Lịch sử đầy bạo động và thảm họa của Haiti

DCVOnline (Tóm tắt của Reuters)

PORT–AU–PRINCE, ngày 14 tháng 8 (Reuters) – Haiti trở thành và là quốc gia châu Mỹ Latinh độc lập đầu tiên ở vùng biển Caribbean trong thời kỳ thuộc địa và là nước cộng hòa do người Da đen lãnh đạo đầu tiên khi nước này từ bỏ sự cai trị của Pháp vào thế kỷ 19.

Dân chúng chạy dọc theo con phố đầy khói từ lốp xe cháy trong cuộc biểu tình phản đối vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise ở Cap–Haitien, Haiti ngày 22 tháng 7 năm 2021. REUTERS / Ricardo Arduengo

Nhưng quốc gia này đã phải trải qua nhiều chu kỳ bạo động, xâm lăng và đàn áp trong hầu hết lịch sử sau ngày độc lập, cũng như các thảm họa thiên nhiên kể cả một trận động đất vào năm 2010 khiến 300.000 người thiệt mạng.

Dưới đây là một số sự kiện chính trong lịch sử của Haiti:

1492 – Tây Ban Nha chiếm đảo Hispaniola sau khi Christopher Columbus đến đây. Hai trăm năm sau, Tây Ban Nha nhượng nửa phía Tây cho Pháp. Các đồn điền do người nô lệ gốc châu Phi làm việc sản xuất đường, rượu rum và cà phê làm giàu cho nước Pháp.

1791 – Cựu nô lệ Toussaint Louverture lãnh đạo một cuộc kháng chiến thành công và ban hành hiến pháp vào năm 1801. Cuộc cách mạng thường được mô tả là cuộc nổi dậy của người nô lệ thành công đầu tiên và duy nhất trên thế giới.

1801-1809 – Dưới thời Tổng thống có nô lệ Thomas Jefferson, Hoa Kỳ cắt viện trợ cho Louverture và theo đuổi chính sách cô lập Haiti, lo ngại cuộc cách mạng Haiti sẽ truyền cảm hứng cho nô lệ ở các bang miền nam Hoa Kỳ.

1803 – Nỗ lực của Napoléon Bonaparte nhằm chiếm lại Haiti thất bại đã chấm dứt giấc mơ của ông về một đế chế Pháp bành trướng ở châu Mỹ. Chiến thắng của Haiti khiến Pháp đồng ý với bán Louisiana, một thỏa thuận hời, tăng gấp đôi diện tích của Hoa Kỳ.

1804 – Haiti độc lập dưới thời cựu nô lệ Jean-Jacques Dessalines, người bị ám sát năm 1806. Hoa Kỳ không công nhận nền độc lập của Haiti suốt 58 năm, cho đến 1862, dưới thời Tổng thống Lincoln.

1825 – Pháp công nhận nền độc lập của Haiti nhưng áp đặt các khoản bồi thường khắc nghiệt đối với các nô lệ cũ của Pháp vì bị mất thu nhập. Các khoản vay mà Haiti mượn của các ngân hàng Pháp để trang trải khoản nợ, và lãi suất sau đó, chỉ được hoàn trả đầy đủ vào năm 1947.

1915 – Hoa Kỳ xâm lăng Haiti, 28 năm sau mới rút ​​quân khỏi hòn đảo, vào năm 1943, nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát tài chính và ảnh hưởng chính trị.

1937 – Trong cuộc bạo đội dữ dội nhất do sự cạnh tranh lâu đời với nước Cộng hòa Dominica láng giềng, hàng nghìn người Haiti ở khu vực biên giới bị quân đội Dominica tàn sát theo lệnh của nhân vật độc tài Rafael Trujillo.

1957 – Francois “Papa Doc” Duvalier nắm quyền với sự hậu thuẫn của quân đội, mở ra một thời kỳ được xác định là tràn ngập những vi phạm nhân quyền.

1964 – Duvalier tuyên bố mình là tổng thống trọn đời. Chế độ độc tài của ông được đánh dấu bằng sự đàn áp, của cảnh khối mật vụ Tonton Macoutes đáng sợ.

1971 – Jean-Claude còn gọi là ‘Baby Doc’, con của Duvalier kế vị khi ông qua đời hay. Sự kìm kẹp gia tăng. Trong những thập kỷ tiếp theo, hàng ngàn “thuyền nhân” Haiti vượt biển đến Florida, nhiều người chết trên đường tị nạn.

1986 – Cuộc nổi dậy của quần chúng buộc Baby Doc phải chạy trốn khỏi Haiti để sống lưu vong ở Pháp. Trung tướng Henri Namphy lên thay.

1988 – Tướng Prosper Avril lật đổ Namphy trong một cuộc đảo chính.

1990 – Avril tuyên bố tình trạng bị bao vây trong lúc dân chúng biểu tình nhưng từ chức dưới áp lực quốc tế trước khi có cuộc bầu cử.

1990 – Cựu linh mục Jean-Bertrand Aristide, một nhân vật đấu tranh cánh tả cho người nghèo, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên của Haiti. Ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 1991.

1994 – Quân đội Hoa Kỳ can thiệp để lật đổ chế độ quân sự và Aristide quay trở lại. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc được đến Haiti năm 1995 và Rene Preval, cận thần của Aristide, được bầu làm tổng thống.

1999 – Aristide được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai bất chấp kết quả còn tranh cãi.

2004 – Bất ổn chính trị buộc Aristide phải bỏ trốn. Đất nước lâm vào cảnh bạo tàn.

2006 – René Préval thắng trong cuộc bầu cử.

2008-2010 – Các cuộc biểu tình nổ ra do tình trạng thiếu lương thực, bùng phát dịch tả và tranh chấp bầu cử.

Nhiều khu vực trong thủ đô Port-au-Prince của Haiti đã bị trận động đất mạnh 7,3 độ Richter phá hủy vào ngày 12/1. Ảnh chụp ngày 15 tháng 1 năm 2010. Nguồn: IFRC / Eric Quintero

2010 – Một trận động đất giết chết 300.000 người. Bất chấp nỗ lực cứu trợ quốc tế, đất nước này vẫn đang chưa tự đứng dậy, làm trầm trọng thêm các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế.

2011 – Michel Martelly thắng cuộc bầu cử tổng thống vòng hai.

2012-2014 – Các cuộc biểu tình chống chính phủ thường xuyên được thúc đẩy do tham nhũng và nghèo đói. Những người biểu tình yêu cầu Martelly từ chức.

2016 – Bão Matthew giết chết hơn 850 người và khiến hàng chục nghìn người mất nhà cửa.

2017 – Jovenel Moise, một người xuất cảng chuối trở thành chính khách, được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

2019 – Moise dần tóm thu quyền lực và các cai trị bằng sắc lệnh sau khi Haiti không tổ chức bầu cử do bế tắc chính trị và bất ổn.

2021 – Moise bị bắn chết sau khi các tay súng nổ súng tấn công tại tư gia của ông vào ngày 7 tháng 7.

2021 – Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết một trận động đất 7,2 độ richter tấn công miền tây Haiti vào ngày 14 tháng 8, có khả năng gây ra thương vong cao và thảm họa trên một khu vực rộng lớn.

Mọi người đi bộ dọc theo con phố bên cạnh các tòa nhà bị phá hủy sau trận động đất ở Jeremie, Haiti vào ngày 14 tháng 8, 2021. Ảnh: của Twitter @JCOMHaiti qua Reuters
Người Haiti trở thành kẻ vô gia cư trong trận động đất năm 2010 đứng bên ngoài lều của họ ở ngoại ô Port–au–Prince Ngày 13 tháng 1 năm 2011. REUTERS / Jorge Silva / File Photo

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn:  Haiti’s history of violence and disasters | Reuters | August 14, 2021

Angus MacSwan, Frank Jack Daniel và Daniel Wallis soạn thảo; Andrew Heavens và Matthew Lewis biên tập.