đầu năm 2021.
(Khi O’Brien thông báo điều này trong một bài phát biểu hồi tháng 10, Milley đã gây ra một cuộc tranh cãi nhỏ trên phương tiện truyền thông khi cho rằng cố vấn an ninh quốc gia chỉ đơn thuần là “suy đoán”. Các viên chức cao cấp cao của Ngũ Giác Đài đã lập luận với nhau rằng việc rút ra là không khôn ngoan và không an toàn khi có dưới 4.500 quân. O’Brien đã phản pháo lại Milley rằng khi ông phát biểu trước công chúng, ông đã nói thay cho tổng thống.)
Nếu Milley không chống lại kế hoạch 2.500 ban đầu, Trump có thể đã không cảm thấy cần thiết phải ký lệnh theo kênh sau. Theo quan điểm của giới nội bộ không đồng ý với Trump, điều này là điển hình của lãnh đạo Ngũ Giác Đài: Trì hoãn các quyết định quan trọng bằng cách phản bác rằng các cuộc họp chiến lược đã dẫn đến sự đồng thuận, khẳng định quá trình vẫn đang diễn ra và tiết lộ các kịch bản ngày tận thế cho giới truyền thông.
Đây là những chiến thuật mà các đồng minh của Trump tin rằng giới lãnh đạo quân sự đã hoàn thiện để cản trở những tổng thống trong suốt nhiều thập kỷ.
Bây giờ — khi đối mặt với phương án thay thế của Macgregor — kế hoạch rút lui mà Milley từng khinh bỉ trông giống như một ơn trời cho các vị tướng. Ngoài 2.500 lính Mỹ, sẽ có thêm hàng nghìn nhà thầu Mỹ, quân đội NATO và nhà thầu NATO ở lại Afghanistan, được coi là lực lượng đủ để duy trì khả năng chống khủng bố.
O’Brien nói với tổng thống rằng việc rút xuống 2.500 quân ở Afghanistan là cách gần nhất mà Trump có thể thực hiện lời hứa tranh cử của mình trong khi bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ và duy trì đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban. Và ông ấy đang đưa Hoa Kỳ vào con đường kết thúc cuộc chiến bất tận.
Và với điều đó, Trump đã úp bài không hoàn toàn rút lui lần cuối cùng trên cương vị tổng thống.
Giới chức chính quyền Trump đã không thông báo cho gới lãnh đạo quốc hội hoặc các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trước thông báo ngày 17 tháng 11 của Miller rằng sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan sẽ giảm từ 4.500 xuống 2.500 vào giữa tháng Giêng.
Đối với các đồng minh của Mỹ và các nghị sĩ của cả hai đảng, đây là một sự đạp đổ giao thức đáng kinh ngạc. Nhưng nhân viên chức chủ chốt của Trump tin rằng quyết định sẽ bị rò rỉ nếu họ thông báo trước.
Mặc dù vậy, các kế hoạch đã xuất hiện trên báo chí vào ngày 16 tháng 11, một ngày trước khi Miller lên bục tại Ngũ Giác Đài. CNN, hãng đưa tin, đưa tin Ngũ Giác Đài đã ban hành “lệnh cảnh cáo” cho các cấp chỉ huy bắt đầu lên kế hoạch rút quân.
McConnell, nổi điên, đã lên sàn Thượng viện ngày hôm đó và nói rằng hành động này sẽ “gây thiệt hại cho các đồng minh của chúng ta và làm hài lòng những người muốn làm hại chúng ta” — so sánh nó với cả việc Obama rút quân khỏi Iraq và “sự ra đi nhục nhã của người Mỹ khi rút khỏi Sài Gòn năm 1975.”
Ngày hôm sau, Miller có nhiệm vụ bất khả thi là thông báo cho các thành viên Quốc hội và các đồng minh của Hoa Kỳ sau khi tin tức đã được công bố, gồm cả những người đồng cấp của ông ở Đức và Anh. Ông cũng đã nói chuyện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, người đã giải quyết vấn đề này một cách trân trọng, cảm ơn Miller vì sự hy sinh mà rất nhiều người Mỹ đã thực hiện trong hai thập kỷ qua.
Trong khi một số nghị sĩ tức giận vì Hoa Kỳ sẽ rút lui, Lindsey Graham đã gọi điện cho O’Brien và các quan chức khác của Trump để cảm ơn họ về cách nó đã được giải quyết, nhận thức rõ ràng rằng kết quả có thể còn tồi tệ hơn nhiều.
Nhiều tuần trôi qua, và sự chú ý của công chúng phần lớn chuyển sang lo ngại rằng Trump không tiếp tục với những tuyên bố vô căn cứ của mình về một cuộc bầu cử bị đánh cắp — và trên thực tế đang chuyển sang những lời khuyên thậm chí còn cực đoan hơn khi ông ngày càng tuyệt vọng.
Tình hình bên trong các nhân viên cao cấp của chính quyền Trump cũng trở nên căng thẳng hơn. Sự căng thẳng giữa giới lãnh đạo dân sự của Ngũ giác Đài và các tướng lĩnh tồi tệ như đã xẩy ra và vẫn còn trong ký ức.
Trong một biến cố đáng chú ý và chưa được thông báo trước đây vào đầu tháng 12, các viên chức hàng đầu của chính quyền Trump đã xem xét các văn thư bí mật chặn được từ Cơ quan An ninh Quốc gia khiến họ tin rằng Milley đang hạ bệ lãnh đạo dân sự của Ngũ Giác Đài, theo ba nguồn tin có kiến thức trực tiếp về các tài liệu mật.
Các cuộc ngăn chận tin mật gồm một cuộc trò chuyện giữa một người Mỹ đã nói chuyện với Milley và một viên chức cấp cao của Afghanistan. Người Mỹ nói với viên chức Afghanistan rằng Milley không tin tưởng vào ban lãnh đạo dân sự Ngũ Giác Đài mà Trump đã cài đặt — một phát súng trực tiếp bắn vào Miller, chánh văn phòng Patel của ông, và phần còn lại của toán công tác của họ.
Một tin mật khác chặn được cho thấy rằng các viên chức cao cấp của Afghanistan đã tin rằng các tướng lĩnh của Trump sẽ bất chấp mong muốn của tổng thống về việc rút quân nhanh chóng và sẽ khiến cho lệnh của ông ta chậm lại.
Bản chất của những lần chặn này đã dẫn đến các cuộc trò chuyện giữa các quan chức cao cấp của Trump về khả năng bị cắt giảm quyền kiểm soát dân sự đối với quân đội — một vấn đề nghiêm trọng, có thể bị giải nhiệm, nhưng là vấn đề đã lùi bước trong những ngày hỗn loạn cuối cùng của chính quyền Trump.
Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận nội bộ cho biết, có sự thiếu quan tâm chung đến việc trở thành người đưa những văn bản mật này cho tổng thống “bởi vì bạn không muốn bị cuốn vào một số vụ bê bối kỳ lạ và phải làm chứng.”
Người phát ngôn, Đại tá Dave Butler, nói với Axios rằng Milley, vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân dưới thời Tổng thống Biden, đã làm việc của mình bằng cách cung cấp “lời khuyên kịp thời và thấu đáo” cho giới lãnh đạo dân sự bao gồm chi phí, rủi ro và lợi ích.
Butler nói:
“Tướng Milley đã, đang và vẫn tận tâm công nhận và tuân theo luật lệ và ý định về quyền kiểm soát dân sự đối với quân đội. “Ông ấy đã yểm trợ một cách có ý thức và có chủ ý sự kiểm soát dân sự đối với quân đội trong suốt nhiệm kỳ của mình và trước đó.”
Dave Butler
Vào ngày 14 tháng 4, Biden tuyên bố sẽ rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11 tháng 9, kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố.
Trong khi Trump rõ ràng hối tiếc vì đã không thúc đẩy các tướng lĩnh mạnh hơn hơn trong những năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống của mình, giờ đây, không ngạc nhiên khi ông kể công Biden có khả năng thực hiện một quyết định như vậy.
Cựu tổng thống nói với Axios rằng ông đã “xây dựng một đoàn tàu không thể dừng lại” — mặc dù Biden từ lâu đã là một người hoài nghi về việc ở lại chiến trường Afghanistan.
Trump trích dẫn cuộc trò chuyện qua điện thoại vào tháng 3 năm 2020 với Mullah Abdul Ghani Baradar — được cho là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa tổng thống Mỹ và một thủ lĩnh Taliban — là lý do không có binh sĩ Mỹ nào thiệt mạng trong trận chiến ở Afghanistan trong hơn một năm.
Trump cũng tuyên bố ông nói với Baradar rằng nếu Taliban tiến hành một cuộc tấn công, Hoa Kỳ sẽ quay trở lại Afghanistan và “đánh bạn mạnh hơn bạn từng bị đánh trước đây” — một tuyên bố mà đại diện của Taliban bác bỏ.
Người phát ngôn của Taliban Zabiullah Mujahid phủ nhận việc Trump đã đưa ra bất kỳ lời nói trả đũa mạnh mẽ nào trong cuộc trò chuyện với Baradar, nói với Axios rằng tổng thống “không gây áp lực cũng như không đưa ra bất kỳ lời đe dọa và cảnh cáo nào.” Ông mô tả cuộc điện thoại là “thân mật và bình thường.”
Mujahid cũng nói rằng giới lãnh đạo Taliban đã không nói chuyện trực tiếp với Biden hoặc Ngoại trưởng Antony Blinken kể từ khi chính quyền mới nhậm chức, thay vào đó điều hợp qua đặc phái viên Hoa Kỳ Zalmay Khalilzad.
Tình hình trên thực địa ở Afghanistan vẫn còn tuyệt vọng và mong manh. Trong bối cảnh bạo lực leo thang, hàng chục người Afghanistan vẫn đang bị giết mỗi tuần. Một vụ thả bom gần đây nhắm vào các nữ sinh ở Kabul, khiến hơn 80 người thiệt mạng.
Thấp thoáng trước sự rút lui của Biden là Taliban có thể giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn Afghanistan và đưa nước này trở lại chế độ độc tài toàn trị.
Ghi chú của biên tập viên: Câu chuyện này đã được cập nhật để xác định NBC là tổ chức tin tức đầu tiên đưa tin cuộc họp Phòng Tình hình của Trump với các phụ tá an ninh quốc gia vào ngày 19 tháng 7 năm 2017, chứ không phải New York Times.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Trump’s war with his generals | Jonathan Swan, Zachary Basu |Axios | May 16, 2021.