“Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” Trong Nền Giáo Dục Hoa Kỳ
Sydney Tran
Trong vài ngày qua, cộng đồng mạng rộn lên vì đề nghị của Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa Học Trần Ngọc Thêm là nên bỏ “bớt” “Tiên học Lễ” ra khỏi học đường vì theo ông “Lễ” là sản phẩm của nền giáo dục phong kiến, Khổng Học.
Nhưng “Lễ” ở đây không phải là khuôn phép, phục tùng người trên, không phải là “Quân Xử thần tử, thần bất tử bất trung.” Mà “Lễ” ở đây là giá trị đạo đức căn bản mà bất cứ đứa trẻ nào đều cần học để trở thành một người tốt trong xã hội.
Lúc đầu tôi không nghĩ GS Thêm không biết sự khác biệt đó.
Nhưng sau khi đọc các bài ông giải thích (sau khi ông đọc 15 tập của bộ Hồ Chí Minh toàn tập) rằng “Tiên học Lễ” có liên quan đến khái niệm “trồng người” của nền “văn hóa âm tính (?) thụ động,” thì tôi thật sự nghi ngờ. Có thể ông GS TSKH Thêm chỉ hiểu chữ “Lễ” ở mức độ hẹp như vậy?
Anh Manh Kim đã có hai bài phản biện về khái niệm về chữ “Lễ” của ông Thêm nên tôi sẽ không đề cập đến vấn đề đó ở đây.
Trong bài viết này, tôi muốn trình bày thêm về đề tài đạo đức trong nền giáo dục Hoa Kỳ.
Dĩ nhiên là những con người tốt lành không từ trên trời rơi xuống. Lớp trẻ phải được giáo dục, đào tạo để lớn lên trở thành người tốt. Vì vậy, thời Việt Nam Cộng Hòa, các trường tiểu học và trung học có những lớp “Đức dục”dạy đạo đức/công dân giáo dục.
Nếu chú ý, chúng ta thấy là nền giáo dục của Mỹ không có những lớp dạy đạo đức, đức hạnh (moral, virtues). Xem chương trình giảng dạy của các trường mẫu giáo, tiểu học, và trung học, chúng ta sẽ không tìm được các lớp dạy “moral” hay “virture.”
Vậy các em học những đức tính tốt này từ đâu?
Trước khi trả lời, tôi xin mở ngoặc để nói về lý do tại sao các trường học công (public schools) không có lớp dạy đạo đức (moral.)
Mọi xã hội đều có một quy tắc đạo đức và trách nhiệm và người Mỹ dĩ nhiên luôn quan tâm tìm cách dạy cho trẻ em thấm nhuần quy tắc này trong trái tim và tâm trí.
Lớp người định cư đầu tiên đến Mỹ là những người theo đạo Tin Lành chạy trốn sự đàn áp tôn giáo bên Âu Châu. Vì là những người rất sùng đạo, từ những ngày đầu lập quốc, các trường học đã được họ dạy đạo đức theo Kinh Thánh.
Đến giữa thế kỷ 19, làn sóng người di cư từ Ireland, Đức và Ý đến Mỹ càng ngày càng đông. Lớp người này theo đạo Công giáo nên đã lập và phát triển những hệ thống trường học của riêng họ. Đến thế kỷ 20, các nhóm theo tôn giáo khác như những người Do Thái, những người theo đạo Hồi, và thậm chí những người theo hệ phái Tin lành khác cũng thành lập các trường học riêng. Mỗi nhóm đều dạy đạo đức dựa trên đức tin của họ.
Từ thập niên 60, dưới chính sách tách rời tôn giáo ra khỏi các hoạt động của cơ quan chính phủ (separation of church and state) các trường công lập tại Mỹ đã cấm dạy tôn giáo và cầu nguyện có tổ chức, cũng như hầu hết các loại nghi lễ và các biểu tượng của tôn giáo.
Để tránh rắc rối, lúc đầu các trường công lập ở Mỹ đã định phớt lờ đi, không dạy khoa đạo đức nữa. Lập tức, người ta phát hiện ra hai điều tệ hại nơi học sinh: điểm học sút giảm và các hành vi vô kỷ luật gia tăng.
Vì vậy các nhà giáo dục đã đưa ra giải pháp mới thay vì dạy đạo đức. Đó là Giáo Dục Nhân Cách (Character Education) bằng phương thức Hòa Quyện (Infustion)
Giáo Dục Nhân Cách
Nói một cách đơn giản, giáo dục nhân cách là dạy cho đứa trẻ có những đức tính tốt. Nếu cần định nghĩa chi tiết hơn thì giáo dục nhân cách là nỗ lực dạy cho đứa trẻ hiểu, quan tâm và hành động theo giá trị đạo đức của con người. Dạy để đứa trẻ biết điều gì là đúng, quan tâm đến đúng sai và luôn muốn làm việc đúng — ngay cả khi chúng phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài và cám dỗ từ bên trong.
Nhiều người nghĩ rằng bắt trẻ làm việc đúng là giáo dục nhân cách. Họ muốn lập thêm luật lệ, bắt trẻ phải làm theo luật, khen thưởng khi chúng nghe lời, trừng phạt khi chúng vi phạm.
Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ thì người ta thấy phương thức này không có ảnh hưởng lâu dài đến nhân cách của đứa trẻ.
Một số nhà giáo dục khác thì cho rằng phải dạy cho đứa trẻ có tư duy độc lập nhưng luôn tuân theo các nguyên tắc đạo đức trong cuộc sống. Dạy làm sao cho đứa trẻ có khả năng làm điều đúng ngay khi phải đối diện với các hoàn cảnh khó khăn.
Và họ tìm ra được cách dạy mới. Phương thức dạy nhân cách này hòa quyện vào các chương trình giáo dục từ mẫu giáo đến lớp 5 của học đường . Nó vừa đơn giản (chẳng hạn như cô thầy làm gương cho học sinh) vừa phức tạp (đòi hỏi sự quan tâm tham gia của phụ huynh và xã hội).
Phương Thức Giáo Dục Hòa Quyện
Hiện nay, nền giáo dục Mỹ đang áp dụng phương thức này để giúp cho đứa trẻ phát triển nhân cách ở mọi khía cạnh của cuộc sống.
Dưới đây là một số đặc điểm của mô hình:
- Trường được tổ chức để phát triển các mối quan hệ tốt giữa học sinh, thầy cô giáo và cộng đồng.
- Nhà trường là một môi trường luôn quan tâm đến học sinh, tạo sự liên kết yêu thương, đùm bọc nhau.
- Thúc đẩy học sinh tham gia các hoạt động xã hội chứ không phải chỉ là mọt sách.
- Học sinh hợp tác và cộng tác với nhau thay vì tranh đua.
- Các giá trị như sự công bằng, lòng tôn trọng và tánh trung thực là một phần của các bài học hàng ngày trong và ngoài lớp học.
- Học sinh được tạo nhiều cơ hội để làm các công tác có đạo đức trong các hoạt động phục vụ dân sinh.
- Kỷ luật và quản lý lớp học tập trung vào việc giải quyết những vấn đề chung hơn là khen thưởng và trừng phạt từng học sinh.
- Bỏ mô hình cũ và “dân chủ hóa” lớp học. Thầy cô không phải là cha mẹ bắt học sinh phải răng rắc tuân lời. Ngược lại nhiệm vụ của thầy cô là giúp học sinh tổ chức, hướng dẫn xây dựng thống nhất các chuẩn mực và giải quyết vấn đề dựa trên nền đạo đức nhân bản.
Giáo Dục Nhân Cách trong Các Lớp Khoa Học Xã Hội (Social Studies)
Để tìm hiểu thêm, người đọc có thể nghiên cứu nội dung của các lớp Khoa Học Xã Hội (Social Studies) từ lớp 1 đến lớp 5. Xin truy cập thêm ở những trang dưới đây:
- https://www.mheducation.com/…/subject/social-studies.html
- https://www.time4learning.com/…/ele…/social-studies.html
- https://www.hcpss.org/academics/elementary-social-studies/
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Sydney Tran, “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” Trong Nền Giáo Dục Hoa Kỳ, Facebook, 26/11/2021