COVID-19 đã biến điểm yếu nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành điểm mạnh nhất
Joe Buckley | DCVOnline
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể không đấu tranh cho quyền lợi của người lao động, nhưng ở rất đúng chỗ để giúp họ trong khủng hoảng COVID-19.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) do chính phủ lãnh đạo là liên đoàn lao động hợp pháp duy nhất của Việt Nam. Nó thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, nằm trong các cấu trúc của đảng–nhà nước, và nhận được rất nhiều tài trợ từ đó. Giới lãnh đạo chính phủ thường có các bài phát biểu củng cố mức độ cam kết của họ trong việc củng cố TLĐLĐVN và nhắc nhở mọi người rằng Liên đoàn là một cánh tay của nhà nước.
Bạn đọc sẽ thấy một văn phòng công đoàn mà nhân viên là những cán bộ chuyên trách, ở hầu hết các cấp hành chánh của Việt Nam, từ trụ sở quốc gia oai vệ và uy nghiêm trên phố Quán Sứ của Hà Nội cho đến các văn phòng cấp phường và quận khiêm tốn và duyên dáng trên khắp cả nước. Trong các công ty, đại diện công đoàn thường là giám đốc nhân sự hoặc cán bộ ở cấp tương tự.
Do đó, TLĐLĐVN đã bị chỉ trích nặng nề, và thường là đúng vì không thể đại diện và đấu tranh cho người lao động một cách chính đáng. Ví dụ, TLĐLĐVN chưa bao giờ tổ chức đình công và thường đóng vai trò như một loa thông báo cho người lao động về các chính sách của chính phủ và công ty hơn là thách thức họ.
Có một giai đoạn, vào đầu những năm 2010, khi TLĐLĐVN dường như đã cam kết cải cách.
Những người tiến bộ ở các vị trí có ảnh hưởng – bao gồm chủ tịch từ 2011-2016, Đặng Ngọc Tùng, người đã dành cả cuộc đời làm việc cho công đoàn – và đã có những cuộc thảo luận và thí nghiệm nghiêm túc về cách đại diện và vận động cho người lao động hiệu quả hơn. Gần 1.000 cuộc đình công tự phát trong năm 2011, tất cả đều do công nhân tự tổ chức và không do TLĐLĐVN lãnh đạo, cũng tạo ra áp lực đáng kể đối với việc cải cách, cũng như các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (201-2016) Đặng Ngọc Tùng. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, giờ đây, không gian đó đã bị thắt chặt và TLĐLĐVN đã bị kéo lùi vào sát quỹ đạo của Đảng Cộng sản. Những người thuộc cánh tiến bộ của Liên minh đã bị gạt ra ngoài lề. Chủ tịch TLĐLĐVN hiện nay, Nguyễn Đình Khang, không có kinh nghiệm trong giới lao động, nhưng đã có nhiều năm quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Người trước ông là Bùi Văn Cưông, giữ chức vụ chủ tịch từ 2016–2019, cũng là một cán bộ đảng, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ chính trị; ông hiện có một vai trò ảnh hưởng như là tổng thư ký của Quốc hội. Báo chí lao động – những tờ báo thuộc TLĐLĐVN vốn đã có một số quyền tự chủ để đưa tin thông cảm về các cuộc đình công và điều kiện làm việc – cũng đã được kiềm chế. Chủ nhân của một trong những tờ báo lao động lớn, Người Lao động (Người Lao động), đã chuyển từ TLĐLĐVN sang Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, áp lực đổi mới từ những thỏa thuận thương mại đã giảm đáng kể. Chính quyền Trump đã rút khỏi TPP vào năm 2017. Nó được thay thế bằng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vốn có yêu cầu bảo vệ công nhân yếu hơn. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng tương tự. Sau khi cả hai hiệp định được ký kết, ngay lập tức mọi áp lực đổi mới biến mất. Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực vào tháng Giêng năm nay, có một số cải cách về Quyền tự do Hiệp hội hạn chế, nhưng những cải cách này không thể dẫn đến những thay đổi lớn.
TLĐLĐVN và COVID-19
Tuy nhiên, chính xác là vì TLĐLĐVN là một bộ phận của nhà nước, nó đã được bố trí phù hợp để giúp đỡ người lao động trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Trong suốt đại dịch, sự tập trung của nhiều công nhân và công đoàn trên toàn thế giới đã chuyển từ đấu tranh để có mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn đã hướng đến những mối quan tâm tức thời hơn là cố gắng bảo đảm cho công nhân được an toàn và có đủ tiền và đủ sống. Các nghiệp đoàn đã vận động cả chính phủ và chủ nhân về những vấn đề này, đồng thời trực tiếp cung cấp hỗ trợ tài chính và lương thực thiết yếu để công nhân không chết đói. TLĐLĐVN, với mạng lưới trên toàn quốc, có quan hệ chặt chẽ với các bộ phận khác của chính phủ, và nguồn tài trợ đáng kể của nhà nước, đã ở vị trí hoàn hảo để làm những việc này.
Và Việt Nam, quốc gia cho đến gần đây đã đối phó với đại dịch một cách xuất sắc, hiện đang phải đương đầu với một đợt bùng phát coronavirus đáng kể. Kể từ ngày 27 tháng 4, khi ghi nhận người nhiễm coronavirus đầu tiên của làn sóng hiện tại, đã có hơn 70.000 người nhiễm bệnh, nhiều hơn tất cả các trường hợp trước ngày đó cộng lại. Ngoài ra, trước ngày 27 tháng 4 đã có tổng cộng 35 người chết vì Covid-19. Tính đến ngày 23/7, con số này hiện đã tăng lên 370.
Ba tỉnh lân cận là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, được coi là trung tâm kinh tế của cả nước, bị cấm đi lại nghiêm ngặt – kể cả việc hạn chế tập thể dục ngoài trời – vào ngày 9 tháng 7. Giớn hạn này đã được mở rộng đến 19 tỉnh ở miền Nam Việt Nam vào ngày 19 tháng 7. Các khu vực khác của Việt Nam, nơi đã vượt qua các đợt bùng phát vào tháng 5, hiện đang bùng phát dịch bệnh trở lại. Trên toàn quốc, hàng nghìn người mới nhiễm bệnh đang được ghi nhận mỗi ngày. Việc triển khai tiêm chủng là một trong những lĩnh vực chậm nhất ở Đông Nam Á.
Trong đợt bùng phát coronavirus đầu tiên vào đầu năm 2020, TLĐLĐVN đã đóng một vai trò quan trọng đối với các thành viên. Nó đã giúp sắp xếp để các giới chức và chuyên gia y tế giáo dục công nhân về COVID-19 và các biện pháp phòng ngừa. Nó cung cấp hàng chục nghìn bộ dụng cụ bảo vệ cá nhân (PPE), găng tay và nước rửa tay, để giúp bảo vệ công nhân trong doanh nghiệp của họ. TLĐLĐVN cũng hỗ trợ tài chính và lương thực cho công nhân gặp khó khăn, chẳng hạn như những người bị cô lập hoặc cách ly, và những người khác bị mất thu nhập. Nó tham gia vào các chiến dịch và đàm phán để thuyết phục chủ nhà giảm tiền thuê nhà cho những công nhân có mức lương đã sút giảm đáng kể.
Ở cấp chính sách quốc gia, TLĐLĐVN đã tham gia thảo luận về quỹ cứu trợ kinh tế và tài chính trị giá 62 nghìn tỷ đồng Việt Nam (2,6 tỷ USD) cho công nhân, người nghèo và những người gặp khó khăn khác. Cùng với việc tham gia vào các cuộc thảo luận ban đầu, công đoàn cũng có thể góp ý kiến cho chính phủ về các vấn đề của quỹ cứu trợ, chẳng hạn như bộ máy quan liêu và những điều kiện có nghĩa là nhiều người bị loại không được hỗ trợ, đồng thời đề nghị cách thay đổi và tinh chỉnh cách cứu trợ đối với những người cần nó.
Trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh như hiện nay, TLĐLĐVN đã tăng cường những nỗ lực này. Tổng Liên đoàn đã dùng 113 tỷ đồng từ ngân sách công đoàn để hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng do đợt COVID-19 bùng phát hiện nay. Các cơ quan công đoàn trên toàn quốc đã và đang hỗ trợ vật chất cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ, tại Vũng Tàu, một thành phố ven biển ở miền Nam Việt Nam, liên đoàn lao động đã gởi quà gồm thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho công nhân bị ảnh hưởng do tác động kinh tế của COVID-19. Tại Thanh Hóa, một tỉnh ở Bắc Trung phần Việt Nam, công đoàn tỉnh đang vận động các công đoàn địa phương giúp người lao động hiểu được các biện pháp cứu trợ mà họ được hưởng và cách thức áp dụng. Và tại Đà Nẵng, một thành phố ven biển ở miền Trung Việt Nam, liên đoàn lao động đã hỗ trợ kinh phí cho các công đoàn viên bị buộc phải cách ly.
TLĐLĐVN cũng đã tham gia phát triển quỹ cứu trợ đại dịch thứ hai của chính phủ trị giá 26 nghìn tỷ đồng (1,13 tỷ đô la). Vào tháng 5, họ đã vận động thủ tướng dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng do tác động kinh tế của làn sóng COVID-19 mới nhất, và sau đó tham gia vào các cuộc thảo luận về việc phát triển gói. Họ cũng đưa ra lời khuyên về cách đơn giản hóa các biện pháp hành chính và quan liêu để giúp những người có nhu cầu ghi tên và nhận hỗ trợ dễ dàng hơn. Do đó, quỹ cứu trợ này được xem là đơn giản hơn nhiều so với năm ngoái.
Ngoài ra, TLĐLĐVN đã phát triển chương trình “thuốc chủng ngừa cho người lao động”. Điều này nhằm mục đích gây quỹ và mua thuốc chủng ngừa cho công nhân trên cả nước.
Sở dĩ TLĐLĐVN có thể can thiệp và hỗ trợ người lao động một cách hiệu quả trong thời kỳ khủng hoảng trực tiếp là nhờ vị thế của nó là một công đoàn do nhà nước lãnh đạo. Là liên đoàn lao động hợp pháp duy nhất trong cả nước, nó tuyên bố có khoảng 10 triệu thành viên. Với lệ phí công đoàn, thuế công đoàn quốc gia đánh vào doanh nghiệp và tài trợ từ nhà nước có nghĩa là liên minh đang ở trong tình trạng tài chính rất tốt và do đó, có thể đủ khả năng hỗ trợ đáng kể cho các thành viên. Thực tế là nó được tập trung và gắn liền với các cơ cấu chính phủ và đảng với sự hiện diện ở mọi cấp của cơ quan hành chính nhà nước có nghĩa là việc tổ chức và phân phối sự hỗ trợ đó trở nên đơn giản và tương đối dễ dàng. Ngoài ra, TLĐLĐVN, là một bộ phận của nhà nước, có đường dây trực tiếp với các bộ phận khác của chính phủ, do đó, có thể đối thoại và phối hợp với giới lãnh đạo chính phủ về những hành động tiếp theo và những thay đổi đối với chính sách.
TLĐLĐVN có những vấn đề rất lớn, và phần lớn là không hiệu quả khi đấu tranh cho công nhân. Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19, khi công nhân Việt Nam không quan tâm đến việc đấu tranh để có được tiền lương và điều kiện làm việc tốt hơn, mà là bảo vệ sức khỏe và sinh kế, thì TLĐLĐVN đã có đủ năng lực để làm việc này. Vị thế của nó với tư cách là một liên đoàn lao động do nhà nước lãnh đạo có nghĩa là nó có thể giúp đỡ, ít nhất là phần nào, để bảo vệ các thành viên khỏi bị những tác động xấu nhất về sức khỏe và kinh tế vì cuộc khủng hoảng.
TÁC GIẢ KHÁCH | Joe Buckley là một chuyên gia về chính trị lao động Việt Nam, tốt nghiệp Tiến sĩ trường SOAS (the School of Oriental and African Studies) tại đại học London.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: COVID-19 Turned Vietnam’s State–Run Union’s Greatest Weakness Into Its Biggest Strength | Joe Buckley | The Diplomat | Jul 29, 2021. DCVOnline minh họa.