Giáo hoàng: Đừng đưa người di cư trở lại Libya và các trại ‘vô nhân đạo’

 Frances D’Emilio (AP) | DCVOnline

VATICAN CITY (AP) – Hôm Chủ Nhật, Giáo hoàng Phanxicô đã khẩn thiết kêu gọi chấm dứt việc trả những người di cư được cứu trên biển về Libya và các quốc gia không an toàn khác, nơi họ phải chịu đựng “bạo lực bất nhân”.

Giáo hoàng Phanxicô ban phép lành khi đọc lời cầu nguyện Angelus vào buổi trưa của từ cửa sổ phòng nhìn ra Công trường St.Peter, tại Vatican, Chủ nhật, ngày 24 tháng 10 năm 2021. (Ảnh AP / Andrew Medichini)

GH Phanxicô cũng đi vào một cuộc tranh luận chính trị gây nhiều tranh cãi ở châu Âu, kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra những cách thức cụ thể để giải quyết “dòng người di cư” ở Địa Trung Hải. GH Francis nói,

“Tôi bày tỏ sự cảm thông với hàng nghìn người di cư, tị nạn và những người khác cần được bảo vệ ở Libya. Tôi không bao giờ quên anh chị em, tôi nghe thấy tiếng khóc của anh chị em và tôi cầu nguyện cho tất cả.”

GH Francis

Theo nhà chức trách, ngay cả khi Giáo hoàng kêu gọi có những thay đổi về chính sách di cư và bày tỏ tấm lòng trong bài phát biểu trước công chúng tại Công trường Thánh Peter, hàng trăm người di cư đang ở trên biển ở trung tâm Địa Trung Hải chờ một hải cảng sau khi được giải cứu hoặc gần đây đã vào bờ ở Sicily hoặc vào đất liền của Ý sau khi ra khơi từ Libya hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng chục người khác đã gửi lời cầu cứu từ một chiếc xuồng  cao su mỏng manh. GH Francis nói thêm, sau khi giải cứu trên biển,

“Rất nhiều người trong số những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em này phải chịu bạo lực vô nhân đạo. Tuy nhiên, một lần nữa tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế giữ lời hứa tìm ra các giải pháp chung, cụ thể và lâu dài để giải quyết các dòng người di cư ở Libya và ở Địa Trung Hải.  Những người được gửi trở lại đã quá đau khổ” .

GH Francis

GH nói, những cơ sở giam giữ ở Libya,  “là những trại tập trung thực sự.”

“Chúng ta cần ngưng việc đưa người di cư trở lại các quốc gia không an toàn và ưu tiên cho việc cứu sống con người trên biển bằng các quy tắccứu cấp và lên bờ có thể dự đoán được, để bảo đảm cho họ có điều kiện sống đàng hoàng, những lựa chọn thay thế cho việc giam giữ, những con đường di cư và tiến trình xin tị nạn thông thường.”

GH Francis

Giới hữu trách của Cao ủy tị nạn của Liên hiệp quốc và các tổ chức nhân quyền từ lâu đã tố cáo về điều kiện sống tại các trung tâm giam giữ người di cư ở Libya, cho thấy họ bị đánh đập, hãm hiếp và các hình thức tra tấn khác và không có đủ lương thực. Những người di cư phải chịu đựng hàng tuần và hàng tháng trong những điều kiện đó, chờ được đi trên những chiếc xuồng cao su không phù hợp hoặc những chiếc thuyền đánh cá ọp ẹp do những kẻ buôn người sắp đặt.

Hôm Chủ nhật, nhóm nhân đạo Alarm Phone cho biết có 60 người đã liên hệ với họ để nói rằng họ đang cần được giải cứu khỏi chiếc thuyền cao su mỏng manh của họ. Nhưng sau đó Alarm Phone cho biết họ đã mất liên lạc với chiếc xuồng đang xì hơi. Tổ chức này cho biết một tàu buôn đang đến với chiếc xuồng, có vẻ như đang nằm trong khu vực tìm kiếm và cứu nạn của Malta.

Riêng tổ chức Bác sĩ không biên giới, cho biết 296 người di cư trên tàu cứu cấp Geo Barents đang chờ được phép ở vùng biển ngoài khơi Malta để cặp bến lên bờ. Sáu người di cư có kết quả xét nghiệm nhiễm COVID-19, nhưng do điều kiện quá đông người trên tàu, rất khó để giữ họ đủ giãn cách với những người khác.

Tại Sicily, một con tàu do tổ chức từ thiện Sea-Watch của Đức điều hành, với 406 người di cư được cứu trên tàu, đã được phép vào cảng.

Trong khi hàng trăm nghìn người di cư đã khởi hành trên nghững chiếc thuyền của những kẻ buôn người đi đến các bờ biển châu Âu trong những năm gần đây và đặt chân lên Sicily hoặc các hòn đảo gần đó của Ý, nhiều người đến được đất liền của Ý.

Giới hữu trách của Hội Hồng thập tự ở Roccella Ionica, một thị trấn trên bờ biển của “ngón chân” của bán đảo Ý hôm Chủ nhật cho biết khoảng 700 người di cư, một số từ Afghanistan, đã đến bờ biển Calabria trong những ngày gần đây trên những chiếc thuyền dường như khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Đài truyền hìnhcủa chính phủ RAI cho biết, nhà chức trách cho biết trong năm nay, khoảng 3.400 người di cư đã tới Roccella Ionica, một thị trấn có 6.000 dân, so với 480 người trong cả năm 2019. Những người di cư đến trong vài ngày qua đang được tập trung trong các lều tạm trú, .

Ý và Malta đã bị những người ủng hộ nhân quyền chỉ trích vì để người di cư trên những chiếc thuyền cứu cấp quá đông trước khi cho phép họ đến một bến cảng an toàn.

Lực lượng tuần duyên Libya, do Italy huấn luyện và trang bị, cũng bị chỉ trích vì giải cứu người di cư trong vùng biển Libya và sau đó đưa họ trở về đất liền, vào các trung tâm giam giữ đang chờ đợi họ.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã tweet vào thứ Sáu rằng thủy thủ đoàn trên tàu Geo Barents đã “chứng thấy sự can thiệp” của lực lượng tuần duyên của Libya. Tổ chức nhân đạo này cho biết,

“Chúng tôi không biết chính xác số người bị chặn. Nhưng chúng tôi biết rằng họ sẽ bị đưa đến các trại giam giữ nguy hiểm và bị bạo hành và lợi dụng.”

Tổ chức Bác sĩ không biên giới

Với sự phổ biến ngày càng tăng của các đảng cánh hữu, chống người di cư ở Ý trong những năm gần đây, chính phủ Ý đang phải chịu áp lực chính trị trong nước ngày càng tăng nhằm trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Ý, cùng với Malta, cũng đã vận động các nước bạn của Liên minh châu Âu, phần lớn là vô ích, để tiếp nhận một số người đã được cứu trên biển, vì nhiều người di cư đang hy vọng tìm thấy người thân hoặc làm việc ở nơi khác ở châu Âu. Kết thúc bài hát biểu GH Francis nói,

“Tất cả chúng ta hãy cảm thấy có trách nhiệm với những anh chị em này của chúng ta, những người đã là nạn nhân của hoàn cảnh hết sức nghiêm trọng này quá nhiều năm rồi.”

GH Francis

© 2021 DCVOnline 

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net” 


Nguồn: Pope: Don’t send migrants back to Libya and ‘inhumane’ camps | FRANCES D’EMILIO | AP | October 24, 2021