Nghiên cứu về nhân viên y tế ở Việt Nam vẫn nhiễm biến thể Delta sau khi đã chích ngừa bị bóp méo trên mạng
Jude Joffe-Block và Arijeta Lajka | DCVOnline
Bài báo đổ lỗi sai cho việc gia tăng số lây nhiễm COVID-19 mới do biến thể Delta gây trong số những người đã chích ngừa, vì họ coi như những người “siêu lây nhiễm như kiểu Typhoid Mary”.
Xuyên tạc
Một luận văn đăng trước khi in của Nhóm Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford nhiều uy tín, đăng ngày 10 tháng 8 trên trang nhà của tạp chí The Lancet, cho thấy những người đã chích ngừa có virus gây COVID-19 trong mũi 251 lần nhiều hơn so với những người chưa chích ngừa.
Nhận định của AP
Sai. Nghiên cứu nói trên đang bị xuyên tạc. Nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy những nhân viên y tế đã chích ngừa và vẫn bị nhiễm COVID-19 do biến thể coronavirus Delta gây ra có tải lượng virus cao hơn — số virus ở một người — so với những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 vì các chủng virus trước đó. Hơn nữa, những nghiên cứu khác so sánh tải lượng virus giữa những bệnh nhân nhiễm delta đã chích ngừa và chưa chích ngừa đã thấy lượng virus tương tự ở hai nhóm.
Sự Thật
Trang web, The Defender, của tổ chức chống thuốc chích ngừa, Children’s Health Defense, đã đăng một bài báo trong tuần này, xuyên tạc và bóp méo những kết quả của một nghiên cứu gần đây về việc những nhân viên làm việc ở bệnh viện dù đã chích ngừa ở Việt Nam vẫn bị lây nhiễm biến thể Delta.
Bs Peter A. McCullough viết bài báo gây hiểu lầm đó tuyên bố nghiên cứu của ĐH Oxford đã phát giác ra rằng những người đã chích ngừa mang “lượng virus COVID-19 gấp 251 lần trong mũi của họ so với những người chưa được chích ngừa, là mối đe dọa đối với những bệnh nhân chưa được chích ngừa, người lao động.”
Bài báo đổ lỗi sai cho việc gia tăng số lây nhiễm COVID-19 mới do biến thể Delta gây trong số những người đã chích ngừa, vì họ coi như những người “siêu lây nhiễm như kiểu Typhoid Mary”.
Robert F. Kennedy Jr., người lãnh đạo Children’s Health Defense và có tiền sử đăng thông tin sai lệch về thuốc chích ngừa, đã tweet bài báo trong và được chia sẻ 3.000 lần.
Theo Nhóm Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, đơn vị thực hiện nghiên cứu với sự hợp tác của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thì bài báo của McCullough và những bài khác đăng trên mạng xã hội liên quan đến nó đã bóp méo kết quả nghiên cứu; trong một email, Chi Ngo, nhân viên truyền thông cao cấp của nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói với Associated Press,
“Thật không may là nghiên cứu của chúng tôi đã bị một trang web chống thuốc chích ngừa hiểu sai hoàn toàn và trích dẫn sai.”
Chi Ngo
Ngô cho biết nhóm nghiên cứu không ủng hộ “bất kỳ tuyên bố nào” viết trong bài báo của McCullough và báo cáo các bài đăng trên mạng xã hội đang phát tán thông tin sai lệch.
Nghiên cứu của Đại học Oxford không so sánh những người đã chích ngừa bị nhiễm biến thể Delta với những người nhiễm Delta và chưa chích ngừa. Thay vào đó, luân văn nghiên cứu đó so sánh tải lượng virus của các nhân viên của bệnh viện đã chích ngừa bị nhiễm biến thể Delta với tải lượng virus của những người bị nhiễm COVID-19 do những biến thể trước đó giai đoạn đầu của đại dịch. Luận văn báo cáo của ĐH Oxford viết,
“Lượng virus của các người đã chích ngừa và nhiễm COVID-19 vì biến thể Delta cao hơn 251 lần so với các trường hợp bị nhiễm bệnh vì các chủng cũ của SARS-Co-V-2 được phát giác trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2020.”
Đại học Oxford
Mặc dù đúng là chưa có thuốc chích ngừa vào thời điểm đó, nhưng mục đích của nghiên cứu này nhằm so sánh các chủng coronavirus khác nhau ảnh hưởng như thế nào đến tải lượng virus chứ không phải nghiên cứu về hiệu quả của việc chích ngừa.
Các nhân viên y tế trong nghiên cứu trước đó đã được tiêm thuốc chích ngừa AstraZeneca nhưng đã bị nhiễm bệnh đột biến vào tháng Sáu. Nghiên cứu của Oxford đã được The Lancet đăng trực tuyến vào ngày 10 tháng 8, nhưng vẫn chưa được bình duyệt hoặc được công bố chính thức trên một tạp chí khoa học.
Theo Chi Ngo, nghiên cứu đó cho thấy biến thể Delta có khả năng lây truyền cao và nguy hiểm hơn so với các chủng virus trước đó, và do đó các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội vẫn cần được áp dụng ngay cả đối với những người đã được chích ngừa. Ông nói,
“Chúng tôi ủng hộ việc chích ngừa và tin rằng việc chích ngừa có hiệu quả cao để người nhiễm (đột phá) không phải vào bệnh viện hay chết vì Covid-19.”
Chi Ngo
Robert F. Kennedy Jr. nói với AP rằng tổ chức của ông đã duyệt xét bài báo của McCullough dựa trên các nhận xét của Nhóm Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford. Kennedy nói:
“Chúng tôi tin chắc mọi chi tiết trong bài báo của chúng tôi là chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ đặt thêm các liên kết đến những bài báo gần đây cho thấy tải lượng virus tương đương trong các nhóm người đã chích ngừa và chưa chích ngừa.”
Robert F. Kennedy Jr.
Các nghiên cứu khác gần đây so sánh nhiễm biến thể Delta ở những người đã chích ngừa và không được chích ngừa thấy rằng ra hai nhóm có tải lượng virus tương tự nhau chứ không phải những người được chích ngừa mang nhiều virus hơn.
Dave O’Connor, giáo sư khoa bệnh lý và phòng thí nghiệm y học tại Đại học Y khoa và Y tế Công cộng thuộc Đại học Wisconsin, người nghiên cứu đề tài này nói,
“Dữ liệu hiện có, từ nhiều nghiên cứu, ở nhiều châu lục, cho thấy lượng vật thể di truyền của biến thể Delta đo được trong mũi tương đương nhau giữa những người chưa chích ngừa và những người bị nhiễm dù đã chích ngừa.”
Dave O’Connor
Và trái ngược với tuyên bố sai trong bài báo của McCullough, giới khoa học nói rằng có bằng chứng cho thấy những người đã chích ngừa bị nhiễm biến thể Delta ít có khả năng lây nhiễm cho người khác hơn so với những người không chích ngừa.
Jennifer Nuzzo, một học giả hang đầu tại Trung tâm An ninh Y tế của Đại học Johns Hopkins, cho biết những người đã chích ngừa và nhiễm biến thể Delta của virus có thể hết bệnh nhanh hơn những bệnh nhân không chích ngừa. Nuzzo cho biết
“Việc này giúp những người đã chích ngừa bị nhiễm ít có thể bị bệnh nặng, nhưng cũng khiến họ ít có thể truyền bệnh cho người khác hơn so với những người nhiễm Delta không chủng ngừa.”
Jennifer Nuzzo
McCullough đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận trước khi bản tin này đăng tải.
***
Đây là một phần trong những cố gắng của AP nhằm giải quyết việc thông tin sai lệch phán tán khắp nơi, kể cả sự hợp tác với các công ty và tổ chức bên ngoài để có thêm bối cảnh thực tế cho những bài báo có nội dung gây hiểu lầm đang lưu hành trực tuyến. Tìm hiểu thêm về xác minh thông tin tại AP.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Study on breakthrough delta cases in Vietnam misrepresented online | Jude Joffe-Block And Arijeta Lajka | AP | Aug. 27, 2021.