Chiến tranh và Ký ức Tuổi thơ

Thu Hằng

U…U…u…!!!! Còi báo động hụ lên từ chiếc loa gỗ trên tường hòa cùng tiếng còi âm vang phát ra từ Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Trên đường, mọi người chạy vội vàng, chỉ lúc sau đã vắng tanh.

Chúng tôi trèo xuống cái hầm nhỏ đào dưới gầm ban thờ trong nhà, hai chân dầm trong nước lạnh buốt. Thu xếp cho các anh chị xong, bố tôi bế tôi ra đường, dúi tôi xuống chiếc hầm tăng xê được đào sẵn trên vỉa hè ngoài phố dặn vội: “Con ngồi im đấy chờ còi báo yên nhé” rồi đậy chiếc nắp tròn tròn lên trên.

Lớn lên tôi mới hiểu, bố mẹ tôi sợ bom nổ chết tất cà đàn con nên mỗi khi báo động phải chia các con sang hai hầm. Tôi chờ mãi, còi báo yên lâu rồi mà vẫn không thấy bố ra đưa lên. Chơi chán với trò “đào đất giấu kim” tôi nhìn lên trên bầu trời qua cái lỗ nhỏ của nắp hầm, nghịch nghịch với tia sáng rọi từ trên xuống thành một cột ánh nắng có những hạt bụi li ti bay lượn bên trong. Lúc đó tôi là một cô bé con lên 8 tuổi, vừa đủ để ghi nhớ những gì mà một đứa bé có thể nhớ về thời kì bom đạn đó.

Bố mẹ cho năm anh em chúng tôi sơ tán về nhà một người bà con họ xa — thôn Bằng B gần chùa Tứ Kỳ, huyện Thanh Trì. Nơi đó chỉ cách Tháp Rùa khoảng 10 cây số. Khi ấy, chỗ nào không gần nhà máy, không gần các trọng điểm giao thông để có thể làm mục tiêu đánh bom thì với bố mẹ tôi, đó là nơi an toàn. Bố mẹ ở lại Hà Nội đi làm, gửi gắm tất cả chúng tôi cho các bác ở quê trông nom, chỉ thỉnh thoảng tới chủ nhật, bố mẹ tôi mới tranh thủ đạp xe về thăm.

Tác giả về thăm nơi sơ tán thời chiến tranh, thôn Bằng B, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh của tác giả chụp năm 2015

Bác họ tôi có bốn người con, chúng tôi có năm đứa, lại còn ba đứa của họ hàng bên bác gái họp lại thành một tiểu đội trẻ con đông đúc nhộn nhịp. Người lớn tập trung đào một cái hầm rất to và sâu, trên nóc được gác bằng những cây tre dài vẫn còn xanh nõn. Chúng tôi ì ạch bê đất đắp lên nóc hầm. Cửa hầm là một tấm rời, cũng được đắp đất dày nặng trịch, việc đóng cửa hầm bao giờ bác trai và bác gái cũng giành làm, chúng tôi luôn phải xuống hầm trước tiên cho dù rất muốn nấn ná lại để xem máy bay.

Chiến tranh có thể kéo dài nên dù sơ tán trẻ con vẫn phải đi học. Trường học huy động phụ huynh đến đào hầm, bác tôi cử các anh chị lớn thay mặt bố mẹ cả lũ đến lao động. Chị họ tôi bị mảnh sành đâm vào chân, máu chảy rất nhiều, hôm đó là ngày chị đi đào hầm cho lớp tôi. Chị cứ băng chân như thế mà đi đào thay suất của nhà mấy đứa còn lại. Lúc đang học có báo động, chúng tôi đội mũ rơm chạy ngoằn ngoèo trong giao thông hào rồi chui vào các căn hầm chữ A ở sân trường. Chị tôi đan mũ rơm rất đẹp, tôi cũng học đan, mũ của tôi thô thiển nặng trịch như cái gầu múc nước giếng, tôi vứt nó đi, đội mũ trẻ con xinh xinh chị đan cho vừa nuột nà vừa nhẹ hơn nhiều.

Rồi một hôm còi báo động vang lên suốt cả ngày, ngồi trong hầm nghe tiếng máy bay gầm rú sát sạt. Tiếng bom nổ rung chuyển căn hầm chật chội. Đất từ nóc hầm rơi lộp bộp xuống đầu bọn trẻ con. Mấy đứa tôi cúi lom khom, hai tay nút chặt hai lỗ tai, miệng đọc lầm rầm mấy lời mà bác tôi dạy: “Nam mô A di đà Phật, Nam mô cứu khổ cứu nạn, Nam mô A di đà Phật…”. Đấy là đêm duy nhất chúng tôi không được phép lên mặt đất. Buồn ngủ quá, tôi nằm trong lòng bác gái, thiếp đi ngon lành mặc cho tiếng kẻng báo yên báo động và tiếng bom ùm oàm xa gần.

Sáng hôm sau, quang cảnh làng mạc thật là xơ xác, lá xanh, lá vàng rụng ngập vườn. Trên ngọn tre và rải rác ngoài sân phơi của hợp tác xã những đám nhiễu trắng máy bay thả xuống vương vãi từng búi tả tơi. Người lớn í ới gọi nhau, chạy rầm rập lo lấp hố bom. Bọn trẻ chúng tôi không có ai cai quản ngơ ngác hoảng sợ. Mấy chú bên cơ quan bố tôi đột ngột xuất hiện, ra lệnh tất cả trở về Hà Nội gấp. Không kịp tìm các bác để chào, chúng tôi theo các chú lục đục lên xe. Ngoài đầm cá chết phơi trắng bụng trên mặt nước, toàn cá mè ranh lưng đen mình có hoa lốm đốm. Chúng tôi đi vòng vèo mãi mới về được Hà Nội vì phải tránh các hố bom sâu hoắm cắt ngang đường.

Về đến nhà, chúng tôi thấy người lớn hớt hải nói chuyện bom rải thảm khu dân cư phố Khâm Thiên, Hà Nội và các vùng lân cận không còn an toàn nữa. Bố tôi có người bạn làm cùng cơ quan nhà ở Bắc Kạn, chú ấy sẽ đón cả nhà tôi lên đó lánh nạn. Bà và mẹ tôi bỏ tất cả việc buôn bán làm ăn cùng lũ con cháu lên đường ngay hôm sau. Bố tôi ở lại Hà Nội vì cơ quan vẫn làm việc.

Chúng tôi đi trên một chiếc xe tải, ngồi chen chúc trên thùng sau của ô tô. Tôi được dịp ngắm nhìn thỏa thích cảnh rừng núi xanh ngăn ngắt, những cái cây như cây tre mà thân và lá lại to một cách kì lạ. Xe chạy dọc theo một con sông nước trong văn vắt, nhìn rõ cả đáy với những tảng đá tròn trịa. Từ nhỏ đến lúc ấy, tôi chỉ thấy duy nhất sông Hồng đỏ ngầu nên không phân biệt được đâu là sông, đâu là suối. Sau này tôi mới biết đó là sông Cầu. Đường rất xấu, nhất là đoạn từ Thái Nguyên trở đi, tôi bắt đầu nôn nao, người mềm ra như cái giẻ rách. Mẹ tôi bế em út, có ai đó đi cùng trên thùng xe đã giúp chăm sóc lũ trẻ, người đó ôm tôi vào lòng, lau cho tôi khi tôi nôn thốc nôn tháo.

Sau này tôi đi thăm lại mới biết, từ đường chính vào tới nhà nơi chúng tôi tới phải đi bộ xuyên rừng 5 km, phải trèo đèo, băng rừng rất vất vả. Tôi không nhớ nổi làm cách nào mà tôi có mặt tại ngôi nhà sàn trên triền đồi sâu trong rừng Bạch Thông. Tôi chỉ nhớ những ấn tượng về những ngày sống giữa rừng đó, đầy những điều mới mẻ và hấp dẫn.

Cụ chủ nhà người dân tộc Tày họ Hà, cụ có mái tóc trắng muốt và vóc người cao lớn. Nhà cụ dồn lại nhường cho gia đình ở mấy gian cạnh bếp lửa, còn tôi được ở ghép với cô con gái út của cụ. Giữa sàn có một cái bếp hình vuông, mỗi chiều rộng chừng một mét rưỡi. Tối tối chúng tôi ngồi vây quanh, nướng tất cả cái gì có thể ăn được: Sắn, khoai, chuối, mía, quả cọ và cả chuột rừng bọn trẻ dân tộc bắt được trên đồi.

Trong mấy anh em, chỉ có mình tôi được đi học. Trường cấp 2 và cấp 3 rất xa, anh chị tôi không thể đi nội trú được. Trường học của tôi gần nhất mà với tôi vẫn thấy xa lắc xa lơ, đi từ 5 giờ sáng đến lớp vẫn bị muộn. Học trò miền núi xúm xít quanh tôi trêu chọc, chỉ chỏ cái áo hoa tôi mặc. Gặp thầy giáo, tôi vòng tay lễ phép: “Nọong chào thầy ạ!” như lời người lớn dặn. Bài học mà tôi vẫn còn nhớ được là bài “Tằng rườn pây bộ đội” có nghĩa là “Cả nhà đi bộ đội”. Thày gọi tôi lên đọc trước lớp. Đoạn dịch ra tiếng phổ thông, tôi đọc trôi chảy, diễn cảm hơn hẳn bọn trong lớp, nhưng đến phần tiếng dân tộc thì tôi đánh vần rất chật vật. Bọn trẻ dân tộc đứa nào cũng biết tiếng phổ thông, chúng ra sức thay nhau dạy tôi nói tiếng Tày, tôi thích lắm khi học được những từ mới và chả bao giờ bỏ lỡ dịp sử dụng. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ bập bõm được một số câu thông thường.

Sáng tôi dạy sớm, cô gái con cụ chủ nhà cũng phải dạy để đưa tôi đi học. Thấy phiền phức quá, mẹ tôi cho tôi nghỉ ở nhà mặc dầu cô ấy và tôi đều không có ý kiến gì. Thế là bắt đầu những ngày rong chơi lêu têu cùng các anh chị em Hà Nội và Bắc Kạn, Kinh và Tày của tôi.

Trẻ em sắc tộc thiểu số. Nguồn ảnh: Báo Lao động

Chúng tôi sống yên bình nơi rừng núi heo hút, nơi này không bao giờ nghe thấy tiếng còi báo động, không nghe thấy tiếng máy bay và tiếng bom. Chúng tôi lội dọc bờ suối để bắt những con cua nho nhỏ trong hốc đá, bắt những con nòng nọc ngoe nguẩy dưới vũng nước đọng. Tôi đeo con dao quắm nhỏ gõ sau lưng lạch cạnh, trèo lên nương sắn đào củ về thái mỏng ra phơi khô.

Gia đình chúng tôi tham gia mọi sinh hoạt của bà con trong bản, cùng làm mật, làm bánh, nấu rượu sắn, đi chợ phiên… Tôi còn giúp cô chủ nhà se bông thành sợi rồi dệt vải với một khung cửu nhỏ. Mảnh vải dệt xong cứng khèo và dày cộp, không được mịn màng như cái áo phin “Mùng 8 tháng 3” của tôi đang mặc. Cô ấy nhuộm chàm bằng thứ củ có vỏ màu nâu rồi khâu quây lại thành cái váy như của bà cụ chủ nhà. Tôi diện nó đi lại lăng xăng như một cô bé dân tộc chính cống.

Chúng tôi hàng ngày thường ăn một loại rau cải rất đắng và thịt khô hong trên gác bếp. Mỗi lần trong bản có người nào săn được thú rừng, nhà tôi cũng được chia một phần nho nhỏ bình đẳng với các gia đình khác. Giờ nhớ lại thật cảm động vì sự chia ngọt sẻ bùi của bà con dân bản với gia đình tôi trong lúc khó khăn ấy.

Im ắng được một thời gian rồi bố tôi lên, ông bảo hiệp định Pa ri được kí rồi, không còn chiến tranh nữa. Mẹ tôi hỏi đi hỏi lại xem điều đó có chắc chắn không cho đến khi bố tôi thuyết phục mãi mẹ mới chịu cho cả nhà trở về Hà Nội.

Về tới nhà, việc đầu tiên lại là đi học. Chán quá, tôi nhớ lúc chơi đùa chạy nhảy, nhớ rừng núi và những người bạn dân tộc Tày, tôi bảo mẹ: “Mẹ ơi, con muốn chiến tranh để được đi sơ tán!” Mẹ tôi nổi khùng mắng nhiếc tôi rất ghê gớm, không có bố tôi kịp thời can ngăn thì hôm đó tôi đã ăn trận đòn no nê. Ấm ức vô cùng cho tới một hôm xem triển lãm về môi trường được tổ chức tại Triển lãm Giảng Võ mới thấy tôi đáng bị đánh đòn không oan chút nào.

Bom bi CBU-24 (Cluster Bomb Unit) trưng bày tại Bảo tàng Quân khí  Hawthorne. Dây thép mắt cáo để ngăn trẻ em chơi với những quả bom hoặc mang một quả về nhà! Mỗi quả bom mẹ hay “quả ổi” chứa 600 mảnh thép (BLU-26, nguồn: New York Historical Society)
Mỗi quả bom mẹ hay “quả ổi” chứa 600 mảnh thép (BLU-26, nguồn: New York Historical Society)

Trong một gian trưng bày, người ta để lên bục một quả bom to mở chình ình, bên trong có rất nhiều quả tròn nhỏ như trái bóng tennit. Người thuyết minh nói: “Đây là bom bi, trong mỗi quả có 300 bom mẹ, mỗi bom mẹ có 350 viên bi, khi nổ hàng nghìn viên bi bắn ra gây sát thương tiêu diệt người bằng mảnh của nó…” Tai tôi ù đi, toàn thân ớn lạnh nổi gai ốc. Tôi chưa lần nào nhìn tận mắt những thứ từ trên trời rơi xuống như thế này. Bên cạnh còn có rất nhiều các loại bom đạn lớn nhỏ với các mức độ sát thương khác nhau… Trong tấm hình trên tường, các em bé cụt chân, tay vì bom đạn còn rơi rớt trong lòng đất, mở to mắt nhìn tôi ngây dại và đau đớn.

Sự tàn khốc của chiến tranh vẫn đang lẩn khuất rình rập đâu đây.

Vậy mà chiến tranh đã đi qua tôi với ký ức tuổi thơ trong sáng. Tôi không nhìn thấy sự chết chóc và máu đổ, không cảm nhận được cái đói và lạnh. Xung quanh tụi trẻ con chúng tôi chỉ thấy sự chở che đùm bọc ấm áp tình người và một thế giới đầy những điều thú vị của nơi chúng tôi đến.

Lúc có dịp nói chuyện với mấy anh lớn tuổi hơn, mọi người kể chuyện về ký ức bom đạn của mình bằng một giọng hào hứng vui vẻ nhưng thật rùng mình khủng khiếp. Con gái 9X của tôi không hề có một khái niệm gì về chiến tranh, nó sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Con lặng im lắng nghe tôi kể chuyện, chẳng bình luận, không biết trong đầu nó nghĩ gì?

Hỏi mẹ tôi về chiến tranh, bà nói: “Mẹ thà ăn cháo suốt quãng đời còn lại để không có chiến tranh nữa cũng cam lòng.

Tác giả về thăm nơi sơ tán thời chiến tranh, thôn Bằng B, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh của tác giả chụp năm 2015

Tôi viết ra những dòng này nhằm lưu giữ cho con gái lúc nào đó sẽ đọc lại. Còn tôi sẽ gác nó ở một nơi sâu thẳm trong ký ức rồi bình yên tận hưởng niềm hạnh phúc được sống trong hòa bình cũng lũ trẻ ngày hôm nay.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Thu Hằng, CHIẾN TRANH VÀ KÝ ỨC TUỔI THƠ, Facebook, 26/11/2021