Phương Tây có thể có lợi bằng cách đối thoại thực dụng với Taliban sau cuộc thất bại ở Afghanistan

Patrick Wintour | DCVOnline

Một thỏa thuận có thể chấp nhận được với chế độ mới ở Afghanistan đòi phải có biện pháp ngoại giao cẩn thận

Một binh sĩ Taliban đứng gác khi những người Afghanistan chụp ảnh một chiếc xe có dàn phóng hỏa tiễn ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: Reuters

Lịch sử chiến tranh có rất nhiều bên thua cuộc trăn trở để chấp nhận sự kiện hoặc ngay cả sự thật là họ đã bị đánh bại. Khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, thủ tướng Đức khi đó là Philipp Scheidemann, trước khi Đức ký Hiệp ước Versailles, tuyên bố:

“Cầu mong bàn tay trói chặt chúng ta trong xiềng xích đó tàn úa.”

Năm 1919: Người Đức phá vỡ cỗ máy chiến tranh bên ngoài Berlin. Theo các điều khoản của Hiệp ước Versailles, Đức buộc phải giải giáp. Chiếc xe tăng này thực ra là xe tăng của Anh, bị quân Đức tịch thu và cho quân dội Đứcn dùng trong cuộc chiến. Ảnh: Hulton Archive / Getty Images

Một số yêu cầu của Mỹ và đồng minh về cách Taliban phải ứng xử hiện cũng là một loại không chấp nhận thất bại tương tự. Mỹ làm như vẫn còn kiểm soát Kabul, ra lệnh về hành động của Taliban trong tương lai, từ việc thả người tị nạn cho đến thanh phần chính phủ tương lai, chính sách chống khủng bố và vị trí của phụ nữ trong xã hội Afghanistan.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dùng một giọng điệu thực dụng hơn, nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán với Taliban không ngụ ý là sự công nhận chính phủ đó và nói rằng phương Tây sẽ đặt ra ba điều kiện rõ ràng để chính phủ Taiban có thể được công nhận.

Ông nói rằng Taliban cần phải tôn trọng luật nhân đạo bằng cách cho phép những người đủ điều kiện xin tị nạn được rời đi, đồng thời đưa ra “một đường lối rất rõ ràng” về việc khủng bố.

“Nếu họ thỏa hiệp với các phong trào khủng bố hiện có ở Afghanistan và khu vực thì điều đó rõ ràng là không thể chấp nhận được đối với tất cả chúng ta.”

Emmanuel Macron

Ông nói, lĩnh vực thứ ba là nhân quyền và “đặc biệt là tôn trọng phẩm giá của phụ nữ Afghanistan.”

Tất nhiên, phương Tây có một số quân bài khi đặt ra những điều kiện này. Dù có hoặc không có sự hỗ trợ của Nga và Trung Hoa, nó có thể không công nhận chính quyền Taliban, phong tỏa khối tài sản hàng tỷ đô la, bảo đảm viện trợ nhân đạo chỉ dành cho những bên thứ ba và – nếu Dominic Raab, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Quốc có thể tin tưởng được – yêu cầu Ấn Độ, chủ tịch hiện tại của ủy ban cấm vận của Liên Hợp Quốc, đưa ra các hình phạt đối với một nhóm lớn các thủ lĩnh Taliban hơn hiện tại.

Nhưng hiện tại, với sự khuyến khích của Qatar, quốc gia trung gian quan trọng với Taliban, trọng tâm là việc thiết lập một thỏa thuận với chế độ mới – mặc dù có thể đang gặp khó khăn hơn do các cuộc không kích của Mỹ giết chết thường dân ở Kabul để truy quét ISIS.

Vào tối Chủ nhật, Hoa Kỳ cho biết Taliban đã đạt được thỏa thuận với khoảng 90 quốc gia để cho tất cả người nước ngoài và người Afghanistan có giấy thông hành rời khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Taliban không phải là bên đồng ký kết.

Thay vào đó, suy nghĩ đằng sau bản đồng tuyên bố do UK công bố hôm Chủa Nhật dường như để thử thách bản lĩnh của Taliban. Ví dụ, Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết:

“Chúng tôi hy vọng rằng sân bay dân sự cuối cùng có thể mở cửa và sẽ có các chuyến bay dân sự để người Afghanistan có thể rời khỏi đó một cách an toàn. Chúng tôi đã đưa ra một thông điệp rõ ràng cho Taliban: những ai muốn rời xứ sở phải được phép di chuyển một cách an toàn.”

Bộ Ngoại giao Na Uy

Một cuộc họp do Mỹ chủ tọa tại Doha hôm thứ Ba gồm các đối tác cùng chí hướng trong G7, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, nhằm kiểm tra thêm những bảo đảm của Taliban và đánh giá những gì có thể yêu cầu họ chấp thuận.

Taliban, một mặt, có thể nghĩ là hợp lý khi loại bỏ những người mà họ cho là bị nhiễm tư duy phương Tây ra khỏi xứ sở, nhưng mặt khác, họ lại miễn cưỡng để những người “giỏi nhất và sáng giá nhất” của đất nước bỏ trốn.

Những câu chuyện về những người ủng hộ chính phủ cũ bị vây bắt cho thấy Taliban không vội vàng mở cửa để họ đi thoát, trong khi hình ảnh các cuộc tụ tập sinh viên đại học toàn nam là dấu hiệu cho thấy phụ nữ đã bị đuổi về nhà. Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy những cựu lãnh đạo Al-Qaida đang lái xe qua Kabul.

Taliban là những bậc thầy trong việc kéo đai các cuộc đàm phán [như Bắc Việt ở hội đàm Paris trước khi ký hiekp ước 1973], như quan điểm của John Bew, cố vấn chính sách đối ngoại của Boris Johnson, khi ông cùng viết một bài báo năm 2014 có tựa đề Nói chuyện với Taliban lập luận rằng “sự thay đổi theo hướng ôn hòa của Taliban đã không chứng thực cho những sự kiện diễn ra trên thực tế.”

Báo cáo do Trung tâm Belfer công bố cho thấy quy trình hội đàm tổng thể “đã bị cản trở vì những suy nghĩ viển vông, sử dụng sai các bài học lịch sử, hoạch định chính sách mang tính phản ứng và dự kiến”, bao gồm cả sự mâu thuẫn trong chiến lược “vừa đánh vừa đàm”. Người ta cũng cảnh cáo rằng Pakistan đã không tham gia và như kinh nghiệm của Liên Xô với Taliban cho thấy, Pakistan có thể hành động như những kẻ phá hoại rất hiệu quả.

Kể từ báo cáo đó, rõ ràng là không có nhiều thay đổi. Taliban kiên quyết hứa một điều ở Doha và sau đó lại làm điều khác ở Herat. Kết quả là, một mức giá cao hiện đang được thảo luận tại cuộc họp Doha dựa trên những việc làm của Taliban, chứ không phải lời nói – không khác nhận xét của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu về người cộng sản trong chiến tranh Việt Nam

Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc họp Doha cho thấy các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra về sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc điều hành phi trường Kabul để tiếp tục vận chuyển những người tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ đã cổ võ cho vai trò này từ nhiều tháng, để mắt đến cơ hội giành được chỗ đứng ở Afghanistan và đồng thời giúp đỡ chính quyền Biden. Nhưng các cuộc đàm phán dường như đã đổ vỡ khi Taliban yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi đất Afghanistan. Đức cho biết hôm thứ Tư hiện đang đề nghị viện trợ cho một chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.

Macron đã đẩy mạnh nhất ý kiến về sự hỗ trợ của Liên hiệp quốc cho một khu vực an toàn ở Kabul để giúp di tản và gửi một thông điệp đến Taliban rằng

“nếu muốn tiến lên và để một đất nước mở cửa cho phần còn lại khu vực và thế giới, Taliban phải tôn trọng các quy tắc nhân đạo và để tất cả những người đàn ông và phụ nữ muốn được bảo vệ được bảo vệ.”

Macron

Pháp đang tìm sự yểm trợ của Nga và Trung Hoa tại hội nghị thượng đỉnh hội đồng an ninh Liên Hiệp Quốc ở New York vào tối thứ Ba, nhưng điều đó không có gì bảo đảm.

Heiko Maas

Nhưng tất cả những điều này không chỉ phụ thuộc vào thỏa thuận của Taliban. Các nước láng giềng, chẳng hạn như Uzbekistan, Tajikistan, Pakistan và Qatar, có thể trở thành trung tâm xử lý cần phải đồng ý tiếp nhận bất kỳ người tị nạn nào được gửi bằng máy bay từ sân bay Kabul hoặc đường bộ. Heiko Maas, ngoại trưởng Đức, đang có chuyến công du 4 ngày qua các quốc gia này để tìm hiểu những gì họ cần. Có thể là điều hợp lý nếu ông ấy kéo dài hành trình đến Iran, nơi hàng chục nghìn người Afghanistan đã vượt qua biên giới.

Chuyến đi như của Heiko Maas là một hình thức ngoại giao thực tế sâu sắc đã thiếu trong những tháng gần đây, đặc biệt là từ Bộ Ngoại giao Anh Quốc.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: West may benefit from pragmatic approach after defeat to Taliban | Patrick Wintour | The Guardian | Aug. 30, 2021.